Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.177
123.148.753
 
Tam Động Kiếm Tiên -3
Văn Việt Tử

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam và Ba Vành Nương Nương đuổi theo ra đến máy nước ngoài cửa thì không thấy đâu nữa. Hai người còn đang ngơ ngác, chủ tướng Nguyễn Tề Tam nhác trông thấy bên gốc cây bồ đề có một vật gì trăng trắng vội chạy lại nhặt lên xem, thấy đề:

 

 

 

 

TIỂU THUYẾT THỨ MƯỜI BẢY

(Động Tản Dân)

GIẤY CHỨNG CHỈ CỦA NHÀ BÁO

Ông giám đốc động Tản Dân lấy làm hân hạnh cấp

giấy chứng chỉ này cho

M.  Giang hồ Hảo hớn Võ Trúng Phong

làm phóng viên trinh thám cho động ấy ở toàn cõi Đông Dương.

Muốn phân biệt với người khác thì khi làm phận sự phải có giấy chứng chỉ này.

                              Tản Dân, le 32-13-1936

                                Le Directeur

                                 VÕ ĐÌNH LUÔNG

               Chiểu theo chữ ký của ông Võ Đình Luông,

                        giám đốc  Tản Dân động làm bằng

                            Tản Dân, le 32-13-1936

                             L’ Administratrice-Mère

                                THỊ HỤI

 

 

 

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam giận sôi sùng sục, giậm chân, vỗ đùi nói to lên rằng:

− Ta thề phen này phải đánh quân máy nước này cho ộc nước ra và làm cỏ hết lũ yêu quái bên động Tản Dân mới hài lòng.

Ba Vành Nương Nương nói với chủ tướng Nguyễn Tề Tam rằng:

− Tên Võ Trúng Phong này thật là một con quỷ dâm dục, tiện thiếp vừa vào thay quần áo để ra dự cuộc khiêu vũ, bị nó xông vào toan hãm hiếp. Nếu tiện thiếp không nhờ có sức khoẻ chống cự lại thì đã bị nó “Nghị Hách” [= hiếp dâm] rồi còn đâu!

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam căm tức vô cùng, nhưng cũng phải nén giận an ủi Ba Vành Nương Nương rằng:

 Hiền thê hãy khá an lòng. Để vài hôm nữa ta kéo quân đến phá tan động Tản Dân, bắt cho được tên Võ Trúng Phong, nhốt nó vào bồ mang trôi sông cho bõ giận.

Nói xong quàng vai Ba Vành Nương Nương ra đại sảnh đường cùng nhau say sưa trong những điệu nhẩy.

Đó thật là:

Đã toan “Nghị Hách” Ba Vành

Ngờ đâu phải gái đành hanh… chẳng hòng!

Đáng kiếp thay Võ Trúng Phong,

“Nghị Hách” không được phải cong đuôi… chuồn.

 

Lại nói về Võ Trúng Phong phi thân lên mái nhà nhảy ra khỏi động Phong Hoả cắm đầu chạy miết không dám quay cổ trông lại. Khi chạy đã xa mới dám ngồi dưới một gốc cây để thở, vừa thở vừa nghĩ bụng rằng:

 Ta từ khi sinh ra ở đời một mình hiếp bao nhiêu đám nhưng không bị đám nào chống cự lại kịch liệt như đám này. Nếu không co cẳng chạy tháo thân thì có lẽ nay ta đã bị bắt rồi. Tức cha chả là tức!

Nghĩ vậy Võ Trúng Phong như người điên cuồng, cầm đòn gánh múa tít một hồi, làm bao nhiêu cây to lớn đều rụng sạch cả lá. Khi đã nhọc rồi thì vứt đòn gánh xuống nằm lăn ra đất và lại nghĩ bụng rằng:

− Ta cứ tưởng sang giúp động Tản Dân để báo thù cho động Hồng Kê, nào ngờ tụi Phong Hoả lại được Ba Vành Nương Nương và Xã Xệ đồng tử là con và đồ đệ của Lý Toét Lão tổ giúp sức thì còn mong gì báo thù được nữa. Mà Ba Vành Nương Nương thì, trời ơi! Người đâu sắc nước hương trời, mắt loe vành ngọc để người đắm say! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, ta chưa hề thấy người nào xinh đẹp đến thế bao giờ!

