Họ là hai đại tá. Một, đại tá già về hưu đã dăm năm nay. Một, đại tá trẻ mới được phong quân hàm hồi cuối năm ngoái. Đại tá trẻ gọi đại tá già là “Bác”, lúc xưng “em”, lúc xưng “tôi”. Đại tá già gọi đại tá trẻ khi thì “cậu cậu tớ tớ”, khi thì “anh anh, em em”, khi thì “ông ông tôi tôi”. Tất cả phụ thuộc vào nhiệt độ phong vũ biểu và nội dung câu chuyện tếu lếu hay nghiêm trang. Họ ở gần nhà nhau. Đại tá già sinh hoạt với tổ dân phố khi đực, khi cái. Đại tá trẻ về sinh hoạt với chi bộ dân phố cũng khi cái khi đực. Có lẽ vì thế mà họ hợp nhau. Hợp nhau ở cái điểm không nói ra được, chỉ ngâm ngẩm hiểu được mà thôi. Trên đời còn có bao nhiêu cái khó nói mà vẫn hiểu được ấy chứ. Chẳng hạn như cái anh chàng Tây mà lấy chị Ta ở đầu phố là một ví dụ. Một Tây xịn nói tiếng Việt bồi lấy một Việt xịn nói tiếng Tây bồi. Cuối cùng cũng xong hết. Họ ở với nhau đã có hai mặt con rồi đấy. Đứa lớn đã tung tăng, đứa nhỏ còn ở trên nôi, hàng ngày vẫn diễu đi trên phố.
Đại tá già con cái đã phương trưởng. Đấy là nói theo nghĩa con cái chúng nó đã ra đời đi làm, tự kiếm sống nuôi được bản thân và vợ con, nhưng vẫn có một đôi, đứa con trai út mới lấy vợ, chưa có con, ở với bố mẹ cho bố mẹ đỡ buồn tuổi già. Rút kinh nghiệm của cuộc đời, ông bà cho chúng nó ăn riêng, cho hẳn một tầng trên cùng. Nhà đại tá già to, cao, những ba tầng, được xây từ ngày ông còn tại chức. Ông vẫn tự hào khoe với mọi người: “Đó là chút lộc mà quân đội cho tôi”. Hai ông bà già ở không hết, mà bà vợ của đại tá già thì lại hội hè liên miên. Hết hội phụ nữ đến hội cao tuổi, hết hội đồng hương đến hội cùng xí nghiệp, rồi thì bạn nọ, bạn kia. “Cả một đời tôi phục vụ, hầu hạ bố con ông rồi, bây giờ để cho tôi tự do, cho tôi đi chơi”. Bà thường nói như vậy với ông và các con. Đại tá già giơ cả hai tay ủng hộ: “Bà cứ đi chơi cho khoẻ, tôi tự lo được hết”. Nói là như vậy, nhưng mà mỗi bận đi hội hè đâu đó không về trong ngày được, bà chuẩn bị sẵn cho ông mọi thứ để trong tủ lạnh, “ông cứ thế mà “tự lo”. Được thể, đại tá già càng lớn tiếng: “Bà cứ đi đi, tôi thấy bà đi lại khoẻ ra, còn tôi, tôi đã ngán chu du trên từng cây số lắm rồi, tôi mà ngồi lên xe là các cơ quan đoàn thể trong tôi mỏi nhừ hết, rã rời hết”.
Một ngày nghỉ, vợ đại tá già đi lễ hội. Đại tá trẻ sang chơi. Hết uống cà phê, bàn sự đời, nói chuyện thế sự, chuyện nhân tình thế thái rồi lại uống bia với mấy cái thứ đại tá già “tự lo”:
- Hai vợ chồng đứa út đi chơi rồi. Lại đang muốn chuyển công tác. Chẳng hiểu chúng nghĩ những gì trong đầu mà thay đổi chỗ làm việc như thay áo. Chẳng bù cho mình, cả một đời chỉ mặc áo lính. Trưởng thành lên từ anh đội viên. Suốt đời trung thành với lính để đến bây giờ, những năm tháng cuối đời này, lương hưu có được cũng là do những ngày ở lính. Tớ cứ nói đùa với bọn trẻ: “Bố đang ăn vào quá khứ của bố”
- Bác cứ hay nói chuyện ngày xưa. Bây giờ suy nghĩ chúng nó khác, đâu có áp cái suy nghĩ của bác vào đầu chúng nó được.
