Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.999 tác phẩm
2.765 tác giả
305
124.688.144
 
Vật liệu kiến trúc 10 thế kỷ đầu công nguyên ở Hoàng thành Thăng Long
Trần Anh Dũng

Cùng viết với TS Lê Thị Liên

 

Vật liệu kiến trúc trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công Nguyên là một đề tài khó bởi tình hình tư liệu chưa có nhiều,các dấu vết kiến trúc của giai đoạn này còn lại ít. Ngoài các ngôi mộ táng, các kiến trúc nhà cửa, thành quách, tháp cổ.... chỉ còn lại phần nào và tập trung chủ yếu ở các đô thị như Luy Lâu, Hoa Lư và Hoàng thành Thăng Long. Trong khi đó khối tư liệu lớn nhất khai quật được ở Hoàng thành Thăng Long lại chưa được chỉnh lí, khiến cho các tác giả của bài viết này không khỏi phân vân. Trong tay chúng tôi chỉ có tư liệu trong các hố khai quật B11,D5, D6 của khu di tích Ba Đình và  của các địa điểm thuộc Hoàng thành Thăng Long như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu  và 62-64 Trần Phú. Tuy nhiên điều làm chúng tôi tin tưởng và đặt nhiều hi vọng để viết bản báo cáo này chính là những kết quả khai quật được ở các hố B11, D5 và D6 ở khu di tích Ba Đình. Tại các hố khai quật này, địa tầng của giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên cùng các dấu vết của nền móng, những mảng kiến trúc hiếm hoi của các công trình cổ cùng rất nhiều vật liệu kiến trúc đã được làm xuất lộ một cách rõ ràng.Trước hết, chúng tôi xin được trình bày vắn tắt các phát hiện quan trọng này.

 

Như chúng tôi đã trình bày trong báo cáo của mình ( Lê Thị Liên 2004 ), tại hố B11đã phát hiện được lớp văn hoá thuộc giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở lớp đào thứ 6, từ độ sâu 2,2m đến 2,8m. Trong lớp văn hoá này đã phát hiện được các dấu vết kiến trúc sớm nhất như sau :

-    Lớp nền lát gạch màu xám xanh ngả ghi trên nền đất sét biển dẻo mầu xám đen.

-    Một đoạn cống thoát nước có các vách tường xây bằng gạch xám kích thước lớn, dài tới 39cm, lòng  và cửa cống được làm từ các viên ngói ống màu xám.

-    6 chiếc cột gỗ chôn sâu trong lớp đất văn hoá sét biển màu xám đen được đầm nén chặt bằng các loại vật liệu gạch ngói vỡ.Cột gỗ có kích thước tương đối lớn, có chiếc cột đường kính tới 40cm.

-    Trong lớp văn hoá này,mặt bằng của hố trải dày đặc các mảnh gạch ngói xám ngả ghi với một khối lượng rất lớn. Đây là vết tích của các kiến trúc rất lớn dã bị đổ nát. Cùng với dấu vết kiến trúc là gạch và tiền thời Đường mà chúng ta đã khá quen thuộc, đó là những viên gạch in nổi hàng chữ  Hán Giang Tây Quân và tiền đồng đúc nổi các chữ Hán Khai Nguyên thông bảo,gạch lát nền trang trí hoa sen và băng hồi văn chữ S nằm ngang...

Còn tại hố D5  và D6, chúng tôi đã có dịp trình bày các phát hiện quan trọng ở đây ( Lê Thị Liên và Ngô Thị Lan 2004 ).

