LẠI NGUYÊN ÂN sưu tầm, giới thiệu
Dưới đây tôi giới thiệu lại trên một chục bài Vũ Bằng viết và đăng tuần báo ‘Trung Bắc Chủ Nhật’ ở Hà Nội từ tháng 3 đến tháng 9/1945. Đó là thời gian của những sự kiện quốc tế như tin Hitler tự tử, nước Đức quốc xã sụp đổ, phe Đồng Minh thắng lợi và kết thúc thế chiến thứ hai; cũng là thời gian của những sự kiện ở ngay trên đất Việt Nam như quân Nhật ở Đông Dương làm đảo chính, quân Pháp thua chạy, vua Bảo Đại lập nội các “Việt Nam Đế quốc”, rồi Việt Minh làm cách mạng tháng Tám và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, − bấy nhiêu sự kiện đều hoặc được ghi nhận bằng kiểu ký sự, phóng sự, hoặc bằng kiểu tùy bút, bình luận, tóm lại ít nhiều đều có hồi âm trong các bài báo viết và in ngay đương thời của Vũ Bằng.
Những ai có quan tâm đều biết, từ rất lâu rồi, để minh chứng phản xạ của giới nhà văn Việt Nam đối với các biến cố xã hội 1945-46 trong và ngoài nước, giới nghiên cứu mới chỉ có được trong tay rất ít, nói đúng ra là quá ít tài liệu cụ thể. Trong những cuốn giáo trình văn học sử của Đại học sư phạm Hà Nội hoặc Đại học tổng hợp Hà Nội soạn hồi những năm 1960-70, chỉ thấy người ta dẫn ra được tuỳ bút Vô đề của Nguyễn Tuân hoặc bút ký Đường vô Nam của Nam Cao. Mà ở cả hai bài ký ấy người ta chỉ đọc thấy thái độ của nhà văn chứ hầu như không thấy bóng dáng đời sống sự kiện hiện thực đương thời.
Vậy mà, như kết quả sưu tầm của tôi cho thấy, trên Trung Bắc chủ nhật, chỉ trong năm 1945, Vũ Bằng có trên một chục bài thuộc loại đề tài nói trên.
Ngày nay, bằng vào đó, chúng ta có thể coi ông như một trong những nhân chứng của các biến cố lớn trong năm 1945, hơn nữa, là một trong những nhân chứng hiếm hoi và nặng ký.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
L.N.Â.
GÁNH CHUNG VIỆC NGHĨA LIỀU RA MẶT
Họ làm việc nghĩa và chúng tôi đã thấy mặt họ đêm thứ bảy vừa rồi. Không phải ai xa lạ. Toàn là các bà nổi tiếng về cung đàn nhịp phách. Vạn Thái, Khâm Thiên, Ngã Tư. Bà Hồ, bà Hậu, bà Phúc, bà Năm, bà Sen, bà Liên, bà Bích. Những mặt quen biết cả. Thưa các ngài, muốn gặp mặt các bà để nói một câu chuyện văn chương hay nghe một bài cung bắc, các ngài cứ việc xuống chơi nhà. Nhưng gặp mặt được đủ các bà ở một nơi, cùng một giờ, cùng làm chung một việc, này, xin thú thực là chưa bao giờ tôi được thấy.
Thấy được hôm vừa rồi, ấy là vì các bà “liều” . Liều ra mặt. Liều ra mặt trên sân khấu Nhà hát Lớn. Cái công việc đã hội họp tất cả các bà lại ở đây có một mục đích đáng yêu và đáng phục: cứu giúp đồng bào đói rách và mua quà tặng quân lính Nhật bị thương.
Ý kiến của ban tổ chức: tuyệt.
Quả phúc của các bà: to.
Các ông đi xem: hả.
Xin thành thực mừng các bà. Thử một keo, thành công ngay lập tức. Thì chúng ta vẫn biết rằng các bà từ xưa vẫn có tài tổ chức hơn đàn ông chúng mình.
Thôi, im đi, đừng cười. Màn mở đây kia. Mười sáu cô tố nữ đứng ở sau một cái quạt to, ló mặt ra chào các quan. Áo voan lóng lánh trang kim. Hoa trắng quàng tóc. Bít tất trắng. Quạt, một mặt vàng, một mặt chấm đỏ, cầm tay. Các cô múa, các cô hát, các cô vừa múa vừa hát, các cô vừa hát lại vừa múa nữa.
Vé hạng nhất, nghe như bán có năm mươi đồng. Ông nào có nhân tình trong bọn mười sáu cô này, phải trả một ngàn đồng để xem cuộc bắt bài này, chắc không cũng tiếc, rên.
Cứ múa nữa đi các em. Bắt bài lối mới, trông tình lắm. Trước bắt mười sáu cô như thế này, chỉ có vua xem. Thường chỉ có tám. Các người bắt bài phải đội mũ vận xiêm, đeo hai đèn hai bên vai. Phiền lắm. Bắt lối tân thời, có vẻ bình dân, nhẹ nhàng. Ánh sáng đổi màu. Tà áo rung rinh. Thật chả khác mười sáu con bướm con ra ràng. Đáng tiếc một điều là các cô hát hơi nhỏ. Không. Các cô hát không nhỏ đâu. Ấy là tại tiếng trống cầm khí to. Nhỏ đi một chút, không ra răm thì tốt. Giá tiêu lại lên tí nữa, còn hay đáo để. Tuy vậy, không sao. Cứ trông thấy các cô múa hát người ta cũng đã muốn rồi. Muốn xem hết buổi diễn từ đầu đến cuối.
Sau khi bà Bạch Liên dạo mọt bản đàn tỳ và bà Quách Thị Hồ ngâm một bài thơ bát cú giáo đầu, đến vở chính: Lưu Bình – Dương Lễ.
Tại sao lại Dương Lễ – Lưu Bình? Ta phải tìm ban tổ chức.
Bà Hồ, để râu theo lối MacDonald, uốn tấm thân “liễu bồ” thành cái thế võ “lường sà pát pảo”, bảo tôi:
– Tôi đố ông biết đấy.
– Tôi cam đoan rằng nếu có ai bắt tôi đoản hai mươi năm thọ thì đành, chứ đoán những cái bí mật của các bà ra thì chịu.
