Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.227
123.153.529
 
Chuyện Mèo Chuột Trong Đời Sống Người Bình Dân Tây Nam Bộ
Trần Minh Thương

1. Vài nét về đất và người Tây Nam Bộ

 

Theo Cơ sở văn hoá Việt Nam của Trần Quốc Vượng (chủ biên), phần được coi là Tây Nam Bộ có diện tích khoảng 4.000 km2, chủ yếu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, một số đảo (lớn nhất là đảo Phú Quốc) cùng một vài dãy núi thấp ở phía Tây An Giang, Kiên Giang.

 

Với những kết quả thu được trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học tin rằng con người đã có mặt ở vùng đất Nam Bộ khá lâu đời. Nếu căn cứ theo những di chỉ cư trú và di cốt của con người ở Óc Eo, Ba Thê, Núi Nổi…, cách đây 4.000 đến 5.000 năm, con người đã có mặt ở vùng đất phèn mặn, sình lầy, cây dại và lắm dã thú. Họ để lại nhiều dấu ấn văn hóa khá đặc trưng về vùng miền, mà sinh động và thiết thực nhất là ở vùng tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.

 

Chỉ tiếc là qua các di tích, chúng ta thấy rằng, nền văn minh ấy chỉ hứng khởi lên khoảng vài trăm năm rồi bị chìm lấp trong lòng đất phù sa, với những hình ảnh hư ảo còn lại của một vương quốc Phù Nam, hay trong sử sách, bia ký cổ.

 

Công cuộc mở đất phương Nam, khẳng định vùng văn hóa phương Nam, chỉ thật sự định hình từ những cuộc di dân lớn của người Việt ở TK XVI và đầu TK XVII. Quá trình di dân tự nhiên lẻ tẻ, chưa đủ để định hình bản sắc văn hóa của vùng đất. Đến khi nhà Nguyễn tiến hành những cuộc di dân lớn từ vùng Trung Bộ vào, của người Hoa sang định cư sau sự kiện nhà Minh thất bại trước Mãn Thanh (do Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu cầm đầu), cùng lớp cư dân cổ Khmer đến từ nhiều vùng trên đất nước Campuchia, tràn về theo sông Tiền, sông Hậu để tránh thảm họa từ các vua chúa Xiêm La, kếp hợp với người Chăm Hồi giáo đến vùng Châu Đốc, song song đó là quá trình chuyển cư tại chỗ của cộng đồng các tộc người để lập làng lập ruộng, vùng văn hóa mang bản sắc Nam Bộ mới thật sự hình thành.

 

Tìm hiểu đặc trưng vùng văn hóa, tất nhiên phải lấy đặc điểm tính cách con người làm trung tâm. Bởi vì con người là chủ nhân của mọi ngôn ngữ và hành động, tác động sâu sắc đến âm nhạc, sân khấu, văn học, cũng như kiến trúc, hội họa, lễ hội và phong tục…

 

Hầu hết các nhà văn hoá học, dân tộc học, … đều có chung nhận định tương đối thống nhất về tính cách người Nam Bộ, tựu trung gồm những nét chính sau đây: hào hiệp trong cuộc sống, bình đẳng trong giao tiếp, ít bảo thủ.

Khi mới đặt chân đến vùng đất này, Tây Nam bộ từ miền đất hoang vu rừng rậm, nhiều sông rạch, đầm lầy muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh, trên rừng nhiều thú dữ, dưới nước, ngoài tôm cá bạt ngàn, còn có cá sấu, cá mập, rùa rắn,

 

Người nông dân Tây Nam bộ lao động cần cù, dũng cảm. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước cải tạo những vùng đất bát ngát nhưng phèn chua và ngập nước, phòng chống thú dữ trên rừng, chống lam chướng dưới nước để trồng lúa, đánh bắt cá tôm, … Ở vùng đất giồng cao hơn thì trồng cây hái trái, trồng tỉa hoa màu, … Ðể tồn tại và phát triển tất yếu các gia đình nông dân trong xóm ấp liên kết lại, lao động dần công cưu mang đùm bọc trong cái nghĩa bán anh em xa mua láng giềng gần, giúp đỡ nhau chén cơm manh áo, hột gạo của khoai, tối lửa tắt đèn có nhau.

Buổi đầu lập nghiệp trên vùng đất hoang sơ gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, vất vả, … mồ hồi và cả máu của họ đã đổ xuống, thành quả đạt được là những đồng lúa vàng cò bay thẳng cánh, những vườn cây mát mắt trĩu quả quanh năm, … Theo đó, mối quan hệ giữa người với người từ bốn phương tụ hội trên mảnh đất này càng thêm ấm áp nghĩa tình. Tấm lòng người nông dân Tây Nam bộ xưa nay luôn đức độ bao dung, sẵn sàng tha thứ cho những ai biết hối cải lỗi lầm, nhưng cũng không tha thử kẻ gian ác, điêu ngoa. Họ coi trọng nhân – nghĩa – trí – dũng – liêm, lòng thương người bao la vô tận, nhưng rất ghét bọn gian tà, xu nịnh, những kẻ tham phú phụ bần. Tính cách khí khái trọng nghĩa khinh tài, giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha, sự cương trực ăn ngay, nói thẳng, … đã góp phần tạo nên bản sắc riêng trong đời sống của người dân miệt sông nước Cửu Long.