 

Trong các hố khai quật D5 và D6, mà đặc biệt là ở hố D5, chúng tôi đã phát hiện được nhiều lớp nền với các niên đại khác nhau. Đặc trưng của các lớp nền trong kiến trúc cổ Việt Nam là bên dưới các lớp gạch lát là nền đất sét đầm lẫn với vật liệu kiến trúc vỡ, hoặc là lớp đất sét thuần không lẫn vật liệu kiến trúc. Tuy nhiên lớp nền kiến trúc của giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên cũng có những nét khác so với các nền kiến trúc của giai đoạn độc lập tự chủ. Lớp nền kiến trúc ở hố D5 và D6 rất giống với lớp nền sớm nhất đã được phát hiện ở cố đô Hoa Lư trong cuộc khai quật năm 1997.Cả hai nền kiến trúc này đều xử dụng loại sét biển màu xám xanh rất dẻo, mịn và quánh có tác dụng tương tự như thành phần kết dính để đầm nén với vật liệu kiến trúc vỡ tạo ra sự cố kết chặt chẽ. Trong lớp nền này rất nhiều ngói mũi sen kích thước nhỏ đã được tìm thấy. Ở vùng trũng như cố đô Hoa Lư, tầng văn hoá có các kiến trúc sớm được xây dựng trực tiếp trên lớp sét biển. Còn ở Hoàng thành Thăng Long, lớp sét biển thường thấy ở độ sâu trên 4m. Loại đất này được khai thác để dùng trong việc xây dựng các kiến trúc cổ.

 

Nền kiến trúc dùng sét vàng thuần Kỹ thuật này đặc biệt phổ biến ở thời Lí- Trần nhưng không phải đến thời Lí- Trần mới có mà ngay từ thời Đinh- Lê, người ta đã sử dụng và được coi như là một phát minh trong kỹ thuật xây dựng cổ của Việt Nam. Tại hố đào D4, D6 cũng đã phát hiện được nền sét vàng vàng tươi rất dẻo và dính cùng các trụ sỏi kê chân móng cột có gia cố sét vàng tươi làm chất liệu liên kết.Cùng với kỹ thuật này là kỹ thuật sử dụng móng bè bằng gỗ kê chân cột để chống lún trong vùng đồng bằng trũng lầy thụt ( Lê Thị Liên và Ngô Thị Lan 2004: 4 ).

Kỹ thuật này đã thấy trong việc xây một đoạn tường thành ở cố đô Hoa Lư.Tại đây, người ta đã dùng cả một bè gỗ lớn để chống lún cho cả một đoạn tường thành xây bên trên. Cùng với nền kiến trúc giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên là hệ thống vật liệu kiến trúc của giai đoạn này đã được phát hiện trên một diện rộng qua một loạt những địa điểm đã được khai quật như : Khu di tích Ba Đình ( 18 Hoàng Diệu ), địa điểm Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu Lâu và địa điểm 62-64 Trần Phú. Hệ thống vật liệu kiến trúc ở đây, theo sự sắp xếp của chúng tôi, bao gồm các thời kì sau :

 

1. Thời Đông Hán ( Thế kỷ 1-III ):

 

Thời kì này để lại dấu vết rất mờ nhạt, toàn bộ di vật ở khu di tích Ba Đình chưa được chỉnh lí, cho nên những nhận định và đánh giá của chúng tôi chỉ có thể dựa vào tư liệu khảo cổ học của các địa điểm khác trong khu vực Hoàng thành Thăng Long như đã nêu trên.Về mặt lịch sử, ở thời Đông Hán, khu vực Hoàng thành Thăng Long chưa phải là địa bàn được chọn là nơi xây dựng các trị sở quan trọng. Một số di vật ít ỏi của thời kì này đã được phát hiện ở khu vực 62-64 Trần Phú, đó là mảnh chân đế bình con tiện men mỏng ( Men giấy ) màu trắng đục ngả hồng ( Màu cháo lòng ), một số mảmh gạch múi bưởi thô trang trí văn trám lồng vỡ nát... Sự có mặt của những di vật này không nhằm đánh dấu một giai đoạn kiến trúc ở nơi đây mà chỉ có ý nghĩa minh chứng cho sự có mặt thưa thớt của các kiến trúc ở khu vực này. Rất nhiều khả năng những viên gạch thời Đông Hán ở khu vực này là của những  ngôi mộ gạch.

