Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.278
123.158.552
 
Lễ Hội Phước An Miếu (Phường Chánh Nghĩa, ThỊ Xã Thủ Dầu Một, TỈnh Bình Dương)
Đinh Văn Hạnh

NGƯỜI HOA Ở CHÁNH NGHĨA-THỦ DẦU MỘT

 

Bình Dương nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, giáp Bình Phước phía bắc, thành phố Hồ Chí Minh phía nam và tây nam, Tây Ninh phía tâyphía đông giáp Đồng Nai. Thị xã Thủ Dầu Một là tỉnh lỵ của Bình Dương, chỉ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chừng 30km[1]. Cùng với các tỉnh thành láng giềng, Bình Dương đã góp phần tạo nên vùng kinh tế trọng điểm, phát triển năng động nhất Việt Nam hơn hai thập niên trở lại đây.

 

Bình Dương có diện tích tự nhiên 2695,5 km². Theo kết quả điều tra dân số 01-04-2009, Bình Dương có 1.482.636 người, với mật độ dân số 550 người/km². Do kinh tế phát triển nhanh, với 13 khu công nghiệp đang hoạt động, những năm qua Bình Dương thu hút nhiều dân nhập cư từ các địa phương khác. Kết quả điều tra dân số năm 2009 cho thấy: trong 10 năm (1999-2009) dân số tỉnh Bình Dương đã tăng gấp đôi, là tỉnh có tốc độ tăng dân số (cơ học) cao nhất nước với tỷ lệ tăng trung bình 7,3%/năm. Cũng cần biết thêm rằng lúc mới thành lập tỉnh, 6-11-1996, Bình Dương chỉ có 646.317 người. Những con số trên cho thấy sự sôi động trên bước đường phát triển của Bình Dương những năm qua và không thể nói điều đó không ảnh hưởng đến công tác tồn và phát huy di sản văn hóa tương ứng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương.

 

Bình Dương có 15 dân tộc, nhưng đông nhất là người Kinh và sau đó là người Hoa, người Khmer.

Bình Dương có nhiều sông lớn chảy qua, nhưng quan trọng nhất là sông Sài Gònsông Đồng Nai. Hai con sông này không chỉ đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn để lại dấu ấn trong đời sống văn hóa tinh thần, làm phong phú thêm văn hóa Việt trên lưu vực sông Đồng Nai từ thuở khai hoang mở cõi cho đến bây giờ mà trong đó không thể không nói tới vai trò của mỗi một dân tộc di cư cùng chung tay xây dựng nên một Bình Dương trù phú hôm nay.

 

Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Bình Dương-Thủ Dầu Một gắn bó, có nhiều tương đồng và quan hệ chặt chẽ với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn-Gia Định-Đồng Nai. Bình Dương có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Việt, người Hoa và các cộng đồng dân tộc ít người khác gắn bó với vùng đất này nhiều thế kỷ. Bình Dương là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống. Các sản phẩm điêu khắc gỗ, gốm sứ, tranh sơn mài... không chỉ nổi tiếng trong nước gần đây như mọi người đều biết mà từ đầu thế kỷ XX đã vượt biển đến với người sành điệu nước ngoài. Trong những năm gần đây, Bình Dương là một trong những địa phương năng động trong kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, có tốc độ phát triển cao và ổn định. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế làm người ta chú ý nhiều hơn đến động lực tiềm ẩn di sản văn hóa của một vùng đất…

 

Các ngành nghề thủ công truyền thống của Bình Dương thường gắn với những cộng đồng dân cư sống chung trên địa bàn hay có cùng nguồn gốc nhập cư. Họ không chỉ mang đến vùng đất mới nghề nghiệp truyền thống của quê hương mà cả lễ tục, tín ngưỡng để tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh phong phú, vừa mang dấu ấn của quê hương bản quán, vừa thể hiện một khả năng thích nghi, hòa đồng của những con người đầy bản lĩnh dám đương đầu với khó khăn thử thách cùng chung tay khai phá, xây dựng quê hương mới và tạo lập cuộc sống mới. Chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy đặc điểm này ở cộng đồng người Hoa ở Bình Dương.

 

Vùng đất Nam Bộ từ sớm đã là vùng đất hứa của nhiều lớp di cư người Hoa và nhất là từ sau chiến tranh thuốc phiện Trung-Anh (1840) cho đến cuối thế kỷ XIX. Người Hoa ở Thủ Dầu Một hiện nay chủ yếu là hậu duệ của lớp người Hoa di cư sau chiến tranh thuốc phiện 1840. Do quan hệ thân tộc, gắn bó với quê hương bản quán, điều kiện đi lại không quá khó khăn cho nên đến trước năm 1949 vẫn còn có nhiều gia đình người Hoa tiếp tục đến định cư ở Thủ Dầu Một. Chúng ta không quá khó để tìm gặp những con người này hiện vẫn còn sinh sống ở Thủ Dầu Một để họ cho biết thêm về mối quan hệ thân tộc cũng như tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa không khác mấy của người Hoa ở Bình Dương và người Hoa tại quê nhà họ bên Trung Quốc.

 

Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 2.800 gia đình người Hoa với hơn 15.000 người, chủ yếu từ bốn bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ, tập trung nhiều nhất là ở thị xã Thủ Dầu Một với 1.111 gia đình (tập trung nhất ở phường Chánh Nghĩa), tiếp đó là Thuận An (nhiều nhất ở Lái Thiêu, với 1.037 gia đình). Người Hoa khi mới tới đã lựa chọn địa bàn sinh sống phù hợp với điều kiện nghề nghiệp của mình nên thường sống thành cộng đồng. Nghề nghiệp chính của đồng bào người Hoa ở Bình Dương chủ yếu kinh doanh, buôn bán và sản xuất gốm sứ... Họ rất coi trọng nghề nghiệp truyền thống của ông cha và ý thức nối nghiệp gia tộc. Chính điều này đã tạo nên những cộng đồng nghề nghiệp truyền thống, như Bang Hẹ có nghề thuốc bắc gia truyền, người Hoa Phúc Kiến có nghề gốm sứ truyền thống… Là những người cùng rời bỏ quê hương đi làm ăn xa xứ, người Hoa quan tâm giúp nhau trong cuộc sống, cùng chia sẻ thuận lợi và khó khăn, giúp nhau làm ăn để cùng giàu có… Cùng với người Việt cộng đồng người Hoa đã có nhiều đóng góp, dựng xây vùng đất Bình Dương ngày càng giàu có với những nghề nghiệp truyền thống nổi tiếng, vun đắp niềm tự hào cho mỗi người dân Bình Dương…

 

Người Hoa ở Bình Dương có đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh phong phú. Họ mang theo, gìn giữ và duy trì lễ tục truyền thống của cha ông gắn bó với cộng đồng nghề nghiệp. Chính đặc điểm này đã làm cho lễ tục càng có ý nghĩa sâu sắc và giá trị trước xu thế hội nhập.

 

Ngoài truyền thống thờ cúng ông bà, tổ tiên và một số lễ tục khác, người Hoa ở Bình Dương có lễ tục đặc trưng, mang tính cộng đồng là thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu và thờ cúng ông Bổn, các “Đại Nhân” là những người che chở, phù hộ cho các dòng tộc, cho mỗi nghề nghiệp, cho mỗi gia đình... ở quê hương bản quán được duy trì trên vùng đất mới mà họ đang làm ăn sinh sống. Thông qua những lễ hội Thiên Hậu Thánh Mẫu (chùa Bà), ông Bổn (chùa Ông)… người Hoa bày tỏ lòng tri ân đối với thánh thần, tiền nhân, cầu xin mọi việc làm ăn, cuộc sống tốt đẹp… Đây là dịp người Hoa bày tỏ ước vọng của mình và cũng là dịp họ gặp gỡ, thắt chặt quan hệ. Tín ngưỡng của người Hoa như sợi dây gắn bó họ với nhau…

 

Theo quan niệm của người Hoa, Thiên Hậu Thánh Mẫu là Mẹ Nuôi (A Phò), Đại Mẫu (Mẹ Lớn), Má Tổ (Bà Mẹ)… Tương truyền Bà là một cô gái họ Lâm, người đời Tống, quê ở Phúc Kiến. Lúc 13 tuổi cô gái này gặp được minh sư chỉ giáo tu hành và đắc đạo tại thế, rất thần thông hiển lộng, hay cứu người bị nạn. Những người thường đi biển và nhất là thương nhân người Hoa xem Thiên Hậu Thánh Mẫu là Nữ thần hộ mệnh của họ[2].