 

Tuy cuộc sống vô cùng cơ cực ngày ngày lao động trên đồng ruộng, đêm đêm nam nữ quây quần xay lúa, giã gạo, chài đôi, chài ba, rồi điệu lý, câu hò đối đáp dưới ánh trăng cất lên vẳng văng, hương quê tuy mộc mạc mà mặn nồng tình nghĩa.

 

1. Mèo chuột – hai loài động vật quen thuộc

 

Mèo nhà là loài động vật có vú nhỏ, thích ăn thịt sống. Các nhà khoa học tin rằng tổ tiên trung gian gần nhất trước khi được thuần hoá của chúng là mèo rừng châu Phi (Felis silvestris lybica). Mèo nhà đã sống gần gũi với loài người ít nhất 9.500 năm, và hiện nay chúng là con vật cưng phổ biến nhất trên thế giới. Ở Việt Nam nói chung và ở miệt sông nước Cửu Long Mèo cũng là con vật thân thích trong mọi nhà.

 

Chuột là động vật nhỏ có vú thuộc loài gặm nhấm. Họ chuột (có tên khoa học: Mus), có 41 loài. Các nhà khoa học tin răng có thể chuột đã có trên trái đất này từ thời cổ đại Hy – La. Chuột có kích thước thay đổi tùy loại từ 70-300 mm, bàn chân thường có vuốt. Lông chuột mềm, lưng thường có màu xám.

 

Nếu mèo là loài có ích thì chuột là loài vật có hại. Ngoài việc cắn phá lúa, gạo, chuột còn là vật trung gian truyền căn bệnh dịch hạch khủng khiếp.

 

Mối quan hệ giữa chuột với mèo được dân gian lý giải qua câu chuyện dân gian sau:

 

Xưa, chuột vốn là một giống linh thiêng ở trên Trời. Trời giao cho nó giữ chìa khóa kho lúa của Trời. Nhưng chuột không phải là một loài đáng tin cẩn, nhân được giữ chìa khóa, cứ tự do đến mở kho rủ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúa.

 

Sau đó, Trời biết được, lấy làm giận lắm, không cho nó ở trên thượng giới nữa, mà đuổi xuống dưới hạ giới để sai giữ chìa khóa bồ lúa của nhân gian. Nhưng chứng nào tật ấy, chuột lại rủ nhau vào lẫm thóc của người rả rích ăn. Đến nỗi người phải có câu than rằng:

 

Chuột kia xưa ở nơi nào ?

Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này ?

 

Người lấy làm chua xót, mới kêu với vua Bếp. Vua Bếp liền bắt nó đem lên trả Trời và tâu rằng:

- Chuột này vốn chuột của Thiên Đình, sao Thiên Đình lại thả nó xuống hạ giới ?

Trời kể lại chuyện chuột ăn lúa của Trời nên bị Trời đày. Nghe xong, vua Bếp tâu:

- Xuống dưới ấy tính nó vẫn vậy, lúa của Trời nhiều, lúa của người ít, của Trời nó ăn không hết chớ của người nó cứ ăn mãi, người sẽ đến chết đói mất. Vậy xin bây giờ xin cho nó lại cho nó lên trên Trời mà ở vậy.

 

Trời nghe tâu phán rằng:

- Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa, ta không thể cho nó lên đây nữa Thôi bây giờ, ta có một con mèo, ta cho ngươi đem xuống hạ giới để khi nào chuột nó ăn lúa của nhân gian thì thả mèo ra cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ ăn chuột đi, còn khi nào nó không muốn bắt chuột, thì chú bảo con mèo cứ kêu với con chuột rằng: Nghèo, nghèo, nghèo, thì chuột nó cũng sợ mà nó phải bỏ đi.

 

Vua Bếp lạy tạ, đem chuột và mèo xuống hạ giới, cứ theo như lời dậy mà làm. Từ đó, khi nào mèo rình bắt được chuột, rồi mèo cứ "gầm gừ, gầm gừ" và khi nào không bắt được chuột thì mèo ngồi kêu: nghèo, nghèo, nghèo, ...

 

Nhưng lúc ấy, mèo hồi nghĩ lại, mới lấy làm giận vua Bếp, tại vua Bếp mèo mới phải xuống dương gian. Không làm gì được, mèo chỉ còn cách thỉnh thoảng vào giữa đống tro bếp phóng uế.

Thành ngữ Mèo ngòi xó bếp ít nhiều còn muốn nói đến đặc tính “lười” của con vật này.

 

2. Mèo chuột trong văn hoá ẩm thực

 

Thịt mèo, thịt chuột cũng là những món ẩm thực khoái khẩu của người miệt đồng.

Dù là con vật được cưng, song mỗi khi nổi hứng, mèo cũng được cho vào nồi chế biến thành thứ đồ nhắm với ba xị đế, Đệ tử Lưu Linh còn cao giọng gọi là món “tiểu hổ”. Song thực tế, cũng có người không ưa thịt … mèo!

 

2.1. Mèo và các món ăn từ thịt mèo

 

2.1.1. Làm thịt mèo

Muốn có thịt mèo phải có cách làm thịt nó.

Đầu tiên người ta bắt mèo dùng cây đập đầu, hoặc bỏ vào bao bố cột chặt dìm xuống nước cho mèo chết ngộp, vớt lên, cắt cổ, bỏ máu. Sau đó, đem trụn nước sôi và cạo lông. Nước nấu sôi cho một ít nước lạnh vào pha, nếu chỉ nước sôi sẽ bị sác, lông cạo không sạch. Xối nước đã pha vào mình mèo, nhổ sạch rồi dùng dao bén cạo lại cho trắng. Tiếp theo là thui mèo, mèo đã cạo trắng được bắt tréo trên hai cây dọc dừa rồi đốt rơm thui, đến khi da mèo cháy xạm vàng, lúc này mèo đã mùi thơm, vừa nhìn ngon mắt. Đem mèo vừa thui xong xuống cạo rửa sạch, mổ bụng làm sạch lòng và chặt  thịt thành miếng vừa ăn.

