[Đọc tập thơ Tháp nghiêng (2003) của Hoàng Vũ Thuật]
Trong cuốn Nghệ thuật thi ca, Aristote cho rằng: ngôn từ muốn đẹp thì người nghệ sĩ phải tránh sự tầm thường, đơn điệu, nhạt nhẽo. Ẩn dụ sẽ giúp người nghệ sĩ tránh được sự nhàm chán, quen thuộc và đem đến chiều sâu cho tác phẩm. Như vậy, từ thời Aristote, ẩn dụ đã được áp dụng. Ẩn dụ có mặt trong mọi địa hạt của văn chương. Người nghệ sĩ sử dụng ẩn dụ nhằm tăng tính đa nghĩa, kích thích tính “đồng sáng tạo” của bạn đọc. Tính đa nghĩa trở thành một đặc tính nội tại, một hệ quả bắt buộc của thi ca. Từ đặc điểm đó của thi ca, Roman Jakobson[1] cho rằng, phép ẩn dụ trong văn học giống như sự nhầm lẫn của những người bị “bệnh ngôn ngữ” (aphasique) trong việc lựa chọn các từ tương đương trên trục lựa chọn. Còn phép hoán dụ tương tự sự nhầm lẫn trong việc lấy cái bộ phận thay cho cái toàn thể. Trong thi ca, “chức năng thi học trù hoạch nguyên tắc tương đồng giữa trục lựa chọn và trục kết hợp và thơ có khả năng chiếu trục lựa chọn trên trục kết hợp” nên mọi hoán dụ đều phảng phất tính ẩn dụ và mọi ẩn dụ đều có màu sắc hoán dụ.
Theo Jakobson, nếu công việc nghiên cứu văn học muốn trở thành khoa học thì nó phải chấp nhận “các procédé (thủ pháp, cách thức) như là nhân vật (personnage) duy nhất của nó”. Vì thế, việc khai thác biện pháp ẩn dụ là một cách nhìn về thế giới Tháp nghiêng [2] của Hoàng Vũ Thuật.
Một bài thơ có sức sống, ám ảnh bền bỉ ở trong lòng người đọc hay không tuỳ thuộc vào việc sử dụng ẩn dụ. Hoàng Vũ Thuật đã tạo được ấn tượng mạnh với bạn đọc khi sử dụng nhiều ẩn dụ trong tập thơ Tháp nghiêng. Hoàng Vũ Thuật như đang lôi kéo người đọc vào “địa đạo” ẩn dụ. Các ẩn dụ đều được nhà thơ làm “lạ hoá” bằng các “ẩn dụ đơn”, “ẩn dụ kép”(theo Nguyễn Vũ Tiềm)[3] và cả những ẩn dụ mang tính “chập đôi” — một cuộc gặp gỡ giữa ẩn dụ và hoán dụ.
Các ẩn dụ trong Tháp nghiêng được thể hiện rất đa dạng. Có lúc cắt gọn các từ ngữ như: trăng bồ liễu, sương rây, mưa trầm tích, kiếp lá... Có lúc ghép hai hình ảnh, hai khái niệm xa lạ với nhau: lưỡi rong rêu, chuông đổ nghiêng, tóc san hô, mây san hô... Có lúc nối kết các từ ngữ thông qua dạng thức so sánh: Anh là cỏ dưới gót chân tiền sử, Ông là con ngựa đường trường, Trăng như cổ quan tài thuỷ táng, Cuối chân trời, em là bài thơ duy nhất... Hoàng Vũ Thuật còn tạo ẩn dụ qua cách đặt nhan đề: “Lệ hoa”, “Mùa cổ điển”, “Gió thở”, “Mùa xưa”... Vì vậy, thi ảnh mà Hoàng Vũ Thuật sáng tạo rất lạ, rất mới.
