Đường ngược gió, em đi ngược dốc
Trời ì ầm những sấm. Mới hai giờ chiều mà phòng tập kịch đã phải bật hết đèn điện vì mở hết tất cả cánh cửa cũng không thể đủ ánh sáng trời. Gió giật từng lá xanh, lá vàng, lá đỏ ném ngược vào căn phòng. Hoài bần thần, bỗng chốc những lời thoại rời rạc, thoáng nhớ, thoáng quên, lõm bõm. Cô chỉ có thể nghe tiếng giật mình thon thót của con khi thằng cu nghe tiếng sấm và tiếng lào thào yếu ớt: “Mẹ, con sợ...”.
Khi chị không thể khớp thoại dù vẫn có người nhiệt tình nhắc tuồng, đạo diễn nhắc một lần, hai lần, lần thứ ba ông lớn tiếng: “Nghỉ! Tôi hết chịu nổi”. Hoài cố gồng mình để bứt ra khỏi tiếng giật mình của con trai ở nhà mỗi khi nghe mưa to, sấm lớn. Không thể. Chị thấy mình như thể những chiếc lá đang rơi rụng, mỏng mảnh, lao đao.
Uống cạn chai nước, chị thở dài, giọng khô khốc: “Tôi xin lỗi, có thể tiếp tục được rồi”. Đạo diễn gật đầu. Ông biết khi giọng chị dứt khoát tới độ khô ấy, là chị có thể hy sinh hết thảy cho thánh đường nghệ thuật mà chị tôn thờ: là cái sân khấu bé nhỏ rộng không đầy 20 mét vuông mà chị mê mẩn từ khi lên bốn cho đến nay.
Cái sân khấu ấy giống sân khấu ở làng quê khi xưa, trong một rạp hát bé nhỏ ba mẹ chị gầy dựng được. Sáu câu vọng cổ không chỉ hát ru mà còn nuôi lớn chị. Bốn tuổi, chị bật khóc khi nỗi đau Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà hiện rõ trong sáu câu vọng cổ, buổi chia li tiễn biệt cuối cùng ấy quặn thắt tâm can chị. Ít ai nghĩ đứa trẻ 4 tuổi có thể hiểu thế nào là quặn đau. Vậy mà chị hiểu, mẹ chị hiểu. Mẹ chị, vốn là một nghệ sĩ nổi tiếng nhứt nhì Sông Bé úp mặt vào vai chồng khóc tức tưởi khi thấy đứa con gái bốn tuổi khóc cùng vọng cổ. Cũng từ đó, mẹ ngăn cấm chị đến xem các buổi diễn. Đơn giản vì sợ con mình vướng nghiệp cầm ca. Mẹ tinh ý phát hiện cả những lúc chị bắt đầu biết thở dài và ngăn cấm thói quen đó. Mẹ và các dì trong đoàn hát đều sợ con gái lớn lên sẽ nặng duyên nặng nợ như mình.
Sân khấu gia đình chị truyền nghề tới đời thứ ba tưởng chấm dứt vì những tính toán của mẹ chị. Bà là một người một đời thèm được sống giản đơn và tin như thế là hạnh phúc nhưng không thể nào với tới cái giản đơn ấy vì nặng nợ sân khấu. Chị được mẹ hướng vào con đường khác, học hành thật giỏi, sau này thành một cô giáo làng, lấy một anh giáo làng hiền lành, gắn bó với mái trường làng, mảnh đất làng loanh quanh đi đâu xa thêm mệt mà mải mê một đời vẫn thấy không thể đến đích. Mẹ tin rằng, khi suy nghĩ giản đơn, ít luân chuyển xa ngái, cuộc sống sẽ bớt phức tạp, dễ chịu hơn bao nhiêu.
