Ernst Jünger ― Cổ Ngư chuyển ngữ
trích đoạn bút ký chiến trường
Bão Thép của Jünger là tác phẩm về thế chiến hay nhất mà tôi đã đọc.
André Gide
Trong những nhà văn viết về chiến tranh thế kỷ 20: Marc Bloch, Henri Barbusse, Edmund Blunden, Robert Graves… Ernst Jünger đã sớm nổi tiếng với Bão Thép, một bút ký chiến trường có thể xem đã đi trước Dấu Binh Lửa, Dọc Ðường Số Một, Mùa Hè Ðỏ Lửa của Phan Nhật Nam. Khác Paul Grawin trong Tôi đã là y sĩ tại Ðiện Biên Phủ, một tiền thân khác của Y sĩ tiền tuyến của Trang Châu trong thập niên 60, chuyên chú về những vết thương chiến tranh trên da thịt con người, Jünger vinh danh khía cạnh “thiên anh hùng ca” của người lính Ðức trước sắt thép và cái chết.
Ngày đình chiến, Jünger là một sĩ quan trẻ tuổi với huân chương chữ thập sắt mạ vàng đính kim cương cao quý nhất của Lục quân Đức. Bất mãn với cách mạng vô sản “đâm sau lưng chiến sĩ” tháng 11-1918, bất mãn với thế hệ trẻ thành thị tiêu biểu qua Rosa Luxembourg đã không biết chia sẻ những hy sinh của người lính ngoài mặt trận, Jünger xông vào văn chương bằng sức mạnh của lựu đạn, thứ vũ khí cá nhân lần đầu tiên xuất hiện trên các chiến trường Âu Châu. Với Bão Thép xuất bản năm 1920, Jünger tung lựu đạn vào một hậu phương trí trá. Ngược hẳn Eric Maria Remarque, một nhà văn Ðức cùng thời, cùng khởi nghiệp văn từ trong các chiến hào đẫm máu với Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh, Về Sau, hay Chiến Hữu đã chọn tố cáo những hủy hoại vô ích của chiến tranh, những mất mát vô hình mãi mãi đục khoét và gây tàn phế tâm tư người lính, Bão Thép của Jünger tiểu biểu cho suy nghĩ của một tầng lớp thanh niên đã cầm súng, trong không khí khủng hoảng kinh tế và khát vọng tìm lại danh dự quốc gia của một nước Ðức bại trận đã bắt đầu vang dậy bước chân của các Đoàn Thanh niên Xung kích Phát xít.
Cũng như Phan Nhật Nam về sau, Ernst Jünger thời kỳ đầu không hành văn, chỉ ghi lại giữa các trận đánh những suy nghĩ của người lính khi đối mặt kẻ thù, khi gồng gánh trên vai cả hậu phương lẫn tổ quốc. Chân thật là tính chất đầu tiên làm nên giá trị Bão Thép, một giá trị sẽ được chính những kẻ thù bên kia rào kẽm gai của các phòng tuyến Somme, Flandres, Langemark và Douaumont chia sẻ. Thống chế Alphonse Juin, tổng tham mưu trưởng lục quân Pháp sẽ là người viết tựa cho Bão Thép một trong những lần tái bản. Jünger chỉ bắt đầu thay đổi suy nghĩ khi bước sang thế chiến thứ hai, cho dù không hề kết án những người lính hào hùng của Bão Thép, độc giả cũng không bao giờ còn gặp lại những hưng phấn tương tự trong các bút ký viết trong thời gian 1939-1945, như thể Jünger đã chôn cất chúng vào giữa tro than xương máu của bao nạn nhân.
‘‘Khi biết rõ những trường hợp cá nhân và khi phải nghi ngờ số tội ác đã hoàn tất trong những mộ địa thì người ta khám phá ra nỗi đau khổ cao vọt tới ngần ấy, nó tước hết can đảm. Tôi đâm ghê tởm những binh phục, cấp bậc, huân chương, khí giới, thứ mà tôi đã từng say mê ánh sáng mạ kền chiếu ngời’’ [1].
Nếu trong Nhật ký Paris thứ nhất, Jünger đã ghi lại sự phản tỉnh của mình, thì trong quá khứ, nhà văn đã xuất bản ba chứng từ về cuộc chiến 1914-1918, ghi chép từng sự kiện mình đã sống qua, đã xảy ra ngày một, một loại nhật ký của người lính tuyến đầu và của sĩ quan trẻ chỉ huy phản kích. Bão Thép là chứng từ đầu tiên khởi đi từ mùa đông1914 và chấm dứt vào mùa thu 1918. Chứng từ thứ nhì Cột Mốc 125[2] là mặt trận kéo dài trong vài tuần lễ, tiếp theo Lửa và Máu[3], một cuốn sách gom cô lại bao nhiêu sự kiện xảy ra trong vài ngày, thậm chí vài giờ. Ngoài bộ ba này, còn có tiểu luận Chiến tranh như một kinh nghiệm nội tại[4] và một thử nghiệm dưới dạng tiểu thuyết về những gì ghi chép trong nhật ký: Trung úy Sturm[5].