 

2.1.2. Các món ăn từ thịt mèo

Mèo xào lăn: Thịt mèo chặt thành từng miếng vừa ăn, ca ri, sả ớt, nước cốt dừa, tương, đậu phộng, nước mắm, muối, bột ngọt, … Bắc nồi lên cho nóng cho ít mỡ tỏi vào phi vàng thả thịt chó mèo đã ướp vào, xào cho săn lại, sả cuộn tròn lại, một ít xắt nhuyễn, cùng với ớt xắt thành lát cho vào. Khi xào thịt, người ta thường dùng nước dừa tươi để nấu cho ngọt thịt, màu ca ri sẽ làm thịt mèo sẽ có màu vàng ươm, …, đến khi nước xắt lại, thêm ít nước cốt dừa, nêm nếm gia vị, đem xuống ăn nóng.

 

Mèo nướng: Thịt mèo đã làm thái từng lát mỏng ướp gia vị đường, tỏi, ngủ vị hương, bột ngọt, muối, … rồi nướng bằng vĩ trên lò than thật nóng. Món ăn này thuở nguyên thuỷ người ta nướng cả đùi của con mèo mà không cần ướp gia vị gì cả. Khi ăn, người ta cũng chẳng dùng dao để xắt mà chỉ xé bằng tay hay dùng răng miệng để xé. Thịt mèo nướng ăn với lá mơ, chuối chát, củ riềng xắt lát; khế, ngò om, ngò gai. Ngoài ra, thịt mèo còn ướp chao nướng, cách làm giống như quy trình trên, chỉ khác là ướp chao nên có mùi vị rất đặc trưng, …

Mèo gói lá mướp: thịt mèo băm nhuyễn, ướp gia vị, …rồi gói lại bằng lá mướp, dùng tăm dừa để ghim thành từng miếng hình vuông, hoặc hình tròn, xong bắc lên nồi nước ở dưới để hấp lấy hơi nóng làm cho thịt mèo trong lá mướp chín, đến khi lá mướp chuyển thành màu xanh sậm đen là thịt đã chín. Đem nồi xuống gắp thịt ra chấm với nước mắm (pha bằng tương, sả, nước cốt dừa và đậu phộng). Có người thích ăn luôn cả lá gói, nó vừa nên thuốc vừa đỡ ngán miệng.

 

2.2. Thịt chuột

Dân gian dành cho chuột câu ca

 

Cần chi cá lóc cá rô

Thịt chuột thịt rắn nhậu vô hơn nhiều

 

Chuột là món ăn “khoái khẩu” của người miền Tây Nam bộ. Mùa khô là mùa bắt chuột. Chuột bắt về “cải thiện” bữa ăn, vừa để bảo vệ khoai, đậu, lúa, dừa, …

 

2.2.1. Bắt chuột trong dân gian

Dậm cù bắt chuột: Chuột phá lúa rất dữ dội. Nên khi mùa lúa chín, chuột ăn no béo, cũng là lúc thịt nó cũng ngon nhất. Khi gặt lúa, người ta chừa lại một đám nhỏ, lũ chuột tức khắc sẽ chạy dồn vào đó, bởi ở đó vừa kín, lại vừa có cái ăn. Họ sẽ dùng lưới bao quanh, chừa một đường thoát, đặt ở đấy cái lọp (phương tiện bắt cá làm bằng tre, trúc), rồi vào “dậm cù”, chuột chạy tứ tung, rồi chui vào “bẫy” lọp được giăng sẵn, …

Dùng chó, đào hang, chĩa đâm chuột: Tháng giêng, hai rảnh rang, từng nhóm, người dắt chó, người cầm cây, cầm chĩa, cùng nhau đi đào hang trên các bờ ruộng để … bắt chuột, vừa tiêu diệt kẻ thù phá hoại mùa màng cho vụ mùa tới, vừa để “cải thiện” bữa ăn.

 

Gài bẫy: Bẫy có nhiều loại. Bắt chuột cách này thường không được nhiều. Chỉ trên dưới chục con đủ ăn … trong ngày. Gần đây người dân còn nghĩ ra cách bắt chuột bằng xuyệt điện nguy hiểm bởi con người vướng phải cũng biến thành nạn nhân. Nhiều tai nạn chết người thương tâm đã diễn ra bởi loại hình bẫy chuột “hiện đại” này.

 

2.2.2. Làm thịt chuột

Đập chuột cho chết, dùng rơm rạ khô để thui, (nhưng không quá lâu thịt chuột chín mất ngon và khó làm), hoặc trụn nước sôi, rồi lột da, rửa sạch, cắt bỏ tứ chi, mổ bỏ đồ lòng chỉ lấy lại gan, ở phía cạnh đuôi chuột có một khúc già có chứa phân chuột, cần tránh làm bể và phải lấy sạch, không thịt chuột sẽ hôi mất ngon.

