Khi các bạn đọc những dòng này thì tôi đã là người thiên cổ. Tôi ra đi vào cái ngày thiên hạ nô nức chen nhau xin ấn đền Trần.
- Tổ chức vào đêm ngày 27 rạng sáng 28/2/2010 tức rạng ngày rằm tháng giêng năm Canh Dần ở Khu di tích đền Trần phường Lộc Vượng thành phố Nam Định?
- Không! Lễ hội khai ấn đầu năm tại đền Trần ở Hưng Hà tỉnh Thái Bình tổ chức sớm hơn, vào ngày 13 tháng giêng năm ấy. Trong lễ hội ấy đã có hàng vạn bản ấn được đóng và bán ra. Hàng vạn người đã chen chúc, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau để có được bản ấn.
- Lễ hội diễn ra trong mấy giờ đồng hồ, làm sao kịp đóng được hàng vạn bản ấn?
- Trong lễ hội người ta chỉ đóng chín bản ấn lên vải để dâng thờ ở chín di tích thời Trần, còn hàng vạn bản ấn bán ra được đóng từ trước trên giấy. Người đông như nêm cối, chen lấn một lúc lượng sức mình không thể đến được nơi bán ấn, tôi đành vái vọng các Ngài được thờ trong đền rồi bỏ ra hai trăm ngàn mua lại của người khác. Chen chúc lấy được xe máy- mà tôi đã gửi ở chỗ giữ xe với giá năm chục ngàn-tôi lên xe lách qua rừng người ra đến đường cái, vừa mới nháy ga tăng tốc thì tôi bị tai nạn. Một chiếc ô tô bảy chỗ ngồi đi ngược chiều đang đi thì bất ngờ bị nổ lốp sau, xe mất lái đâm sang phần đường tôi đang đi và đâm thẳng vào xe tôi. Tai nạn thảm khốc làm tôi chết ngay tại chỗ.
- Chỉ vì một bản ấn mà mất một mạng người!
- Đừng có báng bổ các Ngài, phải tội!
Tôi vừa trút hơi thở cuối cùng thì linh hồn tôi với bản ấn trong tay bay xuống Âm Phủ xin với Diêm Vương được gặp Đức Thánh Trần. Ngài sinh năm 1232, đến năm nay đã 778 tuổi nhưng trông Ngài vẫn còn phong độ của một danh tướng.
Sáng nào Ngài cũng dậy sớm vợt mấy đường gươm rồi cưỡi ngựa ra căngtin uống ly sâm nóng và bàn chuyện thế sự với Trần Bình Trọng, Trần Nguyên Hãn...
Tôi thưa với Ngài rằng tôi là con cháu họ Trần, tục danh là Trần Quốc Tức, vừa mới xin được bản ấn tại đền Trần ở Hưng Hà tỉnh Thái Bình muốn dâng lên để Ngài xem. Ngài cầm bản ấn, lông mày nhíu lại:
- Hình như chiếc ấn đóng vào bản này không phải do tổ tiên ta truyền lại?
- Kính thưa Ngài, theo kẻ hèn mọn này được biết thì người ta tìm được chiếc ấn này trong một lần khai quật ở tỉnh Hoà Bình, đào được một cái chum cổ, bên trong đựng một ít tiền cổ và chiếc ấn này, phía trên chiếc ấn là đầu rồng mang phong cách thời Hán.
Ngài cầm bản ấn lên lật qua lật lại ngắm nghía một lúc rồi nói:
- Muốn biết chính xác nội dung các chữ trên bản ấn nhà ngươi phải đến gặp cụ Nguyễn Trãi. Những chữ này viết theo lối chữ triện- một thứ chữ thông dụng từ đời Chiến Quốc cho đến thời Tần- khi khắc trên ấn thì khắc nổi(dương văn) và khắc xuôi nên đóng vào bản ấn thành ra chữ ngược, phải nhìn phía sau tờ giấy đóng ấn mới đọc được. E hèm! Viết như thế này thì ta có thể đọc là “Thiên nhân hộ quốc”, cũng có thể là “Quốc vương thiên nhân” mà cũng có thể là “Chu thị Thượng nguyên” có nghĩa là Tiết Thượng nguyên nhà họ Chu. Ta e rằng đây khó có thể là ấn của vua Trần.