Bà nói:
– Vậy thì được, tôi bảo cho mà biết. Chọn diễn vở chèo cổ Lưu Bình – Dương Lễ chúng tôi không phải là làm một việc cao hứng nhất thời đâu. Nguyên bà Năm và bà Phúc ở nhà vẫn thường đóng hai vai Dương Lễ và Châu Long. Chị em tôi nghĩ ngợi. Và một ý tưởng này đã xuất hiện ở trong đầu óc chúng tôi: Ừ phải, tại sao nhà xuất bản sách bán sách để cứu dân nghèo đói, nhà làm thuốc quyên thuốc để phân phát đi các trại, nhà làm báo viết báo để hô hào người ta quyên tiền, mà chúng tôi hi sinh cho nghề hát lại không thể lấy tiếng hát ra làm việc nghĩa? Chúng tôi nhất định chơi vở Lưu Bình – Dương Lễ. Tôi xin cái vai hề của Dương Lễ là vai tôi ưa nhất cũng như bà Hậu xưa nay thích cười cợt đứng nhận vai tiểu đồng của ông Lưu Bình. Tiên sinh tính, nếu người ta không cười cho vui thì cuộc đời này buồn biết bao nhiêu.
Bà Hồ vẫn đẹp và vui như ngày trước.
Nghe câu bình phẩm về cái vui, cái buồn của cuộc đời, tôi chợt nhớ đến một đêm thu xanh ở một kỹ viện V.T. vào quãng bảy tám năm về trước: chán ngấy tỳ bà, cung bắc, Hồ thủ vai Đào Hiếu và chúng tôi đã lăn cả ra mà cười. Bà này cười khoẻ mà làm cho người ta cười dễ. Thủ cái vai tiểu đồng chắc khá. Vai này quả đã làm nổi tối hát đêm thứ bảy vừa rồi. Tự nhiên, pha trò khá. Duy có một điều hơi tiếc là giọng bà là giọng kim, bà không làm bật được bài Trấn thủ lưu đồn xưa nay tôi vốn thích. Bài này hát to lên mà làm cho toàn thể đượm một vẻ buồn xa vắng, thì còn thú biết bao nhiêu!
Bà Hậu sắm cũng tài. Bà Liên, bà Bích, bà Phúc, bà Sen, bộ nào ra bộ ấy, lịch sự lắm, được nhiều phen tán thưởng. Bà Phúc hát yếu. Bà Năm hát công phu. Giọng hai bà vẫn tốt, hát nhiều điệu lạ và hay. Kể trong chị em, lấy hai người khác để hát thay những giọng rất khó như vai Lưu Bình và Châu Long, dễ không bà nào hơn được. Kể cả bà Sen nữa.
Hoa sen, độ này đương mùa nực, tha hồ mà phô sắc khoe hương. Ở gần bùn, không chịu hôi tanh mùi bùn. Cứ vượt lên, nghĩa là cứ cố ngoi lên mặt nước để đứng cho thật thẳng. Ở trên sân khấu cũng vậy, bà Sen đứng lúc nào cũng thẳng tắp, rõ ra một ông quan lớn. Xưa nay một số quan vẫn thế mà. Ngày thì quan lớn như thần, đêm thì quan lớn tầm ngầm như ma. Bà Sen đã lột được tâm lý một ông quan vậy. Cái tiếng của bà chọn để đóng cũng khéo. Trịnh trọng mà chua. Gắt mà lại như mơn trớn. Giá có vở Kiều để đóng Hoạn Thư thì có lẽ không ai ăn được bà.
Có cần phải nói thêm rằng hai bà Liên và Bích đóng vai vợ cả và vợ hai Lưu Bình, từ bộ điệu đến giọng hát, đều vững chắc như thành? Bà Bích hát có vẻ “buôn giọng”, bà Liên thì lười nhưng ta phải thành thực khen rằng chững chạc. Hai bà đã hát to nhất trong cả đoàn. Các bà khác hát hơi nhỏ, nghe không được rõ. Đó không phải là một điều chê. Trái lại. Các bà là đàn bà kia mà, ăn nói mềm mỏng chứ có phải sinh ra để làm những việc xấu xí như hét vào tai người ta đâu. Đóng cửa lại, êm ấm với nhau để cho các bà rỉ tai ta mà hát, đó mới thật là sở trường của các bà. Vả lại, nghĩ đi phải có nghĩ lại. Các bà không phải là voi. Các bà mệt chứ. Nghe lời ban tổ chức kể lại, tự lúc tập cho đến lúc diễn, có ngót hai tháng trời. Nay diễn thử mai đóng thử, này học vở cho thật chứ, này chơi cái vai của mình cho thật đúng, rồi lại ông dàn cảnh này bắt bẻ, rồi lại nhà hoá trang kia làm tội làm tình trong khi kẻ một cái lông mi, ngài đã thấy mệt chưa? Mà hàng ngày lại còn phải làm ăn buôn bán nữa, sai bảo kẻ ăn người làm nữa, nói chuyện nói trò, bán vé bán viếc nữa, tôi bảo thật, nếu phải địa vị các ông thì đã mệt lử thở chả ra hơi rồi!
Vâng thật thế! Đứng trước tấm lòng quý hoá của các bà, tôi nhận thấy rằng tất cả mọi người đều quy phục. Việc bán đấu giá theo lối Mỹ một bó hoa la-dơn và cái lọ cổ (chưa vỡ) được đến hai vạn đồng là một bằng chứng thành thực tỏ rằng người ta hoan nghênh hết sức công việc và tối hát của các bà. Ước ao rằng các bà vì việc nghĩa sẽ còn đứng ra tổ chức những cuộc vui hứng thú như thế nữa để tỏ rằng trong những đêm sung sướng người ta bao giờ cũng biết nghĩ đến những kiếp vận buồn rầu, trong những lúc đàm đạo với những ông no đủ, các bà vẫn không quên những đồng bào nghèo khó.
Thưa các bà, bao giờ các bà cho chúng tôi xem vở Đào Huế, Tuần Ty?
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 243 (6/5/1945)
HITLER ĐÃ NGÃ!
Đó mới thực là một điều ít thấy.
Một người ở Âu chết mà bên này Á không vui. Tôi không biết tin thế giới đón cái chết của vị Quốc trưởng Đức thế nào; riêng mắt tôi thấy có nhiều người Việt Nam không để ý đến chuyện quốc tế, đọc cái thời sự trên, cũng không được bình tâm lắm.
Người ta tiếc một đấng anh hùng.
Không. Tôi không nghĩ ngợi về chủ nghĩa này hay chủ nghĩa nọ ở đây. Mà cũng chẳng nói chuyện về chủng tộc. Tôi muốn nói về người. Người đội trời đạp đất. Người với tất cả sự lớn lao của sức sống. Người với một nghệ thuật chết cao siêu.
