Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.210
123.151.924
 
Những cánh rừng biến mất
Đặng Huỳnh Lộc

Theo chương trình phát triển bền vững giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt, trong năm 2010 Cà Mau sẽ cổ phần hoá hai công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển (rừng đước ngập mặn Cà Mau) và Công ty lâm nghiệp U Minh Hạ (rừng tràm U Minh). Riêng đối với rừng tràm U Minh, tỉnh Cà Mau còn có đề án “tách dân ra khỏi rừng”.

 

 

Chuẩn bị cho cổ phần hoá rừng ngập mặn Cà Mau trong lộ trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, Cà Mau đã ghép hàng loạt Lâm ngư trường trở thành Cty lâm nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thức, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: “Đối với rừng Cà Mau, ngoài hai vườn quốc gia đã thành lập Công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển (đại diện cho rừng ngập mặn - PV) và Cty Lâm nghiệp U Minh (đại diện cho rừng ngập lợ). Hai công ty này sẽ được cổ phần hóa trong năm 2010”. Theo ông Thức, giá trị lâm sản cây tràm, cây đước hiện rất thấp, cổ phần hoá rừng sẽ thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm cây tràm, cây đước.

 

Được biết, cho đến nay Cà Mau đã có đến 5 dự án thu mua nguyên liệu để sản xuất, chế biến gỗ, làm giấy... Nhưng cả năm dự án đều bị ách tắt, một số cơ chế về đầu tư làm vướng chân doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đã bỏ cuộc, trong đó có một công ty tại TP.HCM về Cà Mau nhận 5 ngàn ha đất rừng đầu tư trồng rừng làm nguyên liệu sản xuất gỗ, chế biến giấy sau khi đầu tư hàng chục tỷ đồng.

 

Đặc thù rừng ngập mặn Cà Mau không giống bất kỳ một vùng rừng nào trong cả nước. So với rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM) rừng ngập mặn Cà Mau cũng rất khác biệt về điều kiện tự nhiên và dân cư. Từ xưa người dân đã sống giữa rừng thành những “làng rừng”. Với điều kiện sông ngòi, kênh rạch chằng chịt rừng Cà Mau không có “cửa rừng”. Nên với rừng ngập mặn Cà Mau không thể quản lý rừng bằng “đóng cửa rừng”.

 

Sau 1975, rừng Cà Mau bị phá hàng loạt để sản xuất lượng thực, lấy gỗ. Đầu những năm 1980, khi con tôm bắt đầu trở thành nguồn lợi kinh tế thì nhiều khoảng rừng ven biển đông của bán đảo Cà Mau từ Bạc Liêu chạy dài qua Gành Hào, Đầm Dơi, Năm Căn biến thành đất nuôi trồng thủy sản. Ngay trên lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có khoảng 2.000 hộ dân sinh sống. Cuối năm 1990, Cà Mau quy hoạch lại rừng đã “hợp thức hóa” cho những người dân sống trong rừng đước và rừng tràm trở thành những người chủ trên diện tích rừng đang quản lý.

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đầu năm 2010, rừng đước và rừng tràm Cà Mau có hơn 24 ngàn hộ dân sinh sống với 120.000 nhân khẩu. Trong số này có hơn 21 ngàn hộ nhận khoán đất lâm nghiệp với nhiều hình thức. Cũng theo thống kê này, ở khu vực rừng tràm có hơn 6 ngàn hộ nhận khoán với diện tích 33.000 ha, quy mô chủ yếu từ 3-10 ha/hộ. Ở khu vực rừng ngập mặn có khoảng 15,8 ngàn hộ nhận khoán sản xuất với diện tích trên 70 ngàn ha, quy mô sản xuất đa dạng, khoảng 35% số hộ có quy mô diện tích dưới 3 ha, nhưng có những hộ diện tích được giao khóan trên 10 ha. Nguyên nhân từ các hộ dân tự bao chiếm, sau đó sắp xếp, ổn định và hợp thức hóa giao khoán theo nghị định 01/CP.

 

Cà Mau thành lập hai công ty lâm nghiệp hoạt động quản lý rừng và sản xuất kinh doanh theo luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, tài sản “đất rừng” hầu hết lại do người dân quản lý, nhiều người đã được cấp sổ chủ quyền. Ngay sau khi thành lập công ty lâm nghiệp, để nuôi sống bộ máy hai công ty lâm nghiệp này đã giao khoán đất “rừng sản xuất” cho dân thu tiền theo hình thức phát canh thu tô. Mỗi ha rừng bình quân hàng năm người dân phải nộp 1.000 đồng cho công ty lâm nghiệp. Trong diện tích nhận khoán, người dân được giao một phần diện tích để nuôi tôm, diện tích còn lại phải giữ rừng cho công ty lâm nghiệp và được ăn chia khi đến kỳ khai thác. Xem ra, công ty lâm nghiệp hình thành là để quản lý thu tiền giao khoán đất, thu tiền khai thác rừng. Người dân phải cật lực trồng rừng, giữ rừng và nuôi tôm để nuôi bộ máy công ty lâm nghiệp.

 

Khi cổ phần hoá rừng người dân sẽ “góp vốn” theo cách nào? Đây là một câu hỏi mà tất cả những người có trách nhiệm về quản lý rừng ở Cà Mau đều chưa có câu trả lời. Ông Lê Hoàng Vũ, giám đốc Cty Lâm nghiệp Ngọc Hiển lo lắng: “Về danh nghĩa, chúng tôi quản lý rừng về mặt nhà nước, đất là của dân, dân là của chính quyền quản lý. Nếu có phá rừng, chúng tôi cũng chỉ báo cáo với UBND xã, kiểm lâm chớ không thể xử lý được”. Theo ông Thức, việc cổ phần hoá doanh nghiệp quản lý rừng cần có lộ trình trong việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp lâm nghiệp, bởi khi người nông dân trở thành công nhân của Cty nhưng tất cả từ tập quán sản xuất, cách nghỉ, cách làm, cách ứng xử đều còn nguyên nông dân sẽ rất khó khăn.

 

Chưa ai dự đoán điều gì sẽ xảy ra khi những người nông dân trở thành công nhân của Cty cổ phần lâm nghiệp. Nhưng việc rừng đước ngập mặn và rừng tràm ngập lợ ở Cà Mau đang thu hẹp dưới sự quản lý của các công ty lâm nghiệp trước đây và hiện nay là điều có thật đang diễn ra từng ngày.

 

Đầu năm 2008 UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định (số 142-PV) xáp nhập ba công ty lâm nghiệp rừng đước thành Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển quản lý hơn 23 ngàn ha đất rừng. Ngay sau khi thành lập, công ty này giao khoán hơn 20,9 ngàn ha đất rừng sản xuất cho hơn 2.660 hộ, diện tích rừng quốc doanh còn lại chỉ hơn 2,3 ngàn ha.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một chuyến về Cà Mau khi đi thăm rừng tràm đã nói không úp mở: “Việc phát triển khai thác rừng tràm theo mô hình Công ty hiện nay kém hiệu qủa. Tỉnh Cà Mau cần nghiên cứu, tính toán kỹ theo hướng chỉ giữ lại diện tích Vườn quốc gia và rừng phòng hộ, còn lại giao đất cho dân sử dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất”.

 

*

 

Rừng Viên An được mệnh danh trung tâm rừng ngập mặn Cà Mau, nhưng ngày nay hầu hết biến thành đất nuôi tôm. Rừng chỉ còn là dấu vết.

Về Viên An, tôi chợt nhớ mấy câu hò tuổi thơ tôi đã thuộc lòng:

 

Bao giờ hết đước Năm Căn

Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng

Khai Long hết xác cá đường

Mũi Cà Mau đó tao mới nhường cho bây.