- Nào đâu mình có “áp”. Mình chỉ nói chuyện của mình cho chúng nó nghe.
- Em nói bác đừng giận. Bác nói gì chúng nó cũng không nghe đâu. Chúng nó giả vờ đấy. Đằng sau bác, nó lại không gọi bác là cụ “khôt” ấy à. Lí luận cụ “khốt” là thứ lí luận bỏ đi rồi.
Đại tá già trầm ngâm, xoay xoay li bia đã cạn quá nửa: “Thế còn cậu, cậu cũng nghĩ như vậy à?” “Không, em không nghĩ như vậy. Nhưng em cũng không nghĩ như bác. Em thấy nếu giúp được chúng thì ta phải giúp. Vai trò của bố mẹ là thế mà”.
Vị đại tá già im lặng. Đôi mắt đục lờ lờ, he hé mở, he hé đóng. Những dấu vết phôi pha của cuộc đời đọng lại ở cái lờ đờ, he hé đó. Chẳng hiểu bởi buồn hay bởi bia, chẳng hiểu là ông đang nghĩ về ngày hôm qua hay đang nghĩ về ngày hôm nay. Còn ông đại tá trẻ lại cười hề hề, cười tự nhiên chứ không phải là cười xã giao hay lấy lòng gì cả. Với lại, đại tá trẻ nghĩ, đối với một ông già đã nghỉ hưu, không có hoạt động xã hội nổi bật, mọi sinh hoạt còn lại với phố phường cứ như làm lấy lệ, hay là trong sâu xa, vì bị một sự thúc bách hoặc một cái gì đó còn lởn vởn lấn cấn, còn sự níu kéo ràng buộc nào đó mà phải cố duy trì sự sinh hoạt lỏng lẻo với mấy ông già, thì, theo suy nghĩ của đại tá trẻ, con người đó cũng đã đi gần hết quãng đường trời cho, đâu còn sinh khí và nhiệt huyết, tất cả mọi tinh hoa đều đã phát tiết ở những năm trước rồi. Cũng thật tội, nếu cứ giả vờ đánh giá công lao và tầm quan trọng của các cụ trong đời sống hiện nay. Theo đại tá trẻ, đừng làm cái việc lấy lòng đó, cũng chẳng việc gì phải đề phòng. Các cụ đã nghỉ thì xin các cụ cứ nghỉ cho khoẻ. Hãy tin tưởng con cháu sẽ gánh vác được công việc mà các cụ để lại. Cũng là một cách nhìn thẳng thắn và cấp tiến của những con người trẻ. Cái đó là đáng trân trọng, bởi dù sao đấy cũng là sự thật. Sự thật thường hay mất lòng. Nhưng người già vẫn thường có cái nhìn vị tha và độ lượng hơn.
Ông đại tá già như đọc được ý nghĩ của ông bạn vong niên. Ông vỗ vai vị đại tá trẻ:
- Thế hệ chúng tớ có rất nhiều cái lạ. Cái lạ nhất là gì cậu biết không ? Là không dám nói thẳng ra cái điều mình nghĩ, không dám làm cái điều mà mình cho là đúng. Trên cao kia còn vô số các cây đa cây đề, các lão làng. Mình sợ nhất là các cậu lại rơi vào cái “vết lầy” đó. Nhưng ở cậu thì không. It ra là cậu cũng không giả tạo với mình. Cậu thật với mình. Đời cần những cái “thật” đó. Tớ đã thấy sự hơn hẳn về nhiều mặt của lớp trẻ, nếu không có những đột biến thì biết đến bao giờ ta mới “bơi” ra được biển lớn. Sự cằn cỗi, trì trệ thời nào cũng có.
