Đâu phải loài hoa sớm nở tối tàn
Mà được tạc nên bằng đá qúy
Nên dẫu tuổi trẻ trôi qua…
Và, thời gian khắc nghiệt
Đóa hoa tình
Không bao giờ tàn phai…
( lt )
1 - Cánh cổng vừa mở rộng, nhưng tôi nhìn sửng vào người đối diện và không thể nào tưởng tượng được cô gái đứng trước mặt lại giống Chi quá. Mặc dù, từ lâu đã nghe nói về cô em gái song sinh với Chi ở Huế, nhưng khi cô xuất hiện trước mắt thì tôi không ngờ khuôn mặt của hai chị em họ giống nhau từng chi tiết một cách thật lạ lùng như vậy. Tiếng cô gái nhỏ nhẹ
“ Dạ thưa anh là anh Bách hỉ, em là Diệp, mời anh vô nhà”
Tôi nói thật lòng
“ Chào Diệp, xin lỗi, hai chị em giống nhau quá, làm anh nhìn hoài”
Diệp còn bỡ ngỡ nên không nói gì mỉm cười cám ơn. Tôi đứng chờ nàng khoá lại cổng rồi cùng đi song song trên lối đi lát những khuôn gạch đỏ thẫm điểm xuyết nhau nhìn thật mỹ thuật trong khoảng sân đầy bóng mát. Bất ngờ, Chi từ trong nhà thoắt ra ôm choàng lấy vòng tay tôi với tiếng cười ròn rả - nàng lúc nào cũng thế, như làn gió, chưa thấy người đã nghe được tiếng cười lăn tăn như tiếng thủy tinh vụn vỡ.
Suốt một buổi tối thật vui, cảm động với bửa cơm toàn món Huế nhiều màu sắc cầu kỳ. Bà ngoại là người vui nhất, vì những năm tháng cuối cuộc đời, nay, ngoại đã mang được đứa cháu côi cút sống với họ hàng bên nội từ lúc nhỏ ngoài miền Trung vào Sàigòn đoàn tụ. Nhìn Kim Chi nói cười luôn miệng, người ta còn thấy trong đôi mắt biết nói đó lúc nào cũng chấp chới nỗi hạnh phúc no đầy khi nàng nhắc đến đứa em gái cùng chung một bào thai, cùng chung một cuống rún với mình.
2 - Thường, buổi sáng theo thói quen tôi dậy thật sớm, nhưng cảm giác vẫn lạ lẫm với những âm thanh ì ầm vang động của xe cộ chạy ngoài đường lan vào tận đáy con hẻm. Tôi chưa muốn chỗi dậy, muốn nằm im để tận hưởng những ngày bình yên thong dong của một cảnh đời mới bắt đầu từ mấy tuần nay. Tôi nằm im, đầu óc lan man ôn lại những khuôn mặt bà con họ hàng bạn bè thân quen, xóm giềng của gia đình. Đặc biệt là người này, người kia cứ tò mò hỏi mãi về những cảnh chết chóc giết người mà tôi phải kể đi kể lại hàng trăm lần về đám người bên kia ra tay khi họ tràn được vào thành phố Huế. Mỗi lần nhắc lại nơi vừa bỏ ra đi, lòng tôi lại cồn cào lên nỗi nhớ. Hết nhớ chuyện xưa, tôi lẩn thẩn nghĩ đến cuộc sống ồn ào vội vả thôi thúc lớn rộng trong này. Nhưng lạ nhất là nghĩ tới Bách – không hiểu sao mỗi lần nghĩ đến anh, tôi thấy có một cảm giác êm ái lạ kỳ, tự nhiên lòng tôi thấy vui vui, phấn khởi và như đang hy vọng một điều gì không rõ rệt. Tôi cảm thấy mình thật lãng mạn, bản tính vốn mơ mộng của tôi bị kích thích mãnh liệt bởi một tình cảm mới mẻ kỳ quái mà tôi không thể nào cưởng lại được…Tôi cứ miên man nghĩ tới anh. Nghĩ đến những cử chỉ khi anh tiếp thức ăn cho tôi. Khi anh chọn cho tôi những cuốn sách. Khi anh chở tôi đến ghi danh ở trường học. Khi anh làm cái này cho tôi. Khi anh làm cái kia cho tôi… Anh lúc nào cũng từ tốn, ân cần với mọi người. Nhưng không hiểu sao, tôi lại mơ hồ thấy những điều anh làm cho tôi không phải là những cử chỉ lịch sự của một người anh dành cho người em, mà là cử chỉ của một người đàn ông với một cô con gái! Tự nhiên tôi mỉm cười, ngước mắt nhìn những chùm lá xanh thẫm trên vòm ngói bên kia bờ tường, cảm thấy màu xanh buổi sáng hôm nay thật vui mắt, như khít khao với niềm hạnh phúc xôn xao mơ hồ mà lần đầu tiên tôi được hưởng trong cuộc đời.
