Mấy năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước , tôi đã được đọc thơ của Nguyễn Nho Nhượn trên các tạp chí văn học uy tín thời bấy giờ như Văn., Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật, Phổ Thông-nhưng không biết thêm gì về con người anh ngoài cái bút danh rất lạ-cho đến khi đọc được ô tin “ Chia Buồn” trên tạp chí Bách Khoa của bạn thơ, thân hữu xứ Quảng: Nguyễn Nho Nhượn là tên thật ( dùng làm bút danh), sinh ngày 12 tháng 3 năm 1946 tại thôn Bồng Lai, làng La Quá, quận Điện Bàn, tình Quảng Nam-mất ngày 24 tháng 5 năm 1969 vì bệnh sạn thận tại bệnh viện Non Nước-Đà Nẵng!
Như vậy Nguyễn Nho Nhượn chỉ có mặt trên cõi tạm này có 23 năm ngắn ngủi cho một đời người! Mất năm 23 tuổi, mà từ năm 1962, thơ anh đã được trân trọng giới thiệu, nghĩa là anh đã bắt đầu sáng tác rất sớm-năm trên 16 tuổi! Với lứa tuồi hoa niên đang dào dạt sức sống ấy, mà thơ anh đã thấm đẫm nỗi buồn của kiếp nhân sinh đầy hệ lụy trong cuộc chiến tương tàn đang gieo rắc bao khổ đau cho hai miền-nhất là với tuổi trẻ! Nỗi cô đơn, lạc lõng của tuổi trẻ thời loạn đã được Nguyễn Nho Nhượn bày tỏ rất sâu, rất thành-trong hầu hết các bài thơ của anh thời ấy! Với một vóc dáng gầy guộc nhưng sớm bị bạo bệnh, với nỗi đau xót quê nhà trong cảnh tang thương ly loạn, với ý thức chân chính về cuộc vô thường của đời ngừơi-và với tấm lòng thiết tha hiến dâng/ thơ anh đã là tiếng kêu vang thống thiết cho một tương lai hòa bình, cho một cuộc sống yêu thương nghĩa tình/ giữa tiếng đạn bom hận thù đêm ngày đang gào thét,vây bủa…Tôi đã nhận ra điều đó, và yêu quý thơ anh từ dạo ấy!
Bài thơ “ KHI TRỞ VỀ VĨNH ĐIỆN” ( trong tập thơ đầu tiên “ Tiếng Nói Giữa Hư Vô”/ XB năm 1971-nhân ngày giỗ lần thứ 2 của anh) là một bài thơ tiêu biểu cho dòng thơ anh, cho tấm lòng son sắc còn lại của anh với quê nhà.Trong tập “Tiếng Nói Giữa Hư Vô” gồm có 38 bài thơ-Tôi đã có dịp đọc qua nhiều bài khi chưa được in thành sách trên các báo, tôi yêu thích hầu hết những dòng thơ chân chất chí tình của anh-nhưng ở bài ghi nhận ngắn này-chỉ xin được bày tỏ/ chia sẻ đôi điều về bài thơ “ Khi Trở Về Vĩnh Điện” :
“ Khi trở lại thấy tường xiêu ngói đổ
nền trơ vơ đón đợi bước chân về
dáng ai đó ngập ngừng bên khung cửa
nhặt từng hòn gạch vụn- nỗi bơ vơ”
Viết bài thơ này-lúc ấy, Nguyễn Nho Nhượn khoảng trên dưới 20 tuổi thôi/ trong những chuyến lận đận đi –về/ và một lần nào đó “ khi trờ về Vĩnh Điện”-nhà thơ đã tận mắt nhìn thây cuộc bể dâu tang thương đang xảy ra cho quê mình- còn nỗi đau xót nào hơn cho kẻ tha phương khi tìm về quê cũ “ lại thấy tường xiêu ngói đổ/ nền gạch trơ vơ” ?. Không có bóng dáng người thân yêu nào đón đợi người thơ/ không có chút thiên nhiên an bình nào mong ngóng bước chân xiêu lạc trở về/ mà chỉ có “ Nền trơ vơ đón đợi bước chân về”! và “ Dáng ai đó ngập ngừng bên khung cửa”? . Nhà nhà bị đổ nát trong làn mưa bom đạn- chỉ còn chỏng chơ sân nền trống trải ngổn ngang gạch ngói– trong nỗi hiu quạnh mênh mông ấy- dáng ai đang ngập ngừng bên khung cửa còn sót lại của một ngôi nhà đã hoang tàn? Nhà thơ không hề nhận ra bóng dáng thân quen nào trong ký ức một thời yên ấm đang chợt hiện ra trong ánh mắt mình lúc này/ phải chăng vì sự khổ đau, sự mỏi mòn, sự nhớ thương bao năm đã làm đổi thay vóc dáng thân tình kia rồi? Cái bóng dáng ấy đang lầm lũi, lặng lẽ- với bao nỗi tang thương vừa ập đến cho làng quê mình để “ Nhặt từng hòn gạch vụn-nỗi bơ vơ”. Mỗi viên gạch bị đổ nát của ngôi nhà quê hương là một “ nỗi bơ vơ” cô độc của kiếp người khi đối diện với chiến tranh mà dáng ai kia đang lặng thầm thu nhặt ? Hình ảnh thật đơn giản – nhưng cũng thật lớn lao- sao nghe quá đau lòng?
