(Đọc Vân Long-tác phẩm, NXB Hội nhà văn quý IV -2009)
Tôi còn nhớ như in, bốn mươi tám năm trước, khi Vân Long chưa tròn tuổi 30, đã được NXB Văn Học, một nhà xuất bản có uy tín vào bậc nhất của cả nước, ấn hành lần đầu tập thơ riêng cho một tác giả trẻ, lúc ấy chưa được kết nạp Hội nhà văn. Chúng tôi nói với nhau “Tia nắng của Vân Long đúng là niềm vui, tia hy vọng cho cả bọn trẻ chúng ta đang nao nức chờ đợi!”
Quả nhiên sau đấy ít lâu, ở một vài nhà xuất bản khác, các cây bút trẻ từng “xếp hàng” trước tủ sách Mùa đầu của NXB Văn Học cũng lần lượt vượt qua giai đoạn bay chuyền, đủ lông cánh ra “ở riêng”. Với thế hệ chúng tôi thuở ấy, cách đây gần 50 năm, “hiện tượng” Tia nắng là của hiếm và Vân Long được coi là cây bút vượt qua “mùa đầu” và “chín sớm” !
Thông thường, trên văn đàn vẫn có “hiện tượng một bài”, “một cuốn sách” để khái quát hình ảnh những ngôi sao băng lóe sáng và mất hút vào màn đêm. Nhưng quan sát suốt chặng đường dài hơn nửa thế kỷ, ta thấy cây bút Vân Long dẻo dai, bền bỉ. Tuyển tập Vân Long - tác phẩm mà NXB Hội nhà văn vừa ấn hành khá dầy dặn nhưng cũng không đủ điều kiện công bố đầy đủ nhiều trang viết của anh, vốn đa dạng phong phú về thể loại (thơ, bút ký, chân dung văn học, tiểu luận và những công trình biên soạn).
Ơ Vân Long- tác phẩm phần chủ yếu là gần 400 trang thơ (400/520) tuyển chọn từ 7 tập thơ đã xuất bản và tập Đỉnh gió xuất bản lần đầu. Bạn đọc có thể hiểu thêm nhà thơ qua phần Phụ lục, chiếm khoảng một phần tư trang in, gồm những hoạt động và suy nghĩ của nhà thơ và phầnTrong lòng bè bạn…(sách có mặt trong các thư viện tỉnh).
Với tôi, đọc Vân Long- tác phẩm, ấn tượng ban đầu về anh trong suốt nửa thế kỷ đồng hành chỉ càng đậm thêm trong bộ nhớ của mình và thêm một lần khẳng định bóng dáng một bạn thơ, một phong cách thơ riêng biệt, không bị nhòa lẫn, một thái độ thơ khiêm nhường giữa muôn hồng nghìn tía của thi đàn hôm nay.
Tôi gặp con người Vân Long, một chân dung hoàn chỉnh, chân thật và tin cậy, như nó vốn có. Vân Long đã tự họa trọn vẹn chân dung mình với đầy đủ dáng vẻ trong mỗi chặng đường song hành cùng cuộc sống nhân dân, đất nước…với đầy đủ thăng trầm của thời cuộc!
