Từ hồi còn rất nhỏ đã nghe mẹ hát ru, hồi chiến tranh chưa đến, tuổi thơ còn yên bình lắm, mẹ thường hát rằng “ cầm cân xuống phố múc ( mua) vàng/ gặp anh giữa đàng bảy lượng còn ba”... Nghe là nghe vậy thôi, tai này lọt qua tai kia rồi biến đi đâu mất tăm. Lớn lên một chút mới bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không ổn trong câu hát. Một cái gì đó ngơ ngác giữa cảnh huống “gặp anh giữa đàng bảy lượng còn ba” ấy! Mà đây lại là vàng, trời ạ! Chỉ tại vì phố! Mà phố là cái gì mà ghê gớm đến vậy? Hay tại vì ANH? Phố, mà phố nào, phố - thường hay phố- viết- hoa - Faifoo- Phố? Ở đó, có cái gì mà “ gặp anh giữa đàng” bảy lượng (vàng) chỉ còn có ba? Mất những bốn lượng, theo thời giá bây giờ những trăm mấy chục triệu? Có lẽ nơi chốn ấy lắm điều phức tạp chứ không lẽ chỉ tại vì ANH? Rồi dần dần một ý- niệm -về -phố trong tôi hình thành (tất nhiên là theo cảm quan riêng của tôi)
Theo dòng người tránh tên bay đạn lạc tôi dạt về phố, nói đúng hơn là ngoại vi thành phố cho dù đó chỉ là cái thị xã khá nhỏ. Từ ngoại vi, cuốc bộ hơn ba cây số là đến được trường, ngày hai hoặc bốn bận như thế. Con đường đi qua vài khu dân cư thưa thớt, qua mấy khu hành chánh và quân sự là đến trường, chẳng hề thấy phố thị gì. Con đường ấy chạy ra tít tận biển, nghĩa là từ đồng ra biển, chưa hề thấy phố. Thi thoảng lắm mới tạt vào chợ Phố để mua sắm thứ gì đó thật cần thiết, hoặc đôi khi chỉ để ngắm chợ thôi. Mỗi lần như thế là cả một sự kiện to tát. Lâu rồi phố cũng dần trở nên gần gũi. Có khi xuôi theo đường Lê Lợi ghé hiệu sách Thống Nhất hoặc Khai Trí coi cọp sách. Phố - trong -tôi có nghĩa là người chen người đông đúc, là hàng quán nối nhau, là sự buôn bán sầm uất, là mặc cả, là cãi nhau ỏm tỏi…Con đường Lê Lợi, qua tiệm phở Liến, vượt đình Ông Voi, xuống một tí là kiệt SICA, sẽ đến hiệu sách Thống Nhất, ở đó có một xe bán bánh mì ngon tuyệt trần đời, ngon ngậm nghe. Xuôi xuống chút nữa là bến phà sông Bạch Đằng. Qua phà sẽ đến bên tê sông - “ bên tê sông là ánh mặt trời “ với những Trà Nhiêu, Kim Bồng, Cẩm Kim… lạ lẫm ( tôi vốn từ trên núi xuống mà). “ Thuyền về Xuyên An, thuyền qua Xuyên Thái/ sao chở cho vừa một chuyến tình ta”, hồi ấy một cậu học trò mang bút danh Hoài Anh đã viết như thế về cái vùng ” bên tê sông “ xa xôi kia. Đi từ tây xuống đông, từ Thượng Chùa Cầu tới Hạ Âm Bổn sẽ qua được Bưu điện, chùa Quảng Triệu, các tiệm cao lầu, hoành thánh, chùa Phước Kiến, chùa Ông, Hải Nam… Rồi chợ Phố. Cuối cùng là Nhà đèn. Dọc theo đường Nguyễn Thái Học lại càng nhiều cửa hiệu trong đó có hiệu ảnh Vĩnh Tân nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX, tiệm tương ớt Triều Phát, nhà may Hoàng Mỹ v.v.. Cuối cùng là chợ với cây – đa – chợ sum sê chẳng biết có tự bao giờ. Đường Phan Chu /Châu Trinh xuất phát từ ngã ba Tin lành qua mấy căn nhà đầy bí ẩn tới bàu rau muống, chùa Tỉnh hội, chùa bà Mụ, qua rạp Phi Anh… là đến một cái quảng trường thỉnh thoảng lại có chiếu xi nê công cộng. Là hết đường. Phía sông Bạch Đằng chỉ có rạp xi nê Hòa Bình, bến đò và chợ cá là đáng lưu ý thôi còn tất thảy như cái cổng sau của đường Nguyễn Thái Học mở ra sông để đón gió, mà gió ở sông thì bát ngát…
Phố - nghĩa là nhộn nhịp người và người. Là rực rỡ sắc màu. Mỗi dịp tết nhứt, lễ Phật đản, ngày Noel… càng lung linh sắc màu. Rực rỡ hang đá ngày Chúa ra đời. Rực rỡ con đường Đức Thích Ca Mầu Ni từ đản sanh cho đến lúc nhập niết bàn trong mùa Phật đản. Là Tết nguyên đán lộng lẫy mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh… Là đủ thứ bánh trái hàng quà đầy quyến rũ đối với một đứa trẻ mới lên mười là tôi hồi ấy. Cho nên mỗi lần rời con đường đến trường quen thuộc rẽ xuống phố là lòng tôi lại rộn ràng nhưng cũng thiếu tự tin hẳn. Có lẽ bởi sự nhộn nhịp của phố, bởi sự lạ lẫm của hàng quán, bởi phức tạp của phố phường chăng? Tôi, từ ngoại ô còn có cơ hội ”xuống phố” chứ những người sống trong lòng phố thì xuống phố kiểu nào đây? Hay chỉ đơn giản là từ nhà bước ra đường? Hay là để dung dăng dung dẻ cùng bạn bè, người yêu? Hồi ấy, đâu đầu những năm 1970 xuất hiện một số thơ truyện có những cụm từ là lạ mang hơi hướm tình yêu học trò trong đó hình như “xuống phố” là một cách gọi màu mè để chỉ tình trạng “ ra đường” của các cô cậu đang yêu?( một kiểu hiểu khác so với nghĩa phố - viết –hoa nói ở trên). Có điều chẳng thấy ai thắc mắc gì cho dù đã rất quen những câu hát đại loại “ đưa em xuống phố trưa nay” nghe đến thuộc lòng...
Sau những ngày tháng buồn hiu hắt bởi khá nhiều người bỏ phố phiêu bạt xứ người, sau những ngày tháng chạy bở hơi tai lo cái ăn hàng ngày, Hội An/ phố trở lại với sự độc đáo và sang trọng của mình. Và đã thay đổi đến chóng mặt. Lắm khi lang thang một mình trên miền ký ức xưa mà không thể nào nhận ra. Một nếp sống chậm chậm buồn buồn những con đường ngắn ngủn, một lòng phố nho nhỏ be bé như bao diêm xinh xinh đã không còn. Thay vào đấy là sự tất bật nhoáng nhoàng của một thành phố du lịch thời hội nhập. Những gương mặt nguời xưa cũ đã đi về đâu? Và đâu rồi những người đẹp đã một thời làm nên một Hội An quý phái, đã một thời nhói lòng bao kẻ tha hương? Đã phiêu bạt về những đâu?./.