Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.131
123.162.803
 
Giữ tên miền
Lý Ngọc

Ba tôi được sanh ra tại nhà hộ sinh số 3 phố Hàng Ngang, Hà Nội, còn má, ở bảo sanh 46 Colonel Grimaud Sài Gòn, đều vào năm Sửu 49. Tôi sinh 81 năm Dậu tại trạm ý tế huyện Lấp Vò. Má biểu, nhờ sanh thiếu tháng, lúc má còn ăn bo bo đứng lớp, tôi mới được chào đời góc phố huyện. Nếu giỏi chịu đói, nằm bụng đủ chín tháng mười ngày, cho tới lúc má về nghỉ hè ở quê ngoại trong Tháp Mười thì tôi đã xuống cấp xã, được mụ vườn cắt rún.

 

Ba tôi áy náy về chuyện phú quí giật lùi như thế. Ông quyết, hi sinh đời bố củng cố đời con, tôi vừa đỗ bằng tiểu học là ông thôi cán bộ, lãnh chế độ một cục hai triệu đồng, chất cả nhà lên con xe 50 từ Lấp Vò trực chỉ thành phố Hồ Chí Minh.

 

Bốn người trên một xe hai bánh, ba đứng mũi, má chịu lái, tôi ngồi giữa hai người, nhỏ út em gái tôi lọt thỏm trong lòng ba! Xoong nồi, chăn mền, sách vở, ba đã gửi xe đò lên trước rồi. Đồ đạc được theo người trong cuộc tiếu ngạo giang hồ hôm ấy chỉ có cuốn Truyện Kiều.

 

Là vì ba tôi không bao giờ thiếu được thứ đó. Nói theo ngôn ngữ quảng cáo thì ba tôi ăn truyện Kiều, ngủ truyện Kiều. Ba tôi tập Kiều tán má tôi. Má kể, ba tụi bây khôn dóc tổ, giải phóng quân thứ thiệt mà không lên giọng Từ Hải, cứ thẽ thọt  chàng Kim, tiện đây xin một hai điều / đài gương soi nón tai bèo cho chăng? Tên của các con, ba cũng xin từ Truyện Kiều”. Ba tôi giải ngũ, rồi  giảng Kiều hơn 20 năm trong các trường trung học để tháng tháng lãnh lương nhà nước và tới khi tự mình dứt sữa nhà nước thì Truyện Kiều vẫn theo ông như cái thùng đồ nghề theo một bác thợ. Ba tôi làm thợ viết, một nhà báo tự do và mọi thứ ốc vít văn chương để lắp ráp các bài báo, ông  lấy ra từ Truyện Kiều.

 

Với Truyện Kiều, ba tôi buồn trông mọi xó xỉnh của cuộc đời này,  buồn trông phường phố nhiều ôm /  ẽo à bia lạnh chồm chồm Hon đa / buôn trông mưa trận hôm qua /  bao nhiêu phố cạn hoá là biển sâu /  buồn trông bịch rác… nhảy lầu /  chân cây mặt lộ một màu tanh tanh /  buồn trông xe kẹt thị thành /  ầm ầm tiếng rú ga quanh ghế ngồi. Ông triết lí bóng đá mỗi khi mondial khai cuộc lạ gì bóng đá tấn công / cỏ xanh quen thói bóng hồng dắt rê!  Ông đùa với thứ tình vặt trong các phim mì ăn liền xưa nay trong đạo yêu ta / chữ chung tình cũng có ba bẩy đường / có khi mật có khi đường / có khi rượu thuốc, thường thường bia bom / như chàng lấy phở làm cơm / tô nào cho đủ cái mồm ấy va / trời còn để hắn cho ta / sương tan khóa ngõ, mây qua vén mùng …rồi bất ngờ, cẩu đầu đao,  thớt thể cùng thảo một câu / vịt quay một món, dao bầu phanh đôi... Ba tôi cứ tập, cứ tán, cứ nhại Kiều như thế mà gửi đăng từ báo Người cao tuổi tới báo Nhi đồng, đổi lấy nhuận bút đóng tiền gạo, tiền học, tiền nước, tiền điện… nuôi lớn hai anh em tôi.

