Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.148.599
 
Đám Giỗ Ở Miền Tây Nam Bộ Trong Sự Ảnh Hưởng Và Tiếp Biến Của Văn Hóa Thăng Long – Hà Nội
Trần Minh Thương

1. Miền Tây Nam Bộ - vùng đất và con người

 

Theo Cơ sở văn hoá Việt Nam của Trần Quốc Vượng (chủ biên), phần được coi là Tây Nam Bộ có diện tích khoảng 4.000 km2, chủ yếu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, một số đảo (lớn nhất là đảo Phú Quốc) cùng một vài dãy núi thấp ở phía Tây An Giang, Kiên Giang.

 

Cư dân vùng đất này chủ yếu là người Việt, bên cạnh đó có đồng bào các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm, … sinh sống trong tình thần đoàn kết, thân ái. Và giữa các cộng đồng dân cư ấy, sự ảnh hưởng và giao thoa văn hóa diễn ra một cách tất yếu.

 

Người Việt có mặt ở vùng đồng bằng này, tính đến nay đã hơn ba thế kỷ. Theo nhiều tài liệu đánh tin cậy, những người đầu tiên đến đây mở cõi cùng lúc với các sắc chỉ của chúa Nguyễn cho di dân vào phương Nam để khẩn hoang mở làng lập ấp. Cùng với những nét văn hoá vật chất còn truyền lại thì những nét văn hoá tâm linh cũng được con cháu hậu sinh bảo tồn lưu giữ.

 

2. Đám giỗ trong phong tục của người miền Tây Nam bộ

 

2.1. Cúng cơm cho người đã mất trong gia đình

 

Đa phần người Việt ở vùng Tây Nam Bộ (không tính những người theo các tôn giáo), sẽ cúng tuần, làm đám giỗ cho người chết. Cúng tuần (gọi là làm tuần), thường là cúng 49 ngày, 81 ngày, 100 ngày, một năm, hai năm, … tính từ ngày người thân qua đời.

 

Thời gian mãn tang cũng rất phong phú, theo đúng sách vở (dân gian truyền thế nhưng chẳng ai biết cụ thể sách nào), thì ba năm mới mãn tang, nhưng trên thực tế không có mấy nhà để lâu như vậy. Thường là sau một năm, lâu hơn thì hai năm, còn ngắn có khi làm tuần trăm ngày người ta tổ chức làm tuần mãn tang. Họ quan niệm rằng còn trong vòng tang chế thì khó làm ăn. Con cháu đông đúc khó khăn nhiều mặt, thôi thì xả tang cho xong!

 

Anh chết ba năm sống lại một giờ,

Để xem người ngọc phụng thờ ra sao ?

 

Sau khi mãn tang, đến ngày, tháng người quá cố mất, con cháu sẽ tiến hành làm đám giỗ (có chỗ gọi là cúng cơm), từ tư liệu thực tế điền dã, chúng tôi miêu tả là các công đoạn cũng như ý nghĩa của ngày lễ này trong phong tục dân gian Tây Nam Bộ

 

2.1.1. Đầu tiên là việc chưng, dọn bàn thờ

 

Chúng tôi được nghe các bậc trưởng thượng kể rằng, ngày trước, khi còn người nhắm mắt xuôi tay trên chiếc giường cây hay chiếc chõng tre, thì sau khi khâm liệm chôn cất người quá cố cái gường ấy được dùng để thờ, với tâm thức nhớ người đã nằm ngủ ở đó.

 

Phía trước giường thờ đặt một tấm ván kê cao hơn, một cái bàn hay nhà nghèo thì dùng cái ghế nhổ mạ để lư hương gọi là bàn thờ. Dần dần cái giường ấy được thay thế với cái bàn thấp, đặt sát vách, khi làm đám giỗ, thức ăn chưng bày trên đó. Khi văn hóa Phương Tây vào Việt Nam, nghề mộc ở miền Tây Nam Bộ cũng phát triển, thợ mộc bắt chước cái “tủ” của Pháp, theo mô thức thời vua Louis XVI, bề đứng cao hơn bề ngang, bốn phía bít bùng với vách ván. Mặt trước kín, không mở ra, cửa bố trí hai bên hông. Hai bờ của tủ, ở mặt trước từ trên xuống dưới, thường chạm những hạt chuỗi màu bạc khít nhau, và dùng nó để thờ phụng. gọi là tủ thờ. Người ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hi thường đóng tủ thờ bằng cây gỏ, cây trắc hoặc cẩm lại, để lại đến đời cháu nội, cháu cố tủ thờ mình vẫn còn tốt và cứng.

