Hồi tôi mới về làm rẫy ở Cây Khâm, khung cảnh ở đây còn hoang sơ lắm. Rừng còn đầy những cây cổ thụ lâu năm không có vết búa rìu nào đụng đến, chim chóc thú rừng thì nhìn đâu cũng thấy, đẹp nhất là những tổ chim dòng dọc kết bằng những cọng cỏ còn xanh treo lủng lẳng trên các cành cây gần bờ sông nhìn xa như những cái ấm trà xinh xắn lấp ló những cái mỏ xinh xinh của lũ chim con há miệng đòi ăn. Đi dạo bên bờ sông êm mát mà tôi cứ tưởng đâu mình lạc vào một khu vườn cổ tích qua những câu chuyện đời xưa mà bà ngoại tôi thường kể trong những đêm khuya dưới ngọn đèn dầu leo lắt…
Con sông xanh đằng trước túp lều tranh tôi ở là nơi cư ngụ của một bầy rái cá. Vào những buổi trưa hoang vắng tịch mịch, hơn chục con rái cá kéo nhau ra nằm dài trên tảng đá lớn giữa dòng sông. Chúng đùa nghịch với nhau ầm ỉ cả một góc trời rồi rủ nhau xuống nước lặn hụp hàng giờ không biết chán. Chồn hương và thỏ trắng nhiều vô số kể, một trong số chúng lần lượt trở thành nạn nhân của ba chú chó canh giữ túp lều tranh của tôi. Lần nào cũng vậy, cứ qua một hồi rượt đuổi, chúng cắn cổ tha về liệng trước nhà những chú chồn trắng sọc đen hay những con thỏ có bộ lông trắng muốt còn thoi thóp thở, và nhờ đó tôi thường xuyên được thưởng thức món thịt rừng do thiên nhiên hào phóng tự mang đến trao tặng…
Có những buổi chiều êm vắng, tôi đứng ngắm say mê đàn cò trắng bay về đậu trên lùm cây to bên bờ sông trước nhà .Mặt trời đỏ rực như lửa rọi lên từng bóng hình mảnh mai cô độc của bầy cò trắng đẹp chẳng khác một bức tranh thủy mặc của một nhà danh họa Trung Hoa. Đôi khi bọn cò đang đậu trên cây bổng nhiên phát giác ra một điều gì khả nghi – cũng như các cô gái đang tắm sông phát giác ra có người nhìn trộm - bọn chúng chẳng thèm bay đi nơi khác, chỉ đứng ngay tại chỗ rồi đồng thanh kêu to lên phản đối – cò…cò…cò…- tiếng kêu của bầy cò trắng vừa đanh đá vừa nũng nịu , nghe thật dễ thương làm sao.
Ban đêm tôi ít khi được ở nhà. Nhà có ba mẫu ruộng thì một nửa là ruộng gò phải thường xuyên theo nước.Nếu nguồn nước bị những chủ ruộng phía trên thượng nguồn chặn lại thì phải đi dọc theo đường mương lên tận thượng nguồn để mở cản. Từ nhà lên đến thượng nguồn của con mương , tôi phải băng qua hai cánh đồng bát ngát nằm giữa hai đập Đồng Măng và đập Úy Thay. Đêm nào tôi cũng bắt đầu khởi hành từ bảy giờ tối, lần mò trong đêm và đi dọc theo con mương nằm quanh co dọc theo bìa rừng, nhiều khi tôi bị lạc mất phương hướng và chẳng biết mình đang đi đâu, mãi đến khi tìm lại được con mương và cặp theo nó để về nhà thì trời cũng vừa sáng .
