Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.276
123.157.428
 
Bến Đò Trao Thơ
Kiệt Tấn

Thương em đứng dựa góc thành

Chờ  con trăng lặn mới đành trao thơ.

Ca Dao

 

Hoa. Nàng tên Hoa. Tôi biết nàng tên Hoa. Bữa nay tôi mới biết nàng tên Hoa. Hoa, hoa, hoa, hoa bưởi, hoa mai, hoa cúc, đâu phải lần đầu tiên trong đời tôi mới nhắc tới tiếng Hoa. Nhưng bữa nay, lần đầu tiên trong đời tiếng Hoa làm cho tim tôi chấn động, tiếng Hoa đối với tôi có một âm hưởng tuyệt vời. Mỗi lần nhắc tới tiếng Hoa, dù chỉ bí mật trong đầu, tim tôi cũng khựng lại một bước.

 

Tôi lấy tờ giấy mỏng, loại viết thơ, màu xanh lợt, tôi cầm cây viết ngòi lá tre nhúng vào mực tím mua đặc biệt cho bữa hôm nay, tôi gò gẫm chép lại bài thơ của Nguyễn Bính mà tôi thuộc nằm lòng:

 

Đã quyết không không được một ngày

Rồi yêu mất cả  buổi chiều nay

Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá

Không biết là  mưa hay nắng đây?

Lâu nay tôi thấy  ở hồn tôi

Như  có tơ vương tới một người

Người ấy… nhưng mà tôi chả  nói

Tôi  đành ngậm miệng nữa mà  thôi!...

 

Tôi hồi hộp xếp lá thư xanh đút vào tờ báo Xuân ngoài bìa có vẽ một cành mai rực rỡ. Tôi sai Bút, thằng lỏi trong nhà trọ cầm tờ báo Xuân sang nhà cho “cô Hoa” mượn – chính nó đã cho tôi biết tên của nàng.

 

Nhà  trọ thuộc loại nhà sàn, một nửa trên đất liền, một nửa dưới nước. Nhà nàng cách nhà  tôi trọ một căn phía bên trái, cũng nhà sàn. Cách nhà trọ độ mười thước phía bên mặt là  bến đò đưa khách từ Định Tường sang Vĩnh Tràng và trở về. Tết vừa qua được mấy bữa. Gió từ bến đò thổi vọng lại mát mẻ.

 

Mùa Xuân thơm tho hãy còn đó,  thoang thoảng, ngây ngất.

“Hoa!... Em Hoa!...”

Tôi gọi nho nhỏ.

 

*

Hoa giở tờ giấy xanh mỏng đọc hết bài thơ  của Nguyễn Bính rồi mỉm cười. Không! Giấy  xanh mực tím là điều nghiêm trọng, đâu có thể  mỉm cười như vậy được! Nàng chớp mắt cảm  động, run run ép bài thơ lên tim mình rồi thầm gọi tên tôi. Nhưng nàng có biết tôi tên gì để mà  gọi hay không? Nguy! Nếu nàng tưởng tôi tên Bính, họ  Nguyễn thì hỏng hết! Trật lất. Tôi tên là Kiệt, họ Lê, Lê Tấn Kiệt, mười bảy tuổi. Tôi hối tiếc tại sao tôi không dám ký địa tên mình ở  dưới bài thơ. Tôi cứ dụ dự mãi. Để bây giờ hư bột hư đường: Nàng ép bài thơ  lên tim mình chớp chớp mắt rồi… nín khe!

 

Tờ  báo Xuân ra đi cả ngày rồi không thấy trở về  .Nàng đọc gì mà lâu dữ ! Tôi lóng nhóng ,bứt rứt ,bồn chồn .“Qua tên là Kiệt nghe cưng !Biết rồi ,khổ quá ,nói mãi!”. Tôi đi vô đi ra ngó vọng sang nhà nàng. Im ỉm. Tôi giở tập học ra ,rồi xếp lại , rồi giở ra .Học bài không vô . Cậu chuẩn Tú thở dài, dài thậm thượt. Nước sông lững lững lờ lờ, đò đâu chẳng thấy anh chờ hết hơi

Một khi đã lậm với (ơ ơ…) tình !...

 

câu vọng cổ Năm Nghĩa xuống cả chục năm trước bây giờ nhớ lại mới thấy thấm thía. Than ôi! Tôi đã lậm với tình! “chao ôi! yêu có ông trời cứu”, Nguyễn Bính cũng đã kêu trời như bộng khi lê mòn gót trước cửa nhà nàng ở phố  Hàng Đào ngoài Hà Nội. Vậy mà tôi không tởn. Tôi vẫn cứ giỡn mặt ái tình. Nếu nàng không đáp lại tình tôi, và ông Trời cũng không chịu cứu tôi, chắc tôi chết mất.không phải đây là lần đầu tim tôi rung động vì yêu nữ. Tôi đã có lụy với ái tình lai rai, bắt đầu từ thuở mới năm tuổi. Nhưng lần này thì khác. Lần này, lần đầu tôi cảm thấy tôi chỉ có một mục đích duy nhứt trên đời: Tôi sinh ra để … yêu nàng. Và nàng là Hoa. Hoa của tôi. Nàng yêu: tôi sống. Nàng không yêu: tôi chết! (dễ ợt!) Giết người không gươm giáo là mặt trận của ái tình. Năm Nghĩa cũng đã cảnh báo như vậy từ khuya. Tôi chết là hết sức đáng đời. Tôi sẽ ra bến đò đón đò băng qua bên kia sông, rồi sẽ đi mất biệt… Nhện sa xuống nước nổi phình, kiếu huynh kiếu đệ kiếu người tình tôi lui.

