Cách nay 53 năm, từ ngày 01 đến 04 tháng 05/1957, tại Câu lạc bộ Đoàn Kết cạnh quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội, Hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam đã được tiến hành với kết quả là thành lập nên Hội nhà văn Việt Nam.
Năm tháng đi qua, trong việc nhắc lại quá khứ, một số tài liệu, bài báo dần dà có những thông tin thiếu chính xác về sự kiện này. Nhân đây cần đính chính lại.
1/ Về tên gọi sự kiện
Một số tài liệu, kể cả của Hội nhà văn VN (bắt đầu có là là cuốn ‘Nhà văn Việt Nam hiện đại’ in tháng 7/1992) đều ghi nhận sự kiện này bằng từ “đại hội lần thứ I”. Nhưng điều đó là trái với thông tin tường thuật ở báo chí đương thời, trái với cả tài liệu gốc còn lại, ví dụ giấy ra vào của những người tham dự hội nghị: tất cả đều gọi đây là “Hội nghị thành lập Hội nhà văn”. Vậy tên chính xác của sự kiện phải là “Hội nghị thành lập Hội nhà văn”.
Ở cộng đồng người Việt trong nước từ mấy chục năm nay, nội hàm 2 từ “hội nghị” dường như không khác nhau thật lớn so với 2 từ “đại hội”; nhưng thiết nghĩ trên giấy trắng mực đen bằng chữ Việt (chứ không phải bản dịch ra một thứ chữ nào đó), trong các ghi chép chính thức thì không nên lẫn lộn.
Rất có thể Hội nghị này đã được Hội nhà văn VN xem là đại hội lần thứ nhất của Hội mình; nhưng nó đã diễn ra dưới nhan đề “Hội nghị” thì cứ nên giữ nguyên cái tên “hội nghị” đó; lần họp tiếp theo (10 đến 12 tháng 01/1963) được gọi bằng từ “đại hội” là điều đã rõ.
2/ Về tư cách những “hội viên sáng lập”
Xin nhắc lại nội dung tường thuật của tuần báo ‘Văn’ và nhiều tờ báo khác ở Hà Nội đương thời: 278 đại biểu tham dự Hội nghị thành lập Hội nhà văn VN đã thông qua điều lệ, phương hướng hoạt động, chương trình công tác 3 năm. Trong điều lệ có đoạn nói rõ: “Trên cơ sở Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đoàn kết mọi nhà văn yêu nước và tiến bộ, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, xu hướng chính trị, xu hướng nghệ thuật” (điều III). Bỏ phiếu bầu Ban chấp hành đầu tiên, 25 người trúng cử; Hội nghị quyết định: 25 người trong Ban chấp hành đầu tiên này là 25 hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam.
Xin nêu rõ danh sánh 25 hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam được xác định tại Hội nghị thành lập Hội, từ 01 đến 04 tháng 4/1957 tại Hà Nội:
Nông Quốc Chấn, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tú Mỡ, Anh Thơ, Mộng Sơn, Cầm Biêu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Sao Mai, Tố Hữu, Hoàng Tích Linh, Nguyên Hồng, Bửu Tiến, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi, Phạm Huy Thông, Tế Hanh, Nam Trân, Vũ Tú Nam, Hoàng Trung Thông, Xuân Miễn, Tô Hoài, Nguyễn Tuân
Như vậy, đây là quyết định của Hội nghị thành lập, quyết định này được nhất trí trước khi Ban chấp hành bầu ra các chức danh đứng đầu (chủ tịch, phó chủ tịch Hội, Tổng thư ký, phó tổng thư ký, các ủy viên thường vụ). Nội dung quyết định này là không thể sửa đổi, vì nó chỉ khẳng định một điều mang tính chất vinh danh đối với một số nhà văn đã được đồng nghiệp tôn xưng làm ‘sáng lập viên’ tại thời điểm thành lập Hội của những người cùng nghề nghiệp. Thành thử, nếu sửa đổi nội dung quyết định này thì chỉ là làm cho nó trở nên vô nghĩa mà thôi.
3/ Tìm nguyên nhân của thông tin sai lệch
Chính các soạn giả sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (Hội nhà văn VN xb. tháng 7/1992, tr. 7-8) đã phạm sai lầm rõ ràng khi tường thuật rằng “đại hội” (tức là “hội nghị” như đã nói trên) lần đầu “đã bầu Ban chấp hành Hội nhà văn VN gồm 32 (sic!) đồng chí”!