Một buổi chiều mùa hạ năm đó, sau một ngày làm việc vất vả cấy dặm trên ruộng lúa thần nông mười lăm ngày tuổi, tôi lại đến phiên theo nước ruộng với thời gian được ban quản lý mương Úy Thay cho phép là từ mười giờ đêm đến năm giờ sáng. Tuổi hai mươi là lứa tuổi ham ăn ham ngủ nên dù có cố gắng đến đâu mắt tôi cũng cứ híp lại , chỉ muốn lăn ra bờ ruộng làm một giấc cho đến sáng mai, nhưng nghĩ đến đám lúa thần nông sắp bị héo khô vì thiếu nước, tôi lại phải gắng gượng vác cuốc lên đường. Trước tiên, tôi ra ruộng mở sẳn một lổ trổ để đón nước về, rồi tôi cứ lần theo con mương mà đi mãi lên đến tận thượng nguồn, đi đến đâu mở đường cho nước chảy đến đấy.
Đêm đó là đêm ba mươi, trời tối đen như mực.Hai chân mang đôi dép làm bằng vỏ xe của tôi đạp xào xạo lên lá khô và củi mục tạo nên những âm thanh đầy quái dị. Tôi càng cố trấn tỉnh thì lại càng thấy lo âu. Liệu sẽ có con cọp nào nhảy ra vồ lấy mình không ? Liệu sẽ có con ma nào hiện lên hù dọa mình không, vì vùng đất này đã từng nổi tiếng với câu phương ngôn : cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận mà ! Có lúc, qua ánh sáng mờ mờ của dòng nước chảy dưới mương, tôi thấy như có một bóng đen đứng sát bờ mương , dựa vào một bụi cây nhăn răng nhìn tôi cười đe dọa. Tôi hoảng quá hóa liều bèn vung cuốc nhắm ngay đầu “con ma” ấy mà bổ xuống, rốt cuộc chỉ là thần hồn nát thần tính, lưỡi cuốc của tôi chỉ chạm mạnh vào một bụi cây rậm rạp rồi lại bật ra đau thốn cả hai cánh tay…
Không như mọi lần đi theo nước, từ nhà lên đến mương cái tôi chỉ phải mất hơn một tiếng đồng hồ thì đêm đó tôi đi hơn ba tiếng rồi mà vẫn chưa thấy tới nơi. Con mương cứ càng lúc càng kéo dài ra như không thể nào chấm dứt và tôi cũng không hề nghe tiếng thác nước kề bên đập vang lên tiếng chảy rì rào quen thuộc. Thật quái lạ ! Tôi thầm nghĩ – không lẽ mình lại đi sai đường ? Tôi càng cố sức đi nhanh hơn thì quang cảnh lại càng khác đi rõ rệt. Rừng ở đây có cây cao và to hơn, không khí mát lạnh như đang ở vùng rừng Đà Lạt, cỏ dưới chân cũng mềm mại và xanh hơn nhiều. Tôi hít mạnh một hơi sảng khoái, cái buồn ngủ biến mất và thay vào đó là một nỗi lo sợ bâng quơ – phải chăng mình đã đi lạc vào một cánh rừng khác ? – tôi thầm nghĩ…
Đồng hồ tay của tôi lúc đó đã chỉ một giờ sáng.Vậy là tôi đã đi trong rừng hơn sáu tiếng đồng hồ. Tôi đang đứng giữa một cánh rừng thưa quang đãng với những cây thông xinh đẹp đang ca hát vi vu dưới ngọn gió đêm. Xa xa có tiếng thác nước chảy rầm rì với một âm thanh mơ hồ và xa vắng. Tôi đưa mắt nhìn quanh và nhận thấy đây là một nơi hoàn toàn xa lạ mà tôi chưa đặt chân đến bao giờ.Vậy là tôi đã đi lạc rất xa, có khi đã qua đến ranh giới của tỉnh Lâm Đồng không biết chừng. Trong bóng tối mờ mờ đã xuất hiện những ngôi sao bắt đầu tỏa sáng, và tôi nhận thấy những ngôi sao ở đây cũng to lớn và sáng một cách khác thường. Tôi nhìn quanh để tìm đường đi tiếp, và chợt để ý có tiếng nước chảy róc rách ở gần đây, lẫn trong tiếng nước chảy tôi còn nghe mơ hồ tiếng cười khúc khích của con gái và tiếng nói chuyện thì thầm.
