Quay lại Hung sau 4 tháng xa. Muốn viết lại cảm giác vì lần đi này quá nhiều sự kiện.
-sau 20 năm mới quay lại VN sống một thời gian dài như thế
-sau 20 năm mới xa nước Hung lâu đến thế
-lại một mình như thuở bắt đầu ra nước ngoài, và lại một mình bắt đầu lại từ đầu trên cõi đời trơ trụi này
-chưa bao giờ cái đầu tôi rỗng tuếch như thế: không có bất kỳ cảm giác nào, không hiểu những đánh giá của mình từ đâu ra, thậm chí không hiểu mình là ai, bây giờ sẽ tiếp tục là ai để làm gì cho đến bao giờ??????????
Quay lại Hung 2 ngày rồi.
Sự kiện đầu tiên là nụ cười nở lại trên môi. Của chính mình.
Thật ngạc nhiên vì điều này, tuy ngẫm nghĩ biết rằng trước khi quay về VN nó là đứa dạt dào cảm xúc, dễ buồn vui, hay cười vì những điều vui sướng và hay buồn nếu nhận ra niềm đau. Nghĩa là một kẻ rất trực tiếp, bao buồn, vui, đau, chán… đều tự ập đến và ra đi. Nụ cười và giọt nước mắt đều tự thân, vậy mà lâu lắm rồi mới thấy nó quay lại với chính cái hình hài (chẳng nhẽ) là của nó này!
Những ngày ở VN làm nó dửng dưng. Rỗng tuếch. Như một cái vỏ sò bên trong không ruột, chỉ gió hun hút thổi qua thổi lại gây lên những cơn bão gió. Cái vỏ sò câm lặng quan sát và ngẫm nghĩ, không mấy khi buồn thê thảm, cũng chẳng vui, hết nồng nhiệt, như một lối mòn vô cảm khi đất đã bị nện chặt, nén dưới những bước chân…
bởi vì ở VN không thể nào đi đến tận cùng bản thân. Bởi cái môi trường nhiệt đới trần trụi phơi bày tất cả ra trước mắt, muốn đi tìm những gì được dấu bên trong sự vật không dễ tý nào, đôi khi nhầm lẫn, và quan trọng hơn cả: cuộc sống ở VN như một sự hấp hối, một trạng thái sống sót cố hưởng thụ để chết, chứ không phải trạng thái đang được sống…
Quay lại Hung. Lên tàu điện, vừa ngắm các loại hoa và cây quen thuộc bên đường, vừa bắt buộc phải nghe tiếng Hung vang bên tai. Và bất chợt nhận ra mình đã tự mỉm cười rất nhiều lần. Bởi đời sống êm đềm vang lên sự ngộ nghĩnh của nó, hết sức tự nhiên và dễ thương làm sao:
một người đàn ông to béo xách rất nhiều túi, đựng đủ thứ: cà rốt, ớt xanh đỏ trắng, khoai tây, ngô, thịt, xúc xích…và nhiều thứ khác ngồi trên xe buýt. Cái bụng của ông ta và những gói thức ăn này che hẳn biển đề các bến đỗ, khiến tôi không tài nào xem nổi cái bến mình định xuống ở đâu. Ông béo và một người đàn bà ngồi đối diện nhận ra điều này, ông béo hết sức bối rối, nhưng không thể dịch chuyển bụng cùng túi đi đâu. Bà hành khách đối diện hỏi tôi định xuống bến nào rồi an ủi”mày sẽ xuống sau tao đúng một bến, không cần nhìn bảng đâu, tao cam đoan tao nói đúng”
rồi họ bắt đầu trò chuyện với nhau, về những túi thức ăn và vai trò đàn ông, đàn bà liên quan đến nó.
tôi ngồi hàng ghế bên lắng nghe và mỉm cười liên tục. Tôi lại nhận ra nét quen thuộc của văn hóa xứ này, nhận ra đời sống thanh bình như đất trời thiên nhiên xung quanh, trong cách giao tiếp của dân Hung, quá quen thuộc với mình, đến nỗi khi nghe dân Hung trò chuyện lại tưởng mình chưa hề đi xa…
Vậy cái nóng hơn 40 độ là cái gì vậy, với độ ẩm găm bức bối khó chịu vào da thịt, với bụi mù phố phường và sặc sụa những cơn tức ngực, nhưng cơn khó thở dâng từng đợt từ lồng ngực thiếu oxy để thở đâu rồi?
vậy cô bạn gái D. lúc nào cũng hớt hải ngập ngụa trong mưu sinh kiếm sống và biển xúc cảm hỗn loạn trái chiều lúc nào cũng dâng lên như nước lũ của nó là cái gì và đâu rồi?