Thực ra, các tác phẩm Jünger công bố trước quần chúng thời Ðệ nhất thế chiến vừa tàn lụi không hẳn là sự chuyển sao trực tiếp từ nhật ký. Tổng cộng trong quá trình văn nghiệp, Jünger đã viết lại bảy lần Bão Thép. Thay đổi liên tục này, ngoài sự thể hiện việc đi tìm sự hoàn chỉnh cho văn bản, còn là một ý thức đã nhen nhúm trong lòng Jünger sau khi Hitler lên nắm chính quyền. ‘‘Phải bỏ bớt những gì có thể xem như rao giảng cho Ðảng’’. Julien Hervier, giáo sư văn chương và dịch giả, đã nêu ra một thí dụ: Trong Lửa và Máu, ở đoạn nhắc đến địch thủ và kích động việc chuẩn bị hạ sát hắn, Jünger đã đổi lại bản viết trước: ‘‘Nhanh! Gấp lên! Phải giết hắn! Bây giờ chỉ còn sự đền tội, sự hoàn tất và hạnh phúc: Máu phải đổ. Chúng ta sắp sửa thực hành và nghiệm trước một nỗi vui ma qủy, chúng ta sẽ chứng tỏ mình là kẻ mạnh nhất, không ai thắng nổi. Ðợï đó, thần chết!’’ thành bớt sôi sục hơn trong bản cuối cùng: ‘‘Nhanh! Nhanh lên! Trong chốc lát, chúng ta sẽ nhìn thẳng vào mắt địch thủ. Chúng ta đã chiến thắng sự kháng cự mãnh liệt của hắn và chúng ta sẽ ban tặng cho hắn cái chết’’6. Trên con đường văn chương, những xét lại này hẳn nhiên là kết quả trăn trở của một nhà văn đầy ý thức. Người lính trẻ điên cuồng nhiệt huyết mang đầy thương tích cũng như huân chương ở thời hai mươi tuổi đã khác xa. Người lính đã thức tỉnh, như cả thế hệ thanh niên ấy, bởi nghiệm sinh từ cuộc chiến tranh kỹ nghệ càng tân tiến lại càng tàn khốc. Cũng từ một mặt trận miền Tây, năm 1942, Jünger ghi: "Tôi lại tự hỏi, dù sao đi nữa, chắc sẽ không tốt gì nếu tôi đến thăm những nơi ghê rợn này, như một chứng nhân, để thấy và để nhận ra đâu là kẻ giết người, đâu là nạn nhân"...
Văn nghiệp Ernst Jünger, là văn nghiệp của một nhà văn không ngừng đặt lại những giá trị xã hội mà phạm trù tổ quốc không đủ che chắn tội ác.
Trích đoạn Bão Thép, do dịch giả Cổ Ngư (sinh 1963, tên thật Nguyễn Linh Quang) chuyển ngữ từ bản dịch Pháp văn Orages d’Acier của Henri Plard, nxb Christian Bourgois, 1995.
[Trần Vũ & Mai Ninh]
Trận xung kích cuối cùng
[…]
Ngày 30 tháng 7 năm 1918, chúng tôi dưỡng quân tại Sauchy-Lestrée, một viên ngọc cuả vùng Artois, nước trong leo lẻo. Vài ngày sau, chúng tôi di chuyển đến Escaudoeuvres, một khu ngoại ô cuả công nhân, eo sèo đến nỗi thành phố Cambrai[6] thanh lịch không thèm ngó ngàng đến. Tôi tạm trú ở đường Bouchers, trong gian chính cuả một ngôi nhà công nhân, như người ta thường thấy ở miền Bắc nước Pháp. Có một chiếc giường khổng lồ, theo truyền thống cuả vùng; lò sưởi với bệ trưng vài bình thuỷ tinh xanh đỏ; một bàn tròn, mấy cái ghế; hai ba tấm tranh in màu cuả Familistère, loại «Vui đến trường» hoặc «Kỷ niệm ngày rước lễ lần đầu»; bưu thiếp gắn trên tường, tất cả những thứ đại loại như vậy tạo nên khung cảnh. Cưả sổ mở về phiá nghiã trang.
Những đêm rằm, trời trong, tạo điều kiện cho máy bay địch hoạt động; các cuộc tấn công ngày càng dữ dội khiến chúng tôi nghĩ đến sự vượt trội về quân cụ cuả đối phương. Hàng đêm, nhiều phi đội bay qua, thả xuống Cambrai và vùng phụ cận những khối bom với sức nổ đáng ngại. Phần tôi, bị tiếng vo vo cuả động cơ máy bay và từng chuỗi tiếng nổ vang vang quấy rối thì ít, nhưng lại đinh tai nhức óc vì sự náo động cuả mấy người chủ nhà, bán sống bán chết chạy xuống hầm trú ẩn. Ðúng là, một ngày trước khi tôi đến trọ, một quả bom rơi ngay trước cưả sổ, hất văng ông chủ nhà đang ngủ say xuống đất, dứt đứt một trụ giường và ghim đầy mảnh lên tường. Nhưng cũng chính vì thế mà lại cảm thấy an toàn, vì tôi cũng hơi tin nhảm như bọn lính cụ, cho rằng: Chắc ăn nhất là nấp trong những hố bom vưà mới bị xới lên.
Sau một ngày nghỉ ngơi, khoá học lại tiếp tục đều đặn. Thực tập, lý thuyết, bàn thảo, kiểm tra chiếm gần hết thời gian trong ngày. Lương thực, thêm một lần nữa, thiếu thốn, với chất lượng kém. Trong suốt thời gian này, khẩu phần tối chỉ gồm toàn dưa chuột, mà lính tráng gắn ngay cho một cái nhãn rất tếu: «Dồi vườn». Tôi dồn sức vào việc thành lập một tổ xung kích, bởi càng trải qua nhiều lần chạm súng, nhận thức cuả tôi càng rõ rệt hơn về mối tương quan quân số, đang dần dần thay đổi trong lực lượng quân đội. Một tổ xung kích đúng nghiã chỉ cần trông cậy vào một nhóm nhỏ, gồm những chiến binh với chí khí sắt thép, trong khi đám đông nối gót theo sau chỉ được tính thêm vào nhờ hoả lực cuả họ. Trong những điều kiện như vậy, đứng đầu một nhóm quả cảm hơn hẳn việc có trong tay cả một đại đội đã thối chí, ngã lòng.
Tôi cũng dành thời gian để đọc sách, bơi lội, bắn bia và tập ngưạ. Tôi thường xuyên có dịp, chỉ trong vòng một buổi trưa, bắn hơn một trăm viên đạn vào đích nhắm, là chai lọ hay lon đồ hộp. Trong những buổi cưỡi ngưạ đi dạo, tôi nhặt về từng gói truyền đơn mà địch, trong kế hoạch tâm lý chiến, rải xuống ngày càng nhiều. Thường thường, mấy tờ truyền đơn này nói bóng gió chuyện chính trị hay quân sự, hoặc tuyên truyền bằng những hình vẽ ngây ngô về sự huy hoàng trong đời sống cuả các trại giam tù binh cuả bọn Anh. Một tờ truyền đơn có nội dung như sau: «Này, chỉ nói chuyện này giữa chúng mình với nhau thôi nhé, sau buổi tải lương tải đạn hay đào hào đắp luỹ, lợi dụng lúc trời nhập nhoạng tối, bạn đào ngũ dễ ẹt!». Một tờ khác còn trích cả bài thơ cuả Schiller về nàng Albion tự do[7]. Ðịch lợi dụng khi thuận gió, thả bóng bay xuống mặt trận, có cột từng bó truyền đơn với những sợi dây dễ cháy. Trong chốc lát, dây đứt, truyền đơn rải tung. Việc thưởng ba mươi xu cho ai đem nộp một tờ truyền đơn chứng tỏ bộ chỉ huy tin vào tác hại cuả chiến dịch này. Cũng cần phải nói thêm, tiền chi trả cho chuyện thu hồi truyền đơn lại rút ra từ túi dân chúng vùng chiếm đóng.