 

2 .Thời kì Đại La :

 

Trước đây, nhà nghiên cứu người Pháp Lui Bezacier khi nghiên cứu về nghệ thuật Việt Nam, đã cho rằng có một nền nghệ thuật Đại La. Khái niệm về thời Đại La theo ông bao gồm bao gồm thời thuộc Đường và cả thời Lí Trần bởi những lầm lẫn đáng tiếc khi xếp khá nhiều di vật của thời Lí Trần vào thời thuộc Đường.

 

Theo quan điểm của chúng tôi, thời kì Đại La có những đặc trưng cơ bản như sau :

-    Về mặt niên đại :

Thời kì Đại La kéo dài từ cuối thế kỷ III đến đầu thế kỷ IX, bao gồm các giai đoạn thuộc các triều đại của Lục Triều cho đến kết thúc thuộc Đường dưới sự cai trị của các viên quan nhà Đường như  Cao Biền, Cao Tầm và Tăng Cổn ( Năm 880 ).Thời kì Đại La được chia làm 2 giai đoạn : Giai đoạn Tiền Đại La và giai đoạn Đại La.

 

+ Giai đoạn Tiền Đại La:

Giai đoạn này tương ứng với thời Lục Triều. Sử sách của ta viết về giai đoạn này không theo lối biên niên mà thường bỏ cách, ghi chép gián đoạn, có khi tới hơn 30- 40 năm mới ghi chép tiếp tình hình đó khiến cho việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn.Sử sách không ghi chép rõ thành Đại La được xây đắp khi nào.Nhưng vùng cưả sông Tô Lịch có thể đã có thành. Đại Việt sử kí toàn thư có dòng chép vào năm 545 Lí Bí bị thua ở cửa sông Tô  ( Đại Việt sử kí toàn thư 1998, tập 1: 180 ). Có thể đó là thành Đại La cũ mà năm 767 kinh lược sứ Trương Bá Nghi đã đắp lại. ( Đại Việt sử kí toàn thư 1998, tập 1: 190 ).

 

-    Về tính chất của vật liệu kiến trúc:

Vật liệu kiến trúc cùng vơí đồ gốm men của thời Lục Triều cũng đã được phát hiện nhiều hơn ở các địa điểm  62-64 Trần Phú và khu di tích Ba Đình ( 18 Hoàng Diệu ). Những bằng chứng đó cho thấy vào thời Lục Triều muộn, vào khoảng thế kỷ V- VI, ở khu vực hoàng thành Thăng Long đã bắt đầu có những kiến trúc quan trọng mở đầu cho giai đoạn thành lập trị sở của An Nam đô hộ phủ ở thời Đường vào các thế kỷ kế tiếp.

 

- Về đặc trưng di vật :

Đặc trưng của vật liệu kiến trúc giai đoạn này là chất liệu tương đối thô, có pha trộn nhiều hạt cát, hạt sỏi nhỏ màu vàng đục và sỏi đầu ruồi mầu đen.Độ nung của gạch thường rất cao, hay có các mầu nâu xẫm, nâu đỏ, nâu xám hoặc màu xám ngả vàng, vàng xẫm ngả xám, mặt gạch hay nổi các hạt cát, sỏi. Vật liệu kiến trúc thời tiền Đại La gồm có các loại gạch múi bưởi ở cạnh có in nổi hoa văn trang trí và gạch lát nền in nổi văn trang trí trên mặt phải của viên gạch. Chỉ có 1 viên gạch tráng men màu xanh rêu nhạt, lớp men rất mỏng được phát hiện ở địa điểm Trần Phú, còn lại đều là gạch không tráng men ( Trần Anh Dũng 2004 : 2 ).