Đến bây giờ ai lại còn không biết rằng người ta sinh ra ở đời không phải để sinh ra rồi bệnh rồi già rồi chết. Sống là một cái gì khác thế. Làm trai đứng ở trong giời đất, ta phải “làm được một việc gì” với núi sông. Tiền bạc, hạnh phúc, ấm no đều là những đám phù vân đến rồi đi. Chỉ có cái gì dài, chậm và trường cửu mới chính là đời, là sống. D.H. Lawren có chỗ đã nói rằng: “Chỉ có cái gì kéo dài ra trong cuộc sống mới là đáng kể. Tôi coi trọng chính cái sự sống của tôi, sự bất tận của nó và sức bành trướng vô cùng của nó”.
Biết nghệ thuật sống không phải là một việc làm vừa sức của mọi người. Lý Thái Bạch, thi sĩ, có một nghệ thuật sống phong phú vô cùng, nhưng Hitler cũng là một thi sĩ vô cùng phong phú. Ông là thi sĩ của mạo hiểm, và một nhà thi sĩ dũng mãnh làm sao! Sống như Lý Thái Bạch là thuận theo lẽ trời, sống như Hitler là thi gan với trời. Trời có xếp đặt những bước gay go cho mấy, cũng cứ tiến lên không cản. Đẹp đẽ nhường nào, anh hùng xiết bao. Sự bền gan cố chí của ông là một bài học mà thanh niên học hết cả một đời không xuể. Học cả cái sống và cả cái chết của ông.
Ai lại còn không biết từ lúc hãy còn làm tên thợ ngoã, ông đã biết hy sinh cho chủ nghĩa? Rồi đến những cuộc diễn thuyết cho đảng Quốc xã, rồi đến những ngày đảo chính, rồi đến những công cuộc cải tạo nước Đức thành một nước mới và mạnh. Bao nhiêu công việc, Hitler sở dĩ làm được, là nhờ cái tài làm thủ lĩnh, đã đành; nhưng chính do ông đã biết tin tưởng vào sức mình, vào tương lai quốc gia, vào “giòng giống của những đấng thiên thần” vậy.
Tôi không có đủ sự bao súc và óc kinh nghiệm để bảo rằng chủ nghĩa quốc xã của Hitler là lầm lạc, nhưng không ai giấu được rằng từ khi ông làm Quốc trưởng Đức, quả thực là thế giới đã bị nhiều lúc thất điên bát đảo. Đừng nói rằng thời thế tạo anh hùng. Hitler chính đã tạo ra thời thế. Nói một câu được một nước. Sar, Autriche, Tchécoslovaquie. Đánh chỗ nào cầm chắc cái thắng ở trong tay: Pologne, Danmark, Norvège, France, Yougoslavie, Roumanie, Hongrie, Bulgarie. Nhưng mà thua được ở đời này có nghĩa gì đâu. Chiến tranh chỉ là một món thể thao vĩ đại. Cái sướng của Hitler có lẽ chính ở chỗ đã thấy mình sống cho nghĩa vụ, cho chính kiến, cho lý tưởng, chứ không phải để thoả lòng tham bỗ bã của mình. Ngày mà lòng ông thoả mãn nhất, có lẽ chính là ngày ông đã cứu được người cùng chủ nghĩa là Mussolini ra khỏi tay quân Anh Mỹ. Cứ chỉ đó, ngay hồi ấy tôi đã viết rằng ít khi có thấy ở phương Tây.
Có ai biết sự phản động của Anh Mỹ trước cái cử động đó thế nào không? Riêng tôi thấy rằng ở nước ta hồi đó những người không ưa Hitler mấy cũng không nói vào đâu được. Cho mới biết những cử chỉ anh hùng thì bao giờ cũng ở trên hẳn những tư tưởng ươn hèn; người ta có thể ghét một chủ nghĩa một cá nhân một đảng phái, nhưng đến những ý nghĩ nhân nghĩa quân tử, những hành vi khảng khái anh hùng thì ai cũng sợ ai cũng phục.
Cái chết của Hitler bây giờ cũng vậy.
Trung thành với lý tưởng muốn cứu các dân tộc Âu châu khỏi vòng cộng sản, − đây là nói theo lời vị quốc trưởng mới của Đức là Kurt Domitz, − Hitler đã không ngần ngại mạo hiểm, hi sinh cả tính mệnh đi và đã ngã một cách vô cùng oanh liệt. “Vị anh hùng lớn nhất trong lịch sử Đức” từ giã cõi đời ở đại bản doanh đóng ở Berlin, chết với đất nước của mình, chết với quân lính và bè bạn của mình. Chết như thế thật là đẹp quá. Bác sĩ Goebbels phải đi theo ông sang cả thế giới bên kia; sau cái tin Hitler mất, hãng thông tấn ở Moscou chính thức báo tin bác sĩ Goebbels, bạn thiết của Hitler, tổng trưởng bộ tuyên truyền Đức cũng tự tử, bỏ rồi đời. Phương Đông ta những chuyện liều mình với nước như thế xưa nay không hiếm. Ta không thể kể hết những thí dụ như thế ở thời Chiến Quốc Xuân Thu nước Tàu. Ở Ấn Độ giống thực dân Hoà Lan đánh lấy Baty, hơn ba vạn dân thấy cái thế vong quốc đã rõ ràng, mặc áo trắng xếp hàng theo vị rajah ra trận. Vị rajah cười mà chết cho nước, dân chúng đi theo lấy những cái kiss sắc bén đâm vào cổ, mổ bụng ra tự tử. Nước ta có ai không nhớ chuyện các ông Võ Tính, Ngô Tùng Chu, Hoàng Diệu tuẫn tiết theo thành! Thật là những tấm gương sáng cho ngàn đời soi chung vậy.
Quốc trưởng Hitler không tự tử nhưng mà chiến đấu tới cùng ở bên cạnh quân lính, chiến đấu tới cùng để bênh vực lý tưởng của mình. Một nước có một người con như thế, không bao giờ chết được. Nước Đức đang thua, nước Đức có thể tan nát hết, nhưng Hitler vẫn còn trên sử sách; vạn tuế Hitler, tên quân anh hùng của Đức. Mussolini ở bên kia cõi đời, sẽ phải ghen số phận với ông. Có người bảo rằng Mussolini bị bắt trong khi chạy trốn với nhân tình, lại có tin bảo ông bị bắt trên giường bệnh. Thanh niên Milan đem phanh thây ông và bêu xác ông trong một ngày. Ý chừng cũng như người xưa bêu xác Ngũ Viên ở trên cửa Bàn Môn. Nhưng có một điều khác là người xưa dã man hơn nhiều nên chỉ bêu cái đầu Ngũ Viên thôi, còn thi thể thì đem bỏ vào cái chiếu làm bằng da ngựa, sai người quẳng xuống sông Tiền Đường. Ngày nay người ta văn minh hơn nhiều nên bêu cả cái xác chết của Mussolini lên mặt thành Milan.