Vị đại tá trẻ thấy hướng câu chuyện đã trở nên nghiêm túc, không cười hề hề nữa. Ông ta chăm chú nhìn vào mắt người bạn vong niên. Ông nhận thấy có một điều gì đó xa xôi trong cái vết xưa kia của ông bạn, cái xa xôi xưa có nhiều uẩn khúc và cả một sự chịu đựng nhẫn nại, cam chịu. Ông im lặng, cái im lặng lắng nghe, chịu nghe của một đứa em, của lớp hậu sinh. Khác hẳn với những lần bông đùa quá chớn như nhiều lần trước, ông thường coi các câu chuyện của ông bạn vong niên là cổ tích. “Bác cứ nói như vậy hoặc (nghĩ như vây), ngay bọn em đây còn khó tiếp nhận, huống hồ là bọn trẻ ranh bây giờ…”Khi đó vị đại tá già phủi tay: “Ông già bảy mươi phải nghe ông bảy mốt. Rõ chửa” rồi cười xí xoá. Nhưng trong câu nói đó có cái hàm ý “mày phải nghe lời tao, cái điều tao nói ra là đúng”. Tất nhiên ông đại tá già biết cái yếu của mình, cái “yếu” có thoáng một chút tự ti “mình bây giờ như là đồ bỏ đi, là phế thải rồi còn gì, thiếu gì người nhìn mình như kẻ ăn bám xã hội, là gánh nặng của xã hội”. Ông thường nói cái điều đó với đại tá trẻ. Có lẽ cũng vì cái “biết người, biết ta” đó mà đại tá trẻ làm bạn “tâm giao” được với đại tá già.
- Tớ cả đời chiến trận, cả đời mặc áo lính. Coi binh nghiệp là cuộc sống, là sự nghiệp. Thật sự, nếu vất tớ ra môi trường kinh tế một, hai chục năm trước, tớ có lẽ cũng đã “chết”. Cậu có tin như vậy không? Bây giờ các cậu khác chúng tớ ngày xưa lắm. Cái khác nổi bật là cái “dám”. Gần nửa thế kỉ mặc áo lính, tớ rất yêu và quí những người trong cùng đội ngũ, những con người từng làm nên lịch sử, những con người quá ư chân chất, vô tư và trong sáng. Trong sáng và vô tư kể cả khi đi vào cõi chết. Cái vô tư và trong sáng không thể nào tả nổi, chỉ có thể “cảm” được mà thôi. Nhưng tớ cũng thấy trong đội ngũ của tớ có những con người tầm thường, nhỏ nhen lắm. Chính vì cái sự tầm thường, ích kỉ, nhỏ nhen đó khiến trong con mắt tớ mất đi cái sự tôn trọng và sự ngưỡng mộ. Mà lạ thật, kì quặc thật, những con người như vậy lại thường leo cao. Chính cái sự leo được lên cao đó làm cản trở, gây đau khổ cho những con người chân chất, vô tư và trong sáng kia. Vị đại tá già buông tiếng thở dài: “Đời sao mà lắm nỗi oái oăm…”
Hình như không khí có phần nặng nề không phù hợp với buổi sáng trong lành. Vị đại tá trẻ cảm thấy như vậy. Ông ta muốn cái xô bồ hơn, ào ạt hơn. Nghĩa là trẻ trung hơn. Cách nhau cả một thế hệ mà lị. Suy nghĩ khác nhau có gì là đáng sợ. Vị đại tá trẻ đang lo cho đứa con vào trường sĩ quan. : “Chúng nó học hành không ra làm sao cả. Bây giờ còn đương chức, đương quyền không lo được, sau này nghỉ hưu như “bác này”, con nó có mà …hãy đợi đấy”. Đại tá già nhìn vào mắt đại tá trẻ, cái nhìn không thân thiện:
- Cậu là dạng cấp tiến nửa vời. Cậu không dám hê cái cũ, đại loại như tụi tớ, không dám đánh đổ cái cũ vì cậu đã dính một phần cái cũ trong xương thịt. Loại người như cậu nhiều lắm, bởi các thế hệ luôn nối tiếp nhau, dòng chảy đó có bao giờ dừng đâu. Không bao giờ có ý kiến dứt khoát. Đúng không? Đại tá trẻ cười hơ hơ cho qua câu chuyện, định đánh trống lảng:
- Bác nói chí phải. Chúng em bây giờ thực dụng hơn các bác ngày xưa. Nhưng bác chẳng đã nói là chúng em trẻ, chúng em “dám” cơ mà. Hình như có mâu thuẫn gì ở đây. Em nói thật nhé, ngày xưa các bác lí tưởng hoá cuộc sống, lí tưởng đến thần thoại nó lên quá tầm của nó vốn có. Đó là sai lầm! Em chẳng thấy trong các bác có ai nào đó đứng lên nhận sai lầm cả. Bác có đồng ý với em là những sai lầm thời các bác, thế hệ chúng em phải gánh chịu không? Cũng như nếu bây giờ, chúng ta cứ vay nợ nước ngoài vô tội vạ, thế hệ con cháu chúng ta lại phải è cổ ra trả nợ ấy. Đúng không bác?