 

2.2.3. Một số món ăn từ thịt chuột

Chuột nướng rơm khô: Chuột cơm đào bắt về không cần phải làm thịt, chỉ nặn quanh mình chuột bằng sình non (đất ướt), cắm cọc tre tươi máng lũ chuột nặn đất vào, chất rơm xung quanh đốt nướng. Qua ba bốn lượt rơm đến khi thấy đất đã khô nứt ra, chuột đã chín vàng. Lông và da chuột dính theo đất, người ăn chỉ việc gở lớp đất khô là có ngay món thịt chuột được chế biến nguyên chất vừa ngọt vừa thơm.

 

Chuột xào củ hành: Củ hành tím thái mỏng, thịt chuột được bằm nhỏ,… Phi mỡ heo, xào thịt chuột cho xăn vàng, cho củ hành vào, không để củ hành quá chín, nêm nếm tiêu, tỏi, ớt, … Xong nhắc xuống là ăn với cơm nóng.

 

Chuột chiên sả: Chuột thường được chặt làm tư, ướp thịt chuột với ớt, sả bằm nhuyễn, để thấm. Bắc chảo lên cho mỡ vào đun nóng, cho thịt chuột vào, lửa không quá lớn, chuột vàng một bên thì trở lại chiên bên kia. Mỡ rút, thịt chuột vàng săn lại là ăn được.

 

Chuột nướng chao: chuột thường được chặt làm tư, ướp thịt chuột vào chao tán nhuyễn, để thấm. Lò lửa than thật nóng, nướng chuột trên vỉ sắt. Thịt chuột vàng đều là ăn được. Thường người ta vừa nướng, vừa ăn.

 

Chuột khìa nước dừa: chuột thường để nguyên cả con, ướp chuột với các gia vị, đường, nước mắm, bột ngọt, ngũ vị hương,…, để thấm. Bắc chảo lên phi tỏi mỡ, cho chuột vào, để hơi vàng cho nước dưa tươi vào đun sôi đến khi nước cạn sền sệt là thịt chín, ăn được . Món này ăn nóng với rau sống, chấm nước mắm chua, cay.

 

3. Mèo chuột trong văn hoá nhận thức

 

3.1. Mèo chuột trong thành ngữ, tục ngữ dân gian

Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, người bình dân dùng khá nhiều thành ngữ chứa đựng hình ảnh Mèo, Chuột. Phần lớn trong số các thành ngữ ấy đều mang hàm ý phê phán, chế giễu, đả kích những thói xấu, những tính cách thấp hèn của người đời. Chúng tôi xin lướt qua một số đơn vị ngôn ngữ tiêu biểu đó.

 

Đầu tiên là dùng hình ảnh mèo chuột để làm đối tượng so sánh với những biểu hiện, sắc thái, tâm trạng của con người trong cuộc sống thường nhật, Ướt như chuột lột: Ướt sũng, ướt hết từ đầu đến chân; Lôi thôi như mèo sẩy chuột: chỉ sự thẫn thờ, ngơ ngác của người đang tiếc rẻ, vì trót lầm lỡ một dịp may nào đó; Mèo nhỏ bắt chuột con: Khuyên hãy biết liệu sức mình mà đảm đương công việc; Tiu nghỉu như mèo cắt tai: thất vọng buồn ảo não, không muốn nói năng, không muốn làm gì. Lù rù như chuột chù phải khói: Kém tinh nhanh, rất chậm chạp và đờ đẫn; Ăn như mèo: Là ăn từ tốn, từng miếng một. Phụ nữ ăn nhỏ nhẻ được khen là có nết. Nhưng đàn ông ăn như mèo thì bị chê bai, cho là tật xấu; Mèo khen mèo dài đuôi: Tự đề cao, khen ngợi mình; Tiu nghỉu như mèo cắt tai: thất vọng buồn ảo não, không muốn nói năng, không muốn làm gì; Lèo nhèo như mèo vật đống rơm: Nói dai, nói đi nói lại để nài xin, …

 

Ở cấp độ mỉa mai, châm biếm, đả kích, giễu cợt thậm chí là khuyên răn hãy cảnh giác với những loại người “mèo chuột” ấy, ta gặp cách nói bằng những hình ảnh ẩn dụ: Ném chuột vỡ lu: Hành động không mang tới kết quả gì đáng kể, trong khi lại gây ra tổn thất lớn hơn nhiều; Mèo già lại thua gan chuột nhắt: Người có ưu thế lại bất lực, thất bại trước sự mạnh mẽ của kẻ bình thường;

 

Bày đường chuột chạy: Chỉ cách cho kẻ xấu tránh bị trừng phạt; Chuột chù đeo chuông: Kẻ xấu xa lại tỏ ra là tốt, lên mặt dạy đời; Chuột đội vỏ trứng: Che giấu bản chất xấu xa bằng cái mã tốt đẹp, hào nhoáng bên ngoài; Chuột gặm chân mèo cũng mang hai nét nghĩa: chỉ sự liều lĩnh, dại dột làm việc nguy hiểm; hoặc chỉ việc lâm vào hoàn cảnh trớ trêu, phải thực hiện hành vi táo bạo, bất lợi; Chuột sa hũ nếp: May mắn, gặp được nơi sung sướng, đầy đủ một cách tình cờ ngẫu nhiên; Cháy nhà lòi mặt chuột: Do xảy ra biến cố mà mới phơi bày, lộ tẩy sự thật hoặc thấy rõ chân tướng của người liên quan; Chuột chạy hở đuôi: Không che giấu được toàn bộ hành vi, sự việc, bị lộ một phần bí mật; Đầu voi đuôi chuột: Chủ trương, kế hoạch, việc làm lúc đầu có vẻ to tát, thuận lợi, nhưng cuối cùng bỏ dở dang hoặc không đạt được kết quả tương xứng; Nói dơi nói chuột: Nói linh tinh, không có cơ sở, căn cứ gì hoặc không có nội dung cụ thể; Nửa dơi, nửa chuột: Lai căng hoặc mập mờ, không rõ ràng; Voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy cẫng: Đua đòi, bắt chước không phải lối, trở nên lố  bịch, kệch cỡm, …