 

Nhưng tôi chưa kịp lui thì nàng đã ngoắc tôi lại. Phải, nàng đã ngoắc tôi lại. Tờ báo Xuân đã trở  về - nàng đã đưa cho thằng Bút cầm báo về  cho tôi. Tôi len lén leo lên gác trọ, hồi hộp giở  ra. Lá thơ xanh của tôi đã biến mất. Thay vào đó là tờ giấy mỏng, cũng loại giấy viết thơ mầu hường lợt xếp đôi. Tôi mừng quýnh, run run giở ra, lật qua lật lại: không có  một chữ viết. Tôi đưa lên mũi ngửi, chỉ  có mùi giấy. Tôi chới với – tuy lòng sung sướng. Nàng muốn nói gì? Chỉ có trời biết  được – mà cũng chưa chắc.

 

Đêm hôm đó tôi nằm lăn trở trên gác trọ nghe gió luồn rào rào qua mái lá, như trời sắp đổ mưa. Chúng tôi ba đứa từ Vĩnh Long sang học trọ. Mái nhà trọ thấp lè tè, đứng dậy phải khum lưng, tối tối ba đứa nằm sắp lớp như cá mòi. Trước tết, chúng tôi ở trọ gần trường và bến xe đò. Bến xe đò ban đêm có bà già đậu phộng lép đã được tôi tặng cho cái áo blouson trắng dính mực ở lưng lúc lập đông. Qua Tết, bà già đậu lép đâu mất. Còn chúng tôi thì dời về bến đò. Vì vậy mới đổ nợ. Vì vậy mới lậm với tình!

 

Vừa qua Tết nên thiên hạ còn múa lân. Lân tới đâu xóm bến đò tôi chạy ra coi. Coi cái đầu lân lên xuống lắc lư và khói pháo hăng hăng. Tôi nhìn thấy một cô gái mặc áo đen xinh xinh trắng trẻo, ẵm em cũng đứng coi múa lân, phía bên kia. Vừa thoáng nhìn nàng là tôi chịu liền. Không rõ tại sao. Đối với tôi, cái đầu lân và khói pháo thoắt đã biến mất. Chỉ còn nàng đứng đó mỉm cười, răng trắng đều óng ánh ngọc lựu. Môi nàng đầy đặn ửng hồng, môi trên cong dợn như cánh chim bay, ở giữa trũng xuống hình trái tim, môi dưới mở hờ… Trời ơi! muốn cắn một cái! Đặc biệt là đôi mắt. Đôi mắt không to tròn ngây thơ ngơ ngác con nai vàng. Mi trên bụp nhẹ lên như mắt Shirley Mac Laine, khi cười nheo nheo tình tứ, mi đen khép xuống dịu dàng nhung thẩm, sâu sâu phía trong lóe ánh long lanh vệt mắt gọi mời. Tôi bị thôi miên. Choáng váng. Ngất ngư.

 

Bắt gặp tia nhìn kì dị của tôi, nàng vội vàng cúi mặt, như linh cảm điều gì. Rồi ngửng lên liếc, rồi lại cúi xuống, làm bộ hun em mình. Khi lân  đã đi xa, tôi theo dõi nàng bồng em ra về mới biết nhà nàng ở cạnh nhà mình trọ, chỉ  cách có một căn. Phía trước nhà nàng là hàng ba lót gạch tàu đỏ, có rào cây song thẻ sơn nâu. Đằng trước nhà trọ thì trống lổng cho chiếc xe đò của ông chủ tối về đậu – loại xe Huê Kỳ sơn đỏ dài ngoằng, đưa rước khách Mỹ Tho – Sài Gòn. Chú Tư tánh tình hịch hạc, cười có răng bịt vàng nguyên hàm chói rực. Thiếm Tư có món cá trê nướng giầm nước mắm gừng ngon hết xẩy. Con chú là Hoàng tửng trạc tuổi tôi, xuống vọng cổ nghe cũng rung rinh cái rún lắm. Bút là thằng cháu bà con miệt Bến Tranh lên ở đậu nhà dì Tư đi học. Từ ruộng mới ra thành nó đen thui, chưn đóng phèn mốc cời mà nấu cá có hạng. Chỉ sai nó đi điều tra một chút là tôi đã biết được tên nàng: Hoa!

 

Vào nhà một chút nàng lại bồng em trở ra, liếc qua thấy tôi đang chống nạnh đứng ngó, nàng lại bồng em trở vô. Chặp sau nàng lại trở ra cầm cái khăn bàn giũ giũ ở ngoài rào lại liếc. Tôi  đoán chừng nàng cũng có cảm tình với tôi –  hạp nhãn? – nên tôi cũng vuốt tóc cười ruồi một phát. Khi nàng trở ra lần nữa, tôi làm gan hấp háy một bên mắt, đá lông nheo. Nàng liếc nhanh, mỉm cười đi vô. Rồi không trở ra nữa. Để tôi đứng một mình chống nạnh ngẩn ngơ, linh cảm phen này chắc mình đã thực sự sụp bẫy ái tình.