- Đúng, cậu nói đúng! Thời của chúng tớ có cái khó của nó. Cái khó đó thời các cậu không biết. Thí dụ nhé, cậu có biết đấu tranh giai cấp là gì không? Đó là cuộc đấu tranh trong nội bộ, người ta tự hình dung ra kẻ thù, đào bới để tìm ra kẻ thù mà trước đây hay ngay ngày hôm qua đây còn là đồng đội, đồng chí của mình. Cuộc đấu tranh đó có thắng lợi hay không, người đa nghi như tớ không rõ câu trả lời. Theo tớ, cái hồi đó, chúng ta đã tưởng tượng ra kẻ thù, phóng đại sự nguy hiểm của kẻ thù, cứ như chàng hiệp sĩ trời Tây chiến đấu với cái cối xay gió ấy. Chúng ta đã quan trọng hoá quá mức cuộc đấu tranh giai cấp.
- Đấy có phải là bênh giáo điều?
- Giáo điều quá đi chứ! Nhưng hình như bây giờ người ta ngại nói về nó. Đừng bới móc cái đó ra nữa.
- Nhưng có thẳng thắn thừa nhận cái sai thì mới có thể tiến lên được.
- Chúng ta đã nhận ra…
- Nhưng chưa đủ…
- Cũng phải dần dần…
Đại tá già nhìn đại tá trẻ. Cái nhìn của ông là cái nhìn không chấp với kẻ hậu sinh. Ông chậm rãi: “ Còn nhiều điều phải nghiên cứu để rút ra những bài học. Những bài học đó thế hệ các cậu phải học, học để tránh. Thời bọn tớ, có ai dám phê phán cái điều đó đâu. Bây giờ thì các cậu được nói khá vô tư đấy. Nhưng tớ lại tin rằng rất nhiều người chịu suy nghĩ biết đến điều đó, không thích điều đó, thậm chí còn phản đối điều đó. Nhưng hầu như mọi người, trong đó có tớ, lúc đó lại hành đông khác. Những con người luôn muốn chứng tỏ mình là thành phần tích cực hay tỏ ra mình là thành phần quan trọng. Tỏ ra tích cực đấu tranh, dù chỉ bằng lời nói, để đổi lấy sự bình yên. Chúng ta, một thời, đã thấp bé đi, đã không còn là chính mình. Cái đó nó thể hiện con người chúng ta rất tầm thường. Cái tầm của chúng ta hoá ra rất bình thường, bởi đa phần chúng ta là như vậy. Đa phần cuộc đời của chúng ta sống rất tầm thường. Chúng ta không có những con người “dám”.
Đại tá trẻ một lần nữa cảm thấy cái nghiêm trang của câu chuyện. Ông nhớ lại những ngày mới kết thúc chiến tranh, đất nướcbước vào những ngày hoà bình, rồi sau đó là những ngày ông và gia đình phải vật lộn với cuộc sống. Bọn trẻ nhà ông ra đời vào cái thời gian khó đó. Tiền lương của hai vợ chồng chi tiêu tằn tiện ăn được nửa tháng. Vậy mà vẫn sống! Sống ngắc ngoải, ấy vậy mà có ai dám nói điều gì đâu nhỉ. Ông chỉ thấy một sự mẫn cán giả tạo, lời nói về hạnh phúc, ấm no cũng giả tạo. Tất cả cứ dấu nỗi ấm ức ở trong lòng, dấu đi sự không hài lòng, chờ đợi một điều gì đó kì diệu sẽ đến với bản thân và gia đình mình. Quan hệ con người với con người trong thời gian đó có sự thoải mái vì mức sống được cào bằng, nhưng có sự ganh ghét ngấm ngầm, đề phòng, tị nạnh âm thầm. Cái đói rách cứ phô ra, cái giàu sang thì phải dấu kín. Con người cũng trở nên tỉ mủn hơn mức bình thường. Đó là nỗi bất hạnh, một nỗi bấthạnh không nên có, không được có.
