Nghĩ đến tình dục, hay quan hệ tình dục (tiếng Anh: sexual intercourse), còn gọi là giao hợp hay giao cấu, ta thường nghĩ ngay đến việc đưa bộ phận sinh thực khí người nam vào bộ phận sinh dục người nữ.
Gần với khái niệm tình dục, còn có khái niệm “dâm”. Theo tự dạng chữ Hán thì chữ Dâm 淫 viết với bộ thủy, theo nghĩa chiết tự thì chữ nào có bộ thủy là mang ý nghĩa đầm đìa, ướt át, tràn trề, thâm thúy, mê ly, quá sức, quá chừng. Theo Hán - Việt Từ điển của Đào Duy Anh thì chữ Dâm có ba nghĩa là: quá chừng, không chính đáng và mê hoặc.
Trong văn hoá, tự thời xa xưa, để duy trì và phát triển sự sống, ở những vùng sinh sống bằng nghề nông cần phải có mùa màng tươi tốt, con người duy trì nòi giống để phát triển. Trần Ngọc Thêm cho rằng: Để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt. Để cho phát triển cuộc sống cần cho con người sinh sôi. Trí tuệ của người bình dân nhìn thấy thực tiễn đó ở một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh và kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực – tín ngưỡng cầu mong sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người (phồn = nhiều, thực = nảy nở). Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam từng tồn tại theo suốt chiều dài lịch sử, và có tới hai dạng: thờ cơ quan sinh dục và thờ bản thân hành vi giao phối. [tr.234, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp tp HCM, 2006]
Ở cuộc sống hiện đại, nhiều người vẫn chưa có thiện cảm khi nhắc đến hai chữ "tình dục" bởi theo họ đó là điều cấm kỵ, là chuyện riêng của hai người trong phòng ngủ, lôi ra trước bàn dân thiên hạ, bàn tán thì chẳng còn ra cái thể thống gì. Lại có người quan niệm những ham muốn, những ý nghĩ về tình dục là "tội lỗi".
Phải chăng chúng ta chưa thoát ra khỏi lối nghĩ khắt khe theo quan niệm đạo đức thời phong kiến, chưa thật sự "giải phóng" chức năng tình dục, dù đây là một hoạt động quan trọng trong quan hệ vợ chồng, là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của con người.
Tình dục là một trong “tứ khoái” được nhiều người đồng tình:
Cơm Phiếu Mẫu, gối Trần Đoàn
Ngửa nghiêng gối phượng, nhẹ nhàng nương long
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không đi sâu vào bàn bạc chuyện nên hay không nên nói chuyện mà nhiều người cho là “tế nhị” này. Chúng tôi chỉ khảo sát, miêu tả lại những gì trong hiện thực khách quan của văn chương Việt Nam, khảo sát những tác phẩm chứa đựng yếu tố về tình dục, cùng với những giá trị nó mang đến mà thôi.
1. Trong ca dao dân ca
1.1. Miêu tả sinh thực khí
Bắt đầu từ một sự chọc ghẹo “quá đà” của chàng trai lém lĩnh:
Vú em nhu nhú chúm cau
Cho anh bóp cái có đau anh đền
Hay
Nước láng linh chảy ra Vàm Cú
Thấy em chèo cặp vú muốn hun
Nam tu nữ nhũ, nhũ hoa là bộ phận không thể thiếu và cũng không kém phần nhạy cảm của người con gái. Dân gian cảnh báo rằng:
- Nuôi con chẳng biết tính con
Hể vú gai gạo thì l. chớp đông.
- Con gái chơi với con trai
Coi chừng cặp vú như hai sọ dừa
Những bộ phận khác trên cơ thể người con gái, đến tuổi dậy thì, các bộ phận ấy cũng phát triển theo:
Mười ba mười bốn loăn xoăn
Mười lăm mười sáu lông quăm mép l...
Mười bảy mười tám thẹn thùng
Hai mươi mười chín như khùng như điên
Ra đường con mắt ngó nghiêng
Về nhà chui chốn buồng riêng vê mồng
Cũng có khi mượn cảnh ngộ để gợi đến một bộ phận ... nhạy cảm:
Gió nam non thổi lòn hang cóc
Phận em nghèo nên mồng đốc khô rang
Gắn liền với phần kín là lông, ca dao diễn tả hình ảnh này qua sự tinh quái, cợt nhã:
- Cô kia cắt cỏ bên sông
Cái váy thì cụt, cái lông thì dài
Thuyền chài nó trả quan hai
Thưa rằng chẳng bán để dài quét sân
- Hỡi nàng má đỏ hồng hồng
Cổ cao, miệng rộng, lông l... vắt vai
Ngược lại, thì thật … đáng tiếc:
Tiếc thay cây mía ngọt lại sâu
Tiếc con gái tốt mà cái bím bầu không lông
Từ trong cảnh sinh hoạt, người con gái đã “hé lộ” nơi kín đáo nhất:
- Trèo lên cây khế giữa ngày
Váy thì trụt mất, lưỡi cày thò ra
- Sáng trăng trải chiếu em ngồi
Em ngồi em để cái sự đời em ra
Sự đời bằng cái lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời
Lưỡi cày, cái sự đời trong ngữ cảnh ấy dường như cung nét nghĩa. Một tiếng chửi, một lời mỉa mai, hay một sự hãnh diện về cái “tự có” của mình. Có lẽ phải hiểu đa nghĩa mới thấy hết cái thâm thuý mà tác giả dân gian muốn gửi gắm.
Ở câu ca khác dùng cách chơi chữ đồng nghĩa nhằm đánh đồng để phê phán một hạng người: thầy đồ đạo cao đức trọng, cố ý "thanh cao" nhưng không tránh khỏi cái bản năng bình thường của con người, tác giả dân hết sức sắc sảo trong bài ca dao sau đây:
Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ
Ra hồ sen xem ả hái hoa
Ả hớ hênh ả để đồ ra
Đồ trông thấy ngắm ngay tức khắc
Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp
Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia
"Đồ nọ" tưởng "đồ kia" là hai từ đồng âm nhưng một từ với nghĩa là thầy đồ - một hạng người trong xã hội, và một từ "đồ" cũng là danh từ nhưng để chỉ sinh thực khí của phụ nữ!
Miền đồng bằng Tây Nam bộ còn câu ca với motif “thân em” nhưng vật dùng để so sánh rất dễ để người nghe liên tưởng đến bộ phận kín đáo của người con gái, nó như cá rô mề, ấy mà!
Thân em như cá rô mề
Lao xao giữa chợ biết về tay ai
Có lúc dùng trực tiếp yếu tố tục, gọi thẳng tên, nói thẳng … cái bộ phận ấy!
Bà Đội cho chí bà Cai
Bà nào mà chẳng váy ngoài l.. trong
Người phụ nữ tự hào, hay chính là cái tát độp thẳng vào mặt những người tự nhận mình là kẻ có học thức, nhưng những kẻ ấy vẫn phải tôn gọi … là “thần”:
Văn chương chữ nghĩa bề bề
Thần l... ám ảnh mà mê mẫn đời
Đến bộ phận sinh thực khí nam, chúng ta hãy nghe và … thấy nó qua bài ca đối đáp sau:
- Gặp đây anh mới hỏi nàng
Cái gì lủng lẳng một gang trong quần
- Chàng hỏi thì thiếp thưa rằng
Cái đeo lủng lẳng là “giằng cối xay”.