 

Tôi lăn qua trở lại hồi tưởng. Thắc mắc. Sao nàng chẳng viết cho tôi lấy một chữ! Hay nàng viết rồi nhè  để lộn trang giấy chưa viết vào tờ báo Xuân? Chẳng lẽ nàng cũng như Hương, cô láng giềng yêu dấu của tôi ở Vĩnh Long, đã làm ngơ tình tôi? Hồi học đệ tứ, tôi đã làm gan cầm thơ  tình sang tận lớp của Hương để trao trong giờ ra chơi. Tôi dám làm gan vì thơ đó không phải của tôi, mà là của thằng bạn tên Nhờ, bạn cùng lớp. Nó yêu nàng, tôi cũng si nàng, và tôi đi thơ cho nó, như thằng Bút bây giờ - quả thiệt tôi ngốc tử! Lúc Hương cầm lá thơ trong tay nhìn tôi, tôi lắp bắp, lính quýnh: “thằng Nhờ … anh Nhờ… anh Nhờ nhờ tôi đưa thơ của Nhờ… nó nhờ tôi… cho Hương”. Ý là trước khi ra đi tôi có dợt đi dợt lại câu đó cả chục lần. Nghe tôi cứ “nhờ nhờ” nàng tưởng tôi cà lăm. Tôi phải lặp lại mà cẳng chưn lạnh ngắt. Khi hiểu được thông điệp, nàng mỉm cười trả thơ lại cho tôi: “Tưởng thơ của anh thì Hương lấy, chớ thơ của người khác thì Hương không lấy đâu”. Tôi quê quá, kéo tai gãi gãi rồi bần thần lui gót. Về lớp tôi lại bị thằng Nhờ mạt sát là đồ vô tích sự!

 

Từ  đó mỗi lần nghe nói tới “thư tình” là  tôi ê càng. Đường tình thiệt lắm chông gai mà  những người đi trước tôi chẳng ai chịu dẹp bớt. Thiệt khổ hết sức! Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu. Tôi lăn qua trở lại trong góc tối một hồi thấy mình ê ẩm. Ái tình là cái làm cho người ta mất ngủ, như thằng Nhờ đã định nghĩa. Làm sao bây giờ! Một mình lưỡng lự canh chầy. Chợt có tiếng trẻ khóc từ phía nhà nàng vọng sang, rồi tiếng ầu ơ trong veo, thoang thoảng:

 

Ầu ơ…

Má  ơi con vịt chết chìm

Con thò tay vớt nó, con cá  lìm kìm rỉa (ớ ờ) tay…

Ầu ớ…

Cây da trước miễu ai biểu cây da tàn

Bao nhiêu lá rụng (ơ ờ…) anh thương nàng bấy (ó  ờ) nhiêu

(ầu  ơ…)

 

Gió  từ bến đò thổi vọng lại đong đưa tiếng ru em nghe rầu thúi ruột. Chắc là tiếng nàng ầu  ơ chớ chẳng ai đâu. Bao nhiêu lá rụng…  Phải! Bao nhiêu lá rụng mà nàng đâu hay biết! Tôi lăn qua. Thương nàng nhiều vô số kể như lá me nhỏ chi chít của hàng me rậm rạp trồng hai bên con đường lởm chởm đá trắng chạy dọc theo bến đò. Tôi thở dài, lăn trở lại. Chợt trí tôi bừng sáng trong bóng tối. Nàng biết hát ru em, vậy tôi phải đi vào tâm hồn nàng bằng lối mòn tâm tình dân tộc: Con đường Ca Dao! 

 

Chấm ngòi viết lá tre vào mực tím, tôi lại bồi hồi gò  gẫm trên tờ giấy mỏng xanh lợt:

 

Đêm khuya thắp chút dầu dư

Tim can cháy lụn anh sầu tương tư  một mình.

 

Tôi chấm mực, đọc lại hai câu vừa viết. Phải mùi hơn một chút nữa mới được. Lại húy hoáy:

Thấy cô nho nhỏ tôi muốn nghỉ  cái nghề đờn,

Theo cô mần tùng giả quánh quờn cho cô  coi.

Như  vậy biết nàng đã chịu rung động chưa? Mực tím tiếp tục:

 

Tháng ba trời hạn sen tàn,

Đêm nằm trải lá gan vàng đợi em.

 

Ngưng viết đọc lại, vẫn chưa vừa ý. Cứ nói bóng nói gió làm sao mà  nàng hiểu đặng với cái tuổi mới xấp xỉ mười lăm mười sáu trăng tròn? Hay cứ nói phứt ra cho rồi. Tôi nhồi nhồi ngòi bút trong bình mực rồi rút ra gạt mực dư trong miệng bình:

 

Em hãy thề với anh hết miễu qua chùa

Ai cho anh uống thuốc bùa anh mê?

Đậm đà hơn chút nữa coi:

Anh đi lục tỉnh giáo vòng,

Tới  đây trời khiến đem lòng thương em.

