Truyện dân gian Do Thái, Nguyễn Ước sưu tầm và ghi chú
Tại một miền đất kia, có một thị trấn nhỏ không có nhiều dân chúng. Trong số cư dân ít ỏi của nó có một người nghèo nàn cực khổ và đáng thương. Lần nọ, khi không còn chịu đựng nổi tình trạng cơ cực của mình, hắn vừa đi lang thang vừa khóc trên cánh đồng và trong khu rừng bên ngoài thị trấn cho tới khi đến một ngọn đồi, và hắn ngồi xuống đó nghỉ chân. Trong khi hắn đang ngồi chảy nước mắt khóc than cho số phận bi đát của mình, thì xuất hiện ngay trước mặt hắn một ông lão trông có vẻ khả kính, trên người khoác áo choàng rộng. Ông lão hỏi:
- Này người kia, tại sao anh than khóc, và tại sao trông anh xanh xao thiếu thốn đủ thứ như vậy?
Người nghèo trả lời:
- Thưa ông, tôi than khóc cho số phận cay đắng của mình vì tôi vô cùng nghèo khổ, bụng đang đói cồn cào. Lúc này, tôi chẳng có gì để cho đứa con trai nhỏ dại sống qua ngày, và vì thế người vợ trước đây dịu dàng nay bắt đầu nguyền rủa tôi. Bộ ông cho rằng tôi than khóc với lý do đó là không đúng sao?
Ông lão nói:
- Này người nghèo khổ kia, anh khóc như vậy là đúng rồi, và ta đây cũng cảm thấy xót xa cho anh. Nhưng nếu anh chịu nghe lời ta, anh có thể có rất nhiều tiền, nhiều chẳng kém cát trên bờ biển, và rồi anh cũng sẽ có bất cứ thứ gì anh muốn.
Người nghèo nói:
- Thưa ông, tôi sẽ làm bất cứ điều nào ông bảo tôi phải làm.
Ông lão nói:
- Vậy anh đi về nhà mình ngay, đem đứa con trai yêu quí duy nhất của anh tới hiến tế ta trên ngọn núi kia. Khi anh hoàn thành công việc đó, ta sẽ làm cho anh sung sướng. Lúc đó anh sẽ nắm trong tay một tài sản lớn lao gồm vô số vàng bạc, châu báu, gia súc và cừu.
Hoàn toàn tin tưởng ông lão, người nghèo ấy đi về nhà. Không kể với ai điều vừa xảy ra, hắn gọi vợ mình vào phòng kín và bảo:
- Vợ ạ, đứa con trai của chúng ta không biết đọc biết viết và cũng chẳng biết gì cả. Tại sao chúng ta không gởi nó tới ở trong trường học kinh Torah để sau này khi nó khôn lớn, nó làm cho chúng ta được tự hào.
Vợ hắn nói:
- Chồng ạ, anh cứ làm điều mà anh cho là tốt nhất.
Như thế, người nghèo ấy đem đứa con trai của hắn đi ngược trở lại những dấu chân cũ cho tới khi hắn thấy lại ngọn núi ở đằng xa. Hắn cùng đứa con leo lên núi. Hắn xếp một đống củi, đốt nó lên rồi trói con trai lại. Hắn lấy dao ra cắt cổ thằng bé, hiến tế con cho lũ quỉ sứ đang nhảy múa khắp chung quanh hai cha con.
Ngay khi người nghèo vừa hoàn tất việc cúng tế, ông lão lại xuất hiện trước mặt hắn. Ông lão nói:
- Bây giờ ta biết rằng ngươi kính sợ ta; ta thấy ngươi đã vì ta mà không giữ lại đứa con trai độc nhất của mình. Vậy ngươi hãy đi về nhà và sẽ thấy ngay trong nhà mình đang có một tài sản lớn lao, rồi mọi sự sẽ diễn ra rất tốt đẹp cho ngươi.
Người nghèo ấy quay về nhà và quả thật hắn càng ngày càng giàu lên. Hắn làm việc gì cũng thành công khiến hàng xóm sinh lòng ganh tị. Họ nói với vợ hắn rằng:
- Làm sao các người mỗi ngày một giàu thêm lẹ làng đến thế? Thật kỳ lạ, nếu theo lối của loài người thì không thể nào được như vậy!