Vậy mà trong cái nhịp sống mới, trong cái hơi thở mới này mình đã chóng quên. Đại tá trẻ nhìn đại tá già như nhìn bức tượng đã được tạc trên những năm tháng khói lửa và khó khăn tận cùng của đất nước với con mắt trân trọng hơn. “Ô, sao mình lại chóng quên đến thế! So với nhiều người, mình là người hưởng lợi nhiều hơn. Có phải thế không nhỉ? Chiến trận chưa qua, hay cùng lắm cũng chỉ được gọi là mới đảo qua. Chủ yếu được biết đến trên những gìơ học trong học viện, trên phim ảnh. Chiến tranh đã trôi qua lâu rồi, vết sẹo đa phần đã lành. Chỉ còn lại trong trí nhớ của các bậc tiền bối. Mình là con người như vậy thì con cháu mình sẽ như thế nào. Đại tá trẻ bỗng giật mình. Người gần gũi nhất với những ngày đã qua như mình còn thế này thì lớp con cháu sẽ như thế nào. Chúng bảo mình nói chuyện cổ tích là đúng quá. Ta đây chẳng đang bảo vị tiền bối kia nói chuyện cổ tích là gì. Y nghĩ vụt qua nhanh như một tia chớp: “Vậy cái “dám” mà vị tiền bối ngồi trước mặt ta , nói về ta là cái “dám” gì?”
- Chúng ta còn hiểu nhau một cách phù phiếm lắm. Kể cả hiểu cuộc đời cũng vậy. Có ai có nhiều cuộc đời để mà hiểu thấu nó được đâu. Cả ngày xưa và bây giờ cũng vậy.-Đại tá già nói tiếp mạch suy nghĩ của mình trong khi lớp lớp sóng cũng đã nổi lên trong đầu đại tá trẻ- Tớ và cậu đều là lính. Đúng quá! Coi như người trong cùng một ngành với nhau, nói theo kiểu lính là cùng chung chiến hào. Dù rằng cái ngành đó có cái đặc biệt. Cũng đừng nên lấy cái đặc biệt để làm sang, làm oai cho mình. Người ta ở ngoài nói chuyện mua quan bán tước, trong chúng ta có nói không? Nói như thế nào thì nghe được, nói như thế nào thì không nghe được? Tớ thấy các cậu “dám” nhiều cái bạt mạng lắm. Có hẳn một “ba-rem” về sự mua sao và vạch cơ mà. Lớp người chúng tớ thì còn “nâng lên đặt xuống” còn “cân đong đo đếm” cẩn thận. Các cậu “dám”nhanh hơn và chỉ cần qua cái “quyết” một vấn đề gì đó, sẽ làm ta hiểu nhau nhanh hơn. Tớ vẫn cứ phân vân cái “hiểu” lẫn nhau của chúng ta lắm. Nó phù phiếm là ở chỗ đó. Nhân dân ta mong muốn điều gì. Mình nghe mãi mà vẫn cảm như thấy rất xa xôi. Những vấn đề như cơm ăn, áo mặc, độc lập, hạnh phúc… là những cái lớn lao và quan trọng nhất của cuộc sống và của mọi dân tộc thì đâu mà không như đâu, thế giới này ai mà chẳng căm ghét chiến tranh. Nhưng chiến tranh vẫn xảy ra. Có ngày nào im tiếng súng đâu. Vậy mà một thời cái từ “đồng bào” của nước mình lại bị phân chia, xa cách. Người ở bên này phải coi người ở phía bên kia là quân thù, nếu không, thì lại được xếp điểm thành phần giai cấp loại yếu. Thậm chí trong ý nghĩ cũng phải xác định là mình quyết không có mối quan hệ gì hết với nửa bên kia. Mà đã yếu cái thành phần giai cấp, có cái quan hệ “mang máng, xa xăm” nào đó là cả một vấn đề lớn của cuộc đời. Cậu không trải qua thời buổi khó khăn đó. Tớ đã trải qua, mà nói thật, tớ chẳng thể phân biệt được cái tốt của người có thành phần giai cấp tốt với cái xấu của người có thành phần giai cấp kém đâu. Tuyệt nhiên không thể phân biệt nổi. Rất nhiều khi, cái thành phần nó làm hại cả cuộc đời con người đấy.