Một buổi trưa, tôi phóng xe đạp về tận Cambrai. Cổ thành trống rỗng. Hàng quán đóng im ỉm. Ðường phố như chết rũ, dù bóng quân phục xám vẫn dập diù qua lại. Tôi tìm gặp ông bà Plancot, đã cho tôi ở trọ trong nhà họ năm ngoái; họ vô cùng mừng rỡ khi thấy tôi ghé thăm. Ông bà Plancot than thở: Cambrai bây giờ tệ lắm, nhất là từ khi máy bay cứ kéo đến thường xuyên, khiến họ, có khi nhiều lần trong đêm, cứ phải nhào xuống lộn lên cầu thang, vưà chạy vưà cãi nhau xem, nếu mà bom rơi, nhà sập, thì chết ở đâu sướng hơn, trong hầm rượu thứ nhất hay dưới hầm rượu thứ nhì. Tôi thật tình xót xa cho những người thị dân già nua này, với gương mặt lộ rõ vẻ lo âu. Vài tuần sau, khi đến phiên đại bác nhập cuộc, họ phải vội vàng từ bỏ ngôi nhà mà cả đời đã sống ở đấy.
Ngày 23 tháng 8, khoảng mười một giờ đêm, vưà mới yên giấc, tôi vội giật mình thức dậy vì những tiếng đập cưả dữ dội. Một liên lạc viên đem đến lệnh hành quân. Buổi chiều, từ phiá mặt trận, chúng tôi đã nghe dội lên những tiếng rền rền, thình thình đều đặn nhưng mãnh liệt khác thường cuả đại bác. Ðiều này báo trước, ngay từ giờ cơm hay lúc ngồi chơi bài, rằng chúng tôi khó có hy vọng được nghỉ ngơi lâu. Cho cái tiếng ùng ục cuả cà nông từ xa vọng lại ấy, chúng tôi đã chế ra một tiếng lóng, rất tượng thanh es wummert (ùm oàm). Chúng tôi vội vàng thu xếp quân trang và tập họp trên đường về Cambrai, đúng lúc một cơn giông kéo mưa rào ập xuống. Lúc năm giờ sáng, chúng tôi có mặt tại điểm tập kết Marquion. Ðại đội kéo vào trú trong một trang trại lớn, có dãy chuồng ngưạ bỏ phế bao quanh, rồi, mạnh ai nấy tìm chỗ nghỉ lưng. Cùng với trung uý Schradel, viên sĩ quan duy nhất cuả tôi ở đại đội, chúng tôi len lỏi giữa một đống gạch vụn toả mùi hăng hắc. Chắc nơi này trước đây dùng để nuôi dê, nay chỉ còn vài gã chuột kềnh trú ngụ.
Trưa, trong buổi họp sĩ quan, chúng tôi được thông báo: Ngay trong đêm, sẽ phải ra chiến tuyến, nằm phiá bên phải con đường nối Cambrai-Bapaume, không xa Beugny lắm. Chúng tôi được lệnh chặn đứng một cuộc tấn công cuả loại chiến xa mới, xoay trở nhanh và được điều khiển khéo léo.
Tôi ứng đọc huấn lệnh trước đại đội trong một vườn cây ăn trái. Ðứng dưới gốc táo, tôi nói vài lời với thuộc cấp, đang quây chung quanh theo hình bán nguyệt. Gương mặt họ rắn đanh lại. Chẳng có gì nhiều nhặn để nói. Mấy ngày gần đây, hầu như ai cũng nhận ra rằng chúng tôi đang trượt xuống dốc. Trong mỗi lần tấn công, địch lại đem ra chiến trường những thứ vũ khí ngày càng lợi hại. Chúng tôi biết không thể nào thắng nổi nữa rồi, nhưng kẻ thù cũng cần phải thấy: ý chí cương cường cuả quân đội Ðức chưa đến nỗi tiêu biến hẳn đâu.
Trong vùng ánh sáng lờ mờ ma quái, cùng với tiếng xe lắc lư loảng xoảng, chúng tôi vượt qua mảnh đất bị cày xới vì trận Cambrai hồi năm ngoái, rồi đội hình uốn khúc giữa hai đống đổ nát, trên những con đường xuyên qua nhiều khu thị trấn tan hoang. Ngay trước Beugny, chúng tôi đổ quân và nhận cứ điểm, nằm dọc theo một con lộ trũng, gần đường nối Beugny-Vaux. Buổi sáng, một liên lạc viên chuyển lệnh phải đưa đại đội tiến sát đến đường Frémicourt ở Vaux. Những cuộc tiến quân từng chặng này khiến tôi đoan chắc rằng, chúng tôi sẽ lao vào trận chiến đẫm máu trước khi trời tối. Tôi dẫn ba trung đội đi hàng một theo hình chữ chi qua khoảnh đất mà mấy chiếc máy bay quần đảo liên tục và thả xuống nào bom nào tạc đạn. Ðến nơi đã định, chúng tôi rải ra, trú trong những hốc, hang, hố lòng chảo, vì thỉnh thoảng, một vài trái phá lại rót xuống mặt đường. Mệt mỏi, tôi chúi vào một góc chiến hào và thiếp đi. Khi thức giấc, tôi lôi quyển Tristram Shandy trong túi tài liệu ra đọc dưới nắng trưa ấm áp, an nhàn như một người vưà ốm dậy.