Về chất lượng và kích cỡ cái “của quý”, chủ nhân của nó tự nhận định:
- Em đừng khinh quân tử nhỏ nhoi
Con lươn bao lớn nó xoi lủng bờ
- Chẳng thà nó nhỏ mà dài
Còn hơn chụp bụp nữa ngoài nữa trong
- Chẳng thà nó nhỏ mà cong
Còn hơn tổ bố nữa trong nữa ngoài
Cũng là cảnh ngộ nghèo hèn, cũng là yếu tố tục, chàng trai tự bộc bạch:
Dĩa bàng thang con tôm càng dựng đứng
Bởi gia cảnh anh nghèo nên c... nứng nửa con
Tình trạng … bất lực “có như không” được người bình dân hài hước:
Cho dù có sống đến già
Cho dù béo tốt cũng là phí toi
Bây giờ pháo đả tịt ngòi
Gia tài còn lại ... một vòi nước trong
Đúng là hết giá trị nhưng vẫn … hấp dẫn!
2.2. Miêu tả hành động giao hợp
Không phải lúc nào cũng cứ yêu là … hợp. Hãy nghe người trong cuộc bày tỏ ước muốn cháy bỏng:
Ước gì em hoá lưỡi cày
Anh hoá thành bắp lắp ngay bây giờ
Lưỡi cày và bắp cày là những hình ảnh rất quen thuộc trên cánh đồng thửa ruộng, nhưng cách tạo hình và sự liên tưởng của nó để chỉ chuyện nam nữ thì thật là ... không gì có thể thay thế được!
Tương tự như thế, những phía chủ động lại là “phái yếu!
Cây trời có cái chỉa ba
Thương em thì hãy đem tra nó vào
Táo bạo hơn, tục tĩu hơn:
Gió nam non thổi lòn hang chuột
Đ.. em rồi, đ.. nữa được không em
Cũng cách chơi chữ đồng âm, nhiều câu ca phát huy hết tác dụng “ao ước” sự giao cảm của chủ thể trữ tình:
- Chị kia lớn mổng cao mu
Lại đây cho tôi gởi con cu trọc đầu
- Cu tôi vừa mới đâm lông
Cho mượn cái lồng nhốt đỡ vài đêm
- Cu tui ăn đậu ăn mè
Ăn chi của chị mà chị đè cu tui
Cu là con chim gáy, nhưng ai dám chắc chủ thể phát ngôn chỉ nghĩ đến đó, …
Cũng có những khao khát được thể hiện, nhưng chức năng để mỉa mai, để cười cợt kẻ “muốn chồng”:
- Con gái mười bảy mười ba
Đêm nằm với mẹ, khóc la đòi chồng
Mẹ giận mẹ phát ngang hông:
"Đồ con chết chủ đòi chồng thâu đêm”!
- Mẹ ơi con muốn lấy chồng
Con ơi mẹ cũng một lòng như con
- Bà già đã tám mươi tư
Ngồi bên cửa sổ viết thư tìm chồng
- Rung rinh nước chảy trên đèo
Bà già lật đật mua heo cưới chồng
Trong giáo tiếp, ứng xử, đôi lúc chính những cảnh hoạt động ân ái lại thể hiện thái độ, nhân cách của con người.
Đây là hạng người ngoại tình, lẳng lơ, trắc nết:
- Chồng chết còn chửa hết tang
L… đà ngấm ngáp như mang cá mè.
- Đánh tôi thì tôi chịu đau
Tánh tôi hoa nguyệt chẳng chừa được đâu
- Chữ trinh đáng giá ngàn vàng
Từ anh chồng cũ đến chàng là năm
Còn như yêu trộm nhớ thầm
Họp chợ trên bụng đến trăm con người
- Có chồng thì mặc có chồng
Tôi đi ngủ dạo kiếm ít đồng mua rau!
Rồi chính họ là người tự nhận thức, tự đánh giá về hành động ấy. Người trong và ngoài cuộc có thể xem đó là tiếng nói phản kháng, hay một sự biện minh cho hành động điếm đàng, câu ca thật đa nghĩa!
- Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng chôn ra ngoài đồng
- Lẳng lơ cũng chẳng hao mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để dành
Nạn nhân của chuyện ngoại tình, sẵn sàng cất tiếng nói mạnh mẽ:
Nước nóng đổ lọ bình vôi
Tôi ngồi tôi nghĩ bố tôi, tôi buồn
Bố tôi dở dại dở khôn,
Say mê cái l... bỏ mẹ con tôi
Thế mới biết hạnh phúc gia đình đổ vỡ bở có kẻ “chê cơm thèm phở!”
Người lao động dùng ngay hành động lẳng lơ kia để mỉa mai, châm biếm đối tượng chủ động là những kẻ có chức có quyền hoặc chí ít cũng là hạng “công tử” giàu sang, mà theo họ đó mới chính là thủ phạm gây ra cớ sự:
Thôi thôi, tôi van câu rằng đừng
Tôi lạy cậu rằng đừng
Tuổi tôi còn bé chưa từng nguyệt hoa
Tôi về gọi chị tôi ra
Chi tôi đã lớn nguyệt hoa đã từng
Với chế độ đa thê, chồng chung là điều khủng khiếp cho hạnh phúc lứa đôi. Thân phận người phụ nữ “làm lẽ” không khác gì chén cơm nguội đỡ lòng cho các đấng râu mày. Họ bị khống chế bởi quy định lễ giáo ngặt nghèo, bởi quan hệ chính – thứ, và họ cũng “thiệt thòi” ngay trong chuyện ân ái. Họ thẳng thắn tỏ bày:
- Đêm đông trời lạnh như đồng
Mượn chi thì cho mượn, mượn chồng thì không
- Làm thân con gái phải lo
Mùa đông rét mướt ai cho mượn chồng
- Chồng em đâu phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm
Dữ dội hơn, táo tợn hơn, những người phụ nữ mặn nồng với chuyện phòng the, tuyên bố như thách thức, như đốp chát lại với “nửa kia”:
L… rằng l… chẳng sợ ai,
Sợ thằng say rượu, đ… dai đau l…
Lúc cao hứng, họ cũng không ngần ngại tự hào về điều đó:
- Dậm chân xuống đất cái đùng
Vỗ l ... cái phạch chào anh hùng đến đây!
- Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian thường tình
Nếu như ở trên chỉ là “ước muốn”, nói những điều tiền giả định, sự việc chỉ có thể diễn ra trong tâm tưởng chứ chưa diễn ra trên thực tế, thì đến đây, ta lại bắt gặp những câu miêu tả trực tiếp cảnh ái ân. Có điều hành động giao hợp ở ca dao phần lớn thể hiện bằng hình ảnh, hoặc nghĩa nước đôi, hoặc là lời dùng để đố:
Cá lóc đâm phải cá rô
Ngút ngoáy một chút nước ồ ồ chảy ra
Ở trên chúng tôi có nhắc đến hình tượng “cá rô mề” mà dân gian mường tượng đến bộ phận sinh thực khí nữ giới, thì cá lóc mà câu ca này sử dụng khiến không ít người liên tưởng đến bộ phận sinh thực khí nam, có điều nó đâm phải, xắn vào tận bên trong tạo hứng khởi cho nửa phần còn lại.