Hà nội vỉa hè gạch lát lổn nhổn khập khễnh, nhưng sự”làm mới” những vỉa hè chưa cũ trải dài cùng lúc khắp các phố như ý đồ tiêu tiền chùa „hoành tráng” nhân 1000 năm TL của nhà cầm quyền, những cái hố đào giữa các ngả đường há mồm hông hốc, rình tai nạn xe người hàng ngày, những hàng dây điện chăng như màng nhện trên các hàng cây, những góc đường thấp thoáng ẩn hiện công an giao thông xồ ra bất kỳ lúc nào, túm lấy một chú xe máy, oto để đòi tiền phạt, vô lý nhưng vẫn tất nhiên hiện hữu đến mức ta đã bao lần tự hỏi tại sao dân mình cứ chịu đựng mãi được nhỉ? Đâu rồi? tất cả hiện thực ấy?
Không phải sự trái ngược của những đời sống nơi này nơi kia làm tôi suy nghĩ, giống như không phải đọc thơ Chân Phương và văn xuôi CP nhận ra những nét bổ sung cho một tính cách người tôi chưa từng gặp…không, không phải những điều ấy làm tôi suy nghĩ, trong sáng mai se se lạnh Bp này.
Cảm giác, duy nhất cảm giác là điều đáng quan tâm trong những ngày lơ lửng giữa trạng thái chuyển dịch từ đời sống xã hội này sang đời sống xã hội nơi khác, thứ cảm giác một cá nhân có thể phát hiện ra từ chính mình, cứ như đứng tách hẳn ra khỏi sự hiện hữu của chính nó.
Cảm giác này từ tôi, lần này rất lạ. Tất cả đều lắng xuống và hiện ra như những bức tranh khác hẳn nhau tôi đang đặt trước mắt và chiêm ngưỡng. Không chút cảm xúc. Tôi nhìn thấy bức tranh VN, ngửi thấy mùi xăng bụi và những tiếng động như sóng biển của người xe trên đường phố, cùng lúc với bức tranh trong vắt không khí trong lành sớm mai và tiếng chim bồ câu gù gù êm ả của nước Hung.
tất cả là 57 năm tồn tại trên đời của ta.
buồn, vui đau, khổ có nghĩa lý gì chăng?
không, ta ơi, không có nghĩa lý gì hết- chỉ một khắc ngạc nhiên vụt tới: chẳng nhẽ cứ phải tiếp tục thưởng thức đời như thế này ư?
thưởng thức để mỗi lúc nguội lạnh hơn và câm lặng hơn?
để làm gì, thượng đế ơi? ( 2010.08.27)
irás tháng 8
ôi, L.A.Hoài đã cứu tôi, khi viết những truyện ngắn nhảm nhí, hắn không nghĩ rằng hắn đã vực tôi dậy, qua một vực thẳm buốt giá của sự cô đơn. Đọc hắn khi đang lạnh toát-một mặt nạ không hồn. Những dòng chữ vô tư của hắn sưởi ấm như mặt trời, với cái nhàn rỗi con trẻ không buồn để ý đến tương lai. Cảm ơn hắn. Vì được quay trở lại với cái vớ vẩn làm nên đời sống. Cứu tôi với Hoài ơi. Đừng để chất phù thủy phù phép quyến rũ tôi, biến tôi thành tảng băng băng giá, dù có màu máu trên tảng băng ấy. Cứu tôi đi, tôi sẽ đọc Hoài để vui với cái cặm cụi ngày, cho dù chán ngắt khi tỉnh táo nghĩ.
tôi muốn đi qua đoạn sông chết chóc này- Hoài ơi, đưa cánh tay cho tôi!( 2010.08.27)
Viết
cho 4 ngày sau – khi xứ Hung bắt đầu trộn gia vị sót lại của xứ Việt.
Vẫn chuếch choáng. Một khoảng không rỗng tuếch. Tưởng chừng từ xưa tới nay chưa ra khỏi khoảng không này. Rất sợ gặp lại hương vị cũ, kỷ niệm cũ, người quen cũ, ý nghĩ cũ, cảm hứng cũ, khái quát cũ, và cả…tương lai cũ nữa
Chúa ơi!