- Nhưng em thấy cái ngày xưa, con người đối với nhau thân thiết và chí tình lắm. Đại tá trẻ xen vào dòng suy nghĩ, mà chắc vị đại tá già phải mất cả một đời để phân tích, để tìm hiểu. Và chắc cũng đã nhiều lần vị đại tá già đã có ý kiến về vấn đề này-Em cứ nghĩ, trong cái khó khăn, phẩm chất con người thể hiện rõ ràng hơn. Qua cái thể hiện đó, người ta dễ đánh giá. Đúng không bác? Đâu có như ngày nay, quan hệ con người với con người bị nhiều cái xen vào lắm. Mình không muốn nó vẫn cứ xen vào. Làm một người lương thiện, một người tử tế ngày nay thật khó! Đến nỗi cả người cầm cán cân công lí cũng không còn giữ được phẩm chất của mình.
- Ơ, ờ. Mỗi thời nó đều có cái khó riêng. Cậu vừa nói đến cái “tình” của người ngày xưa chúng tớ. Đúng vậy, ngày xưa con người đối với nhau chân thật hơn bây giờ. Trong chiến trận, viên đạn của kẻ thù không biết phân biệt cấp trên, cấp dưới. Động tác xun xoe, nịnh bợ ngày hôm nay cũng là viên đạn, nhưng nó xuất phát từ con người, con người biết chọn người để xun xoe, nịnh bợ. Người chết vì viên đạn kẻ thù để lại sự thương tiếc cho người sống, người chết vì sự xun xoe để lại cái ô nhục cho người sống. Khoảnh khắc để con người thể hiện mình là một người lính ưu tú ở chiến trường có nhiều hơn. Phẩm chất người lính loé sáng, nếu chớp được thời cơ thể hiện. Người lính đó có thể lên làm chỉ huy thay người thủ trưởng cũ. Họ trưởng thành từ người lính, từ cái cấp bét nhất là anh binh nhì. Họ am hiểu cuộc sống người lính và cái tình người được xây dựng từ chính mạng sống vào sinh ra tử của họ. Cậu đang phải lo cho quí tử một chỗ tươm tất phải không? Phải lo thôi! Có ông bố, bà mẹ nào không thương con. Nhưng chính cái lo có lí của cậu đang tạo ra lớp người chỉ biết người khác lo cho mình, chỉ biết nghĩ về mình. Cái lối sống ích kỉ, thái độ bàng quan với con người cũng xuất phát từ đó. Cậu bảo tớ nói chuyện cổ tích. Đúng, tớ nói chuyện cổ tích, nói chuyện cổ tích là nói về ngày xưa. Cái thời cả đất nước chỉ lo cho bữa ăn. Tớ phải nói đến cái ngày khổ sở cận cùng đó. Cổ tích bắt đầu bằng cái ngày đó. Cổ tích đang bị lãng quên, cậu biết không? Con cậu không muốn nhắc đến. Rất nhiều người khác cũng đang muốn quên nó. Không phải họ không biết, họ biết và mỗi lần nhắc đến chuyện “cổ tích” là họ ngượng, họ ngọng. Cậu cũng đang phá cái ngày xưa “cổ tích” của chúng tớ, mà vì nó, chúng tớ hi sinh, đổ máu. Làm một người tử tế thật khó, làm một người lương thiện thật khó. Sao cậu nói hay thế! Nói và làm phải đi đôi với nhau đấy nhé. Cậu nói hay lắm!
