Chưa đến năm mươi tuổi nhưng cặp Thu Trang – Phú đã bước qua sống theo kiểu những người về hưu. Các con tốt nghiệp, có việc làm ổn định, đều ở xa. Hai bậc cha mẹ thấy rằng mình đã lên lão, giờ có quyền nghỉ ngơi, sống ung dung, bù đắp cho mấy chục năm bon chen vất vả trong chốn thương trường sôi động, bụi bặm.
Quan niệm sống của anh chị có điểm giống nhau: không coi trọng vật chất, không mong leo lên bậc đại phú, tuân theo phương sách mềm và thoáng của người xưa: biết đủ là đủ. Thế là từ đây người ta thấy Phú làm việc ba ngày một tuần, bỏ mặc tiệm bán đồ điện cho thằng cháu trai. Thu Trang thường góp mặt trong các cuộc hội hè ồn ào, linh đình; tham dự những chuyến du lịch dài ngày với đám bạn mới, giao cái tiệm bán quần áo may sẵn cho đứa cháu gái trông coi.
Từ đây họ thay đổi, điều chỉnh lại cách sinh hoạt trong gia đình; điều chỉnh luôn hai cặp kính họ mang trên sống m`ũi, thay màu kính, sửa cách ngắm nhìn cảnh vật, đánh giá con người… Thu Trang thích nghi với môi trường mới thật nhanh, mạnh mẽ. Chị có thêm nhiều bạn, phần đông thuộc giới thượng lưu, chị gọi đó là những “mặt trời tỉnh lẻ”. Chị khoe: một số họ là giám đốc hoặc cựu giám đốc, chủ tịch hoặc cựu chủ tịch, nhưng đa số không nghề nghiệp, từ nhỏ đến giờ chẳng cần làm gì, bởi đó là các cô chiêu cậu ấm, sinh ra trong bọc điều! Chị hãnh diện khi được họ kết nạp vào hàng ngũ. Phú nhận xét: “Tốt lắm. Tất cả đều sạch sẽ, sáng trưng!” Anh không hiểu, bằng cách nào Thu Trang móc nối được với bầy công sặc sỡ này. Và anh chăm chú theo dõi họ bằng đôi mắt tinh nghịch, tò mò. “Tốt thôi. Miễn đừng làm gì hao tài tốn của là được!”
Đoàn người hào nhoáng ấy đam mê sống hay hăm hở giết thời gian? Cả hai. Sẵn tiền, sẵn xe, sẵn ngày dài tháng rộng, họ tổ chức những cuộc ngao du, lúc xa lúc gần, kế tiếp nhau. Sau du lịch là cái khoản “tâm linh”. Họ lui tới cầu cúng ở hàng trăm chùa đền am miếu. Đi xin nước thánh ở suối Tiên, tắm làm phép chữa mập ở suối nước nóng trên xứ Thượng… Trước, Thu Trang không biết lễ bái là gì. Nay, mới hơn năm, chị đã có dáng của một tín đồ thuần thành. Chị thỉnh về một tượng Phật Bà lớn, đặt trang trọng trên tủ thờ. Rồi mua mấy chồng sách giáo lý, có đến ba bốn chục cuốn, về đọc miệt mài. Chị nói với chồng: “Tôi đã đến lễ ở 82 chùa của 26 tỉnh.” Phú không ngạc nhiên về con số chùa khá lớn ấy, mà về tiếng “tôi”. Từ đó, Thu Trang bỏ hẳn tiếng “em” nhẹ nhàng quen thuộc. Đồng thời, chị bước vào nấc thang thứ nhất của hành trình tu tại gia: mỗi tháng ăn chay bốn ngày. Tiếp đến, trong lúc Phú vẫn còn bần thần, ngơ ngác trước diễn biến mau lẹ của sự đổi đời của vợ thì, mười tháng sau, Thu Trang bước ngay vào nấc thứ nhì: nâng thời gian ăn chay lên gấp đôi. Vậy là trong nhà, từ trên xuống dưới, các trang thờ mọc lên lô nhô, đèn đóm sáng choang, khói nhang nghi ngút. Rồi một ngày, như điều tất nhiên không chờ cũng tới, Thu Trang bắt đầu thuyết giảng giáo lý nhà Phật với Phú… Phú trầm tĩnh và biết điều. Xưa nay anh không hề to tiếng, cãi vã với ai. Hầu như anh không biết nổi giận. Nên anh bình thản ngồi nghe, không phản đối. Phú chỉ thấy buồn cười. Thu Trang quên mất, mấy chục năm qua, anh là người không ngày nào không đọc sách báo, còn chị ngược lại. Ban đầu Phú cười thầm. Đến một hôm, không kiềm nén được, anh bật cười lớn. Thu Trang giận tím mặt:
“Anh coi thường tôi! Tôi muốn anh nhìn thấy con đường sáng… Tôi nói khô cả họng mà chẳng được tích sự gì!… Cứ sống kiểu như anh rồi sẽ…”
Phú nói, hòa nhã:
“Mỗi người một tánh một ý, em ạ. Anh là loại phàm ăn phàm ngủ không thích hợp với…”
Thu Trang ngắt ngang:
“Chúng ta giống nhau, ai cũng có thể trở thành người cao quí… nay, bước vào giai đoạn xế chiều của cuộc đời, ta phải nghĩ đến phần hồn của mình.”