 

Trên tủ, thường là tranh thờ, viết bằng chữ Hán, với đôi câu đối:

 

Tổ công phụ đức thiên niên thạnh

Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh

 

Ở giữa tranh là hai chữ Từ Đường, hoặc Cửu huyền thất tổ. Bàn thờ, bày biện một số “vật”:

Chiếc lư, nhà giàu đúc bằng đồng chạm trổ lân, phụng, nhà nghèo dùng lư bằng sành, thậm chí một phần chiếc lon nhựa, trong đổ ít cát, hoặc gạo để cắm nhang, gọi nôm na là “lư hương”. Phía sau lư hương đặt di ảnh người khuất (trước đây là hình vẽ, sau này khi công nghệ phát triển thì ảnh chụp, rọi, tráng, …), nếu có hai hay ba bốn người quá cố thì có chừng ấy lư hương, cũng có trường hợp người mất không có ảnh, nhưng lư hương thì không thể thiếu.

 

Đi về lập miễu thờ vua,

Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.

 

Kế di ảnh, ngày xưa để cái “thần chủ” đầu lớn, đầu nhỏ, chữ khắc trên miếng gỗ, như kiểu lý lịch, thường nêu lên chức tước, của người khuất mặt. Nay, tục này không còn!

 

Phía trước, ở hai góc đặt hai chân đèn có thể bằng đồng hoặc tiện bằng gỗ quý, chính giữa có ba cái chung nhỏ để châm trà, rượu, cây đèn chong cóc đốt bằng dầu, bình cắm hoa, ... Nếu bàn thờ người mới mất chưa xả tang thì cây đèn này luôn cháy, có nhà kỹ hơn, nặng tình với người quá cố thì thắp nhang liên tục. Khi đã mãn tang thì đèn và nhang chỉ đốt vào ban đêm (tàn một lượt nhang thì thôi, đèn để đến sáng hôm sau).

 

Ngó lên nhang tắt, đèn mờ,

Mẫu thân đâu vắng, bàn thờ lạnh tanh

 

Trên bàn thờ cũng có khi người ta chưng thêm dĩa trái cây coi như mời người khuất mặt … thưởng thức của ngon vật quý!

 

Đến ngày đám giỗ, người thờ cúng phải dọn dẹp cho sạch bụi, chân đèn, lư hương được đánh lại cho sáng bóng. Chân nhang ở lư hương được rút bỏ chỉ chừa lại ba cây, để bắt đầu “một năm mới” cho người đã khuất.

Ngoài ra trên bàn thờ ngày giỗ còn được chưng thêm trái cây, bánh tét, bánh ít, bánh bò, hay các họp bánh, mứt, …

 

2.1.2. Chuẩn bị các món cúng giỗ trong ngày tiên thường

 

Gần tới đám, gia chủ chuẩn bị trước nửa tháng, mười ngày, từ việc chọn lựa nếp, rọc lá chuối, chẻ lát làm lạt để gói bánh, chuẩn bị củi khô để đun nấu, … Đến trước ngày giỗ chính một hoặc hai ngày, bà con, dòng họ hay người cùng xóm đến giúp. Đàn bà, con gái thì gói bánh tét, bánh ít, (trong lễ cúng tuần phải có thêm bánh cấp, bánh cúng (gói như bánh tét, nhỏ hơn lại không nhưn, chỉ đơn thuần là nếp, bánh này sau đó được cho thầy chùa mang về, vì thế có câu ca: Lấy chống thầy chùa ăn bánh hỏng nhưn!), hoặc đổ bánh bò, bánh da lợn, … Đây cũng là dịp để các bà các chị vừa trổ tài khéo léo của mình vừa dạy cho các cháu gái sau này biết nấu nướng bánh trái, …

 

Đàn ông thì tát mương, dở chà bắt cá, … nếu là nhà giàu có làm heo, làm chó …

 

Cồng cộc bắt cá dưới bàu

Cha mẹ mày giàu, mầy giỗ đầu heo

 

Đám cúng lớn hay nhỏ có khi còn do mối quan hệ giữa người đã khuất với người đứng ra cúng giỗ

 

