Nếu có người đọc truyện ngắn: "Xóm chân cầu", in ở Tuần báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam, bỗng dưng muốn gặp tác giả, tìm đến cái xóm nhỏ nằm ở chân cầu Quay thuộc phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, mà hỏi, chắc chắn nhận được câu trả lời: "Xóm tôi chỉ có ông Nguyễn Hồng Quang - công nhân nghỉ hưu, đang chăm vợ ốm! Làm gì có ông Quang nhà văn!"
Nếu cố gạn hỏi, may lắm nhận được câu trả lời chen ngang của một người nào đó: "Hình như ông Quang cũng có viết lách thì phải..."
Cũng như người dân lao động ở các xóm nghèo, ngoài việc làm lụng kiếm sống, cả đời mấy khi cầm quyển sách mà đọc. Càng không thể trách họ, bởi trong con mắt người đời, nhà văn là con người đặc biệt, tất nhiên được nhà nước ưu ái, với một cuộc sống phong lưu, chứ đâu như cái ông Nguyễn Hồng Quang, ngày ngày đạp cái xe mini tàng, đi chợ Trại Chuối mua rau.
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!" Từ năm 18 đến nay đã 73 tuổi, gần 60 năm cầm bút, với 8 đầu sách đã xuất bản, gồm 4 tập truyện ngắn và 4 tiểu thuyết, ông chỉ làm mỗi cái việc mà ông trời gán cho mình: viết và viết. Vì thế, nói gì hàng xóm, người thân, mà cả anh ẹm trong giới nghệ sĩ cũng biết rất ít về ông.
18 tuổi, Nguyễn Hồng Quang rời ghế nhà trường đi làm thợ ở công trường xây dựng đường sắt Hà Nội - Lao Cai, như Pa-ven Coocsưghin trong tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy". Sau đó được chuyển vào làm công nhân nhà máy Xi măng. Cũng từ đây ông viết báo, làm thơ và in ở nhiều báo như: Lao động, Tiền Phong, Cứu Quốc, Độc lập. Và rồi năm 1959 vinh dự đã đến với ông, tưởng như cuộc đời văn nghiệp của ông sẽ rộng mở từ đây. Nguyễn Hồng Quang là người đầu tiên của Hải Phòng được đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc ở Hà Nội. Năm 1964 được giải ba về thơ của báo Lao động. Với những đóng góp cho mảng văn học công nhân, năm 1972, Nguyễn Hồng Quang được kết nạp vào Hội văn học Nghệ thuật Hải Phòng. Cũng từ đây nhiều giải thưởng văn học đã đến với ông như: Giải thưởng các ngành Môi trường, giải thưởng chống văn hoá độc hại, giáo dục và gần đây là giải thưởng văn học Hoa phượng đỏ cho tiểu thuyết: Nơi không yên tĩnh và Huy chương vì sự nghiệp văn học của Uỷ ban trung ương các Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
Với 8 đầu sách đã xuất bản: 4 tập truyện ngắn: Ngày đầu bỡ ngỡ (in chung), Tia sáng đỏ (in chung với Chu Văn Mười), Người con của biển (in chung với Huy Liệu và Vũ Hoàng Lâm) và Dòng đời chảy xiết (in riêng). Gần đây Nguyễn Hồng Quang chuyên tâm về mảng tiểu thuyết. Bình quân cứ 2 năm ông xuất bản một cuốn và đều do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành như: Sương mù ban ngày (2007), Bụi thời gian (2007). Điều không dễ hiểu (2009) hiện nay ông đã hoàn thành bản thảo 2 cuốn tiểu thuyết nữa và sắp đưa đi xuất bản.
Đọc những tác phẩm của Nguyễn Hồng Quang, người đọc thấy hiển hiện trước mắt mình những nhân vật, những cảnh đời, nhưng tình huống của những người công nhân trong các nhà máy, người buôn thúng bán mẹt nơi đầu đường xó chợ, những cô điếm nghiệp dư ế khách lê chân trên hè phố. Những cảnh huống, những con người được Nguyễn Hồng Quang tái hiện trên trang giấy gần gũi, thân quen như ta đã từng thấy, từng biết, xảy ra ngay chính đời mình.
Người lính khoe chiến công của mình bằng những trận đánh và huân huy chương trên ngực. Người công chức khoe thành tích của mình bằng những giấy khen trên tường. 8 đầu sách với không biết bao nhiêu con chữ chỉ một tấm lòng yêu thương con người, để trên từng trang viết, chắp cánh ước mơ về một tương lai tốt hơn cho những mảnh đời con của họ.
Chỉ 8 chữ: "... mũi hàn vẫn dũi đều trên mặt thép", trong truyện ngắn Tia sáng đỏ, công việc của người thợ hàn được gọi ra, rõ nét, chính xác và nghệ thuật đến như thế. Liệu ai là người thứ hai nói thành văn về công việc thợ hàn như ông thợ, nhà văn Nguyễn Hồng Quang.