 

Còn ông Bổn là danh từ chung người trong vùng gọi các nhân thần do người Hoa đưa từ quê hương bản quán đến tôn thờ. Bổn/ bản có nghĩa là “gốc”. Ông Bổn là ông Tổ. Thực ra, ông Bổn chỉ là một biểu tượng, tương tự một “Phước Đức Chánh Thần” của người Hoa, mặc dù mỗi bang đều có những quan niệm và tín ngưỡng riêng về thánh nhân này.

 

Ở Bình Dương hiện nay có 5 ngôi miếu thờ Ông Bổn. Đó là miếu Ông Bổn Chánh Nghĩa (Phước An miếu), miếu Ông Bổn Bà Lụa, miếu Ông Bổn chợ Búng, miếu Ông Bổn Lái Thiêu và miếu Ông Bổn Tân Phước Khánh (Tân Phước Khánh Nghĩa Đường) của họ Lý, họ Vương Phúc Kiến. Lễ hội miếu Ông Bổn ở Bình Dương diễn ra luân phiên, không có quy mô lớn và thu hút đông đảo người Hoa, người Việt như lễ hội chùa Bà-Thiên Hậu Thánh Mẫu, nhưng đây lễ hội gắn liền với nghề nghiệp của những người Hoa làm gốm sứ. Nếu như lễ hội Thiên Hậu Thánh Mẫu thể hiện rõ tính chất cầu an, cầu mong sự phù hộ thì lễ hội miếu Ông Bổn đậm chất tri ân, biết ơn thánh nhân, nhớ về cội nguồn, coi trọng nơi nhập cư và cầu mong tiền nhân phù hộ nghề nghiệp cho họ.

 

Lễ hội Phước An miếu ở phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu một là một trong những lễ hội tiêu biểu của tục thờ Ông Bổn của người Hoa Bình Dương[3].

 

Ông Lý Hiệp Sơn, 60 tuổi, trưởng họ Lý ở Chánh Nghĩa cho biết họ Lý của ông có nguồn gốc từ huyện An Khê, phủ Tuyền Châu, Phúc Kiến qua Việt Nam tính đến thế hệ ông là 4 đời. Ngôi miếu Phước An thờ Ông Bổn ở đây đã có lẽ xuất hiện từ thời điểm ấy.

Ngay bên cạnh miếu thờ Ông Bổn là từ đường của dòng họ Lý của ông. Hàng  năm từ đường tổ chức hai kỳ cúng lễ, vào mùa xuân là ngày 2 tháng Giêng âl và vào mùa thu là ngày 4 tháng 7 âl. Những tấm bia gỗ được đặt trang trọng trong từ đường khắc tên người quá cố đến 7 đời (trong đó 3 đời là những người vốn sinh sống bên Trung Quốc, 4 đời là những người đã sang Việt Nam định cư.

 

Theo các vị cao niên, Chánh Nghĩa là nơi có nghề gốm sứ sớm nhất ở Bình Dương. Đây là nghề cha truyền con nối, được duy trì khi họ di cư đến Thủ Dầu Một. Từ cái nôi này nghề gốm sứ tiếp tục phát triển ở Thuận An, Tân Uyên…

 

Nghề gốm sứ ở Chánh Nghĩa phát triển thuận lợi vì nguyên liệu chính là đất sét được lấy tại chỗ. Sau này nguồn nguyên liệu ít dần thì người làm nghề ở đây cũng chỉ đến phường Hiệp Thành, cách Chánh Nghĩa chừng 5, 6km là đã có nguyên liệu. Để làm được gốm, ngoài đất sét còn phải có cát mịn lấy ở Bình Chuẩn, cũng chỉ cách 5, 6km, được chuyển về bằng xe bò, rất thuận lợi.

 

Trước năm 1975, phường Chánh Nghĩa có khoảng 25 lò gốm. Từ năm 1986 đến 2007, là thời điểm nhu cầu sản phẩm gốm sứ Bình Dương trên thị trường tăng cao thì Chánh Nghĩa có tới 36-37 lò gốm nung suốt ngày đêm. Nhưng hiện nay (2009), Chánh Nghĩa chỉ còn khoảng 4-5 lò nhỏ, sử dụng gas nung gốm và khoảng 20 gia đình làm gia công (làm gốm sống, mộc, cho các lò nung ở Thuận An, Tân Uyên). Làm gia công đại trà theo mẫu chủ yếu là chén mũ cao su, chậu hoa, đồ lưu niệm…

 

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở Thủ Dầu Một và nhu cầu bảo vệ môi trường đô thị buộc phải di dời các lò gốm sứ ra bên ngoài khu dân cư. Đây là lý do đặt những gia đình người Hoa có nghề gốm sứ truyền thống ở Chánh Nghĩa trước sự lựa chọn hoặc là phải di chuyển đến nơi định cư mới ngoài đô thị để tiếp tục duy trì nghề nghiệp, hoặc chuyển đổi ngành nghề nếu muốn định cư trên đất cũ. Một vài hộ gia đình vừa muốn định cư trên đất cũ, vừa muốn giữ một phần nghề nghiệp đã nung gốm sứ bằng gas, sạch gọn, nhưng sản lượng hạn chế và làm gia công phần đất sống, không phải nung nhưng thu nhập không cao, hạn chế khả năng sáng tạo cũng như mai một kinh nghiệm nung gốm.

 

Một bộ phận gia đình người Hoa ở Chánh Nghĩa để duy trì nghề gốm truyền thống đã chuyển về sinh sống ở Thuận An nhưng sau đó họ cũng trở lại Chánh Nghĩa vì nhận thấy nhiều bất tiện. Một bộ phận chuyển qua kinh doanh buôn bán khi Chánh Nghĩa đã là phố thị. Môi trường sống và sự chuyển đổi nghề nghiệp rõ ràng sẽ tác động đến tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Chánh Nghĩa.

 

Trên vùng đất Chánh Nghĩa hiện nay còn lại khá nhiều vết tích những lò gốm cũ. Mai đây làng gốm nổi tiếng một thời biết đâu chỉ còn lại những dấu ấn, tiềm thức...

 

Nghề gốm sứ ở Chánh Nghĩa hình thành và phát triển từ hơn trăm năm trước. Thương hiệu gốm sứ Bình Dương nổi tiếng trong nam ngoài bắc và vượt đại dương đến với bè bạn năm châu cũng từ mảnh đất này. Ông Lý Ngọc Minh, chủ công ty gốm sứ Minh Long 1 và 2, niềm tự hào của ngành gốm sứ Bình Dương là người họ Lý phường Chánh Nghĩa. Ông Lý Ngọc Bạch (em ông Lý Ngọc Minh), chủ hiệu gốm sứ Cường Phát xuất khẩu, cơ nghiệp như bây giờ cũng bắt đầu từ lò gốm sứ ở Chánh Nghĩa... Ông bà, cha mẹ các ông Lý đã mở lò, làm gốm sứ nhiều đời trên mảnh đất Chánh Nghĩa này.

 

KIẾN TRÚC MIẾU PHƯỚC AN

 

Miếu Phước An tọa lạc ở khu phố 7, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Miếu có diện tích không lớn, chừng 4m (ngang) x 5m (dài). Mái lợp ngói âm dương, trên có hình lưỡng long tranh châu. Đao mái gắn những con nghê trong rất sinh động. Chất liệu xây miếu là gạch, xi măng, đá rửa mài nhẵn sơn hồng. Hình dáng ngôi miếu hiện tại mà chúng ta đang nói được trùng tu lần thứ ba vào năm 1980.

 

Trước miếu có bức hoành lớn khắc ba chữ Phước An Miếu. Tên miếu được ghép từ hai chữ để nhớ về nguồn gốc bản quán của cộng đồng người Hoa ở đây. Phước là từ Phước (Phúc) Kiến. An là từ tên huyện An Khê. Miếu Phước An là miếu của họ Lý có nguồn gốc từ huyện An Khê, Phước Kiến, Trung Quốc. Cộng đồng người Hoa ở đây còn dùng chữ Phước An để đặt tên cho một số tổ chức của mình, như đoàn lân Phước An chẳng hạn.