 

Hoa văn trang trí có đặc trưng tương đối gần gũi với các mô típ của Trung Quốc, ít có sự sáng tạo và thay đổi đột biến trong phong cách trang trí. Hoa văn trang trí dùng khuôn in, gồm có các loại mô típ trang trí như sau :

 

Hoa văn hình hoa thị kết hợp với các vạch ngang:

Loại hoa văn trang trí này được thể hiện trên mặt phải của một viên gạch lát nền được phát hiện ở hố D5, trong khu di tích 18 Hoàng Diệu. Các vết đập hoa văn  so le trên mặt gạch đã cho thấy khuôn in hoa văn trên viên gạch này cũng chính là khuôn  hoa văn trên cạnh gạch.Mô típ này đã thấy trên gạch xây mộ thời Tây Tấn ( năm 381- năm 420 ) phát hiện được ở Sơn Đông Trung Quốc năm 1983. Tuy nhiên có đôi chút khác biệt trong chi tiết trang trí : Các đường vạch ngang song song trên viên gạch ở hố D5 dày hơn.

 

Hoa văn trám lồng :

Loại hoa văn này tương đối phổ biến. Những viên gạch trang trí văn trám lồng thời Đông Hán thường có xu hướng thể hiện nhiều lớp ô trám, có khi đến 7 hoặc 8 lớp, giữa các nhịp ô trám phổ biến có 3 vạch chỉ nổi song song làm giới hạn. Hoa văn trám lồng thời Tiền Đại La và Đại La có xu huớng giản lược các lớp trám lồng, phổ biến  có 3-4 lớp, các nhịp ngắn hơn,các vạch chỉ nổi giới hạn có thể là 2-3 vạch song song, nét mảnh hơn, cũng khá nhiều viên gạch đã bỏ các vạch giới hạn.Các địa điểm 62-64 Trần Phú, Hậu Lâu, và Đoan Môn đều phát hiện được khá nhiều loại gạch này.

 

Hoa văn chữ s nằm xiên :

Đây là loại gạch trang trí tương đối phổ biến của thời Đông Hán, nhưng chất liệu và màu sắc của viên gạch này đã khiến cho chúng tôi xếp nó vào khoảng đầu thời Lục Triều, khoảng cuối thế kỷ III- đầu thế kỷ IV. Hoa văn trang trí là loại chữ s có nhiều lớp tráo đầu nhau.

 

Văn thừng thô :

Loại gạch này đôi khi vẫn thấy được lát ở nền mộ. Đây là loại gạch lát nền mầu xám nhạt hơi ngả ghi, một mặt gạch đập văn thừng thô theo chiều ngang, vết đập khá sâu. Loại này tiếp tục tồn tại trong cả giai đoạn Đại La ( ảnh 10, 11 ).

 

Hoa văn xương cá :

Loại hoa văn này được in nổi trên cạnh dài của viên gạch hoặc trên một mặt của viên gạch lát nền. Dấu vết kỹ thuật trên gạch cho thấy khuôn in hoa văn trên  mặt viên gạch này cũng chính là khuôn in hoa văn trên cạnh dọc của gạch.Các hàng văn xương cá nếu được xếp khớp với nhau thì hoa văn biến đổi thành loại ô trám lồng có 4 lớp.

 

+ Giai đoạn  Đại La:

Đây là giai đoạn quan trọng, hình thành nên bộ mặt kiến trúc đô thị của thành Thăng Long sau này.

- Về mặt niên đại :

Giai đoạn này thuộc các thời Tuỳ –Đường. Lịch sử thời thuộc Tuỳ, chính sử của ta cũng chỉ chép vài dòng sơ sài. Năm 618 nước ta lệ thuộc vào nhà Đường, năm 622 trở thành An Nam đô hộ phủ. Nhà Đường thống trị nước ta cho tới năm 907. Giai đoạn Đại La chủ yếu tồn tại vào thời thuộc Đường, niên đại kéo dài từ thế kỷ VII- thế kỷ IX. Thời kì này, thành Đại La với ý nghĩa là trung tâm chính trị quan trọng nhất của Giao Châu tiếp tục được xây dựng và mở rộng.

