(Lời bạt viết cho tập thơ ĐÔI BỜ THỜI GIAN của Nguyễn Văn Gia)
Còn nhớ, một đêm thu năm 1995, có trăng có rượu, thơ và nhạc, ở “thảo lư” của Nguyễn Văn Gia, lần đầu tôi được nghe Đôi bờ thời gian qua giọng đọc của tác giả và sau đó qua tiếng hát đầy cảm xúc của hiền thê anh, Phương Lan, người mang “chữ Tâm đứng giữa đôi bờ thời gian”. Văn Nho đã tài hoa phổ bài thơ thành giai điệu và đêm ấy, dặt dìu theo cung bậc tiếng hát là tiếng đệm tây ban cầm uyển chuyển của anh.
Vọng phu xưa – Em bây giờ là hai hình ảnh đối ngẫu đẹp, bi tráng khắc họa nên một chữ Tâm sắt son thắm thiết. Và hai câu thơ trở thành trác tuyệt chính là nhờ hình ảnh Vọng phu cổ tích kia. Một bài thơ thương cảm, hay, nhiều năm sau đọc lại nghe lại vẫn thấy hay, vẫn còn nguyên nỗi xúc động rưng rưng đọng lại trong hai câu kết:
Người xưa đâu ?
Giờ em đây
Thương chồng em gánh những ngày long đong!
Không rõ vì sao sau này Gia viết lại, thay đổi câu kết, để bớt bùi ngùi chăng?
Nguyễn Văn Gia thử làm thơ từ trước 1975, hồi còn là sinh viên ở Huế, chỉ thử thôi, bởi thời đó anh không đam mê thơ cuồng nhiệt bằng đam mê một thứ khác mà về sau, khi nhìn lại, anh cho là “chiêm bao” Nửa đời đuổi bắt chiêm bao / Nửa hư nửa thực lẫn vào cơn say.
Mà chiêm bao thì thường là ảo tưởng:
(… ) Cái không thực làm sao tìm cho được
Đôi tay gầy không thể hái trăng sao
Thế là hết rồi một thuở vong thân
Bỏ cái ảo để tìm về cái thực
(…) (Ngày về của người bạn thơ)
Suốt 20 năm dằng dặc, ngoại trừ bài Đôi bờ thời gian, hầu như Gia không viết gì cả, dù rằng anh vẫn đọc nhiều và quen biết khá đông các bạn bè cầm bút. Mùa hè năm 1996, có thể là do sự chọn lựa của Định mệnh, anh bốc đồng viết bài lục bát Trở về để họa lại bài Lạc của nhà thơ Đông Trình. Cả hai bài đều hay nhưng mỗi bài có cái hay khác nhau. Riêng bài của Nguyễn Văn Gia thì nổi tiếng, được truyền tụng và tán dương nhiều trong số độc giả hiểu rõ những ẩn dụ, những ám chỉ thâm thúy trong từng câu thơ. Trong khí thế đó, tưởng là anh sẽ phơi phới viết tiếp, nhưng không, anh lại im lìm.
Đang là một giáo viên giỏi dạy môn Anh văn cấp phổ thông trung học, sự nghiệp đang hanh thông, năm 2001, bỗng dưng anh xin về hưu, về trước những 10 năm. Đồng nghiệp ngạc nhiên, thậm chí có người cho rằng anh khờ khạo và sai lầm khi quyết
định nghỉ ngang xương như vậy. Cũng đúng thôi, bởi họ không thể hiểu tâm trạng anh lúc đó. Gia muốn theo gương người xưa, tùy thời mà xuất – xử. Bởi anh đã quá ư mệt mỏi với những hệ lụy nghề nghiệp; chỉ muốn cởi bỏ hết mọi cương tỏa phiền trược để thong dong quay về với chính mình.
Bỏ rơi viên phấn nửa chừng
Ta về nằm ngủ giữa rừng chiêm bao
(Về vườn)
Lại chiêm bao, nhưng không là cái “chiêm bao” thời ngồi ở giảng đường Đại học.