Theo các vị cao niên thì miếu Phước An được xây dựng lần đầu tiên vào năm Bính Ngọ đời vua Quang Tự, nhà Thanh. Nếu hồi tưởng đó là chính xác thì Phước An miếu có thể được xây từ năm 1906.

 

Năm 1965, miếu Phước An được trùng tu lần thứ hai. Theo các vị cao niên gắn bó với miếu Phước An, mỗi lần trùng tu hay xây mới, miếu luôn được xây dựng theo hình dáng và kích thước ban đầu và cũng là theo cấu trúc của ngôi miếu có cùng tên gọi, cùng các đối tượng thờ cúng ở quê hương bản quán tại huyện An Khê, Phước Kiến, Trung Quốc. Điều này cho thấy ý thức gìn giữ truyền thống của cộng đồng người Hoa ở đây khi họ di cư đến vùng đất mới Bình Dương.

 

Bàn thờ chính điện chia thành hai tầng để đặt các bức tượng cao chừng 4-5 tấc. Phía trước là bàn bày biện khí tự và các vật phẩm dâng cúng.

 

Miếu Phước An, hay như cách gọi của người dân địa phương là chùa Ông Bổn họ Lý phường Chánh Nghĩa, thờ Thất Phủ Vương Gia Công, hay Thất Phủ Đại Nhân. Đây là đối tượng thờ chính của miếu, được đặt trang trọng ở bàn thờ cao nhất.

 

Cũng xin nói thêm, hầu hết chùa Ông của người Hoa đều thờ Ông Bổn, nhưng các cộng đồng khác nhau lại có quan niệm không giống nhau về đối tượng tôn thờ của mình. Người Triều Châu (ở Hội An và nhiều nơi khác ở miền Trung) cho rằng Ông Bổn của họ là Phục Ba Tướng Quân Mã Viện. Người Hoa (gốc Phúc Kiến) ở Chợ Lớn thì cụ thể hóa ông Bổn là Châu Đạt Quan (một vị quan đời nhà Nguyên từng ghé qua vùng đất Nam Bộ thế kỷ XIII, tác giả sách Chân Lạp phong thổ ký), trong khi những người Hoa khác có gốc Quảng Đông lại quan niệm Ông Bổn của họ là Thần Thổ Địa… Người Hoa ở miền Tây Nam Bộ (gốc Triều Châu, Hải Nam) lại quan niệm Ông Bổn là Tam Bảo Thái Giám Trịnh Hòa (đời Minh, người đã có quan hệ ngoại giao với nhiều nước châu Á).

 

Ở Bình Dương, người Hoa họ Lý (gốc Triều Châu) quan niệm Ông Bổn của họ chính là ông tổ họ Lý, nhưng với họ Vương (cũng gốc Triều Châu) thì Ông Bổn của họ là Huyền Thiên Thượng Đế[4], trong khi họ Lý gốc Phước Kiến lại cho rằng Ông Bổn của họ (đối tượng chính được thờ phượng trong miếu Phước An mà chúng ta đang trình bày) là “Thất Phủ Đại Nhân” (nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận rằng người Hoa Phúc Kiến có nhiều đối tượng thờ cúng, tín ngưỡng đa dạng hơn các cộng đồng người Hoa có nguồn gốc từ địa phương khác).

 

Chính điện Phước An miếu có 7 tượng chân dung. Đây là Thất Phủ Đại Nhân, là bảy thánh nhân đứng đầu bảy phủ mang họ: Tiêu, Chu, Triệu, Châu, Lý, Lịch và Quách, trong đó phủ đại nhân họ Tiêu được xem là “lớn nhất”, giữ vị trí trung tâm.

 

Chúng ta có thể quan sát vị trí các tượng thờ trong miếu được bài trí theo sơ đồ dưới đây:

 

“”

 

Tương truyền thất đại nhân là bảy vị quyền cao chức trọng ở Phúc Kiến, được vua phong sắc, trao cho quyền tiền trảm hậu tấu, nhưng khi hỏi về lai lịch cụ thể của mỗi vị thì không ai biết và cũng chưa thấy có tài liệu nào ghi lại rõ ràng. Chúng ta có thể còn đắn đo khi nói rằng họ chỉ là những biểu tượng tâm linh nhưng chúng ta có thể khẳng định được rằng Thất Phủ Đại Nhân chính là “phúc thần” của dòng họ Lý làm nghề gốm sứ ở Thủ Dầu Một.

 

Phía trên các tượng thờ có đại tự ghi hai chữ “Hiển Hách”, và các bức hoành bày tỏ ước vọng của người dân, như “Phong điều vũ thuận”, “Quốc thái dân an”…

 

Trong miếu không thấy có tượng thờ ông tổ nghề gốm mặc dù Phước An là miếu thờ của cộng đồng người Hoa làm gốm sứ ở phường Chánh Nghĩa.

 

Phía trước miếu, hai bên cửa có kiệu ông. Kiệu được đóng bởi những gỗ to bản ghép lại, tương tự ghế ngồi, được sơn đỏ. Vào ngày lễ, ghế được dán bùa. Trên ghế có bàn chông sắt sắc nhọn, nơi đặt hai chân cũng có bàn chông. Hai tay vịn của ghế, phía sau dựa lưng đều có các thanh gươm rất sắc, sáng quắc. Trong quá trình tổ chức lễ hội nếu có người lên cốt (do một vị thần nào đó nhập vào) người đó sẽ ngồi lên kiệu, coi hát… nhưng không bị đứt bởi gươm hay chảy máu vì các bàn chông sắc nhọn.

 

Bên trái và ngay cạnh miếu Phước An là từ đường (nhà thờ) họ Lý. Trước từ đường có bức hoành lớn khắc bốn chữ “Lý Thị Gia Miếu” (tức là miếu thờ gia tộc họ Lý). Trong từ đường có ba bàn thờ. Chính giữa là bàn thờ Lý Lương Phát, được xem là ông tổ họ Lý, quê Phúc Kiến, cách nay 20 đời. Bên phải bàn thờ Lý Lương Phát là bàn thờ dòng tộc họ Lý ở Bình Dương. Bên trái là bàn thờ Phước Đức Chánh Thần. Người Hoa ở Chánh Nghĩa quan niệm Phước Đức Chánh Thần của họ là thổ thần, là Ông Địa, tức là thần đất đai nơi cư trú.

 

Phía trước miếu Phước An, vào dịp đại lễ ba năm một lần người ta dựng một sân khấu để biểu diễn tuồng. Đây là sân khấu tạm, có thể tháo dỡ, không làm cố định như võ ca trong đình miếu của người Việt.

Miếu Phước An được quản lý bởi một Ban trị sự gồm 12 người do con cháu trong dòng tộc bầu vào dịp tổ chức lễ hội ba năm một lần. Đứng đầu Ban trị sự là Trưởng ban. Ban trị sự quản lý, điều hành mọi công việc của miếu.

 

LỄ HỘI PHƯỚC AN MIẾU

 

Lễ hội Phước An miếu diễn ra trong các ngày từ 11 đến rạng sáng ngày 14 tháng 8 âm lịch. Đó là lịch lễ của ba năm tổ chức lễ lớn một lần, có đoàn hát. Những năm còn lại chỉ làm lễ cúng không mời đoàn hát và lễ cúng cũng chỉ diễn ra trong một ngày. Chính lễ là ngày 12 tháng 8 âl.

 

Không riêng gì cấu trúc và đối tượng thờ cúng mà ngay cả lịch lễ, các nghi thức thờ phượng của miếu Phước An ở Chánh Nghĩa cũng tương tự như miếu Phước An ở An Khê, Trung Quốc. Điều này cho thấy lưu dân người Hoa đến Thủ Dầu Một không những đã mang theo lễ tục mà còn bảo tồn và duy trì lễ tục đó trọn vẹn như ở quê hương bản quán ngày họ ra đi. Nhiều người Hoa ở Chánh Nghĩa cho biết, thỉnh thoảng vẫn có người họ Lý ở đây sang An Khê, Trung Quốc thăm bà con họ hàng, quê cũ và có khi họ còn cố gắng sắp xếp đi đúng vào dịp cúng lễ miếu Phước An ở An Khê để tạ ơn, tỏ lòng thành hướng về nguồn cội… Còn đối với những người con của Chánh Nghĩa, dù có chuyển lên Chợ Lớn buôn bán hay về Thuận An, Tân Uyên… tiếp tục nghề gốm sứ thì vào dịp cúng lễ miếu Phước An cũng trở về Chánh Nghĩa dự lễ. Chính sự thu hút này đã làm cho lễ hội Phước An miếu trở thành ngày tụ họp đông đảo của không chỉ dòng tộc họ Lý, của người Hoa làm gốm sứ khắp nơi trên đất Bình Dương mà cả người Việt láng giềng cùng tham dự (họ tham gia dâng lễ hoặc có khi chỉ là sự phụ giúp anh em hàng xóm láng giềng thực hiện đại lễ, không phân biệt, câu nệ điều gì).