Thờ chàng đĩa muối đĩa rau,

Thờ cha kính mẹ mâm cao cỗ đầy

 

Con cháu, láng giềng đến xem chủ nhà cần gì thì phụ giúp, tiếp xách nước bắt lò, che thêm tấm bạt lấy bóng mát để tiếp khách, hay mượn thêm bàn, ghế, chén tô…

 

Đến chiều gia chủ nấu cơm cúng bình thường, tàn nhang, mọi người thường ngồi lại lai rai vài ba xị đế hoặc chơi vài ván cờ tướng, đàn ca vài ba bài bản tài tử ca ngợi công ơn sinh thành dưỡng dục, … Đến khuya thì ai về nhà nấy.

 

2.1.3. Ngày giỗ chính

 

Tờ mờ sáng hôm sau, con cháu người mất cũng như những người hàng xóm chung quanh trên tay xách con gà con vịt, người thì bọc bánh hộp trà, có khi là cá lóc, tôm càng, …, hoặc lít rượu đế mang đến cùng phụ giúp gia chủ lo lễ cúng. Đồ mang cúng thường là đồ họ trồng, tỉa hoặc kiếm bắt được. Họ tự làm, tự kiếm, chứ ít khi mua, có vậy mới thành tâm với người đã khuất, …

 

Con cháu đi làm ăn xa không về kịp hay gặp bất trắc gì đấy mà vắng mặt, thì hãy nhớ câu:

 

+ Chữ rằng: vấn tổ tầm tông,

Cháu con nỡ bỏ cha ông sao đành.

+ Anh đi ghe cá cao cờ,

Ai nuôi cha mẹ, ai thờ tổ tiên?

+ Công danh hai chữ tờ mờ,

Lấy gì khuya sớm phụng thờ tổ tiên.

 

Mọi người đến lúc một đông, người nào việc nấy người làm gà, vịt, người nấu nước châm trà, người lo bánh mức, …

 

Các bậc cao niên thường uống trà đàm đạo chuyện nhân tình thế thái, anh em dòng họ lâu ngày gặp nhau vừa hỏi thăm sức khoẻ, công việc đồng áng,… vừa là dịp để con cháu họ hàng nhận mặt, nhớ mặt bà con,… Có gia đình đông vui hơn cả trăm con cháu dâu rễ, chít chắt, … Có lẽ chỉ có ngày giỗ ông bà họ mới tề tựu đông như vậy.

 

Đến khoảng 9 – 11 giờ khi nấu nướng chiên xào xong xuôi thì bày lên cúng. Ngoài mâm cúng chính bày biện tươm tất trên bàn thờ người khuất. Bao giờ cũng có thêm các mâm khác: đó là mâm cúng tổ tiên (dành cho người đã khuất cao hơn người được cúng), mâm cúng đất đai, và mâm bày ngoài sân cúng âm binh cô hồn. Xin nói thêm về mâm cúng này, thức ăn có thể không bằng các mâm khác nhưng bao giờ cũng có, bởi người ta quan niệm, ông, bà mình có con cháu cúng giỗ, thì còn bao nhiêu hồn oan, trôi sông lạc chợ, hồn của kẻ  “sảy cối sa cây” không nơi nương tựa. Quả là một nét đẹp rất nhân hậu của người hiện tiền dành cho người khuất mặt  ngay cả những đối tượng mà họ  chưa hề quen biết. Các mâm cơm này không có lư hương, nhang được cắm trên một khúc thân cây chuối, một đoạn bụp dừa nước, …

 

Mâm cúng thường không thể thiếu cơm (vì vậy còn được gọi là cúng cơm), thịt heo kho nước dừa tươi, thịt xào đậu đũa, tép xào khóm, khổ qua hầm dồn thịt, gà vịt nấu cà ry và nhất là phải có cù lao (một loại lẩu), …Đám lớn thì có thịt heo không thì gà vịt, cá tôm cũng được. Riêng thịt chó chỉ làm để bà con anh em “nhậu chơi” chứ không cúng trên bàn thờ.

 

Khi mâm cỗ bày biện xong thì người chủ gia đình, hoặc con trai lớn cúng vái mời người đã khuất về ăn uống.

 

Công cha đức mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ hai thân.

Thức khuya dậy sớm cho cần,

Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con

 

Trong khi ấy, con cháu người đã khuất thắp ngang và quỳ lạy 4 lạy trước bàn thờ để tỏ lòng nhớ ơn và tưởng niệm.