 

Rừng Viên An ngày nay chỉ còn lại trong... câu hò cũ. Gặp anh Tạ Minh Cách, nguyên chủ tịch xã Viên An, tôi nói về thăm lại rừng. Anh bảo, đâu còn rừng nữa mà thăm. Ngày trước, hai bên con sông Viên An rừng dày đặc. Giờ đây, những cánh rừng năm xưa chỉ còn là những ô vuông chứa nước nuôi tôm. Không còn rừng, giữa mùa “lòng chung” gió Nam và gió Bấc (gió Bắc) tranh ngọn nhưng giữa Viên An gió đến rát mặt. Anh Cách bảo: “Mất hết rừng, Viên An chỉ toàn là gió”. Tôi ái ngại nói, nếu gió mạnh thêm nữa chắc bốc hết xóm Viên An. Anh Cách nhìn tôi bằng cái nhìn trách móc: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá... Đừng nói điềm gỡ”. Tôi quên mất người dân vùng rừng, xứ biển luôn tin vào sức mạnh siêu nhiên.

 

Đi dọc xóm Viên An theo anh Cách về nhà trên bờ đê rộng, một bên là sông Viên An nhiều đoạn bị xói lở, một bên là những vuông tôm nối tiếp nhau nhìn ngút mắt. Xung quanh không còn một dấu vết gì cho thấy nơi đây từng là những cánh rừng.

 

Nhà anh Cách nằm cạnh rạch Máng Gào, nơi ngày xưa chúng tôi thường làm điểm hẹn vượt sông Bảy Háp. Rạch Máng Gào xưa không có tên. Trong chiến tranh chống Mỹ, đầu vàm con rạch là căn nhà của gia đình cơ sở cách mạng, cũng là chốt đường dây giao liên dẫn đường cho cán bộ hoạt động từ rừng tràm, Cà Mau Nam vượt sông Bảy Háp qua sông Ông Trang về Duyên Hải, rừng ngập mặn. Lúc đó, trước nhà người chủ đặt một cái lu đựng nước, bên cạnh cấm một cây cọc. Khi có địch, chủ nhà máng chiếc gào múc nước đan bằng lá dừa nước lên chiếc cọc để làm ám hiệu. Cánh giao liên đặt tên chặng đường dây này là Máng Gào rồi thành địa danh.

 

Ngồi một mình chờ anh Cách dọn mân rượu, tôi bỗng nhớ cái cảm giác ngồi ở điểm hẹn đợi đồng đội những ngày găịc “bình định”, mỗi lần có đồng đội trễ hẹn là cả bọn phập phồng.

 

Cả cánh rừng đước mênh mông giặc bao vây tứ phía. Pháo bầy, pháo chụp từ Hạm đội 7 của Mỹ ngoài biển khơi luôn chụp lên rừng. Những giang thuyền của Hạm đội nổi trên sông Năm Căn cứ chà đi sát lại trên các con sông, nả hàng tràng đại liên ba mươi, sáu mươi, mười hai ly tám vào những cánh rừng. Đồng đội trễ hẹn là có thể đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó bên những gốc đước già giữa rừng ngập mặn.

Ngày xưa, đối diện rạch Máng Gào có một cây đước quỳ, trong một chiều mưa năm 1974, bên cạnh gốc đước quỳ tôi đã chôn Quang hy sinh trong trận đánh tàu. Ngày nay cây đước quỳ đã biến mất, hài cốt Quẹo không biết về đâu? 

 

Theo giáo sư Phan Nguyên Hồng, chuyên gia về rừng ngập mặn, trước năm 1975 rừng ở Minh Hải trên 230 ngàn ha (gồm Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay). Năm 1995, diện tích này còn lại khoảng 200 ngàn ha. Năm 1997 khi chia tách tỉnh Minh Hải ra thành Cà Mau và Bạc Liêu, diện tích rừng của Cà Mau còn lại trên 180.000 ha. Năm 2009, khi rà soát lại diện tích đất lâm phần Cà Mau chính thức công nhận là 108 ngàn ha. Gần đây, Cà Mau quy hoạch lại 3 loại rừng (phòng hộ, sản xuất, đặc dụng) con số trên lại giảm thêm 30 ngàn ha, nghĩa là diện tích rừng còn lại trên dưới 70 ngàn ha. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau giải thích việc trên 30 ngàn ha đất rừng mất đi là do khi rà soát quy hoạch rừng, diện tích đất lâm nghiệp bao gồm cả kênh bờ sản xuất nông lâm kết hợp, khi quy hoạch lại ba loại rừng thì diện tích này không được tính đến.

 

Theo điều tra riêng của Pháp Luật TP.HCM trong loạt bài Những đặc quyền ở rừng ngập mặn (tháng 10-2009), đất sản xuất ở rừng ngập mặn thuộc các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Phú Tân hầu hết được giao khoán cho dân. Đất giao khoán trồng rừng kết hợp nuôi trồng thuỷ sản theo tỷ lệ 3/7 (ba phần nuôi tôm, bảy phần trồng rừng) hoặc 4/6, 5/5. Theo đó, diện tích đất nuôi tôm sản xuất nông lâm ngư kết hợp đã được tính ngoài diện tích lâm phần trong đó có diện tích bờ bao chứa nước nuôi tôm.

 

Tương tự, ở tỉnh Bạc Liêu sau khi quy hoạch lại 3 loại rừng diện tích rừng mất đi hơn 1.720 ha, còn lại chỉ vào khoảng 6.330 ha. Việc diện tích đất rừng Bạc Liêu bị mất là vì UBND tỉnh này phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 cho phép chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng từ đê biển trở vào thành đất nuôi trồng thuỷ sản. Ở tỉnh Sóc Trăng, sau khi quy hoạch lại 3 loại rừng diện tích rừng ngập mặn cũng giảm đi trên 3.000 ha so với trước khi quy hoạch. Nhìn chung mỗi lần quy hoạch lại rừng là rừng càng thêm thu hẹp diện tích.

 

Việc rừng Cà Mau ngày càng bị thu hẹp và có nguy cơ mất dần, ông Nguyễn Văn Thức, một quan chức trong ngành lâm nghiệp Cà Mau biện bạch: Diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đất rừng được chuyển sang xây dựng trụ sở làm việc, khu hành chính, các khu dân cư hơn 220 ha. Ở rừng tràm chuyển làm khu dân cư, đường ống dẫn khí khu Khí – Điện – Đạm Cà Mau hơn 60 ha, diện tích bị xoáy lở hơn 310 ha...

 

 

*

 

Về vùng rừng giữa mùa mưa, nhưng tôi không còn gặp những cơn mưa rừng nặng hạt tuôn như xối nước kéo dài. Thay vào đó là những cơn mưa phùn trắng mỏng như màn lưới rê tôm bao phủ xuống vùng rừng ngập mặn như những cơn mưa ở vùng sa mạc. Những ngày ở giữa rừng ngập mặn tôi không còn được nghe tiếng bìm bịp âm vang gọi con nước lớn, tiếng con chả chẹt (chim bói cá) cũng không còn âm vọng trong con nước ròng, chim nhà trắng đã không còn chao lượn trên những bãi bùn.

 

Mất rừng, những bờ sông bị xói lở khoét lồi lõm ven bờ tựa những hố bom. Không còn những cánh rừng đước, nếu Mũi Cà Mau đứng trước sóng thần như đợt sóng thần ngày 5 tháng 11 năm 1962 trên bờ biển Curin và Camsatca mà một nhà khoa học đã đặt tên “Đêm kinh hoàng của tạo hóa” sẽ không có gì che chắn. Hay như đợt sóng thần ngày 26-12-2004 Ấn Độ Dương đã từng gánh chịu thì Mũi Cà Mau không biết điều gì sẽ xảy ra. Mới đây thôi, ngày 29-9-2009 Nam Thái Bình Dương đã từng chịu sóng thần. Riêng đảo Samoa diện tích tương đương Mũi Cà Mau có hàng trăm người thiệt mạng. Không còn rừng, Mũi Cà Mau với ba bề giáp biển khi thiên nhiên nổi giận thì không biết lấy gì che chắn.

 

Anh Trần Hoàng Lập, thường vụ huyện uỷ, trưởng Ban tuyên giáo huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) nói với tôi, anh vẫn thích thích gọi rừng sát Mũi Cà Mau bằng cái tên nguyên thuỷ của nó: Rừng Năm Căn! Anh bảo, có người nói địa danh Năm Căn hình thành từ năm căn lò than ở Viên An, một trong những vùng đất lưu cư đến đây lâu đời giữa vùng rừng sát. Ở đây có Đình thần Viên An được triều đình phong sắc. Lại có người nói, tên Năm Căn ra đời từ sự xuất hiện của những người làm biển, đánh bắt cá tôm với năm căn “trại đáy” nằm bên hữu ngạn bờ sông Cái Lớn đối diện với Vàm Ông Định mà ngày nay đang sừng sững tượng đài tưởng niệm những chiến sĩ vượt sóng ra khơi khởi nghĩa cướp đảo Hòn Khoai ngày 23-11-1940. Lại có người cho là Năm Căn có tên khi ở ngã ba Kinh Tắc đổ ra sông Cái Lớn lập năm căn phố lầu...

