Gabriel García Márquez - Trần Vũ dịch
Tác giả của Trăm năm cô đơn nhắc đến Ngôi nhà những người đẹp ngủ say của Kawabata, tiểu thuyết mà ông xem như một trong những kiệt tác của văn chương đương đại. [Magazine Littéraire]
Nàng rất đẹp, yểu điệu, với một làn da màu bánh mì mềm mại và đôi mắt xanh màu hạnh nhân, cùng với mái tóc đen, dày ôm trọn đôi bờ vai, một dáng vẻ Đông phương xưa cũ của người Bô-li-via lẫn Phi-luật-tân. Trang phục của nàng thật hài hòa: áo da khoát ngoài, trong là áo cánh lụa in hoa li ti, chiếc quần vải lanh cùng một đôi giày đế phẳng màu hoa giấy. “Đây chính là người đàn bà đẹp nhất mà mình đã gặp trong đời”, tôi nghĩ thế khi nhìn thấy nàng trong hàng người chờ lên chuyến bay đi Nữu Ước từ phi trường Charles de Gaulle, Paris. Tôi nhường bước cho nàng và khi tôi đến vị trí của mình đã được chỉ định trên vé, nàng đã có mặt ở chiếc ghế bên cạnh. Cảm giác như ngừng thở, tôi lập tức tự hỏi sự kề cận không chờ đợi này sẽ mang đến nỗi bất hạnh cho ai trong hai chúng tôi.
Nàng tự xếp đặt chỗ ngồi của mình như sẽ sống ở đó rất nhiều năm tháng, đặt mỗi vật dụng vào một vị trí theo một thứ tự thật hoàn hảo, cho đến khi khoảng không gian riêng của nàng đã ngăn nắp tựa một ngôi nhà lý tưởng nơi mỗi vật dụng có một vị trí thích hợp trong tầm tay. Trong lúc nàng đang bận sắp xếp, tiếp viên hàng không tiến đến mời mỗi người chúng tôi một ly rượu khai vị. Nàng từ chối và cố gắng giải thích một điều gì đó bằng một thứ tiếng Pháp sơ đẳng. Lập tức tiếp viên trao đổi với nàng bằng tiếng Anh và nàng đã đáp tạ bằng một nụ cười tươi rạng rỡ, đồng thời nàng yêu cầu một ly nước lọc cũng như yêu cầu đừng đánh thức nàng trong suốt chuyến bay dù có bất cứ lý do nào. Tiếp theo đó, nàng mở một hộp vuông, khá lớn, có những góc bằng da tương tự những chiếc rương nhỏ của các cụ bà, rồi nàng nuốt giữa môi hai viên thuốc màu vàng lấy ra từ một túi nhỏ mà trong đó còn thấy rất nhiều những viên thuốc nữa với các màu sắc khác nhau. Nàng làm mọi thứ một cách có hệ thống và thật tỉ mỉ, như thể, từ lúc sinh ra đời, với nàng không có điều gì không được dự báo trước.
Sau cùng, nàng kê gối lên ô cửa, đắp lên thân mình tấm chăn len phủ đến tận dây an toàn mà không hề tháo giày, nàng tự thu mình vào sát bên trong của chiếc ghế, tương tự hình dáng một bào thai, và như thế nàng chìm vào giấc ngủ nhẹ nhàng, không gián đoạn, không hề một lần thay đổi tư thế trong suốt bảy giờ bay kinh hoàng và mười hai phút trễ nãi dài đăng đẳng của chuyến bay đến Nữu Ước.