Vợ của hắn trả lời:
- Tôi cũng chẳng biết mọi thứ đó từ đâu mà đến trong nhà tôi vì chồng tôi không bao giờ nói cho tôi biết.
Nghe nói như vậy, các bà hàng xóm liền chê cười và xúi giục:
- Không lẽ chị cứ để cho mình không biết gì cả mà chịu nổi sao? Tại sao chị không tìm cách làm cho chồng mình chịu nói ra?
Lời nói đó như mũi dao nhọn đâm vào trái tim của vợ hắn. Bà liền đi về nhà, phụng phịu nói với chồng:
- Tôi muốn báo cho anh biết rằng kể từ lúc này, tôi sẽ tuyệt đối không ăn một thứ gì cho tới khi anh chịu nói cho tôi biết tất cả tiền bạc này của chúng ta từ đâu mà tới.
Người chồng lặng yên không nói gì. Người vợ cứ nhất quyết:
- Thêm nữa, con trai của chúng ta hiện nay ở đâu? Kể từ khi anh đem nó tới gởi nơi trường học, tại sao tôi không hay biết tin tức gì về nó cả?
Người chồng cũng không trả lời cả hai câu hỏi đó. Thế nhưng vợ hắn cứ cằn nhằn chồng hết ngày nay sang ngày khác khiến cuối cùng hắn mất kiên nhẫn, đành phải đem mọi sự ra kể với vợ. Nghe xong, vợ hắn nói:
- Thà như vậy mà lại tốt! Ít nhất lúc này tôi đã biết rõ sự thật!
Và lập tức vợ hắn đi sang nhà hàng xóm, kể cho họ nghe những gì mình vừa phát hiện. Tới lượt các bà vợ đó đi nói với chồng của họ rằng:
- Chúng ta thờ phượng Thượng đế để làm gì chứ? Tại sao chúng ta không cùng nhau hiến tế con trai của mình trên ngọn núi kia để cũng được giàu có và sống tốt đẹp hơn.
Các bà vợ đó ngày nào cũng cứ nói lui nói tới với chồng những câu như thế cho tới khi các ông chồng bị thuyết phục. Họ đem con trai đi cúng tế cho quỉ sứ. Lập tức vận mệnh của họ trở nên tốt đẹp hơn, tài sản càng lúc càng to lớn hơn, hoa lợi thu hoạch tăng vọt và gia súc cùng đàn cừu đông đúc hơn mập mạp hơn. Cũng kể từ ngày đó, họ tha hồ ăn nhậu say sưa trong cuộc sống mới của mình. Mỗi năm một lần, họ tổ chức đại tiệc để cùng ăn uống với tên quỉ sứ ngồi trước mặt họ, như một đức vua ngự chỗ đầu bàn.
Ngày nọ, có Thầy cả cũng là nhà thơ và nhà triết học Abraham ben Ezra* đi ngang. Ông dừng chân nghỉ qua đêm tại nhà của một cư dân trong thị trấn. Sáng hôm sau, khi thầy cả chỗi dậy, muốn đi tiếp cuộc hành trình, chủ nhà nói với ông:
- Thưa đại thầy cả, thật là một hân hạnh lớn lao cho tôi nếu được thầy ở lại đây dự bữa tiệc do tôi thiết đãi tối nay vì nó được tổ chức hằng năm để vinh danh vị đại lão nhân đã và đang cung cấp mọi thứ mà chúng tôi cần tới.
Thầy cả chấp nhận lời mời, ông dời việc khởi hành của mình lại một ngày. Trong khi đó, gia đình chủ nhân bắt đầu chuẩn bị yến tiệc. Họ giết cừu và súc vật, chiên xào nấu nướng và mua rượu vang, kẹo bánh cùng các thức ăn ngon lành khác. Tới tối, mọi người trong thị trấn đều có mặt, mỗi người được kê cho một cái ghế chung quanh bàn tiệc.
Khách khứa vừa ngồi xuống thì một ông lão có vẻ đáng kính, râu bạc như cước, trông đường bệ và lịch sự, trang trọng sải bước tới tham dự với họ. Thế nhưng chỉ liếc mắt nhìn là Thầy cả Abraham ben Ezra đã biết đó là một con quỉ, và ông ngồi yên chẳng nói gì. Nhưng khi vừa bước qua ngưỡng cửa sảnh đường đại tiệc, ông lão để ý thấy trong quan khách có nhà tiến sĩ triết học ấy, mặt bỗng biến sắc và quát lớn rằng:
- Các ngươi hãy đưa tên xâm nhập này ra khỏi đây ngay!