Bạn đọc rộng rãi và những người yêu thơ vốn tinh tường, phân biệt rành rẽ vàng thau. Tôi thấy được nhà thơ Vân Long có một chỗ đứng trong lòng họ, trước hết vì thái độ chân thành và trung thực với những gì có thực trong trái tim mình. Quy luật thi ca của Nguyễn Du cũng không kém chính xác như quy luật vật lý của Ac-si-mét “Chữ tâm kia mới… “
Xuất phát từ chữ Tâm ấy, Vân Long tự vượt qua nhiều chặng đường gập ghềnh của bản thân, từng bước dùng nội lực để nhích dần lên, xóa bỏ khoảng cách với bạn bè cùng lứa tuổi gặp nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống để vươn lên trong văn nghiệp. Anh tự bạch (Với nhà thơ Pờ Sào Mìn) về thời gian khó của mình: Anh hòa tan, pha tạp chốn thị thành/ / Bửa đời mình ra bán lẻ…về những ngày sống bằng tiếng đàn, hiệu sách cũ, bị nhồi lắc trên những con sóng Hải cảng dầy đặc thuỷ lôi…càng thấy trong anh tiềm ẩn một nghị lực, một niềm say mê để bứt lên và tự thể hiện. Anh thầm lặng tích lũy: Cây ẩn mình như không còn mình nữa/ Bên cuộc diễu hành trăm sắc hoa (Tiềm ẩn) để cho một ngày Đốt mùa hè bỏng rực/ Châm ngòi cho tiếng ve ran…
Nhiều lúc tôi cứ trăn trở suy nghĩ: yếu tố nào tạo nên phong cách riêng của một người cầm bút? Với trường hợp chính Vân Long, tôi cảm thấy cách sống hết mình, đào sâu tận cốt lõi cảm xúc của mình và cố gắng diễn tả gọn và sắc bằng giọng điệu riêng…phải chăng vì vậy đã cho ta một Vân Long không lẫn được với ai ?
Cây bút này có khả năng “tốc họa” quý hiếm, Chỉ bằng đôi nét phác thảo, ta đã thấy ngay thần thái một vùng đất, một con người, một tình huống. Với Hải Phòng Còi tàu rúc thay tiếng gà gọi sáng và Hình như gió cũng có men như rượu cũng đủ cho ta hình dung gương mặt một hải cảng. Còn tấm lòng với nó, thì cũng đủ sâu nặng qua đôi nét Tôi - một - nửa sẽ ở đây vĩnh viễn …vì với anh: Mảnh đất ấy đâu chỉ là kỷ niệm! (Mùa thu chia tay). Bởi Tôi nhỏ xíu trước vô cùng của biển/ Lại lớn lên ý thức cái Vô cùng! (Hải Phòng một sáng sương mù).
Trong bài Vào tranh tặng họa sĩ Thọ Vân, cũng chỉ cần hai câu, Vân Long đã vẽ nên thần thái con sông chảy qua thành phố cuốn theo ánh sáng tâm hồn của người vẽ: Trên tranh dòng sông ẩn hiện/ Trên sông xao một tâm hồn. Cũng ở mảnh đất nhiều gắn bó ấy, Vân Long có được Thành phố trong tranh, một ký họa thành công về Hải Phòng những ngày quyết liệt chống Mỹ, ở bề sâu, ta còn thấy mối quan hệ qua lại giữa nghệ thuật và cuộc sống. Các nhân vật của họa sĩ vào tranh và lại tự tranh ra. Nghệ thuật có cuộc sống tự thân và người thưởng thức nghệ thuật thì thêm sức mạnh trong cuộc sống.
Riêng với Hà Nội, nơi sinh trưởng gắn bó và là bệ phóng thăng hoa tâm hồn và bút lực của nhà thơ, những trang viết của cây bút này khá hữu ích cho độc giả yêu thơ thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội qua một ngõ nhỏ khi đọc Ngõ Tràng An:
Tôi thả bước lơ ngơ
Trưa vàng
Ngõ cũ
với bóng mít bóng cau đọng mãi trong lòng người. Riêng hai câu xuất thần, lóa sáng, không chỉ găm mãi trong trí nhớ của tôi mà còn bay sáng trên khoảng trời Văn Miếu trong ngày Hội Thơ năm trước:
Hoa đại đầu thế kỷ
Rụng vào tôi-bây-giờ
(Ngõ Tràng An)
Ấn tượng Vân Long trong tôi còn là ấn tượng về mùa thu Hà Nội. Anh có tập Vào thu, từng được giải thưởng 5 năm (1986-1990) của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, chỉ với hai câu, nhà thơ cho ta một bức tranh thơ tinh khôi, sinh động và nhuần nhụy:
Trận mưa thu ào qua
Nắng lại xòe diêm đầu lá ướt
(Vào thu)
Đó là thiên nhiên xòe diêm hay lửa tâm hồn thi sĩ xòe diêm?