“Anh sống như bà con xung quanh đây, tôn kính cha mẹ ông bà, thờ cúng tổ tiên.”
“Thờ phụng sơ sài, không giáo lý, không kinh kệ, đấy chưa phải là đạo.”
Phú xuống giọng hơn nữa:
“Anh không muốn nổi trội, chỉ thích nằm trong số đông thầm lặng.”
Thu Trang hỏi, gằn từng tiếng:
“Anh có biết cái đám đông vô đạo đó rồi sẽ về đâu không?”
“Biết, biết chớ… Nếu trên đời có sáu trăm triệu phật tử thì còn có hơn năm tỉ người không ở trong số ấy. Dĩ nhiên số người đông đảo này sẽ không được lên Niết bàn. Anh nằm chung với họ, họ ở đâu anh ở đó.”
Thu Trang giận run. Đột nhiên, một ý nghĩ nghịch ngợm nảy ra trong trí Phú. Như là một chuyện đùa cợt không đúng chỗ, chẳng hiểu sao nó lại hiện ra vào lúc này.
“Anh hỏi một câu, đơn giản thôi, nếu em đáp được anh sẽ chiều theo mọi ý muốn của em.”
Thu Trang không nói gì, mặt vẫn còn nguyên vẻ giận dữ:
“Được không?”
“Đánh đố nhau à? Nói đi.”
“Ở Ấn Độ có bao nhiêu người theo đạo Phật?”
Thu Trang hơi bối rối:
“Đông lắm, hai phần ba số dân.”
Phú cười, thích thú.
“Không đúng. Rất nhiều người cũng nghĩ như em.”
“Sai à?”
Thu Trang tiu nghỉu. Phú nói:
“Đùa em chút thôi, anh chỉ muốn nói rằng, em cứ làm những gì em thích. Còn anh, để anh nghĩ lại… Năm, mười năm nữa có thể anh sẽ qui y, nhưng giờ thì chưa.”
“Chờ nốc hết bia của các hãng lớn anh mới tu chớ gì?”
“Say sưa bét nhè xấu, uống bia không xấu. Mong cho mọi người được thường xuyên uống bia… Em mạt sát nữa đi, anh không giận đâu. Nhưng em đừng rao giảng những điều cao siêu với anh trong khi chuyện nhỏ em còn chưa biết, chỉ có trên dưới một phần trăm người Ấn theo Phật giáo.”
Không thù ghét nhau, nhưng họ quay lưng lại với nhau. Quay lưng, rồi bước đi, mỗi người một hướng, mỗi ngày một xa.
Không có vợ con giám sát, không bị sợi dây gia đình ràng buộc, Phú mặc tình dọc ngang, như chim sổ lồng, như áng mây thảnh thơi trong bầu trời, cho đến ngày gặp Ngân.
*
Nhận được tin nhắn của Ngân: “Đông lên gấp, Phú cần gặp”, Đông đón xe đò đi Chợ Cũ ngay. Nhà số 61 đường Hùng Vương. Một địa chỉ mới. Đó là nhà Ngân. Phú sống chung với Ngân vừa tròn hai năm. Đông đoán, chắc bệnh Phú biến chuyển xấu nên mới có lời nhắn này. Mười năm rồi Đông không đến Chợ Cũ. Và cũng đã lâu anh chưa gặp Ngân, phải trên hai mươi năm. Lần sau cùng, Đông gặp Ngân và Thái (chồng trước của Ngân) trong một quán phở ở Tân Quy. Lúc đó ai cũng còn lận đận trong cuộc mưu sinh, nhưng ai cũng trẻ.