Thế đấy, nhà văn ơi! Ngày xưa, lao động nặng tiêu chuẩn 21,5kg gạo sổ một tháng. Sau tám giờ vàng ngọc, những công nhân đồng nghiệp với ông, tối đến lăn ra ngủ. Còn ông, có ai thêm cho ông ký gạo nào đâu mà ông đút chân vào bao khỏi bị muỗi đốt, khêu to ngọn đèn dầu, một mình một bóng, mượn ngòi bút, dát tim óc mình lên từng trang giấy, để nói đúng về họ, những con người.
Lại nữa, chẳng ai trả ông một đồng một cắc nào, chẳng ai phân cho ông nhiệm vụ phát hiện và phát triển đội ngũ viết văn kế cận cho nền văn học Hải Phòng, thế mà ông lại động viên cái gã công nhân tuổi mới ngoài hai mươi ở cùng xóm viết văn. Để rồi vài truyện ngắn của hắn được đăng đàn. Năm 1985, cái gã công nhân xí nghiệp gỗ 6-1 kiêm thợ mộc Lương Văn Chi ấy được kết nạp vào Hội, nghiễm nhiên trở thành đồng nghiệp, thành bạn văn của ông.
Mấy năm sau, cái gã bảo vệ viên của một công ty xây dựng mé sông cầu Quay, tên Nguyễn Văn Điều, tối tối rỗi việc, thường cà rà bên mẹt thuốc lá bán xỉ của vợ chồng ông nơi lưng chừng dốc cầu. Đọc những bài thơ, đọc cả những bài bình thơ khá sắc sảo của cái gã bảo vệ Điều này trên các báo, ông lại động viên hắn viết văn. Những truyện ngắn của hắn được in ở Tạp chí Cửa Biển có công ông chỉnh sửa từ bản thảo. Vài năm sau, Nguyễn Văn Điều cũng xứng đáng được kết nạp vào Hội nhà văn Hải Phòng.
Hú hồn! May mà 2 gã này không đến nỗi ngộ chữ, dở ông dở thằng, tự huyễn hoặc vỗ ngực ta đây, hoặc hâm hâm, dở dở. Cũng như ông, thầy của chúng, lẳng lặng chấp nhận cái việc mà ông trời bỏ thêm vào cái gánh đời của mình. Gia đình chúng vẫn bình an vô sự theo kiểu người lao động. Nói dại, 1 trong 2 gã ấy mà dở dại kiểu nghệ sĩ, sống mây gió, vợ con nheo nhóc bần cùng, thì ông sẽ áy náy biết chừng nào.
Tôi hỏi ông: "Nhiều người, chỉ 2 đầu sách đã được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. Chú có 8 đầu sách, hàng chục giải thưởng, sao chú không chịu làm như họ?".
- Mình ngại! - Ông trả lời, không biểu lộ cảm xúc nào rõ rệt.
Tôi không dám đi sâu khai thác, như ông, tôi biết việc ấy làm được, đâu chỉ tác phẩm... nhất là người như ông vốn khiêm tốn và bình dị.
Tôi nhìn sâu vào bên trong, sau cái tủ đứng là cái giường quanh năm buông màn. Vợ ông ngót chục năm nay nằm liệt giường với căn bệnh loãng xương, không còn mỗi tối bên cái mẹt thuốc lá bán sỉ được nữa. 1,8 triệu lương hưu của ông phải dàn mỏng cho mọi khoản chi tiêu, kể cả thuốc chữa bệnh cho vợ. Vậy mà, sau khi chăm sóc vợ và nấu cơm cho cả nhà (gồm vợ chồng cậu con trai và 2 cháu), ông lại ngồi vào bàn viết, mỗi ngày đều đặn từ 3 đến 4 trăm chữ. Thật là một cố gắng phi thường.
Ông tâm sự: "18 tuổi, từ làng quê Kim Đào, thị trấn Thứa, Bắc Ninh, tôi về Hải Phòng. Cũng từ đây tôi làm báo, viết văn. Tôi biết ơn Hải Phòng, nơi đã nuôi và cho tôi cảm xúc để viết...!". Ông ngừng lời, dõi mắt ra cửa, nói như chiêm nghiệm:
- Tôi luôn luôn núp mình trong bóng tối để nhìn ra ngoài ánh sáng.
Tôi hiểu sâu sắc câu nói đầy ý nghĩa của ông, vội đưa mắt nhìn vào bàn viết ở góc nhà: Một cái bàn gỗ cũ, kiểu bàn nước ngày xưa, một cái đèn bàn, vài quyển sách và vài tờ báo. Đúng, chỗ ngồi ấy hơi tối, nhưng là chỗ ngồi lý tưởng. Nhà văn Nguyễn Hồng Quang ơi, ông có biết không, ánh sáng lấp lánh lại phát ra từ chính nơi ấy. Bởi nó là thứ ánh sáng diệu kỳ, soi rọi và nhân lên những trái tim nhân hậu của con người./.
Hải Phòng, ngày 4 tháng 7 năm 2010.