 

3.2. Mèo chuột trong ca dao dân ca

 

3.2.1. Trong dân ca Nam Bộ

Các nhà nghiên cứu sưu tầm âm nhạc dân gian đã vận dụng và xử lý các hệ thống điệu thức dân gian 5 cung hoặc 7 cung có thêm bớt bất thường trong thể loại lý, tạo thêm nhiều sắc thái về giọng điệu, làm phong phú thêm, mở ra nhiều khả năng kết hợp chặt chẽ giữa âm điệu và ngôn ngữ. Trong số hàng chục điệu lý có hai bài Lý con chuộtLý con mèo, … Hai bài hát này lại có nhiều dị bản, và đều xuất hiện trong liên hoan Dân ca Dân vù do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vừa qua.

 

3.2.2. Mèo chuột qua những lời thơ ngụ ngôn và ứng xử

Xin bắt đầu từ hai bài ca dao ngụ ngôn quen thuộc:

 

Con mèo trèo lên cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đường xa

Mua mắm mua muối về giỗ cha con mèo

 

Và:

Chuột chù chê khỉ rằng hôi

Khi mới trả lời cả họ mày thơm

 

Đầu tiên phải nói ngay rằng đây là hai câu ca mà hầu như bất cứ người Việt Nam nào sống trên dải đất hình chữ S đều biết, đều thuộc. Nó không phải là “đặc sản” riêng của người miền Tây Nam Bộ. Càng khó có cơ sở để nói rằng nó xuất phát từ vùng đất Cửu Long, song có đều trên vùng kênh rạch chằng chịt hai câu ca vừa nêu vẫn tồn tại trong giọng hò, câu hát của các bà, các chị mỗi khi kéo võng đưa em bé vào giấc ngủ. Điều đó thể hiện rõ sự ảnh hưởng và tiếp biến của một thể loại mà đặc trưng của nó là “sản phẩm tinh thần” của toàn dân.

 

Trở lại vấn đề nội dung, ở bài ca dao đầu, dường như người bình dân muốn lột mặt nạ bọn người gian ác ra mặt đạo đức giả. Mèo đời nào tốt đến mức phải đến hỏi thăm chuột. Tìm người, để hãm hại mà giở giọng “thăm” thì quả là thâm thật! Song, người thấp cổ bé họng đâu dễ bị mắc lừa. Chuột đã chạy thoát, và còn … nhắn lại để đáp lời thăm của mèo, rằng bận đi chợ, mua những thứ xoàng xĩnh nhất là mắm, muối về để lo … giỗ cha kẻ không mời mà đến kia! Một cái tát mạnh, thẳng tay vào bộ mặt của kẻ giả nhân giả nghĩa! Thật đáng đời lắm vậy!

 

Ở bài sau, tác giả dân gian dùng nghệ thuật thuật phản ngữ để ngụ ý châm biếm những hạng người không thấy cái xấu của mình mà hay “bới lông tìm vết” của kẻ khác!

 

Những bài học ứng xử từ những câu ca mang hình tượng của hai con vật mèo – chuột quả là sắc sảo và lý thú!

Tiếp theo ta hãy người dân gian, mượn hình ảnh của chuột để dựng lại chân dung của một người … không ra gì:

 

Cô tưởng mình cô ái ố mĩ miều

Chồng con chả lấy để liều thân ru

Hai nách cô thơm như ổ chuột chù

Mắt thì dán nhấm, lại gù lưng tôm

 

Câu thơ vừa dùng cách tả thực, vừa dùng cách nói mỉa, nói lẩy, bởi chuột chù thì không thể … thơm được. Hoạ chẳng chỉ có Khỉ mới nói vậy, như bài ca dao mà chúng tôi vừa phân tích ở trên.

 

Cụ thể hơn, chân dung người lười biếng, không ra gì được sánh với con mèo, bởi tính “chúa lười” của con vật hiền lành này:

 

Mèo nằm bồ lúa khoanh đuôi

Vợ anh đẹp lắm, đuổi ruồi không bay

 

Trong cuộc sống thường nhật, nhưng triết lý nhân sinh được người lao động chân lắm tay bùn đúc kết lại, nhắc nhở người đời.

 

Mèo tha miếng thịt thì đòi

Kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng

 

Kễnh là tiếng gọi khác dành cho ông ba mươi. Mèo họ cọp, cọp thì … nguy hơn, mạnh hơn, dữ hơn, thế là cách ứng xử cũng phải với mèo chứ sao!

Sự đời, có làm thì mới có ăn, người cũng thế mà mèo cũng thế:

 

Con mèo con mẻo con meo

Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà

 

Giữa mèo và chó cũng không ít lần “cơm không lành canh không ngọt”, mượn sự thể đó, dân gian muốn nói đến những oan mà có kêu trời cũng khó thấu, vốn không ít lần đã diễn trong cuộc sống:

 

Con mèo làm bể nồi rang

Con chó chạy lại mà mang lấy đòn

 

Hơn thế, mèo và chó “gườm” nhau, dạy chuyện đời cho nhau. Dựa vào đặc điểm của hai loài vật nuôi cùng nhà, người ta cất lên lời thơ:

 

Con mèo trèo lên cây vông

Con chó đứng dưới ngó mong con mèo

Mèo rằng, sao chó chẳng theo ?