Sáu giờ mười lăm, một liên lạc viên đem lệnh gọi cuả đại uý von Weyhe, triệu tập các đại đội trưởng. «Tin quan trọng đây, mấy ông: Chúng ta tấn công. Tiểu đoàn xung trận lúc bảy giờ, sau ba mươi phút nã đạn liên tục cuả pháo binh, lấy điểm khởi hành là rià tây cuả làng Favreuil. Cứ nhắm tháp chuông Sapignies mà tiến.» Sau khi bàn cãi đôi điều và bắt tay nhau thật chặt, chúng tôi chạy vội về các đại đội, vì chỉ còn mười phút nữa là đến giờ khai hoả, mà chúng tôi còn phải vượt cả một quãng đường dài. Tôi báo ngay cho các trung đội trưởng biết và ra lệnh tập họp. «Ðội hình dọc hàng một, cách nhau hai mươi thước. Mục tiêu xiên bên trái: Ðỉnh những hàng cây cuả làng Favreuil.» Khi tôi đề nghị chọn một người giữ nhiệm vụ đoạn hậu và liên lạc với quân xa, không ai chiụ xung phong cả, điều này chứng tỏ tinh thần binh sĩ vẫn còn vững vàng. Cùng với Reinecke, sĩ quan tham mưu cuả đại đội, người biết rõ điạ thế cuả vùng này, chúng tôi dẫn đầu đội hình. Ðạn pháo nổ tung sau các dậu cây và những đống đổ nát. Chúng giống những tiếng suả hung tợn hơn là ngọn thuỷ triều ập đến để cuốn trôi đi tất cả. Sau lưng chúng tôi, binh đội răm rắp tiến bước. Quanh họ, bom rơi, bụi bốc; những khối nổ tròn xoay, vỏ trái phá, cánh phi đạn rú rít xuyên ngang giữa hàng quân. Bên phải là Beugnâtre, đang bị pháo dập, có những mảnh sắt vụn rung bần bật văng đến tận chỗ chúng tôi, cắm phập vào đất sét. Vượt qua đoạn đường từ Beugnâtre đến Bapaume, việc chuyển quân càng gặp thêm nhiều khó khăn. Bất chợt, một chuỗi trái phá vỡ bùng trước mặt, sau lưng và ngay giữa hàng ngũ chúng tôi. Mọi người nhảy tránh tán loạn, nằm dán sấp người xuống hố trũng. Tôi khuỵu chân đúng vào một bãi thải cuả ai đó vưà vãi ra, và viên sĩ quan tuỳ tùng vội vã dùng dao gạt phăng ngay. Khói lưả phủ kín rià làng Favreuil. Những cột đất nâu luân phiên phun toé lên, văng tung xuống. Tôi lao đến đống gạch vụn đầu tiên để tìm vị trí, rồi vung gậy chỉ huy, ra hiệu tiến quân. Quanh làng, những trạm nghỉ chân lỗ chỗ đầy vết đạn. Tại đó, từng nhóm, từng nhóm cuả tiểu đoàn 1 và 2 dần dần tập họp lại. Ở chặng đường cuối, một khẩu trung liên gây vài tử vong. Từ vị trí cuả mình, tôi trông thấy một đường bụi mỏng bốc lên, thỉnh thoảng lại có một người lao vướng vào đấy như bị mắc bẫy, trong đó có cả trung sĩ Balg cuả đại đội tôi, đạn xuyên qua đùi.
Một bóng người khoác áo dạ nâu bình tĩnh vượt qua vùng bom đạn đến bắt tay tôi. Bạn đồng ngũ. Cả bọn nấp sau một hàng dậu cây bị đạn miểng chém phạt tơi tả, chuẩn bị cho một cuộc tấn công dai dẳng. Chúng tôi đã trải qua nhiều ngày chiến đấu ác liệt ngay tại đây, và lần này cũng vậy, ánh dương, dù sắp tắt nơi chân trời, sẽ còn dịp tiếp tục hâm nóng bầu nhiệt huyết cuả bọn chúng tôi. Vài phân đội cuả tiểu đoàn 1 chiếm lấy khu vườn cuả toà lâu đài. Ở tiểu đoàn 2, chỉ có đại đội cuả tôi và đại đội 5 vượt qua được bức màn lưả gần hết. Chúng tôi mở một con đường xuyên qua hầm hố và nhà cưả đổ nát, ra đến được con lộ trũng ở rià tây cuả làng. Ðường thông, tôi nhặt một cái nón sắt chụp lên đầu - hành động chỉ làm trong những trường hợp rất nguy kịch. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy làng Favreuil vắng ngắt. Rõ ràng là quân phòng thủ đã rút lui, vì, giữa những đống đổ nát, một bầu không khí kích động bắt đầu loang toả từ đất, cái thứ không khí kỳ lạ chỉ thấy được trên một mảnh đất vô chủ, giữa những lúc như thế này.
Ðại úy von Weyhe, bị thương nặng, nằm vùi một mình trong hố bom góc làng, vậy mà chúng tôi chẳng hay biết gì cả. Ông đã quyết định để đại đội 5 và đại đội 8 tấn công ở tuyến đầu, đại đội 6 sau đó và đại đội 7 cuối cùng. Nhưng, vì chẳng thấy đại đội 6 và 8 đâu hết, tôi lấy quyết định tấn công mà chẳng còn bận tâm đến chuyện chia tuyến trước sau gì nữa cả. Bảy giờ, giờ G đã đến. Giữa cảnh nhà trơ sườn, cây cụt ngọn, tôi trông thấy một hàng tân binh chạy tràn đến dưới sự hậu thuẫn yếu ớt cuả pháo binh. Ðúng là đại đội 5. Tôi sắp xếp lại đội ngũ dưới tán cây cuả con lộ trũng và ra lệnh tiến công bằng hai đợt. «Cách nhau một trăm thước. Bản thân tôi sẽ có mặt ở giữa đợt một và đợt hai.» Trận xung kích cuối cùng cuả chúng tôi. Mấy năm nay, đã bao nhiêu lần rồi, cũng với tâm trạng như thế này, chúng tôi đi về hướng mặt trời lặn. Các chiến hưũ, lại thêm một lễ hội đẫm máu đang chờ đón chúng ta.