Danh vọng về chiều. Chỉ có sự nghiệp là cần. Cái chết đâu đáng kể. Nhưng Mussolini vẫn có thể cứ ghen cái chết của Hitler, chết ở hàng ngũ, chết trên mặt trận. Có bao nhiêu người ở đời này muốn chết như thế mà không được? Chứng cớ: trong ba năm nước Pháp bị mất nước tới hai lần, mà ta có nghe thấy một ông tổng thống hay một vị tổng trưởng, thứ trưởng nào chết ở trận như Hitler hoặc tuẫn tiết như Ngô Tùng Chu, Hoàng Diệu và Goebbels?
Có chăng ta chỉ nghe thấy tên cao ly bán sâm Reynaud vác va-li vàng quàng chân lên cổ chạy trốn, tên bán thịt người Daladier bắt cóc nhân tình phới cho nhanh và ông tổng thống khóc thuê là Lebrun vuốt cặp bộ râu quặp rông đi cho sớm.
Ngày xưa, cái phép nước Sở, kẻ sai đánh giặc thua thì phải chết, nhưng ngày nay thì cần gì! Chỉ người anh hùng mới được phép chết anh hùng. Tôi lại muốn nói chỉ có người anh hùng mới biết quý cái chết của người anh hùng mà thôi. Thời Chiến Quốc, Yêu Ly đâm chết Khánh Kỵ, quân sĩ xúm vào định giết Yêu Ly. Khánh Kỵ cố sức gạt đi mà bảo rằng: “Người này là dũng sĩ, chớ nên để cho trong một ngày mà làm chết hai kẻ dũng sĩ trong thiên hạ”. Yêu Ly trả lời: “Công tử tha ta, ta cũng không tham sống làm gì. Ta đã giết mất một người dũng sĩ”. Nói rồi chặt bỏ châm đi, tự đâm cổ mà chết theo Khánh Kỵ. Lại như Dự Nhượng, báo thù cho Tri Bá, đi tìm Triệu Vô Tuất để giết hai lần không được và bị quân của Triệu bắt. Triệu Vô Tuất bảo rằng: “Người này là nghĩa sĩ, ta không nên giết kẻ nghĩa sĩ”. Đến lần thứ ba, Triệu Vô Tuất lại bắt được Dự Nhượng, cởi thanh kiếm để cho Dự Nhượng tự tử. Dự Nhượng xin với Triệu Vô Tuất cho phép đánh vào cái áo bào của Tuất rồi có chết cũng hả; Tuất chiều theo ý muốn. Dự Nhượng nhảy lên ba lần đánh ba roi vào áo bào của Tuất rồi cầm gươm tự tử. Vô Tuất rất thương xót Nhượng, một kẻ đã toan ám sát mình ba bận, và truyền thu táng cho tử tế. Đến đời Tam Quốc hỏi có cái chết nào làm cho ta cảm động hơn cái chết của Chu Du? Quân lính đem ma Chu Du về Sa Kỳ, Quyền khóc vang lên: Khổng Minh và Chu Du là hai kẻ địch, mà Khổng Minh cũng tìm về Sa Kỳ viếng tang. Đến nửa đường, nghe tin Lỗ Túc đã rước ma Chu Du về Sài Tang, Khổng Minh lại đến ngay tại đó, sai thiết linh vị, thân rót rượu quý xuống mà khóc “thương người có tài, văn võ kiên toàn, trăm thảm nghìn sầu kể sao cho xiết” và lại phàn nàn rằng từ rày thiên hạ ai kẻ tri âm?
Từ xưa vẫn thế, giời đã sinh Du vẫn thường sinh ra Lượng. Nhưng ở thế kỷ này có còn ai là Khánh Kỵ nữa không? Có còn ai là Triệu Vô Tuất nữa không? Có còn ai là Gia Cát Lượng nữa không?
Ngoài cái tin của hãng Reuteurs báo tin rằng: “Cái chết của Hitler chỉ là cái mưu mẹo dùng để lẩn trốn khỏi sân khấu xã hội”, tôi chưa nghe thấy có một tin gì báo rằng Anh Mỹ Nga gửi điện tín chia buồn cùng nước Đức hay tạm nghỉ đánh nhau trong nửa giờ…
Chỉ có ở nước Đức, trong một giờ, tất cả dân chúng đã lặng im khóc vị anh hùng lớn nhất trong lịch sử của họ. Khóc bằng một bài đàn Buổi hoàng hôn của những vị thiên thần.
Lấy tư cách là người chúng ta ở bên này châu Á cũng muốn cúi đầu trước anh hồn của Ngài với một lòng kính mến sâu xa!
… Như Hitler, lúc mới vào được nước Pháp, đứng cúi đầu trước mộ Nã Phá Luân đệ nhất…
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 244 (13/5/1945)
QUỐC KỲ
Ba việc mà Nội các bắt tay vào làm ngay là chọn quốc hiệu, nghĩ quốc kỳ, tìm quốc ca.
Quốc hiệu ta là Việt Nam. Quốc ca đang đặt. Còn quốc kỳ, theo một tin trước, toàn một màu vàng. Nhưng theo một tin Domei mới đây thì đức Bảo Đại vẫn chưa ưng chuẩn.
Ai lại còn không biết rằng quốc kỳ là biểu hiện tinh thần một dân tộc, một quốc gia, vậy ta không thể cẩu thả được.
Có người cho rằng màu vàng, theo luật quốc tế, là màu bệnh tật. Sự thực, màu vàng và hai ô đen mới là màu báo bệnh tật truyền nhiễm; cờ toàn màu vàng là một dấu hiệu tỏ ra rằng tàu phải đỗ bốn mươi ngày mới được vào bờ. Nghĩa là phải đợi.
Nước ta muốn tiến, không muốn đứng, − bởi vì đứng là lùi, − không thể dùng được sắc toàn vàng làm quốc kỳ.