Phải mất một thời gian dài để Gia làm quen với cuộc sống mới, dần dần an nhiên tự tại và một hôm “tình cờ” ngộ ra:
Có cũng vui
Không cũng vui
Vẫn còn ấm một nụ cười ban sơ
Có không là cái tình cờ
Trước kia chẳng có
Bây giờ cũng không
Bài thơ chỉ 4 câu 28 chữ, đọc lên nghe như một bài kệ, ngỡ như tác giả đã trở thành một bậc ẩn sĩ thượng thừa, hoàn toàn thoát tục, coi mọi thứ trên cõi đời u trệ này nhẹ tựa hồng mao.
Từ đó anh từ tốn chậm rãi đến với thơ như một kẻ nhàn du, thênh thênh, nhẹ hẫng. Đọc một số bài đoản thi ngũ ngôn hoặc lục bát của Gia, bỗng dưng tôi chợt nhớ đến Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên của Đường thi,
Mây trắng bay lang thang
Núi xanh cứ tĩnh tại
Trăng xưa còn đứng lại
Nhìn suối chảy miên man
(Như nhiên)
hoặc nghĩ đến những lời sấm ký ngông nghênh ngã mạn:
Ta chẳng từ đâu tới
Nên chẳng về nơi đâu
Tội núi xanh đứng đợi
Chỉ e ngươi bạc đầu
(Chỉ là mây trắng bay)
Nguyễn Văn Gia không làm thơ tình lãng mạn, cũng không viết về nỗi đau khổ truân chuyên của bao kiếp nhân sinh trong cái trận đồ Tang-điền-thương-hải mà anh là nhân chứng. Không, chúng ta không ép buộc anh làm những việc đó mà chỉ muốn nghe anh bồi hồi chiêm nghiệm về sự biến dịch, về lẽ tồn – vong, về chuyện mất mát bóng tre, ruộng, vườn, tiếng chim của thời đô thị hóa, chỉ mất những cái rất bình thường đó mà sao anh lại quá đỗi xót xa kêu lên quê nhà giờ đã trở thành cố hương. Đâu chỉ tre pheo cây cỏ chim chóc, còn biết bao nhiêu thứ kỳ vĩ được cho là bất di bất dịch cũng ngả nghiêng lộn đầu hoặc tiêu ma đứt bóng trong cuộc đổi thay ồ ạt này. Thì ra:
Nửa đời mới ngộ ra rằng
Cái chi cũng tựa phù vân giữa trời
Trông về trước ngoảnh lại sau
Cái chi mà chẳng bể dâu, hỡi người!
Đêm xưa Trần Tế Xương đã bàng hoàng giật mình khi nghe tiếng ếch kêu ở khúc sông lấp Nam Định, ngỡ là tiếng gọi đò của âm hồn quá khứ, giờ đây nếu Trần Tiên sinh sống lại chắc sẽ còn bàng hoàng hơn khi cùng kẻ hậu sinh Nguyễn Văn Gia nghe tiếng chim rơi lệ vì mất quê hương:
Chim ơi mày hót lẻ loi
Hay nghìn xưa đã mồ côi hồn người!
Và chắc Tiên sinh sẽ gật gù đồng ý với tôi rằng: đây là hai câu thơ xuất thần, tuyệt cú!