Đến nơi, Đông mừng thấy Phú còn khỏe, dù anh vẫn nằm dài, chưa rời khỏi giường. “Anh ấy đã nằm bảy tháng.” Ngân nói. “Bảy tháng thấm gì, bệnh này còn phải nằm lâu.” Đông nghĩ, nhưng không nói. Ngân khác trước nhiều, nếu gặp ngoài phố chắc Đông không nhận ra. Chị vẫn vui vẻ, nói năng nhỏ nhẹ như xưa. “Ngân đáng thương, mối tình lỡ này khá đẹp, mà hồi kết hơi buồn.” Thuở nhỏ, Phú – Đông học cùng lớp ở trường trung học huyện. Ngân cũng học tại đó, nhưng nhỏ hơn hai lớp. Phú gặp lại Ngân ở đâu, anh chị về sống chung lúc nào, Đông không biết. Anh chỉ biết, Thu Trang và Phú vẫn là vợ chồng trên mặt giấy tờ. Hai người chưa công bố chuyện để bỏ, ly dị. Vậy mà bây giờ Phú nằm đây, (sau một trận bệnh nặng, giống như tai biến mạch máu não), xa quê, không vợ con, biến người tình thành y tá… “Không nói được nhưng Phú vẫn sáng suốt, hiểu tốt.” Ngân đưa cho Đông cuốn vở và cây bút. Bút đàm.
“Mình xui. Đông viết ra đây, mình đọc, và giữ làm kỷ niệm.”
“Thấy Phú khỏe, mừng. Cố uống thuốc, sẽ mau mạnh.”
“Nghĩ lại, mình không hiểu tại sao thế này… sao Thu Trang…”
“Chớ dằn vặt mình. Tâm tính người ta như thời tiết, lúc mưa lúc nắng… Rất ít gia đình hoàn hảo, nhà này có trục trặc nhỏ, nhà kia gặp trở ngại lớn.”
“Chừng nào Đông về?”
“Chiều nay, vì mai mình bận đưa Phụng đi tái khám.”
“Mình sẽ không còn đứng dậy được nữa?”
“Sẽ mạnh, đừng lo… bệnh này nhiều người qua khỏi… Cần kiên nhẫn, giữ cho đầu óc thảnh thơi, không buồn rầu.”
“Trời bất công. Mình luôn yêu thương giúp đỡ mọi người, chưa hề hại ai… Có Trời không.”
“Có Trời, chớ nghi ngờ điều này. Nếu không con người dễ sa ngã, dễ sinh tật; và sẽ mất phương hướng, chẳng biết dựa vào đâu lúc gặp bất trắc, hoạn nạn.”
“Nếu còn chật vật, thiếu thốn, chắc mình và Trang chưa chia tay?”
“Cái này còn phải xem lại, nhưng chẳng ai bảo nghèo khổ là tốt và không nên giàu sang.”
“Đông nghĩ gì về mình?”
“Nghĩ à? Tại sao phải vậy? Mình không quen nghĩ ngợi lan man.”
“Gần đây Đông có gặp Trang?”
“Không.”
“Nếu Trang đến đây mình nên nói gì.”
“Cám ơn và bắt tay.”
“Đông cho mình vài lời khuyên.”
“Có cần không? Phú đừng bận tâm về ý kiến của người khác… Mỗi người có một cảnh đời, một số phận, chẳng ai giống ai, làm sao khuyên.”
“Vậy thì nói một câu gì đó cũng được.”
“Cứng cỏi, đừng lùi bước… như bọn trẻ thường hô trong các cuộc thi: cố lên!”
“Hôm trước Ngân cũng nói với mình như vậy, cố lên!”
“Thỉnh thoảng trí óc ta cũng cần tiêm thuốc bổ.”
“Hãy nói về Phụng và hai cháu.”
Để Phú thấy rằng người khác cũng gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, không oán trách số mạng, có thêm nghị lực chống chọi với bệnh tật, Đông kể rõ các mặt “chưa được” của nhà mình.
“Gần đây Phụng (vợ Đông) không khỏe, bà ấy bị loét dạ dày. Thuốc thang liên tục nhưng chỉ thuyên giảm, chưa dứt hẳn, nay trông khá hom hem. Con bé Anh Tú thi đại học ba lần không đậu, phải tấp vào cao đẳng văn hóa. Nó thừa ý chí nhưng hơi thiếu thông minh. Thằng cu Nguyên sợ thi cử, tốt nghiệp trung học xong nó xin học nghề điện trong một tiệm tư nhân gần nhà, sẽ học hai năm, đóng tiền thầy bốn chỉ vàng.”