Có người, trái lại, lại cho rằng theo luật hướng đạo quốc tế, thì màu vàng tỏ sự chớm nở, sự bắt đầu của một cuộc đời, sự sinh sống, cũng như màu xanh biểu hiện thiên nhiên và màu đỏ là màu hy sinh quyết liệt. Vậy dùng màu vàng cũng được không sao.
Bên nào hữu lý? Gác chuyện ý nghĩa của màu sắc theo luật quốc tế, ta để ý nhìn vào thực sự xem sao. Đối với nhà mỹ thuật, màu vàng là màu quảng cáo, nhưng cứ mắt nhiều người trông thấy thì những lá cờ vàng treo trong các phố gần đây gợi cho ta một ý buồn tẻ phẳng lặng không được vui mắt hứng khởi lòng cho lắm. Màu vàng không “thực thà”. Những cờ đó, dãi dầu mưa nắng, sẽ phai đi và thành ra màu gì? Màu trắng. Có ai lại muốn rằng khắp nước ta sẽ treo cờ màu trắng cả không? Đó là màu cờ hàng. Buồn lắm. Xét về phương diện nhiếp ảnh, những lá cờ màu vàng, dù là vàng thẫm, một khi lên ảnh, cũng không có gì làm vui mắt ta hơn. Bởi vì lên ảnh màu vàng hoá ra màu xám. Ta muốn vui mà sống, mạnh bạo mà hy sinh cho tổ quốc chứ có muốn quanh năm suốt đời buồn thảm đâu.
Vì những lẽ đó, nhiều người bàn rằng không nên dùng cờ sắc toàn vàng, cũng như ta không nên dùng cờ giữa đỏ hai bên vàng của Pháp chế ra hồi trước đây. Cờ vàng có tua chung quanh, viền hai chỉ đỏ, giữa có mây và rồng xanh là cờ cúng lễ, không thể dùng làm quốc kỳ được.
Theo chỗ biết của chúng tôi thì hiện nay chánh phủ Việt Nam đang nghĩ về chuyện đó và có nhiều người gom góp nhiều ý kiến khá hay. Người thì chủ trương dùng màu đỏ viền vàng, lấy cớ dân tộc Việt Nam quyết liệt hy sinh mà vẫn giữ được cái tiêu biểu tinh thần của nước Việt Nam từ hai ngàn năm trước. Người thì chủ trương cờ đỏ ba sao vàng, lấy cớ rằng ba sao là ba kỳ, ba kỳ hợp nhất để quyết liệt hy sinh cho đất nước.
Đáng để ý, còn ý kiến của ông tá lý Nguyễn Đình Lân, tòng sự tại viện bảo tàng Khải Định (Huế). Ông Nguyễn lấy bốn câu thơ “Nam quốc sơn hà nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” của Lý Thường Kiệt làm đích và chủ trương rằng quốc kỳ nên đặt theo ý nghĩa hai câu thơ đó. Thụ mệnh nơi trời. Hy sinh cho nước. Và ông chủ trương nên lấy màu đỏ và màu xanh làm quốc kỳ, ý rằng màu xanh là màu thiên nhiên, màu trời, còn màu đỏ, màu máu, là màu hy sinh cách mệnh.
Ý nghĩa cũng hay, nhưng màu xanh đi với màu đỏ “giết nhau”, dưới con mắt nhà mỹ thuật. Không biết các nhà cầm quyền đối với ý kiến của ông Nguyễn Đình Lân ra thế nào?
Quốc kỳ nên dùng màu sắc gì? Đỏ, sao vàng; đỏ viền vàng; xanh và đỏ hay xanh, đỏ viền vàng?
Đã đành việc đó là việc của chánh phủ giải quyết, nhưng các tầng lớp dân chúng, nhất là các nhà mỹ thuật, cũng nên góp gom ý kiến vào. Quốc kỳ phải có ý nghĩa, đã đành; nhưng việc chọn lựa xếp đặt màu sắc cho nhịp nhàng, cũng cần phải để ý cho đẹp mắt, để cho người ngoại quốc có một cảm tưởng tốt về dân tộc mình.
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s.245 (20/5/1945)
TỪ VIỆC DÙNG VIỆT NGỮ TRONG KỲ THI SƠ HỌC BỔ TÚC ĐẾN VIỆC SOẠN SÁCH GIÁO KHOA CHO CÁC TRƯỜNG
Câu chuyện cửa miệng của mọi tầng lớp dân chúng lúc này là việc dùng Việt ngữ trong kỳ thi sơ học bổ túc từ trong Nội các đưa ra. Không ai có thể tưởng tượng được tin đó đã làm yên lòng dân thế nào. Từ hôm đảo chính đến nay, nhà nào có con em đi học cũng băn khoăn về việc đó. Cho học tiếng gì? Để thi cái gì?
Tin dùng Việt ngữ để học và thi lan ra chưa được mấy hôm thì trong thành phố đồn đi rằng có một bọn người lén lút vận động cho cứ phải thi chữ Pháp. Có hay không? Sự hoài nghi nặng nề thêm, cái sống mù mịt quá, người ta chán nản và buông tay chờ đợi.
Nhưng ngay từ bây giờ người ta đã biết rằng phải làm thế nào rồi. Tôi vừa đi sáu tỉnh vùng xuôi về và tôi đã lượm lặt được rất nhiều ý kiến của các bậc phụ huynh có con em đi học. Không một người nào lại có thể tưởng tượng được rằng các nhà đương chức lại ưng chuẩn được lời yêu cầu của bọn vận động lén lút kia. Không một người nào bằng lòng việc dùng chữ Pháp trong kỳ thi Sơ học bổ túc. Không một người nào bằng lòng cho con em họ dự kỳ thi đó, nếu không cho thi bằng Việt ngữ.
Ai cũng biết rằng nền độc lập của nước ta chưa hoàn toàn. Ta còn phải làm việc nhiều để củng cố nó. Nhưng người Việt Nam, trong tất cả các tầng lớp, đã biết rõ lắm rồi. Biết rằng người Việt thì phải dùng Việt ngữ chứ không thể lấy lẽ gì mà bắt học tiếng Pháp nữa, bởi vì đó là cái học mất nước.