 

Như  vậy đã lay chuyển tim nàng được chưa? Tôi nhớ  đôi mắt nàng khi cười nheo nheo nhỏ lại tình tứ. Tình tứ, đa tình… chung tình, phải đó!

 

Làm thơ trái ấu gửi thấu chung tình,

Anh đau tương tư bịnh nặng,

Không thấy mình vãng lai…

 

Tội nghiệp như vầy mà nàng không thương nữa thì  thôi! Lòng tôi lai láng như con sông Định Tường nước lớn. Tôi còn viết nữa viết hoài cho tới lúc trái  đất ngừng quay, trái tim ngừng đập cũng không sao nói hết được. Tôi xếp tờ giấy xanh bỏ vào giữa tờ báo Xuân rồi sai thằng Bút cầm đi. Tôi  còn bốn câu độc đáo nữa nhưng đợi tới lúc quyết liệt mới liều mạng đem ra xài. Chờ phản ứng của nàng xem sao đã.

 

Buổi chiều tôi ôm cây đàn ghi-ta sáu dây ra ngồi  ở băng cây trước nhà so tơ nắn phím cho Hoàng Tửng xuống vọng cổ. Tôi biết đờn thuộc lòng hết câu vọng cổ số một do Hai Te, anh thợ mộc tài hoa của ba tôi dạy cho lúc học đệ ngũ –  thuở đó tôi thầm kín si tình Lệ Dung qua tiếng xuống vọng cổ mùi mẫn ngậm ngùi của Hai Te: “Lệ Dung em ơi! Sao em nỡ đan tâm lòng quyết sang (ơ ờ…) Tề!...” Tôi dạo nhạc nhấn nhấn nghe cũng ra rít lắm. Hoàng Tửng thì khoái hát “Hoàng tử lưng gù”, cái đoạn ông anh xấu xí nầy bắt gặp người tình xinh trẻ và thằng em đẹp trai mắc dịch của mình đang ôm nhau xà nẹo. Hoàng Tửng nói lối:

“… Giờ nầy ta phải chứng kiến đôi chim non nớt kia đang âu yếm ấp ủ nhau trong đêm đông tàng tịch…

 

Còn ta! … (Hoàng Tửng ngưng một chút rồi lấy trớn nói lối thúc lên để chuẩn bị xuống vọng cổ cho mùi)… Ta phải chịu bấy nhiêu điều đau khổ cay đắng như dày vò như cấu xét cho tan nát mảnh (ảnh…) tơ… (ơ ơ…) lòng!”

Đứt ruột! Con gái con ông chủ vựa mắm ngang nhà chắc cũng rung rinh cái rún mình không ít. Tôi lẳn tẳn một hơi kè theo Hoàng Tửng cho tới lúc chấm dứt câu vọng cổ. Hai thằng đều đã đời. Tới phiên tôi chuyển sang tân nhạc. Tôi bấm ắc-co búng vừa dây vừa vỗ thùng đờn bùm bùm, cất tiếng hát: “Dựng một mùa hoa”:

Chào bình minh Hoa ban mai lả lơi…

Nhạc dịu êm chim tung bay ngàn lối…

 

Tới tiếng “Hoa” là tôi cố tình rống lớn, mong thấu tới tai nàng. Tôi thấy nàng bồng em ra đứng trước hàng ba giả bộ ngó lên ngọn me, đoạn  đảo mắt liếc nhanh về phía tôi (Tôi vội vàng hấp háy một bên mắt) rồi nàng ẵm em đi vô… Hoa bướm tung bay, trong nắng yêu đời… (cha cha cha)… Tôi lại hét lớn tên nàng. Chắc chắn nàng phải cảm động. Có dè đâu cái xảo thuật này, tôi có dùng với Hương từ hồi còn học đệ tứ ở Vĩnh Long!

 

Chiều chiều Hương ra bên hông nhà lấy gàu mo tưới giàn trầu. Nhà tôi cách đó hai căn, tôi leo lên gác ra ngồi ở bực cửa sổ nắn phím cố gân cổ lên “Gợi giấc mơ xưa”: “Chiều nay lênh đênh trên sông Hương (rống lớn chữ Hương!)… Theo gió ru hồn về đâu? … (Dìa đâu thì dìa, thằng cha nầy hỏi lãng nhách, chắc Hương nghĩ bụng). Dù ở Vĩnh Long chỉ có sông Thiềng Đức, sông Cá Cái, sông Cổ Chiên và sông Long Hồ, nhưng tôi vẫn cứ nằng nặc đòi “lênh đênh trên sông Hương” cho bằng được. Có lẽ thấy tôi đòi “lênh đênh” dữ quá nên nàng bèn dứt dây cho tôi trôi luôn. Ngày tôi lên đường du học Mỹ Tho, nàng đính hôn với con ông chủ vựa nước mắm ngang nhà. Chẳng những tôi đau khổ mà thằng con ông chủ hãng cà-rem khít bên vựa nước mắm, thằng Dự, cũng đau khổ không ít. Bây giờ nó lại chung nhà trọ với tôi. Ly hương! hai thằng mà chung một tâm sự. Còn thằng thứ ba là Quâng, một cây mít ướt, bị tôi ghẹo khóc tối ngày từ đệ thất lên tới đệ tứ. Vậy mà chưa tởn còn lẽo đẽo theo ở chung trọ. Nhưng đỡ một cái là bây giờ cả bọn sắp trở thành cậu Tú Một nên Quâng không còn là đối tượng của tôi nữa.