Cả tối qua ngồi xem những clip nhạc của chàng ca sĩ Hàn quốc Park Jong Ha- người cách đây 2 tháng đã kết liễu đời mình bằng đoạn dây telefon trong phòng. Chỉ có chàng gần gũi nhất với tôi trong những ngày gần đây trước khi rời VN và khi đã sang H. vài ngày, khi tôi như một bóng ma hiển hiện trước tất cả mọi người ở VN lẫn ở Hung, vật vờ làm những việc cần làm.
Nghe các bài hát của chàng, người nhất quyết từ giã cõi đời này ở tuổi 32, người kéo tôi quay trở lại mặt đất này, nhét hồn tôi vào xác, và bắt mình sử dụng các giác quan người…
Chúa ơi!
say đắm-đấy là nhận xét đầu tiên khi nghe và xem chàng hát.
” Khúc ly biệt say đắm lần ly biệt” tôi đã viết.
- mình đã từng thế chăng?
Thiếu sự say đắm này làm sao quên được mọi trần trụi của đời, nhìn thật kỹ chỉ là các nhu cầu, thể xác hay tinh thần đi nữa cũng chỉ là các nhu cầu, dùng để gắng lê lết tồn tại nốt một kiếp.
say đắm- chàng trai này cất những giai điệu tuyệt diệu và tuyệt vọng của sự tha thiết- hỡi ôi, tại sao cần tha thiết đến thế? Như ta đã từng…
Hoa trong vườn đồng loạt nở, khoe cùng lúc mọi sắc màu và vẻ duyên dáng cuối cùng trước hè phai và thu đến. Hoa và tha thiết của nhạc, của âm thanh tâm trạng, cứ đâm nhói tim bằng những gì ta đã biết, đã trải, đã tưởng đấy là tất cả, đã tưởng chỉ cần hăm hở bước.
vì say đắm sống, chàng trai này lộ toàn bộ vẻ đẹp của mình trước mắt tôi. Một vẻ đẹp tự nhiên, khao khát ước vọng, mà không hiểu rằng đấy chính là nội dung niềm khao khát, một nội dung chứa phút rưng rưng dâng hiến để cùng lúc mất tất cả, bởi hiểu ra mình chỉ là cái bóng của thời đại mình đang ở trong nó.
Mình chỉ là một xã hội VN đầy ắp mâu thuẫn, sự ngược đời. Giờ đây mọi ảo giác biến mất, chỉ còn lại trần trụi sự thật: cái chết. ( 2010.08.29)
RÁT
Rát ước ao -
mình gục mình an ủi -
rỏ máu nhành hồng
dâng tạ lỗi Hè phai.
góc vườn nghiêng bụi rơi rơi
cơn hẹn nào lỗi hẹn?
khước từ xẻ chia,
Thu hụt hẫng chát lưng
Khát đau, cồn cào, buốt tê, lặng câm,ngơ ngác…
bãi hoang tàn - ta gục ngã với ta
Dù! chỉ còn là đắm say bóng nắng
trả linh hồn
xao xác… nồng nàn…
hương lạ đất quê cha.
đừng bỏ! đừng bỏ em
rát niềm yêu
– đau –
đâu hồi tỉnh
nẻo đường về khúc khuỷu nhận Nhau?
đừng bỏ! đừng bỏ em
cô đơn này vượt trên u uẩn
ôm chặt em đi
buốt giấc lạnh
HỒI SINH.
Nguyễn Hồng Nhung
(Bp.2010.08.29)
Cần phải viết lại từng ngày bởi tôi quen biết linh hồn tôi, nó tách ra khỏi thân xác này, nhấm nháp đời sống như là chính đời sống với nó, rồi bắt tôi sắp từng chữ cái viết lại cảm giác ấy.
trước kia tôi chưa đạt tới cảm giác này, tôi vẫn phải đi qua một kênh gián tiếp nào đấy để sống, bởi vậy viết của tôi vẫn có gì hư cấu.
nhưng giờ đây tôi không cần hư cấu nữa, tôi trực tiếp cảm nhận bản thân tôi và tìm từ ngữ chính xác, để diễn tả nó, như vậy tôi thích hơn, hài lòng hơn, bởi tôi là tôi, ít nhất tôi không ngộ nhận về chính bản thân mình và cảm giác của mình.
