Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.152.469
 
Một thời vang bóng
Huỳnh Văn Úc

Lão là người đã có một thời vang bóng. Đó là cái thời lão làm kép hát ở Nhà hát Tuồng. Bây giờ lão đã nghỉ hưu, tuổi cũng đã ngấp nghé bảy mươi, nhớ lại cái thời đó trạng thái tình cảm của lão thật khó tả: một chút kiêu hãnh và tự hào, một thoáng ngậm ngùi và bâng khuâng. Lão đã từng sắm những vai vua chúa, công hầu khanh tướng để làm vỡ ra những trận cười hay làm thổn thức trái tim của biết bao nhiêu là người trên hàng ghế khán giả. Lão là một diễn viên có tài với ngoại hình cân đối, cho đến bây giờ vẫn còn giữ được đôi nét điển trai ngày còn trẻ. Về nghỉ hưu đã ngót chục năm nhưng lão vẫn không thể nào quên tiếng trống chầu, trống chiến, tiếng kèn, tiếng nhị, điệu khách, điệu nam, cái roi thay cho con ngựa, mái chèo thay cho con thuyền, đôi ba vòng chạy quanh sân khấu là gian lao vạn dặm sa trường, những động tác múa nội ngoại tương quan, tả hữu tương ứng, thượng hạ tương phù, những khoảnh khắc khi lão sắm vai vua-vai minh chúa lão sắm cũng giỏi mà vai hôn quân lão diễn cũng tài- mặc áo hoàng bào ngồi trên ngai vàng giữa cung vàng điện ngọc cất giọng : “Quân bay!” , rồi nhất hô bá ứng, tiếng dạ của ba quân râm ran lan toả phía sau cánh gà sân khấu khiến cho người lão cũng thấy râm ran sung sướng. Lão không thể cắt nghĩa được nỗi buồn man mác, mênh mông chợt đến trong những buổi chiều nắng nhạt, mây nhè nhẹ, gió hiu hiu khi ngồi một mình đối diện với chính mình và nghĩ rằng cái roi ngựa bây giờ người khác cầm, áo hoàng bào người khác mặc và ngai vàng người khác ngồi. Theo thói quen từ hồi còn là kép hát lão hay soi gương. Trong gương là một khuôn mặt vừa quen vừa lạ: đôi lông mày vẫn rậm nhưng không còn đen nhánh, đuôi con mắt và khoé môi vẫn thế nhưng đầy vết chân chim còn má thì đã bắt đầu hóp lại. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!

 

Vợ lão cũng đã nghỉ hưu, ngày trước là mậu dịch viên của cửa hàng rau quả, sau khi qua một lớp bồi dưỡng trở thành nhân viên trong ban quản lý chợ. Tôi xin mắc nợ với độc giả vì không dành hẳn một đoạn văn để tả cái dung nhan khả ái của mụ mà chỉ nói vắn tắt rằng mụ có chiều cao khiêm tốn và chiều ngang thật hoành tráng. Đối với mụ lão đã hoàn thành những vai diễn thật xuất sắc: một người yêu lý tưởng, một người chồng có trách nhiệm với gia đình và con cái. Vậy sau khi về hưu lão diễn vai gì với mụ? Vai vô tích sự, đó là danh hiệu mà mụ dành cho lão: nhà có ngập lên đến mắt cũng không biết quét biết lau, cơm không biết nấu, có nhờ bế cháu dỗ cháu cũng không được, cháu khóc nhè mà ông thì cứ ngâm nga Liễu Nguyệt Tiêm với Đào Phi Phụng thì làm sao nó nín được. Lão về hưu với danh hiệu NSƯT (nghệ sĩ ưu tú) nhưng lương hưu lại thua kém mụ vài trăm nghìn. Đã vậy từ ngày nghỉ hưu lão lại sinh ra lắm tật khiến cho lòng nhân ái của mụ dẫu có bao la đến đâu cũng khó lòng tha thứ: ngủ thì ngáy to, vừa đặt lưng đã thấy khò khò, thật là một người thuộc diện vô lo; lại sinh cái tật ở dơ, tiết kiệm nước dăm ngày mới tắm, mùi quần áo bốc thơm như mắm, miệng cười khì bảo “ấy mùi thơ!”.

 

Rõ thật là ngày xưa vợ đợi bồ mong/bây giờ vợ nguýt bồ cong cớn lườm/ngày xưa mặt mũi tinh tươm/bây giờ nhầu nhĩ như tương nấu mì. Những lúc lão phạm khuyết điểm thì mụ căn cứ vào mức độ nặng nhẹ để có biện pháp xử lý: nhẹ thì mụ hướng đôi môi vĩ đại lên trời xanh rồi trề ra một cái và nguýt dài tưởng đứt đuôi con mắt, nặng thì mụ đọc một bài diễn văn. Bài diễn văn của mụ lên bổng xuống trầm tưởng như vô tận. Theo triết lý của võ thuật phương đông là tránh sức mạnh của đối phương, nương theo sức mạnh đó để chế ngự, lão kiên nhẫn nghe chứ không trực tiếp đấu khẩu khiến cho hoà bình và trật tự trong gia đình nhanh chóng được vãn hồi.