“Đấy là phần mờ, còn phần sáng?”
“Chính trẫm đây! Trẫm khỏe như voi, làm ăn ngon lành… Không nợ nần, không tù tội, không đau ốm là hạnh phúc chớ gì? Trẫm ba không.”
“Có phải mình không chịu tu tỉnh nên thánh thần trừng phạt?”
“Đừng nghĩ vậy. Ta chẳng biết phải giải thích thế nào, nhưng nhất định không đúng.”
Phú nhét cuốn vở xuống gối, nằm yên, mở to mắt nhìn lên trần nhà, gương mặt như được tráng lên một lớp sáp trắng đục.
*
Trong bữa ăn trưa, Ngân kể cho Đông nghe cuộc tình muộn của mình: “Một chiều, giấc xẩm, em đi mua báo, tình cờ gặp Chiêu, con bạn thân. Nó rủ: “Khỉ già, đi ăn cưới!” Em hỏi: “Cưới ai?” Nó nói: “Cứ đi, rồi biết.” Em từ chối: “Chẳng được mời, không chuẩn bị gì, đi sao được.” Nó vẫn ép: “Mặc sao cũng xong, người nhà cả.” Chiêu chở em về, thay đồ, quệt sơ tí son lên môi rồi đi, chỉ mất hai chục phút. Tới nơi, thấy đây là một vụ học làm sang. Bà chị Chiêu không giàu nhưng tổ chức đám cưới cho cậu con trai trong nhà hàng lớn nhất thị xã. Em khen: “Số một!” Chiêu cười. “Đã tính cẩn thận, chắc chắn không lỗ. Chơi cho mát trời!” Em được xếp vào một bàn đã có sẵn năm người, còn trống một ghế. Chỗ này ngồi sát bên Phú. Một tình cờ khổng lồ, kỳ quặc! Tan tiệc, gần 10 giờ, Phú đưa em về. Em mời Phú vào nhà, uống trà, hàn huyên. Đến quá nửa đêm, anh ấy có vẻ ngấm rượu, mệt, đi không vững, nên ở lại ngủ. Thế là, đi mua báo nhưng em lại mang về một gã đàn ông! Phú say, ngủ ngay trong phòng khách. Sáng ra, em mua phở về đãi bạn, nhưng Phú không dậy, nằm ườn luôn tới trưa. Sau này em mới biết Phú say giả!… Xế chiều Phú dậy, em mời cơm. Ăn xong, Phú đọc báo, xem ti vi. Thế đấy! Rồi tối đến, khách lại yên vị như cũ, chẳng nói chuyện về! Sau bữa cơm tối Phú tươi rói. Anh ấy bắt đầu tán tỉnh, nói liên hồi, đủ loại chuyện, miệng lưỡi dẻo quẹo: “Em cô độc còn anh một mình! Anh say em, anh say em!” Có điều lạ: Phú lăng xăng như vậy nhưng em không bực, lại thích, bởi thấy mình chưa hẳn là “khỉ già”!… Em ngây thơ, đùa với lửa? Không hẳn như thế. Chẳng qua là em cô đơn quá lâu. Từ ngày chia tay Thái, đã bảy năm, em sống một mình.”
Im lặng một lúc, Ngân tiếp, thì thầm: “Nay, rơi vào cảnh này, em cũng không trách Phú, rõ ràng Phú đâu muốn vậy. Em cũng không oán giận số phận, chỉ nghĩ là dường như lắm khi mình lơ mơ, hời hợt, lạc lòng.”
Trên đường ra bến xe, Đông loay hoay trong mớ ý nghĩ hỗn độn: Cuộc tình Ngân – Phú sẽ kết thúc thế nào? Liệu Phú có mạnh lành trở lại? Thu Trang và các con không đến thăm Phú, họ nghĩ gì? Sự sung túc có lỗi trong vụ tan vỡ của vợ chồng Thu Trang hay không? Nhiều quá, rắc rối quá. Chắc chẳng ai giải quyết, trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi này… Nhưng có một điều Đông thấy rõ, đó là cảm giác nhẹ nhàng, thư thái khi ra khỏi nhà Ngân. Và anh nhớ câu nói đùa: khi đi đưa đám ma người ta thường phấn chấn, vì thấy mình không phải là kẻ nằm trong quan tài ./.