 

+ Con lạy cha hai lạy một quỳ,

Lạy mẹ bốn lạy, thầm thì vái van.

+ Mai đà hạc lánh hình di

Tây phương đất Phật, mẹ đi không về!

 

Nhang cháy dần đến hơn nửa cây thì người ta cúng ít rượu trắng (không cúng bằng rượu thuốc!) và ít trà rồi “lui nhang”.

 

Mâm cỗ bày ra con cháu anh em quầy quần ăn uống. Một lần nữa tình thâm nghĩa trọng được trân trọng nâng niu qua bữa cơm ấy. Họ nhấp với nhau một vài chung rượu, kể lại công đức của người mất hoặc cũng có khi đàm đạo tiếp chuyện mùa màng, chuyện đời sống … Cũng tại đây, người này giới thiệu, người kia để ý cách chọn dâu, kén rể. Không ít cuộc hôn nhân thành hình sau những đám giỗ như vậy. Quả là, trong cái mất đã hiển hiện niềm tin, sự sống. Kết thúc là chung trà với bánh ngọt, trái cây mà mọi người mang đến được đem xuống cùng ăn. Người về, được gia chủ tận tình gửi cho các cháu ở nhà bánh tét, thịt kho, ….

 

Họ coi nhân ngày giỗ vừa cúng người chết vừa là để trả ơn những người hàng xóm hay anh em đã giúp đỡ mình trong cuộc sống.

 

Đến chiều, chủ nhà còn bày cúng mâm chiều. Thường thì mâm cúng này chỉ là mâm cơm gia đình, chỉ có anh em dòng họ thân tín hay người ở xa chưa về kịp mới chứng kiến và dùng bữa sau đó. Kết thúc mâm cúng chiều, chủ nhà còn đốt tượng trưng một số ít quần áo giấy tiền âm phủ để người chết dùng cho năm tới, …

Ngày giỗ chính thức chấm dứt ở đây.

 

Đám giỗ cứ truyền cúng như vậy cho đến đời cháu thứ ba thứ tư không còn nhớ ngày nữa thì thôi. Cháu ở đời càng xa so với người chết thì cúng càng nhỏ có khi chỉ là mâm cơm thêm món ăn hơn thường ngày, hay cúng nồi chè, nồi cháo là đủ, một hai năm sau nữa … bỏ luôn! Và cũng từ đấy chấm dứt hẳn một đời người!

 

Riêng đám làm tuần thì dù là tín đồ của Phật giáo, hay người không theo tôn giáo nào, cũng có rước thầy tụng kinh, (trừ người theo các tôn giáo khác). Thầy tụng có thể là thầy chùa (tu hành ở chùa), cũng có thể họ chỉ là người biết chút ít kinh kệ, nghi thức cúng tế, vẫn sống ở nhà, có vợ con, ăn mặn như người bình thường. Con cháu phải mặc đồ tang và quỳ lạy theo các lần cúng cơm (thường do thầy tụng kinh quy định). Đám làm tuần thường diễn ra trọn đêm, đến mờ sáng ra mộ phần người mất đốt vàng mã, … và đám cúng kết thúc!

 

2.2. Đám giỗ tổ nghề

 

Do khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ xin nhắc qua hai đám giỗ nghề: giỗ nghề xây dựng và giỗ tổ nghiệp cải lương.

 

2.2.1. Giỗ nghề mộc và xây dựng

 

Diễn ra vào các ngày ngày 13 tháng 6 và ngày 20 tháng chạp theo âm lịch hàng năm. Hầu hết người làm thợ chỉ biết cứ đến ngày là lo cúng giỗ và thường gọi chung là cúng Tổ, chứ tổ nghề Lỗ Ban thì ít người tường tận.

Theo truyền thuyết, trước thời Lục quốc khoảng 500 năm, tại nước Lỗ có ông Công Thư Ban, con của Lỗ Chiêu Công, chỉ huy tất cả thợ xây dựng đền đài cung điện, đã nghiên cứu và chế tạo ra hai dụng cụ để phục vụ cho xây dựng được chuẩn xác và mau chóng. Đó là "quy" tựa như chiếc compa ngày nay, và "củ" là chiếc thước bọt nước cổ xưa. Câu nói "làm theo quy củ" có thể xuất xứ từ đây!