Lên đây mèo sẽ dạy leo cho mà

 

Thân gói rơm không lo phận gói rơm, tác giả dân gian mỉa mai:

 

Chuột chê xó bếp chẳng ăn

Chó chê nhà dột ra nằm bụi tre

 

Ai cũng khen mình hay, ai cũng cho rằng mình giỏi hơn người thì hãy nghe đây:

 

Mèo khen mèo dài đuôi

Chuột cậy mình nhỏ, dễ chui dễ luồn

 

3.2.3. Chuyện mèo chuột trong ca dao tình yêu

Tình yêu lứa đôi là một cung bậc đầy cảm xúc không thể thiếu được trong đời sống tình cảm của con người. Và như một lẽ tất nhiên, hình ảnh hai con vật mèo chuột không thể nào vắng mặt trong tiếng nói tâm tình của người bình dân.

 

Dựa vào tính mềm mại, những kẻ râu mày gọi người mình yêu là “con mèo” vừa dễ thương, vừa trữ tình lãng mạn:

 

Ba má bày đặt cho anh

Áo bà ba may hai túi đựng dầu chanh để o mèo

 

Theo khẩu ngữ dân gian miệt đồng bằng, o mèo là đi “tán gái”, là làm quen, ngỏ lời chọc ghẹo đối tượng mà những anh chàng cao hứng để ý. Và rồi, cô gái cũng cảnh giác:

 

Võng ny lông anh giăng mùng chiến

Giấy kim tuyến anh gắn gối tay bèo

Anh ơi anh về dưới đó bỏ con mèo lại cho ai?

 

O mèo, cùng “mèo” hò hát đối đáp, đối tượng lại lấy con mèo ra để hỏi chơi, bắt bí người đối diện:

 

Thuyền quyên mười tám cái chèo

Ta xin đố bậu con mèo mấy lông

 

Lém lĩnh, nhanh trí chàng trai đã đáp lại, lời đáp theo motif quen thuộc, khi gặp câu hỏi khó trong  ca dao.

 

- Đố chi đố ngặt đố nghèo

Đố chi lại đố con mèo mấy lông?

Bậu về tát cạn biển đông

Thì ta sẽ đếm hết lông con mèo

 

Trong lúc hò hẹn, giờ tí canh ba, giờ của chú chuột mò đi ăn đêm, theo cách tính thời gian của người xưa cũng được chàng trai tận dụng triệt để:

 

Con cua càng bò ngang đám bí

Nói với chị mày giờ tí qua qua

 

Chuyện “mèo chuột” đúng như nghĩa bóng của nó là chuyện nam nữ những không chính đắn, không đường hoàng theo quan niệm gia giáo ngày trước. Xem đây, cảnh vượt rào của đôi lứa :

 

Chuột kêu rúc rích trong rương

Anh đi nhè nhẹ, đụng giường má hay

 

Ngày xưa cái giường của người đàn bà nhà quê là loại giường chỏng đóng bằng tre già, lâu ngày thành xiêu lỏng, đụng vào đó nó kêu cót két, giống như tiếng chuột kêu chút chít. Có lẽ bà mẹ của cô gái kia đã một lần chợt thức giấc, nghe tiếng chiếc giường tre kêu rúc rích, cô gái đã nhanh trí trả lời rằng đấy là do “chuột ở trong rương”, rút kinh nghiệm, cô gái đã nhắc khéo cho tình nhân kẻo lỡ làng chuyện ân ái!

Có khi, giữa lúc cao trào cũng chính chuột là nguyên nhân làm “đổ vỡ”, ở một câu chuyện khác, người trong cuộc thốt lên:

 

Mồ cha con chuột lăng loàn

Vì mi ai mới không tàn giấc hoa

 

Tiếp mạch chuyện mèo chuột, thơ ca dân gian còn nhắc đến những cảnh tượng “nồi nào úp vung nấy”, cảnh tượng những mối tình vụng trộm “mèo mả gà đồng”:

 

Con chi rọt rẹt sau hè

Hay là rắn mối tới ve chuột chù?

 

Hoặc như:

Mèo đàng lại gặp chó hoang,

Anh đi ăn trộm gặp nàng nhổ môn

 

Cũng bởi tình “mèo chuột” kia mà nhiều lúc các anh chàng táo tợn đến mức dùng lời dung tục để “đòi hỏi” cho thoả mãn dục vọng con người:

 

Gió nam non thổi lòn hang chuột

Đ…  em rồi, đ…  nữa được không em

 

Không thể chấp nhận chuyện “mèo chuột”, dân gian đã cảnh cáo những người xuân thì đầy khát khao giao cảm cả tâm hồn lẫn thể xác:

 

Lửa gần rơm không cháy cũng tròm trèm

Mèo không ăn vụng đi đêm làm gì

 

Hậu quả tất yếu của chuyện “mèo chuột” tất sẽ diễn ra, nguy hiểm khôn lường. Hình ảnh những người đã “trót nhỡ nhàng” hiện lên thật thảm hại:

 

Còn duyên anh cưới ba  heo

Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi

 

Sự so sánh giá trị của người con gái qua hai lễ vật dùng “đi cưới” đã thể hiện cách đánh giá của người bình dân. Còn duyên – cưới ba heo; hết duyên – cưới con mèo … cụt đuôi, tình cảnh ở vế sau thật đau đớn và tủi nhục hết chỗ nói!

