Hậu cấu trúc luận (poststructuralism) là bước phát triển ít nhiều mang tính đột biến của cấu trúc luận bắt đầu vào khoảng cuối thập niên 1960.
Phát triển: phần lớn những cây bút tiêu biểu nhất của hậu cấu trúc luận cũng từng là những lý thuyết gia xuất sắc của cấu trúc luận; những vấn đề từng được đặt ra trong cấu trúc luận cũng tiếp tục ám ảnh các nhà hậu cấu trúc luận. Nhưng sự thay đổi này được gọi là “đột biến” vì nó không còn giữ bao nhiêu dấu vết cũ.
Rõ nhất là trong thái độ: trong khi cấu trúc luận tôn sùng tính khoa học, hậu cấu trúc luận tuyên bố thẳng thừng: đó chỉ là một ảo tưởng; trong khi cấu trúc luận tin tưởng có một chân lý nào đó đang chờ đợi được phát hiện, hậu cấu trúc biết rõ cái chân lý ấy có thể thay đổi và triển hạn đến không cùng; trong khi cấu trúc luận muốn đóng vai trò những anh hùng trong việc khám phá thế giới của những ký hiệu nhân tạo, trong đó có ngôn ngữ và văn học, hậu cấu trúc luận tiến hành tất cả những công việc khám phá ấy với một thái độ hoài nghi và ít nhiều diễu cợt.
Tuy nhiên, những thay đổi trong thái độ này, thật ra, chỉ là biểu hiện hay, đúng hơn, hệ quả của vô số những thay đổi khác trong quan điểm và phương pháp luận.
Thứ nhất, trong cách nhìn về ngôn ngữ: trong khi các nhà cấu trúc luận (structuralism), từ góc độ đồng đại (synchronic), nhìn ngôn ngữ như một hệ thống khép kín và tĩnh tại, các nhà hậu cấu trúc luận, phần nào chịu ảnh hưởng từ Mikhail Bakhtin, người vừa được dịch và giới thiệu ở Pháp vào giữa thập niên 1960, cho ngôn ngữ bao giờ cũng thuộc về một cuộc đối thoại nào đó, nghĩa là, bao giờ cũng ở trong quá trình vận động, do đó, gắn liền mật thiết với xã hội và lịch sử.
Sự khác biệt trong cách nhìn ngôn ngữ này dẫn đến sự khác biệt thứ hai trong cách ghi nhận đối tượng nghiên cứu: với các nhà cấu trúc luận, đó là từng đơn vị nhỏ và riêng lẻ như hình vị (morpheme), âm vị (phoneme), hoặc “huyền vị” (mythemes) - theo cách gọi của Levi-Strauss, với các nhà hậu cấu trúc luận, đó là diễn ngôn (discourse), tức ngôn-ngữ-đang-được-sử-dụng.
Nếu với các nhà cấu trúc luận, tất cả mọi hiện hữu đều là những hệ thống ký hiệu, tức là một loại ngôn ngữ, với các nhà hậu cấu trúc luận, tất cả đều là những hình thức diễn ngôn. Nếu với các nhà cấu trúc luận, mọi ký hiệu đều gắn liền với ý nghĩa, tức đều biểu đạt (signify) một cái gì đó, với các nhà hậu cấu trúc luận, mọi diễn ngôn, như Michel Foucault chứng minh, đều gắn liền với quyền lực, qua đó, các thiết chế và kỷ cương được hình thành.
Tính quyền lực của diễn ngôn mạnh đến độ, một lúc nào đó, trong lịch sử, con người và các hoạt động của con người, từ vị thế chủ nhân, trở thành sản phẩm của diễn ngôn: Ví dụ, theo sự phân tích của Foucault, đời sống sinh lý của con người, khi được diễn ngôn hoá, tức khi đã được phân loại và được ban phát cho những ý nghĩa nhất định, lại trở thành yếu tố căn bản quy định bản sắc của cá nhân, buộc cá nhân phải cảm, nghĩ, hành xử và sống theo những diễn ngôn ấy.
Sự thay đổi trong đối tượng vừa kể dẫn đến sự thay đổi trong quan niệm về bản chất của văn học: với các nhà cấu trúc luận, văn học tồn tại dưới hình thức văn bản (text), mỗi văn bản có một cấu trúc duy nhất; với các nhà hậu cấu trúc luận, mỗi văn bản lại liên hệ với nhiều văn bản khác đã có trước đó, do đó, các văn bản chỉ chia sẻ với nhau một số “mã” (codes) chung nhưng không có văn bản nào thực sự độc lập và biệt lập.