 

Tương truyền, Mạnh Tử có hạ bút tán dương ca ngợi Công Thư Ban như sau: Công Thư tử chi xảo, bất dĩ quy củ, bất năng phương viên hành. Cũng theo truyền thuyết, giới thợ lúc ấy gọi ông là Lỗ Công Thư Ban, lâu ngày chỉ gọi là Lỗ Ban và Lỗ Công Thư Ban đã nghiên cứu thiên văn, địa lý kết hợp với 8 quẻ bát quái và sáng tạo ra cây thước Lỗ Ban riêng biệt của nghề mộc (ngay cả nghề thợ hồ cũng sử dụng) để phục vụ cho việc đặt đòn mái, đo khuôn nhà, khuôn cửa. Thước có chiều dài 1 thước Tàu (khoảng 44 cm) gồm 4 cung, 16 cửa xấu, tốt, …

Trong ngày giỗ này, những người cùng nghề tập họp lại nhà chủ thầu (người đứng ra lo hợp đồng, thu chi, …) trước là cúng lễ, vái tổ nghiệp một năm làm ăn phát đạt, sau là ăn uống. Mâm cúng ngoài những món cúng ông bà như đã nói ở phần trên thường có thêm heo quay, bánh hỏi, bánh bò, bánh mì, bún, …

2.2.2. Giỗ tổ nghề hát bội, cải lương

 

Ở miền Tây hầu như ai cũng biết “nghêu ngao” vài ba câu gọng cổ”, giỏi hơn thì ca được những bài bản tổ (có hai mươi bài), … Giới nghệ sĩ, trong đó có những đoàn hát cải lương nổi danh ở Tây Nam Bộ như Hương Tràm (Cà Mau), Dân công Đồng Tháp, Sông Hậu (Cần Thơ), Chuông Vàng (Sóc Trăng), … Nghệ sĩ coi ngày giỗ Tổ Nghiệp để biểu thị ý nghĩa tôn sư trọng đạo (nhớ ơn người đã dạy mình tiếng đàn giọng hát), họ tin Tổ Nghiệp như một đấng thần linh, ban phước hay trừng trị tùy theo tư cách, đạo đức của người đang hành nghề.

 

Trang thờ chính là TAM VỊ THÁNH TỔ, gồm có TIÊN SƯ, TỔ SƯ, và THÁNH SƯ. Ít ai biết được tên thật của các vị Tổ này (không biết đó có phải là điều cấm kỵ hay không ?)

 

Một trang thờ khác, bài vị ghi là THẬP NHỊ CÔNG NGHỆ, nghĩa là 12 ngành nghề khác liên quan đến nghề hát, sân khấu là môn nghệ thuật tổng hợp gồm nhiều yếu tố khác hổ trợ như xây dựng, hội họa, may vá, trang điểm, nhảy múa, võ thuật, đàn sáo, ... Vì vậy, lập bàn thờ này là để người nghệ sĩ biết ơn những người đã sáng lập ra những ngành nghề khác đã giúp sức cho nghệ thuật sân khấu được thăng hoa.

Bàn CỬU THIÊN HUYỀN NỮ, vị nữ thánh này là để phù hộ cho các cô đào hát chuyên các vai đào võ, các nử tướng soái cần có sức khỏe và vũ đạo thật đẹp, dũng mãnh.

 

Bàn thờ Ông Thần Hổ, hoặc Ông QUAN ĐẾ THÁNH QUÂN phù hộ cho các kép võ, những người đóng vai tướng lĩnh con nhà võ.

 

Bàn thờ ÔNG ĐỊA, phù hộ cho những người chuyên đóng vai hài.

 

Hàng năm, đúng vào ngày 11 tháng 8 âm lịch thì lễ giổ Tổ cải lương bắt đầu. Đêm 11, lễ cúng chay với chè xôi, hoa trái. Sáng 12 là chánh lễ, cúng mặn với heo quay, gà luộc, bánh trái.