Chúng tôi ra khỏi con lộ trũng như ra khỏi nơi thao diễn, trừ «bản thân tôi» - như cách nói khi tôi ra lệnh - gặp ngay trung uý Schrader, đang dẫn đầu đợt một. Tôi cảm thấy khá hơn một chút, nhưng trông cũng chẳng ngon lành gì cho lắm. Sau này, khi Haller đến chào tôi trước khi xuống tàu đi Nam Mỹ, anh ta kể rằng một người lính đứng kế bên đã nói với anh như sau: «Ê mày! Tao sợ bữa nay ông thầy không qua khỏi!». Chính con người kỳ lạ này, với tính tình nóng nảy, phá phách một cách đáng mến, qua câu chuyện, đã khiến tôi ngạc nhiên không ít khi biết lính tráng lại để ý từng ly từng tí một đến mối an nguy cuả thượng cấp. Thật vậy, khi đó, tôi cảm thấy yếu lắm, và thoạt đầu, cứ cho rằng thế nào cuộc tấn công cũng bị thất bại, dù, tôi rất hứng khởi khi nghĩ về nó. Ở đó, thiếu sự cuồng nộ tràn bờ cuả trận đánh lớn, phần tôi, lại cảm thấy hoàn toàn xa lạ với bản thân mình, cứ như tôi quan sát chính tôi từ xa, bằng ống nhòm vậy. Lần đầu tiên trong cuộc chiến này, tai tôi nghe được tiếng rít cuả đạn như khi chúng sượt qua một vật bất động. Quang cảnh trước mắt có độ trong suốt cuả thuỷ tinh.
Vẫn có những viên đạn lạc chíu chít quanh chúng tôi. Có thể những mảng tường phiá xa xa cuả ngôi làng đã khiến kẻ thù không trông thấy chúng tôi quá rõ nét. Tay phải nắm gậy chỉ huy, tay trái cầm súng lục, tôi sải từng bước dài, và, vì không để ý, đã bỏ lại phiá sau cả hàng tân binh cuả đại đội 5. Trong khi dấn bước, tôi cảm thấy chiến công bội tinh đeo trước ngực bị tuột rơi xuống đất. Schrader, viên sĩ quan tuỳ tùng và tôi xổng lưng loay hoay tìm kiếm, mặc dù biết có thể làm bia nhắm cho bọn xạ thủ vô hình. Cuối cùng, Schrader lôi tấm huy chương ra từ một túm cỏ, và tôi gài ngay vào ngực áo.
Bãi bằng dần. Nhiều bóng hình nhập nhoè lay động trên nền đất sét nâu đỏ. Một khẩu trung liên khạc vào chúng tôi từng băng đạn. Càng lúc, tôi càng nhận thấy tất cả đều vô ích. Dù vậy, chúng tôi vẫn sải chân chạy, trong khi đường bắn mỗi lúc một thêm chuẩn xác. Chúng tôi phóng vượt qua vài cái hố cá nhân và mấy đoạn chiến hào trước đây được dựng lên vội vã. Ðúng lúc tôi đang nhảy qua một khúc giao thông hào được đào khá cẩn thận, một cú đập mạnh vào ngực khiến tôi mất đà, rụng xuống như chim trúng đạn. Gào lên một tiếng phẫn nộ, như có thể trút hết cả không khí ra khỏi lồng ngực, tôi xoay mòng và ngã vật xuống trong tiếng tinh tang cuả kim loại.
Lần này, giũ nợ rồi. Ðúng ngay lúc cảm thấy bị trúng thương, tôi biết viên đạn đã xén đứt ngọn nguồn cuả cuộc sống. Trên đường đến Mory, tôi đã cảm nhận được bàn tay thần chết - lần này, xiết mạnh, bóp chặt. Trong khi đổ ịch xuống lòng chiến hào, tôi chắc mẩm mình sẽ không qua khỏi. Và, thật kỳ lạ, đó chính là một trong những giây phút hiếm hoi mà tôi cảm thấy thực sự sung sướng. Khoảnh khắc này, như ánh chớp loè, giúp tôi nhận ra được những ẩn mật sâu kín nhất cuả cuộc đời mình. Kinh ngạc cảm thấy nó sẽ chấm dứt ngay tại nơi đây, nhưng nỗi kinh ngạc này lại nhuốm vẻ hân hoan. Rồi, tiếng động quanh tôi giảm dần cường độ, tưạ như tôi đang rời khỏi mặt nước ầm động, chìm sâu xuống. Bây giờ, quanh tôi, chẳng có chiến tranh, không còn kẻ thù.
*
Tôi hay bắt gặp nhiều thương binh nằm thẫn thờ trên giường bệnh. Họ trở nên kỳ dị, vì sự náo động cuả trận chiến, vì niềm hăng hái cuồng nhiệt cuả đam mê loài người vẫn tiếp tục dội đập quanh họ, và tôi có thể thông hiểu được phần nào nỗi bí mật ấy.