 

Nghĩ như vậy rồi, Võ Trúng Phong thấy trong bụng đói cồn cào, bèn lẩm bẩm:

− Chà! Đói quá! Mình phải đến nhà nào gần đây cướp lấy ít cơm ăn mới được. Có thực mới vực được… “Nghị Hách” chứ?

Nói xong chạy thẳng một mạch đến nhà kia, đứng cửa nhòm vào thấy trong nhà có hai chị em cô gái đang ngồi ăn cơm, Võ Trúng Phong bèn nhẩy sấn đến hoa đòn gánh lên giơ vào tận đầu cô chị, sừng sộ nói:

− Muốn sống phải im cái mồm để ông muốn làm gì thì làm, nếu đứa nào kêu ông sẽ cho về với ông bà ông vải.

Hai chị em cô gái sợ xanh mặt, đều run cầm cặp mà thưa rằng:

− Xin quan lớn tha cho chị em chúng tôi được toàn mạng còn thì quan lớn muốn gì chị em chúng tôi cũng xin vâng.

Võ Trúng Phong vứt đòn gánh xuống đất, lại gần cô chị nhăn nhở mà rằng:

− Nói đùa đấy chứ tớ không hại cô mình đâu. Chỉ xin cô mình cho tớ…

Võ Trúng Phong vừa nói đến đấy bỗng bị luôn hai quả đấm nặng ngót trăm cân đánh vào mặt làm tối tăm mắt mũi, vội vàng chạy thẳng ra đường. Ra đến đường còn nghe văng vẳng tiếng hai chị em cô gái nói:

− Đã biết tay các bà mày chưa? Quen thói hiếp dâm thì có ngày toi mạng.

Võ Trúng Phong sợ nhưng tức đầy mật, vừa chạy vừa quay cổ lại chửi:

− Tiên sư nhà chúng mày nhé, chúng mày lại sỏ cả ông à?

 

(Chúng tôi có lời xin lỗi các độc giả, vì muốn cho vui câu chuyện nên chúng tôi mượn tạm câu văn của ông Vũ Trọng Phụng để vào đây và nhân tiện chúng tôi xin lỗi cả ông Vũ Trọng Phụng, chúng tôi phải mượn câu văn của ông cho hợp với vai tuồng. − VĂN  VIỆT TỬ)

 

Chửi xong câu ấy, Võ Trúng Phong lại dùng thuật phi hành chạy một mạch về Động Tản Dân.

Lại nói về động Phong Hoả mấy hôm sau Ba Vành Nương Nương cùng chủ tướng Nguyễn Tề Tam thăng trướng, truyền đòi Quân sư Tứ Tử Ly vào phán rằng:

− Nay quân lực động ta đã đầy đủ, vậy quân sư kíp thảo một bức chiến thư “khiêu chiến với hết thảy các báo ở Đông Dương” để cho thiên hạ biết rằng quân oai của ta đã lừng lẫy, và các vị tiên động ta khỏi phải ngồi rỗi ngáp ruồi.

Quân sư Tứ Tử Ly nghe nói cả sợ, vội vàng can rằng:

− Bẩm chủ tướng và Nương Nương, quân ta tuy đã dư sức mạnh, nhưng nay ngay một lúc mà ta khiêu chiến với tất thảy các báo xứ Đông Dương này là một điều thất cách. Chủ tướng và Nương Nương chẳng thường nghe câu phương ngôn “Nhất hổ bất địch quần hồ” đó ư? Huống chi mình thành thế tuy vững nhưng chưa chắc đã giỏi hơn ai, mình mà vội khiêu chiến với họ, tuy là một cách quảng cáo rất ranh mãnh thực đấy, nhưng tôi e lợi chưa thấy đã thấy hại ngay trước mắt. Nếu họ đổ xô vào mà đánh mình thì dẫu mình vững như bàn thạch cũng phải lung lay. Mà nếu không ai thèm đếm xỉa tới có phải mình bẽ bao nhiêu không. Xin chủ tướng và Nương Nương hãy xét kỹ.