 

Như trên đã trình bày, Thất Phủ Đại Nhân là đối tượng thở cúng của Phước An miếu, nhưng trong những ngày diễn ra lễ cúng, theo tục lệ, Quan Thế Âm Bồ Tát cùng Hồng Hài Nhi; Bảo Sanh Đại Đế; Quan Công cùng Châu Xương và Quan Bình vốn được thờ trong chùa Quan Thế Âm cách đó không xa cũng được thỉnh (mời) về miếu Phước An chung vui, dự lễ.

 

*

Sáng sớm ngày 10 tháng 8 âl, Ban trị sự cử bảy người đàn ông đến chùa Quan Thế Âm làm lễ rước tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Hồng Hài Nhi, Quan Công, Chu Xương, Quan Bình và Bảo Sanh Đại Đế về miếu Phước An dự lễ. Sau khi Ban Trị sự thắp hương, khấn vái, tượng thờ của những vị này được thỉnh về miếu. Một người thỉnh lư hương, những người còn lại một tay ôm tượng, một tay cầm ba cây hương đi bộ thành hàng dọc về miếu. Sau khi lễ hội Phước An miếu kết thúc, rạng sáng ngày 14 tháng 8, Ban trị sự sẽ làm lễ tiễn Quan Thế Âm Bồ Tát (cùng Hồng Hài Nhi), Quan Công (cùng Chu Xương và Quan Bình) và Bảo Sanh Đại Đế về lại chùa. Cũng xin nói thêm, khi chùa Quan Thế Âm tổ chức cúng lễ, như lễ vía Quan Công vào ngày 13 tháng Giêng âl, lễ vía bà Quan Âm vào ngày 19 tháng Hai âl, Ban trị sự cũng tổ chức thỉnh (tượng) ông họ Tiêu (một trong Thất Phủ Đại Nhân, được cho là có vai trò lớn nhất) tới chùa Quan Thế Âm cùng dự lễ…

 

Quan sát vị trí các bức tượng được bài trí trong những ngày tổ chức lễ hội chúng ta thấy: Tượng Thất Phủ Vương Gia Công (Thất Phủ Đại Nhân) ở hàng trên, phía sau. Phía trước, chính giữa là tượng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, sát bên phải là Hồng Hài Nhi. Ngoài cùng bên phải là tượng Bảo Sanh Đại Đế. Bên trái là tượng Quan Công và các con của ông: bên phải là Chu Xương, bên trái là Quan Bình. Theo quan niệm của người Hoa, Bảo Sanh Đại Đế là thần y, bảo vệ sức khỏe cho mọi người…

 

Vị trí tượng thờ chính điện miếu Phước An trong dịp lễ hội

 

“”

 

Phía trước, ngay sát bên phải bàn thờ chính điện, người ta đặt một chiếc trống đại; bên trái là chiếc chiêng. Hai bên phía trước bàn thờ này còn đặt bảy chậu nước sạch và bảy chiếc khăn mặt, để Thất Phủ Đại Nhân rửa ráy.

 

Sau khi đã tắm rửa, thay áo cho các bức tượng, Ban trị sự thắp hương tất cả các bàn thờ trong miếu. Mỗi lư hương thắp ba cây nhang.

 

Lễ vật dâng cúng trong lễ an vị tượng chủ yếu là đồ chay, khô, như nấm đông cô khô, hồng khô, măng khô, mì tóc (sống, để thành cuộn dài), bánh trung thu và các loại bánh ngọt khác…

 

Tiếp theo đó, người ta mở hộp gỗ, trong chứa 8 cây sắt dài, sắc nhọn như kim (ba cây lớn mỗi cây dài chừng 2,5m và năm cây nhỏ dài chừng 1,5m). Người Hoa gọi nó là “xiên lìn”. 8 cây sắt này được cắm lên lư hương lớn nhất giữa bàn thờ chánh điện miếu Phước An.

 

Bên ngoài và ngay hai bên tả hữu cửa miếu, hai chiếc kiệu cũng được gắn những cây gươm sắc như dao cạo. Phía dựa lưng là ba cây gươm dựng đứng, cây giữa dài, hai cây hai bên ngắn hơn, lưỡi quay về phía trước, hai tay vịn cũng gắn  hai cây gươm quay lưỡi lên trên. Mặt ghế và nơi đặt chân đều để bàn chông sắt sắc nhọn. Đây là chiếc kiệu (ghế) không phải để cho người bình thường có thế ngồi vào.

 

*

Khi vừa bước qua những giây đầu tiên của ngày mới 11 tháng 8, lễ hội Phước An miếu khởi sự với nghi thức khai trống (tương tự lễ khai tràng trước lễ cúng miễu của người Việt). Lễ bắt đầu khi thầy pháp (thầy cúng) đội mũ đen, mặc áo dài đỏ, đánh một hồi trống (loại trống nhỏ cầm trên tay) hòa cùng tiếng chiêng. Thầy pháp dùng ba cây hương vẽ bùa lên mặt trống, sau đó kẹp ba cây hương chung với dùi trống đánh một hồi dài. Sau đó thấy pháp lắc chuông hòa nhịp cùng tiếng chiêng. Thầy pháp vừa lắc chuông theo nhịp một vừa khấn niệm. Tất cả Ban trị sự cùng làm lễ cúng. Mỗi người cầm ba cây nhang lớn, khấn niệm, lạy ba lạy rồi thắp hương. Sau khi thắp hương, mỗi người quỳ lạy hai lần. Tiếp đó là đốt giấy vàng bạc. Sau mỗi lần cúng lễ người ta đốt rất nhiều giấy vàng bạc…

 

Thầy pháp đứng trước bàn thờ chánh điện, lấy sớ ra đọc, hết mỗi đoạn thì những người cúng lễ lạy một cái. Sau đó thấy pháp đến bàn thờ trước cửa, đọc sớ, sau khi đọc xong, sớ được đặt lên bàn thờ. Thầy pháp xin xăm. Xăm đạt mong đợi, thầy pháp tiếp tục lắc chuông, tray trái đặt lên ngực, khấn niệm.

 

*

9 giờ sáng ngày 11 tháng 8 là lễ xây chầu, hát bội. Khởi sự trống lớn được đặt trước sân miếu, sau lời cúng, bái thiên, bái địa, bái thánh thần (mỗi lần bái đánh một tiếng vào phía trước và hai bên tả hữu của thành trống) là ba hồi trống, chương trình hát tuồng bắt đầu. Trên sân khấu, sau màn biểu diễn thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, một người trong đoàn hát nhảy múa rồi quỳ lạy ba lần. Một vị thần dùng gương chiếu mọi phía và nhảy múa theo nhịp điệu. Trong miếu, thầy pháp vẫn cúng lễ theo nghi thức thắp hương, quỳ lạy, khấn niệm trong tiếng chiêng trống. Lời khấn niệm của thầy pháp tha thiết mời các vị thánh nhân về dự lễ, bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng vọng, cảm tạ đã ban phước cho cuộc sống bình an, làm ăn thạnh đạt, cầu mong mưa thuận gió hòa, lòng người đồng thuận… Trên sân khấu tiếng nhạc ngày một rộn ràng, dồn dập. Ba ông trong vai phúc, lộc, thọ xuất hiện mở màn cho chương trình diễn tuồng.