Một kinh nghiệm tồn tại trong đời sống thường nhật, lại mang đậm tiếng cười trào lộng, gợi dục:
Đau bụng, lấy bụng mà chườm
Nhược bằng không khỏi, hắc hương với gừng
Theo đó, đau bụng sẽ có hai cách chữa, mà cách chữa đầu thì không cần phải thuốc men gì, người trưởng thành ai cũng biết!
Nhiều câu ca dao dùng yếu tố tục giảng thanh để đố vui. Đây là câu đố về hình ảnh người kéo vó (một phương tiện đánh bát cá ở sông rạch):
Canh một thì trải chiếu ra,
Canh hai bóp vú, canh ba sờ l...
Canh tư thì lắc lom xom
Canh năm cuộn chiếu ẵm con ra về.
Hoặc câu đố về động tác tát đìa bằng gàu vai của hai người “đàn ông”:
Cái l… có bốn cọng lông
Hai thằng cha đàn ông nắc cong xương sống
Hành động giao hoan ân ái, xảy ra ngoài đồng ruộng, cũng có thể đâu đó ven luỹ tre làng. Những hành động ấy bất chấp tất cả, lễ giáo phong kiến gọi là hạng “dâm bôn”, xem hành động đó là của những kẻ “trên bộc trong dâu”:
Thương em đút c... qua rào
Không thương rút lại gai quào rách dạ
Một sự ngã giá trắng trợn:
Trăng lên đỉnh núi mu rùa
Cho anh đ. chịu đến mùa anh trả khoai
Hay hình ảnh cũng chẳng mấy hay ho đã từng diễn ra trên bờ, dưới rạch:
Cô tú kẽo kẹt cậu cai
Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông
Đương nhiên hậu quả của nó cũng không nhỏ:
- Đói lòng ăn trái khổ qua
Nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười
Bạn cười thì mặc bạn cười
Tháng năm đi cưới tháng mười có con
- Ví ví rồi lại von von
Anh cho một cái, mang con đem về!
Khi yêu nhau, rồi nên vợ nên chồng, và lẽ đương nhiên trong cuộc sống ấy, ngoài việc hoà hợp tâm hồn, còn là sự khao khát hoà hợp xác thịt để duy trì nòi giống. Có những chuyện dở khóc, dở cười, vừa éo le, vừa hài hước được ca dao tả lại:
- Có chồng từ thuở mười lăm.
Chồng chê tôi nhỏ không nằm cùng tôi
Đến chừng mười chín đôi mươi
Tôi ngủ dưới đất chàng lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn cẳng giường gãy một còn ba!
- Đang khi lửa tắt cơm sôi
Lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem
Bây giờ lửa đã cháy lên
Lợn no con nín, tòm tem thì tòm
Đặc biệt hơn, ngay chuyện hãm hiếp, ca dao cũng ghi lại nỗi niềm bộc bạch của “nạn nhân”, chỉ có điều không biết điều đó để lại cho cô gái cảm giác ra sao mà thôi?
Hôm qua lên núi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em kêu nó cũng không tha
Nó đè nó nhét cái đầu cha nó vào, ...
Tóm lại, ca dao, dân ca là mảnh đất khá phì nhiêu tạo nên nguồn sống khá mãnh liệt cho những câu ca, tiếng hát chứa đứng các yếu tố dục tình. Ý nghĩa của nó có lẽ đã được mọi người đồng tình, chỉ xin nhắc lại để khẳng định chân giá trị mà nó đã tạo ra.
Thứ nhất, những yếu tố miêu tả sinh thực khí và hoạt động tình dục của người lao động là để họ tự cười cợt, đùa vui cho khuây khoả những tháng ngày vất vả một nắng hai sương trên cánh động thửa rộng
Hai là, ở đó ẩn chứa khát vọng về tình yêu, hạnh phúc, khát vọng thể hiện vẻ đẹp về hành động duy trì sự sinh tồn của con người, nhưng đôi khi bị dư luận hà khắc, cấm đoán.
Ba là, ta đã thấy rõ sự mỉa mai, châm biếm, phản kháng mạnh mẽ ở nhiều cấp độ, nhiều cung bậc, đa phương diện dành cho xã hội đương thời bằng những yếu tố tình dục trong ca dao mà chúng tôi vừa dẫn và phân tích minh hoạ.
2. Văn học viết
2.1. Văn học Việt Nam trung đại
Văn học Việt Nam trung đại hình thành và phát triển suốt chiều dài cùng chế độ phong kiến Việt Nam. Và, như thế nó chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố quy định, tác động đến nội dung, tư tưởng, đề tài, chức năng lẫn hình thức thể hiện. Quan niệm chính thống xem văn chương dùng để thể hiện “tâm, chí, đạo” của con người. Văn dĩ tải đạo; Thi ngôn chí, … Chỉ đến khi chế độ phong kiến xuống dốc, khả năng tiềm toả về mặt tư tưởng giảm bớt, con người mới “giật mình, mình lại thương mình xót xa”, từ đó nhà văn bắt đầu ý thức thể hiện vẻ đẹp hình thể như một nhu cầu của đời sống và văn chương.
Tình dục, yếu tố “dâm” trong văn học Việt Nam trung đại chỉ rải rác xuất hiện ở truyện, thơ truyền khẩu dân gian (cả hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương, cũng được nhiều nhà nghiên cứu gọi là dạng truyền khẩu, dù có tác giả chứ không khuyết danh). Thỉnh thoảng có một số ít tác giả văn học trung đại đưa những yếu tố nhạy cảm ấy vào thơ, phú, …, song, không nhiều.
2.1.1. Yếu tố hình thể, yếu tố sinh thực khí trong văn học Việt Nam trung đại
Truyện thơ Nôm khuyết danh Phạm Công Cúc Hoa, có chi tiết tả cảnh trạng nguyên Phạm Công vô tình nhìn thấy các cung nữ đang tắm khỏa thân ở bờ sông và đã bị triều đình “bắt tội”.
Ở Ngã Ba Hạc phú, Nguyễn Bá Lân đã dùng hình tượng của ngã ba sông giúp người đọc liên tưởng đến chuyện khác:
Ba góc bờ chia vành vạnh, huyệt kim qui hẻm đá rộng hông hênh; hai bên cỏ mọc lâm dâm, hang anh vũ giữa dòng sâu huếch hoác.
Mọi thú mọi vui; một chiều một khác.
Lơ thơ đầu ông Lã thả cần; trần trụi mặc Chử Đồng ngâm nước.
Bè khách thương bạ bến, cắm neo quỳ gối lắc cày xuôi; thuyền ngư phủ thuận dòng, giương nách khom lưng chèo tếch ngược.
Dùi điểm thùng thùng trống gọi, cửa tuần ty rộn rã khách chen vai; chày đâm văng vẳng chuông đưa, nền Phật tự lao xao người rén bước.
Khác gì: Những chốn Tiêu Tương; đồ Tranh thủy mặc.
Trên lọ phải vén quần vua Tống, ra sức anh uy; dưới cũng vui vỗ bụng giời Nghiêu, dắng ca canh tạc.