Cổ sử của ta đã có nhiều lần ghi chép về việc đắp thành Đại La như sau :

Năm 767, Trương Bá Nghi đắp lại La Thành.

Năm 1791, Triệu Xương cho đắp thêm La Thành.

Các năm 803 và 808 đều đắp thêm thành Đại La.

 

Từ các năm 860-874, Cao Biền đã tiến hành xây đắp thành Đại La một cách quy mô nhất và được ghi chép rất tỷ mỉ trong Đại Việt sử kí toàn thư ( Đại Việt sử kí toàn thư , tập 1 : 199 ). Các lần xây đắp thành có thể cũng xây dựng những dinh thự cho phù hợp với những thay đổi của toà thành, những loại hình vật liệu kiến trúc vì thế mà cũng nhiều lên rất phù hợp với những ghi chép trong cổ sử.

 

-    Về tính chất của vật liệu kiến trúc:

Vật liệu kiến trúc thời Đại La phát hiện được phong phú hơn các giai đoạn trước. Sự đa dạng của các loại hình kiến trúc cùng các hình thức và mô típ thể hiện đã cho thấy rõ những vật liệu kiến trúc đó là những bộ phận của nhà cửa, dinh thự bề thế vừa thể hiện quyền uy, vừa thể sự sang trọng của kiến trúc. Tại các hố D5, D6 và B11, các mảnh ngói ống xuất lộ khá nhiều, trải rộng khắp mặt hố khai quật, các tượng quái thú nhe răng há mồm với bộ râu chổi xể, những viên gạch lát nền in nổi hình cá sấu bơi trong sóng nước...chắc chắn là những bộ phận trang trí của một loại hình kiến trúc bề thế của phủ đô hộ, các cống thoát nước, giếng nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày, hệ thống chân cột bằng gỗ kết cấu móng bè... cũng đã phản ánh tính chất đô thị và quan trọng của các công trình kiến trúc của giai đoạn này.

 

-    Đặc trưng của vật liệu kiến trúc giai đoạn Đại La:

Đặc trưng của vật liệu kiến trúc trong giai đoạn này là chúng không còn được phát hiện một cách lẻ tẻ hay lẫn trong các lớp văn hoá nhiều thời đại khác nữa mà nằm trong một lớp văn hoá được phân biệt một cách rõ ràng. Phần lớn các loại hình vật liệu kiến trúc thời Đại La nằm trong các lớp nền sử dụng đất phù sa nâu có pha sét xám khai thác tại chỗ có màu xám hoặc xám xanh, chất liệu phù sa mịn, có lẫn ít sạn, cát nhỏ hoặc ít vụn than.

 

Chất liệu của vật liệu kiến trúc giai đoạn Đại La mịn hơn, một số viên rất mịn. Đại đa số có mầu xám nhạt, xám bạc, xám xanh ngả ghi, độ nung tương đối cao. Một bộ phận khác màu vàng nhạt, vàng xám, đỏ tươi, màu nâu bã trầu...

 