Tôi luôn luôn tin rằng không có gì đẹp hơn vẻ tự nhiên của một người đàn bà đẹp. Đến độ không phút giây nào tôi có thể rời khỏi sự mê hoặc của sinh vật hoang đường đang yên ngủ ngay bên cạnh mình. Một giấc ngủ thật êm đềm đến độ có đôi lúc tôi nghi ngại là những viên thuốc mà nàng đã dùng khi nãy không phải để ngủ mà để tự tử. Tôi đã kiểm tra rất nhiều lần, từng li từng li một và dấu hiệu duy nhất mà tôi ghi nhận được là bóng dáng của những giấc mơ thoáng qua trên vầng trán nàng như những áng mây thoảng qua mặt nước. Nàng đeo trên cổ mình một sợi dây chuyền thật mỏng manh đến độ gần như không nhìn thấy được trên làn da vàng óng ả, đôi tai nàng thật hoàn hảo tuy không xỏ khoen, và mang trên tay trái là một chiếc nhẫn trơn. Trông nàng dường như không quá hai mươi hai tuổi, tôi tự trấn an mình với ý nghĩ đó không phải nhẫn cưới mà chỉ là một trang sức cho những đính hôn phù du và hạnh phúc. Nàng không xức bất kỳ thứ nước hoa nào cả: từ làn da nàng toát ra một hương vị tinh tế không gì khác hơn hương thơm tự nhiên của sắc đẹp. “Em đang chìm trong giấc điệp bởi những biển cả với những con thuyền”, tôi đã nghĩ như thế ở độ cao hai mươi ngàn bộ trên Đại-Tây-dương cùng lúc cố gắng tự nhắc nhở mình những vần thơ bất hủ của Gerardo Diego. “Em biết không lúc em say ngủ, rõ ràng, chắc chắn, đường cong thủy chung của buông thả, đường nét thuần khiết, thật gần bên đôi tay tôi kề cận”. Hoàn cảnh của tôi hiện tại thật gần với hình ảnh mô tả trong bài thơ mà chỉ trong nửa giờ tôi đã ghi lại trong trí nhớ mình đến tận kết cục: “kinh hãi thay thân phận nô lệ nơi đảo xa, tôi thức trắng, điên cuồng, trên vách đá, bởi những biển cả với những con thuyền, em chìm sâu trong giấc điệp”. Khi đó, sau năm giờ bay, tôi đã chiêm ngưỡng trọn vẹn người đẹp say ngủ, và với một sự lo lắng bất chợt về tương lai, tôi lập tức hiểu rằng ân huệ mà tôi đang có được không phải là ân huệ ban phát từ những vần thơ của Gerardo Diego mà trao tặng từ một kiệt tác khác của văn chương đương đại. Ngôi nhà những người đẹp ngủ say, của nhà văn Nhật-Bản Yasunari Kawabata.
Tôi đã khám phá tác phẩm này bằng một con đường dài đầy kỳ lạ nhưng cách nào chăng nữa tác phẩm đã kết thúc với người đẹp mê ngủ trên chuyến bay. Đã nhiều năm trước, ở Paris, Alain Jouffroy gọi điện thoại cho tôi để bảo rằng ông muốn giới thiệu với tôi những nhà văn Nhật-Bản đang có mặt ở nhà ông. Tất cả những gì mà tôi biết được lúc đó về văn chương Nhật-Bản ngoài những thi phẩm hài-kú buồn bã ở bậc tú tài, chỉ là những truyện kỳ của Junichiro Tanizaki được dịch sang thổ ngữ Castillan của Tây-Ban-Nha. Trong thực tế, tất cả những gì tôi biết được một cách chắc chắn về những nhà văn Nhật-Bản, là sớm hay muộn, họ đều tự kết thúc bằng tự sát. Tôi đã nghe nhắc đến Kawabata lần đầu tiên khi ông được trao giải Nobel năm 1968, và tôi đã thử tìm đọc một ít về ông, nhưng trước tác của Kawabata đã khiến tôi buồn ngủ. Ít lâu sau đó, ông đã tự mổ bụng bằng gươm theo nghi lễ, giống hoàn toàn một trường hợp đã xảy ra năm 1946 cho một tiểu thuyết gia đáng nhớ khác, Osamu Dazai, sau nhiều toan tính thất bại. Hai năm trước cái chết của Kawabata, cũng sau rất nhiều cố gắng đều thất bại, tiểu thuyết gia Yukio Mishima, người có thể là nổi tiếng nhất ở phương Tây, đã mổ bụng tự sát theo nghi lễ trọn vẹn của Hara Kiri sau khi gởi đến các binh sĩ bảo vệ hoàng gia một diễn văn kêu gọi lòng ái quốc. Vì thế khi Alain Jouffroy gọi điện thoại cho tôi, điều đầu tiên gợi lại trong trí nhớ tôi chính là sự tôn thờ cái chết của các văn sĩ Nhật-Bản. “Tôi vui lòng đến, nhưng với điều kiện là họ không tự sát”. Thật sự thì họ đã không tự sát, chúng tôi đã có một buổi tối thật vui vẻ mà nhờ vào buổi tối đó điều mà tôi biết được là tất cả bọn họ đều điên. Bản thân họ cũng tự thú nhận điều ấy. “Chính vì thế mà chúng tôi muốn gặp Marquez”, họ nói với tôi như vậy. Cuối cùng, họ thuyết phục tôi là đối với các độc giả Nhật-Bản, không chút hoài nghi, chính tôi cũng là một nhà văn Nhật-Bản.