Lúc đó Thầy cả Abraham đứng thẳng người lên, quát lại:
- Ngươi, tên quỉ sứ! Ngươi đang làm gì ở đây giữa loài người? Ta nghiêm khắc ra lệnh cho ngươi ngay phút giây này hãy quay về hố thẳm tối tăm của thế giới bên dưới, nơi cư trú của quỉ cái Lilith vì ngươi thuộc về nơi đó!
Lời nguyền rủa của Thầy cả Abraham ben Ezra làm đại lão nhân bằng hữu của chủ nhà kinh hãi bỏ chạy. Nó hiện nguyên hình là con quỉ hôi hám cụp đuôi phóng về quê nhà của nó ở Miền đất Hố thẳm Không đáy, và không nó bao giờ quay lại nữa.
Lúc đó, nhà triết học nói với cư dân trong thị trấn rằng:
- Các ngươi bị nguyền rủa trước Thượng đế vì các ngươi đã phạm một hành động gớm ghiếc trong Israel! Các ngươi đã quên lời Thượng đế phán rằng "Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán ra mới có bánh ăn và đất đai sẽ trổ sinh gai cùng góc cho ngươi."
Lập tức mọi người bật khóc nức nở và nói:
- Quả thật chúng tôi đã phạm tội và đã làm đổ máu trẻ thơ vô tội. Chúng tôi van xin thầy hãy chỉ cho chúng tôi cách thức sám hối để cho hết thảy chúng tôi không bị sa hỏa ngục.
Thầy cả Abraham bảo họ hãy mặc lấy bao bố, phủ tro lên đầu và bắt đầu một cuộc ăn chay sám hối. Và đúng khoảnh khắc ấy, toàn bộ của cải của họ biến mất. Khắp thị trấn chỉ còn lại cư dân của nó không công việc cũng chẳng tài sản, kể cả một cây kim rỉ sét. Họ nghèo nàn và không nơi nương tựa hơn cả thuở trước vì nay đứa con trai do chính tay họ giết đã ra đi mãi mãi.
Câu chuyện này cho chúng ta một bài học đạo đức là đừng người nào nôn nóng để làm sao cho mình được mau giàu có và khao khát cuộc sống xa hoa. Chúng ta hãy làm với cái chúng ta có và chỉ nghĩ tới việc thờ phượng Đấng tạo hóa.
Ghi chú
* Thầy cả Abraham ben Ezra . Ông sinh tại Tudela, Tây Ban Nha năm 1089 và mất tại Calahorra khoảng năm 1164. Là một trong những học giả và nhà văn Do Thái đáng kính nhất thời Trung cổ, ông được gọi là Nhà khôn ngoan, Bậc vĩ đại, Tiến sĩ đáng kính, trong các lãnh vực triết học, thiên văn học, thuật chiêm tinh, thi ca, ngôn ngữ học và bình luận Kinh thánh.
* Truyện này lấy từ một quyển truyện dân gian xuất bản vào cuối thế kỷ 19 tại Krakow, Ba Lan.
* Satan chủ nghĩa. Satanism hay là lấy việc thờ phượng quỉ dữ, tà thần để nhanh chóng và bảo đảm đạt được cứu cánh về danh tiếng, tiếng bạc hoặc quyền lực trần thế. Tại Việt Nam. có thể bảo Satan chủ nghĩa là loại tín ngưỡng thờ tà thần. Satan chủ nghĩa có gốc tích từ thời cổ đại, qua việc thờ phượng các ngẫu tuợng và tà thần nhưng phải tới thế kỷ 12 sau CN, nó mới được trình bày có hệ thống. Kẻ thờ phượng chánh thần cần thành tâm và phải sống thiện tâm và hảo tâm nên hiến lễ có thể chỉ một câu kinh, lời nguyện, nén nhang bát nước là đủ. Người thờ tà thần phải cúng tế rượu thịt như một biểu tượng cụ thể và trao đổi, nói nôm na là phải "cho thần hưởng của tế lễ thần mới phù hộ."