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam nói:

− Quân sư nói tuy có lý, nhưng quân sư chỉ biết một chứ không biết hai. Nếu mình khiêu chiến mà họ xô lại tổng công kích thì xin xử hoà, bằng không ai thèm đếm xỉa đến mình thì cứ nói lớn lên rằng họ đã chịu thua mình vậy…

Quân sư Tứ Tử Ly biết lòng chủ tướng Nguyễn Tề Tam đã quyết thì dù can gián lắm cũng bằng thừa, bèn từ giã lui về phòng lấy giấy bút thảo một bức chiến thư như sau này:

 

PHONG HOẢ

Khiêu chiến với hết thảy các báo ở Đông Pháp,

BỨC TỐI HẬU THƯ GỬI CHO CÁC BÁO“Từ khi bản động ra góp mặt góp mũi với các báo, khiêu khích các báo cũng nhiều mà dỏng tai ra nghe các báo mắng lại cũng lắm. Bản động chủ tướng Nguyễn Tề Tam có thể vểnh mũi lên trời mà ngâm chơi câu thơ này:

… Phong Hoả công thành cóc… cóc khô!

 

Xưa kia bản động khiêu chiến từng động một, như động Hồng Kê, động Tản Dân v.v… Nay bản động chủ tướng Nguyễn Tề Tam mới được cùng Ba Vành Nương Nương, trưởng nữ Lý Toét lão tổ kết duyên cầm sắt thì sợ gì mà không vơ đũa cả nắm? Vì vậy bản động muốn khai chiến với hết thảy các báo trong toàn hạt xứ Đông Dương, từ báo trên thiên đình, đến báo dưới âm phủ, cho chí báo chữ Cao mên, Lào, Yao, Lolo, Mán, Thổ, Mèo, Mọi, Nùng, Chàm…

 

Việc tầy đình ấy là vấn đề sổng chuồng. Từ ngày thành lập làng báo ở xứ ta, chỉ có bản động là hiểu rõ sự lớn lao ấy, còn các ông chả biết cái gì cả, chỉ có lũ tôi biết với nhau mà thôi. Tuy lũ tôi sinh sau đẻ muộn mặc dầu (hay là các ông đã bàn đi bàn lại nhiều lần về vấn đề ấy rồi mà chúng tôi chưa biết thì không kể).

 

Vậy mà các ông không chịu tìm cho ra ánh sáng, các ông cứ ở trong xó tối mà cãi nhau ầm lên về rốn ông Lục, bụng ông An, óc ông Tam, dạ giày ông Hoàng Đạo, như thế còn ra cái quái gì nữa? mà mỗi lần mỗi tờ báo bị đóng cửa thì chỉ lũ chúng tôi bằng chân như vại được thôi, chứ ngờ đâu các ông cũng bằng chân như vại nốt, như thế mà các ông bảo là tình đồng nghiệp thì lạ thật! thế ra các ông chỉ biết các ông chứ không biết đến người khác, các ông không biết bênh vực lẫn nhau tí nào cả. Trừ chúng tôi ra, mỗi khi có bạn đồng nghiệp nào bị đóng cửa chúng tôi không muốn nói đấy thôi, chứ chúng tôi đã nói thì phải biết… phải biết!

Chúng tôi nói thế không phải chúng tôi xấu bụng đâu, chúng tôi tốt với các ông lắm. Chả thế mà mỗi tờ báo chết chúng tôi lại quỳ trước ban thờ đọc văn tế hẳn hoi, như thế các ông bảo không vị tình đồng nghiệp là gì? Tuy có một đôi khi chúng tôi cũng mong và dìm cho một vài bạn đồng nghiệp chết đi để chúng tôi đọc văn tế, nhưng đấy chỉ là đùa cho vui, chứ bản ý chúng tôi bao giờ cũng trái lại với công việc chúng tôi vẫn làm.

Bây giờ lại trở về vấn đề tháo cũi.

Các ông tưởng rằng mở then cũi là lũ báo chúng mình được sổng chuồng rồi đấy hẳn? Các ông lầm, cái lầm của các ông có lẽ lại to hơn cái chuồng xưa nay vẫn nhốt các ông và chúng tôi vậy!

Nói tóm đầu, tóm đuôi, tóm giữa, các ông phải cho bản động biết:

1) Chế độ mở cũi hiện thời có phải là chế độ thả lỏng không?

2) Sổng chuồng lợi thế nào? Kể ra.

3) Tại làm sao các ông không đả động đến câu ấy?

Quân đã dàn sẵn, xin các ông mau mau mang binh đến giao chiến, nếu không tức là các ông thua thủa thùa thua, các ông đã phạm vào tội không mong có một ngày kia người ta mở cũi sắt thả chúng ta về rừng vậy.