Đến một ngày nào đó, những dòng viết này sẽ được sắp xếp theo thứ tự và công bố, người đọc hiểu đã từng có một linh hồn người mang tên gọi NHN cảm nhận đời sống người như thế nào, sẽ có những linh hồn tìm ra sự đồng cảm, và như vậy khỏi cần thăng hoa nghệ thuật qua hư cấu, con người vẫn hiểu nhau.
Giờ đây tôi biết khi viết một truyện ngắn cần hư cấu, nâng lên thành”nghệ thuật” hoặc „văn chương” gì đấy, khi đó người ta vẫn sống một cách gián tiếp, vẫn”diễn trò” trên một sân khấu, vẫn đứng cách xa sự vật và ngạo mạn đánh giá nó, gán cho nó những tưởng tượng của chính người viết. Người đọc cũng thế, gián tiếp thưởng thức, thông qua những phẩm chất giá trị quen thuộc đã tiêm nhiễm từ bé, và cũng ngạo mạn thưởng thức cuộc sống y như người viết.
Nhưng chỉ khi ta tìm các từ ngữ chính xác nhất( theo ta) để diễn đạt cảm giác trực tiếp mình đang trải, ít nhất có tác dụng tức thì là làm người đọc cảm nhận chính xác trạng thái cảm xúc của người viết. Tuy: về nội dung mỗi người đọc hiểu một kiểu.
Ví dụ bài thơ RÁT vừa viết hôm qua, tôi gửi cho những người bạn khác nhau, và thấy họ đều cảm nhận đúng chất CHẾT của cảm giác này, nhưng họ đều không nhận ra LÝ DO tại sao tôi có cảm giác đó. Và họ lo lắng hốt hoảng cho sự tồn tại tiếp của tôi, cũng như ra sức phán đoán nguyên nhân của bài thơ( theo họ)
Đúng thôi, có mấy ai được đọc những dòng ghi chép này để hiểu?
Có mấy ai lên mạng đọc báo điện tử VN và cười gằn như tôi, khi sau mỗi một cái tin, một sự kiện tôi đều nhìn thấy một bản chất khác của hiện thực xã hội VN nằm trong đó. Đấy chính là nguyên nhân gây ra cái chết tinh thần của tôi khi viết bài thơ RÁT.
Đúng, NHN trong bài thơ không cơ may cứu sống! nó phải chết bởi nhận thức ra toàn bộ”cơn hẹn nào lỗi hẹn?” Nó đã tưởng nó hiểu xã hội VN, nó mang chất VN trong người và không thể khác, lúc nào nó cũng có quyền quay về để làm người VN. Nhầm!
Lần này quay về, nó mới biết chính xác cái gọi là xã hội Vn như nó tưởng ấy không có. Bởi nó đã nhìn thấy sau những „vẻ đẹp hiện thực cuộc sống Vn” là cái gì.
Cụ thể: hôm nay đọc trên báo điện tử Vnexpress nói về việc nhà toán học Ngô Bảo Châu được đón tiếp long trọng thế nào khi về nước. Trong ảnh người đại diện ngoại giao của chính quyền hoan hỉ cười đứng bên cạnh NBC ôm đầy một vòng tay hoa với nụ cười ngượng ngập.. vẫn thế .
Tôi nhìn đại diện nhà nước này mà không thể không cười gằn: một đại diện ăn theo lịch sử của chính quyền VN hiện tại, một thứ chính quyền đẻ ra một đống lũ ăn theo, không làm gì cả, chỉ nhân danh chính quyền để tổ chức các loại trò đón tiếp và kỷ niệm các ngày lễ lớn quanh năm ngày tháng, để tiêu tiền chùa và ăn no mặc đẹp cho cá nhân. Vậy thôi.
Bởi vậy những „nguồn lý do” để chúng ăn theo bao giờ cũng là nạn nhân. Ai tỉnh sẽ không bị cảm giác hân hoan phù phiếm và mắc lừa ký sinh trùng đang bám vào thân chủ hút máu đánh lừa!
NBC có vẻ tỉnh. Qua những câu tuyên bố của anh ta. Những kẻ tỉnh đều muốn tìm đường thoát khỏi cái chính quyền ăn theo lịch sử này. Còn đám đông hân hoan vì đánh trúng vào cảm giác”tự hào dân tộc” của họ, một thứ” tinh thần ăn theo” khác, nhân danh tập thể mà sống cho hân hoan trong ý nghĩa: chỉ bầy đàn chúng ta nhất.