 

Câu chuyện của anh Lập gợi tôi nghĩ rừng Năm Căn có dáng dấp của cả những người làm rừng, làm biển và những khách thương hồ... Cánh rừng đước rộng lớn chót mũi Cà Mau đã trở thành điểm hẹn và thiên nhiên vùng rừng trở thành mái nhà chung cho những ai dám dấn thân đến nơi cùng trời cuối đất.

 

Ngày nay, địa danh Năm Căn không còn là một khái niệm chung để gọi tên cho rừng ngập mặn Cà Mau mà chỉ là tên một thị trấn nhỏ của huyện Năm Căn. Địa danh Năm Căn đã bị thu hẹp theo thực trạng rừng Năm Căn bị thu hẹp. Từng khoảnh rừng đã có tên riêng và từng địa danh mới hình thành đến đâu thì rừng mất dần đến đó. Đầu tiên là khu rừng cửa ngõ phía Bắc rừng ngập mặn, ngày nay thuộc xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, vốn là một vùng rừng không tên. Sau năm 1975 khi có sự xuất hiện của dân cư thì con rạch nằm ở cửa ngõ rừng ngập mặn Năm Căn có nhiều cá lòng tong thành tên rạch Lòng Tong. Một con rạch không tên khác gần đó, khi ông Tình đến cất nhà ở đầu vàm, chẳng lâu sau trở thành địa danh rạch Ông Tình... Rồi rừng cánh rừng cửa ngõ này biến mất để thành tên xã Hàm Rồng! Đối diện Hàm Rồng qua kênh xáng Cái Ngay, những con rạch không tên dần cũng thành danh rạch Phi Xăng Lớn, rạch Phi Xăng Nhỏ, Tắt Năm Căn... và rừng đước cũng dần biến mất để trở thành xã Đất Mới... Ngay thị trấn Năm Căn ngày nay, năm 1975 hãy còn là một vùng rừng dày đặc giờ trở thành thị trấn.

 

 

Khi Mũi Cà Mau theo diễn thế của rừng ngập mặn lấn dần ra biển thì từ đất liền con người đã đuổi rừng ra biển, rừng không kịp diễn thế sinh sôi trước sự tàn phá của con người. Rừng Sát Cà Mau chỉ còn lại là những khoảng trống “đất lâm phần” với những ô vuông chứa nước nuôi tôm. Đất lâm phần, một cách gọi mơ hồ để chỉ những phần đất rừng nhưng không có rừng.

 

Khi thực hiện phóng sự này, tiến sĩ Nguyễn Tấn Khuyên, giám đốc Viện nghiên cứu phát triển kinh tế miền Nam (Đại học quốc gia TP.HCM) đã cung cấp cho chúng tôi những tài liệu về rừng ngập mặn Cà Mau do Viện hàm lâm khoa học Mỹ lập năm 1973. Theo tài liệu này, năm 1965 thời kỳ mở đầu chiến tranh cục bộ quân Mỹ chính thức nhảy vào miền Nam, rừng đước Cà Mau có 250 ngàn ha. Từ năm 1965 Mỹ bắt đầu triệt phá nhiều cánh rừng, trong đó có các cánh rừng ngập mặn Cà Mau với các chiến dịch “Tát nước bắt cá”, “Sóng tình thương”, “Sóng Tam Giang”, “Tìm diệt”, “Bốc võ trái đất”... với hàng trăm tàu chiến Mỹ thuộc Giang thuyền Hạm đội 7 Thái Bình Dương cùng hàng trăm lượt máy bay Dakota rãi thảm chất độc hoá học và bom B.52. “Đến năm 1971, các phương tiện chiến tranh đã huỷ diệt 44.918 ha rừng ngập mặn ở bán đảo Cà Mau, Nam Việt Nam” – Tài liệu này xác nhận. Nghĩa là đến năm 1971 rừng ngập mặn Cà Mau còn lại hơn 200 ngàn ha.

 

Theo tiến sĩ Doãn Mạnh Dũng, Tổng thư ký Hội khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển thuộc Liên hiệp các Hội KHKT TP.HCM, năm 1975 Phân viện 2 – Viện điều tra huy hoạch rừng thuộc Bộ Lâm nghiệp đã điều tra lập bảng thống kê rừng sát Mũi Cà Mau có diện tích rừng đến tuổi khai thác là 150 ngàn hét ta và gần 50 ngàn ha rừng đước tái sinh, trong đó có nhiều cánh rừng đã khép tán. Nhưng bốn năm sau đó, tháng 11-1979 Phân viện 2 – Viện điều tra quy hoạch rừng, Bộ Lâm nghiệp phúc tra rừng ngập mặn Cà Mau, diện tích rừng còn lại chưa đến 150 ngàn ha. Nghĩa là năm năm sau ngày giải phóng miền Nam rừng ngập mặn Cà Mau đã triệt phá gần 50 ngàn ha rừng nhiều hơn diện tích rừng bị tàn phá trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ.

 

“Rừng ngập mặn Cà Mau bị tàn phá và mất dần tăng lên theo cấp số nhân”, tiến sĩ Nguyễn Tấn Khuyên nói khi đưa tôi xem những bức ảnh chụp rừng ngập mặn Cà Mau bằng máy bay N17 và ảnh vệ tinh năm 1981-1982 của Phân viện 2, Viện điều tra huy hoạch rừng. Theo tài liệu này, năm 1982 diện tích rừng ngập mặn Cà Mau chỉ còn lại 96.396 ha. Như vậy, chỉ từ năm 1979 đến năm 1982 rừng Năm Căn đã mất đi hơn 53,6 ngàn ha. Nếu tính từ năm 1975 đến năm 1982 thì rừng ngập mặn Cà Mau bị tàn phá gần 100 ngàn ha. Ai dám bảo sức mạnh phá rừng của cưa, búa không mạnh hơn chất độc hóa học và bom B.52 của Mỹ?

 

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Phan Nguyên Hồng, nguyên Giám đốc trung tâm Nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn Việt Nam, người duy nhất trong số 131 ứng viên từ 25 nước được nhận giải thưởng Quốc tế Cosmos Prize năm 2008 về môi trường, trước năm 1975 rừng ngập Năm Căn có diện tích hơn 200 ngàn ha trong tổng số gần 400 ngàn ha rừng ngập mặn cả nước. Ngày nay diện tích rừng ngập mặn Cà Mau chỉ còn lại khoảng 70 ngàn ha, trong đó đất có rừng còn khoảng 30 ngàn ha”.

 

*

 

Không ít người có trách nhiệm vẫn biện bạch, rừng Cà Mau bị tàn phá là do áp lực đời sống. Nhưng theo ông Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên tổng biên tập báo Minh Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau  nhớ lại, năm 1976 để giải quyết vấn đề lương thực, tỉnh Minh Hải (ngày nay là hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) đã chủ trương phá 24 ngàn ha rừng giàu trữ lượng ở xã Tư Chi (nay là xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) để sản xuất nông nghiệp bằng giống lúa cao sản IR7.32 giải quyết lương thực. “Rừng bị phá nhưng lúa thì không sống được do đất rừng ngập mặn không đủ nước ngọt rửa mặn. Hàng tỷ đồng đầu tư đê bao giữ nước, nhưng đất rừng “thưa thịt” sốp khô không giữ được nước, đất chuyển thành phèn mặn cây lúa chết khô”, ông Bảy Minh kể. Tại xã Viên An, trung tâm rừng ngập mặn cách biển Đông và biển Tây nằm trong Vịnh Thái Lan vài cây số, tỉnh Minh Hải cũng đã chủ trương phá gần 25 ngàn ha để trồng lúa và lúa cũng không sống được trở thành đất nuôi tôm. Ở cánh rừng Cây Thơ, Bù Mắt nằm trong quần thể rừng ngập mặn Năm Căn, tỉnh Minh Hải lúc bấy giờ cũng đã chủ trương cắt gần 30 ngàn ha giao cho dân trồng lúa, nhưng chỉ sản xuất lúa vài năm đầu, sau đó đất thoái hoá lúa cũng không sống được. “Từ chủ trương phá rừng trồng lúa, chẳng những làm biến mất gần 80 ngàn ha rừng ngập mặn Năm Căn mà tình trạng phá rừng tự phát lây lan làm cho rừng đước Cà Mau biến mất hàng loạt”, ông Bảy Minh nói.