Nguyễn Du miêu tả cảnh Kiều tắm:
Rõ màu trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, đưa hình thể của “thiếu nữ” hiện lên như một tuyệt tác của thiên nhiên:
Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Bồng Đảo thường gọi là Bồng Lai, là tên của một trong ba hòn núi có tiên ở trong Bột Hải; Đào Nguyên là nơi đời Tần có một người tránh loạn vào ở đấy để tiêu dao. Từ nghĩa cụ thể chỉ địa danh nó phát triển rộng lên để chỉ những nơi đẹp, hấp dẫn. Hồ Xuân Hương dùng cách nói đồng âm để thay cho việc gọi tên hai bộ phận đặc trưng của thiếu nữ xuân thời. Thú vị hơn là cặp từ Bồng – Đảo; Đào – Nguyên cùng âm với bồng (bồng bế, nâng lên) – đảo; đào – (giữ) nguyên; là các hành động mà nếu đặt vào nhân vật “quân tử dùng dằng đi chẳng dứt” trong bài thơ, tương ứng với hai bộ phận “gò”, “lạch” đã nói, thì rất phù hợp cảnh ý lẫn tình!
Ở chỗ khác, dường như Bà đã tả bộ phận kín đáo của người phụ nữ bằng cách chơi chữ Vịnh cái quạt:
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Bộ phận sinh thực khí nam “ẩn mình” trong nghệ thuật tả cảnh Hang Cắc Cớ:
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am
(Hang Cắc cớ)
Nguyễn Khuyến cũng dùng cách nói õm ờ để người đọc có thể liên tưởng…
Người xinh, cái bóng tình tinh cũng …
Một bút một thêm một điểm tình!
(Đề ảnh Tố Nữ)
Câu thơ lấy ý từ câu ca dao: Người xinh cái bóng cũng xinh/ Người giòn, cái tỉnh tình tinh cũng giòn.
2.1.2. Yếu tố hoạt động tình dục trong văn học Việt Nam trung đại
Nguyễn Gia Thiều, trong Cung oán ngâm khúc khi miêu tả cảnh “mây mưa” của vua với cung nữ, đã dẫn tư liệu trong văn học Trung Quốc – một biểu hiện nghệ thuật tiêu biểu của thơ Việt Nam trung đại:
Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng
Tề Tuyên Vương khi nói chuyện trị với Mạnh tử, có nói câu quả nhân hữu tật, quả nhân hiếu sắc: kẻ quả nhân (tự xưng) này có tật, kẻ quả nhân này ưa sắc. Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên, tức bệnh ưa sắc đẹp của một đấng quân vương
Trong thơ Kiều, khi miêu tả cảnh Thuý Kiều ở lầu xanh, Nguyễn Du viết:
Dập dìu lá gió cành chim
Sơm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh
Hình ảnh lá gió cành chim có nguồn gốc từ chuyện nàng Tiết Đào đời Đường lúc nhỏ, nàng có làm bài thơ rằng: Chi nghinh nam bắc điểu; diệp tống vãng lai phong, nghĩa là: Cành đón chim nam bắc/ Lá đưa gió lại qua. Người cha xem thơ biết rằng số con không ra gì. Nguyễn Du đúc ý tứ từ hai câu thơ của Tiết Đào thành nhóm từ lá gió cành chim để chỉ cảnh gái giang hồ, tiếp khách bốn phương.
Trước đó, nhà thơ miêu tả cảnh Mã Giám Sinh tước mất “cái ngàn vàng” của Kiều:
Miếng ngon kề đến tận nơi
Vốn nhà cũng tiếc của trời cũng tham
“Đào tiên đã bén hơi phàm,
Thì vin cành quýt cho cam sự đời!
Dưới trần mấy mặt làng chơi
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa?
Nước vỏ lựu, máu màu gà
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên” (…)
Tú Bà khi biết sự tình đã lớn tiếng mắng Thuý Kiều đánh mất sự trinh trắng bằng hình ảnh:
Màu hồ đã mất đi rồi
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma
Sống cảnh lầu xanh, Thuý Kiều có lúc “nuối tiếc” bởi không trao thân cho người mình yêu thương:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Trong thơ Hồ Xuân Hương, cách miêu tả cụ thể hơn, chi tiết hơn, dù nó cũng ẩn ý qua cách miêu tả cảnh “đánh đu”, thực ra không khác gì cảnh trong “phòng the”:
Trai du gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn manh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không.
Tóm lại, với quan niệm thẫm mỹ khắt khe của những “hiền nhân quân tử” theo học cửa Khổng sân Trình nên văn học Việt Nam trung đại không chú trọng yếu tố tả thực. Vì thế, nó càng hiếm hoi cảnh ái ân, nếu có cũng được dùng bằng các điển tích, cách chơi chữ dùng từ đa nghĩa, … Tất cả nhằm mục đích để “tránh” đi những chuyện cần tránh!
Song khát vọng của con người vẫn âm ĩ và sẵn sàng bùng cháy khi có điều kiện. Nguyễn Công Trứ, một bậc danh Nho thời Nguyễn đã thẳng thừng tuyên bố:
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay
Tài tình dễ mấy xưa nay?
Trong cảnh “ngất ngưởng”, đi chùa lễ Phật ông vẫn mang hầu thiếp theo cho thoả lòng vui thú!
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Hồ Xuân Hương mạnh mẽ khẳng định, đó là chuyện con người, rất con người, chẳng có gì phải dấu giếm: Chúa dấu vua yêu một cái này! (Vịnh cái quạt)
Hay như:
Hiền nhân quan tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo
2.2. Trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX – 1945
2.2.1 Vài nét về nền văn học được hiện đại hóa
Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 đã bước vào thời kỳ hiện hoá, thoát khỏi hệ thống thi pháp của văn học trung đại.
Thế nào là hiện đại hoá? Xem ra không dễ để trả lời, bởi nó gồm nhiều yếu tố.
Về quan niệm thẩm mỹ, nhà văn xem cái đẹp mang những nét chân thật đời thường. Không còn nhiều bóng dáng của nghệ thuật ước lệ có sẵn như trước đây.
Văn học hiện đại xem con người với tất cả những vẻ đẹp trần thế vốn có. Không chỉ dùng “tâm chí đạo” để phản ánh mà con người trong văn học thời kỳ là con người cá nhân, ý thức về cái tôi, cái bản ngã của chính mình.
Trong những cách thức thể hiện cái tôi ấy có phương diện miêu tả vẻ đẹp của hình thể (những bộ phận liên quan đến tính dục), và những hành động ái ân, những cảnh hãm hiếp được thể hiện bằng những ngôn ngữ đời thường, tả thực. Chúng tôi, xin điểm qua một số tác phẩm như vậy!