 

Được việc như thế, sách ấy luôn  xếp ở ngăn thấp dễ lấy trong cái kệ sách cao lêu nghêu nơi gian nhà trệt thấp tè trong hẻm sâu dưới dạ cầu Bông. Buổi sáng triều cường  ngày rằm năm ấy, vừa mở mắt, tôi thấy guốc dép nổi lềnh,  nước đen kênh Nhiêu Lộc đã theo đường cống đổ vào nhà, cao gần bốn tấc. Nước đã ngập nửa thân Truyện Kiều.

 

Nàng Kiều được đặt ngồi nóc tủ, đợi phơi nắng và hong gió. Cả nhà tôi thay nhau lật từng trang để chữ mau khô. Hôm ấy chúng tôi mới có dịp cùng nhau nhìn ngắm người đã đồng cam cộng khổ với mình. Ai cũng có kỉ niệm với nàng. Của nhỏ Út, là cú nhỡ tay, đổ nguyên lọ mực tím vào bìa sách mặt tiền. Của tôi, vết gấp đánh dấu trang khi má bắt tôi chép chính tả Truyện Kiều hết trang này tới trang khác.  Của má, chi chít băng keo trong, dán ngang dán dọc, sơ cứu những tay sách có nguy cơ rụng vì chúng tôi vầy vò thái quá. Riêng ba tôi, ngay lề Truyện Kiều ông cũng không tha, cũng chiếm dụng, bằng những khuyên, những gạch, những ghi nhớ nhiều khi chẳng văn chương chút nào. Hóa ra, từ bao giờ trong nhà tôi, nàng Kiều ấy, sách ấy đã là  nhân khẩu chẳng cần hộ tịch. Vì vậy, khi xóm dạ cầu thành đừơng lớn ven kênh, nhà tôi ra mặt tiền và lên lầu, ba tôi có một phòng sách riêng thì trong thư phòng ấy, ông lập bàn thờ cụ Nguyễn.    

 

Có thờ có thiêng, sáng nay tôi được Nguyễn tiên sinh phò hộ. Chắc là người đã tha cho tôi cái tội, từng một lần tính bỏ tiếng Việt của người. Hồi ấy, từ Lấp Vò nhập cư thành phố, là thí sinh đã có giải trong cuộc thi môn văn lớp Năm vòng tòan quốc, tôi được nhận vào trường chuyên Nguyễn Du quận Nhất mà không tốn một xu tiền trường. Chỉ mất công má, nhờ chuyển từ lớp chuyên văn sáng lớp chuyên Anh văn. Khi đang học kì 2 lớp 9 tôi được nhà trưởng cử đi thi tuyển vào đội năm học sinh sang Băng Cốc phụ diễn cho một  chương trình của ca sĩ Michael Jackson. Xin trích nguyên văn một đọan tường thuật cuộc tuyển chọn có đăng trên báo Giáo dục và thời đại.

 

 “ Vào lúc 9 giờ 5 phút, một cậu  thanh  niên  bận  đồng phục học sinh, trên ngực còn đeo phù hiệu  trường chuyên Nguyễn Du bước vào phòng  tuyển.  Người  ta hỏi cậu bằng tiếng Anh. Bằng tiếng Anh  cậu  giới  thiệu rất lưu loát về mình, gia đình mình. Rồi cậu  hát,  cũng bằng tiếng Anh. Một vị giám khảo, bằng  tiếng  Việt  yêu cầu cậu hát một bài Việt Nam. Cậu học sinh vẫn  trả  lời bằng tiếng Anh, đại ý, tôi không thuộc một "e" Việt  Nam nào !  Tất nhiên cậu học sinh bị loại ngay từ vòng đầu.  Bởi vì nếu cần người chỉ biết tiếng Anh,  người  ta    thể tuyển từ bên Thái, thậm chí có thể mang theo từ bên  Mỹ, khỏi phải mất công sang  Việt  Nam  làm  chi.  Người  ta thật sự muốn tuyển người Việt Nam”.