 

Cũng chuyện lễ cưới, ở một bài ca dao đề cập đến các lễ vật thách cưới. Theo ý chủ quan của người viết, đối với những người nghèo khổ trong xã hội ngày trước, thách cưới là một gánh nặng khiến biết bao đôi trẻ phải chia lìa, vì thế có thể coi đây như một lời phản kháng:

 

Cưới nàng anh toan dẫn voi

Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn

Dẫn trâu sợ họ máu hàn

Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân

Miễn là có thú bốn chân

Dẫn con chuột béo mời dân mời làng

 

Thân phận kẻ trái duyên lỡ nợ, con mèo cũng ở bên cạnh để cùng chủ nhân của nó trút cạn tâm tình:

 

Người ta năm bảy vợ theo

Còn tôi đơn chiếc như mèo cụt đuôi!

 

Và khi nên gia thất, người con gái gặp cảnh chồng là người vô tích sự, kẻ không ra gì, cô ta “nhẹ nhàng” dùng hình tượng “mèo nằm xó bếp” để mỉa mai:

 

Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng tôi ngồi bếp sờ đuôi con mèo

 

Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu xưa nay hiếm khi cơm lành canh ngọt. Vì thế, dân gian ví họ như mèo – chuột không hơn, không kém:

 

Mẹ chồng đối với nàng dâu

Như mèo với chuột có thương nhau bao giờ

 

4. Mèo chuột trong văn hoá tâm linh

 

Theo mê tín, người ta cho rằng chuột rúc chút chít sẽ mang đến đều chẳng hay. Nếu nhà bỗng nhiên có chuột rúc thì họa dữ ập tới:

 

Thứ nhất đom đóm vào nhà,

Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn

 

Họ cho rằng: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu! Có lẽ quan niệm này bắt đầu từ câu chuyện dân gian mà chúng tôi kể ở đầu bài viết, mèo thường hay kêu nghèo … nghèo …nghèo! Cũng vì thế, ngay cả hiện nay, khi đi tàu, xe ai mang mèo theo thường bị các anh lơ xe, lái đò, … kiên quyết phản đối, buộc chủ nhân phải bỏ lại, không thì họ sẽ từ chối không cho đi tiếp. Ngược lại ai đem chó đi thì chả sao cả!

 

Người ta cũng tin rằng gặp mèo đen nhảy ngang đầu xe, thì cũng xui xẻo như xẹp vỏ bánh xe chẳng hạn!

Mèo để tháng ba cha ăn con: Biểu hiện rất lạ lùng có thật mà dân gian quan sát biết được từ lâu, song chưa có lời giải thích thỏa đáng. Không hiểu sao, mèo cái có chửa và đẻ con đúng vào tháng ba … thì mèo cha sẽ biết, và nó tìm mọi cách cắn chết đàn con của nó, ăn thịt, chỉ chừa lại những cái đầu … tròn vo, gớm ghiếc! Nếu ở nhà có mèo đẻ nhằm tháng ba, người ta phải ra sức canh giữ, đánh đuổi mèo đực, tốn nhiều công sức, song tỷ lệ để bầy mèo con an toàn và lớn được cũng không cao.

 

Nếu mèo cái đẻ nhằm các tháng khác trong năm thì không có hiện tượng này.

Lấy được nhau mèo sẽ gặp may mắn! Mèo vốn nhút nhát, kín đáo, nên khi đẻ nó ít để chủ nhà biết. Đẻ xong, nó ăn sạch cả nhau. Nên ai thấy được, lấy được nhau mèo sẽ gặp … may, người ta tin như vậy!

 

Mèo nhảy qua người chết, người chết bật dậy. Điều này khoa học đã lý giải do luồng điện sinh học sinh ra, nên khi mèo nhảy qua gần tử thi, tử thi sẽ bật dậy. Chính vì thế, trong nhà có người vừa qua đời việc đầu tiên là người ta tìm bắt … nhốt bầy mèo lại!

 

Mèo già hóa cáo: Nghĩa hàm ẩn muốn chỉ những người già sống lâu nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Cũng còn nghĩa là người mới đầu làm việc gì thì rụt rè nhút nhát, nhưng ở lâu năm thì tinh ma ranh mãnh. Trong dân gian, người ta tinh rằng khi mèo nhà nuôi lâu năm nó sẽ bỏ đi vào rừng. Bản năng của loài thú hoang trỗi dậy, … mèo đã hóa cáo!

 

Kỵ ăn thịt mèo: dù mèo có mặt trong các món ẩm thực của người bình dân. Song không phải ai cũng ưa. Có nhiều người “kỵ” không ăn. Họ cho rằng mèo là thú cưng, không nỡ ăn thịt, cũng có người cho rằng ăn thịt mèo sẽ gặp … xui. Không biết từ lúc nào người ta truyền câu chuyện khá ly kỳ rằng: có con mèo già, rất khôn. Khi con của chủ nhà ngủ, nó nhảy lên, dùng “tay” đưa võng cho em bé. Ngày đó, chủ nhà có khách đến chơi, hết đồ nhắm, đè mèo ra làm … thịt nhậu, nhậu xong, người bệnh, người gặp nạn,… Tác giả dân gian hư cấu những tình tiết ly kỳ như vậy nhằm mục đích khuyên “bợm nhậu” đừng nên ăn thịt … con vật hiền lành, nhiều tình cảm chăng?