 

Đã một lần vì yêu nữ mà lênh đênh vô bờ bến trên sông Hương nên phen này tôi phải liệu trước đề phòng. Nếu sau khi nhận lá thư xanh thứ hai viết bằng mực tím của tôi mà Hoa vẫn nỡ nhẫn tâm không đáp lại tình tôi thì tôi nhứt quyết sẽ…  xả láng, tung ra bốn câu tuyệt mạng:

 

Đèn Mỹ Tho ngọn xanh ngọn đỏ

Anh coi không tỏ rõ, anh tưởng đèn màu

Rút gươm đâm họng máu trào

Để em ở lại kiếm nơi nào hơn anh!

 

Chỉ  nghĩ tới bốn câu đó thôi, tôi đã rùng mình nổi da gà. Maria hỡi, linh hồn con ớn lạnh! Nhưng tới mức đó mà nàng vẫn bình tâm như vại thì tôi cũng nên đâm họng mà chết phứt đi cho rồi. Trước khi nhắm mắt, tôi sẽ cho xâm lên ngực mình bốn chữ: “hận kẻ bạc tình”, bên cạnh trái tim có mũi tên xuyên qua chảy máu nhểu giọt.

Sau màn trình tấu tân cổ giao duyên giữa tôi và Hoàng Tửng và sau buổi cơm chiều với canh chua, cá rô  chiên có trứng vịt giầm nước mắm tỏi ớt, tôi leo lên gác nằm ngửa, ngó mái lá thở dài. Một cọng lá lẻ loi rung theo gió từ mé sông thốc lên, khua lè tè. Tự nhiên tôi muốn chảy nước mắt. Tôi biết rằng tôi yêu mất rồi! Chao ôi yêu có ông trời cứu !

 

Chợt có tiếng ai leo lên cầu thang nhè nhẹ. Thằng Dự  và Quâng mới đèo nhau bằng xe đạp đi chơi. Ai đây? Tôi tính trở mình thì có tiếng “suỵt suỵt”. Tiếng của sứ giả: Bút Bến Tranh! Tôi mừng quá liền lật úp mình trở lại. Thằng Bút ló đầu lên gác trọ cầm tờ báo Xuân  đưa cho tôi, nhăn răng cười rồi thụt xuống. Tôi tính kêu nó lại vặn hỏi nhưng nó đã chạy vọt ra đường. Tôi hồi hộp giở tờ báo ra lật kiếm. Một tờ giấy màu hường lợt xếp đôi rớt xuống:

 

“Hoa”. Mở trang giấy mỏng thấy có chữ viết. Tôi mừng quýnh kê trang giấy hồng dưới ánh sáng nhá nhem xuyên qua ô kiếng trên mái lá, nhướng mắt cố gắng đọc:

 

Em dạo chơi mười tám nước chư  hầu

Chưa nghe ai than thở thảm sầu hơn anh.

Chuyện chi mà bắt em thề

Cầm dao lá liễu dựa kề  tóc mai

Nước sông khỏa múc một vùa

Ai cho em uống thuốc bùa em mê?

 

“Em mê!” nàng mê. Hoa đã mê. Hoa đã yêu tôi. Em đã yêu anh! Tôi áp trang giấy hồng lên ngực, sung sướng quá đỗi. Tôi bật người ra sau nằm ngửa trên sàn, hai chân co lên, hai bàn chân đập lạch bạch trên sàn gác trọ, miệng rên ư ử, mũi thở phì phì. “Ai cho em uống thuốc bùa em mê?” Qua cho em chớ ai cho em mà còn làm bộ hỏi! Nàng đã đáp lại tình tôi. Hoa cũng yêu tôi. Bây giờ nếu nàng chạy qua đính chánh tôi đã hiểu lầm hai tiếng “em mê” là tôi sẽ đứng tim chết liền tại chỗ. Còn hồ nghi, tôi đưa tờ giấy hường lên cao, lật qua lật lại, không thấy có viết gì thêm tôi mới yên bụng.

Tôi  đứng bật dậy thẳng lưng va đầu lên kèo tre của mái lá nổ đom đóm. Tôi ngồi xuống vớ cây lược chải sơ lại mái tóc, vuốt sơ lại quần áo rồi tuột xuống gác. Tôi chạy ra trước cửa ngó qua nhà nàng bắt gặp Mân, gã anh bà con của nàng cũng đang quay cổ ngó tôi. Hai đứa nghinh nghinh, chưa quen nhau. Tự nhiên tôi cụt hứng, trong bực dọc có lẫn chút ghen tức. Hồi đó Mỹ Tho còn chấn động vì vụ án “Hải Đường”. Cô Hải Đường đâu mười sáu tuổi và người anh trai bà con đa tình yêu nhau. Gia đình biết được rứt hai người ra, chia uyên rẽ thúy vì sợ tai tiếng. Cậu con trai nổi điên cầm dao con chó đâm Hải Đường nhiều nhát ngã gục xuống mương trước cửa nhà chết tốt. Tôi ngó Mân nghi ngờ. Tôi để ý thấy hắn không có lận dao con chó. Nhưng làm cái gì mà nghinh dữ vậy cha nội?