Nay đại khiêu chiến

Đại Phong Hoả động

Đại chủ tướng Nguyễn Tề Tam và Đại quân sư Tứ Tử Ly ký

Đại Ba Vành Nương Nương áp đại triện”

 

 

Quân sư Tứ Tử Ly mướt mồ hôi trán, dứt gần hết tóc mới viết xong được bức chiến thư thì thích quá nhảy lên mấy cái mà nói rằng:

− Lời văn mạch lạc, lý thú làm sao! Các báo xem đến bài này chắc phải bở vía mà chịu thua cả cũng nên, mình có thể tự hào với mẹ đĩ rằng: Một quản bút hàng muôn binh tướng vậy!

 

Nói xong Quân sư Tứ Tử Ly lại càng đắc chí, nhảy lên mấy cái nữa và chạy đến đại sảnh đưa trình chủ tướng Nguyễn Tề Tam. Chủ tướng Nguyễn Tề Tam xem xong khen nức nở:

− Hay lắm! Tuyệt tuyệt! Thật là giời sinh ra động Phong Hoả để đi khiêu chiến, và giời sinh ra Tứ Tử Ly để viết chiến thư.

 

Quân sư Tứ Tử Ly nghe chủ tướng Nguyễn Tề Tam khen chẳng tiếc lời thì mũi tự nhiên nở to ra, to mãi, to mãi, sau nặng quá không đeo nổi ngã gục ngay xuống thềm. Chủ tướng Nguyễn Tề Tam hốt hoảng gọi Lê La và Khái Huyết tiên ông đến truyền rằng:

− Khiêng ra mau, kẻo cái mũi của quân sư nở to quá lỡ nổ bùng ra đây, tên Bùi Xuân Cạc ở Vịt Báo lại tưởng nồi súp-de nổ, hắn phái đặc phóng viên đến mở cuộc điều tra thì khốn.

Lê La và Khái Huyết hai tiên ông vội vàng lấy thừng xâu lỗ mũi của quân sư Tứ Tử Ly vào đòn ống khiêng ra đại sảnh.

Đó thật là:

 

Phong Hoả công thành cóc cóc khô

Được thời hống hách mũi sưng to

Bao giờ Tứ Tử về âm phủ

Hẳn để khao binh chiếc mũi bò.

 

Lại nói về Tù Mờ tiên ông đêm ấy phải canh ở cửa thành phía Đông, tay cầm dùi trống, thỉnh thoảng lại đánh lên mấy tiếng báo hiệu sang canh…

 

Lúc ấy vào khoảng canh ba, gà phía xa đã lên tiếng gáy, thì dưới chân thành bỗng có một tiếng pháo lệnh nổ, rồi đèn đuốc bật sáng choang, quân sĩ động Tản Dân kéo đến bạt ngàn, cùng cất tiếng hò reo như sấm. Tù Mờ tiên thấy vậy muôn phần kinh hoảng vội chạy vào trướng phi báo với chủ tướng Nguyễn Tề Tam. Chủ tướng Nguyễn Tề Tam lập tức cho mời quân sư Tứ Tử Ly đến hỏi. Quân sư Tứ Tử Ly giơ tay lên bấm một quẻ độn rồi thưa rằng:

− Thưa chủ tướng, đó là Tả Nguyên soái Ngốc Giao và Hữu Nguyên soái Hiển Chỳ ở động Tản Dân chia binh định ùa đến cướp trại ta.

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam cười nhạt mà rằng:

− Nếu vậy hay! Ta đang muốn tìm lũ quỷ, nay lũ ấy lại bảo nhau tự đến nộp mạng, ta càng khỏi mất công.

Nói xong chủ tướng Nguyễn Tề Tam lui vào hậu phòng đánh thức Ba Vành phu nhân dậy để bàn việc quân. Khi gần đến cửa phòng nghe văng vẳng có tiếng bò rống. Chủ tướng Nguyễn Tề Tam bèn gọi một tên a hoàn đến hỏi rằng:

− Đêm hôm khuya khoắt, chẳng hay tiếng bò ở đâu rống mà huyên náo vậy?

Tên a hoàn thưa:

− Thưa chủ tướng, đấy là tiếng Ba Vành phu nhân ngáy chứ không phải bò rống.

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam nghe a hoàn nói vậy thì cao hứng, ngâm:

Đêm ngủ em ngáy như bò

Anh yêu anh bảo ngáy cho vui nhà.

Ngâm xong vào phòng đánh thức Ba Vành phu nhân dậy bảo rằng:

− Hiền thê ơi! dậy mau để liệu việc quân, kẻo binh động Tản Dân đã vây kín quanh thành, nếu chậm chễ e thành này khó giữ được.