Mọi tính toán kĩ càng tới đâu cũng có thể bỗng chốc thay đổi. Đám cháy năm chị lên tám thiêu rụi tất cả. Bố chết ngay trong đám cháy. Bàn tay người mẹ loang lổ những vệt lửa đỏ au liếm láp vẫn kịp run rẩy móc trong túi áo trao cho con gái một gương mặt tổ nghiệp sân khấu được khắc bằng gỗ, mặt trắng mặt đen. Không nói nổi điều gì với con vì cơn đau bỏng rát cướp hết nguồn sức kiệt, mẹ ra đi. Người ta bảo có người điên đốt sân khấu, người điên ấy mê nghe vọng cổ mà chưa lần nào có tấm vé vào xem. Bởi ngay gần đám cháy, có một người điên lơ ngơ đứng ngó, tay cầm cành khô cháy dở, lầm bầm hát vọng cổ. Có người nói do nấu nướng sơ sẩy, bếp dầu đổ, dầu loang vào phòng phục trang. Nắng khô, hàng trăm bộ đồ vương tướng, hoàng hậu đủ làm mồi lửa mạnh đốt cháy hết thảy. Những bộ đồ vương tướng hoàng hậu nhảy múa lượn trước mắt chị, ánh đèn sân khấu bỗng thoáng hiện hình rồi phụt tắt tối tăm trong cơn đau mất cha mẹ, mất tất cả.
Nỗi đau xô đẩy chị lại tìm về đam mê. Chị chỉ thấy được ấm lòng khi ca vọng cổ. Được cảm nhận mình vẫn là ấu thơ, đêm đêm lén mẹ đi xem hát. Mỗi khi thêm một bước thành công, chị thấy rõ ánh mắt cha mẹ ấm áp, tươi cười dõi theo hành trình. Cũng có khi thất bại, chị lại như nghe tiếng mẹ xuýt xoa mỗi lần con ngã. Gắn bó nhiều đến thế, chị còn gì nữa khác đâu để có thể hy sinh, có thể quên mình. Trước kia, chị nói với anh, anh và sân khấu là hai tình yêu lớn nhất cuộc đời em. Anh cười hạnh phúc, chị hạnh phúc. Mùa yêu ấy năm chị mười tám, chỉ kéo dài vỏn vẹn năm năm. Mỗi khi nghe giọng Sĩ Phú trầm uất: “hai năm tình lận đận, hai đứa mình xanh xao...” chị chạnh lòng xoè bàn tay xanh xao của mình, tiếng thở dài lọt qua kẽ ngón. Ngoài hai mươi tuổi, chị thấy những hư hao đã len lỏi trong thời thanh xuân của mình.
*
Cả chị và anh không đủ cao thượng để đổ tại mùa thu như lời bài thơ hai, ba năm trước anh đọc tặng chị. Anh đổ tại chị. Chị cũng thấy tại mình. Tại mình thật quá làm chi, tại mình nổi tiếng làm chi, tại mình không biết xã giao chi... Để chuyện gia đình bị bới bèo bới bọ trên mặt báo.
Chị nhớ như in vẻ mặt giận giữ của anh khi chỉ cho chị bài báo Vơ – đéc trong một tờ báo nổi tiếng. Ai đời một diễn viên tên tuổi, một biên kịch tài hoa như chị, có một người chồng làm báo nổi tiếng như anh lại không vẽ vời cho cánh báo chí là chúng tôi hạnh phúc, chúng tôi có thể chia sẻ nhọc nhằn cho nhau như bao gia đình nghệ sĩ khác... Chị lại thật thà nói rằng tôi có thể hiểu hết sự đớn đau trong tình yêu vì tôi cũng từng đớn đau.
Anh là nhà báo có chút ít tên tuổi, anh không chịu đựng được. Rồi tại chị đam mê chi quá sân khấu khi tắt đèn là ai nấy lại dứt áo quay đi, về với cuộc sống thường nhật. Còn chị, về chỉ kịp dém màn cho chồng con lại chong đèn đọc sách, viết kịch. Trong khi anh, chồng chị thì rối bời với chữ nghĩa, không còn thời gian nấu nướng và đã chán ngắt với đồ đông lạnh trong tủ, phải ra cơm hàng cháo chợ. Khi chị viết kịch thì anh nằm thở dài. Đến bữa ăn, giấc ngủ cho chồng cũng nhiều khi không trọn chỉ vì chị đam mê quá. Mùa yêu kết thúc. Tình yêu đầu tiên chị luôn tôn thờ, luôn coi không còn ai khác có thể thay thế dứt áo ra đi.
Nhưng chị vẫn không hiểu nổi, lần đầu tiên gặp anh, sau khi phỏng vấn chị, sau khi nghe những tâm sự buồn, anh rơi nước mắt sẻ chia: Anh ngưỡng mộ sự thật thà và sự đam mê của em. Đó là lần đầu tiên chị thấy người đàn ông khóc, lần đầu tiên trái tim mình rung động mạnh và ngầm hiểu được đó là tình yêu sét đánh. Thế rồi, sự thật thà và sự đam mê ấy như một trò đánh đố, anh xa chị cũng chỉ vì chị thật thà và đam mê?!