Theo Nguyễn Vũ Tiềm, có hai loại ẩn dụ: “ẩn dụ đơn” và “ẩn dụ kép”. “Ẩn dụ đơn” chỉ mang một nét nghĩa ngầm. “Ẩn dụ kép” có thể mang hai đến ba nét nghĩa ngầm. Để tạo “ẩn dụ kép”, nhà thơ phải kéo ý thơ tới cự ly xa, cần tái tạo, tôi luyện ngôn từ và chất liệu thơ. Có như vậy, bài thơ mới mới gây được ấn tượng mạnh và sức sống lâu bền. “Ẩn dụ đơn” và “ẩn dụ kép” được Hoàng Vũ Thuật sử dụng linh hoạt trong tập thơ Tháp nghiêng.
Trong bài “Lá và cành”, tác giả mượn chuyện “lá giã từ cành” rồi lại “lá xanh mềm mại” khi mùa xuân về để nói đến vòng luân hồi của đời sống thiên nhiên, nhưng chính đấy là con người. Đây là kiểu “ẩn dụ đơn”. Dạng này được sử dụng khá nhiều qua các bài như: “Ánh sao”, “Lệ hoa”, “Ai bên cửa sổ”, “Lời đồn đại”, “Cõi chết”... Tuy nhiên, bên cạnh “ẩn dụ đơn”, ẩn dụ mang một nét nghĩa, nhà thơ còn sử dụng nhiều “ẩn dụ kép”, kiểu ẩn dụ sản sinh nhiều nét nghĩa. Để tạo ra những “ẩn dụ kép”, Hoàng Vũ Thuật đã rất công phu trong việc lắp ghép từ và chọn lựa thi ảnh. Ở bài “Di sản”:
Một khoảng không gian thánh thiện sau cùng
còn lại bên tôi
và hương của một loài hoa quấn quýt
và sợi tóc vô tình rơi
nằm yên trong bảo-tàng-cổ
[...]
và sợi tóc
di sản ái tình ngày qua
Tác giả mượn ẩn dụ sợi tóc để nói đến vẻ đẹp của người con gái, một vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển. Từ thi ảnh ấy, một nghĩa mới phát sinh hiệu ứng khi ông xem sợi tóc là “di sản ái tình”. Đó là nỗi nhớ, tiếc mong “giữ lại chút mơ hồ làn hương mỏng”. Đó là một tình cảm thiêng liêng, đầy trân trọng, dẫu tất cả kỉ niệm chỉ còn lại “sợi tóc”. Trong bài “Những điều trời đất nói cùng tôi”, có đoạn:
Chỉ một lần đôi mắt ấy nhìn tôi
Lướt qua vô tư không hề ngoái lại
Sao ánh nhìn chẳng thể nào vơi
Như tinh tú trên trời sáng mãi.
Hoàng Vũ Thuật mượn ẩn dụ đôi mắt để thể hiện tâm trạng buồn, đau khổ khi đôi mắt ấy “vô tư không hề ngoái lại”. Từ tâm trạng đau khổ, nhà thơ lại tiếp tục triển khai ý thơ “Sao ánh nhìn chẳng thể nào vơi / Như tinh tú trên trời sáng mãi”. Đôi mắt ấy, ánh nhìn ấy đã thay đổi tâm trạng nhà thơ, từ đau khổ sang nhớ mong, một nỗi nhớ thường trực “như tinh tú trên trời” không bao giờ tắt. Đó cũng là niềm hi vọng của những người đang yêu, niềm tin của con người trước cái đẹp. Cái đẹp không bao giờ mất, cái đẹp trường cửu. Với bài “Những con thuyền thúng”, nhà thơ ghép từ “lưỡi” với hai từ “rong rêu” tạo nên một ẩn dụ vừa mơ vừa thực: “Lưỡi rong rêu hằn rốp thịt da”. “Lưỡi” của “những trận bão dông chờ đợi” khi anh chấp nhận “úp mặt vào đời em”. “Lưỡi” của tình yêu, của những nụ hôn “uốn cong trời đất”... Cách ghép ấy khiến hình ảnh thơ tự biến đổi, tự nhân lên. Tất nhiên, nó phụ thuộc vào trình độ, cảm nhận của bạn đọc.