Ba Vành phu nhân ngủ đang ngon giấc, thấy chủ tướng Nguyễn Tề Tam lay gọi thì giật mình tỉnh dậy, hỏi:

− Phu quân có biết kẻ nào cầm binh đến xâm phạm thành trì của ta không?

Chủ tướng Nguyễn Tề Tam nói:

− Tả Nguyên soái Ngốc Giao và Hữu Nguyên soái Hiển Chỳ của động Tản Dân.

Ba Vành phu nhân nói:

− Được lắm! Được lắm! Bớ Ngốc Giao và Hiển Chỳ! lát nữa các ngươi sẽ biết tay ta.

Nói rồi bước xuống đất cùng chủ tướng Nguyễn Tề Tam ra đại sảnh, mời quân sư Tứ Tử Ly cùng trèo lên mặt thành trông xuống, thấy phía dưới quân sĩ của động Tản Dân đóng hằng hà, cơ nào đội ấy rất tề chỉnh, các tướng hiệu thì khôi giáp oai nghiêm, các vị yêu tiên quái hiệp đều mặc áo đao bào, đội mũ đạo sĩ, tay cầm phất trần, các luồng kiếm quang biến hình ngũ sắc bay loạn xạ như sao đổi ngôi.

 

Ba Vành phu nhân nhận xét một hồi, truyền gọi Lê La, Thạch Lâm, Khái Huyết và Hàn Đãi Đá bốn vị tiên ông đến truyền rằng:

− Lê La và Thạch Lâm hai vị đem ba nghìn tinh binh ra cửa Đông giao chiến với quân địch, đánh để thử sức chúng thôi chứ không cốt lấy được. Khi nào thấy núng thế phải lập tức kéo quân vào thành; còn Khái Huyết và Hàn Đãi Đá hai vị đem ba nghìn quân mở cửa thành phía Tây ra giao chiến, cũng để thử xem sức của địch quân mạnh yếu nhường nào để sau sẽ liệu.

 

Bốn vị tiên vâng lời, kiểm điểm sĩ tốt rồi kéo quân ra trận.

Lê La và Thạch Lâm hai vị tiên ông truyền quân bỏ điếu kiều xuống mở cửa thành phía Đông kéo ra, dàn thành thế trận xong đâu đấy. Thạch Lâm tiên cầm ngang nhọn bát sà mâu quát to lên rằng:

− Bớ nghịch tặc! Ra đây ta hỏi!

Quát vừa dứt lời, bên động Tản Dân có một tướng xông đến cùng quát lên rằng:

− Có ta đây. Ngươi muốn nói gì cứ nói.

Thạch Lâm tiên nói:

− Ngươi tên là gì? Khai mau ra để ta cho về âm phủ.

Tướng ấy nói:

− Ngươi muốn nghe đại danh của ta thì phải ngồi cho vững kẻo lại giật mình ngã va đầu vào cẳng ngựa thì đừng trách là ta không báo trước. Ta: Tả Nguyên soái Ngốc Giao trướng hạ, Lề Văn Trướng đại danh, bấy lâu nay là xông pha hết trên rừng dưới biển, học rộng xem nhiều, chẳng thế mà ta biết cả con sông Ngân Hà chảy từ Bắc Mỹ xuống phía Nam châu Úc, giải núi Thái Sơn cao vút luồn qua lần mây đỏ đến tận lần mây xanh; ta lại còn biết cả về thế kỷ thứ 17, ông Woeth, một nhà thông thái nước Anh, nói: “Chiến tranh chỉ là một cuộc đánh nhau của hai nước” thật đúng lắm vậy. Kìa lại ông phật Hamarithnouch nước Ấn Độ dậy đệ tử rằng: “Đã ở chùa thì không được lấy vợ”, thật là chí lý, chẳng những thế, ông Kimokochi, một vị bác sĩ Nhật Bản thường bàn về tâm lý người đời, có nói rằng: “người ta lúc đói muốn ăn, lúc khát muốn uống” thật là đúng hết chỗ nói.

 

Thạch Lâm tiên sợ Lề Văn Trướng còn nói nữa, bèn quát to lên rằng:

 − Lề Văn Trướng! Ngươi ra đây để đối địch cùng ta hay ra đây để khoe cái thông thái của nhà ngươi đấy, hử?