“ Khi trở về con đường cây lá rụng
quán ngày xưa, ôi bè bạn đâu rồi?
nghe hoang vắng nỗi kinh hoàng thất thủ
hồn đa sầu giữa lòng phố âm u “
Sau thời khắc bàng hoàng vì sự hoang tàn của phố thị-nhà thơ mới có chút tỉnh táo mà nhìn ngó quanh mình- đây là “ con đường cây lá rụng”- hàng cây bên dường ngày xưa xanh mát là vậy-mà bây giờ đã ngã nghiêng xiêu đổ, lá rụng tơi bời-chiến tranh đã làm cho đến cỏ cây cũng phải chịu bao nỗi đớn đau xơ xác, thì huống là người? Và nhà thơ chợt kêu lên thảng thốt khi đi ngang qua một chỗ ngồi sum vầy bè bạn thuở nào: “ Quán ngày xưa, ôi bè bạn đâu rồi? “. Có sống như anh. Có trải lòng như anh. Có đau đáu nỗi niềm bè bạn quê hương như anh-thì mới hiểu hết “ Quán ngày xưa, ôi bè bạn đâu rồi? “. Trở về là để mong được sum họp. được gặp gỡ- được sẻ chia với bao người thân yêu, với bằng hữu-nhưng-tất cả đểu lặng lẽ, chìm khuất, lạc lõng nơi nào?
“ Nghe hoang vắng nỗi kinh hoàng thất thủ
hồn da sầu giữa lòng phố âm u”
Giữa cảnh tượng “ hoang vắng” ấy-nhà thơ đã cảm nhận được “ nối kinh hoàng thất thủ”- một nỗi chia ly không thể cứu vãn, có lẽ sẽ còn lê thê trên quê nhà không biết đến bao giờ? Tâm hồn nhạy bén đa cảm của người nghệ sĩ làm sao không “ đa sầu giữa lòng phố âm u? “. Phố âm u, là khu phố chết. Phố thị xưa với bao rôn ràng trổi dậy mỗi sớm, mà bây giờ thì đã vắng tênh-âm u, lạnh lẽo/ thì còn có nỗi xót xa buồn đau nào hơn? Đây cũng là một hình ảnh rất tiêu biểu cho phố thị miền Nam trong những tháng năm khói lửa tương tranh.
“ Tìm đâu nữa bóng em cùng sách vở
ngôi trường xưa còn mũi súng lăm le
anh bỡ ngỡ tìm về thôn xóm cũ
dấu điêu tàn xơ xác những lũy tre”
Trong cõi điêu tàn của thù hận sẽ không còn có chỗ nào cho sự yên bình-cho dầu đó chỉ là một góc rất nhỏ dành tuổi thơ “ bóng em cùng sách vở”. Bóng em và sách vở-là bóng thương yêu và ngày mai của tuổi trẻ-giờ đây “ biết tìm đâu nữa” khi “ ngôi trường xưa còn mũi súng lăm le” ?. Súng đạn, sự chết chóc và thù hận đang còn bủa vây, chờ chực, đe dọa từng ngày trên khắp miền đất nước thì “ bóng em cùng sách vở” cũng khuất xa dần!
“ Anh bỡ ngỡ tìm về thôn xóm cũ
dấu điêu tàn xơ xác những lũy tre”
Bước chân lưu lạc ngỡ ngàng dần tìm về lối cũ, quê xưa-nhưng ở đâu đâu trên con đường về thôn làng cũng bày ra “ dấu điêu tàn xơ xác những lũy tre”. Trạng thái “ bỡ ngỡ” của kẻ tha phương tìm về thăm quê cũ, làng xưa quả thật chua xót! Trở về thăm quê, mà lòng hãy còn “ bỡ ngỡ” như đang đi trong một chốn nào xa lạ ? . Hình ảnh tiêu biểu thân thương của làng quê Việt Nam là những lũy tre xanh ngan ngát ôm bọc quanh làng-nhưng bây giờ còn đâu? Chỉ còn trước mắt nhà thơ là “dấu điêu tàn xơ xác những lũy tre” mà thôi!