Nhiều mảnh ngói có thể được lọc kỹ hơn nên hầu như không thấy sạn, sờ mát tay. Đồ nung đều và khá cao, khiến cho chất lượng ngói rất tốt. Các mảnh ngói cho thấy có hai loại vải thô (có thể là vải gai) được sử dụng để lót khuôn. Loại thứ nhất có các lóng dệt chéo, sợi xoắn, tạo thành các vết chạy hơi xiên ( ít thấy hơn). Loại thứ hai có các vết sợi chạy ngang dọc vuông góc. Sợi gồm nhiều cỡ, nhỏ mịn hoặc to thô. Các dấu vết để lại trên ngói thường rất sâu, sắc nét. Khuôn tre có thể đã được sử dụng, để lại các vết hằn rộng 2-3 cm, dọc theo thân ngói.Dấu vết của những viên ngói còn in hằn vết khuôn đan bằng nan tre đã được phát hiện ở hố D5, D6 và ở khu vực 62-64 Trần Phú . Một số mảnh gạch hoặc ngói có màu đỏ thâm cũng đã được phát hiện.       Gạch thời kỳ này ở mỗi vị trí xuất lộ các khác nhau đôi chút về chất lượng và sự đồng đều về kích thước. Các viên gạch nằm trong các vỉa gạch móng lớn thường có kích thước đều hơn., còn những viên nằm trong các vị trí gia cố chân cột, đường cống thoát nước số 4 ( hố D5), thường có kích thước không đồng nhất, cho thấy tính chất tái sử dụng của chúng.

 

-    Về hoa văn trang trí :

Hoa văn trang trí vẫn theo tuyền thống cũ, đó là các loại hoa văn hình học như :

-  Hoa văn mắt luới có ô trám nổi ở giữa :

Do được làm từ chất liệu sét mịn nên hoa văn in trên gạch khá sắc nét, các mắt lưới thưa hơn trước rất nhiều.

Hoa văn xương cá :

Loại hoa văn này đã rất phổ biến ở thời đại kim khí, trên đồ gốm ở nhiều quốc gia đều có loại hoa văn này.Đồ gốm suốt các thời Thương Chu cho đến thời Đường đều thể hiện loại hoa văn này, dường như nó trở thành loại hoa văn truyền thống của Trung Hoa. Trong các giai đoạn sớm như Thương Chu, Tần, Hán, hoa văn xương cá thường được thể hiện trong các khuôn in nhỏ, sắc nét, mảnh, mau.Trong các thời muộn hơn nó được thể hiện thành mảng to, các đường vạch xiên đối xứng được làm to, mập và thưa.Tại di chỉ Hậu Lâu cũng đã phát hiện được một số gạch in hoa văn xương cá ( ảnh 13 ).

-    Hoa văn trám lồng:

Loại hoa văn này vẫn tiếp tục tồn tại, tuy nhiên trên loại gạch có chất liệu mịn hơn. Kiểu gạch trang trí văn trám lồng cũng có những thay đổi trong chi tiết : Giữa các nhịp trám lồng đã giảm các vạch nổi song song và ở nhịp giữa được thể hiện bằng hình chữ thập (+ ).Kiểu gạch này được phát hiện tại các địa điểm 62-64 Trần Phú, Hậu Lâu và 18 Hoàng Diệu.

 

Các loại hoa văn hình học truyền thống này vẫn rất gần với các mô típ trang trí trên đồ gốm của Trung Hoa.

 

Điều đáng lưu ý là trên vật liệu xây dựng cũng đã xuất hiện một số mô típ hoa văn trang trí mới cùng cách thể hiện mới như mô típ trang trí sóng nước và cá sấu, hoa dây hình sin. Các loại hoa văn ảnh hưởng Phật giáo như hoa sen, hoa cúc ngày càng xuất hiện nhiều lên, chủ yếu được thể hiện trên các đầu ngói ống. Cách thể hiện của các mô típ trang trí này không còn đơn giản là những băng trang trí mà đã mang tính chất của những tấm phù điêu.Đặc biệt là viên gạch lát in nổi sóng nước và cá sấu. Mô típ này không có trong truyền thống của Trung Hoa. Một viên gạch trang trí loại này còn nguyên vẹn đã được phát hiện ở địa điểm 18 Hoàng Diệu, một viên khác bị vỡ, mầu vàng nhạt cũng đã được phát hiện ở địa điểm Hậu Lâu.

 

Một số loại đầu ngói ống, mầu xám bạc hoặc xám ghi in nổi hình thú hoặc mặt người được làm theo lối phù điêu phát hiện được ở địa điểm 18 Hoàng Diệu, tuy rất gần với phong cách truyền thống của Trung Hoa, nhưng đã bắt đầu đơn giản hơn.