 

Giáo sư Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, giải thích đất rừng chứa nhiều hữu cơ, lưu huỳnh khi khai thác trắng bị oxy hoá biến thành các dạng đất rất chua chứa nhiều sulphat sắt và sulphat nhôm nên cây trồng không sống được. Chuyện Cà Mau phá rừng ngập mặn trồng lúa cũng không có ai phải chịu trách nhiệm.

 

Đầu thập niên 1980, Cà Mau bắt đầu bùng phát nạn phá rừng nuôi tôm. Năm 1982 Viện điều tra huy hoạch rừng (Bộ Lâm nghiệp) điều tra thống kê lại rừng Năm Căn có 5.486 ha rừng bị phá đi để làm đầm nuôi tôm. Đến năm 1984, con số này tăng lên gấp bốn lần, có đến 21.506 ha. Để quản lý lại rừng, tháng 11-1985 tỉnh Minh Hải đã ban hành “Quy định tạm thời về kinh doanh rừng ngập mặn”. Theo đó, “giao cho ngành lâm nghiệp thống nhất quản lý mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trên diện tích rừng ngập mặn (trừ vùng chuyên doanh nuôi tôm). Những khu vực đã quy hoạch nuôi tôm (do ngành thuỷ sản quản lý) không được mở rộng thêm vào rừng ngập mặn”. Nhưng rừng Cà Mau cũng đã mất dần từ đó.

 

Anh Phan Thành Khánh, nguyên giám đốc lâm ngư trường Tam Giang 3, người đã “thiết kế” giữ lại 100 ha rừng giống tại lâm trường này vừa bị chết hàng loạt một cách bất thường mà Pháp Luật TP.HCM đã thông tin vào giữa tháng 10-2009, nhớ lại: “Đầu năm 1980 hàng chục lâm trường đồng loạt hình thành, đến năm 1990 rừng ngập mặn Năm Căn có 23 lâm trường quản lý và bảo vệ rừng. Nhưng rừng đước vẫn bị mất, có những nơi mất trắng!”.

 

Tại Trung tâm lưu trữ của tỉnh Cà Mau còn lưu trữ khá nhiều quyết định của UBND tỉnh Minh Hải giao đất rừng nuôi tôm. Nếu cộng tổng diện tích trong các quyết định giao đất giao rừng nuôi tôm trong mười lăm năm từ năm 1980 đến 1995 còn lớn hơn diện tích của cả rừng ngập mặn. Trong đó, có quyết định giao gần 100 ha rừng Kinh Xưởng Tiện (căn cứ Công binh xưởng giữa rừng đước phục vụ cuộc kháng chiến– PV) thuộc rừng Đặc dụng Mũi Cà Mau (nay là rừng quốc gia Mũi Cà Mau) cho Ban Tài chính Tỉnh uỷ Minh Hải. Sau khi nhận rừng, cơ quan này đã khoán lại cho ông Nguyễn Viết Lưỡng (Mười Lưỡng), cán bộ của Ban tài chính phá hơn 20ha rừng cóc, một loài cây bảo tồn của rừng ngập mặn nay hầu như đã tuyệt chủng. Vụ phá rừng cóc đã trở thành một vụ án trọng điểm, xử lưu động tại rừng ngập mặn và ông Mười Lưỡng đã phải vào tù. Nhưng người giao khoán rừng cho Mười Lưỡng thì chẳng phải chịu trách nhiệm gì.

 

Ở Lâm ngư trường Đất Mũi thuộc xã Viên An (huyện Ngọc Hiển ngày nay), UBND tỉnh Minh Hải đã cắt giao cho cho Nông trường Trãng Sáo 600 ha để nuôi tôm. Sau khi được giao đất, đơn vị này đã phá thêm ngoài diện tích được giao thêm gần 700 ha. Theo một biên bản thanh tra tiến hành năm 1992, Nông trường Trãng Sáu đã làm thiệt hại hơn một tỷ đồng giá trị lâm sản. Sau đó, diện tích rừng bị Nông trường Trãng Sáo chặt phá được giao cho một đơn vị khác nuôi tôm kết hợp trồng rừng, chẳng bao lâu sau 1.300 ha đất rừng thuộc khu vực này đã biến thành mương nuôi tôm làm biến đổi toàn bộ hiện trạng tự nhiên, không còn khả năng tái tạo rừng.

 

Ở khu rừng Đặc dụng Mũi Cà Mau, nay là Rừng quốc gia Đất Mũi, từ năm 1988 quy hoạch bảo tồn rừng sinh thái và nghiên cứu khoa học diện tích 41,8 ngàn ha. Đến năm 1995 cây đước đến tuổi khai thác đã hầu như bị mất trắng. Nhưng không có ai phải chịu trách nhiệm về diện tích rừng bị mất. Một số trường hợp đơn vị phá rừng còn được giao diện tích đất rừng chính họ đã chặt phá để nuôi tôm.

 

Theo một thống kê của ngành lâm nghiệp Cà Mau, năm 1995 rừng Đặc dụng Cà Mau bị mất trắng hơn 8.000 ha, trữ lượng thấp nhất 80m3/ha, giá gỗ 300.000 đồng/m3, giá trị lâm sản bị thiệt vào khoảng 24 triệu đồng/ha. Tổng giá trị lâm sản thiệt hại của riêng rừng Đặc dụng Mũi Cà Mau là 192,33 tỷ đồng, tương đương sáu năm thu ngân sách của cả rừng ngập mặn vào thời điểm có số thu ngân sách cao nhất là 30 tỷ đồng/năm, và gấp bốn lần số thu ngân sách từ con tôm tại rừng ngập mặn trong vòng 20 năm từ 1975 đến 1995.

 

 

*

 

Nhiều năm qua, mỗi năm Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Với hệ thống quản lý rừng được hình thành với nhiều tầng nấc để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nhưng diện tích rừng ngày càng thu hẹp, vốn rừng cạn kiệt.

 

Quản lý rừng nói chung và rừng Cà Mau nói riêng về mặt cơ chế quản lý có bốn tầng nấc. Đó là những định chế của ngành lâm nghiệp Trung ương trong quản lý rừng. Từ những định chế này, ngành lâm nghiệp tỉnh với Sở NNPTNN mà trực tiếp là Chi cục Lâm nghiệp đã cụ thể hoá và và tổ chức thực hiện, chỉ đạo các đơn vị quản lý cơ sở là các Công ty lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng quốc gia, Ban quản lý rừng phòng hộ, bên dưới nữa là cơ chế quản lý của các đội, trạm, chốt quản lý rừng... Với ngần ấy tầng nấc với bao nhiêu định chế, quy định pháp luật về quản lý rừng nhưng rừng Cà Mau vẫn mất dần. Nguyên nhân là những định chế quản lý rừng của ngành lâm nghiệp chưa phù hợp với đặc thù trong quản rừng ngập mặn và ngập lợ Cà Mau. Điều đáng nói nhất là việc “đẩy” rừng vào tay một nhóm người có nhiều đặc quyền mà không có sự giám sát của bộ máy lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương.