 

Kiếm được một anh hàng xóm ở tuổi thanh niên như tôi mà lại yêu thích tuồng kể cũng là của hiếm. Vì vậy mà tôi và lão trở thành đôi bạn vong niên tâm đầu ý hợp: tôi thì thích nghe kể, nghe hát, có tôi ngồi nghe thì lão mới kể và hát được. Tôi hay sang nhà lão chơi để nghe kể những tích tuồng Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Đào Phi Phụng, Đông Lộ Địch…Buổi sáng chủ nhật vừa rồi tôi ngồi ở bàn nhấm nháp chén trà, lão nằm trên võng cất giọng hát một đoạn trong lớp tuồng Nguyệt Hạo đi tu trong tích tuồng Sơn Hậu:

 

Phụng mệnh Như Lai khiến

Nào dương cảnh thành hoàng

Nghe ta dặn đâ…ây

Nay có bà Nguyệt Hạo nương nương

Mộ đạo mới xuất gia đầu Phật

Vun lòng nhân đức-có dạ tu tri

Mà đây gần sơn tự ác tăng

Khá bảo hộ người lành kẻo hại…ải…ải.

 

Sau đoạn hát là sự mô phỏng bằng miệng tiếng nhị, tiếng kèn và trống:“Cắc cắc tang tang cắc tờ rang cắc tang/Tang tang cắc cà rụp tắc xờn cắc”

- Làm sao mà bà Nguyệt Hạo phải đi tu hở ông?

- Thì ngay trong câu hát đã nói là bà ấy mộ đạo rồi đấy thôi, nhưng nguyên nhân khiến bà đi tu là vì chán ghét cảnh tranh giành ngôi vua ở chốn cung đình. Vua nước Tề ốm nặng. Em bà Tam Cung Nguyệt Hạo là Tạ Thiên Lăng âm mưu cướp ngôi, bắt thứ phi Phượng Cơ khi bà này sắp sinh nở. Bà Nguyệt Hạo cùng với Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá cứu được thứ phi và hoàng tử mới sinh và đem họ chạy trốn. Tạ Thiên Lăng cho quân đuổi theo. Ngày xưa trong vở này tôi sắm vai Khương Linh Tá đấy!

- Là ông trung thần mặt đỏ?

- Ừ! Ông này chống không nổi quân của Tạ Thiên Lăng, bị chúng chém đứt đầu. Đổng Kim Lân bị lạc trong rừng, Khương Linh Tá hiện lên, đầu phủ một tấm vải mỏng màu đỏ, tay cầm đuốc dẫn hoàng tử và thứ phi về đến thành Sơn Hậu…

 

Hôm ấy hết Sơn Hậu lão kể đến chuyện tình éo le của Đào Phi Phụng và Liễu Nguyệt Tiêm.

- Éo le làm sao?

- Đào Phi Phụng là tướng nước Lương, ra trận đánh nhau với quân nước Liêu do nữ tướng Liễu Nguyệt Tiêm chỉ huy. Chả biết đánh đấm thế nào mà rồi mày ngang mắt dọc đưa tình rồi đâm ra yêu nhau và lấy nhau ngay giữa trận tiền, trận trung giao chiến phối lương duyên.

- Nói phét!

- Thật đấy! Yêu nhau kỹ đến mức vợ biết chồng cảnh thương hữu hắc tì- ở cổ có vết chàm, song chưởng tự đề phụ bật - trên hai bàn tay có viết chữ phụ và chữ bật, còn chồng thì biết vợ bối trung lưu xích điểm, lưỡng kiêm tự đính trung trinh nghĩa là sau lưng có nốt ruồi đỏ, hai vai có hai chữ trung trinh. Đó là cái đoạn Đào Phi Phụng sau khi trở về kinh đô nước Lương rồi thay hình đổi dạng ra trận đánh nhau với Liễu Nguyệt Tiêm lần nữa, vợ chồng tra hỏi nhau đặc điểm nhận dạng rồi nhận ra nhau. Nhận ra rồi thì Liễu Nguyệt Tiêm trả lời chồng bằng một tiếng “dạ” nhẹ nhàng như sương như khói…

 

Lão đang thể hiện cái tiếng dạ nhẹ nhàng ấy thì mụ vợ đi chợ về. Mụ hướng về khuôn mặt đầy hứng khởi của lão và hỏi:

- Tôi dặn ông canh chừng lửa nồi hầm thịt bò, sau khi xì hơi mười phút thì tắt bếp, thế ông đã tắt chưa?

- Thôi chết, tôi quên rồi!

- Thế là mất toi ba lạng thịt thăn!

Tình hình này thì thế nào mụ cũng sẽ đọc diễn văn. Tôi tìm cách rút lui, ra khỏi cửa tôi còn kịp nghe câu mở đầu:

- Lúc nào cũng Phi Phụng với lại Nguyệt Tiêm. Thật là vô tích sự. Ông có biết ba lạng thịt thăn bây giờ là bao nhiêu tiền không?.../.

 

Hà Nội 2010

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 2218
Ngày đăng: 03.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đứa Con Đi Hoang Của Thượng Đế - Lê Minh Phong
Như Nguyệt - Lê Văn Thiện
Bến sông vàng hoa cải - Võ Thu Hương
Những Mảnh Vỡ (21) - Nguyễn Thị Hậu
Thằng Người Có Đuôi - Thế Giang
Chiếc Vòng - Võ Đình
Cục Cưng Thượng Hải - Mạch Nha
Khúc Giao Mùa Bên Cửa Sổ - Võ Thu Hương
Chết đường - Lê Văn Thiện
Bến Đò Trao Thơ - Kiệt Tấn
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)