Để hiểu được điều mà họ muốn nói với tôi, sáng hôm sau tôi ra một hiệu sách chuyên biệt ở Paris và mua tất cả các tác phẩm của những tác giả đang được bày bán: Shûsaku Endô, Kenzaburô Ôe, Yasushi Inoué, Ryûnosuke Akutagawa, Masuji Ibuse, Osamu Dazai, hiển nhiên thêm vào đó là các tiểu thuyết của Kawabata và Mishima. Trong suốt gần một năm, tôi không đọc gì khác, và đến tận hôm nay tôi phải thú nhận rằng: các tiểu thuyết Nhật bản có điều gì đó chung với tiểu thuyết của tôi. Điều gì đó tôi không thể giải thích được, tôi không thể cảm nhận được trong đời sống của xứ này xuyên suốt chuyến viếng thăm Nhật-Bản duy nhất của mình, nhưng đó lại là một điều thật hiển nhiên đối với tôi.
Tuy nhiên, tác phẩm duy nhất mà tôi ước ao có thể viết chính là Ngôi nhà những người đẹp ngủ say của Kawabata, câu chuyện kể về một chỗ cư trú lạ lùng ở những khu vực lân cận Tokyo nơi các vị trưởng giả già nua phải trả một số tiền thật hậu hỉ để hưởng thụ một hình thức tao nhã nhất cho tình yêu cuối đời: trải qua một đêm dài chiêm ngưỡng những thiếu nữ đẹp nhất của thành phố nằm ngủ trần truồng dưới tác dụng của những liều thuốc an thần trong cùng một chiếc giường với họ. Họ không được phép đánh thức, không được phép đụng chạm những thiếu nữ này, mà thật sự họ cũng không hề có ý định đó bởi vì sự khoái cảm tinh khiết nhất của niềm hoan lạc tuổi chiều tà này là có quyền mơ tưởng bên cạnh những người đẹp.
Tôi đã sống qua cảm giác này với người đẹp mê ngủ trên chuyến bay đi Nữu Ước, tuy vậy điều này không làm cho tôi cảm thấy hoan lạc. Ngược lại: điều mong ước duy nhất của tôi trong suốt một giờ còn lại của chuyến bay là tiếp viên sẽ đến đánh thức nàng để tôi có thể tìm lại sự tự do, mà qua thức giấc của nàng, có thể cả tuổi thanh xuân của mình. Nhưng mọi sự đã không diễn ra như thế. Nàng đã tự mình thức giấc khi máy bay hạ cánh, nàng tự thu xếp rồi đứng lên mà không hề nhìn đến tôi, rồi nàng cũng chính là người đầu tiên bước chân rời khỏi máy bay và mất hút mãi mãi vào giữa đám đông. Tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình trên cùng chuyến bay đến tận Mễ-Tây-Cơ, ôm ấp những luyến tiếc đầu tiên về sắc đẹp của nàng bên cạnh chiếc ghế trống còn ấm nồng giấc ngủ say; chưa thể tẩy bỏ ra khỏi đầu mình những tác phẩm của các nhà văn điên ở Paris. Trước lúc hạ cánh, khi người ta mang đến cho tôi tấm phiếu rời máy bay, tôi đã điền vào đó với một nỗi niềm chua chát. Nghề nghiệp: văn sĩ Nhật-Bản. Tuổi: 92./.
Gabriel García Márquez, 1982
Trần Vũ dịch
Ghi chú của người dịch: Dịch từ bản dịch Pháp văn L’avion de la belle endormie của Jean-Francois Fogel, in trong nguyệt san Magazine Littéraire (Giai phẩm Văn) số 216-217 phát hành tháng 3-1985, chuyên đề Tiểu thuyết Nhật-Bản. Bản dịch của Jean-Francois Fogel khác rất nhiều bản dịch truyện ngắn cùng tên của Annie Morvan. Có lẽ Marguez đã từ tùy bút viết về Kawabata triển khai thành truyện ngắn về sau mà trong truyện ngắn này, Kawabata cùng các văn sĩ Nhật Bản hoàn toàn biến mất. Truyện ngắn Chuyến bay của người đẹp ngủ say in trong tập Mười hai Truyện kể Lãng du, Douze Contes Vagabonds, Nxb Grasset tái bản 2003.
Ngày 16 tháng 4-1972, Yasunari Kawabata tự vẫn chết bằng ga tại nhà mát Zushi, phủ Kamakura. Chi tiết tự sát theo nghi thức Seppuku mà Gabriel García Márquez nêu trong tùy bút không chính xác.