2.2.2. Những tiểu thuyết trước và trong Tự lực văn đoàn
Có lẽ nhà văn tả cảnh thật sự dục tính đầu tiên của văn chương Việt Nam là Lê Hoằng Mưu, với tác phẩm Người bán ngọc (xuất bản 1931). Chuyện người bán ngọc tên Tô Thương Hậu giả phụ nữ bán ngọc để gần gũi và trở thành tình nhân của Hồ phu nhân:
Vén mùng rồi vừa gạt chưn để lên giường, xẩy thấy một toà thiên nhiên, lịch sự như tiên giáng thế, làm cho ng??i bán ngọc mảng mê nhan sắc trố mắt đứng nhìn, quên bổn phận mình, mưu sự tệ tình, bất cẩn .... Thấy Hồ phu nhân mê mẩn giấc nồng sổ đầu, nằm bỏ tóc, xấp xả khó gìn giữ cho đặng. Bèn sẽ lấy mền đắp bụng cho Hồ phu nhân; rồi lại muốn đưa tay rờ rẫm vuốt ve cho thoả. Không dè, mới thò tay vừa tới bụng sợ phập phồng nó làm cho tấc dạ bồi hồi, tay rung lập cập. Người bán ngọc không dám rờ! Lật đật thục tay vào rồi xây mặt ngó quanh quẩn bên mình ..... Vuốt qua vuốt lại, rờ xuống rờ lên đôi ba phen mà Hồ phu nhân mê mẩn không hay, ng??i bán ngọc thấy vậy mới dễ ngươi, ái tình lại dồi lòng tà dục ... muốn kề má hôn cho phỉ dạ. Có một điều là rờ rẩm vuốt ve thì không sao, chớ hễ muốn kề má xuống hun, thì lại hườn cựu lệ, trống ngực đánh rầm rầm, chưn tay run lẩy bẩy ... đổ mồ hôi ướt đẫm như người bị cảm mạo phong sương ... dục thúc quá dằn lòng không đặng, người bán ngọc bèn gượng đưa tay ra rờ cái ngọc cốt phi phàm ... Rờ tới đâu chết điếng tới đó ...
Đến tiểu thuyết, truyện ngắn của Tự lực văn đoàn, Nhất Linh miêu tả dục tính trong truyện ngắn Tháng ngày qua một cách loáng thoáng với chi tiết nhân vật Giao trọ học nhà bạn đã dám ho he tòm tèm để ý bà boss của anh bạn... "bốn mắt gặp nhau, ... cặp môi nàng mấp máy, dưới tấm áo mỏng, ngực nàng phập phồng, hai con mắt nhìn chàng có vẻ lẳng lơ, nồng nàn như đắm tình " ....
Các tác giả lãng mạn thời ấy kể chuyện tình yêu lãng mạn đấy nhưng ít ai đi vào chi tiết làm tình hay tả chân thân thể người nam hay nữ. Ngay cả người được coi là “mạnh tay” như Lê Xuyên với những tác phẩm như Chú Tư Cầu hay Rặng trâm bầu... thì nhân vật nam nhiều khi mất cả ... tuần mới cởi xong cái nút áo của người yêu.
2.2.3. Trong văn học hiện thực
Nhà văn gây ra nhiều cuộc tranh luận về vấn đề “dâm hay không dâm” bậc nhất thời kỳ này chính là Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi không bàn sâu về vấn này, chỉ xin điểm lại vài chi tiết trong một số tác phẩm tiểu biểu có miêu tả yếu tố tình dục của ông.
Vũ Trọng Phụng thường thể hiện bản năng tính dục như một “căn tính” chung của loài người, bất kể họ ở tầng lớp nào, giai cấp nào. Xin nêu một số dẫn chứng:
- Dục tình cũng lại mạnh hơn ái tình. Vả lại bao nhiêu cuộc ái ân của người đời lại không bắt đầu chỉ vì dục tình? (Giông tố)
- Nói đến ái tình lý tưởng mà không đếm xỉa đến cái dâm, đó chỉ là việc của hạng mộng mơ ảo huyền (Làm đĩ), …
Nhân vật Thị Mịch – một cô gái quê ngây thơ, trong trắng, sau khi “biết mùi đời” trong chiếc xe hòm thỉnh thoảng lại nhớ lại cảm giác khoái lạc như một kẻ đói ăn khát uống: Cái lúc ấy thật là gớm ghiếc, thật là bẩn thỉu, thật là đau đớn, nhưng trong đau đớn không phải là không có thứ khoái lạc trong xác thịt làm cho đỡ thấy đau, …Mịch đã “tự thoả mãn” bản năng bằng cách mơ mộng đến những người lạ mặt, những người qua đường, … Cảm giác “háu đói” ở Phó Đoan (Số đỏ) còn rõ rệt hơn: Từ khi bị hiếp, những cái cảm giác tê mê hiếm có rất khó tả, rất kỳ quái, cứ theo mãi bà như bóng theo người, lâu dần, việc ấy thành một sự ám ảnh.
Trong Giông tố, ngoài hành động cưỡng hiếp Thị Mịch “trong xe hơi”, mà Nghị Hách đã tự kể:
- Bảo hiếp dâm thì thật là vu oan. Thưa ngài, lúc ấy xe hơi của chúng tôi liệt máy, phải chữa trong hai ba tiếng đồng hồ. Giữa lúc tôi buồn, thình lình con bé ấy dẫn xác đến. Ngài cũng thừa biết cho là dẫu người tai to mặt nhớn đến thế nào đi nữa, thì cũng phải có lúc giăng gió một chút, cái ấy là trời sinh ra. Tôi hỏi con bé, nó đã bằng lòng... nó cũng như là một đứa giang hồ, mà cái việc xằng bậy của tôi thì cũng chỉ là của một người không hoàn toàn đứng đắn mà đi chơi bậy đêm mà thôi.
Vũ Trọng Phụng còn miêu tả những hành động tình dục của Long với Thị Mịch, sự loạn luân của Tuyết với Long, …
Trong Số đỏ ngoài sự dâm đãng của Phó Đoan mà chúng tôi đã dân, còn những cảnh: Xuân tóc đỏ rình xem bà Phó Đoan tắm, những cảnh làm tình của Hoàng Hôn, hay cô Tuyết lẳng lơ cùng “chiếc áo hở nửa vú”, … đốc tơ Trực Ngôn nói về dâm một cách hài hước: Thưa các ngài, loài người chỉ lôi thôi vì một cái dâm mà thôi! Đứa trẻ mới đẻ miệng bú mẹ, một tay mân mê cái vú, ấy cũng là dâm rồi.
Huyền trong Làm đĩ còn được nhà văn “chăm chút” hơn. Mới 8 tuổi đã tò mò đủ thứ, chẳng hạn như làm thế nào để đẻ con, đẻ con bằng cách nào? Lên 9 tuổi đã để ý đến “những chuyện thô tục mà người ta vẫn nói xung quanh”, đã cùng thằng Ngôn chơi trò vợ chồng dại dột để nhận “trong người một cảm giá là lạ”. Lên 13 tuổi, Huyền đã phải chiến đấu mỗi ngày một gắt gao với tình dục” và “sự phát triển âm thầm và đầy đủ của những cơ quan tỉ mỉ trong bộ phận sinh thực làm cho xác thịt của em rạo rực lên”, …
Chúng tôi xin mượn nhận định của Đinh Trí Dũng trong Nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng (Nxb Khoa học xã hội, 2004) để thay lời tiểu kết phần Vũ Trọng Phụng: Vô tình, Vũ Trọng Phụng đã biến phần bản năng sinh lý có thật ở con người thành một thứ “chủ nghĩa định mệnh sinh lý” và chính nó đã không ít lần đứng ra chạy tội cho cái hoàn cảnh xã hội mà ông muốn lên án, xoá bỏ, (…) điều này đã dẫn ông đến với chủ nghĩa tự nhiên trong một số tiểu thuyết.