Sau cơn mưa cuối mùa, sương lù mù giăng kín lòng thành phố. Buổi tập vở mới nhọc nhằn kết thúc lúc gần nửa đêm. Thoát ra khỏi nhân vật, vẫn còn cảm giác ngậm ngùi nửa cho mình, nửa cho cô gái chửa hoang trong vở “Mơ hoang”, chị mơ hồ đi trong màn sương. Chẳng biết thật là sương không mà ánh đèn đường lòe nhòe ướt. Cảm giác rõ vị mằn mặn rơi trên má nhưng chị lắc đầu, có lẽ, không phải vì nước mắt. Chị vẫn nhớ, từ khi anh ra đi, chị đã thôi không còn biết khóc. Bản năng người mẹ, người vợ trong một gia đình từ nay thiếu vắng anh nhắc chị không được phép khóc để căn nhà mình có thể trụ vững. Con trai bé bỏng sẽ không biết thế nào là gió lùa.
Tỉnh táo thế, nhưng chỉ khi tiếng sấm bất chợt ì ùng kéo về giữa đêm khuya và lác đác cơn mưa vội quay lại chị mới giật mình vì nghe tiếng “mẹ ơi, con sợ” rất khẽ. Lúc này, chân chị đã leo lên lưng chừng thành cầu, chỉ cần buông tay, thả cho mình lơ lửng là rơi xuống nước, vào cõi bềnh bồng và quên hết rằng mình đang đau đến độ không còn biết mình đang khóc. Tiếng giật mình thon thót của con trai khi mưa to sấm lớn kéo vội chị về.
Vài người đàn ông đến với chị. Người đã đổ vỡ, người lần đầu yêu thương, người thậm chí chưa biết yêu thương nhưng ngưỡng mộ mà tìm đến. Một nhà thơ nổi tiếng hàng đêm vẫn nán chờ sau buổi diễn, chỉ để trao một nụ cười và bó hoa, không hò hẹn. Suốt gần hai năm. Chị tươi cười cảm ơn nhưng giữ khoảng cách lòng mình với tất cả. Như một con chim đậu cành mềm bị ngã, chị ngại đậu, chỉ muốn được bay. Đôi khi gặp cánh tay con trai nắm chặt, chị biết như thế đã là quá đủ.
*
Con trai càng lớn càng giống ba. Nó hay thắc mắc ba đi công tác quá lâu rồi quen với câu giải thích của mẹ “trước sau gì ba cũng về với mẹ con mình”. Nhưng ba nó không một lần quay lại để biết điều đó, dù chỉ cách xa nhau dăm bảy km. Lắm khi đi trên phố khi trông thấy người giống anh, chị giật thót mình, chỉ sợ con trông thấy.
Gần mười năm chị coi con là điểm dựa cứu cánh trong đời để tiếp tục đứng vững trên sân khấu. Ai cũng nhìn thấy chị bản lĩnh vì chỉ có thể thấy chị khóc trên sân khấu, vì thấy chị một mình nuôi con mà luôn cười tươi, và có khi thật giản đơn vì thấy hai mẹ con có thể vui vẻ với những bữa ăn qua quýt khá thường xuyên nơi quán sá. Chỉ riêng chị hiểu, cười thật tươi chính là nguồn động viên lớn để con trai mình vững vàng, và chị cũng vững vàng khi mái nhà thiếu một người đàn ông. Chị cũng hiểu, dám đương đầu khó khăn phía trước không hẳn đã mạnh mẽ mà còn biết nhìn lại mình phía sau. Ở phía sau mình, chị chỉ dám nhìn về ấu thơ và lời ca cổ thật ngọt.
Một ngày. Hoa vàng anh vàng rực rỡ phía ban công trước nhà. Anh quay lại.
Chị ngỡ ngàng nhìn người đàn ông đã - từng - của - mình. Tóc anh rối, mắt anh sâu, quầng thâm. Mười năm trước, hẳn chị rất đau, rất xót. Không ai biết trước được sau đó mười năm, hôm nay chị chỉ kịp nhận thấy len khẽ trong mình chút mơ hồ cảm giác trống rỗng.