Lề Văn Trướng vẫn điềm nhiên nói:

− Về thế kỷ thứ 20 này, mới phát minh ra một thứ tầu chạy ở trên trời mà người ta gọi là tầu bay, và một thứ tầu hễ thả xuống nước là chìm nghỉm mà vẫn chạy được, nên người ta gọi là tầu ngầm vậy.

 

Thạch Lâm tiên sốt ruột, dơ bát-sà-mâu nhằm giữa bụng Lề Văn Trướng đâm một nhát, Lề Văn Trướng vội vàng gạt được mũi mâu đâm trượt ra ngoài rồi kêu to lên rằng:

− Để im ta nói! Vẫn chưa hết cái thông thái của ta…

Lê La tiên ông nóng tiết, bèn lẩm bẩm đọc mấy câu thần chú rồi tung quả bóng cao su lên trên không, nhắm giữa đầu Lề Văn Trướng ném xuống. Hà Lạm quái hiệp đứng đằng xa trông thấy, vội vàng vỗ vào bụng bành bạch, tự nhiên ở rốn bật ra một luồng kiếm quang sắc đen, bay ra đâm vào quả bóng của Lê La tiên, Lê La tiên biết luồng kiếm ấy rất lợi hại, bèn giơ tay lên vẫy quả bóng về. Lề Văn Trướng thở dài mà rằng:

− Rõ uổng! Rõ uổng! Công trình ta bao nhiêu năm trời đọc sách, nay mang giải cho họ biết, nhưng họ không thèm biết, cứ đánh nhau hoài!

 

Lại nói về Khái Huyết và Hàn Đãi Đá hai vị tiên đem quân ra cửa thành giàn xong trận thế, Hàn Đãi Đá tiên vẫy hữu Nguyên soái động Tản Dân là Hiển Chỳ lại mà nói rằng:

− Chúng ta với các ngươi không thù không oán, thế mà tự dưng vô cố sao ngươi dám mang binh đến xúc phạm vào bờ cõi của chúng ta. Vậy ngươi muốn sống phải kéo quân trở lại, bằng không ta sẽ đãi cho nhà ngươi một mẻ.

 

Hữu Nguyên soái Hiển Chỳ nói:

− Xin lỗi. Biết đâu ngươi lại chẳng đa nghi. Hôm nay gặp mặt ta hỏi: Đánh nhau sao chẳng đánh? Đành chờ giao chiến mặc dầu thua.

Hàn Đãi Đá cả cười mà rằng:

− Sáo! Sáo! Ngươi nói văn chương nhỉ!

Khái Huyết tiên cũng cả cười mà rằng:

− Bớ Hiển Chỳ! Đút những lời ấy vào lọ và nút kỹ lại nhé!

                                                                                                                                   

 

LỜI TOÀ SOẠN BẮC HÀ (số 17 ra ngày 3 Décembre 1936)

Vì một lẽ riêng, ông Văn Việt Tử không cùng chúng tôi làm việc ở toà soạn nữa. Truyện Kiếm Tiên không tiền khoáng hậu này, cũng khoáng hậu kể từ nay. (Kỳ cuối cùng của truyện này do Quang Mai viết)

 

 

Hiển Chỳ tức giận, quay mặt lại hỏi các tướng bộ hạ rằng:

− Có ai vì bản soái ra bắt những thằng giặc kia không?

Tức thì một tướng nhỏ nhắn, mặc áo chẽn vàng, và vận cái quần lùng thùng bằng vải đỏ tế ngựa hoa kiếm nhẩy ra.

Hàn Đãi Đá và Khái Huyết còn đương ngây ra ngắm nghía để tìm lấy một vết xấu, lấy dao cạo gọt đi, thì vị nữ tướng đã khóe hạnh tròn soe, cất tiếng oanh vàng sang sảng mà quát lên rằng:

− Bớ Khái Huyết và Hàn Đãi Đá, bay chớ quen hoành hành bắt nạt những hạng nhu nhược mãi, không được đâu. Ngày nay cũng là số các ngươi đến ngày tuyệt nên mới gặp cô nương. Nếu các ngươi đã biết tiếng “Cô gái quần đỏ” thì xuống ngựa cắt thủ cấp dâng ta đi, để ta khỏi phải ra sức.