Trước đây, cũng có ý kiến coi đoạn Chí Phèo gặp Thị Nở (trong Chí Phèo) của Nam Cao cũng là đoạn theo tự nhiên chủ nghĩa:
Hắn nhìn giữa hai lọ nước và tựa lưng vào gốc chuối, một người đàn bà ngồi tênh hênh. Chính là người đàn bà, hắn biết vậy là nhờ mái tóc dài buông xõa xuống vai trần và ngực... Hai tay trần của mụ buông xuôi, cái mồm mụ há hốc lên trăng mà ngủ hay là chết. đôi chân thì duỗi thẳng ra trước mặt, cái váy đen xộc xệch... Bên kia, có lẽ vì mụ giẫy cái yếm xẹo xọ để trật ra cái sườn nây nây. Tất cả những cái ấy phơi ra trăng, rười rượi những trăng làm trắng những cái đó có lẽ ban ngày không trắng; trăng làm đẹp lên. Chí Phèo tự nhiên thấy ứ đầy miệng bao nhiêu là nước dãi, mà cổ thì lại khô, hắn nuốt ừng ực, hắn thấy cái gì rộn rạo ran khắp người. Bỗng nhiên hắn run run. Ồ tại sao lại như thế được? (…)
Và thị Nở giật mình. Thị Nở mới kịp giật mình thì thằng đàn ông đã bám víu lấy thị.... Thị vùng vẫy đẩy ra, thị mở mắt, thị tỉnh hẳn, thị nhận ra Chí Phèo. Thị vừa thở, vừa vật nhau với hắn vừa hổn hển: "Ô hay... Buông ra... Tôi kêu... Tôi kêu làng... Buông ra. Tôi kêu làng lên bây giờ!” Thằng đàn ông lại phì cười. Sao thị lại kêu làng nhỉ ? Hắn vẫn tưởng chỉ có hắn mới kêu làng thôi, người ta lại kêu tranh của hắn, bỗng nhiên hắn la lên, kêu làng. Hắn kêu như một kẻ bị đâm vừa kêu vừa dằn người đàn bà xuống. Thị Nở trố hai mắt ngây ra nhìn. Thị Nở bỗng nhiên bật cười. Thị Nở vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng cái đó là cái đập yêu, bởi vì đập xong, cái tay ấy lại giúi lưng hắn xuống....
(…) Và chúng cười với nhau...
Bây giờ thì chúng ngủ bên nhau... đứa bé bú no thì ngủ. Người ta ngủ say sau khi làm việc yêu. Chúng ngủ như chưa bao giờ được ngủ... Trăng vẫn thức vẫn trong trẻo...
Chúng tôi, không nghĩ thế, chỉ có thể xem đó như một tả về tình yêu hay chính xác hơn là một lần bản năng dục tính trong con người đã thức ở Chí Phèo, để từ đó dẫn đến nhiều điều khác mà tác giả muốn thể hiện.
Có thể xem cảnh tượng trên như là một “vụ hiếp dâm”, nhưng không rõ ràng. Ngô Tất Tố - nhà văn cùng thời với Nam Cao, đã hai lần miêu tả cảnh chị Dậu bị cưỡng bức, trong Tắt đèn. Có điều, cận cảnh vấn đề thì nhà văn còn viết những vế câu biền ngẫu này, không bằng Nam Cao.
Lần đầu, chị bị tên Tư Ân, một viên quan giỏi chiêu thức “hiến vợ mình để cướp vợ người”, giở trò. Hắn bảo vợ hắn, lên quan mà “chiều” quan trên. Để rồi, ở nhà giở trò “chim chuột” với “người đàn bà nhà quê”:
- Con lạy quan lớn, chúng con là gái có chồng, quan lớn tha cho...
Quan phủ vừa co tay chị, vừa trả lời :
- Không được! Có chồng mặc kệ có chồng... Ngày mai cho về với chồng. Ai giữ làm gì?
Chị Dậu nhất định cố giằng tay ra và cứ một mực :
- Con lạy quan lớn! Chúng con là gái có chồng, quan lớn tha cho
Dường như cơn hăng nổi lên. Nhưng mà chị này khỏe hơn, vừa rẫy rụa, vừa buột miệng gắt gỏng:
- Ô! Nhà ông này mới hay chứ! Có buông ra không thì tôi kêu lên bây giờ!
Quan phủ không trả lời. Ngài mắm thật chặt hai môi.. chị Dậu hết sức vùng vẫy để nhoài mình ra. Trận huỳnh huỵch kéo dài đến hơn mười phút. Chị Dậu du được bên địch ngã kềnh xuống đất, rồi chị chạy ra cửa và đứng tựa lưng vào tường để giữ thế thủ.
Lần thứ hai, đoạn cuối tác phẩm, khi chị Dậu đi ở vú và bị tên dê già mất nết, giở trò:
(…) Mang tai chị thấy hơi rầm rạm như bị những sợi râu ngắn quét vào rồi thấy có tiếng thì thào.
- Tao! Tao đây. Cụ... đây. Nằm im.
- Bẩm cụ chúng con là phận tôi tớ...
- Nói khẽ chứ. Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh. Tao không cần gì cái đó. (…)
Ở một đoạn khác, một khác cạnh khác, Ngô Tất Tố say sưa miêu tả vẻ đẹp về hình thể của người đàn bà:
(…) Hai cái bầu vú đầy sửa mẩy găng, sửa ở trong vú rỉ ra, ướt đầm cả một lần yếm, làm cho chị Dậu bồn cồn xót ruột về con bé ở nhà. (…)
Nguyễn Công Hoan trong Người ngựa, ngựa người có miêu tả thoáng qua hành động của “cô gái điếm”, xin “tự nguyện trả công” cho người kéo xe:
(…) Tôi gán cho anh khăn, áo, đồng hồ mà anh không lấy, thì tôi chả biết nghĩ thế nào cho phải cả. Thôi thì anh kéo tôi ra chỗ kín, vắng, anh muốn bắt tôi gì tôi xin chịu.
- Tôi bắt gì cô mà tôi bắt!
Cô ả nắm lấy tay, vỗ vào vai anh xe, nhăn nhở cười:
- Anh này thực thà quá, nghĩa là chỉ có anh với tôi thôi, thì người tôi đây, anh muốn làm gì tôi cũng bằng lòng.
- Ối thôi! Tôi lạy cô. Nhỡ cô đổ bệnh cho tôi thì tôi bỏ mẹ tôi.
(…)
2.2.4. Trong Thơ mới (1932 – 1945)
2.2.4.1. Khái niệm Thơ mới
Ngày 10 tháng 3 năm 1932, Phan Khôi đem “trình chánh giữa làng thơ” một lối thơ mới, đó là bài thơ Tình già được đăng trên báo “Phụ nữ Tân văn”. Mười năm sau, Hoài Thanh, Hoài Chân hoàn thành công trình “Thi nhân Việt Nam” (viết xong tháng 11 năm 1941). Thơ mới được Hoài Thanh, Hoài Chân khẳng định là tinh thần Thơ Mới.