Lấy đâu ra con số 32 khi mà hội nghị ấy bầu Ban chấp hành chỉ gồm 25 người, rồi liền đó đã thông qua cái quyết định không thể sửa lại là coi 25 người ấy là những nhà văn sáng lập của Hội!
Con số 32 (ủy viên BCH khóa I) ở đâu mà ra? Tôi ngờ rằng các soạn giả sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (Hội nhà văn VN xb. tháng 7/1992) đã lấy số lượng và danh sách Ban chấp hành tính đến Đại hội lần II (1963), gán cho khóa trước, coi như một con số không có biến động!
Trong khi ấy, từ hội nghị thành lập Hội nhà văn VN (tháng 4/1957) đến giữa năm 1958, thực chất tình hình lại là có quá nhiều biến đổi, nhất là đối với Hội nhà văn VN!
4/ Nhắc lại lịch sử
Hãy chỉ nói đến chuyện thành phần Ban chấp hành.
− Ngày 11/4/1957 Ban chấp hành Hội nhà văn VN họp hội nghị lần thứ nhất, cử ra Ban thường vụ Hội gồm 7 người: Chủ tịch Hội: Nguyễn Công Hoan; phó chủ tịch: Tú Mỡ; Tổng thư ký: Tô Hoài; phó tổng thư ký: Nguyễn Xuân Sanh; các ủy viên: Nguyên Hồng, Tế Hanh, Đoàn Giỏi.
− Ngày 25 và 26/4/1957: Hội nghị Ban chấp hành HNVVN lần thứ hai, quyết định một loạt việc về tổ chức: duyệt đề án xuất bản tuần báo Văn và lập nhà xuất bản Hội nhà văn; lập các ban (ban kết nạp hội viên, ban chế độ công tác sáng tác, ban nghiên cứu sáng tác, ban văn học nước ngoài), và lập cơ quan Hội.
Tuần báo Văn: chủ nhiệm Nguyễn Công Hoan, thư ký tòa soạn Nguyên Hồng; các ủy viên biên tập: Tú Mỡ, Tế Hanh.
Nhà xuất bản Hội nhà văn : giám đốc Tô Hoài, các ủy viên ban biên tập: Hoàng Cầm, Đoàn Giỏi, Nguyễn Văn Mãi.
Ban kết nạp hội viên: trưởng Tú Mỡ, phó Nguyên Hồng (và một tiểu ban chuẩn bị hồ sơ).
Ban chế độ công tác sáng tác: trưởng Nguyễn Công Hoan, phó Nguyễn Xuân Sanh (và một số ủy viên).
Ban nghiên cứu sáng tác: trưởng Tô Hoài.
Ban văn học nước ngoài: trưởng Nguyễn Xuân Sanh, ủy viên Nguyễn Tuân, Phạm Huy Thông.
Thành lập cơ quan Hội gồm một số nhà văn và một số cán bộ nhân viên hành chính.
(Tin: Một tháng hoạt động của Hội nhà văn // Văn, Hà Nội, s. 1 (10/ 5/ 1957), tr. 2)
Hoạt động của tuần báo ‘Văn’, của Nhà xuất bản Hội nhà văn trong năm đầu (tức là trong năm 1957) đã gây nên ở một số người nào đó một sự lo lắng, hơn thế, một sự chọc giận vô tình hoặc cố ý. Họ cho rằng các sáng tác đăng tuần báo ‘Văn’ khi đó chưa làm được nhiệm vụ thể hiện “con người thời đại” là con người xã hội chủ nghĩa! Họ không đồng tình việc Nhà xuất bản Hội nhà văn cho in lại sáng tác của Thạch Lam, trong khi họ còn bực bội hơn nữa khi một nhà xuất bản tư nhân cho in lại “Tiêu Sơn tráng sĩ” của Khái Hưng. Họ cáu tiết không kém khi Nguyễn Tuân cùng mấy người dịch một Tuyển truyện ngắn Tchékhov cho in ra với lời tựa trong đó có chỗ nói rằng, nhà văn có thể đưa ra lời chẩn bệnh cho người đời chứ không cần kê đơn bốc thuốc!