3 – Mấy tháng trôi qua rất nhanh. Chi muốn tôi sau những phi vụ, rảnh thì đến với Diệp. Có khi tôi đến Chi không có ở nhà. Có khi tôi nói chuyện rất lâu với Diệp thì Chi cứ bỏ mặc tôi ngồi đó, nàng loay hoay làm gì đó trên gác, hoặc xuống bếp phụ nấu ăn với ngoại. Có khi tôi cùng Diệp ngồi nghe nhạc trong phòng khách thì Chi lại mãi mê cắm đầu trên những cuốn sách nơi góc phòng. Cho nên tôi và Diệp thường ngồi riêng với nhau, thường Diệp cứ hay hỏi “ Anh Bách, anh Bách…” này nọ và vài điều hiểu biết của tôi như sợi dây vô tình càng buộc chúng tôi gần với nhau hơn. Nhiều khi chúng tôi nói chuyện rất hào hứng, rất thân thiết.
Khi trở về, nhiều lần tôi cảm thấy áy náy với Chi, nhưng rồi như tự biện hộ - Chi cứ bận việc riêng của nàng, tôi có lỗi gì đâu.
4 – Hôm qua sau khi bỏ thơ cho cô bạn, lúc trở ra tôi gặp Truyền - chàng sinh viên cùng lớp ngồi ngay sau lưng. Gặp nhau, lúc đầu chúng tôi hỏi thăm vu vơ, nhưng khi biết Truyền cũng yêu thích hội họa thì tôi thật cảm động, vì mặc dù mới cầm cọ vài năm, nhưng tôi vẽ cũng khá nhiều. Rất tiếc, trận Mậu Thân thiêu rụi không còn gì hết! Nhắc hay nhớ đến chuyện này tôi vẫn còn ấm ức tiếc nuối, cho nên mặc dù nhiều lúc nỗi nhớ khung vải cọ sơn thôi thúc, nhưng tôi chưa có hứng khởi cầm lại cây cọ.
Truyền và tôi vừa đi dọc theo con đường phủ um bóng mát vừa mê man nói về những hoạ phẩm mới được in trong những tạp chí ngoại quốc gần đây.
Khi chúng tôi ngồi đối diện nhau qua một chiếc bàn vuông vức trong một toà kiến trúc cổ, mái chóp, nằm ngay góc phố. Bên ngoài dãy kính, những lá me li ti rơi, rắt đầy đường Lê Thánh Tôn. Bên kia, gần đây, chỗ khi nảy chúng tôi đi ngang, nhưng hai đứa kịp dừng lại nhìn ngẩn ngơ khu công viên còn nguyên vẽ hoang sơ với một cội cổ thụ có những chuỗi rể già cổi buông dài chằng chịt. Nghe Truyền nói khu công viên do một người Pháp nào đó xây dựng.
Chung quanh nơi chổ chúng tôi ngồi, ngoài tiếng máy lạnh rì rì, tiếng khào khào ray rứt của John Lennon trong bản Let It Be phát ra từ chiếc máy chọn nhạc đặt giữa lối đi. Nơi hàng hiên những người đàn ông tóc dài, tóc ngắn, già, trẻ đang châu đầu nói chuyện hay rải rác ngồi trầm tư với điếu thuốc trên tay. Tôi ngó nghiêng ngó ngữa, chép miệng:
“Đúng là Sài Gòn, giống như những tấm hình chụp những khu phố bên Pháp. Ở Huế, không có không khí như ri”
Thấy tôi có vẻ thích, Truyền khoe thêm:
“ Quán Cái Chùa đặc biệt có bánh Crêpe mùi dâu chín, tuyệt! Diệp thử đi”.
Chúng tôi vừa ăn bánh vừa nhấm nháp ly trà chanh thật đượm. Qua câu chuyện trao đổi tôi biết gu thưởng thức tranh của Truyền na ná với lối vẽ siêu thực và hiện thực của tôi. Gần chia tay, Truyền rủ tôi đi Ciné, anh nói cạnh đó, Rex đang chiếu Love Story. Tôi hình dung ra cô tài tử Ali Mc Graw có cái trán vồ bướng bĩnh và mái tóc rẻ ngôi giữa dễ thương đóng vai chính, nhưng tôi lắc đầu từ chối.