 

Trước khi đoàn hát biểu diễn, tám diễn viên hóa trang thành Bát Tiên, lần lượt vào miếu cúng lễ, khấn niệm, xin lệnh ông giúp sức và phù hộ cho họ. Đoàn hát khiêm nhường ngưỡng vọng mời Thất Phủ Đại Nhân cùng thưởng thức những vở tuồng mà họ sẽ diễn. Mỗi diễn viên vào vai một nhân vật và khấn nguyện xin một điều cụ thể nào đó.

Lễ cúng miếu Phước An trong ngày 11 tháng 8 có hình thức tương tự lễ giỗ. Diễn ra ba lần vào sáng, trưa và chiều. Ba buổi lễ này tiếp tục được lặp lại trong những ngày sau đó. Ban quản trị miếu dâng đồ chay, dân chúng dâng đủ thứ lễ vật, không phân biệt chay mặn.

 

Vào mỗi lễ, người cúng chính vẫn là thầy pháp. Ông mặc áo dài đỏ, đội mũ đen, miệng luôn khấn niệm, tay phải cầm chuông lắc theo nhịp trống “tùng tùng khương… tùng tùng khương”… tạo nên âm thanh dồn dập, vui vui mà chúng ta không nghe thấy trong nhạc lễ cúng đình miếu của người Việt.

 

*

Buổi tối (ngày 11-8), tức trước ngày diễn ra chánh lễ, thầy pháp cùng Ban trị sự ra bờ sông cúng lễ. Dẫn đầu đoàn là người đàn ông cầm cờ xéo đỏ, tiếp đến là những người bưng lư hương, lồng đèn, các lễ vật. Thầy pháp khấn niệm cầu xin những điều tốt lành bên mâm lễ đơn sơ dưới đất ở mếp nước… Lễ cúng kết thúc bằng việc đốt giấy vàng bạc. Sau đó đoàn người trở về miếu. Nhạc lễ hòa nhịp suốt đường đi. Khi gần đến miếu, thầy pháp thổi một hồi tù và dài, rồi tiếp tục cúng lễ tại miếu.

 

Người ta để giấy vàng bạc, quả chùy có nhiều đinh sắt sắc nhọn, những lá bùa lên trên một cái mẹt lớn ngay giữa miếu rồi dựng đứng chiếc chiếu cói quấn lại. Phía trên chiếu được buộc túm, che kín những vật bên trong. Lễ cúng bắt đầu. Đây có thể xem là lễ cúng có vị trí khởi đầu tương tự tiên thường trong lễ cúng của người Việt nhưng nghi thức, cách thể hiện và mục đích hoàn toàn khác. Lúc này thầy pháp mặc áo dài đen, vừa làm lễ vừa thổi tù và. Sau khi khấn niệm xong, tấm chiếu được mở ra. Những lá bùa trên mẹt được dán lên kiệu, quấn vào các xiên lìn, quấn vào gươm trên kiệu, dán lên các bàn chông trên kiệu, nơi đặt chân. Trống, chiêng cũng như tất cả các đồ tế tự khác có trong miếu đều được dán bùa.  Các lá bùa được viết trên giấy màu vàng và màu đỏ, được dán thành từng cặp, theo hình dấu X. Hai cây xiên lìn dài nhất và hai cây xiên lìn ngắn đã cắm trên lư hương trước đó cũng được lấy xuống, quấn bùa và dựng bên thành kiệu. Tiếng chiêng trống rộn rã. Người dự lễ vào ra tấp nập. Tất cả hòa chung trong sự sôi động chuẩn bị chào đón một ngày cúng lễ quan trọng nhất của lễ hội.

 

*

Ngày 12 tháng 8 là ngày lễ chính. Tương truyền đây là ngày sinh của đại nhân họ Tiêu, thánh nhân “lớn nhất” trong “Thất Đại Nhân”.

 

Từ sáng sớm bá tánh, người đi bộ, kẻ đi xe, đưa lễ vật tới dâng lên các thánh nhân. Đoàn người hành hương, dâng lễ ngày càng dài và liên tục từ sáng sớm cho đến tận nửa đêm... Trong bốn ngày diễn ra lễ hội, ngày 12 là ngày có nhiều người đến dâng lễ nhất.

 

Lễ vật mọi người mang tới rất nhiều thứ, tùy khả năng mỗi gia đình, không câu nệ nhiều ít, nhưng cũng có những lễ vật mà mọi người không muốn để thiếu khi dâng lên Thất Phủ Đại Nhân. Lễ vật có thể là heo quay nguyên con hay chỉ là một khổ thịt quay chừng một, vài “ký”. Các loại thực phẩm chay, đồ khô như nấm đông cô, măng khô, bánh trung thu, bánh quy gia đình tự làm đổ thành cái lớn (từ bột nếp, đường, nhân dừa, đậu xanh, phẩm hồng), bánh bông lan (cũng tự hấp lấy, chất liệu chỉ là bột mì, hột gà, đường). Các loại bánh ngọt có bán trên thị trường, hoa trái đủ loại và rất nhiều giấy hàng mã vàng bạc... cũng là những lễ vật mà mọi người đưa tới dâng lên Thất Phủ Đại Nhân…

 

Nhưng có lẽ những món sau đây là không thể thiếu, hầu như gia đình nào cũng mang tới dâng cúng. Đó là bánh tổ. Bánh tổ được làm bằng bột nếp, đường, rắc mè lên bề mặt rồi hấp chín. Bánh tổ mang ý nghĩa tượng trưng cho lễ dâng cúng tổ tiên. Vì nó là vật phẩm phổ biến để dâng lên tiền nhân nên người ta đặt tên gọi tự nó đã hàm chứa lòng biết ơn. Một lễ vật thứ hai là mì sợi, dân địa phương gọi là mì tóc. Mì tóc để sống, nguyên sợi, càng dài càng tốt. Sở dĩ như vậy vì nó tượng trưng cho trường thọ. Sợi mì dài hàm ý chỉ râu tóc dài và chỉ có trường thọ mới có râu tóc dài… Bởi vậy, mì tóc cũng là lễ vật thường được dâng cúng trong lễ mừng sinh nhật, lễ thượng thọ của người Hoa. Một loại lễ vật thứ ba có rất nhiều trong vật phẩm dâng cúng mà người dân địa phương mang tới đó là trứng vịt sơn đỏ. Người Hoa quan niệm trứng vịt sống, được sơn đỏ ở ngoài tượng trưng cho điều tốt lành, may mắn nên nó là lễ vật tốt để dâng lên Thất Phủ Đại Nhân… Ban quản trị miếu cũng dâng hàng trăm trứng vịt sơn đỏ để mọi người đến dự lễ có thể thỉnh về nhà, dâng lên gia tiên như một món lộc, một sự may mắn cầu được ước thấy…

Những người đến cúng lễ và dâng vật phẩm lên Thất Đại Nhân quan niệm đó như một việc cúng tạ, trả lễ thánh nhân đã phò trợ, giúp cho gia đình họ may mắn, yên lành và làm ăn phát đạt trong thời gian qua; cầu xin thánh nhân tiếp tục phò trợ trong thời gian tới với lời hứa nguyện sẽ trở lại trả lễ trong kỳ đáo lệ.

Lễ miếu Phước An đậm chất trả nghĩa, độ trì, phù hộ. Điều này không chỉ thể hiện qua việc dâng lễ vật, lời khấn niệm cầu xin mà ngay cả trong các nghi thức thực hiện.

 

Thực phẩm dâng cúng sẽ được gia chủ mang về nhà sau khi thánh nhân đã “thưởng thức” để cùng ăn với gia đình và người trong dòng tộc tại nhà riêng. Những người trong Ban quản trị cũng về nhà ăn, không ăn uống tại miếu. Đây là nét riêng trong lễ miếu Phước An. Việc tổ chức một bữa tiệc biên hoan như một lời cảm ơn sẽ được Ban quản trị miếu tổ chức cuối lễ tại một nhà hàng trong thị xã. Tuyệt đối không có chuyện tổ chức ăn uống tại miếu.

 

Khi người dân đến dâng cúng lễ vật, người cúng khấn niệm trong tiếng trống đều đều nhịp một.