- Cậu Kiệt!

Tôi giựt mình quay lại thấy thiếm Tư đang đứng sau lưng mình từ hồi nào. Có lẽ vẻ dị hụ  phát tiết ra ngoài trên mặt mũi tôi, thiếm hỏi:

- Nãy giờ cậu ở đây có một mình hả?

- …?

- Vậy mà tôi nghe cái gì lạch bạch trên gác, tôi tưởng cậu giỡn với cậu Dự chớ.

- Dạ … dạ tôi giũ chiếu đặng nằm cho đỡ xót … chớ đâu có giỡn với ai.

Tôi lúng túng nói trớ rồi giả bộ bước ra đường đi thẳng ra bến đò hứng mát. Cô lái đò tưởng tôi là khách lên tiếng mời, tôi thối thoát. Cô đẩy đò ra sông với hai người khách muộn và  chèo bì bõm qua bên kia bờ Vĩnh Tràng. Chuyến  đò cuối, cô không trở qua nữa.

 

Ngồi một mình ở gốc me cạnh bờ sông gió mát, tôi dần dần tỉnh mỉnh. Hoa ơi! Ai cho ai uống thuốc bùa ai mê? Nước đập lách tách dưới dạ cầu nơi bến  đò sẫm tối. Sông dài cá lội sóng xao, nhớ em anh ra đứng bờ ao đỡ buồn. Hận sông Hương còn đó. Chẳng lẽ con sông Định Tường bây giờ mắc mớ gì khi không lại phản tôi? Đôi mắt của Hoa hiền lành quá, tôi không tin nàng đành đoạn phụ rẫy tình tôi. Tôi phải gặp mặt nàng cho rõ lẽ. Còn hơn là chun về gác trọ nằm dẫy lạch bạch một mình như … cá lóc bị đập đầu.

 

Tàn me xanh đen xào xạt. Bao nhiêu lá rụng, thương nàng…  Xào xạt! Phải rồi, nàng quét nhà. Tôi đã nghĩ ra. Mừng quá! Sáng nào nàng cũng dậy rất sớm, khoảng năm giờ rưỡi sáu giờ sáng, và nàng cầm chổi ra trước nhà quét hàng ba và quét lá me trên mặt lộ gom thành đống hai bên góc hàng ba. Lúc đó mới tờ mờ sáng, nàng chỉ có một mình. Chờ cho trăng lặn, tôi bèn bước tới trao thơ. Tuyệt! Tôi vụt chạy về gác trọ lôi tờ giấy xanh mỏng và bình mực tím, nằm sấp chuẩn bị múa ngòi lá tre vi vút.

 

Trong lúc sóng lòng đang dâng lai láng, văn chương của tôi lại chợt bí, như vậy mới kẹt. Chẳng lẽ vừa khai bút tôi lại xả láng liền một khi: “Rút gươm đâm họng máu trào”, coi sao đặng. Tôi định cầu cứu sư phụ Nguyễn Bính:

 

Nhà  nàng ở cạnh nhà tôi

Cách nhau cái giậu một cây… xanh dờn.

 

Cũng không hợp tình hợp cảnh. Nhưng biết nói gì bây giờ? Thằng Dự và thằng Quâng lại sắp về tới. Thôi để gặp nhau cái đã rồi muốn nói gì  đó thì nói. Tôi bấm gan viết đại, dù biết rằng: “bút sa là gà chết”:

 

“Hẹn em sáng mai, thứ Năm, trước hàng ba nhà em lúc năm giờ sáng. Đừng phụ lòng kẻo anh mong đợi.”

(Ký  tên: Người lậm bùa).

 

Tối  đêm đó tôi trằn trọc trắng dờ con mắt. Nghe tiếng nàng ầu ơ văng vẳng tôi lại muốn sa nước mắt. Chắc tôi chết mất. Chắc tôi phải chết vì quá  lậm với tình. Tôi phải chết vì quá yêu nàng. Bao nhiêu lá me rụng, tôi thương nàng bấy nhiêu. Hồi  đó tới giờ tôi sống không có nàng không sao, nhưng bây giờ không có nàng tôi không thể  nào sống sót nổi… Thằn lằn chắt lưỡi trên kèo lá, cắc kè nghiến răng ở ngọn me bến đò hay thằng Dự mở tiệm cưa trên gác trọ gì tôi đều nghe hết thảy. Tờ mờ sáng tôi lò dò tuột xuống gác, tới núp sau đuôi chiếc xe Huê Kỳ của chú Tư như thằng ăn trộm. Trên xe chỉ có thằng Bút nằm ngủ chèo queo ở băng sau nên tôi không sợ.