Theo một cách khác, nhà thơ Ngô Minh ghép từ “lưỡi” với danh từ “gió lào” trong bài thơ “Cát xanh”: “Đêm ơi, nằm không thấy / Sao bên trời và cát trắng nhìn nhau / Ràn rạt lưỡi gió lào / Táp vào đêm...”. Hình ảnh “lưỡi gió lào” là sáng tạo của Ngô Minh, tạo ra nghĩa trực tiếp khi nói về cái khắc nghiệt của miền Trung. Hay trong bài thơ “Nói với trái tim”, Lâm Thị Mỹ Dạ viết: “Ôi trái tim / Sao em lại mang dáng lưỡi cày / Để suốt đời không bao giờ yên ổn / Để suốt đời cày lên / Cày lên / Đau đớn và hạnh phúc”. Ở đây, hình ảnh “dáng lưỡi cày” chỉ ẩn dụ cho một trái tim không yên, biến động. Trái tim ấy luôn dằng co giữa “đau đớn và hạnh phúc”. Thi ảnh trên của Ngô Minh và Lâm Thị Mĩ Dạ dẫn người đọc ở chiều liên tưởng khác. Ở Hoàng Vũ Thuật các thi ảnh chuyển động, giản nở đa nghĩa, đa chiều mang đến sắc thái biểu cảm thảng thốt và mới lạ.
Tạo ra những “ẩn dụ kép”, thơ Hoàng Vũ Thuật buộc người đọc phải chọn hướng tiếp nhận. Bởi, thơ nhiều “ẩn dụ kép” thì việc cảm thụ thơ là điều không dễ dàng. Đó cũng là cách Hoàng Vũ Thuật vươn tới mạch thơ siêu thực mà các nhà thơ cùng thời khó theo kịp.
Trong Tháp nghiêng, Hoàng Vũ Thuật còn sử dụng những ẩn dụ mang tính “chập đôi”, nghĩa là nó khoác trên mình hai, ba biện pháp. Cũng trong bài “Di sản” (đã dẫn), có thể thấy rõ tính “chập đôi” giữa ẩn dụ và hoán dụ. Sợi tóc ẩn dụ vẻ đẹp của người con gái - người một thời đã làm tôi “quấn quýt” dù “ngày tháng cạn dần trôi đi”. Nhưng sợi tóc cũng là hoán dụ, lấy cái bộ phận thay cho cái toàn thể, lấy một phần của con người để chỉ con người. Người con gái ấy đã xa nhưng sợi tóc vẫn hiện tồn khiến tôi muốn “níu bước chân thời gian” mong “giữ lại chút mơ hồ làn hương mỏng”. Vừa hoán dụ, vừa ẩn dụ, làm tăng tiến, thăng hoa cảm xúc. Vì thế, rất có “lý” khi sợi tóc trở thành “di sản ái tình” “nằm yên trong bảo-tàng-cổ”, nó tạo được cái nhớ thương, cái tiếc nuối, cái trân trọng... Sự “chập đôi” này giúp Hoàng Vũ Thuật dễ dàng “phân thân” trong các bài thơ của mình.
Trong bài “Người điên”, Hoàng Vũ Thuật đã khéo léo đan cài hai biện pháp hoán dụ và ẩn dụ trong việc khắc hoạ thi ảnh:
có thật ông đấy không
tóc san hô rờn rợn trắng
bao năm vùi thân nơi mặt sàn
cái mùi người không phai
Không ai “vừa đi vừa đếm” bước chân của mình trên đường cả, chỉ có người điên mới vậy. Nhưng nhà thơ đã sử dụng thủ pháp ẩn dụ cho một số phận đầy đau thương “bao năm vùi thân nơi mặt sàn” nên sợi tóc hoá thành “san hô”. Cũng có thể xem tóc là hoán dụ, lấy một phần trên cơ thể con người để chỉ toàn thể - con người. Tóc ấy là “tóc san hô rờn rợn trắng”. Nó là kết quả của “cái mùi người không phai”, kết quả một số phận. “Mùi người”, đâu phải mùi mồ hôi, mùi da thịt? Đây là bản lĩnh, tố chất bên trong của con người. Cách hoán dụ đã đẩy chữ “mùi người” thành “nhãn tự” của bài thơ. Người đọc thơ phải nhận diện cho được “nhãn tự”. “Nhãn tự” thể hiện cái thần của câu thơ, có thể là cái thần của toàn bài. Đan xen hai biện pháp đó, Hoàng Vũ Thuật tạo nên hình tượng “người điên” đầy ám ảnh, xót xa, lạ lùng. Như vậy, người điên trong thơ chẳng hề điên chút nào. Thủ pháp nghệ thuật giúp người đọc nhận ra tư tưởng bài thơ, hay nói khác đi tư tưởng bài thơ cũng được bao bọc trong trò chơi khéo léo của nghệ thuật.