Hồi mồ ma chính phủ Pháp, họ chia việc học ở nước ta làm bốn bậc: ban Sơ học, ban Cao đẳng Tiểu học, ban Trung học và ban Cao đẳng đại học. Mục đích không có gì khác hơn là kéo dài niên khoá ra để làm tê liệt sức phát triển của học sinh. Thế rồi thì bó buộc những thí sinh bằng tú tài phải học đủ ba năm! Thế rồi thì bó buộc những thí sinh Cao đẳng tiểu học phải bốn năm học khoá! Thế rồi chia ban Sơ học làm tiểu học và sơ cấp, chương trình không khác gì nhau!
Tuy vậy bao nhiêu cái ác ý đó đều không thấm vào đâu với cái mưu thâm họ dùng để làm mất hết cái bản chất của dân mình. Chưa học hết Việt ngữ đã bắt học chữ Pháp. Chưa học sõi chữ Pháp đã học thuộc lòng “Tổ tiên ta là người Gô-loa” và yên trí thế rồi ra sức mà học về những kỳ công của người Pháp đã ban cho dân bảo hộ!
Thật là đau đớn ê chề.
Một người biết tự trọng, đi ngoài đường, gặp một người bị đè nén áp bách thấy có bổn phận phải ra tay can thiệp mà không mong có lợi lộc gì.
Một nước cũng vậy!
Tôi không thể tưởng tượng được rằng một nước mạnh, thấy tình cảnh nước ta như thế mà lại đành làm lơ hay là giúp cho kẻ bóc lột làm hại ta thêm tầng nữa.
Người ngoại quốc đối với ta còn thế, huống chi chính ta đối với ta. Phải hăng hái đánh đổ sự vận động lén lút kia, phải chiến đấu cho Việt ngữ, phải đòi cho được thi bằng Việt ngữ, đó là khẩu hiệu chung của nước Việt Nam hiện giờ. Khẩu hiệu đó, các tầng lớp dân chúng đã hô rồi, còn đang hô và sẽ hô mãi mãi.
Tôi không bao giờ lại chủ trương không nên học tiếng Pháp. Tiếng gì cũng nên học, học tiếng Pháp, học tiếng Anh, học tiếng Nhật, học tiếng Đức, học tiếng Tàu. Nhưng bao nhiêu tiếng đó chỉ có thể dùng làm sinh ngữ. Tiếng chính của nước ta dùng để học để thi cần là Việt ngữ, phải là Việt ngữ.
Còn dùng chữ Pháp trong các kỳ thi tức là còn nuôi cái óc nô lệ cho bọn thiếu niên, còn muốn cho nước này bị diệt vong. Còn dùng chữ Pháp trong các kỳ thi tức là còn mong nước Pháp sẽ chiếm cứ tinh thần dân tộc này, còn muốn dân tộc này quý bọn thực dân Pháp hơn bọn thực dân khác.
Người Việt Nam biết lắm rồi: Việt ngữ còn thì Việt Nam mới còn. Còn nước Việt Nam thì phải học và thi bằng Việt ngữ. Đã đành rằng những học sinh các ban cao đẳng như trường Luật trường thuốc phải học và thi tiếng Pháp nốt cho xong, nhưng ở các khoá dưới, còn cho con em học và thi tiếng Pháp tức là còn muốn cho con em mình làm tôi tớ, làm trâu ngựa, làm nô lệ.
Không. Dân không muốn, nhà đương chức nên tiên liệu. Tôi tin rằng không ai lại muốn mất lòng dân trong lúc này.
Việc học và thi bằng Việt ngữ không thể khác được. Nhưng bổn phận của chúng ta không phải chỉ chiến đấu có đến thế mà thôi. Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta phải làm việc rất nhiều cho Việt ngữ.
Chúng tôi đã nói: việc soạn sách giáo khoa là việc mà chúng ta phải nên làm trước nhất.
Tôi muốn nói thêm rằng: Đừng bao giờ nên để cho ý kiến đó chỉ là một ý kiến suông. Chúng ta cần phải bắt tay ngay vào việc vì công việc bây giờ cần cấp lắm. Đã biết rằng ông Tổng trưởng bộ Giáo dục hiện giờ đương chuyên chú vào việc soạn chương trình giáo dục mới; đã biết rằng ban Văn học hội Khai Trí phải đảm nhận lấy công việc trước tác tu thư bằng Việt ngữ; nhưng thiết tưởng các nhà giáo dục cũng nên gom góp nhiều ý kiến vào; và trong khi đó, các nhà trí thức hằng lưu tâm đến việc học của con em cũng nên bắt đầu soạn ngay sách để học khoá sắp tới đây, thiếu niên còn tàm tạm một ít sách bằng Việt ngữ để dùng trong sự học.
Theo ý chúng tôi, ở trong các công sở hiện nay có nhiều ông tham ông đốc đậu cử nhân luật, cử nhân văn chương, kỹ sư canh nông, kỹ sư cầu cống, v.v… không đem dùng cái học cái biết của mình được một phần nào. Người thực dân Pháp ở đây cho họ làm những “công việc máy”: tính toán, vẽ kiểu, đánh máy hay viết những thư từ đã có sẵn kiểu mẫu rồi. Bây giờ chữ Pháp ở các công sở không cần đến nữa, ta chỉ phải một ít kiểu mẫu thư từ bằng Việt ngữ để sẵn đấy, rồi thì cho những người có bằng Cao đẳng tiểu học thay làm cũng được. Những ông đỗ bằng cao cấp có thì giờ rộng rãi, sẽ tìm những sách chuyên khoa của Âu Mỹ và theo sở trường sở đoản mà phiên dịch ra Việt ngữ để giúp cho cái thư viện các sách giáo khoa của nước ta. Ban Văn học hội Khai Trí Tiến Đức sẽ đệ lên bộ Giáo dục để lựa chọn cuốn nào nên in sau cuốn nào nên in trước.
Có một điều này tưởng cũng nên nói rõ: nhiều người lo rằng lúc này giấy đương kham, làm gì ra cho đủ giấy để in đủ sách giáo khoa cho học trò.
Có thế cũng phải, nhưng điều đó tưởng không đáng để cho chúng ta thắc mắc. Nếu giấy không đủ, ta có thể hãy cứ tạm in lấy mỗi thứ độ dăm trăm, một ngày cuốn cho các ông giáo dùng mà thôi. Các ông giáo sẽ giảng cho học trò và nếu cần thì học trò học đến bài nào sẽ chép lại bài đó tưởng cũng không sao cả.
Bây giờ tôi xin mời các nhà có trách nhiệm về việc giáo dục bắt tay vào làm việc ngay đi.
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 246 (27/5/1945)
SẴN SÀNG ĐỂ ĐỢI
Tôi không ưa những cái tin như thế mà không có đôi ba câu phê bình ở dưới.