Một dòng suối lớn chảy từ trên núi cao xuống bị chặn lại bởi một cái “ xa ” , là những thanh tre dài được chẻ ra đều đặn và được kết chặt vào nhau bằng những sợi dây rừng trông rất chắc chắn, làm thành một cái giường tre bắt ngang dòng suối chặn lại tất cả những vật từ trên trôi xuống theo dòng nước, và trong đó gồm cả những con cá đủ kích cở, có con lớn bằng bắp tay người lớn, dưới ánh sáng của ngọn lửa lớn được đốt bằng lá rừng khô kế bên “xa”, tôi thấy những con cá nằm dãy dụa phơi cái bụng trắng hếu trông thật thích mắt. Bên cạnh cái giường làm bằng tre ấy là hai cô gái trạc tuổi tôi. Cô lớn ăn mặc theo kiểu người dân tộc Rha-đê với chiếc xà rông bằng vải thổ cẩm, ở trên chừa một phần bộ ngực vun cao xinh đẹp với nước da hung khỏe mạnh, cô gái kia nhỏ hơn, mặc xà rông thổ cẩm với chiếc áo thun trắng bó sát bộ ngực nhu nhú thanh tân. Cả hai cô gái dù là người dân tộc nhưng đều rất xinh đẹp . Hai người đang cười nói vui vẻ chợt im phắt đi khi thấy có bóng dáng của người lạ đến gần. Rồi khi nhìn thấy tôi chỉ là một cậu thanh niên trẻ tuổi với dáng vẻ thư sinh, hai cô gái liền nhanh chóng lấy lại vẻ tự nhiên như trước. Họ chào tôi niềm nở:
- Chào cậu, cậu đi đâu ?
- Chào hai cô , tôi đi theo nước bị lạc đường, mà đây là đâu vậy cô !
- Đây là rừng Tà Cối. Cậu từ đâu mà lạc lên đây ?
- Tôi ở rừng Cây Khâm, mấy cô có biết Cây Khâm không ?
Cả tôi và hai cô gái cùng ngơ ngác như nhau, tôi không biết rừng Tà Cối là ở đâu, và hai cô gái cũng không biết rừng Cây Khâm của tôi là ở đâu. Chúng tôi nhìn nhau cười trừ.Nhưng rồi cô em chợt nhớ ra:- À, em nhớ ra rồi. Hôm trước cũng có mấy người đánh xe bò qua đây, nghe nói họ ở đập Đồng Măng, chắc cũng gần chỗ Cây Khâm của cậu.- À, phải – Tôi gật đầu lia lịa…- chỗ của tôi cũng nằm ở khu vực đập Đồng Măng, vậy nó nằm ở hướng nào vậy các cô? - Hai chị em cùng cười vui vẻ, chỉ tay về phía trước nơi có tiếng gà rừng đang eo óc…
- Trời còn tối lắm, hay là cậu ngồi đây chờ sáng sẽ dễ tìm đường về Cây Khâm hơn – cô chị nói.