 

Quan khách và nghệ sĩ tề tựu đông đủ trước bàn thờ Tổ, mở đầu, ông chấp sự, là người đạo cao đức trọng, được người trong giới nghệ sĩ đề cử thay mặt làm lể xây chầu, tức là lể khai tràng. Kế đó lễ Đại Bi truyền thống do các nghệ sĩ hát (Trống đánh đệm cho các phần làm lễ múa này)

 

Bầu không khí thật là trang nghiêm, khói hương bay quyện, các nghệ sĩ lần lượt vào lên hương, lạy Tổ theo thứ tự vai vế trong đoàn và thứ tự theo tuổi tác, …

 

Ngày 13/8 là đưa bài vị, ngày này cúng trái cây, có cả bánh trung thu, ngày cuối lại rất quan trọng, mỗi nghệ sĩ thi nhau trưng bày mâm trái cây ngủ quả của mình sao cho thật đẹp mắt nhất, hoành tráng nhất, họ tin rằng mâm ngủ quả đẹp thì năm đó mình sẽ được Tổ phù hộ thành công rực rỡ trong nghề nghiệp .

Lỗ cúng xong mọi người cùng ăn uống và lẽ tất nhiên không thể thiếu tiếng đàn lời ca.

 

2.3. Đám giỗ tiền hiền

 

Có thể nói, ít vị anh hùng dân tộc nào đã đi sâu vào tâm thức, vào tín ngưỡng dân gian ở đồng bằng sông Cửu Long như cụ Nguyễn Trung Trực. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, ngoài ngôi đình chính ở Rạch Giá (chúng tôi sẽ nói kỹ ở phần sau), Nguyễn Trung Trực còn được thờ chính trong nhiều ngôi đình (hay đền) ở những nơi sau: Kiên Giang có các đình ở Rạch Giá, Mong Thọ, Tân Điền, Mỹ Lâm, Sóc Xoài, Hòn Đất, Phúc Quốc, Gò Quao, Tà Niên. An Giang có các đình: Long Giang (huyện Chợ Mới), Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn). Hậu Giang có đình thờ Nguyễn Trung Trực ở huyện Long Mỹ. Sóc Trăng có các đình: Long Phú, An Lạc (đều thuộc huyện Kế Sách) và Phú Lộc (huyện Thạnh Trị), đình thờ Nguyễn Trung Trực ở thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm. Bạc Liêu có đình An Hòa (huyện Giá Rai), …

 

Sau khi Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử chém ngày 27 tháng 10 năm 1868 tại chợ Rạch Giá, những người dân yêu kính ông đã bí mật thờ ông trong một ngôi đền nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá do dân chài dựng nên bên dòng sông Kiên Giang để thờ Nam Hải đại tướng quân. Qua lần sửa chữa hiện nay ngôi đình này là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 

Trong chánh điện đặt các bàn thờ:

 

-Bàn thờ Chánh soái Đại càn.

-Bàn thờ 30 vị anh hùng dân tộc.

-Long đình cùng di ảnh (ảnh nhỏ) Nguyễn Trung Trực.

-Bàn để di ảnh (ảnh lớn) Nguyễn Trung Trực.

-Bàn thờ Chư vị.

-Bàn thờ chư vị hội đồng trăm quan cựu thần và Cửu huyền thất tổ.

Gian cuối ngôi đền có ba ngai thờ chính:

-Ngai chính giữa thờ Nguyễn Trung Trực. Phía trên bệ thờ, có bức hoành ghi bốn chữ: Anh Khí Như Hồng ( ), tức ca ngợi khí tiết hào hùng của ông sáng như cầu vồng bảy sắc.

-Phía bên trái có ngai thờ chung thờ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều và Phó lãnh binh Lâm Quang Ky.

-Phía bên phải là ngai thờ thần Nam Hải Ðại tướng quân.

Đông lang và tây lang, có các bàn thờ: Tây hiền, Đông hiền, Tiền hiền, Hậu hiền, Thủy long, đồng bào nghĩa quân liệt sĩ.

 

Hằng năm, vào các ngày 27, 28 và 29 tháng 8 âm lịch, tại đền thờ đều có tổ chức lễ hội trọng thể kỷ niệm ngày hy sinh của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Cho nên từ lâu trong dân gian ở đây có câu:

 

Dù ai buôn bán gần xa,

Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về

 

Trước lễ giỗ chính thức 5-7 ngày hàng trăm người từ các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long đã kéo về làm công quả. Họ chung tay sửa sang đền thờ, dựng trại, đắp lò nấu cơm, chuẩn bị hương, đăng, mâm bàn cúng lễ, ...