Năm trăm quân Pháp đổ bộ lên Syrie và Liban! Raymond Offroy, phát ngôn nhân đoàn đại biểu Pháp tại hội nghị San Francisco tuyên bố tại sao Pháp lại phải chiếm hai xứ đó!
Những tin như thế, vứt trống trơn vào giữa nước ta lúc này, đã làm hại gân cốt của người mình.
“Chao ôi là những lời hứa nhân hứa nghĩa của những kẻ chống cường quyền, hô công lý!”
Thật buồn. Sao lại có thể như thế được? Đến tận bây giờ người mình vẫn chưa hết trông vào người khác!
Trông vào người khác mà được thì mừng.
Trông vào người khác mà hỏng thì “xì hơi” ra.
Triết lý của kẻ yếu.
Triết lý của bọn người bạc nhược.
Thế rồi thì chán nản! Thế rồi thì yếm thế! Thế rồi thì bỏ cái việc bổn phận của mình phải làm gấp lúc này, khoanh tay lại, ngồi đợi một cái gì không bao giờ đến, ngồi đợi một lời tuyên bố nào đó của một trong bốn cường quốc không bao giờ tuyên bố ra!
Có ai còn nhớ chuyện nàng Tô Thị bế con lên đỉnh núi trông chồng rồi hoá đá đấy không? Ấy chính vì đợi đấy.
“Đợi thì cái gì mà không đến?” − Louis Bromfield nói thế. Nhưng lần này ông đã nói sai. Dù ta đợi một trăm năm nữa một ngàn năm nữa quân Pháp cũng không thể nhảy lên cái dải đất này được nữa.
Cuộc chiến tranh thế giới lần này không có mục đích giết giống người chết hết đâu. Không. Cứu cánh của nó phải là sự phá đổ những chế độ mục nát đã giết chết giống người chúng ta. Nước mà làm được công việc đó mới là nước có thể nói tiếng nói sau cùng vậy.
Còn sự áp bức thì còn có sự chống cường quyền. Còn thế giới thì còn có nước biết tôn thờ công lý.
Tôi tin rằng trong thế giới hiện nay, thể nào cũng có một cường quốc dự vào cuộc chiến vì mục đích muốn phá hoại những chương trình của các nước muốn phân chia đất đai không thuộc về họ. Tin như thế nhưng tôi không đợi bởi vì tôi nghĩ rằng không phải cứ ngồi đợi thì tự do độc lập sẽ rơi xuống trước mắt ta như một quả sung.
Không đợi ai! Không đợi người nào giúp cả!
Bực hiền giả ngày xưa khuyên ta đừng nhanh quá đừng chậm quá nhưng cần biết đợi. Tôi muốn nói về cái “nghệ thuật biết đợi” ở đây. Tôi không muốn đợi người ngoại quốc cứu mình. Tôi không muốn đợi một cái gì không thể đến. Sung sướng thay là những kẻ chỉ biết tin ở mình, chỉ biết trông đợi ở mình, trông đợi ở đồng bào mình, ở nước mình!
Tôi muốn đợi cách đó. Tôi muốn tranh đấu, tôi muốn làm việc, nhưng trong khi đó tôi vẫn sẵn sàng đợi một cái gì để thi gan.
Đợi mà sợ trước, là hèn.
Đợi mà hết sức làm việc, hết sức tranh đấu để khi việc xảy đến, mình phải cầm phần thắng, chỉ làm cho tinh thần mạnh hơn lên.
Người Việt Nam ta thấm nhuần cái triết lý mạnh của Khổng Khâu, của Nietzsche, từ xưa đến nay vẫn biết đợi có nghệ thuật, nhưng hơn cả lúc nào hết, lúc này cần phải biết đợi có phương châm, nhất là sau khi có cái tin quân Pháp đổ bộ lên Syrie và Liban.
Tôi nhắc lại rằng việc đó không thể nào tái bản được ở đây. Nhất định không. Nhưng chúng ta chớ nên vì thế mà không sửa soạn. Ta sửa soạn đợi bất cứ một trở lực gì khác đến làm hại nền độc lập của ta. Ta sửa soạn tinh thần để đợi bất cứ một việc gì phạm đến quyền lợi nòi giống ta.
Thanh niên Syrie và Liban có sửa soạn để đợi cuộc đổ bộ của Pháp không? Dân Bắc Phi có sửa soạn để đợi cuộc nội loạn ở xứ Algérie của Pháp không? Tôi không biết. Nhưng tôi biết rằng hai cuộc xâm phạm đến nền tự do đó là hai điểm báo trước cho ta: nếu không biết sửa soạn trước thì không thể tồn tại được.
Nước ta là một nước đàn em yếu thế, − việc đó ai cũng biết. Nước ta không có một bộ binh và cả một đội quân chính thức; − điều đó ai cũng biết nữa. Nhưng dân ta, hai mươi triệu người như một, có một thứ mà ta gọi là tấm lòng: chúng ta rất có thể sửa soạn ngay từ bây giờ để đợi bất cứ một trở lực gì xâm phạm đến quyền độc lập của ta.
Ta biết hy sinh khi cần đến sự hy sinh. Ta biết liều khi gặp bước phải liều. Ta biết chết khi cần phải chết.
Các tầng lớp dân chúng Việt Nam! Lúc này là lúc ta phải đoàn kết hay là không bao giờ. Lúc này là lúc phải tự tạo lấy một tinh thần sẵn sàng chờ đợi. Lúc này là lúc phải coi cái chết như lông hồng, cổ động nhau chết, rủ nhau mà chết để giữ chặt lấy đất đai, để ném bọn thực dân xuống biển, để bảo vệ nền độc lập Việt Nam.
Hai vạn thanh niên Syrie và Liban đã nhảy ra giết quân ngoại quốc xâm lăng. Toàn dân Algérie đã đứng lên tổ chức thành dân quân dũng mãnh giết chết hàng ngàn quân Pháp. Chết! Chỉ có chết mà thôi. Một dân tộc biết chết không bao giờ chết được. Vẫn biết rằng xương thịt không thể chọi được cùng đại bác, nhưng đến lúc thật cần thì hai mươi triệu đồng bào như một, chúng ta phải biết rằng một con dao một lưỡi gươm của một kẻ tin ở mình, của một kẻ có tinh thần dũng mãnh còn giúp ích hơn là một bộ súng cối xay do một kẻ gian ác có một tâm hồn rối loạn (vì đầy tội ác) chỉ huy.