Tuy có một lịch sử mù mịt, nhưng việc thờ phượng Satan cũng có nghi lễ của nó như Thánh lễ đen, các phương tiện quỉ thuật như bùa chú, bùa ngải, thư ếm, v.v. của các giáo phái thần bí, phù thủy, pháp sư... Tại Pháp, nó sống lại vào thời vua Louis XIV (1643-1715).
Các tôn giáo lớn như Phật giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, Nho giáo, v.v. đều chống lại việc thờ tà thần.
* Hình ảnh những người dân nghèo khổ trong thị trấn này tế cho Satan đứa con trai đầu lòng làm liên tưởng tới câu chuyện Abraham cũng tế đứa con trai đầu lòng là Isaac trên dàn hỏa.
Hai vợ chồng Abraham và Sarah đều cằn cỗi, và Sarah đã quá tuổi sinh nở. Thượng đế giữ lời hứa sẽ đặt hai ông bà đứng đầu các dân tộc ngài, nên cho Sarah hạ sinh Isaac khi ông 100 tuổi còn bà 90 tuổi. Thế nhưng khi Isaac lớn lên thành một thiếu niên xinh đẹp, Thượng đế lại đòi hỏi Anbraham đem con lên núi, thiêu tế con. Trong khi đó, với Thượng đế, lễ vật thiêu tế từ trước tới nay là súc vật chứ không phải con người.
Abraham vâng lời. Đưa con lên núi, trói vào dàn thiêu. Khi ông vung dao lên toan chém xuống, thì Thiên thần từ trời gọi xuống ngăn ông lại và cho biết qua hành động sẵn sàng hiến dâng con một, Abraham chứng tỏ là người kính sợ Thượng đế. Kế đó, thay vào chỗ của Isaac là một con cừu đực chưa thiến mắc trong bụi cây. Như thế, Abraham đã vượt qua được cuộc thử nghiệm sau cùng về đức tin tuyệt đối của ông vào Thượng đế. Và đức tin này không dùng để để đánh đổi của cải thế tục.
Đối với người Do Thái giáo, hành động trói Isaac là một biểu tượng quyền năng mang tính thần học. Sự tận hiến của tín đồ Do Thái giáo cho Thượng đế phải lấy kiểu mẫu từ sự vâng lời không một chút thắc mắc của Abraham và sự ưng thuận ngoan ngoản của Isaac.
Theo truyền thống Kitô giáo, sự kiện Abraham sẵn lòng hiến tế con trai Iasac của ông trên giàn thiêu là hình ảnh tiền thân của sự sẵn lòng của Đức Chúa cha để cho con trai là Đức Giêsu hiến tế trên cây Thánh giá để cứu độ loài người.
Trong khi đó, theo người Hồi giáo - mà chữ Islam nguyên nghĩa là "qui phục" thì câu chuyện Abraham (Ibrahim) tế con này đóng vai trò chủ đạo. Điều đáng chú ý là người Hồi giáo quả quyết rằng đứa con được Abraham đặt lên dàn thiêu để hiến tế không phải là Isaac, mà chính là Ishmael, thủy tổ của dân tộc A Rập.
Khi chưa thụ thai Isaac, Sarah tự ý tiến dâng cho Abraham nữ tì Hagar, người Ai Cập của mình. Và Hagar sinh ra Ishmael. Sau vì xung khắc với Sarah nên hai mẹ con phải bỏ nhà ra đi, sống ở sa mạc, và Ishmael trở thành tổ phụ của dân tộc A Rập. Theo phong tục Đông phương, cũng như Việt Nam trước đây, trưởng nam là đứa con trai đầu lòng của bà vợ cả. Thứ thất do bà vợ cả cưới hỏi, hay xuất thân tì nữ, thường gọi là hầu thiếp, tì thiếp hay vợ hầu; con cái phải gọi bà chính thất là mẹ. Và trong Tử vi đẩu số, vận số hầu thiếp nằm ở cung Nô bộc chứ không ở cung Thê.
Tuy thế, người A rập nói chung và Hồi giáo nói riêng, viện dẫn Ishmael là đứa con chính thức, và theo luật vùng Lưỡng hà địa (Mesopotamia) thời đó cũng như theo sách Sáng thế, thì Ishmael có quyền thừa kế hợp pháp, và ông sống tới 137 tuổi. /.
Nguồn: Trích từ Kho tàng truyện dân gian Do Thái, sắp xuất bản.