 

Cậu thanh niên trong bài báo là tôi đấy, tôi đã thua đau, đã bỏ mất cơ hội được hát và nhảy nữa, với Mai Cồ. Ba tôi buồn lắm, ông cằn nhằn chuyện má đã khuyến khích tôi bỏ tiếng mẹ đẻ, khiến ông mất mặt với bạn bè, cằn nhăn dao sắc không gọt được chuôi thì rồi, họ nhà săng chết bó chiếu...

 

Xin trở lại với thì hiện tại của câu chuyện này, sáng nay tôi vào vòng kết thúc cuộc phỏng vấn xin việc ở công ti tin học  Pkuytr trăm phần vốn nước ngòai. Vòng hai chọn một. Câu hỏi cuối cùng của một người Mỹ dành cho cả hai chúng tôi là, ai đã đọc hết Truyện Kiều. Cả hai đều nhận đã làm việc ấy, đọc từ đầu tới cuối, nhưng khi ông ta kiểm tra thì chỉ tôi chứng minh được là mình nói thật. Tôi cũng như mọi học sinh khác thôi, chỉ được học lốm đốm trích đọan, lại học vào những năm không thi tốt nghiệp, không thi đại học, cho nên, Truyện Kiều cũng chỉ trình độ bình dân học vụ, học từ năm ngóai năm xưa / năm nay quên hết nên chưa biết gì  cũng chỉ là Truyện Kiều một góc tư, góc năm như ai. Nhưng vào mùa hè cái năm tôi vô duyên với Mai Cồ,  để làm lành với ba, má tìm cách dạy hai anh em chúng tôi nắm bắt Truyện Kiều tới nới tới chốn. Chúng tôi “âm mưu” với nhau một món qùa sinh nhật cho nhà Kiều học của gia đình mình, cho ba. Những lúc ba vắng nhà, má đọc từng câu Kiều và nếu không là tôi thì em tôi gõ PC  nhập tin, chúng tôi đưa vào máy Truyện Kiều, từ đầu tới cuối. Gõ xong, tôi lãnh phần sửa chính tả theo bản Đào Duy Anh , từ dòng cuối lên dòng đầu. Má tôi là giáo viên cấp một, bà nói, muốn sửa cho đúng chính tả phải đọc ngược như thế,  mới không bỏ sót lỗi vì những điểm mù do quen mắt nhìn. Nhập tin xong, tôi lại con đọc xuôi, đọc ngược không biết bao lần nữa để sọan một phần mềm tin học tra cứu Truyện Kiều. Với phần mềm quà tặng này, ba tôi có thể gọi ra cực nhanh các câu Kiều mình cần tìm, đặc biệt phần mềm tôi soạn thảo có thể… tập Kiều, có thể nối các vần chân, vần lưng của Nguyện Du khéo như  chính tay cha tôi từng làm mẫu. Thí dụ, đây là một tập Kiều cảm hứng từ chữ hồng, từ một màu đẹp mang tên Ánh Hồng của má tôi do máy theo lệnh ba thực hiện gương nga chênh chếch dòm song / thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa / bóng hồng nhác thấy nẻo xa / dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên…

 

Tôi đã thuộc Kiều như Kiều là của mình rồi, cho nên khi người phỏng vấn tóc vàng mắt xanh hỏi tiếng Anh giọng mũi,  tôi có thuộc Kiều không thì tôi tự tin thưa, xin đọc ông nghe từ câu 3254 trở lên. Tửơng tôi đùa, nhưng khi tôi bắt đầu mua vui cũng được một vài trống canh thì ông ta vội  mở ngăn kéo lấy Kiều, ( cũng là bản Đào Duy Anh tôi thuộc nằm lòng) nghiêm túc theo dõi, tròn mắt ngạc nhiên. Đến câu bắt phong trần phải phong trần thì ông người Mỹ nắm hai ta ra dấu hòan tất và chuyển sang nói tiếng Việt,  giọng xứ Nghệ anh hại nam bồ cụa choa, nhợ hơi bì siêu! (anh hai Nam Bộ của choa nhớ hơi bị siêu) khiến người tròn mắt ngạc nghiên bấy giờ lại là tôi. Tôi đã thắng. Một thằng mới tốt nghiệp khoa tin, trường tư  Hoa Sen đã có ngay việc làm mang lại thu nhập cao nhất nhà, hơn cả lương giáo viên đã từng chạm la phông của ba và má hồi tại chức cộng lại,  500 đô một tháng! Đồng lương ấy làm nhẹ gánh nặng cả nhà đang tự chất lên vai mình.