 

Hiện, Công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển quản lý rừng ngập mặn trên địa bàn ba huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi. Tương tự, Công ty lâm nghiệp U Minh Hạ quản lý địa bàn hai huyện U Minh, Trần Văn Thời. Nói cách khác, địa bàn hành chính năm huyện của tỉnh Cà Mau do hai công ty lâm nghiệp quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước trở thành “ở đậu” trên đất của công ty lâm nghiệp. Trong tình trạng chính quyền quản lý dân, nhưng không quản lý đất, còn công ty lâm nghiệp quản lý đất nhưng không có chức năng về quản lý hành chính, dân cư đã tạo ra sự mâu thuẩn chồng chéo. Sự phối hợp, giám sát giữa chính quyền địa phương với Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn do đó đã bị phá vỡ. “Thực tế này đã gây nhiều khó khăn cho các mặt công tác tại địa phương”. Ông Hồ Quốc Trị, phó chủ tịch UBND xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển nói. Ông Trị than thở: “Chính quyền quản lý nhân hộ khẩu, nhưng không quản lý đất rừng, không nắm được tình hình sản suất, trồng trọt trên địa bàn để hoạch định chính ssách quản lý”. Để làm báo cáo về quản lý địa phương, chính quyền phải đến Phân trường, Tiểu khu của Công ty lâm nghiệp để xin số liệu. “Số liệu được cung cấp mức độ chính xác đến đâu địa phương không thể xác định” – ông Huỳnh Thắng Lợi, Bí thư chi bộ ấp Trảng Lớn, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển bộc bạch.

 

Với diện tích rừng tràm, rừng được bao trùm trên địa bàn hành chính của nhiều xã, nhiều huyện ở Cà Mau đang nằm trong sự quản lý của Công ty lâm nghiệp, nên chính quyền địa phương không có điều kiện giải quyết chính sách về điều tiết đất đai, xoá đói giảm nghèo cho người dân địa phương.  

 

Trong thực tế, việc quản rừng ở Cà Mau vẫn là những Ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp và các đơn vị quản lý rừng quốc gia với cơ chế quản lý chẳng khác gì nhau, vẫn dùng đất rừng để sản xuất, cho thuê thậm chí giao khoán theo kiểu phát canh thu tô. Ngay khi rừng Cà Mau đã được xem là khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển thế giới vừa được Unesco công nhận.

 

Tôi đã có nhiều chuyến “luồng rừng” ngập mặn. Tại khu rừng phòng hộ Bực Lỡ (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) chúng tôi phát hiện có tấm bảng bê tông ghi dòng chữ “Dự án khôi phục rừng ngập mặn Đồng bằng sông Cửu long của Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Hà Lan hợp tác”. Tấm bảng bị một cây mắn dại che khuất. Để chụp ảnh tấm bảng, chúng tôi đã liên hệ với một người dân địa phương thuê chặt hai cây mắm phía trước tấm bảng. Nhưng người này từ chối cho rằng chặt mỗi cây rừng sẽ bị Ban quản lý rừng phòng hộ phạt 100 ngàn đồng. Điều đó cho thấy, người dân rừng ngập mặn không ai dám động vào rừng. Ở rừng tràm U Minh hạ, người dân cũng không chở một cây tràm ra khỏi rừng, nếu không có giấy phép, nhưng rừng vẫn mất.

 

Tháng 11-2008, tỉnh Cà Mau quy hoạch lại ba loại rừng (phòng hộ, sản xuất, đặc dụng), trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn 108.025 ha đất lâm nghiệp, trong đó trên 96.300 ha đất có rừng. Nghĩa là chấp nhận mất trên 31.000 ha diện tích đất rừng được cho là nghèo kiệt.

 

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đến 2010, diện tích rừng phòng hộ Cà Mau là 14.700ha. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Cà Mau phê duyệt, diện tích rừng phải có 26.132 ha đất rừng phòng hộ, vượt yêu cầu của Thủ tướng hơn 1/3. Cuối tháng 10-2009, ông Nguyễn Tuấn Khanh, Trung ương uỷ viên, bí thư tỉnh uỷ Cà Mau sau chuyến thị xác rừng Cà Mau bằng trực thăng đánh giá: “Rừng phòng hộ ven biển chỉ còn một vệt mỏng”.

 

Theo Thông tư liên tịch số 58/2008 hướng dẫn thực hiện Quyết định 164CP (ban hành ngày 2-5-2008) về quản lý bảo vệ rừng, thì “mức hỗ trợ từ Trung ương cho ngân sách địa phương để khoán bảo vệ rừng bình quân 100.000 đồng/ha”. Nhưng đã qua tỉnh Cà Mau đã thực cấp kinh phí cho bảo vệ rừng là bao nhiêu mà hầu hết người dân bảo vệ rừng không được nhận đồng nào từ quy định này của Chính phủ. Theo ông Đinh Viết Thọ, nguyên giám đốc Sở Tài chính Cà Mau, hiện là Chánh thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau xác nhận: “Trong suốt hai nhiệm kỳ làm giám đốc Sở tài chính đã cấp đúng và đủ kinh phí theo quy định cho ngành lâm nghiệp về quản lý bảo vệ rừng từ ngân sách Nhà nước theo quy định”. Như vậy, số tiền kinh phí bảo vệ rừng đi về đâu? Điều này cần được làm rõ.

 

Trong quản lý rừng, Cà Mau từng có Quyết định 64 theo hướng “Nhà nước quản lý dân, dân quản lý rừng và người dân được hưởng lợi thoả đáng từ diện tích đất rừng được giao”. Nhờ vậy mà Cà Mau có một thời kỳ diện tích rừng được khôi phục. Sau khi Cà Mau xác lập 3 loại rừng, nhất là sau khi thành lập các Công ty lâm nghiệp thì cơ chế trên không còn được thực hiện, trái với quan điểm chỉ đạo trước đây và đẩy rừng ra khỏi quản lý Nhà nước, rừng và đất rừng Cà Mau thực sự rơi vào tình trạng không còn sự kiểm soát của quản lý nhà nước.

 

Ông Lê Thanh Toàn, nguyên Uỷ viên thường vụ tỉnh uỷ, nguyên Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau băn khoăn: “Tỉnh Cà Mau có một Đảng bộ hàng ngàn đảng viên với hệ thống quản lý hoạt động tận cơ sở. Chúng ta có một hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước hoàn thiện đến từng địa phương quản lý xã hội, kinh tế, dân cư. Nhưng rừng lại giao cho một nhóm người hết các lâm trường đến các Công ty lâm nghiệp, thoát khỏi sự giám sát của hệ thống đảng bộ, bộ máy chính quyền thì thử hỏi làm sao mà rừng không mất”.

 

*

 

Trước đây, quản lý rừng dưới hình thức Lâm trường và sau đó là một số Công ty Lâm nghiệp, rừng đước ngập mặn và rừng tràm ngập lợ được quản lý với sự phối hợp của chính quyền địa phương và ngành lâm nghiệp. Ban quản lý rừng gồm Tiểu khu trưởng, Trưởng Ban nhân dân ấp, ấp đội trưởng, Trưởng công an ấp do Công ty lâm nghiệp ký quyết định thành lập và hỗ trợ kinh phí hoạt động. Khi sáp nhập thành hai Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng đã bị xoá sổ, rừng ngập mặn do Công ty lâm nghiệp độc quyền quản lý.

 

Người dân sống dưới tán rừng, nhưng rừng không nuôi sống nổi họ do cây rừng mang lại hiệu quả kinh tế rất thấp. Con tôm trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của người giữ rừng. Vì thế người dân không còn quan tâm đến sự phát triển và sinh trưởng của rừng vì rừng không phải là của họ và không nuôi sống họ. Nhiều người dân, sau hàng chục năm giữ rừng đến kỳ khai thác gần như trắng tay.

 

Năm 1999, ông Trần Văn Xinh, xã Tam Giang Đông, huyện Ngọc Hiển nhận khoán 4 ha đất tại thửa 65, khoảnh số 2 của Lâm trường 184 (nay thuộc Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển). Theo quy định trong hợp đồng nhận khoán, ông phải bỏ tiền mua trái đước giống và tự trồng lại rừng. Cuối năm 2002, UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định 24 về đề án ăn chia sản phẩm rừng trồng, gia đình ông Xinh mừng như bắt được vàng. Theo đề án này thì người trồng rừng trước năm 2002 được hưởng 30%, từ năm 2002, mỗi năm được hưởng thêm 6% công chăm sóc và bảo vệ khi khai. Theo tính toán, đến kỳ khai thác gia đình ông sẽ được vài chục triệu đồng. Nhưng khi khai thác, theo tính toán “ăn chia” của Công ty lâm nghiệp gia đình ông chỉ nhận được 6 triệu đồng do bị trừ hàng loạt chi phí thiết kế khai thác, quản lý... Ông Lưu Tấn Lực, nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển cũng trong tình trạng tương tự. Năm 1999, ông Lực nhận giao khoán 3,9 ha rừng tại Tiểu khu 131. Sau 10 năm quản lý rừng, đến kỳ khai thác tiền bán gỗ chỉ gần 20 triệu đồng, tính ra một năm công giữ rừng không được 2 triệu đồng. Nhưng nếu người giữ rừng để mất một cây rừng sẽ bị phạt tiền.