Tính “chập đôi” này còn được khai thác qua một số câu thơ như: Lưỡi rong rêu hằn rốp thịt da, Mái tóc hay vầng mây quá khứ nghìn xưa không tuổi lại bay về, Lòng ta chùng cánh võng sương khuya đẫm ướt...
Đúng như Jakobson đã khẳng định: “Mọi ẩn dụ đều phảng phất tính hoán dụ và mọi hoán dụ đều có ít nhiều tính cách ẩn dụ”. [4] Nghĩa là, giữa ẩn dụ và hoán dụ đều có tính chất tương liên (Thuỵ Khuê).[5] Vận dụng tính chất tương liên của các biện pháp nghệ thuật, hay nói cách khác, “lạ hoá” ẩn dụ, Hoàng Vũ Thuật tạo nên độ nhoè cho ngôn ngữ thơ. Và cũng vì vậy, thế giới thi ảnh trong Tháp nghiêng có một độ nghiêng nhất định, “nghiêng để đẹp trong nhiều dự báo” (Nguyễn Hưng Hải)[6] chứ không hề “lệch pha” với người đọc.
Bên cạnh những thi ảnh “chập đôi”, Hoàng Vũ Thuật còn tạo nên những thi ảnh “chập ba”. Để thể hiện thi ảnh “Nụ hôn cầu vòng uốn cong trời đất”, nhà thơ vừa sử dụng ẩn dụ, liên tưởng, so sánh. Nụ hôn ẩn dụ cho sự gắn kết ngọt ngào giữa anh và em. Nụ hôn ấy được so sánh ngầm với đường cong của cầu vòng tạo nên một hình ảnh tuyệt đẹp. Đó cũng là một liên tưởng khá thú vị của nhà thơ trong việc làm mới những đề tài về tình yêu.
Tháp nghiêng đã cho chúng ta thấy sự tinh tế của Hoàng Vũ Thuật trong việc vận dụng ẩn dụ. Đó là một hướng tìm tòi làm nên những bè trầm cho tập thơ. Vì thế, Diệp Minh Luyện rất chính xác khi nhận xét Hoàng Vũ Thuật: “Tư duy thơ anh nhảy cấp liên tục, phá vỡ ranh giới thông thường, tạo ra những tầng nghĩa lơ lửng, khiến cho người đọc đôi khi khó theo được mạch chuyển trong tứ thơ của anh.” [7]
Huế, 25/2/2010
[1]Roman Jakobson, Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, NXB Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2002.
[2]Hoàng Vũ Thuật, Tháp nghiêng, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2003.
[3]Nguyễn Vũ Tiềm, Đi tìm mật mã thơ, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2006.
[4]Roman Jakobson, Thi học và Ngữ học, NXB Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2008.
[5]Thụy Khuê, Cấu trúc thơ, NXB Văn Nghệ, California, 1995.
[6]Nguyễn Hưng Hải, “Sự phân thân của Hoàng Vũ Thuật trong Tháp nghiêng”, tạp chí Nhật Lệ, số 116, 2004.
[7]Diệp Minh Luyện, “Thơ Hoàng Vũ Thuật qua ‘Đám mây lơ lửng’”, tạp chí Nhà văn, số 9, 2002.