Bấy nhiêu chuyện, thời nay tưởng “nhỏ như con thỏ” ấy, ở vào thời thế giới 2 phe đối đầu 50 năm trước, lại đủ để gây lo lắng cho khá nhiều giới hữu trách cấp cao. Rốt cuộc, một cuộc đấu theo quy mô đấu tranh ta địch sống còn đã được phát động (về sau một số người mệnh danh là các cuộc đấu tố ở ấp Thái Hà). Một loạt tên tuổi bị liệt vào danh mục những kẻ nguy hiểm, bị đối xử như “phản động”, như “kẻ thù” (Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huế, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai tức Châm Văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn Khắc Dực, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh, v.v…).
Khi sắp bước vào cuộc đấu tranh ấy, tuần báo ‘Văn’ liền bị đóng cửa vĩnh viễn. Ngày 25/5/1958 ra mắt báo ‘Văn học’ có manchette gắn với tiêu đề “Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Sau cuộc đấu tranh ấy, các Hội thành viên trong Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật VN nhận được chỉ thị phải chấn chỉnh về tổ chức.
Trong kỳ họp BCH Hội nhà văn VN (ngày 2 và 3/7/1958), sau phần Thường vụ tự kiểm thảo do Tô Hoài trình bày, là phần thứ hai: Nguyễn Đình Thi trình bày đề án chấn chỉnh tổ chức.
Về thi hành kỷ luật đối với một số người trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm, Ban chấp hành Hội quyết định: − khai trừ hẳn ra khỏi Hội: Thụy An, Trương Tửu, Phan Khôi; − khai trừ trong thời hạn ba năm: Trần Dần, Lê Đạt; − cảnh cáo một số hội viên có sai lầm nặng. Ban chấp hành biểu quyết cảnh cáo và khai trừ Hoàng Cầm ra khỏi Ban chấp hành; cảnh cáo và cho phép Hoàng Tích Linh rút khỏi Ban chấp hành. Hội nghị biểu quyết bổ sung vào Ban chấp hành: Hoài Thanh, Nguyễn Văn Bổng, Võ Huy Tâm, Nguyên Ngọc, Phạm Ngọc Truyền. Về chấn chỉnh các cơ quan của Hội, hội nghị chính thức cử Nguyễn Đình Thi làm Thư ký tòa soạn báo Văn học, sẽ cùng Ban
Thường vụ lập Ban biên tập cho tờ báo. Hội nghị giao Ban Thường vụ làm việc với Bộ văn hóa để
xây dựng một Nhà xuất bản văn học của Nhà nước, và Nhà xuất bản Hội nhà văn sẽ hợp nhất vào đó.
(Tường thuật Hội nghị Ban chấp hành Hội nhà văn lần thứ 4 // Văn học, Hà Nội, s. 5 (5/7/1958), tr. 2, 11)
Như vậy, tính đến đầu tháng 7/1958, BCH Hội nhà văn VN có:
25 người – 2 (H.Cầm, H. T. Linh) + 5 (Hoài Thanh, Nguyễn Văn Bổng, Võ Huy Tâm, Nguyên Ngọc, Phạm Ngọc Truyền) = 28 người.
Từ tháng 8/1958 trở đi, theo ghi nhận của tôi qua việc đọc lại các báo chí của Hội LHVHNTVN và Hội nhà văn VN từ 1958 đến 1963, thì thời gian ấy hầu như không có biến động gì về nhân sự BCH Hội nhà văn VN; con số 32 ủy viên BCH mà sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (Hội nhà văn VN xb. tháng 7/1992) nêu ra, có lẽ là lẫn với kết quả bầu cử vào BCH ở đại hội nhà văn lần thứ II với 33 ủy viên (chứ không phải con số 32 như ban biên soạn nói trên đưa ra về lần hội nghị thành lập Hội 1957!).
Nhân đây xin đề nghị bạn nhà văn nào đã tham gia Ban biên soạn sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (Hội nhà văn VN xb. tháng 7/1992) nếu biết rõ nguồn cơn những con số đã kể, xin trình bày lại cho ai nấy cần biết đều được biết. Lịch sử Hội nhà văn VN không phải và không nên là điều gì bí mật./.
Giấy ra vào Hội nghị thành lập Hội nhà văn VN của đại biểu Bùi Quang Đoài (Thái Vũ) còn giữ lại được. Ảnh: Kiều Mai Sơn
12/04/2010