 

Theo quy trình, sau khi khai thác rừng, người nhận đất rừng được cải tạo toàn bộ diện tích để nuôi trồng thủy sản. Sau một năm phải trồng lại rừng. Khi cây còn nhỏ, diện tích mặt nước nhiều, nuôi tôm còn có hiệu quả. Khi cây rừng lớn dần, mặt nước bị thu hẹp, con tôm chậm lớn, nếu rừng dày con tôm thậm chí không sống được, đẩy người giữ rừng vào cuộc sống bấp bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chi Cục trưởng Chi cục thống kế tỉnh Cà Mau, thống kê mới đây về mức sống của dân khu vực rừng Cà Mau chỉ có 5% hộ giàu, 36% hộ dưới chuẩn nghèo có đến 36%, còn lại đủ ăn. Tại vàm Nhà Luận, xã Tam Giang chúng tôi gặp ông Huỳnh Văn Dận, bộ đội Đoàn 962 phục viên, một đơn vị tham gia mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển chở vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam. Hiện ông Dận không có đất ở, phải ở đậu đất dân tại vàm Nhà Luận với cuộc sống vô cùng bấp bênh. Khi ngôi nhà ông Dận ở sắp sập, Hội cựu chiến binh xã Tam Giang góp tiền hỗ trợ ông 20 tấm tôn. Ở giữa rừng, đối diện với Tiểu khu 130 đâng chứa đầy ấp cây rừng nhưng ông Dận không có cây để cất lại nhà. Đến khi mua đủ cây cất nhà thì tôn đã mục. 

 

Thực tế, cuộc sống của người dân ở những cánh rừng Cà Mau ngày một khó khăn. Do tác động quá mức vào những cánh rừng ngập mặn làm cho rừng mỗi ngày thêm cùng kiệt, bãi bồi Mũi Cà Mau bị khai thác vô tội vạ không còn nguồn giống tự nhiên. Người nuôi tôm phải thả con tôm giống, tôm chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, thậm chí tôm nuôi chết hàng loạt...

 

Khi hình thành Công ty lâm nghiệp, UBND tỉnh Cà Mau đã giao quyền quản lý đất rừng cho công ty. Từ đó, việc giải quyết chính sách hộ nghèo, nhiều hộ trắng tay nhưng chính quyền địa phương đành bất lực do không còn... quản lý đất.

 

Tại ấp Chà Là, xã Tam Giang Đông có 17 hộ người dân tộc cực nghèo, không có đất sản xuất. Trước đây các hộ này sống lay lất làm thuê vác mướn cây rừng tại Bãi Cũi. Khi có Chương trình 134 của Chính phủ về xoá hộ nghèo, các hộ dân này được chính quyền địa phương cất cho mỗi gia đình một căn nhà. Sau khi chuyển đất rừng về Công ty lâm nghiệp quản lý, các hộ muốn tiếp tục định cư phải thuê đất. Do không có tiền thuê đất các hộ ở đây đã không còn đất ở.

 

Trong khi đó, tại ấp Chà Là Công ty Lâm nghiệp sở hữu năm phần đất vuông nuôi tôm trên 100 ha dưới hình thức đất tự túc công đoàn nhưng cho người khác thuê mướn.

 

Hiện phần lớn diện tích rừng đã chuyển hình thức sử dụng đất rừng từ trực quản sang giao đất giao rừng. Nhưng người được nhận đất rừng không đến lược người dân. Nhiều trường hợp Công ty lâm nghiệp đã “chuyển đổi” từ trực quản đất rừng sang giao đất cho cán bộ Công ty để chiếm đất người dân. Như trường hợp ông Võ Văn Đời có trên 20 năm quản lý canh tác khu đất rừng kết hợp nuôi trồng thuỷ sản tại vàm Cả Nhám, ấp Chà Là, đã bị  Công ty lâm nghiệp  thu lại  “chuyển đổi” cho 4 cán bộ Công ty không qua bất kỳ một thủ tục nào.

 

Theo quy định, trên tổng diện tích của Công ty lâm nghiệp phải đảm bảo 70% đất có rừng, còn lại là đất nuôi tôm. Để đảm bảo tỷ lệ này quy định, Công ty buộc người dân phải lấp toàn bộ kênh mương để đảm bảo diện tích có rừng của toàn Công ty. Ngược lại, đất của cán bộ Công ty thì kênh mương xẻ dọc xẻ ngang. Ông Chín Lợi, bí thư chi bộ ấp Chà Là ví von: “Cán bộ Công ty lâm nghiệp là chủ rừng, đất của mấy ổng “mênh mông như cái biển”. Ông Lợi giải thích “mênh mông” là rất rộng lớn, còn “cái biển” là các vuông này toàn mặt nước không có cây rừng!

 

Ông Hứa Đức Nhị, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong một lần tiếp xúc với tôi cho rằng, Cà Mau nên có luận cứ khoa học trong phát triển bền vững vốn rừng. Rừng bao nhiêu thì vừa và phải có giá trị thực sự, trừ rừng đặc dụång và rùng phòng hộ xung yếu, rừng sản xuất nên nghiên cứu bố trí hợp lý về diện tích, loài cây trồng, vật nuôi... sao cho đời sống người dân nhận đất nhận rừng ngày càng phát triển và đi lên làm giàu.

 

 

*

 

Nhiều năm qua, các ngành chức năng Cà Mau đã tìm giải pháp ổn định và phát triển đời sống dân cư được giao đất giao rừng trên đất lâm phần, đồng thời mỗi năm cũng đề ra chỉ tiêu phấn đấu trồng thêm diện tích rừng... Nhưng xem ra các hoạch định nâng cao dân sinh vùng rừng đồng thời với việc phát triển rừng chưa thật sự mang lại kết quả. Người dân sống dưới tán rừng vẫn rất nghèo phải sống trong cảnh “tay làm hàm nhai”, rừng chưa thật sự mang lại lợi ích cho họ.

 

Những năm đầu thập niên 90, làn sóng dân cư ồ ạt đổ về rừng ngập mặn Cà Mau tìm kế mưu sinh. Riêng khu vực rừng phòng hộ ven biển đất Mũi có hơn 6 ngàn hộ sinh sống. Trước tình hình đó, Cà Mau thực hiện chính sách giao đất giao rừng, “hợp thức hoá” dân cư bao chiếm đất rừng và cấp mới cho nhiều hộ khác thuộc diện chính sách, hộ đồng bào dân tộc, hộ không đất sản xuất (Theo Nghị định 01/CP của Chính phủ, nay là Nghị định 135). Từ đó khái niệm rừng kinh tế ra đời. Mô hình quản lý, bảo vệ rừng ở Cà Mau được thay đổi với hình thức “xã hội hoá lâm nghiệp”, người dân sống trên đất lâm phần tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo nguyên tắc chính quyền quản lý dân, dân quản lý rừng.

 

Chủ trương giao đất giao rừng đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ nghèo có đất sản xuất. Tuy nhiên, không ít người không phải là đối tượng được giao đất giao rừng cũng được chia đất rừng. Một số lâm trường và các công ty lâm nghiệp lợi dụng chủ trương giao đất giao rừng để chia chác đất rừng. Ở khoảng rừng nào, U Minh hay rừng ngập mặn cũng có những phần đất của những người có trách nhiệm quản lý rừng. Trong thực tế, hiện nay đối với rừng Cà Mau có không ít người không liên quan đến rừng nhưng lại được hưởng lợi từ rừng. Cà Mau đã qua rà soát về ba loại rừng, nhưng chưa có sự rà soát nào trong số hơn 30 ngàn hộ được giao đất giao rừng, có bao nhiêu “hộ” không đúng đối tượng. Theo điều tra riêng của Pháp Luật TP.HCM có nhiều trường hợp nhận đất rừng nhưng chưa hề đổ mồ hôi trên mãnh đất được giao, nhưng vẫn được chia phần bởi đã giao khoán cho người khác.