 

Khái Huyết tiên cả giận hươi thương ra đánh. Lúc ấy quân hai bên cùng đánh chiêng trống rầm trời để thị uy. Bỗng Khái Huyết lấy thương gạt mạnh đôi kiếm của cô gái quần đỏ ra, giật cương ngựa lùi lại mấy bước, miệng lẩm bẩm đọc thần chú, tay bắt quyết và thét to lên một tiếng: “Tuyết”

Tức thì trên giời gió thổi vù vù, mây đen kéo lên ngun ngút, rồi mưa xuống rào rào. “Cô gái quần đỏ” cả cười rằng:

− Làm chi những phép nhỏ mọn ấy, trông bản lĩnh của cô nương.

Nói rồi cũng bắt quyết và hô thần. Trời bỗng lại quang đãng im lặng như thường. Đoạn cô cởi cái thắt lưng tung lên trời thành đạo hào quang sáng quắc. Khái Huyết và Hàn Đãi Đá thấy giây khổn tiên cả sợ, quay ngựa chạy về. Bỗng lại thấy trống trận ầm ầm, quân sĩ rẽ ra hai bên và từ trong cổng thành một vị nữ tướng phi ngựa ra như bay:

− Con tiện tỳ chớ vô lễ. Có bản soái ra đây.

Đoạn vị nữ tướng nắm tay đập vào mặt ba cái, ba cái vòng đỏ chót rực rỡ hào quang bay lên chém giây khổn tiên làm hai đoạn.

Cô gái quần đỏ cả sợ, lùi vào trong trận nhường cho Hiển Chỳ phóng ngựa ra. Chàng múa một bài chuỳ rất hăng hái, rồi trợn mắt há hốc mồm ra, tay chỉ Ba Vành quát hỏi rằng:

− Ngươi có phải gái mới không?

Ba Vành không hiểu ra sao, lấy làm kinh, hỏi gặng lại rằng:

− Ngươi hỏi thế nào ta không hiểu?

− Con tiện tỳ vểnh tai nghe cho rõ. Ta hỏi ngươi có là con gái mới không mà dám ra đối địch với ta. Ta đây là tay anh hùng trong thiên hạ, không thèm giết đứa vô danh và đánh nhau với tụi đàn bà mặc váy như hạng mày, muốn sống cút ngay về gọi Nguyễn Tề Tam ra đối địch.

Ba Vành thét to lên rằng:

− Bớ tiểu tử miệng còn hơi sữa, hãy im đi nghe ta nói đây: Ta đây là Phong Hoả động chủ phu nhân, tức là Ba Vành Nương Nương, con gái rượu của Lý Toét lão tổ. Nếu nhà ngươi biết theo thời vận, bỏ lũ yêu tiên ra tìm kế khác kiếm ăn mới hòng có cơ mở mặt với đời. Chứ cứ luẩn quẩn vào hang đỏ ra hang đen, thì ta tiếc cho công ngươi trong bao lâu tu luyện.

− Chớ khá nhiều lời trông ngọn chuỳ của bổn soái đây.

Tức thời Ba Vành xắn gọn hai tay áo, buộc túm lại gấu váy, hươi quyền nhẩy vào. Một trai, cầm chuỳ quay lộn và một gái tay không mà vẫn bất phân thắng phụ.

 

Bỗng trên trời có tiếng nổ thật to, mấy cổng thành mở to ra, các tướng bên động Phong Hoả cùng reo to rồi tranh nhau qua điều kiều ra vây quân động Tản Dân vào giữa. Ngốc Giao và Hiển Chỳ bối rối, vội rút trong túi ra cái còi để thổi làm hiệu thu quân.

Nghe tiếng báo hiệu, các yêu quái hùa nhau chạy trốn, hoá ra nhiều luồng hắc khí đen sì bay về phía Đông Nam chui vào động.

 

Tề Tam thấy quân mình toàn thắng mừng rỡ quay về tìm phu nhân để tạ ơn thì đã thấy Ba Vành đương ngồi dụi mắt bên đường cái.

Tề Tam vội vàng nhẩy xuống ngựa, đến bên năn nỉ rằng:

− Kìa sao phu nhân không trở về an nghỉ. Thật hôm nay không nhờ có thần dũng của phu nhân thì còn mất bao công lao mới đánh tan được lũ quỉ quái ấy. Tiếng vậy tất thế nào chúng cũng còn đến đánh báo thù. Vậy phu nhân hãy về bàn với ta sắp đặt việc đối địch. Mau lên kẻo ngồi bên đường nói chuyện sợ họ dị nghị và nhỡ đội con gái hỏi lại phải khai báo lôi thôi.