5 – Khu cư xá còn triền miên trong giấc ngủ. Bên ngoài, đêm sâu hun hút khiến các bóng đèn điện sắp thành dãy chung quanh phi trường sáng rực có thể thấy rõ những con muỗi đêm hay thiêu thân bay kín quanh các ngọn đèn như một đám bụi trắng đục và linh động. Tôi ngồi yên trong bóng đêm. Một nỗi buồn không đâu với những ý nghĩ bâng quơ. Đó cũng không phải là nỗi buồn vô cớ. Đó là sự trỗi dậy dằng co. Tôi muốn làm vài cử động cho đầu óc tỉnh táo nhưng ngồi im, sợ những cử động sẽ làm mất giấc ngủ mệt nhọc của thằng bạn sau một phi vụ đầy cam go nguy hiểm. Tôi cảm thấy khô cổ muốn đứng lên đi ra tủ lạnh rót ly nước, nhưng cảm thấy uể oải, rồi thôi, ngồi dựa dài trên gối. Tiếng nhạc ngoại quốc êm dịu tràn khắp phòng khiến tôi cảm thấy lòng có chút yên tĩnh lại. Tôi nghĩ tới Chi, nhớ đến cuộc tình mà tôi tin vẫn là những kỷ niệm tươi rói, không dễ dàng buông bỏ hay đứt rời. Tôi nhớ có lần hai đứa cùng dầm mưa. Hai thân thể ướt sủng ôm nhau ngay phố dưới cơn mưa. Chúng tôi đứng ngay phố dưới cơn mưa. Khi người ta yêu nhau là người ta sống cho nhau, cần chi e ngại những ánh mắt tò mò… Tôi cũng nghĩ đến mấy lúc gần đây, đến đôi mắt đen lay láy nhiều lúc thản nhiên đến vô tình trước mặt tôi. Có lần tôi trách, nàng ngẩn người một chút rồi chợt hiểu, rồi cười, bẹo mủi tôi như dỗ dành:
“Ôi chao! Sắp thi rồi anh ơi, bài nhiều ơi là nhiều”
Vẻ duyên dáng của Chi khiến tôi xúc động – và cũng chính vẻ đẹp này nàng được bao người săn đón và thất vọng, thất vọng vì đó là vẻ đẹp yên lặng, nàng dường như thờ ơ giã tảng trước những săn đón của đám đàn ông con trai lố nhố chung quanh.
Tôi xoay mặt nàng lại, nhìn sâu trong mắt, định nói cho nàng hiểu nàng đã bỏ quên tôi, nhưng rồi tôi không nói gì cả để sau đó lủi thủi ra về rồi nằm rỗng không với mọi ý nghĩ buồn phiền. Cũng đã nhiều lần ngồi trước mặt nàng, tôi cố gắng nói những lời những điều mà tôi hạnh phúc, nhưng nhìn khuôn mặt hồn nhiên thơ trẻ của nàng, khiến tôi như gả giữ vườn không nở cắt đi một đoá hoa mong manh vừa chúm chím nở trong vườn. Cho nên tôi lại thôi không nói với nàng những điều tôi muốn nói, cũng như tôi hẹn với lòng là khoan lôi kéo em vào sự ràng buộc nào cả, có thể biết đâu em còn e ngại cuộc sống luôn dời đổi của tôi - một người lính với những phi vụ đầy bất trắc, những cuộc đổ quân, bốc quân… Cái sống cái chết không làm sao lường trước.
6 – Tôi đang chờ sinh đứa con đầu lòng. Chồng tôi không phải là anh chàng Truyền học chung lớp năm nào. Anh ấy là một thầy giáo dạy Toán, không biết chút gì về Hội Họa, nhưng rất thương vợ.
Chị Kim Chi đã lập gia đình với anh Bách trước biến động năm 1975. Giờ, anh Bách đang ở tù ngoài Bắc. Chị Chi vẫn còn trong ngôi nhà củ - vừa may vá, vừa chăm sóc bà Ngoại, vừa xách bới thăm nuôi và chờ chồng được thả.
Hồi trước có lần tui nghe ai đó nói như ri: Con gái Huế vốn sẵn đa tình. Mô có, ông Trời công bình lắm, ban cho mỗi người một lượng nước để pha uống như nhau.
Tôi pha, uống ngọt đều từ hớp đầu cho đến giọt cuối./.
( Hầm Nắng, đầu tháng 7 – 2010 )
* Tranh minh hoạ do hoạ sĩ Hiếu Đệ vẽ riêng cho bài viết của tác giã.