 

Nhìn chung, hộ nhận giao đất giao rừng hay hộ nhận khoán đều là hộ nghèo, nhận đất rừng để mưu sinh. Nhưng sau nhiều năm sống trên “rừng vàng” nhưng đời sống vẫn rất nghèo khó. Cuộc sống hàng ngày của họ chủ yếu bằng săn bắt những sản vật trong thiên nhiên có sẵn dưới chân rừng không đủ có cái ăn... Người nhận khoán hay nhận giao đất giao rừng phải có trách nhiệm giữ cây rừng cho lâm trường, đến kỳ khai thác mới hy vọng được chia phần. Trong thời gian đằng đẳng hơn chục năm mới đến kỳ khai thác rừng cũng cần phải có cái ăn. Để có đủ cái ăn, người giữ rừng đã nhắm đến việc chặt phá cây rừng...

 

Năm 1998, sau khi tỉnh Cà Mau được tái lập, để giải quyết cuộc sống cho các hộ dân ở rừng hạn chế việc chặt phá cây rừng, UBND tỉnh này có chủ trương cho phép nuôi tôm dưới tán rừng, như cứu cánh cho đời sống của người giữ rừng không tác động đến cây rừng. Từ đó, rừng ngập mặn Cà Mau xuất hiện cụm từ “con tôm ôm cây đước”. “Nhưng trên một khoảng rừng trồng khép tán, con tôm chậm lớn, thậm chí không sống được...” – ông Nguyễn Văn Lợi, ấp Mai Vinh, xã Tam Giang Đông, huyện Ngọc Hiển nói. Mục tiêu của chủ trương “con tôm ôm cây đước” là để buộc người dân giữ rừng. Nhưng để nuôi tôm rừng phải được... tỉa thưa, rừng tiếp tục bị chặt phá.

 

Đến năm 2001, khi con tôm sú xuất hiện thì mọi chuyện về quản lý, bảo vệ rừng ở Cà Mau thật sự bị đảo lộn. Cách nuôi tự nhiên trước đây không còn phù hợp mà phải đào kênh mương, bao ví nước, thả tôm giống để nuôi. Hàng chục ngàn hộ dân đã chặt rừng đào kênh đắp bờ “khoanh vuông” bao ví nước thả tôm giống để nuôi. Sau đó, để có thêm diện tích mặt nước nuôi tôm những hộ dân này lại tiếp tục chặt phá rừng một cách tràn lan. Thế là cuộc “hôn phối” gượng ép “con tôm và cây đước” nhanh chóng bị đổ vỡ, rừng ngập mặn Cà Mau bị tàn phá nhanh chóng trên diện rộng.

 

Trước nguy cơ rừng ngập mặn có thể bị băm nát vì con tôm, năm 2005 Cà Mau có chủ trương “tách tôm ra khỏi rừng”, dành trên 36 ngàn ha diện tích đất rừng nhằm thực hiện chủ trương này. Như vậy, Cà Mau chấp nhận mất thêm hơn 36 ngàn ha đất lâm nghiệp rừng ngập mặn chuyển sang nuôi tôm trong diện tích giao đất giao rừng(?). Theo chủ trương này, hộ nhận giao đất giao rừng được nuôi tôm theo tỷ lệ 30% – 50% tùy theo diện tích được giao lớn nhỏ. Người nhận diện tích đất rừng càng nhỏ thì tỷ lệ đất dành để nuôi tôm càng lớn. Ông Trần Thanh Lâm, phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, giải thích: Hộ được giao rừng diện tích đến 5 ha thì tỷ lệ diện tích nuôi tôm trên diện tích trồng rừng là 5/5, từ 5 đến 7 ha là 4/6, 7 đến trên 10 ha thì 3/7. “Về nguyên tắc, chủ trương “tách tôm ra khỏi rừng” là giao đất sản xuất nuôi trồng thuỷ sản nên phải tuân thủ quy định về hạng điều. Mỗi hộ được phép nuôi tôm diện tích bình quân trên dưới 3ha” – ông Lâm nói thêm. Ông Trần Hoàng Chen, Bí thư huyện ủy huyện Ngọc Hiển nói một cách tâm huyết: “Hầu hết dân nhận giao đất giao rừng rất nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Không đủ ăn họ sẽ chặt phá cây rừng bán để sống. Muốn giữ được rừng phải làm cho đời sống của người dân khá lên. “Tách tôm ra khỏi rừng” mới mong giữ được rừng, đời sống người dân mới khá lên được”.

 

Chủ trương “tách tôm ra khỏi rừng” được đánh giá là sáng kiến và phù hợp, nhưng vấp phải một bài toán khó là kinh phí san ủi bờ bao, lấp ao nuôi tôm trả  lại diện tích rừng quá tốn kém. Mặc khác, trở ngại trước mắt là người dân chưa thật sự đồng tình.

 

Cho đến nay đã hơn 5 năm, Cà Mau vẫn chưa thực hiện hoàn thành chủ trương “tách tôm ra khỏi rừng”. Phần lớn diện tích rừng đã đào ao đắp bờ bao nuôi tôm vẫn còn đó. “Việc ủi bờ, san lấp ao nuôi tôm để trồng lại rừng chi phí rất tốn kém” – ông Trần Quốc Hiện, bí thư huyện uỷ Năm Căn nhận định. Theo ông Trần Hoàng Chen, bí thư huyện uỷ Ngọc Hiển, huyện đã tích cực vận động người dân ủi bờ, san lấp ao trả lại diện tích rừng, hỗ trợ mỗi ha 2 triệu đồng, còn lại người dân tự bỏ tiền ra. “Chi phí lấp ao mỗi ha hàng chục triệu đồng, trong khi hầu hết người nhận giao đất giao rừng ở đây là hộ nghèo” – ông Lâm Thành Kính, một người dân ở ấp Mai Vinh, xã Tam Giang Đông cho biết. Xem ra, việc buộc người dân san lấp ao thu hẹp diện tích mặt nước nuôi tôm để trồng rừng là chuyện chẳng ai mong muốn nên việc “tách tôm ra khỏi rừng” không phải dễ dàng thực hiện.

 

Theo người dân địa phương, diện tích kênh mương nuôi tôm chưa được san lấp cũng không được cải tạo. Vì thế các kênh mương này trồng rừng không được mà nuôi tôm cũng không xong, gây lảng phí đất đai.

 

Khi chủ trương “tách tôm ra khỏi rừng” vẫn còn dở dang thì rừng đước Cà Mau lại tiếp nhận một mô hình mới: “Nuôi tôm sinh thái”. Hộ giữ được mật độ rừng 58% trên đất nuôi tôm được cấp giấy chứng nhận “tôm sinh thái” và được thu mua tôm với giá ưu đãi. Đây được xem là một giải pháp tình thế cứu rừng. Tuy nhiên, tâm lý người nuôi tôm chỉ quan tâm đến việc mở rộng diện tích, nếu được phép họ sẵn sàng phá rừng để nuôi tôm.

 

Ông Nguyễn Hoe, nguyên Uỷ viên thường vụ tỉnh uỷ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Minh Hải không nén sự bức xúc: “Cà Mau cần phải làm một cuộc “đại phẫu thuật” về thực trạng mất rừng, trên cơ sở đó điều chỉnh chính sách đầu tư và bảo vệ rừng phù hợp. Nếu không, ngân sách dù có đầu tư tiền tỷ thì rừng vẫn tiếp tục mất đi, diện tích rừng ngập mặn vẫn tiếp tục bị thu hẹp”.

 

*

Nếu như chủ trương “tách tôm ra khỏi rừng” được xem như giải pháp cứu rừng ngập mặn, thì đề án “tách dân ra khỏi rừng” cũng được xem là giải pháp để cứu rừng tràm. Nhưng xem ra cả hai giải pháp đều không khả thi.