Theo Phan Huy Dũng, khái niệm Thơ Mới trong phong trào Thơ 1932 – 1945, có thể được xác định qua ba nguyên tắc kết cấu cơ bản của Thơ Mới:
Một là, tôn trọng dòng chảy tự nhiên, sống động của cảm xúc cá nhân, cá thể.
Hai là, đặt ở bình diện thứ nhất cảm xúc trực tiếp của nhân vật trữ tình.
Ba là, nhấn mạnh sự tồn tại độc lập của khách thể miêu tả.
Như vậy, một trong những điểm phân biệt cái tôi trữ tình của Thơ Mới và cái tôi trữ tình truyền thống là: cái tôi trữ tình của Thơ Mới có ý thức rất rõ về phẩm tính, về sức trẻ của mình.
Vẻ đẹp con người nảy nở toàn vẹn ở lứa tuổi thanh niên là sự tự ý thức về vẻ đẹp của cơ thể mình, về sức sống đầy khát khao giao cảm.
Xuân Diệu nhìn thấy vẻ đẹp ở bộ ngực của tuổi trẻ:
Em đẹp, khi em phồng nét ngực
Hít không gian và ngó thẳng trời xa. (Đẹp)
Huy Cận cũng cùng mạch cảm xúc ấy:
Ngực trắng giòn như một trái rừng
Mắt thì bằng rượu, tóc bằng hương (Hồn Xuân)
Thế Lữ thì “sát” hơn:
Hồ trong như ngọc, tấm thân ngà
Lồ lộ da tiên, thô sắc hoa. (Vẻ đẹp thoáng qua)
Hàn Mặc Tử ngất ngây với thân ngà, vóc ngọc:
Ống quần vo xắn lên đầu gối
Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình (Nụ cười)
Nàng Thơ của Bích Khê là một người “đẹp và dâm”. Chân dung nàng luôn được thi nhân trình bày ở dạng lõa thể, khỏa thân. Nhìn vào đó ta thấy Nàng đẹp bằng một hình thể kiều diễm:
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương (Lõa thể)
Đẹp ở đôi bầu vú:
Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ
Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh (Sắc đẹp)
Vẻ chi mãnh liệt nhưng êm ái
Trong cặp tuyết lê ướm dậy thì (Châu)
Từ đó, Bích Khê thể hiện sự trỗi dậy tính dục đầy bản chất con người trước cái Đẹp:
Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi!
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng
Ôi lồ lộ một toà hoa nghiêm động!
Tôi run run hãm lại cánh hồn si, …
(Tranh loã thể)
Bích Khê có hẳn một bài thơ đặt tên là Xác thịt:
Tôi vồ người như một miếng mồi ngon
Miệng ngậm hờn riết chặt lấy môi son
Mắt đổ lửa lườm qua làn sóng sắc...
Tôi giật nẩy rồi cười lên sặc sặc
Hai tay cào đôi vú trắng như bông
Cũng vấn đề xác thịt, nhưng xem ra Xuân Diệu còn khao khát nhiều hơn, khao khát nỗi niềm đồng cảm của một tâm hồn muôn thuở sợ cô đơn như hoàng tử thơ tình yêu:
Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài
Những cánh tay hãy quấn chặt đôi vai
Hãy dâng trọn tình yêu lên sóng mát
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say sưa anh vẫn bảo em rằng
Gần thêm nữa thế vẫn còn xa lắm
(Xa cách)
Hàn Mặc Tử cũng bày tỏ nỗi niềm của riêng mình, bằng tứ thơ:
Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới
Chưa hề ấu yếm ở đầu môi.
(Cô gái đồng trinh)
Trong mộng, Lưu Trọng Lư thể hiện:
Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân
Cho tình tràn trước ngõ
Cho mộng tràn gối chăn?
Ở Tối tân hôn, Vũ Hoàng Chương coi đêm tân hôn là thời điểm mộng chết.
Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải
Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn
Khi tỉnh dậy, bùn nhơ nơi Hạ giới
Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn (VII)
Tóm lại, Thơ Mới đánh dấu một bước chuyển lớn của thơ trữ tình Việt Nam từ phạm trù cổ điển sang phạm trù hiện đại với một quan niệm nghệ thuật mới, một cách nhìn mới về con người toàn diện hơn, đa chiều hơn, và tất nhiên trong đó không thể thiếu những yếu miêu tả về hình thể, những khao khát ái ân, mộng “chăn gối” của con người. Quan sát thơ mới từ hướng nào, từ đề tài, hay tư duy nghệ thuật nào cũng không thể phủ nhận hiện tượng đó.
2.3. Trong văn học 1945 – 1975
Một trong những đặc điểm cơ bản của văn học 1945 – 1975 là Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Khuynh hướng sử thi đòi hỏi người cầm bút nhìn con người và cuộc đời không chỉ bằng con mắt của cá nhân mình mà chủ yếu bằng con mắt có tầm bao quát của lịch sử, dân tộc và thời đại. Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng khẳng định cái tôi đầy tình cảm, cảm xúc và hướng tới lí tưởng. Cảm hường lãng mạn trong văn học từ năm 1945 - 1975 chủ yếu được thể hiện trong việc khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống mới và vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Chính vì thế, yếu tố tình dục, khát vọng cá nhân cá thể ít được đề cập. Thỉnh thoảng ta bắt gặp cách nói bóng gió về chuyện “thâm kín” qua lời của nhân vật Út Tịch (Người mẹ cầm súng – Nguyễn Thi) nói với chồng: Còn gà trống, còn gà mái chắc chắn còn gà con, hoặc những cách miêu tả nhân vật Bà Cà Sợi bị tên chủ đất hãm hiếp rồi bà đẻ ra thằng Xăm, … (Hòn đất – Anh Đức), … Ở các thể loại khác, đặc biệt là thơ ca, yếu tố sinh thực khí, tính dục, … gần như vắng dạng hoàn toàn.
2.4. Trong văn học đổi mới bắt đầu từ thập niên 80, thế kỷ XX
Khi văn học Việt Nam đương đại bước vào thời kỳ đổi mới, yếu tố sex trong văn học bắt đầu được quan tâm và đề cập ngày càng nhiều.
Trong Không có vua Nguyễn Huy Thiệp đưa người đọc đến với nhiều chi tiết: bố chồng nhìn con dâu tắm, em chồng đòi làm tình với chị dâu, … Trong Năm ngày, có đoạn Phạm Thị Hoài viết Tôi thoả sức diễn diễn đạt niềm âu yếm dịu dàng của tôi bằng khuỷu chân, khuỷu tay, bằng các đốt xương, bằng tóc và hơi thở (…) Họ hân hoan chờ đêm xuống để choáng váng trong cơn say không hạn độ.
Song với lối tiếp cận vấn đề khá dè dặt của mình, kể cả qua các truyện ngắn khác như Thuế biển, Chín bỏ làm mười, v.v… lối viết của nữ văn sĩ này vẫn là một lối sex trong tinh thần chữ nghĩa nhiều hơn là ở những cảm giác trực tiếp.