- Bác cứ quá khen em. Bác khen em, em càng thấy đau hơn. Em có làm người tử tế và lương thiện được đâu. Không phải em không muốn làm nhưng làm được khó lắm. Nói thật với bác, bởi nói với bác em không sợ, chả có việc gì em làm mà em không nghĩ phần có lợi cho mình. Chả cứ gì em, em cũng như quân cờ trên bàn cơ mà thôi…
- Cậu nói đúng và cậu rất tốt. Cuộc đời ngày nay rất cần những con người như cậu. Đây là giờ phút khó khăn của cuộc chiến, rất cần khoảnh khắc loé sáng của người lính. Không kinh qua khó khăn, không qua trải nghiệm làm sao loé sáng được. Phẩm chất tốt đẹp nào mà không cần tôi luyện. Ơ thời của mình, trong cái ngành lính chúng mình ấy, khối cái phải đấu tranh, phải mang ra mổ xẻ, thì lại im. Trong khi đó, chúng ta lại sa vào các cuộc đấu tranh tư tưởng rất trừu tượng. Các cuộc tranh luận về tư tưởng diễn ra liên miên và làm căng thẳng thần kinh lắm, hình như ai cũng lo lo một điều gì đó sẽ đến với mình. Tất nhiên là điều không lành. Chúng tớ nói lại những điều nghe được ở hội nghị, câu được câu chăng, những vũ khí luận và con người, những bom nguyên tử và hổ giấy, những đấu tranh giai cấp và giai cấp đấu tranh, những cách mạng và phản cách mạng, những chính nghĩa và phi nghĩa… Nhiều lắm, xa vời và mông mênh. Tất cả chúng tớ đều như biến thành các nhà hùng biện. Lại nữa, cái tốt đẹp và cái tự do nghìn lần hơn của chế độ ta đem so với cái chế độ mà ta đâu có biết nó ăn ở, sống chết như thế nào. Cứ như vậy, trong suốt quá trình học tập, bồi dưỡng, nâng cao, chúng tớ nói…nói như những con vẹt. Đấy là giáo điều, nhiều người trong chúng tớ được đào tạo như vậy lắm. Cũng có anh thành đạt từ những lò đó.
- Em nghe bác nói mà đầu óc váng vất hết cả-đại tá trẻ mở thêm chai bia-phải giải toả bác ơi. Cứ như bác nói, em nghe, thì, cổ tích của bác cũng nhiều đắng cay, ngọt bùi lắm. Dù sao, theo em, thế hệ các bác cũng tạo được nhiều người tốt, làm được nhiều điều tốt. Dám hi sinh cả cuộc đời vì lí tưởng cao đẹp. Lòng tin vào con người, vào tương lai của các bác lớn lao và bền vững lắm. Ngày nay, cuộc sống sôi động và nhiều mầu sắc đã làm con người mất lòng tin. Cái đẹp của lòng tin đâu đó có vẻ như là đồ xa xỉ. Mọi người vẫn hồ hởi với nhau, vẫn tay bắt, mặt mừng. Nhưng rồi sau đó thì lại như có thể quên ngay. Muốn lưu lại cái ấn tượng tốt đẹp thì phải để lại cái dấu ấn gì đó. Mà cái đó hình như cũng chỉ là mùa vụ, mang tính chất mùa vụ. Em vẫn biết cái đẹp vẫn luôn có sẵn trong mỗi con người. “Nhân chi sơ-tính bản thiện” Nhưng trong cuộc sống thì lại xa vời, lại khó đến với mình thế. Em như cảm thấy chúng ta đã đánh mất điều gì lớn lao lắm.
- Thì đúng vậy chứ sao! Cậu chẳng nói làm việc gì cậu cũng nghĩ đến lợi ích của cậu đầu tiên, thì tự nhiên cậu đã đánh mất lòng tin của người khác rồi còn gì. Lòng tin là thiêng liêng lắm, chẳng dễ gì mà có được. “Mất lòng tin là mất tất cả…”Thế hệ chúng tớ dù gian khổ, ác liệt đến mấy, trong lòng mỗi người có vương vấn điều gì chăng nữa, thì cái còn lại vẫn là lòng tin. Tin vào sự lãnh đạo, tin ở chính nghĩa, tin ở chiến thắng, tin ở tương lai tốt đẹp. Đã bao lớp người biết câu nói đó. Đừng để sự vô tư, trong sáng và sâu sắc của các lời Bác dạy thành khẩu hiệu suông. Có ai trong đời mà không nhớ được một lời dạy của Bác. Người hô hào làm theo lời Bác bây giờ đầy rẫy. Người thực hiện lời Bác hỏi được mấy ai. Nếu ai cũng như cậu, biết soi cái sai của mình thì đất nước này đã khá. Cậu hãy loé sáng đi. Khoảnh khắc thôi, cậu sẽ là thủ lĩnh.
Hai vị đại tá, hai thế hệ, một già một trẻ cùng cười. Họ nâng cao cốc bia uống cạn một hơi, mỗi người vẫn mang theo ý nghĩ khác nhau của mình về cuộc sống vào cốc bia. Nhưng đều cầu chúc cho sự tốt đẹp./.