 

Vừa nghe tiếng sột soạt từ phía nhà nàng vọng lại tôi chết điếng, tay chưn vụt lạnh ngắt, tim vỗ  thùng đờn như đệm nhịp “Dựng một mùa hoa”  (cha cha cha). Khi nghe tiếng chổi xuống đường, tôi cầm lá thơ tình đã xếp lại nhỏ xíu rời khỏi chỗ ẩn núp. Bước ra đường tôi nín thở xăm xăm bước về phía Hoa đang tảo thanh lá me. Nàng ngửng đầu lên ngạc nhiên, ngó tôi: “Trời ơi! chết qua rồi em Hai ơi!”. Tôi dừng lại một giây, nhét đại lá thư tình màu xanh vào lòng bàn tay nàng đang đặt trên đầu cán chổi. Hoa chưng hửng, lá thơ rơi xuống mặt đường. Tôi bước thật nhanh. Anh Kiệt! … (Hương đang gọi tôi để trả lại lá thơ tình). Anh Kiệt! … Tôi vụt bỏ chạy.

 

Khi dừng bước giang hồ ở gốc me cuối con đường đá trắng tôi ngó trở lại. Hoa không còn ở  đó nữa. Cột điện cao trước nhà nàng, bên kia đường, tỏa ánh sáng lù mù. Tôi từ từ  đi trở lại, dọc theo phía bên kia đường. Gần tới nhà nàng, tôi băng ra giữa lộ. Tới trước nhà  nàng, tôi ngó xuống mặt đường kiếm dáo dác. Không thấy dấu vết mẩu giấy xanh xếp nhỏ xíu  đâu hết. Tôi mừng rơn. Nhưng vừa về tới gác trọ, tôi lại đâm lo. Mà chẳng lẽ tự dưng chạy ra bươi hai đống lá me cạnh hàng ba nhà nàng mà kiếm? Rủi má nàng chạy ra hỏi “  cậu kiếm cái gì?” Chắc chỉ còn có nước độn thổ!

 

Cả  ngày hôm đó, tâm hồn tôi phưởng phất ở  trên ngọn cây me hay cuốn theo chiều gió thổi lại từ bến đò. Trước khi chun vô mùng, tôi vặn  đồng hồ reo dợt thử coi nó reo có đúng giờ. Tôi dặn hờ thằng Dự, Hoàng Tửng, thằng Bút, ai có dậy sớm thì kêu tôi thức. Rốt cuộc tôi thức sớm hơn ai hết, sớm hơn cả cái đồng hồ reo, vì tôi có ngủ nghê gì đâu. Nàng được thơ? nàng không được thơ ? Cứ vậy mà tôi lăn qua lăn lại cả đêm. Tôi cẩn thận nhấn nút đồng hồ reo cho nó nín, rồi lò dò đi đánh răng súc miệng vội vã để còn ra có mặt trước giờ hẹn. Năm giờ thiếu bảy phút: “Hôm qua qua hẹn qua qua bây giờ qua qua”.

 

Tôi thò đầu ngó qua hàng ba nhà nàng. Không thấy  ánh sáng hắt ra ở cửa sổ. Tôi bước ra đường, đi khỏi hàng ba độ chục thước dọ dẫm rồi quay trở lại. Tối tăm. Im lìm. Tôi dụ dự. Tới  đầu hàng ba phía bên nhà trọ tôi dừng bước. Tôi đứng xen vào giữa hai vách lá phân cách nhà  nàng với nhà bên cạnh. Tôi thụt vào trong bóng tối chờ đợi. Bí mật. Kín đáo. Nhưng chưa  đầy một phút, bầy muỗi đói dưới nhà sàn  đánh hơi người xông lên xạ kích tôi ào ào, xuyên qua vải quần vải áo, chích lên tay, mặt mũi  để trần. Chịu đời không thấu, tôi vọt ra ánh sáng ngoài đường lộ. Nhà nàng vẫn im lìm. Hồi lâu tôi nghe có tiếng lục đục trong nhà, rồi có  ánh sáng le lói bật lên xuyên qua khe vách. Tôi vội vã  trở lại chỗ ẩn núp giữa hai vách lá hồi nãy. Lại muỗi. Lại xạ kích. Tôi lại vọt ra. Tiếng động trong nhà nhiều hơn, lớn hơn, xen lẫn có  tiếng guốc. Tôi đành bấm bụng đứng nửa trong nửa ngoài, nửa sáng nửa tối. Khi đó nếu ai cắc cớ biểu tôi định nghĩa ái tình, tôi sẽ đáp ngay lập tức: “Ái tình là cái làm cho người ta bị muỗi cắn, (hoặc văn chương hơn) là cái làm cho người ta rỉ máu”.

Bỗng từ cuối đường có tiếng lụp cụp. Trong ánh sáng lù mù chập choạng một khối đen vuông vức bước tới. Tới gần. Thì ra chiếc xe hủ  tiếu bán dạo đẩy ra chợ sớm. Khi xe tới gần nhà nàng, tôi giựt mình thụt vô giữa hai vách lá, rồi ló ra, rồi thụt vô. Bỗng chiếc xe dừng lại trước cổng nhà nàng, bên kia đường, dưới cột  điện, người đàn ông bỏ chiếc xe đang đẩy đi xăm xăm về phía tôi, dừng lại, cất tiếng hỏi:

- Ai ló? Ai lứng ló?

Giọng cắc chú lơ lớ. Tôi bước ra:

- Tui đây, tui đây mà … Nhà tui ở gần  đây.