 

Khoảng giữa trưa, Ban quản trị tổ chức cúng Ngọ, còn gọi là lễ Thất Đại Nhân. Ngay sau lễ này tiếp tục lễ cúng Đại binh.  Lễ kéo dài chừng hơn một tiếng đồng hồ. Đây là lễ lớn nhất trong suốt quá trình diễn ra lễ hội. Trong lễ này có các nghi thức dâng cúng Thất Đại Nhân, tri ân ông bà tổ tiên. Ngoài việc dâng lễ vật tại miếu Phước An, con cháu họ Lý còn dâng lễ vật lên ông bà tổ tiên ở từ đường với ý nghĩa chúc thọ cho tổ tiên ông bà. Mọi người gọi một cách chung chung đây là lễ cúng chúc thọ ông Bổn.

 

Lễ cúng Đạo binh là lễ cúng binh sĩ của Thất Đại Nhân. Thầy pháp là người điều hành dâng lễ vật (gồm những vật phẩm như trên đã nói) và điều hành nghi lễ. Lễ cúng Đại binh bắt đầu khi thầy pháp lắc chuông và dẫn đầu đoàn binh. Tay phải thầy pháp lắc chuông, tay trái cầm tù và và một cái thẻ bài. Thầy pháp vừa đi vừa khấn niệm. Tiếp sau thầy pháp là một người đàn ông cầm ba cây nhang, một người đàn ông cầm trống nhỏ đánh theo nhịp, một người nữa đánh cồng. Sau bốn người đàn ông trên là một thiếu niên cầm ngọn tre, phía trên để vài lá như cây nêu nhỏ, trên vai mang một sợi xích lớn. Thiếu niên này được xem là vị sĩ quan của đoàn binh gồm bảy thiếu niên tuần tự đi theo sau đó. Bảy thiếu niên này đều đội mũ tre đan, có chóp cao, tay cầm thanh gỗ sơn đỏ.Các cây gỗ này được xem như “cây lệnh”. Thầy pháp và các vị trong Ban quản trị miếu cho biết bảy thiếu niên này có lẽ là tượng trưng cho bảy người lính của Thất Đại Nhân? Họ không khẳng định điều này vì chưa ai giải thích cho họ, chỉ làm theo truyền thống mà thôi.

 

Đoàn binh xếp theo đội hình trên, đi năm vòng từ miếu qua từ đường, rồi trở lại miếu... Khi đoàn binh đến trước bàn thờ chính điện của từ đường thiếu niên “đóng vai” viên sĩ quan chỉ huy xướng câu “pi hổ” thì bảy thiếu niên trong vai lính họa theo “pi hổ” (pi-ô). Tiếng chiêng, trống, chuông vang lên suốt quá trình đoàn binh di chuyển. Người ta dâng năm bàn lễ vật trong từ đường, vật phẩm dâng cúng là đồ mặn.

 

Khi hỏi tiếng xướng và đáp “pi hổ” có ý nghĩa gì thì mọi người hầu như không biết, chỉ phỏng đoán.

Lễ Đại binh kết thúc bằng việc hóa rất nhiều giấy vàng bạc.

 

Ngày 12 tháng 8 là chánh lễ của miếu Phước An và ngày này cũng là ngày giỗ tổ nghề sân khấu. Vì vậy, từ sáng sớm, đoàn hát về phục vụ lễ hội Phước An miếu cũng làm gà vịt, nấu nướng các mòn ngon chuẩn bị cúng tổ nghề. Khoảng 9 giờ lễ vật được dâng lên. Một bàn thờ được trang trí sặc sở đặt ngay chính giữa sân khấu với rất nhiều lễ vật thịnh soạn: heo quay (nguyên con), gà luộc, xôi chè, bánh trái, hoa trà… Chính diện bàn thờ đặt một mặt nạ hổ, phía trước là lư hương.

 

Theo các vị cao niên người Hoa phường Chánh Nghĩa thì Thất Đại Nhân là những người tài hoa, rất yêu thích nhạc, họa nên đây cũng là dịp để đoàn hát cúng tổ của họ và dâng lên Thất Đại Nhân không chỉ lễ vật mà còn là những vở diễn đặc sắc. Trong khi cúng tổ nghề sân khấu, các diễn viên đoàn hát cũng dâng cúng trước bàn thờ Thất Đại Nhân.

 

*

Khoảng 4 giờ chiều, khi đoàn hát đang diễn vở “Đào viên kết nghĩa” thì một người đàn ông chừng 55 tuổi nhập cốt. Cốt đứng trước miếu, hướng về sân khấu, vừa nhảy múa vừa vẽ vào không trung một vòng tròn.

 

Chiêng trống nổi lên dồn dập. Cốt đến trước sân khấu đứng xem đoàn tuồng biểu diễn. Cốt nhảy múa, người ta giúp cốt cỡi áo. Cốt rút cây xiên lìn dài, cầm nó trên tay và tiếp tục nhảy múa. Một thành viên trong ban tổ chức đeo cho cốt chiếc váy đỏ ngang hông, chiếc yếm trắng có túi trước bụng (sau này nhiều người đã nhét tiền vào cái túi ấy). Người ta tung rất nhiều gạo và muối về phía cốt. Sau khi cầm xiên lìn nhảy múa chừng 20 phút, cốt dùng cây xiên lìn đâm xuyên qua một bên má, hai tay dang rộng nắm chặt xiên lìn và tiếp tục nhảy múa. Chừng 15 phút sau, cốt tiến về phía kiệu rồi nhanh như cắt ngồi và giẫm lên bàn chông sắt sắc nhọn. Cốt ngồi trên kiệu và xem hát chừng 30 phút. Trên sân khấu vở Đào viên kết nghĩa vẫn được các diễn viên thể hiện, dù những người dự lễ chỉ quan tâm dõi theo ông cốt trong sự khâm phục và sơ hãi. Sau khi rời khỏi kiệu, cốt cầm lá cờ xéo màu đỏ phất lên như muốn thể hiện một ẩn ý. Ngay lúc đó cốt nhảy lên bàn thờ ngồi. Cốt ra hiệu, đề nghị thắp ba cây nhang, sau đó phán điều thánh thần gửi gắm, mọi người cúng lạy. Cốt lấy nhiều lễ vật trên bàn thờ chuyển cho mọi người. Xiên lìn xuyên qua má cốt được mọi người giúp rút ra và chuyển lên bàn thờ Thất Phủ Đại Nhân. Ngay khi xiên lìn được rút người ta đắp một mảnh lá khô lên vết thương, nhưng nhìn kỹ thoáng thấy có máu rĩ ra. Ban trị sự cúng lạy, khấn niệm về điều mà cốt được thánh thần nhập vào cho biết, trong khi đó cốt vẫn tiếp tục nhảy múa. Người ta tiếp tục đặt lên hai chiếc kiệu hai quả châu, gọi là quả chông chi chít đinh sắt nhọn hoắt.

 

Theo cốt nói thì lần này đã được Na Tra Thái Tử nhập vào. Na Tra là một trong bốn vị thần phổ biến, có nhiều quyền năng trong tín ngưỡng của người Hoa ở Bình Dương. Tục thờ bốn vị thần đó là Huyền Thiên Thượng Đế, Quan Âm Bồ Tát, Na Tra Thái Tử và Nam Triều Đại Đế và lễ hội của tín ngưỡng này ở Bình Dương có nhiều nét độc đáo thu hút sự chú ý của mọi người[5].

 

Người lên cốt là một người bất kỳ trong số những người đến dự lễ, không được chọn trước, cũng không có võ thuật, võ công gì. Họ là sự lựa chọn ngẫu nhiên của thần thánh nhập vào vì một lý do nào đó mà người ngoài không thể biết. Người ta nói thường những người “nhẹ vía” mới dễ lên cốt. Thường ba năm, có tổ chức đoàn hát mới có lên cốt, nhưng lâu lâu mới có cốt xuất hiện, không thường xuyên. Thánh thần sẽ truyền đạt những điều mang tính tiên đoán hay quở trách mà chỉ bản thân người được nhập cốt mới nghe thấy và “phán lại”.

 

Theo quan niệm của dân chúng, cốt lên nhiều không tốt, là báo hiệu điềm xấu. Tương truyền trước 1952 và những năm 1965-1975, mỗi lần Phước An miếu tổ chức lễ hội cốt lên rất nhiều. Thời kỳ ấy Chánh Nghĩa loạn lạc, làm ăn khó khăn. Lễ hội lần này (năm 2009) thần nhập cốt là Na Tra làm những người lớn tuổi lo lắng vì sợ điềm xấu. Muốn tránh tai họa, điều không hay thì phải trấn tà để dân làng được bình an. Người ta trừ tà, tránh họa bằng cách đổ một đống than củi dài chừng 6m, quạt cho cháy rực, sau đó thầy pháp cúng, khấn niệm, bày tỏ ước mong, xin keo. Thầy pháp nhảy qua lửa trước và tiếp theo là toàn bộ dân chúng trong làng nhảy qua để trấn tà, cầu mong tai qua nạn khỏi, an lành.