Ngay chính hiện thực cũng trở thành một thứ văn bản, hình thành bởi các “mã” khác nhau. Bởi vậy, không có quan hệ tất yếu nào giữa tác phẩm với hiện thực mà chỉ có quan hệ giữa văn bản và văn bản mà thôi. Mỗi văn bản tồn tại trong quan hệ chằng chịt với vô số các văn bản khác: nó giống một bức khảm dệt bằng vô số các trích dẫn khác nhau.
Ðiều này dẫn đến hai hệ quả chính: một, văn bản là một cái gì luôn luôn dở dang, luôn luôn được hình thành, tồn tại trong quá trình “sản xuất” liên tục; hai, tính thống nhất của nó không ở nơi xuất phát mà chủ yếu ở nơi tiếp nhận, hay nói cách khác, kẻ có khả năng tạo nên sự thống nhất của văn bản không phải là tác giả mà chính là người đọc. Trong ý nghĩa này, Roland Barthes tuyên bố: “Tác giả đã chết”.
Vì cho “tác giả đã chết”, trong việc tìm hiểu văn học, các nhà hậu cấu trúc luận bị đè nặng bởi cảm giác bất lực. Ðây cũng là sự khác biệt quan trọng giữa hậu cấu trúc luận và cấu trúc luận. Trong khi cấu trúc luận tin tưởng là ý nghĩa nằm đâu đó trong cấu trúc của tác phẩm, hậu cấu trúc luận quan niệm ý nghĩa là một tiến trình bất định và hầu như vô giới hạn.
Quan niệm này gắn liền với thuật ngữ “differance” do Jacques Derrida đưa ra để chỉ bản chất của ký hiệu ngôn ngữ như một cái gì vừa khác biệt vừa triển hạn, trong đó, ý nghĩa là một cái gì vừa có mặt vừa vắng mặt và không bao giờ thực sự có mặt trọn vẹn cả.
Khác với Saussure, Derrida cho ký hiệu không phải là một cấu trúc khép kín của hai mặt biểu đạt và được biểu đạt mà chỉ là cấu trúc của những sự dị biệt: một cái biểu đạt không nhất thiết dẫn đến một cái được biểu đạt tương ứng mà thường, nếu không muốn nói luôn luôn, dẫn đến những cái biểu đạt khác, và chúng ta sẽ không bao giờ vươn tới được cái được biểu đạt cuối cùng mà bản thân nó lại không phải là một cái biểu đạt của một cái gì khác.
Như vậy, sau mỗi chữ là một (hay nhiều) chữ khác bị gạch bỏ: trong các bài viết của ông, Derrida hay sử dụng biện pháp gạch bỏ, đúng hơn, gạch nhưng không bỏ (sous rature / under erasure): chữ bị gạch chéo vẫn xuất hiện như thường bởi vì dù bất toàn, chúng vẫn cần thiết: chúng tồn tại như những vết mờ. Quá trình đọc thực chất là một quá trình truy tìm những vết mờ ấy. Ðó là một quá trình không có điểm kết thúc. Ý nghĩa của tác phẩm, do đó, là một cái gì hoàn toàn bất định. Trong cuộc hành trình bất định ấy, diễn dịch cũng biến thành một văn bản, đòi hỏi một hay nhiều sự diễn dịch khác.
Nói cách khác, ngôn ngữ dùng để phân tích ngôn ngữ chỉ là một thứ siêu-ngôn ngữ (metalanguage) và đến lượt nó, siêu-ngôn ngữ cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của một thứ siêu-ngôn ngữ khác; hậu quả là mọi hình thức diễn ngôn, kể cả phê bình, đều mang tính hư cấu: khi tất cả đều là hư cấu, “chân lý” không thành vấn đề nữa.
Trong các nhà tiên phong của hậu cấu trúc luận như Michel Foucault, Jacques Lacan, Roland Barthes, những quan niệm mang tính giải kiến tạo của Jacques Derrida được nhiều nhà nghiên cứu văn học Mỹ hưởng ứng nhiệt liệt: họ tìm thấy trong cách đọc mới mẻ của Derrida một chiến lược phân tích có thể làm bộc lộ bản chất bất quyết của các hình thức diễn ngôn, trong đó có văn học. Trong số những người này, có những tên tuổi lớn như Paul de Man, Geoffrey Hartman, Barbara Johnson và J. Hillis Miller. Qua họ, giải kiến tạo (deconstruction) đã trở thành một trào lưu thịnh hành và có ảnh hưởng cực lớn trong sinh hoạt phê bình văn học và văn hoá tại Mỹ, và từ Mỹ, lan sang nhiều quốc gia khác.
Trừ Việt Nam./.
Theo VOA