Thời gian tôi bất tỉnh nằm sóng sượt chắc không kéo dài lâu lắm, nếu tính theo giờ khắc cuả đồng hồ - tương ứng với lúc đợt một cuả bộ đội kéo đến chiến hào, nơi tôi ngã xuống. Tỉnh dậy, tôi nằm kẹt giữa hai vách đất hẹp, đau khổ tột cùng, trong lúc tiếng gọi: «Cáng thương! Ðại đội trưởng bị rồi!» tiếp tục truyền dọc theo một đội hình những dáng người đang lom khom tràn tới. Một trung niên cuả đại đội khác cúi xuống bên tôi, khuôn mặt phúc hậu. Ông ta tháo thắt lưng, cởi áo khoác cho tôi. Hai vệt tròn láng bóng giữa ngực phải và sau lưng. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn tê liệt, bị xiềng chặt vào đất và không khí cháy bỏng cuả khe trú hẹp khiến tôi tháo mồ hôi dầm dề như đang cơn hấp hối. Vị cứu tinh dùng túi đựng tài liệu quạt mát cho tôi. Ngạt thở, tôi trông chờ bóng tối. Ðột nhiên, từ phiá Sapignies, một trận bão lưả nổ bùng. Rõ ràng là cái tiếng rền đập đều đặn không ngưng nghỉ kia chẳng nhắm vào việc xoá sổ cuộc tấn công cuả chúng tôi, vốn đã quá sui sẻo. Từ đáy chiến hào, tôi chăm bẳm nhìn lên khuôn mặt cuả trung uý Schrader, đanh lại dưới vành nón sắt, đang bắn và nạp đạn liên tục. Chúng tôi trao đổi với nhau vài lời, và cuộc trò chuyện này làm tôi nghĩ đến cảnh diễn ra trên tháp, trong vở «Trinh nữ Orléans»[8]. Nhưng phải công nhận là tôi không còn đuà cợt nổi nữa, vì biết sắp tiêu tùng đến nơi rồi. Schrader thỉnh thoảng trả lời nhát gừng từng câu một, và tôi cũng chẳng còn để ý nữa. Biết mình bất lực, tôi tìm cách đọc trên khuôn mặt cuả Schrader để đoán xem những gì đang xảy ra trên trận điạ. Hiển nhiên là địch quân đang giành lại đất, vì giữa các đồng đội cuả tôi, vọng lại tiếng xôn xao bàn tán rộ lên mỗi lúc một thêm sôi nổi về những cái bị thịt đang di động rất gần nơi phòng thủ. Ðột nhiên, như ngọn sóng thần quăng mình quật vỡ đê, một tiếng thét sợ hãi toang toé: « Chúng chọc thủng cánh trái rồi! Mình bị bao vây! » và tiếng kêu xé ấy truyền miệng từ người này sang người khác. Ðúng vào lúc đáng ngại ấy, tôi cảm thấy mình hồi phục dần, năng lượng nhen nhóm rồi bùng lên như ngọn đuốc. Tôi cố gắng móc hai ngón tay vào một cái lỗ bên vách chiến hào, vưà tầm niú, chắc do chuột khoét. Gượng dậy từ từ, trong khi máu đọng trong phổi chảy tràn qua mấy vết thương. Vậy mà tôi lại thấy đỡ hơn. Ðầu trần, áo phanh ngực, súng cầm tay, tôi quan sát trận chiến. Giữa những bụm khói trắng đục loang dài, một đoàn chiến binh trang bị nặng nề chạy lên phiá trước. Vài người ngã xuống không động cưạ, một số khác lăn tròn như mấy con thỏ trúng thương. Những người lính còn lại mất hút trong vùng đất trũng, cách chúng tôi chừng trăm thước. Chắc đây là một toán lính mới nhập ngũ, chưa từng có dịp thử lửa, vì họ tỏ ra hết sức dũng cảm, thứ dũng cảm cuả những kẻ thiếu kinh nghiệm chiến trường.
Như được kéo bằng dây, bốn chiếc chiến xa bò lên đỉnh một nếp đất. Chỉ vài phút sau, pháo binh bắn chúng bẹp dí xuống. Một chiếc bị xẻ làm đôi như món đồ chơi làm bằng thiếc. Phiá bên phải, chuẩn uý Mohrmann lăn tròn, gào lên hấp hối. Người lính ấy có sự dũng cảm cuả loài mãnh sư; tôi đã nhận thấy điều đó trong trận chiến ở Cambrai. Một viên đạn vào giữa trán bắn anh ngã gục, chuẩn xác hơn viên đạn đã làm tôi bị thương trước đây, và được chính anh băng bó.
Tình hình chưa đến nỗi phải bó tay. Tôi bảo nhỏ chuẩn uý Wilsky: Trèo lên mé trái và xả trung liên vào ổ phục kích cuả địch. Anh ta quay lại gần như tức thời và báo cho biết, cách chúng tôi chừng hai mươi thước, mọi người đều đã đầu hàng hết cả rồi. Chỉ có vài phân đội cuả một trung đoàn khác là còn kháng cự mà thôi. Khi đó, bàn tay trái tôi niú lấy túm cỏ như biú vào bánh lái tàu. Bọn Anh, một bộ phận đã vượt qua vùng hào luỹ, chạm vào cánh trái cuả chúng tôi; toán quân theo sau đợt này vượt lên trước, lưỡi lê cắm đầu nòng súng. Trước khi nắm vững sự khẩn cấp cuả tai hoạ, tôi lại thêm phân tâm vì hết sức bị bất ngờ: Một bọn địch khác công hãm từ sau lưng, kèm theo cả hàng binh, hai tay giơ cao khỏi đầu. Như vậy, kẻ thù đã lọt được vào làng ngay khi chúng tôi vưà lao vào cuộc phản công. Bây giờ, chúng đang xiết lại, cắt đứt liên lạc giữa bọn tôi và hậu cứ. Càng lúc càng náo loạn thêm. Một vòng lính Anh và cả lính Ðức vây lấy chúng tôi, kêu gọi buông vũ khí. Hỗn loạn như cảnh chìm tàu. Bằng giọng thều thào, tôi gắng khích lệ binh sĩ tiếp tục chiến đấu. Họ bắn vào kẻ thù và vào cả hàng binh nữa. Một vòng tròn đan bằng những khuôn mặt câm lặng hoặc gào thét xiết lại quanh toán quân nhỏ nhoi cuả chúng tôi. Bên trái, hai gã Anh khổng lồ đâm xục lưỡi lê vào một góc chiến hào, nơi có những bàn tay giơ lên cầu khẩn. Ngay trong hàng ngũ chúng tôi, cũng đã vang lên những tiếng kêu xóc óc: «Chẳng còn nghiã lý gì nữa cả! Buông súng thôi! Ðừng bắn nữa, anh em ơi!» Tôi liếc nhìn hai người sĩ quan đang đứng cạnh bên, trong chiến hào. Họ trả lời tôi bằng một nụ cười, nhún cao vai và tháo thắt lưng với bao súng ném xuống đất. Tôi chỉ còn biết chọn lưạ giữa, hoặc bị bắt, hoặc ăn đạn. Trèo lên khỏi chiến hào, cứ như trong một cơn ác mộng, tôi thất thểu đi về phiá Favreuil, với cảm tưởng chân mình cứ bị dính chặt vào đất. Ðiều thuận lợi duy nhất, có lẽ là hoàn cảnh lộn xộn lúc đó: Ở nơi này, người ta trao đổi thuốc lá, còn chỗ nọ, thiên hạ tiếp tục đè nhau ra cắt cổ. Hai tên Anh, đang dẫn độ một nhóm tù binh về phiá phòng tuyến cuả họ, chặn tôi lại. Tôi dí súng vào người một đưá, lảy cò. Thằng kia bắn sượt qua tôi. Sự cố gắng hết sức bình sinh này giật bật máu ra khỏi phổi. Tôi có thể hít thở dễ dàng hơn và bắt đầu chạy dọc theo chiến hào. Khuất sau một lối rẽ, thấy trung uý Schlager ngồi xổm giữa một nhóm xạ thủ. Họ chạy đến bên tôi. Vài tên Anh, đang băng qua chiến điạ, dừng ngay lại, dùng khẩu súng máy Lewis nhắm bắn chúng tôi. Chỉ trừ tôi, Schlager và hai người nữa thoát chết, còn tất cả đều ngã gục. Schlager, cận nặng lại để mất kính, sau này, kể lại cho tôi nghe rằng: Lúc đó, anh ta chẳng nhìn thấy gì cả, ngoài cái túi tài liệu cuả tôi cứ nhấp nhổm lên xuống trước mắt. Còn tôi, vết thương tuôn máu đầm đià lại cho tôi nét phóng khoáng và sự nhẹ nhàng cuả cơn say; tôi chẳng còn gì để lo lắng nữa cả, ngoài viễn cảnh sẽ phải ngã xuống quá sớm.