“ Mẹ gượng vui đón mừng sau mái rạ
đàn em cười-còn may mắn, anh ơi!
bom đạn nổ nhưng căn nhà vẫn đứng
dáng yêu đời còn đọng lại trên môi”
Và đây rồi- bóng mẹ đang cần mẫn gò lưng bên mái rạ - đã “ gượng vui đón mừng” đứa con phương xa trở về! .“ Mẹ gượng vui đón mừng sau mái rạ”-một nỗi vui chờ đón chiu chắc bao ngày vậy, mà cũng phải “ gượng”! Có niềm vui nào được trọn vẹn trong cảnh tang thương thù hận đâu? ( Vui là vui gượng có khi khóc thầm-ND). Nhìn “ đàn em cười” với cái “ may mắn” thật ngậm ngùi chỉ vì “ bom đạn nổ nhưng căn nhà vẫn đứng”. Tuổi thơ hồn nhiên vẫn còn sót lại đâu đó trong “ dáng yêu đời còn đọng lại trên môi”của những đứa em nghĩa tình thơ dại nơi quê nhà cũng đã đem lại chút ấm lòng-nhưng cũng thật chua chát làm sao?
“ Buổi chiều xuống đầy vọng âm tiếng súng
thấy hắt hiu cánh đồng trống bao la
căn hầm nhỏ nhốt bao niềm hy vọng
mong mặt trời xoa dịu nỗi xót xa”
Về đến căn nhà xưa của tuổi thơ yêu thương thì bóng chiều đã xế. Buổi chiều thuở ấy ở làng quê là buổi bắt đầu cho sự thù hận đạn bom lên tiếng. “ Buổi chiều xuống đầy vọng âm tiếng súng”- tiếng súng đã rền vang đâu đó, vọng lại như lời gào thét bi thiết –nghe mà lòng bỗng “ thấy hắt hiu cánh đồng trống bao la”. Cánh đồng buối xế chiều đã vắng hẳn bóng dáng người –sự trống trải hoang vắng ấy tuởng chừng mênh mông bất tận …
“ Căn hầm nhỏ nhốt bao niềm hy vọng
Mong mặt trời xoa dịu nỗi xót xa”
Ở quê ,đêm về-để tránh bom rơi đạn lạc, tất cả đều phải chui vào ngủ trong căn hầm trú ẩn được đào xây sẵn đâu đó trong vườn-căn hầm thì nhỏ- tối tăm, mà người thì đông/ nên “ Căn hầm nhỏ nhốt bao niềm hy vọng”. Căn hầm ấy-chính những căn hầm đen tối ấy đã “ nhốt bao niềm hy vọng” của tuổi thơ, của đời người!
Và đã trải qua bao đêm dài hãi hùng như vậy trong gần hai chục năm chiến tranh-tất cả đều “ Mong mặt trời xoa dịu nỗi xót xa”. Khi mặt trời vừa ló dạng, ngày mới bắt đầu-thì “ nỗi xót xa” vì sợ hãi, đau buồn sẽ được “ xoa dịu” phần nào khi biết mình hãy còn sống! Mặt trời là một biểu tượng cho sự ấm áp, ngời sáng, hy vọng của đời người- “ mong mặt trời” cũng là mong Hòa Bình, mong Yêu Thương trở về trên Quê Hương khổ đau tăm tối bao năm !
“ Khi trở về thấy ngại ngùng cuộc sống
nỗi ưu tư cửa đóng với then cài
thương số phận con phố buồn ngủ gục
ánh đèn nào soi thấu được ngày mai? “
Ở xa thì nhớ thương da diết, nhưng lúc đặt chăn lên mảnh đất quê nhà-lại cảm thấy “ ngại ngùng cuộc sống”. Đây cũng là cảm nhận chung của nhiều mảnh đời bất hạnh khi tìm về quê cũ khi cuộc chiến ngày càng ác liệt, hung bạo. Cuộc sống ở thôn quê thời ấy có biết bao nỗi khổ phủ chụp lên đời người-bom đạn/ nghèo đói/ bệnh tật/ phân chia (…) thì cuộc sống êm ấm, sum vầy như lòng ước mong của nhà thơ ( và của bao người) làm sao tìm được? “ Khi trở về thấy ngại ngùng cuộc sống/ nỗi ưu tư của đóng với then cài”. Những cánh cửa của những ngôi nhà làng quê luôn khép đóng im ỉm-và những cánh cửa lòng của đời người cũng ít khi nào được mở rộng hân hoan! Phải chăng đây là “ nỗi ưu tư” đã từng làm cho nhà thơ không ngớt trăn trở phiền muộn ?