 

Cuối cùng là những câu nhận định dành cho người sinh năm con chuột, cầm tinh tuổi tý. Dân gian hài hước rằng:

 

Tuổi Tý là con chuột nhà

Bắt vịt bắt gà, soi ngách đào hang

 

Và dựa vào đặt tính “ăn vụng như mèo” mà người bình dân “đoán” tính cách của người tuổi mẹo:

 

Tuổi Mẹo là con mèo ngao

Hay quấu hay quào ăn vụng thành tinh

 

Tất nhiên đó chỉ là cách nói ví von, đùa cợt mà thôi!

 

5. Kết luận

 

Mèo chuột là những con vật gắn liền với đời sống của người bình dân. Chuột là loài phá hoại mùa màng, cắn phá ruộng lúa – thành quả lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt của họ. Mèo vừa giúp người nông dân diệt trừ chuột, vừa là vật nuôi được thường yêu chiều chuộng trong nhà.

 

Mèo và nhất là chuột trở thành những món ăn hấp dẫn của người miệt đồng. Sau một ngày lao động vất vả, miếng thịt chuột vừa làm cho bữa cơm ngon miệng vừa là miếng mồi hấp dẫn bên chung rượu đế nặng tình làng nghĩa xóm. Chế biến thịt của chúng cũng đã trở thành nét văn hoá ẩm thực độc đáo.

Tính nết của cả mèo và chuột cũng như mối quan hệ “mèo chuột” đã trở thành đề tài cho lời ăn tiếng nói dân gian. Qua những thành ngữ, tục ngữ ca dao chứa hình ảnh mèo chuột chúng ta thấy được đời sống tâm hồn của người bình dân hết sức phong phú và đa dạng. Nó đã trở thành một trong những nét văn hoá nhận thức của họ.

 

Chúng tôi thông kê và nhận thấy kết quả đến 92,8% thành ngữ, tục ngữ có hình tượng mèo đều mang sắc thái âm tính. Tỷ lệ cao nhất trong các thành ngữ nó về 12 con giáp. Xin xem bảng dưới đây:

 

Hình tượng con vật

Tổng số thành ngữ thống kê

Sắc thái biểu cảm

Âm tính

Trung hoà

Dương tính

Chuột (Tí)

36

21= 58.3%

7=19.4%

8=22.2%

Trâu (Sửu)

44

7=15.9%

11=25%

26=59%

Dần (Cọp, Hùm, …)

34

18=52.9%

6=17.6%

10=29.4%

Mèo (Mão)

42

39=92.8%

2=4.8%

1=2.3%

Rồng (Thìn)

35

2=5.7%

2=5.7%

31=88.6%

Rắn (Tị)

41

23=56%

6=14.6%

12=29.2%

Ngựa (Ngọ)

42

6=14.3%

7=16.7%

29=69%

Dê (Mùi)

41

6=14.6%

6=14.6%

29=70.7%

Khỉ (Thân)

37

20=54%

5=13.5%

12=32.4%

Gà (Dậu)

35

11=31.4%

9=25.7%

15=42.8%

Chó (Tuất)

38

7=18.4%

8=21%

23=60.5%

Heo (Hợi)

38

6=15.7%

6=15.7%

26=68.4%

Tổng

463

166=35.8%

75=16.1%

222=47.9%

 

(Theo Phần Thành ngữ điển tích trong Việt Nam tự điển, Lê Văn Đức soạn, Khai Trí in tại Sài Gòn, 1970; Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (2 quyển), Trịnh Vân Thanh, xuất bản tại Sài Gòn 1965; Từ điển thành ngữ - tục ngữ, Vũ Dung - Vũ Thuý Anh - Vũ Anh Hào, NXB Văn hoá Thông tin, 2000;  Thành ngữ Tiếng Việt, Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, Nxb Khoa học xã hội, 1976)

 

Vì sao một con vật hiền lành như mèo lại bị dân gian dùng với những hàm ẩn mang hàm ý xấu như vậy? Xem ra, đây là vấn đề thú vị, lý giải nó không đơn giản, do khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ đặt ra vấn đề như vậy và sẽ giải quyết nó trong một dịp khác./.

 

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 4580
Ngày đăng: 31.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lễ Hội Phước An Miếu (Phường Chánh Nghĩa, ThỊ Xã Thủ Dầu Một, TỈnh Bình Dương) - Đinh Văn Hạnh
Hình Tượng Ông Tơ Bà Nguyệt Trong Văn Hóa Dân Gian - Trần Minh Thương
Đám Giỗ Ở Miền Tây Nam Bộ Trong Sự Ảnh Hưởng Và Tiếp Biến Của Văn Hóa Thăng Long – Hà Nội - Trần Minh Thương
Ca Trù – Nơi Gặp Gỡ Giai Nhân, Tài Tử - Đỗ Ngọc Thạch
Hình Tượng Con Rắn Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Tản Mạn Về Những Yếu Tố Tình Dục Trong Văn Học Việt Nam - Trần Minh Thương
Tướng Mạo Con Người Qua Ca Dao Dân Ca - Trần Minh Thương
Lời Tâm Tình của Người Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian - Trần Minh Thương
Trầm Hương Vạn Giã (2) - Nguyễn Man Nhiên
Trầm Hương Vạn Giã (1) - Nguyễn Man Nhiên
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)