Ba Vành khóc nức nở lên mà rằng:

− Phu quân ơi! Thiếp xấu hổ quá. Chỉ vì thương phu quân mới đến nỗi này. Tôi đã định suốt đời tôi không màng đến chuyện chồng con nữa. Ai ngờ đến khi gặp phu quân, thiếp thấy thổn thức trong lòng. Thế rồi một buổi chiều nghe lời đường mật của phu quân, thiếp quên cả đạo tu hành, cùng phu quân kết duyên để khỏi lạnh lùng trong những ngày giá lạnh. Vì thế mắt thiếp mỗi ngày một toét, ngày nay lông quặm mọc đầy. Em bắt đền phu quân đấy.

 

Tề Tam lo sợ hối quân sĩ vào thành mang song loan ra rồi thân nhấc Ba Vành lên đặt nằm vào lòng và truyền quân sĩ vào hết trong thành.

Thật là:

Thương người thì khổ đến thân

Yêu chồng nên mắt toét dần mãi ra.

 

Nói về các tướng động Tản Dân bị thua lục tục kéo nhau về, vào ra mắt Vũ Đình Luông, khấu đầu bốn lễ, rồi cùng nhau tâu lên rằng:

− Tâu chủ soái, lũ hạ thần cam muôn chết, mới ra binh mà đã chịu thua để mất nhuệ khí của quân ta. Song bên động Phong Hoả có Ba Vành là con gái Lý Toét võ nghệ rất cao cường, thần thông quảng đại, lũ hạ thần phải lui để tính mưu khác phục thù vậy.

Vũ Đình Luông nghe tâu cả sợ vội hỏi rằng:

− Vậy bây giờ ta biết tính cách nào được. Các ngươi có kế hoạch gì không?

Hà Lạm quái hiệp bước ta tâu lên rằng:

− Muôn tâu động chủ, tôi xét xảy ra việc rắc rối và nguyên uỷ các trận thua của Hồng Kê động và động ta này, chỉ tại tên Văn Việt Tử ở động Bình Dân khéo đặt ra. Nay tôi biết tên ấy chỉ sợ Lệ Mai tiên cô trên núi Côn Sơn. Nên muốn mọi việc đều yên, thì tôi xin mang vàng lụa lên núi cầu Lệ Mai xuống rủ Văn Việt Tử về tu hành, không còn ai hơi đâu nói đến bọn ta nữa.

Đình Luông nghe nói cả mừng rồi sai mang 300 đĩnh vàng 1000 tấm lụa tức khắc sai Hà Lạm lên núi Côn Sơn cầu cứu.

Hôm ấy về cuối mùa thu tháng chín, các vị tiên trong động Bình Dân đương bàn soạn về trận đại chiến của hai động Phong Hoả và Tản Dân, bỗng thấy Văn Việt Tử hắt hơi hoài, chạy vội ra cửa, vấp năm bẩy lần:

− Lệ Mai tiên cô đợi tôi mấy! Các anh ở lại tôi đi đây.

Mọi người còn đang ngơ ngác thì Văn Việt Tử đã rẽ vào ngõ con độn thổ cùng một bóng người gầy gò biến mất.

Từ đấy truyện giao chiến của các động mới thôi.

Rõ thực là:

 

Dù rằng mười vạn hùng binh.

Mạnh sao bằng tiếng ái tình xa xăm.

Người sau làm thơ kết luận rằng:

Gớm tụi Bình Dân khéo về với,

Bày ra tranh chiến để vui cười.

Rồi ra Tam động thành không hết,

Rút lại anh em mất một người.

                                                                         

(HẾT)

------------------

●Nguồn: Bắc Hà, tập mới, Hà Nội, từ số 1 (10/8/1936) đến số 17 (3/12/1936)

 

Văn Việt Tử
Số lần đọc: 1476
Ngày đăng: 15.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Yêu Nữ - Nguyễn Thạch Giang
Làn Da Kim Khánh - Trần Vũ
Nhân dân ơi, xin chào - Nguyễn Lệ Uyên
“ Anh thì hiểu thế nào là Tình Yêu !” - Đổ Quỳnh Anh
Trưa Nắng Hàm Ninh - Trần Vũ
Những áng mây trôi đi - Nguyễn Hồng Nhung
Trời Rộng Sông Dài - Phan Đức Nam
Một Cho Tất Cả - Đổ Quỳnh Anh
Bằng thật bằng giả - Huỳnh Văn Úc
Ký Tự Ở Đầu Giường - Nguyễn Viện
Cùng một tác giả