Nước mắt anh lăn trên gò má đã điểm thêm những vệt nám nâu thời gian. Kìa anh, đừng khóc. Lần đầu tiên em thấy anh khóc khi trong buổi anh đi phỏng vấn, nghe em kể về đám cháy đã cướp đi ba mẹ và duyên nợ sân khấu đời mình. Đó là lúc anh nói anh ngưỡng mộ sự chân thật và đam mê của em. Đó cứ ngỡ là lần duy nhất thấy anh khóc. Vậy mà… Chị trôi trong suy nghĩ…
“Vợ anh không thể sinh cho anh một đứa con. Đã chữa hết cách. Cô ấy đã cắt cả hai buồng trứng và suy nhược nặng. Gia đình anh thật lòng muốn đón con về. Anh xin em…”
Chị thoáng cau mày. Nói thế, chẳng khác gì huỵch toẹt với nhau ra là, vì vợ tôi không sinh được con nên tôi mới quay về đây, đứng trước mặt cô. Chứ đừng tưởng bở là yêu đương gì. Rồi chị lại nghĩ, đi một quãng đường dài, khi đã đủ thời gian để yêu và ngẫm, anh đã nhận ra chị có tầm quan trọng trong trái tim anh. Bản tính kiêu hãnh nhủ chị, thôi thì cho là vậy.
Trước đây, nếu trong hoàn cảnh trớ trêu này, chị sẽ bật khóc. Nhưng thời gian làm bà mẹ đơn thân cho chị đủ tự tin và xót xa để có thể cười nhạt.
“Anh biết rằng anh không có quyền. Em có thể nghĩ anh đớn hèn, mà quả thực anh đớn hèn và mụ mị. Anh luôn cho rằng mình thông minh, mình quyết đoán, nhưng khi hạnh phúc trong tay mình thì anh để vuột”…
Anh, lời anh cùng đứt quãng trôi trong nước mắt. Trước đây, ngày chia tay chị cũng chơi vơi trôi trong nước mắt. Không ai dang tay ôm để chị bớt chơi vơi lúc đó. Anh qùy trước mặt chị, mái đầu lác đác sợi bạc rung theo tiếng sụt sùi. Chị vòng tay ôm ghì mái đầu. Không còn thấy hơi ấm nhưng chị biết như thế anh sẽ không bị chơi vơi như mình mười năm trước.
Anh phá vỡ khoảng không im lặng khá lâu giữa hai người: “Sau nhiều đêm diễn, anh thấy hai mẹ con vào quán Phụng Hoàng. Em và con cùng cười tươi. Nhưng anh biết em mệt mỏi, buồn nhiều… Tại anh.”
Chị khẽ lắc đầu, mái tóc vẫn như thời thanh xuân đổ mềm trên vai: “Anh có đi theo em sao?”. “Có. Nhiều đêm diễn, anh vẫn ngưỡng mộ em vì sự đam mê. Nhiều bài báo, anh vẫn ngưỡng mộ em vì sự thật thà, dù anh đã từng không chịu nổi…”
Biết làm sao. Cả anh và chị đều hiểu rất nhiều thứ có thể nhìn từ xa và ngưỡng mộ, có khi còn thấy lung linh đẹp, chứ nắm bắt thì hỏng bét hết cả như bong bóng xà phòng. Yêu một nghệ sĩ như chị cũng tương tự vậy. Chị thở dài: “Quá trễ để nghĩ xem lỗi tại ai và tự trách mình làm chi nữa anh.”
Con trai đi học về, thoáng lúc lâu mới nhận ra ba. Anh ôm nó, bờ vai anh rung rung xúc động mạnh. Qua giây phút ngỡ ngàng ngạc nhiên, mặt nó hớn hở khoe: “Mẹ luôn nói trước sau gì bố cũng về với mẹ con”. Chị bối rối: “Chỉ là an ủi con thôi. Thôi anh cứ về, mai em đưa con qua”. Anh “ừ”, cười gượng gạo sau những đổ vỡ.
“Mình dọn nhà hả mẹ?”. “Không con, con qua ba, đang kì nghỉ hè. Nhớ chăm sóc mẹ Ngân bên đó, như mẹ vậy”.
“Mẹ, mẹ Ngân nào con chưa từng gặp…”. Con trai căn vặn. Chị cười dịu: “Mai mẹ con mình sẽ gặp”. Con trai gật đầu.
Tiễn anh về, khép cổng lại gặp những đóa hoàng anh khoe sắc màu kiêu hãnh, ấm áp. Chị thở dài, nghêu ngao câu hát buồn. Bất chợt nghĩ, giá mà có thể quên những tiếng thở dài./.