Sống cũng như chết, cần phải có nghệ thuật. Chết vì nước, chết chính vào lúc cần, chính là biết chết theo nghệ thuật.
Chúng ta phải biết rằng, nếu có một cuộc xâm phạm đến nền tự do độc lập của nước ta mà chúng ta không đổ ra mà chết thì quân tàn bạo cũng không để cho chúng ta được sống.
Kinh Thánh há chẳng có câu rằng: “Nếu hạt lúa không chết đi…”
Những nước sống được đến ngày nay đều là những nước có những người dân biết chết. Nước Tàu còn ghi chuyện năm trăm nghĩa sĩ chết theo tướng Điền Hoàng của nhà Tề, chuyện Lục Tú Phu ẵm vua Tường Hưng nhảy xuống bể, hơn mười vạn người cũng nhảy xuống tự trầm theo; chuyện vua Minh thắt cổ ở Môi Sơn, ba ngàn người đâm vợ giết con rồi cùng tự tử theo để khỏi bị nhục về quân giặc.
Ai quên được những cái chết im lặng của dân Ấn Độ về chuyện Đền Bạc, Đền Vàng? Quân thuộc dân Anh muốn chia rẽ dân Ấn, gây chuyện để cho họ xích mích nhau; họ biểu tình, và quân Anh bắn giết họ như sâu bọ. Nhưng dân Ấn sẵn sàng chờ chết; họ im lặng, mỗi ngày họp một trăm người, đi từ Đền Vàng đến Đền Bạc để cho quân Anh giết. Và kết cục quân Anh giết mãi gớm tay đành nhượng bộ ông Cam Địa.
Đảo Bali bị Hoà Lan chinh phục còn treo một tấm gương sáng cho những dân bị trị. Ở Bandoung, ở Kloung Kloung, ở Taman Sari, ở khắp các nơi trên đảo, dân gian sẵn sàng đều chờ chết, vui cười mà làm một cái poupoulan, một cái chết “công cộng”, chết say sưa, đeo vàng bạc, ngậm hương hoa mà chết, chết cho nước, chết cho nhà, chết oanh liệt một cách gớm ghê. “Không có một cái gì ở đời này ngăn được họ nhảy vào cái chết”. Ba lần, người Hoà Lan phải ngừng tay súng lại, như để cho những người hoá dại kia tỉnh ngộ ra để cứu họ, để cho họ đừng chết nữa. Vị quan võ Hoà Lan chỉ huy việc này nhìn thấy quân Balinais chết mà rùng mình, phải quay đi, bịt mắt lại để cho khỏi phải nhìn cái cảnh tượng gớm ghê. Bởi vì họ liều chết không biết đến thế nào mà kể; họ chỉ có gươm dao nhưng cứ nhảy vào miệng súng để cố đâm quân lính Hoà Lan, họ đâm vào cổ họ; đàn bà, trẻ con, bà già, nông nô, cài hoa trên tóc, xức nước hoa trên áo, nhảy lên mà chết một cách sung sướng, chồng giết vợ, mẹ giết con, để cho khỏi làm nô lệ cho quân giặc.
Nhà lịch sử tiểu thuyết bàn về việc đó có câu rằng: “Cùng với bác sĩ Fabius tôi nghĩ rằng sự hy sinh của bao nhiêu dân Balinais ngày trước có một ý nghĩa thâm trầm và đã dạy cho dân Hoà Lan nhiều điều tốt”.
Những chuyện biết chết như thế hiện nay vẫn còn nhiều vô cùng, những cường quốc lại càng có nhiều dân biết hy sinh cho đất nước, biết chết cho đất nước.
Lúc quân Đức tiến vào gần Moscou, dân quân chống giữ từng tấc đất; một đứa trẻ con từ đống gạch ra đâm chết kẻ thù; một ông cụ nhảy lên mái nhà bắn xuống đầu quân giặc; một người đàn bà chửa ẵm con điều khiển một cỗ súng cối xay.
Quân Nga tiến đến Berlin, dân Đức liều chết để chống đánh một cách anh hùng không kém. Ai đã quên được thế nào những chuyện mới đây của bao vị anh hùng quốc xã tuẫn tiết vì nước, rồi sau đó, sau khi Berlin đã thất thủ rồi, không một người dân Đức nào không cố chết đánh đến kỳ cùng. Họ xông ra chống quân địch như hổ đó, và, xem chừng cơ thất bại đã rõ ràng, bắn súng vào đầu tự tử, chồng giết vợ, mẹ giết con, cùng chết chứ không chịu sống nhục để làm tôi mọi cho Anh Mỹ.
Vẻ vang thay là một nước có những người dân như Nhật như Đức như Nga như Tàu như Ấn Độ và Bali!
Muốn được sống như người, dân ta cần biết chết.
Lịch sử ta còn để lại rất nhiều cái chết vì nước vì nhà như thế.
Duy ở lần này, sự vinh thân phì gia với phong trào cá nhân tư kỷ đã làm cho ta có một lúc sợ chết và ham sống.
Không thể như thế nữa.
Ngay bây giờ chúng ta phải sẵn sàng chỉnh bị lấy tâm hồn, chúng ta phải gây lại cái tinh thần cố hữu, chúng ta phải sửa soạn chết để đi tìm cái sống cho mai hậu.
Cái sống từ ở trong cái chết đi ra.
Nếu hạt lúa không chết thì không thể có bông lúa được.
Phải chiến đấu, phải liều chết với bọn xâm lăng, phải là một trong đoàn dân quân anh dũng tiền phong!
Tự nó, cái sống cũng như cái chết không nghĩa gì hết cả! Cái nghĩa, ta phải tạo cho nó, và chỉ có cái sống và cái chết có nghĩa mới làm cho người đời kính trọng mà thôi.
“Bực hiền giả không khóc người sống mà cũng chả khóc người chết bao giờ. Phàm cái gì có sinh mệnh đều vô cùng. Phàm cái gì đã có, không bao giờ tuyệt diệt. Không có sức gì phá hoại được sự sống. Làm gì có thọ, yểu? Mà muốn thọ hay muốn yểu cũng không được nào. Chỉ có thể phách chết thôi. Tinh anh thì bất diệt, trường tồn và không thể tiêu tan được”.
Câu sách đó ở trong kinh Bhagavad Gita của Ấn Độ, tôi xin mượn làm câu kết bài này.
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s.247 (3/6/1945)
Xem tiếp phần 2
© 2010 Lại Nguyên Ân sưu tầm