Tôi vừa trả lời nho nhỏ vừa chỉ cái đuôi xe Huê Kỳ ló ra trước cửa nhà trọ.

- Zậy hả? Xao lị không ỉa trong nhà mà lị da ỉa lây làm cái zì?

- Tui … tui đi lượm banh.

- Hà! Chòi lất ơi mí tỏn sáng mà lị lá panh thì bà con lối xóm làm xao nghì ta ngủ cho liệt?

- Hổng có đá! Đá từ hồi chiều banh rớt xuống đây bây giờ tôi đi kiếm.

 

Xì-thẩu có vẻ hoài nghi:

- Ò… ò… Mà lị làm cái zì kí thụt da thụt dô hoài làm ngộ tiểng lị là thằng ăn chộm chí! hầy lá!...

Nhưng có lẽ thấy mặt tôi không lộ vẻ gì  bất lương nên xì-thẩu quay trở lại xe hủ tiếu đẩy tiếp. Tiếng lụp cụp xa dần. Hú hồn! Tôi làm gan đứng đại ngoài ánh sáng, tựa bụng vào song rào gỗ đầu hàng ba.

 

Ánh sáng vụt bật lên hắt qua cửa sổ. Tim tôi đập loạn cào cào. Tôi nghe tiếng ho của nàng sát cửa cái, rồi tiếng chốt mở. Nàng bước ra! Ngó thấy tôi, nàng chới với thụt vô, tôi cũng chới với. Nhưng chỉ một phút nàng lại trở ra liền. Nàng cúi xuống quơ chổi quét loạt xoạt trên hàng ba, từ từ tiến về phía tôi. Nàng dựng chổi dựa rào. Đặt hai bàn tay lên đầu song gỗ. Một cách hết sức máy móc, tôi úp hai bàn tay tôi lên bàn tay nàng. Tay nàng lạnh ngắt run nhẹ. Tôi hỏi nhỏ:

- Hoa có được thơ anh không?

Nàng khe khẽ gật đầu. Tôi im lặng. lúng ta lúng túng không biết bắt đầu từ chỗ nào. Nàng mặc bộ bà ba đen, cổ nàng trắng ngần, tóc nàng hăng hăng mùi nắng. Tôi đỡ cằm nâng đầu nàng ngửng lên. Buông ra, nàng lại cụp đầu xuống. Tôi lại nâng lên. Buông ra, lại cụp xuống. Đến lần thứ tư, nàng mới chịu để yên. Nàng ngó tôi, đôi mắt long lanh trong bóng tối. Tôi úp hai bàn tay lên màng tang của nàng, hai ngón tay cái ve vuốt mi mắt trên bụp nhẹ của nàng và đường lông mày măng tơ. Như nhung. Cảm giác như nhung. Êm đềm chi xiết. Nàng nheo nheo rồi nhắm mắt lại, giấu kín ánh long lanh sâu khuất trong đáy mắt.

 

Hơi thở nàng cũng thúc ngắn như hơi thở tôi, cảm thấy mạch máu ở màng tang nàng chấn  động phập phều, tưởng chừng như mỏ ác dễ  vỡ của trẻ sơ sinh. Tôi cúi xuống cạ nhẹ môi tôi lên môi nàng. Lướt qua, khẽ lướt qua… Mướt như lụa. Tuyệt diệu. Thần tiên. Hoang đường! Chợt nghe kiểng đổ trong đầu, thánh thót, ngân nga, vang vang, lùng bùng. Môi nàng khép kín. Nụ hôn đầu đời. Phớt nhẹ. Một lần. Chỉ một lần thôi. Mà vĩnh viễn!

 

Tiếng kiểng tiếp tục ngân nga trong đầu. Chợt nghe có vẻ  khác lạ. Tiếng kiểng… không, không phải tiếng kiểng, tiếng trẻ khóc, tiếng trẻ đang khóc trong nhà. Rồi tiếng của má nàng cất lên gọi tên nàng. Hoa vội vã lùi lại rồi xô cửa bước trở vào nhà. Tôi đứng lại một mình tần ngần. Hồi lâu, e bất tiện, tôi cũng lui gót trở về gác trọ. Mọi người hãy còn say ngủ. Còn tôi cũng say, mà say ái tình! Ra về bụng nhớ người thương, tay vỗ thanh giường chép miệng thở than…/.

 

 

Kiệt Tấn
Số lần đọc: 2356
Ngày đăng: 28.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vĩ nhân - Trọng Huân
Gặp lại ngày xưa - Vinh Anh
Mây Khói Lên Trời - Lê Văn Thiện
Con Cưng Của Mẹ /Sinh Nhật Ông Nội Hả Bố? /Mẹ Giận /Gặp Lại Thơ Tôi - Nguyễn Tam Phù Sa
Nhạc vàng - Huỳnh Văn Úc
Những chiếc áo màu xanh da trời - Võ Thu Hương
Một Đêm Huyền Ảo - Ngô Lạp
Truyện cực ngắn liên hoàn - Nguyễn Viện
Những Mảnh Vỡ (19) - Nguyễn Thị Hậu
Những tiếng thở dài - Võ Thu Hương