 

Ngày 13 tháng 8 lễ hội tiếp tục với ba lễ chính sáng, trưa, chiều. Ban quản trị dâng lễ vật. Thầy pháp cúng lễ với nghi thức tương tự lễ cúng hôm trước. Người dân tiếp tục đến dâng lễ tạ ơn và cầu xin những điều tốt đẹp…

 

Trong lễ hội người ta tổ chức xin keo, xin xăm cho những người đến dâng cúng. Có thể nói đây là hoạt động thu hút rất nhiều người muốn được thánh thần mách bảo vận hạn hay điều may mắn. Người đến cúng lễ, khi ra về không quên xin những lá bùa (bùa bình an giấy màu đỏ và bùa trấn tà giấy màu vàng) để dán hai bên cửa chính. Cũng có nhiều người xin rất nhiều lá bùa để dán đủ tất cả các cửa chính, phụ trong nhà, bao nhiêu cửa xin bấy nhiêu cặp bùa… Có khi bùa cũng được dán lên các vật dụng quan trọng.

 

Ngoài ra, Ban quản trị tổ chức làm ra rất nhiều lồng đèn to nhỏ khác nhau với giá cả khác nhau và hoàn toàn mang tính hỗ trợ cho lễ hội để bá tánh thỉnh về nhà vừa để cầu may nhưng cũng thông qua đó để dâng của lễ lên thần thánh. Lồng đèn có giá từ 1-5 triệu, gấp hơn nhiều so với giá trị thật. Trứng sơn hồng cũng được bán từ 5 đến 10.000 ngàn đồng một quả cho ai muốn mua về dâng lên bàn thờ tại gia cũng với ý nghĩa đó. Người ta tin thỉnh những thứ đó về nhà là thỉnh lộc, sẽ làm ăn thịnh đạt trong thời gian tới.

 

Trong lễ cúng ngọ ngày 13-8 năm nay (2009), Ban quản trị miếu đã xin keo Thất Đại Nhân đồng ý cho phép chuyển bàn thờ thiên sang bên phải miếu. Trước đây bàn thờ này luôn được đặt bên trái.

Cũng vào chiều 13-8, lệ thường, Ban trị sự tổ chức họp đánh giá ba năm hoạt động, bầu Ban trị sự điều hành nhiệm kỳ mới (nhiệm kỳ III) và mời quan khách liên hoan. Một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa của người Hoa thật sự thu hút quan khách.

 

Nửa đêm ngày 13 tháng 8 khởi sự lễ Tôn vương. Thầy pháp dâng hương, cúng lễ trong tiếng chiêng trống rộn ràng.

 

Đoàn hát dâng lời cúng. Mỗi người dâng một lời cúng theo điệu hát. Sau đó từng diễn viên tuần tự mỗi người một cây hương đến trước bàn thờ chánh điện vái lạy. Mỗi diễn viên vái ba vái và quỳ lạy ba lần. Trưởng đoàn hát dâng lễ vật lên bàn thờ Thất Phủ Đại Nhân.

 

Đại diện đoàn hát dâng lời khấn:

 

Hôm nay ngày 13 tháng Tám năm Kỷ Sửu, Bổn bang ca xướng viên mãn, Thiết lễ Tôn vương, ngưỡng vọng thần linh, thành tâm kính chúc linh thần tại nơi này:

Thiên cổ hiển vang, định an cương thổ,

thánh thiên ngưỡng mộ, phò hộ lê dân.

Vạn thuở anh linh phò bá tánh

Thiên thu hiển hách trợ muôn dân

Chúc cho quí bổn hội nam nữ

Tứ thời hạnh phúc lâm môn hạ.

Bát tiết kim ngân tích xá trung.

Phước sanh phú quí gia đường thạnh,

lộc tấn vinh hoa tử tôn hưng.

Thiên thêm tuế nguyệt nhân thêm thọ,

xuân mãn càn khôn phúc mãn đường.

Chúc cho nhân dân địa phương

Sĩ đương chức, thăng quyền tiến chức

Nông nghiệp gia ruộng rẫy trúng mùa

Công việc làm đắc quả thành công

Thương mãi vụ mua may bán đắt…

 

Kết thúc lễ Tôn vương, thầy pháp đọc sớ, hóa vàng bạc. Thầy pháp cúng khấn bằng tiếng Hoa và xin xăm. Sau đó thầy pháp vừa khấn niệm theo kết quả xin xăm vừa quỳ lạy tám phương, mỗi phương một lạy. Thầy pháp thổi một hồi tù và dài kết thúc lễ Tôn vương.

 

Rạng sáng ngày 14 tháng 8, vào lúc 3 giờ, lễ hội Phước An miếu kết thúc bằng lễ Tiễn khách. Sau nghi thức cúng lễ, thầy pháp cảm tạ thánh thần, là lễ tiễn những vị thần được mời về dự. Các tượng thờ được đưa về lại chùa Quan Thế Âm. Thầy pháp nguyện kinh cầu an. Lễ kết.

 

*

Lễ hội Phước An miếu ngoài việc mời đoàn hát không có các cuộc thi, trò diễn dân gian như lễ cúng đình, miếu của người Việt. Không phải dịp cúng lễ Thất Phủ Đại Nhân vào ngày 12 tháng 8 âl năm nào miếu Phước An cũng mời đoàn hát về biểu diễn mà phải ba năm một lần. Suốt lễ hội, hầu như chiều tối nào đoàn hát cũng biểu diễn và thu hút rất đông người dân địa phương hào hứng thưởng thức. Ban quản trị miếu Phước An thường mời đoàn tuồng Ngọc Khanh về biểu diễn mỗi dịp tổ chức lễ hội. Chương trình của đoàn hát thường là: 9 giờ sáng ngày 11-8 âl diễn vở “Thuyết đường”;  20 giờ diễn “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”. Hôm sau, ngày 12-8 âl, 14 giờ diễn vở “Đào viên kết nghĩa”; 20 giờ là “Giang sơn và mỹ nhân”. Ngày 13-8 âl, lúc 14 giờ diễn vở “Hạng Võ biệt Ngu Cơ”; 20 giờ diễn vở “Phụng Kiều Lý Đáng”, Tôn Vương Lý Đáng…

 

Nội dung các vở diễn chủ yếu đề cao trung nghĩa, nhân phẩm, ca ngợi tình yêu, lòng chung thủy, nghĩa khí người quân tử, ân oán phân minh, kết thúc có hậu, có giá trị giáo dục đạo lý truyền thống…

 

LỄ HỘI PHƯỚC AN MIẾU LÀ MỘT DI SẢN VĂN HÓA

CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY

 

Tìm hiểu lễ hội miếu Ông Bổn ở Bình Dương nói chung, lễ hội Phước An miếu nói riêng, chúng ta thấy ở chúng có một mô-típ chung. Đó là lễ cúng của một dòng họ làm nghề gốm sứ truyền thống ở Bình Dương. Nhưng lễ hội Phước An miếu cùng với các lễ hội đền miếu thờ Ông Bổn ở Bình Dương đã tạo thành hệ thống tín ngưỡng cộng đồng người Hoa có cùng nghề nghiệp, một nghề nghiệp cổ truyền mà chúng ta cần bảo tồn từ kỹ thuật, kinh nghiệm gia truyền đến những lễ nghi, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đã gắn bó với nghề nghiệp đó hơn trăm năm nay. Những lễ hội này đều chứa đựng giá trị nhân văn, tôn vinh nghề nghiệp, tri ân tổ tiên, giúp lưu dân vượt qua khó khăn, cùng chia xẻ khó khăn, cùng chung niềm tin vào chỗ dựa tinh thần của mình là những thánh nhân mà đó cũng chính là tổ tiên của họ, có thể bảo vệ cuộc sống, phù hộ cho công việc làm ăn đầy khó khăn, thử thách của họ. Mặc dù là lễ hội của một dòng họ người Hoa chuyên làm nghề gốm sứ, nhưng lễ hội Phước An miếu đã thu hút đông đảo cộng đồng cư dân trên đất Bình Dương, từ người Hoa cho đến người Việt, từ người làm nghề gốm sứ dòng họ Lý và không phải dòng họ Lý cho đến những người không làm nghề gốm sứ tham gia, tạo nên ngày hội nghề nghiệp sôi động, nhiều ý nghĩa. Ngoài giá trị văn hóa, nhiều nghi thức của lễ hội rất lạ, hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch.