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được một vùng đất đắp cao, hình bán nguyệt, phía bên phải cuả Favreuil; nửa tá trung liên khạc từng tràng lẫn lộn vào cả ta lẫn địch. Chắc ở đây phải có lối thoát, hay ít nhất, một ổ kháng cự trong vòng vây kẻ thù. Vận may đã dẫn chúng tôi đến đây. Tạc đạn địch rơi giập vào cát trên luỹ phòng thủ, sĩ quan gào lệnh, lính giận điên, chạy đi chạy lại như những cơn lốc. Một hạ sĩ quan cáng thương cuả đại đội 6 giật tung áo khoác và khuyên tôi nằm ngay xuống, nếu không muốn bị cạn sạch máu trong chốc lát. Rồi người ta cuốn tôi vào một tấm vải lều và lôi dọc theo ven làng Favreuil. Vài binh sĩ đại đội tôi và đại đội 6 đi theo hộ tống. Ngôi làng đã lúc nhúc lính Anh, và không thể tránh khỏi chuyện chúng núp bắn bọn tôi từ rất gần. Những viên đạn bập sâu vào thân người. Anh cáng thương cuả đại đội 6 nắm góc sau tấm vải lều bị bắn ngay vào đầu. Tôi lăn xuống theo anh ta. Binh sĩ cuả tôi nhào sấp xuống đất, và, giữa những lằn roi đạn quất, họ bò dần về vùng đất trũng gần nhất. Còn trơ lại một mình trên trận điạ, bị cột chặt vào tấm vải lều, gần như lãnh đạm, tôi đợi một viên đạn đến để kết thúc cuộc phiêu lưu thú vị này. Vậy mà, ngay cả trong tình huống tuyệt vọng, tôi cũng không bị bỏ rơi; lính vẫn trông chừng và lại gắng sức cưú tôi. Nghe tiếng binh nhất Hengstmann, một anh chàng cao lớn tóc vàng vùng Saxe Hạ, nói sát bên tôi: « Tôi cõng trung uý trên lưng nhé! Nhất chín, nhì bù thôi! » Khổ thay, chúng tôi không thoát nổi; ven làng, bao nhiêu là súng chiã vào chúng tôi. Hengstmann soải chân chạy, còn tôi quặp hai tay vào cổ anh. Ngay tức khắc, súng nổ từng tràng, nghe to như khi ta đứng gần những bia tập bắn một trăm thước trong xạ trường. Nhảy được vài bước, một tiếng rít sắc mảnh vút trúng đích, Hengstmann ngã xuống nhẹ nhàng dưới thân thể tôi. Anh ngã xuống không gây một tiếng động, nhưng tôi có cảm tưởng: Cái chết đã chụp lấy Hengstmann ngay trước cả khi chúng tôi chạm đất. Tôi gỡ mình ra khỏi đôi tay vẫn còn nắm chắc cuả Hengstmann, thấy một viên đạn đã xuyên qua nón sắt và hai bên thái dương. Người lính anh dũng này là con trai một giáo chức ở Letter, gần thành phố Hanovre. Ngay lúc bắt đầu có thể đi đứng trở lại được, tôi đã tìm đến gia đình và kể lại cho họ nghe về những giây phút cuối cuả anh.
Vậy mà, lại thêm một người nữa tìm cách cứu tôi. Ðó là Strichalsky, trung sĩ cứu thương lưu động. Anh vác tôi lên vai, và, trong khi lại thêm một tràng đạn nữa veo véo ngang tai, chúng tôi đã thoát được đến một hố nấp gần đấy. Ðêm xuống. Ðồng đội tìm được tấm vải lều khác và khiêng tôi qua một mảnh đất chết, nơi lúc xa lúc gần, nổ bùng lên những ngôi sao sáng rỡ tua tủa đỉnh nhọn hoắt. Ở đó, tôi đã trải qua cái kinh nghiệm khủng khiếp khi cảm thấy mình phải co quắp người lại để thở. Một người hút thuốc đứng cách mười bước cũng làm tôi nghẹt thở. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được một trạm cấp cưú, nơi bác sĩ quân y Key, bạn tôi, đang lo giải phẫu. Anh pha cho tôi một ly nước chanh ngon lành và chích một mũi morphine để gây mê.
Ngày hôm sau, mọi việc dần dần trở lại bình thường. Cuộc rượt đuổi điên cuồng theo xe cứu thương bắt ý chí tôi phải khứng chiụ sự thử thách cuối cùng, đầy cam go này. Rồi tôi được chuyển qua tay các nữ y tá, được đọc tiếp quyển Tristram Shandy, bị gián đoạn lúc lệnh tấn công được ban ra. Sự uỷ lạo tinh thần đã an ủi tôi trong giai đoạn bệnh tái phát, đặc trưng cuả những vết thương ở phổi. Binh lính và sĩ quan cao cấp cuả sư đoàn ghé thăm tôi. Có điều, tất cả những người tham gia vào cuộc tấn công ở Sapignies, hoặc đều đã chết, hoặc như Kius, bị quân Anh bắt làm tù binh. Khi những quả tạc đạn đầu tiên cuả kẻ thù, lấn dần đất và rơi xuống Cambrai, ông bà cụ Plancot gửi cho tôi một lá thư với lời lẽ dễ thương, một hộp sữa đặc, mà họ nhịn, để dành cho tôi, và quả dưa gang duy nhất hái được trong vườn nhà. Viên sĩ quan tuỳ tùng cũng hết lòng như những người tiền nhiệm; anh luôn ở sát bên tôi, dù không được cấp lương thực và phải mò đến bếp trại xin ăn.