Năm 2009, bất ngờ Nguyễn Văn Gia viết khá nhiều, thường là những bài ngũ ngôn tứ tuyệt, vì sự giục giã của thời gian chăng hay anh bắt đầu cảm nhận được cái lành lạnh của ngọn gió heo may giữa lúc chiều tà đang thổi về trước ngưỡng cửa 60 ?. Có khi anh nhìn ra đời, thao thức cùng thế cuộc nhưng rồi vẫn quay lại mình, bổn lai diện mục, không ngơ ngác sông còn đây, nước về đâu? / Chính ta cũng lạ với râu tóc mình mà vẽ lại đời mình bằng những hình ảnh gần như nghịch lý:
Và cứ thế đôi lần tôi chết ngộp
Sông thì trôi tôi cố lội ngược dòng
Không là thông sao nghìn năm cô độc
Đã có khi phải phủ định chính mình
(Tự họa)
Sao lại phủ định chính mình? Đời anh lắm uẩn khúc ư? Không, tôi không tin. Trước 75, anh không phải hứng chịu nỗi đau đớn nào của cuộc chiến tranh tương tàn để rồi ray rứt dằn vặt; sau 75 anh cũng không phải bỏ quê luân lạc tha phương tìm cơm kiếm áo như bao người khác cùng thế hệ. Trái lại, với những điều kiện có sẵn khá tốt anh có thể xu phụ thời thế để tiến thân. Nhưng không, lạ thật! Trước sau, Nguyễn Văn Gia chỉ là một nhà giáo bình thường. Điều may mắn là anh có một gia đình hạnh phúc với người vợ đẹp, hiền thục, yêu văn nghệ và hai đứa con ngoan. Tôi nghĩ, hạnh phúc ấy có thể ví với một bài thơ tao nhã, bởi đó không phải là thứ hạnh phúc đến từ thủ đoạn, quyền thế, lợi lộc.
Nhiều nhà thơ vẫn thường nói rằng làm thơ là nghiệp dĩ, là cái nợ không vay mà phải trả, là kiếp tằm đành phải rút ruột nhả tơ. Nguyễn Văn Gia thì hoàn toàn không. Anh chỉ là khách tài tử, không dụng tâm trở thành thi nhân, không nghiệp không nợ không tằm tơ gì cả. Thơ tìm đến anh, có thể tiềm ẩn trong anh nhưng cuộc ngẫu hợp này không thể sớm hơn được mà phải chờ đến nửa trăm năm, lúc tuổi đã ngoại ngũ tuần, thấm thía bao chuyện thế thái nhân tình, nhận diện cái thực – cái hư, cái chân – cái giả, và tâm thức đang man mác nỗi buồn cô đơn của kiếp người trước phù vân tuế nguyệt, thanh xuân “nhất khứ bất phục hoàn”.
Rồi ra tất cả sẽ hư không
Buồn vui rồi cũng sẽ dửng dưng
Cả một tinh cầu hiu quạnh lắm
Mai rồi bóng đổ xuống thời gian
(Chào tuổi 60)
Có lẽ từ nay thơ anh bắt đầu biết buồn, u ẩn và trầm tư hơn.
*
Những gì tôi vừa viết chỉ là những cảm thụ chưa thấu đáo lắm khi đọc một số bài thơ của Nguyễn Văn Gia. Chỉ là cảm thụ, không bình không giảng. Thiển nghĩ, dù hình thức, ngôn ngữ và nội dung thơ tân kỳ độc đáo cao siêu bí nhiệm đến cỡ nào đi nữa, cốt lõi của nó vẫn là cái hồn. Câu thơ không có hồn chỉ là hàng mã. Bởi mãi mãi thơ thuộc về lãnh vực cảm xúc. Nhiều bài thơ của Gia mang lại cho người đọc những cảm xúc bất ngờ. Vậy là đạt.
Nguyễn Văn Gia và tôi chơi thân với nhau mười lăm năm nay. Vật đổi người thay, tình đời dâu bể, giữ được một tình bạn tâm giao suốt mười lăm năm không phải là chuyện thường tình. Gẫm lại, có lẽ nhờ tơ tóc của Nàng Thơ!
Viết về bạn mình và thơ của bạn, chắc chắn không thể tránh khỏi những chủ quan, phiến diện. Dĩ nhiên không phải tất cả những bài thơ của Gia là hoàn hảo toàn bích nhưng tôi tin rằng ba mươi năm sau ít ra cũng còn đôi bài hoặc dăm ba câu nào đó uy nghi đứng giữa đôi bờ thời gian, tồn tại với đời sống văn học./.
5 – 2010