Ngoài phần lễ cơ bản theo các nghi thức cổ truyền (mâm cúng không thể thiếu các mâm xôi, và heo quay), còn có phần hội. Trong phi nghi lễ chính có chủ tế, mặc áo dài khăn đóng, quỳ đọc văn tế, có học trò lễ dâng rượu, trà, …, theo tiếng trống nhạc vang ngân.

 

Thông thường thì phần hội có: giao lưu văn nghệ quần chúng của ba dân tộc Kinh – Hoa - Khmer (thường có màn diễn nhằm tái hiện hai chiến công nổi bật của Nguyễn Trung Trực, đó là trận đốt tàu Pháp tại vàm Nhựt Tỏa và trận công đồn ở Rạch Giá), hát bội (do các đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh xuống diễn) các trò chơi dân gian, biểu diễn võ thuật, thi nấu ăn, thi múa lân, thả hoa đăng trên dòng sông ngay phía tiền đình, …

 

3. Vài kết luận

 

So với lễ cúng gia tiên đã có từ lâu trên đất kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội, người Tây Nam Bộ có sự ảnh hưởng và tiếp biến rõ rệt. Nhiều nghi thức được đơn giản hóa cho phù hợp với đặc trưng địa bàn cư dân vùng sông nước, … điểm chung thì đã rõ:

 

Lễ giỗ là để nhớ công đức tiền nhân, kính trọng ông bà, cha mẹ, giáo dục con cái truyền thống:

 

Con người có tổ có tông

Như cây có cội như sông có nguồn

 

Đám giỗ còn là nơi thể hiện tình thương ruột thịt, tinh thần đoàn kết của tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Đám giỗ cũng là nơi trao đổi kinh nghiệm sản xuất làm ăn, buôn bán …

 

Nếu văn hóa Thăng Long Hà Nội có những lễ hội nhớ ơn những anh hùng dân tộc như lễ hội Gióng, lễ hội Hai Bà Trưng, lễ hội đền Lý Bát Đế, … thì ở vùng này lễ hội Nguyễn Trung Trực là một minh chứng hùng hồn cho nét đẹp văn hóa này.

 

Những điểm tiếp biến của đám giỗ Tây Nam Bộ so với lễ cúng gia tiên truyền thống, bước đầu chúng tôi nhận thấy:

 

Một là, người Tây Nam Bộ rất ít khi đặt tên hèm (tên cúng cơm) cho người chết, ở văn hóa Thăng Long – Hà Nội xưa, khi trong nhà có người nhà hấp hối, việc quan trọng là đặt lên hèm (tên thụy). Đó là một tên mới (do người sắp chết tự đặt hoặc con cháu đặt cho) mà chỉ có người chết, con cháu và thần Thổ công nhà đó biết. Đến ngày cúng giỗ, con trưởng sẽ khấn bằng tên hèm. Làm như vậy là đề phòng ngừa những cô hồn lang thang vào ăn tranh cỗ cúng. Vùng đất Tây Nam Bộ, sống tên nào, lễ cúng giỗ, cháu con cứ tên ấy mà vái van, … Nhưng họ dọn luôn mâm cúng cô hồn, chiến sĩ, như chúng tôi đã nói trên.

 

Hai là, ở Tây Nam Bộ hầu như không có dám giỗ họ (trừ một số người Hoa, có Tổ Đường, có cúng tế hàng năm), chỉ giỗ ở nhà, giỗ làng nghề, giỗ tiền hiền ở đình thờ, … Cùng mạch chảy ấy, vai trò của trưởng nam, trưởng họ ở vùng đất kênh rạch chằng chịt này không quá quan trọng như truyền thống. Trong lễ giỗ, sự phân biệt trọng khinh giữa nam nữ, dâu, rễ, nội, ngoại cũng không quá gay gắt. Không có chuyện coi đóng “suất đinh” để “ngồi mâm trên” là danh dự lớn hơn, ở đây mọi người gần như ngang bằng nhau, …

 

Ba là, ngày giỗ lấy tâm thành là chính chỉ cần “bát cơm, quả trứng” cúng là đủ. Vì vậy, hầu như tất cả các gia đình ở Hà Nội, dù làm giỗ to nhỏ, nhiều ít, mâm cao cỗ đầy như thế nào thì gần cuối buổi lễ đều dâng lên bàn thờ một bát hoặc một liễn cơm và một quả trứng (hột) vịt hoặc gà luộc đã bóc vỏ, và bóp vỡ một chút ở chỗ ít lòng trắng để lộ phần lòng thêm một ít muối bên cạnh. Mâm cúng chính thường không thiếu thịt gà luộc lá chanh, với xôi đỗ. Việc đơm bát cơm cúng được quy định rõ, có ba cách đơm cơm cúng: cơm ngon, cơm in và cơm vơi. Mâm cỗ nào cũng phải có 4 bát cơm vơi, … Khách và con cháu trước khi ăn giỗ, đứng lễ vái trước bàn thờ, quan sát những bát cơm cúng bầy quanh mâm cỗ giỗ kị sẽ biết cả tuổi già và hoàn cảnh người quá cố lúc sinh thời.