Trời còn tối lắm, mới có hai giờ sáng và tôi thì đã ngán đến tận cổ cái cảnh lặn lội trong rừng giữa đêm tối như vừa rồi, nên ngồi lại xem hai cô gái vớt cá bị kẹt trong “ xa” . Nước của dòng suối cứ đổ xuống liên tục , phản chiếu ánh lửa đỏ của lá cây rừng trông lấp lánh như kim cương thật đẹp mắt, và cứ khoảng vài phút lại có một vài chú cá kẹt lại trong “ xa”, vùng vẫy dãy dụa một lát rồi cũng theo nhau vào nằm trong cái “ dẹp”- một loại giỏ đan bằng mây - của hai cô gái. Nhìn hai chị em thoăn thắt bắt cá cho vào giỏ, tôi tự nhiên thấy lòng dậy lên một tình cảm vừa như thương yêu vừa như quý mến. Đây là một cách kiếm tiền tuy là đơn giản nhất nhưng cũng là trong sạch nhất trong nhiều cách kiếm tiền của con người, Hàng ngày, hai chị em vớt cá từ khuya cho đến rạng sáng được khoảng từ năm đến mười ký, rồi đem bán cho những người dân trong thôn bản , hoặc đổi lấy những món đặc sản khác của thiên nhiên. Tôi nhìn kỹ cô em, cô bé là người dân tộc nhưng trắng trẻo xinh đẹp chẳng khác nào con gái thành phố.Đẹp nhất là đôi mắt lá răm và cặp lông mi tuyệt mỹ , là kết quả của sự hòa hợp giữa người Chăm Phan sơn và người dân tộc Rha-đê.Tôi thấy lòng mình bỗng nhiên lâng lâng trong đôi mắt đó…
- Ở đây hoang vắng quá, em có muốn về sống ở dưới phố không?
- Không đâu, em sống thế này quen rồi. Sống nay đây mai đó trong rừng núi cũng có cái hay, anh ạ. Phố chợ ồn ào lắm, em không thích đâu…
- Em có đi học không ? – Tôi hỏi cô em
- Làm sao mà đi học được ! Em sinh ra trong rừng núi .Em phải làm việc với mẹ và chị hàng ngày để kiếm cái ăn, cái mặc.Em làm sao về phố để mà học cái chữ được. Nhưng em cũng rất ước muốn được học chữ, đọc được chữ hay lắm chứ…
Thật tội nghiệp. Có biết bao người không có cái may mắn được đến trường, hoặc chỉ được học rất ít . Với họ, sự học là một điều xa xỉ, một cái gì đó thật là xa xôi, trừu tượng. Thực tế của cơm áo đời thường không cho phép mơ tưởng viễn vông và họ đã phải chiến đấu để mà sống còn giữa chốn thiên nhiên. Họ sống yên ổn, hài lòng, đầy hạnh phúc với những người mà mình thương yêu và không cần đòi hỏi một quyền lợi nào hết. Nhìn vào ánh mắt của Mỵ, tôi thấy Mỵ đang hạnh phúc với những điều mình đang có , rồi Mỵ sẽ gặp một chàng trai người dân tộc khỏe mạnh có tâm hồn chân chất, rồi họ sẽ sinh một bầy con khỏe mạnh để tiếp nối phát triển dòng giống của người Chăm- Rha-đê. Trong ánh mắt của Mỵ, tôi thấy cuộc đời trở nên nhẹ nhàng đi, đơn giản hơn và nói lên được nhiều ý nghĩa hơn là cuộc sống tất bật của tôi từ sáng sớm đến khi tối mịt, và có khi, như đêm nay phải thức thâu đêm suốt sáng để đi theo nước đến nổi bị lạc đường. ..
*
Tôi vội về nhà khi trời sắp hừng đông, vì còn nhiều công việc phải làm và còn nhiều thứ hoa màu đang chờ thu hoạch. Chia tay hai chị em cô Mỵ xinh đẹp, tôi thấy lòng mình có một chút gì đó ngậm ngùi. Cuộc đời đầy những bất ngờ và định mệnh đã sắp đặt cho tôi một cuộc gặp gỡ thật tình cờ và ban cho tôi một ánh mắt mơ màng say đắm quá. Tôi tự nhủ với lòng sẽ thường xuyên lên thăm chị em Mỵ, để nhìn sâu vào cặp mắt xinh đẹp của Mỵ em, để thấy trong đó có một tia sáng dịu dàng của thương yêu trìu mến, để thấy một cái gì đó như là tình yêu.Trên tay tôi là một tay nãi đựng thật nhiều cá và cả một con lươn dài gần một mét là quà tặng của hai chị em Mỵ, và dù tôi cố gắng từ chối đi mấy cũng phải nhận lấy mang về nếu không muốn hai chị em giận dỗi…
Về nhà, tôi lại quay cuồng với những đám lúa, đám mía đang kỳ thu hoạch. Ruộng thu hoạch xong, tôi không còn đi theo nước nửa. Bẳng đi một tháng, tôi lại cày, bừa, trang ,trục để gieo đám lúa mới. Và tôi lại bắt đầu những đêm theo nước ruộng.
