1. Điều đầu tiên, dễ nhận ra nhất, là Ngắn & rất ngắn không phải là thứ văn phong thuận tay của Thái & Hậu – một nghệ thuật học, một khảo cổ học – vốn thuận hơn với lý luận, phân tích, điều nghiên. Mà vì không thuận tay, nên họ đã vẽ lại chính mình trong một diện mạo khác, mềm mại, nữ tính và lãng mạn hơn. Đọc Ngắn & rất ngắn rất dễ để nhận ra hai tâm hồn như mềm yếu, đa cảm và tìm kiếm sự chia sẻ. Trong khi đó, văn phong nghiên cứu của họ thì lại chặt chẽ, đầy quyết đoán và chủ kiến. Làm được hai điều trái ngược như vậy, cùng trong một người, quả là một thử thách thú vị.
2. Đọc xong quyển sách mỏng này, thấy khái niệm “ngắn” thuộc về Thái – với những câu chuyện có dung lượng 4-7 trang in, khổ 21x13cm. Rất dễ dàng để nhận ra ở 10 truyện ngắn của Thái một điểm nhìn xuyên suốt: đó là người đàn bà đang nhớ, nghĩ, tưởng và mơ về thời thơ ấu, hoặc các câu chuyện ấu thời của mình. Các cung bậc truyện và tình tiết có thể khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn là cảm giác cô đơn, bơ vơ, xót xa, luyến tiếc và đầy lo lắng. Người đàn bà trung niên Hà Nội (vừa là tác giả, vừa là nhân vật) chọn bối cảnh cho gần như tất cả các truyện ở Sài Gòn, với niềm hoài nhớ về Hà Nội, và các hình ảnh thoáng qua là nước Nga thời nhân vật còn thanh niên. Tuy viết dài hơn Hậu về dung lượng đến khoảng 8-12 lần, nhưng các câu chuyện của Thái lại là những lát cát mỏng, lạnh và buồn – ngắn như không thể ngắn hơn nữa. Một mất mát được cô đúc lại.
3. Hậu thì ngược lại. 43 cái “rất ngắn” chỉ dưới 100 chữ, 2 cái “rất ngắn” kia, dài hơn chút, cũng chỉ dưới 1.200 chữ. Thế nhưng, thế giới rất ngắn của Hậu lại đa mang, đa đoan và bao quát nhiều chuyện, từ chính trị, văn chương, nhân tình thế thái, cho đến chuyện chó mèo, cá cảnh... Nó không “duy tình” như Thái, mà “duy ý” hơn. Nó ngắn đến thèm thuồng, đọc chưa kịp nghĩ, chưa kịp nhận ra đã hết. Văn phong tối giản đến khô khốc, hài trộn vào bi, cho người đọc “cảm giác rách” như không chắp nối được. Vậy mà, khi chắp nối tất cả “những mảnh vỡ” này lại, chỉ khoảng 6.000 chữ thôi, người đọc lại nhìn ra cả một bối cảnh rộng, một nỗi đau dài… của người phụ nữ miền Nam, sống ở Sài Gòn, nhưng nhìn về Hà Nội.
· Tập truyện của Nguyễn Thị Minh Thái và Nguyễn Thị Hậu
· NXB Thanh niên và Phương Nam book ấn hành, tháng 7/2010
La Hán phòng, 1/8/2010