Ðể xua đuổi nỗi buồn chán khi phải nằm liệt giường, người ta phải tự tìm cách để giải trí; vì vậy, một ngày kia, tôi giết thì giờ bằng cách đếm cho bằng hết các vết thương. Kiểm điểm lại cái mớ hỗn độn nào vết bầm, nào đường rạch, tôi thấy mình bị ít nhất là mười bốn vết thương, gồm năm viên đạn súng trường, hai mảnh trái phá, một viên phi đạn, bốn miểng lưụ đạn, thêm hai mảnh vỡ cuả đạn súng trường nữa, đã để lại cho tôi, tính cả lỗ vào lẫn đầu ra, một tổng số chính xác hai mươi vết sẹo. Trong cuộc chiến này, nơi lửa đạn phóng tuôn vào khoảng không nhiều hơn là nhắm trúng vào con người, vậy mà bản thân tôi đã thành công trong việc thu hút từng ấy thứ vào da thịt mình. Vì thế, tôi không ngại ngùng chút nào khi đeo lên quân phục Huy chương vàng Thương binh, được trao tặng trong những ngày này. Hai tuần sau, tôi nằm lơ lửng trên một chiếc giường treo trong chuyến xe lửa tải thương. Ðất Ðức bắt đầu nhuốm sắc thu. Tôi sung sướng được xuống thành phố Hanovre[9], ngụ tại tu viện dòng Clémentines. Trong bao nhiêu người tức tốc tìm đến thăm, tôi hết sức vui mừng được gặp lại em trai; chú cao hơn sau lần bị thương, nhưng phần thân phải, bị huỷ hoại nhiều, đã không tăng trưởng được. Bạn đồng phòng với tôi là một phi công trẻ cuả phi đội Richthofen, tên Wenzel, có thân thể cao lớn, mang dáng dấp phong trần, vóc vạc mà đất nước chúng tôi không ngừng sản sinh. Anh đã làm rạng danh câu châm ngôn cuả phi đội: «Không bị thủng, nhưng đâm!» và trong các cuộc không chiến, đã bắn hạ được mười hai đối thủ, trước khi bị chiếc chót bắn gãy xương cánh tay. Cùng với anh ta, em trai tôi và vài người đồng đội nữa, đang đợi tàu lính, tôi tổ chức ăn mừng buổi xuất viện đầu tiên ở câu lạc bộ sĩ quan cuả cưụ trung đoàn vệ binh thành phố Hanovre. Vì mọi người nghi ngờ vào khả năng chiến đấu cuả chúng tôi, nên chúng tôi phải phục hồi danh dự bằng cách trèo lên một chiếc ghế dưạ khổng lồ từ nhiều phiá khác nhau. Thật sui sẻo: Wenzel bị gãy tay, và sáng hôm sau, tôi nằm bẹp trên giường, sốt cao đến bốn mươi độ, rồi còn tệ hơn nữa: Khúc đồ nhiệt độ cứ tấn công mãi về phiá hồng tuyến, nơi mà vượt qua đó, đến ngay cả Esculape[10] cũng đành bó tay. Khi ấy, người ta mất đi khái niệm về thời gian; trong khi các nữ y tá tìm cách hồi sinh, tôi nằm dài, đắm mình vào từng cơn mê sảng đầy những điều thú vị.
Trong khoảng thời gian đó, vào ngày 22 tháng 9 năm 1918, trung tướng von Busse gửi cho tôi một bức điện tín với nội dung như sau: «Ðức Hoàng thượng tưởng thưởng trung uý Huân công Bội tinh[11]. Ðại diện cho toàn thể sư đoàn, tôi gửi đến trung uý lời khen ngợi nồng nhiệt».
[…]
Ernst Jünger
Cổ Ngư chuyển ngữ 2004
[2] Le Boqueteau 125, E. Junger, 1925
[3] Feu et Sang, E. Junger, nxb Christian Bourgois, 1998
[4] La guerre comme expérience intérieure, Ernst Junger, 1922
[5] Lieutenant Sturm, E. Junger, 1923
[6] Cambrai: Thành phố miền Bắc-Pháp, chuyên về kỹ nghệ dệt, cơ khí, thực phẩm
[7] Schiller (1759-1805): Tác giả Ðức cuả những bi kịch lịch sử và nhiều thơ trữ tình. Albion: Tên gọi cuả Anh quốc, có từ thời các vua Ptolémée, trị vì Ai Cập cổ đại
[8] Trinh nữ Orléans: bi kịch lịch sử (1801) cuả Schiller, hồi V, cảnh XI. Jeanne d’Arc, nữ anh hùng Pháp, bị xiềng trong tháp. Một người lính Anh, có nhiệm vụ canh giữ Jeanne, quan sát trận chiến và thuật lại cho cô nghe mọi diễn tiến (ghi chú cuả Henri Plard)
[9] Hanovre: Thủ đô cuả vùng Saxe Hạ, trên bờ sông Leine, là một trong những trung tâm thương mại và kỹ nghệ quan trọng cuả Ðức
[10] Esculape: Thần Y cuả La Mã, tương đương Asclépios trong thần thoại Hy-Lạp
[11] Huân công Bội tinh bắt đầu cấp vào năm 1740 dưới thời hoàng đế Frédéric II; từ 1810 đến 1918 chỉ ban thưởng cho quân nhân. Từ năm 1842, cũng có một dạng Huân công Bội tinh cho các ngành Văn chương & Nghệ thuật. Không viết ra, nhưng Junger cho phép tiết lộ: Ông là một trong 14 trung uý cuả toàn thể quân đội Ðức đã nhận tước hiệu vô cùng cao quý này. Chính thống chế Hindenburg cũng công nhận đã làm một việc ngoại lệ khi phê chuẩn một vinh dự quá lớn lao cho Junger, một viên sĩ quan trẻ mới 23 tuổi (ghi chú cuả Henri Plard)