Trong tâm trí tôi thời gian đó, lúc nào cũng tràn ngập bởi cái gương mặt xinh đẹp của Mỵ cũng như những lời tâm sự chân thành của cô bé về một quan niệm sống. Tôi luôn tìm cơ hội để được lên thăm lại hai chị em Mỵ. Đêm đó là đêm ba mươi, đúng một tháng sau đêm đi theo nước bị lạc đường ,tôi mang theo một ba lô đựng ít quà miền xuôi đem lên cho hai chị em của Mỵ.Tay cầm cuốc, tôi đi dọc theo mương, cố nhớ những khúc quanh, ngã rẻ để tìm đến đúng nơi mà tôi đã gặp được chị em Mỵ đêm hôm đó. Trí nhớ và kỷ năng đi rừng của tôi không tồi, khoảng hơn một giờ đêm tôi đã đến một vùng quang đảng, không khí tuyệt đối trong lành, những cậy thông cao to hơn, tỏa mùi thơm của nhựa thông êm đềm trong không khí, những ngôi sao giữa trời như sáng hơn, rực rỡ hơn nhiều…Rồi tôi nghe có tiếng suối reo rì rầm quen thuộc. Đôi chân tôi như hối hả, tâm hồn tôi reo vui – Mình sắp gặp lại Mỵ, sắp được nghe giọng nói thánh thót như chim họa mi của em, sắp được nhìn đôi mắt xinh đẹp quyến rũ của em. Cây đèn pin trong tay tôi rọi sáng một vùng về phía trước, nơi tiếng suối róc rách chảy mạnh như có một vật gì ngăn lại.
Rồi tôi thấy mình đang ở đúng cái nơi có cái “ xa” mà hai chị em Mỵ dùng để bắt cá hàng đêm.Cái “xa” đã bị ai dỡ đi đâu mất, chỉ còn lại bốn chân cột làm bằng tre, bị rác rến trôi xuống tấp lại làm thành một mớ bùi nhùi, nước suối trôi đến nơi đây cuộn lại , gầm thét rồi lại trôi xa…Căn nhà tranh ở cách đó không xa cũng không còn nữa, chỉ trơ lại cái thềm hoang và vài ba vật dụng không cần thiết được bó lại cẩn thận để không gây nguy hiểm cho những ai vô tình dẫm lên, điều đó thôi cũng đủ nói lên sự chu đáo của hai chị em Mỵ.
Ánh nắng mai rực rỡ chiếu rọi lên cánh rừng thông tuyệt đẹp làm tôi liên tưởng đến một cảnh phim mà tôi từng xem trong “ Cậu bé Rừng Xanh”, cũng thác nước, rừng cây, cũng đại ngàn hoang dã…Nhưng sự vắng mặt của cô bé nhân vật chính trong phim cũng làm cho bộ phim kém đi phần quyến rũ. Lúc đó bỗng dưng tôi chợt muốn khoác lên mình trần xì một chiếc khố dệt bằng lá cây rừng và hú lên âm thanh hùng tráng của một cậu bé rừng xanh. Lá thông vi vu như những lời nói êm đềm của Mỵ: - Sống nay đây mai đó trong rừng núi cũng có cái hay, anh ạ. Phố chợ ồn ào lắm, em không thích đâu…
Từ dạo đó đến nay, tôi vẫn để tâm tìm kiếm dấu vết hai chị em của Mỵ. Nhưng họ đã bặt tăm như những cánh chim trời. Để lại trong tôi bao nhiêu là kỷ niệm tuyệt vời của một đêm gặp gỡ. Một đêm huyền ảo…/.