Gần đây, với tập truyện ngắn “Bóng đè”, Đỗ Hoàng Diệu có một sự bứt phá hiện đại và quyết liệt hơn ở trong ý thức của người viết về đề tài này. Chuyện xảy ra với một cô dâu mỗi khi về thăm nhà chồng, và nó xảy ra mỗi đêm mỗi lần cô về trên tấm phản trước bàn thờ của ông bố chồng. (…) Cô về nhưng vẫn không làm cách nào để tránh, thậm chí cô còn thấy thích thú với cảm giác đó, vì bản thân cô là một người ham muốn mạnh mẽ.... Sự ỡm ờ trong việc trình bày tính dục làm cơ sở cho những ngụ ngôn phê phán xã hội là một định hướng khá chính xác của ngòi bút hiện thực vô thức Đỗ Hoàng Diệu, song tiếc là tác phẩm chưa nâng tầm được thành triết lý khái quát mà quá sa đà vào chuyện khoả thân trần trụi xác thịt.
Nguyễn Ngọc Tư trong Cánh đồng bất tận thì tinh tế hơn nhiều, ở đó sex được thể hiện một cách nhẹ nhàng, và nó chỉ là một chút như để làm gia vị cho toàn bộ cách nhìn mới mẻ của Nguyễn Ngọc Tư trong toàn tác phẩm, nó không u ám và thể hiện toàn bộ tính sex trong xuyên suốt câu chuyện như Bóng đè, …
Sang lĩnh vực thơ, việc tự quan sát, “chỗ kín” chính là chỗ người ta hay bỏ quên nhất. Văn học Việt Nam trong nhiều năm chiến tranh gần như bỏ qua đề tài tính dục. Chỉ đến khi đổi mới, một số ít người “liều mình như chẳng có”, quẩy bút, xông vào đề tài hóc hiểm này.
Nếu không hiểu rõ con cu
Đọc vạn quyển sách cũng ngu như bò
(Nguyễn Bảo Sinh).
Bùi Chí Vinh táo tợn nói lên một thực tế mà có lẽ đúng nhiều ơn sai, xét về mặt đạo đức truyền thống đáng buồn là chỗ đó:
Các em thất tiết nhiều hơn trước
Bộ ngực nào cũng nhuốm phong sương
Vấn đề này rất phức tạp và còn nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau, nó đã vượt quá xa so với mục đích của bài viết, nên chúng tôi xin dừng lại bằng việc trích dẫn hai đoạn thơ của Vi Thuỳ Linh, tạm coi là kết luận cho phần này.
(…) Của những người vô danh thật thà không dừng kêu gọi
Cơn khát thèm nhục dục không chịu nổi;
Người đàn ông vùng vẫy cật lực nhưng không chế ngự được cơ thể mình
Liền ôm lấy thân thể người đàn bà vừa chết bọc kín trong vải liệm màu đất nâu
Sự tắt thở của người đàn bà kín mít vải liệm đứng sững đối thoại
Với những cuộc đổ vạ và cãi vã của những người đàn bà nông dân chân đất mắt toét (Giao cảm Ea Sola)
(…) Những sinh vật tuyệt chủng bỗng bật dậy tính dục
Vẫn còn trên từng tế bào em
Dư chấn cơ thể anh
Con sư tử kiêu hùng và đơn độc
(…)
Núi vú lại cương lên sự sống
Những cặp chân khoá chặt nhau khước từ chân lý !
(Sư tử buồn)
3. Mấy lời kết luận
Một là, cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác như hội hoạ, điện ảnh, điêu khắc, … văn chương cũng không thể thiếu các yếu tố sex, các cảnh giao hoan giữa con người. Nó đã trở thành văn hoá chung của nhân loại. Vấn đề đặt ra là miêu tả đến đâu, tiếp nhận như thế nào?
Hai là, vấn đề miêu tả và tiếp nhận sex trong văn học liên quan trực tiếp đến phạm trù đạo đức xã hội. Người xưa từng cho rằng sex, là hiểm địa, “cánh cửa sinh ra ta mà cũng là nấm mồ chôn ta”. Ở người đời, tư tưởng - với sự hỗ trợ của bản năng – bao giờ cũng muốn phóng khoáng phong lưu nhưng lại thường không dám nhìn thẳng vào mình, không muốn (như nhiều người nói) “đối diện với mình”, không dám “đối diện với bản ngã”. Con người ngượng ngập tìm cách che giấu dục vọng, kìm nén nó, không dám bước ra các biên giới lằn ranh luân lý.
Ca dao người Việt có câu rằng:
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma
Nhân tính và phi nhân tính cũng là ở đấy. Dục vọng với sĩ diện, với danh dự là “hai mặt của một vấn đề”, là văn hoá, là nghệ thuật đã làm nên giá trị cho cuộc sống này.
Thường các ranh giới vô hình ấy chỉ là hàng rào chắn để áp đặt cho người khác chứ lại không nhằm vào mình (dâm là xấu, dành cho kẻ khác chứ không dành cho ta). Đạo lý luân thường đã khoác cho tình dục cái áo giáp nghĩa vụ cao thượng rồi trả công mạt hạng cho nó bằng chút ít khoái cảm không làm thoả mãn thật sự cho cả nam lẫn nữ. Nhiều nhà văn cảm thấy bó tay trước bức tường “đạo đức xã hội” dựng lên trước đề tài mà cụ thể là các nhà thơ thời trung đại Việt Nam và thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đó là một biểu hiện của cực đoan, song để cho khách quan cũng cần phải tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân của nó (trong đó không nên bỏ qua nhiệm vụ và chức năng của văn học).
Văn học thế giới không thiếu những tác phẩm chứa đựng những yếu tố sex nhưng đã trở thành kiệt tác của nhân loại: Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng, Tây Sương ký, … Nghìn lẽ một đêm, … là những ví dụ điển hình.
Ở một cấp độ khác, một góc nhìn khác những Tố nữ kinh, Nhục bồ đoàn, … cũng là những tác phẩm viết sex, nhưng lại được khuyến cáo chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp. Điều đó, không quá xa lạ, hãy nhớ cha ông ta ngày trước cũng đã từng xem Truyện Kiều, truyện Phan Trần là những trường hợp … cần phải tránh xa như vậy:
Làm trai chớ đọc Phan Trần
Làm gái chớ đọc Thuý Vân Thuý Kiều.
Nếu quá đề cao và tôn sùng sex để rồi sa đà đi vào những biến tướng lệch lạc tạo ra những tác phẩm chỉ đơn thuần về kỹ năng tình dục, phòng the, là điều không hay, bởi nó trái với thuần phong mỹ tục, … Đó cũng là một biểu hiện của sự cực đoan về vấn đề nhạy cảm này. Không ai yêu văn chương chân chính chấp nhận những tác phẩm đồi truỵ với cách viết từ trang đầu đến chí cuối toàn là những cảnh làm tình,, rên rỉ, đầy dục vọng.
Ba là, từ những vấn đề đã phân tích, chúng ta nhận thấy nhu cầu khám phá thân thể mình, khám phá những cảm giác giao hoan là vấn đề muôn thuở của của nhân loại từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Văn học nói chung và văn học Việt Nam nói riêng cũng nằm dòng chảy tự nhiên ấy, nên viết về sex, tiếp cận sex là điều hoàn toàn hợp logic, song vấn đề đặt ra làm sao để đúng liều lượng, có chừng mực, hướng tới giá trị nhân bản của con người. Bội thực đã khó chịu, dùng sex quá liều cũng tác hại ghê gớm, hậu quả khó lường!./.