 

Số là, sau khi nhận được món qùa sinh nhật kia, ba tôi vui lắm, vui ngùi ngùi theo kiểu của người, ông nói với cả nhà đang ngồi quanh mâm cơm. Nhà mình đã làm được từ điển Truyện Kiều điện tử. Cảm ơn ba mẹ con nhiều lắm. Nhưng mình ba dùng gì hết! Có cánh chi đưa lên mạng cho nhiều người được dùng. Tôi nói ngay, thì ba đăng kí  tên miền trên iternet, ba mua một domain name cho nàng Kiều của ba. Cũng là nói đùa, nhưng ba tôi hỏi rất nghiêm túc, tốn kém thế nào? Chẳng bao nhiêu, chừng vài mươi đô một năm . Thế thì mua ba tôi quyết! Và ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã nhận được, qua mạng, thông báo từ công ty dịch vụ mạng tòan cầu GoDaddy “ The domain truyen-kieu.com is registered to:  Nguyensinh, Ho Chi Minh City”  (tên miền Truyện Kiều đã được đăng ký cho Nguyễn Sinh thành phố Hồ Chí Minh). Cũng từ hôm ấy, nhà tôi  thêm nỗi lo kiếm tiền đô nuôi tên miền quốc tế. Thứ ngoại tệ mạnh ấy hôm nay đã đến. Nguyễn Du đã tiếp sức để chúng tôi mở cho cô Kiều một lối vào xa lộ thông tin, ra với thiên hạ, đi xa hơn dòng sông mượn mang tên Tiền Đường.

 

Trưa nay, khi nghe tôi báo tin mình đã thắng trong cuộc phỏng vấn, ba tôi đứng lên, bước tới cái bàn thờ nhỏ trong phòng sách, đốt nhang, rồi khấn thành tiếng, cốt để anh em tôi nghe được. Thưa! Nhà chúng con nghèo, đã từng cậy nhờ cụ rất nhiều mà khá lên. Trửơng nam của chúng con là cháu  Nguyễn Sinh Cát Vũ cùng em gái nó, thứ nữ Nguyễn Sinh Tường Văn đã mua được cho cô Thúy Kiều một tên miền trên mạng , chúng con quyết giữ. Gia đình hương khói kính cáo!

 

Ba tôi mắc bệnh giáo dục mất rồi, cứ phải dạy giỗ ai đó điều gì thì mới được khoẻ trong người. Tôi đợi hết bài,  ông sẽ tập Kiều mua vui cho cả nhà như đã làm gần suốt đời mình. Nhưng không, ba tôi lặng mê đi trước bàn thờ! Có ai đó từ trên miền thông tin vô hình kia đang căn dặn ông điều gì …             
Lý Ngọc
Số lần đọc: 2548
Ngày đăng: 03.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chị Nhung - Nguyễn Quang Sáng
Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng
Chớp lửa đêm giông - Anh Động
Bài học tuổi thơ - Nguyễn Quang Sáng
Cái gáo mù u - Nguyễn Quang Sáng
Cô giáo ấp Bần Ổi - Nguyễn Thị Kỳ
Huyền thoại về con cọp trắng - Hồ Tĩnh Tâm
Xe tăng và ruồi - Đoàn Văn Ðạt
Thuốc đắng - Anh Động
Tiếng hót trong lồng - Trinh Bửu Hoài