Người tôi vã mồ hôi, tôi vội vàng lạy Ngài rồi tìm gặp cụ Nguyễn Trãi. Cụ Trãi sinh năm 1380, đến năm nay đã 630 tuổi. Như vậy là kém Đức Thánh Trần 148 tuổi. Nhưng có hề hấn gì, những vĩ nhân yêu nước thương nòi dẫu hơn kém nhau hàng trăm tuổi khi xuống cõi âm vẫn có thể coi nhau là những người bạn chí thiết. Lúc tôi gặp cụ Trãi đã gần chín giờ sáng, mặt trời đã lên quá đỉnh núi, ánh sáng xuyên qua màn sương mờ nhạt dọi vào rừng thông thành những chùm tia huyền ảo. Cụ Trãi vẫn còn ngồi bên lò sưởi bẻ những cành thông đặt lên bếp và hơ tay bên ngọn lửa để tìm hơi ấm. Nghe bước chân người cụ ngẩng lên. Tôi lạy cụ rồi nói rõ ý định của mình. Cụ cầm bản ấn lật qua lật lại săm soi một lúc rồi phán:
- Đây là bốn chữ ‘Thượng Nguyên Chu Thị” theo lối chữ tiểu triện, có nghĩa là Tiết Thượng nguyên nhà họ Chu, cũng có thể là Ấn chương của họ Chu ở huyện Thượng Nguyên, huyện này có từ thời nhà Đường, hiểu theo cách nào cũng chẳng liên quan gì đến triều đại nhà Trần. Cứ theo nét chữ và nội dung ta e rằng quả ấn dùng để đóng vào bản ấn này được chế tác rất muộn, đâu đó thời triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc, nhà ngươi nên tìm những kẻ hậu sinh mà hỏi thì rõ. Ta có thể giới thiệu cho ngươi hàng xóm của ta là danh sĩ Nguyễn Thông (1827-1884) tự Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, đổ cử nhân kỳ thi hội, làm quan đến chức Hồng lô tự khanh, người đã viết Việt sử thông giám cương mục khảo lược. Ngươi cứ đi hỏi cho chắc, còn ta thì tin rằng vì dốt nát nên trên dương thế mới đóng bản ấn này rồi nói đó là ấn của vua nhà Trần. Người Việt chúng ta vốn có truyền thống khoa cử, ngươi cứ nhìn dãy bia tiến sĩ đặt trong Văn Miếu thì biết, thế mà bây giờ trong các đền thờ miếu mạo được trùng tu câu đối hoành phi bị khắc sai hết sức thảm hại cứ như là do hạng bình dân thất học viết, thật là không biết ngượng với du khách.
Tôi tìm đến Hồng lô tự khanh Nguyễn Thông, hàng xóm của Nguyễn Trãi.
Sau khi nhận của tôi ba lạy ra mắt, Ngài cầm bản ấn lật đi lật lại ngắm nghía hồi lâu, tay bấm độn và trầm ngâm đến độ tôi sốt ruột rồi mới cất lời:
- Cụ Trãi nói đúng đấy! Ấn Thượng Nguyên Chu Thị này là của Từ Tam Canh (1826-1890) tên tự là Tân Cốc, hiệu là Kim Lôi đạo nhân, người tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, khắc theo yêu cầu của một người họ Chu ngụ tại huyện Thượng Nguyên. Do vậy bốn chữ Thượng Nguyên Chu Thị có nghĩa là Ấn chương của người họ Chu ở huyện Thượng Nguyên, không hiểu bằng con đường nào mà lưu lạc đến đền Trần ở Hưng Hà tỉnh Thái Bình?
Nghe đến đấy khắp người tôi nổi da gà, trong lòng tôi có cái gì đó sụp đổ. Than ôi! Bản ấn mà tôi đã đem tính mạng của mình ra đánh đổi có lẽ nào lại là một bản ấn rởm? Còn có sự lừa dối nào xảo quyệt và độc ác hơn không, hỡi Trời Xanh!./.
Hà Nội 2010