“ Thương số phận con phố buồn ngủ gục
ánh đèn nào soi thấu được ngày mai? “
Thôn quê thì vậy-phố thị nào có khác gì hơn? “ Con phố buồn ngủ gục”-là con phố ngơ ngác, bơ thờ, buồn hiu-và cuộc chiến đang rình rập ngày đêm đâu đó quanh con phố đang chập chờn mơ ngủ này! Người đọc tự hỏi: Có còn nơi nào bình yên cho con người trú ngụ nữa không? . Nhà cũng thơ đã phân vân: “ Ánh đền nào soi thấu được ngày mai? “. Hỏi nhưng không thể giải đáp được.Bời vì chiến tranh đang lúc lan tràn ( thời điểm 1962-1972)- Một nỗi băn khoăn dai dẳng trong hơn 20 năm cho cả một dân tộc!
Trong tập thơ đầu tay ( do thân hữu quyên góp thơ/ xuất bản nhân ngày giỗ lần thứ 2 của Nguyễn Nho Nhượn)- là “Tiếng Nói Giữa Hư Vô” ,còn nhiều bài thơ tâm huyết như thế-nhưng trong bài giới thiệu ngắn để tỏ lòng thương tiếc anh-chúng tôi chỉ xin chọn 1 bài trong số 38 bài trong toàn tập này.
Theo lời tâm sự của hai nhà thơ thân thiết của Nguyễn Nho Nhượn-anh Lê Nghiêm Vũ và Đynh Trầm Ca thì ngoài tập NVHV nhà thơ Nguyễn Nho Nhượn còn bốn tập thơ khác là: Những Lời Sương Khói/ Lời Buồn Trong Tim/ Hơi Thở Miền Nhiệt Đới và Nỗi Buồn Mọc Cánh .Hai anh hiện còn giữ bản thảo 2 tập (Lời Buồn Trong Tim/ Những Lời Sương Khói) còn“ mấy tập kia khi nằm bệnh viện anh mang theo và khi anh mất đã thất lạc”. Theo nhà thơ đồng hương thân tình của Nguyễn Nho Nhượn là Hoàng Lộc cũng cho biết/ khi gặp anh ở Saigon ( lúc anh đang điều trị tại bệnh viên Duy Tân – giải phẩu sạn thận lần thứ 3-1968))-anh đã cùng ngồi café vỉa hè Saigon với NNN –đọc được mấy câu thơ buồn của NNN-Hoàng Lộc đã “ phản đối” 2 câu đầu của bài thơ “ Và người ơi, một mai khi tôi chết/ Xin đừng buồn đừng khóc với khăn tang/ Xin người cười như hoa xuân mới nở/ Để hồn thơ được vĩnh viễn huy hoàng”/ Nguyễn Nho Nhượn chỉ cười . Hoàng Lộc cũng tâm sự: Anh còn ân hận một chuyện vì đã “ can thiệp” vào cái bút danh ban đầu của Nguyễn Nho Nhượn đang sử dụng trên vài tạp chí ( có G)-để dùng y tên thật Nguyễn Nho Nhượn ( không G)! (Biết đâu/ có thêm chữ “ G” như ban đầu NNN đã chọn thì anh ấy sẽ còn…sống thêm đến bây giờ?).
Để tạm khép lại bài tưởng nhớ Nhà Thơ Nguyễn Nho Nhượn hôm nay-chúng tôi xin được trích lời giới thiệu của 2 anh Lê Nghiêm Vũ và Đynh Trầm Ca ( trong tập thơ NVHV-XB 1971) : “Qua thơ Nguyễn Nho Nhựơn, chúng ta hiểu được một phần nào cái khổ đau khốn cùng của một kiếp người bênh hoạn,cô độc nhưng rất thiết tha với Quê Hương- lúc nào cũng cầu nguyện cơn lốc chiến tranh thôi gieo rắc đau thương, tàn nhẫn trên một góc trời này …”./.
Trung tuần tháng 8/ 2010
Đọc thêm:
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=6663&LOAIID=1&LOAIREF=1&TGID=1383