Anh cảm thông với chiếc lá nuối tiếc âm thầm thời lộc biếc non tơ. Cuộc đời một chiếc lá nhỏ nhoi mà còn xót sa như vậy, trước tác động của sức trẻ cô gái, huống chi tâm trạng con người đã tuổi vào thu:
Em như con gió thổi qua ngang
Trẻ đến làm đau cả lá vàng
Anh có cách vẽ sex mà không thô, không gợi dục, phong cách Hà Nội của anh: Vồng ngực ai căng đợi tỏ bày (Thu cảm). Chỉ 3 từ mà bật lên hồn cốt của khát vọng, thần thái của tâm trạng đợi tỏ bày trong cô gái. Đó là sự đóng góp của Vân Long miêu tả sức trẻ, phút thăng hoa rất người, trần tục mà thánh thiện…
Trong một hồi ức về Đoàn Chuẩn của Vân Long (Những người…”rót biển vào chai”, NXB Phụ nữ 2009). Phải chăng chàng nhạc sĩ của mùa thu này bắt gặp tâm hồn đồng điệu ở những câu thơ trên, đã tỉnh giấc sau ba mươi năm thiếp ngủ, không đừng được, phải phổ hồn nhạc của mình vào những câu thơ trên (Đường thơm hoa sữa gọi (Thu cảm) in báo Người Hà Nội 1988 và in vào tập nhạc Đoàn Chuẩn ở Canada. Vân Long thêm cho tác giả Thu quyến rũ một sắc thu Hà Nội mới mẻ, khiến họ Đoàn phải bật khen (kiểu khen của riêng ông) “Thơ mày…mất dạy thật!” Đoàn Chuẩn muốn chắp thêm cánh cho thơ của người bạn vong niên, tiếc rằng đó là giọt nhựa cuối cùng của đời ông.
Tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tưởng như quá quen thuộc của cô gái mà nhà thơ phát hiện lại cho mình. Câu chữ trong thơ chưa phải là cốt lõi, tôi nghĩ điều quan trọng là tấm long nhà thơ cảm thụ cuộc sống, nhờ linh nghiệm của tài năng, phát lộ đúng lúc khi đã hội đủ yếu tố cần thiết của nghệ thuật. “Sau câu thơ là sâu nặng tấm lòng “ (N.B.) chân lý tưởng như giản đơn ấy phù hợp với nhận định về anh.
Ngoài những câu thơ duy mỹ cho tuổi trẻ, đôi lúc anh cũng động lòng
trắc ẩn với tuổi già, khi thì đầy thương cảm: Ông già ấy bơm xe cho tôi/ Ngỡ như không thở được/ Hơi thở ông dồn lốp xe căng/ Tôi đi xuyên thành phố/ Bằng chút hơi tàn của ông/ Tôi đi xuyên bao số phận! (Bên đường I). Lúc thì chua chát, làm lẫn lộn thế cờ đời đã lỡ với cuộc chơi ảo tự an ủi của người đời: Cuộc cờ bầy giữa lối đi/ Không cản dòng đời/ Tuổi hưu trí lại dập dìu xe ngựa/ Có người tiếc một thế đời đã lỡ/ Chiều nay bầy lại cuộc chơi! (Bên đường II).
Qua Vân Long-tác phẩm, tôi thêm hiểu và được hiểu sâu hơn một điều mà có thể nhà thơ đã gián tiếp nhắn gửi một cách âm thầm lặng lẽ qua những trang viết: Hãy gắng sống hết mình, rung cảm trung thực, trăn trở và lao động không tiếc sức, từng ngày tự vượt lên, mạnh bạo xoá bỏ những sáo mòn, nhàm chán…
Mười lăm tuổi, Vân Long in bài thơ đầu tiên. Cầm bút hơn nửa thế kỷ, Vân Long vẫn bền bỉ, chung thủy với thơ, biết lượng sức và nhẫn nại vượt lên hoà vào dòng chảy thơ hôm nay, luôn đổi mới cả trong cảm xúc và diễn đạt. Được vậy, có lẽ do nhà thơ vẫn luôn khát vọng:
Ứơc mình gốc cỗi
Lá còn thơ ngây!
(Nhớ tuổi)
(báo Văn Nghệ số 29, 17/7/2010)