 

Đầu năm 1991 đến năm 1994, rừng tràm U Minh hạ thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng (theo Quyết định 64 ngày 28-3-1991 của UBND tỉnh). phần lớn diện tích rừng tràm đã được giao khoán cho gần 6 ngàn hộ dân trên diện tích hơn 33 ngàn ha, với 66 tuyến dân cư, tuyến nhiều nhất hơn 320 hộ, ít nhất 4 hộ. Việc giao khoán đất rừng được bố trí dân cư sản xuất lúa xen kẽ với rừng tràm rải rác trên toàn lâm phần nên không có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng điện - đường - trường – trạm, đời sống dân sinh hầu như không có gì, việc phát triển đời sống dân cư kết hợp với phát triển rừng không bền vững và kém hiệu quả... Mỗi hộ bình quân nhận 7 ha theo tỷ lệ 3/7, trong đó 2 ha trồng lúa, 5 ha trồng tràm. Chu kỳ khai thác cây tràm kéo dài 10-12 năm, hộ nhận khoán phải sống nhờ vào 2 ha trồng lúa chờ đến kỳ khai thác cây tràm. Năng suất lúa cao nhất 15 giạ/công (tương đương 3 tấn/ha). Với 2 ha trồng lúa, trừ chi phí sản xuất mỗi năm thu được khoảng 4 tấn, giá lúa 3.000 đồng/kg thu được 12 triệu đồng. Mỗi hộ trung bình 4 nhân khẩu, thu nhập bình quân mỗi người chưa quá 250 ngàn đồng/tháng.

 

Đối với hộ nhận đất trồng lúa cuộc sống cũng chẳng khá hơn. Việc giữ nước chống cháy rừng làm cho lúa bị ngập úng, năng suất thấp, xả nước để trồng lúa thì nguy cơ cháy rừng. Đây là mâu thuẫn mà nhiều năm qua không thể khắc phục. Người được giao đất giao rừng hầu hết là hộ nghèo, thiếu vốn, không có điều kiện cải tạo đất để trồng lúa, muốn trồng tràm thâm canh rút ngắn chu kỳ khai thác và tăng năng suất thì không có vốn, năng suất cả lúa và rừng đều thấp...

 

Sau 20 năm giao khoán đất rừng, người dân vẫn còn rất nghèo, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 28%, cao nhất tỉnh. Hàng năm, vào dịp tết Nguyên đán và giáp hạt cần phải cứu trợ lương thực. Riêng năm 2009 đã phải cứu trợ cho gần 1.000 hộ hơn 1.100 tấn gạo.

 

Khi Công ty lâm nghiệp U Minh hạ được thành lập để quản lý rừng quốc doanh hầu như không hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn thu chủ yếu từ khai thác cây rừng. Chu kỳ khai thác cây tràm kéo dài 10-12 năm, trữ lượng cao nhất khoảng 18 triệu, sản lượng thấp chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha, tính ra bình quân một năm thu khoảng 1 triệu đồng, cao nhất khoảng 1,5 triệu đồng/ha. Trong khi đó, chi phí lương cho hơn 160 cán bộ, nhân viên bộ máy Công ty lâm nghiệp U Minh hạ mỗi năm khoảng 600 triệu đồng, cộng với kinh phí hoạt động khoảng 200 triệu đồng, tương đương giá trị 500 ha tràm trữ lượng cao. Nói cách khác, với chu kỳ 12 năm khai thác 500 ha tràm chưa đủ để chi phí cho 12 năm hoạt cộng của Công ty lâm nghiệp U Minh hạ.

 

Người nhận khoán đất trồng rừng hay liên kết giữ rừng với giá trị cây tràm thấp, không hiệu quả, cuộc sống khó khăn người dân phải chặt cây tràm để sống làm cho rừng thêm kiệt quệ.

 

Theo hoạch định, năm 2010 Cà Mau sắp xếp lại rừng tràm để nâng cao hiệu quả quản lý. Theo đó, quy hoạch lại các cụm tuyến dân cư tập trung ở những nơi có điều kiện phát triển sản xuất, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ việc sắp xếp định canh, định cư cho các hộ dân sống phân tán trong rừng tràm. Đồng thời, tạo quỹ đất tập trung để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ và thục hiện chính sách đất đai cho hộ nghèo không có đất. Đây là đề án “tách dân ra khỏi rừng”.

 

Theo đề án này, hộ nhận đất và được cấp sổ đỏ theo “phân loại”, hộ nhận khoán đang trực tiếp sản xuất trên diện tích rừng tràm được cấp 2 ha/hộ, hộ hiện đang sống trong khu vực rừng tràm thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách và hộ dân tộc không có đất sản xuất được giao 1 ha/hộ. “Để thực hiện Đề án này, dự kiến sẽ di dời 15 tuyến dân cư phân tán với trên 800 hộ đến xen ghép với 37 tuyến cũ và xây dựng 10 tuyến mới” - ông Nguyễn Trí Thức, phó giám đốc sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau cho biết.

 

Theo đề án, sau khi bố trí lại dân cư, đất sản xuất nông nghiệp tăng 1.000 ha so với quy hoạch ba loại rừng và đương nhiên rừng tràm mất đi thêm 1.000 ha.

 

Để thực hiện đề án này, Cà Mau thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất để xen ghép hộ mới hoặc giao cho các đơn vị khác quản lý. Tuy nhiên, chỉ xen ghép vào những hộ đang quản lý trên 4ha. “Hộ nhận khoán khi giao đất được thanh toán 100% giá trị đầu tư và giá trị rừng hoặc dùng giá trị đầu tư và giá trị rừng góp vốn cổ đông khi Công ty Lâm nghiệp U Minh hạ chuyển sang Công ty cổ phần” – ông Thức cho biết. Ngoài ra, hộ phải di chuyển đến chỗ ở được hỗ trợ chi phí di dời. Khi đến nhận đất chỗ khác phải trả tiền cho Nhà nước theo giá trị đầu tư và giá trị rừng của phần đất mới nhận. Hộ nghèo, hộ chính sách không đất sản xuất đang sống trong khu vực rừng tràm và hộ dân tộc nghèo không đất sản xuất được xét cấp đất. Những hộ đã được giáo khoán trước đây, nhưng không trực tiếp sản xuất, sử dụng không đúng mục đích, trồng rừng không bảo đảm tỷ lệ quy định, sẽ bị thu hồi lại đất, được đền bù giá trị đầu tư và giá trị rừng trên đất, nhưng không được bố trí tái định cư.

 

Vụ “tách dân ra khởi rừng”, ông Đoàn Thanh Vị, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư tỉnh uỷ Minh Hải (gồm hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu hiện nay) ái ngại: “Vấn đề là sau khi tách dân ra khỏi rừng thì họ sống bằng gì? Trong điều kiện địa lý như rừng tràm U Minh hạ, khi ra khỏi rừng không có gì sống người dân vẫn có thể lại quay vào rừng tác động trực tiếp rừng với thái độ rừng không còn là của họ. Việc tách dân ra khỏi rừng sẽ tạo ra một vùng rộng lớn rừng vô chủ. Đối với dân cư rừng tràm chỉ cần sắp xếp lại với giới hạn nhất định. Để thực hiện việc đưa dân ra khỏi rừng phải cần đến vài ngàn tỷ đồng, đây là một khoảng tiền không nhỏ, liệu có khả thi”?

 

Rừng Cà Mau xem ra cứ loay quay rồi đi vào ngõ cụt./.

Đặng Huỳnh Lộc
Số lần đọc: 4084
Ngày đăng: 12.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ánh Thiện Duyên Tỏa Sáng - Phan Đức Nam
Nắng Xuân Trên Cầu Yên Lệnh - Hoàng Trọng Muôn
Mổ Xẻ Bức Tranh Văn Học Nghệ Thuật VN Hiện Thời - Nguyễn Hàng Tình
Tản Mạn Một Chuyến Về Thăm - Nguyên Minh
Nhớ Đoàn Giỏi – nhà văn chiến sĩ công an - Đoàn Minh Tuấn
Chìm nổi Hoàng Công Khanh - Vân Long
Nhập cuộc Phê bình mở - Inrasara
Nhà văn Tô Hoài ,Trang viết lớn từ những chuyện nhỏ - Vân Long
Chữ Nghĩa – Cà Phê – Văn Nghệ - Thụy Vi
Sau 10 năm tìm gặp ngôi mộ “người Mỹ đầu tiên nằm lại Việt Nam”: Viết tiếp câu chuyện về thuỷ thủ William Cook - Trần Trung Sáng