Thái độ thế nào là đúng ư? Hãy kín đáo để yên cho NBC tự bày tỏ ý nghĩ của mình, hãy kín đáo hỏi ý kiến NBC muốn được đón tiếp như thế nào và trong phạm vi tầng lớp xã hội nào, thế là đủ tôn trọng người khác, không cần vật tế thần làm chi!
Nhưng với cái văn hóa NỔ ở VN và trong tất cả những ai có dòng máu VN làm sao khác được?
Tôi đã nhìn thấy niềm tự hào về thành tích của con người nằm ngang với giá trị tàn phá của con người, và bởi vậy tôi chả thấy tự hào gì cả, đúng hơn, tôi chỉ bắt đầu thích NBC từ lúc đọc những câu trả lời của chàng trai này với thiên hạ. Còn việc chàng đạt được gì, đấy là việc của chàng, là cách đối xử với cuộc đời của NBC, thế thôi.
Cách đây 2 hôm( ngày 28.08) hôm đó ấn tượng về VN vẫn rất nặng nề trong đầu, cả ngày tôi buồn bã, mở mail ra xem tình cờ Márta tóm được và hẹn tôi 6h chiều đến quán cafe”lịch sử” hai đứa quen nhau ở đó để gặp.
Tôi đến lúc 6h kém 15’, Márta chưa đến. Tôi sang đường ngồi ngay vườn hoa trước cửa nhà thờ Do Thái đợi nó. Và ngắm người đi kẻ lại.
Nhớ cách đây gần 2 năm bắt đầu quen Márta, và bắt đầu dịch Kertesz về nạn bài Do thái. Nhớ cảm xúc tột cùng của mình về dân tộc này qua quá trình dịch. Hồi đó sau 20 năm sống liên tục ở Hung, tôi chìm nghỉm trong văn học và văn hóa nước này, đến nỗi nhiều khi tưởng mình là một thành tố của nền văn minh ấy, khi cảm xúc không chỉ hết lòng mà còn đặt bản thân mình vào nhân vật của cốt truyện.
giờ đây, sau nhiều tháng ở VN sang, ngồi ngắm người đi qua lại trước nhà thờ, tôi bồi hồi thấy mình vẫn dễ dàng nhận ra ai là người Do thái, thậm chí đoán biết họ sẽ làm gì khi dừng lại cửa nhà thờ…y như trong tác phẩm đã dịch.
Ngồi rất lâu, ngắm rất nhiều người, nghĩ rất nhiều so sánh, mới thấy NHN xưa-khi chưa về VN- sao nồng nhiệt đến thế, còn giờ đây, nó như trên trời rơi xuống ngắm nghía một NHN khác nó đã từng quen biết. Một cách xa cách làm sao!
Ôi cái hiện thực VN đã thức tỉnh ta đến mức nào.
Con ranh Márta đến muộn, kéo theo một thằng trẻ măng bịt khăn trên trán và lướt ván gỗ trên đường! Nó đã thực sự trở thành một ả nghiện rượu gầy đét, nói ngọng líu vì uống, không ngừng nhả khói thuốc.
Tôi mở cuốn sách vừa in và chỉ cho nó xem một nhan đề truyện ngắn trong đó:”Márta”
nó rú lên: A, tại sao mày không dịch cái truyện mày viết về tao cho tao xem?
tôi trả lời: không! để trên đời ít nhất còn một thứ mày không biết, mày không chửi, mày không chán ghét.
Lúc đó nó trở lại là cô gái Márta xinh đẹp đầy cá tính ngày xưa: ôi Hoa Hồng, sao mày cứ thiên thần mãi được thế nhỉ? chúng mình làm chung một cái gì với nhau đi, tao xin mày!
Tôi đứng lên: không, tao đi về đây. Tao chết rồi còn mày cứ muốn sống mãi. Tạm biệt.
và thế là tôi bỏ về.
Tôi biết tôi luôn luôn chết. Chết hẳn. Cho đến khi linh hồn một người đàn ông kiên nhẫn đợi tôi từ từ sống lại. Tôi không thể chết được vì anh ấy vẫn đang sống. Đấy là ai? Là chính mảng linh hồn của tôi- ơi sự bất tử của tình yêu sự sống!./.
( 2010.08.30)