 

Làm cỗ bình thường có mấy món chế biến từ thịt lợn: luộc, rang, lòng, có thể thêm đĩa giò. Cỗ to có những món cầu kỳ hơn, thường mỗi mâm có có bốn bát và tám đĩa: giò, nem, ninh, mọc, nấm, bóng..., gia đình khá giả làm cả bò, lợn, gà (hoặc dê) gọi là cỗ “tam sinh”.

 

Ở Tây Nam Bộ không có cúng liễn cơm với trứng vịt, thỉnh thoảng có nhà luộc gà, vịt (nhưng để nguyên con, chéo cánh) và làm xôi cúng. Họa hoằn chỉ nhà giàu có mới làm trâu, bò, rất ít người làm dê! Mâm cơm thì bớt lưng chén, có nhà dọn 5 chén, có nhà dọn 7, hoặc 9 chén. Cũng có nhà cúng 4 chén, hoặc 8 chén mỗi mâm, … Hình như số lượng này cũng theo cách cảm nhận của từng xóm, từng làng trong vùng có không có quy định rõ rệt.

 

Bốn là, để cho con cháu trực tiếp thờ tự đỡ phần tốn kém, trước khi mất, ông bà thường chia phần đất hương hỏa. Ai thờ, sẽ làm phần đất ấy, và huê lợi thu được sẽ dùng chi xuất và ngày đám giỗ. Như vậy, cứ đến ngày ông bà mất, con cháu quây quần vừa nhớ ơn, vừa hưởng lộc của ông bà. Có lẽ điều này ảnh hưởng từ văn hóa Đại Việt xưa, song chúng tôi nhận thấy điểm khác biệt ở chỗ, trên đất hương hỏa ấy người dân Tây Nam Bộ thường đắp nền mộ để an táng ông bà, cha mẹ. Cách chôn cất ở đây theo quan niệm đào sâu, chôn chặt, rất hiếm khi cải táng (dân gian gọi là lấy cốt) như ở đồng bằng Bắc Bộ. Người dân kiêng kỵ động mồ mả con cháu sẽ khó làm ăn, chỉ lấy cốt khi cần quy tập ông bà (do hoàn cảnh nào đó phải chôn nhờ, chôn gửi) về đất nhà.

 

Và cuối cùng, phần hội trong đám giỗ ở Tây Nam Bộ diễn ra dài và rôm rã hơn, đôi lúc bị biến tướng không hay:

Sống thì con chẳng cho ăn

Đến chết cúng giỗ đọc văn tế ruồi

(Ca dao)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1990

2. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2006.

3. Trần Minh Thương, Vài nét về lễ cúng giỗ của người Việt ở Sóc Trăng, Tạp chí Nguồn sáng Dân gian, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, số 3, 2007.

4. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo Dục, H. 2006

 

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 7791
Ngày đăng: 24.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ca Trù – Nơi Gặp Gỡ Giai Nhân, Tài Tử - Đỗ Ngọc Thạch
Hình Tượng Con Rắn Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Tản Mạn Về Những Yếu Tố Tình Dục Trong Văn Học Việt Nam - Trần Minh Thương
Tướng Mạo Con Người Qua Ca Dao Dân Ca - Trần Minh Thương
Lời Tâm Tình của Người Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian - Trần Minh Thương
Trầm Hương Vạn Giã (2) - Nguyễn Man Nhiên
Trầm Hương Vạn Giã (1) - Nguyễn Man Nhiên
Nhân cách văn hoá trong ứng xử với đối tượng nghệ thuật - văn hóa nhân gian: con người - sự nghiệp... - Hải Liên
Festival Huế với 1000 năm Thăng Long - Võ Quê
Lần giở trang truyền thuyết cũ: - Khải Nguyên
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)