 

Lễ hội Phước An miếu là một lễ hội dân gian, là di sản văn hóa góp phần làm phong phú đặc trưng văn hóa Bình Dương nói riêng và Nam Bộ nói chung. Do đó, cần được công nhận, bảo tồn và phát huy giá trị, phục vụ mục tiêu xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…/.

 



[1] Ngoài thị xã (tỉnh lỵ) Thủ Dầu Một, Bình Dương có 6 huyện là Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Phú Giáo, Thuận AnDĩ An; với 89 xã, phường và thị trấn.

[2] Lịch triều sắc phong (sắc phong của các vua Thanh, Trung Quốc cho Thiên Hậu Thánh Mãu, bản khắc thế kỷ XIX, bia Ngũ Bang Hội Quán, Quy Nhơn, do Đinh Văn Hạnh sưu tầm 1986, bản dịch của Nguyễn Đình Thảng):

Đời Tống: Huy Tông năm thứ 4 lập miếu, ban Hiết Thuận Từ Cung Hiền Tế Điền Thuế. Cao Tông Thiệu Hưng năm thứ 25 ban Thiều Phong Trùng Phước Phu Nhân. Cao Tông Thiệu Hưng năm thứ 26 gia phong Kinh Huệ Chiêu Ứng Phu Nhân. Hiếu Tông Hậu Chiêu năm thứ 10 gia phong Linh Từ Chiêu Ứng Sùng Thiệc Phước Lợi Phu Nhân. Quang Tống Khánh Nguyên an phong Linh Huệ Phi. Linh Tống Khánh Nguyên năm thứ 4 gia phong Trợ Thuận Linh Huệ Phi. Linh Tống Khánh năm thứ 6 ân phong Nhất Môn Linh Tống Khai Hy Cải Nguyên Hiếu Huệ Phi Linh Tống Gia Định Cải Nguyên Gia Phong Hộ Quốc Trợ Thuận Gia Ứng Oanh Liệt Phi. Lý Tôn Bảo Khánh cải nguyên chiếu phong Gia Ứng Anh Liệt Hiệp Chánh Phi. Lý Tôn Bảo Khánh năm thứ 3 gia phong Linh Huệ Trợ Thuận Gia Ứng Từ Tế Phi. Lý Tôn Hậu Hữu cải nguyên gia phong Linh Huệ Hiệp Chánh. Gia Ứng hiệu Khánh Phi cải nguyên tiến phong Hiến Tế Phi.

Đời Nguyên: Thế Bố Bảo Nguyên năm thứ 18 sắc phong Hố Quốc Minh Diệt Thiên Phi. Thế Tổ Bảo Nguyên năm thứ 26, gia phong Hiện Hữu Thiên Phi. Thành Tôn Đại Đức năm thứ 3 gia phong Phồ Thành Mỹ Nhân Thiên Phi. Nhân Tông diện hữu nguyên gia phong Hố Quốc Phỉ Dân Quán Tế Minh Diệt Thiên Phi. Quang Đế Thiên Lịch năm đầu gia phong Hồ Quốc Phỏ Thánh Bỉ Nhân. Hiện Hữu Quản Tế Linh Cảm Trợ Phước Thuận Huê Huy Liệt Minh Diệt Thiên Phi, văn tế chí thuận cải nguyên ban miếu Linh Từ Cung.

Đời Minh: Thái Tổ Hồng Vũ năm thứ 20 gia phong Chiêu Hiến Thuần Chánh Phủ Tế Cảm Ứng Thánh Phi. Thành Tố Vĩnh Lạc năm suy gia phong Hậu Quốc Bỉ Nhân, Chiêu Linh Miện Ứng Hồng Nhơn Phổ Tế Thiên Phi.

Đời Thanh: Khang Hy năm thứ 21 Khâm sử đại nhân lễ bộ tế ngự thơ hương miễn tế. Khang Hy năm thứ 23 đặc chỉ truy phong Thiên Thánh Mẫu. Khang Hy năm thứ 60 phụng chỉ phiên nhập phi hưng gia xuân thu nhị tế(…) Năm thứ 12 phụng chỉ xuân thu tế hưng THIÊN HẬU THÁNH MẪU. Phàm tại quốc tính đốc đại thần chủ các sú. Càn Long năm thứ 6 gia phong Hiển Thần Tán Thuận Thiên Hậu Thánh Mẫu. Gia Khánh năm đầu khâm chỉ gia phong Vạn Quốc Cửu Châu, Tứ Hải Cảm Linh Hà Thanh Hải án cứu vớt chúng sanh Thiên Hậu Thánh Mẫu. Gia Khánh năm thứ 8 khâm chỉ gia phong Sủ Thiên Hộ Quốc Hiền Hũu Chức Dưỡng Tam Tài Thiên Hậu Thánh Mẫu…

[3] Ngoài Phước An miếu, ở phường Chánh Nghĩa còn miếu thờ Ông Bổn của họ Vương gọi là Phước Võ Điện, được xây dựng từ năm 1885.

[4] Huyền Thiên Thượng Đế là một vị thần do Thượng Đế phân thân còn gọi là Chơn Võ (Chân Vũ).

[5] Cộng đồng người Hoa ở Bình Dương có miếu thờ bốn vị thần là Huyền Thiên Thượng Đế, Quan Âm Bồ Tát, Na Tra Thái Tử và Nam Triều Đại Đế tại bốn địa phương là Thủ Dầu Một, Búng, Lái Thiêu và Tân Phước Khánh. Nhưng theo quan niệm, các vị thần này không được thờ cố định lâu dài ở một nơi nào trong bốn địa phương trên mà phải luân phiên hàng năm từ địa phương này sang địa phương khác. Mỗi nơi chỉ được thờ một năm và bốn năm mới trở lại tổ chức lễ hội một lần vào ngày 25-2 âl. Nét nổi bật đáng chú ý của lễ hội là nghi thức rước kiệu các vị thần nói trên. Đám rước kéo dài suốt đêm, trải qua hàng chục km đường bộ. Đám rước hết sức tưng bừng, náo nhiệt, thu hút đông đảo người xem. Người ta nói rằng, trước đây, khi đám rước qua phố, ngoài múa hẩu, múa lân, chiêng trống vang một góc trời… người ta còn thấy những ông cốt xuất hiện, đâm “xiên lìn” qua má. Người ta cho rằng thánh thần có thể nhập vào bất cứ ai khi đám rước đi qua và họ cũng có thể trở thành ông cốt đâm cây xiên lìn qua má như vậy. Điều này hiện vẫn còn đồn đại trong dân gian mỗi khi người Hoa tổ chức đám rước thánh thần…

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 4746
Ngày đăng: 30.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hình Tượng Ông Tơ Bà Nguyệt Trong Văn Hóa Dân Gian - Trần Minh Thương
Đám Giỗ Ở Miền Tây Nam Bộ Trong Sự Ảnh Hưởng Và Tiếp Biến Của Văn Hóa Thăng Long – Hà Nội - Trần Minh Thương
Ca Trù – Nơi Gặp Gỡ Giai Nhân, Tài Tử - Đỗ Ngọc Thạch
Hình Tượng Con Rắn Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Tản Mạn Về Những Yếu Tố Tình Dục Trong Văn Học Việt Nam - Trần Minh Thương
Tướng Mạo Con Người Qua Ca Dao Dân Ca - Trần Minh Thương
Lời Tâm Tình của Người Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian - Trần Minh Thương
Trầm Hương Vạn Giã (2) - Nguyễn Man Nhiên
Trầm Hương Vạn Giã (1) - Nguyễn Man Nhiên
Nhân cách văn hoá trong ứng xử với đối tượng nghệ thuật - văn hóa nhân gian: con người - sự nghiệp... - Hải Liên
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)