-    Về loại hình của Vật liệu xây dựng:

Loại hình vật liệu xây dựng ở khu vực Hoàng thành Thăng Long có một số loại tiêu biểu sau:

 

-    Gạch:

+ Gạch Bìa:

Gạch bìa không phải đến giai đoạn này mới có và đều không trang trí hoa văn, công dụng chính của nó là dùng để xây các công trình kiến trúc. Tuy nhiên ngoài những viên gạch màu xám và xám xanh loại gạch này rất dễ lầm với gạch bìa của các thời khác. Chúng ta đã biết đến loại gạch bìa đỏ dùng dể xây móng tháp Nhạn ở Nam Đàn ( Nghệ An ), có niên đại đầu thời Đường, khoảng đầu thế kỷ VII . Trong các viên gạch này, ở mặt tiếp xúc của gạch thường có các vết chải. Tại địa điểm Trần Phú đã phát hiện được khá nhiều gạch bìa màu xám xanh, nâu đỏ ( gần với màu vở quả vải khô ), mặt gạch có vết chải nhỏ. Những viên còn nguyên có kích thước (dài x rộng x dày): 39 cm x 19,5 cm x 10 cm, ? x 22 cm x 9 cm, ? x 20,7cm x 9 cm. Tại hố D6 đã tìm được một số loại gạch chữ nhật còn nguyên trong vị trí tường móng ở D6 (cổng số 3 theo Ngô Thị Lan) và phần gắn mặt nền đất nâu D5 còn nguyên vẹn.

 

-    Gạch hình lưỡi búa:

Cũng có màu xám xanh, chải một mặt, cũng có khi không in hoa văn, đa số đã bị vỡ. Một trong số những viên đó có các cạnh dọc dày 11,2 cm và 7,8 cm, rộng 16,2 cm. Cũng có viên kích thước nhỏ hơn, màu đỏ tươi có vân vàng nhạt, hoặc ngược lại: màu vàng nhạt lẫn vân đỏ tươi, mặt gạch chải dọc, nét chải thô, to, mòn in trám lồng.

 

- Gạch Giang Tây quân:

Theo chúng tôi gạch “ Giang Tây quân “ xuất hiện muộn hơn, khoảng  thế kỷ IX-X,. Loại gạch này rất phổ biến ở hoàng thành Thăng Long, nó có mặt ở tts cả các địa điểm.Gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” có muộn hơn một chút:  khoảng giữ thế kỷ X- thế kỷ XI. Tuy nhiên 2 loại gạch này khoảng đầu thời Lý người ta vẫn còn sử dụng. Trong đợt khai quật địa điểm 62-64 Trần Phú, chúng tôi không phát hiện được gạch “ Đại Việt Quốc quân thành chuyên”, nhưng gạch “ Giang Tây quân”- Loại gạch theo G.S Trần Quốc Vượng là loại gạch do quân đội Giang Tây thời Đường sản xuất- đã phát hiện được 21 mảnh. Ngoại trừ những mảnh không xác định rõ, trong số những mảnh xác định được ở địa điểm Trần Phú, chúng tôi thấy có 3 loại tự dạng “ Giang Tây quân” (so với mẫu tự Giang Tây quân ở Hoa Lư thì có rất nhiều):

- Chữ “ Giang Tây quân” trong khung nổi nhỏ : Gạch màu vàng nhạt, xương lấm tấm chút ít sạn đầu ruồi nhỏ. Gạch được đầm, nện chặt qua cấu kết chặt bên trong và các vết đập bên ngoài ở cạnh gạch (có viên còn có cả các vết đập chéo ở cạnh gạch, tạo sự xù xì ). Chiều dài còn lại của gạch là 20 cm, rộng 18 cm, dày 5,8cm. Đây là kiểu gạch “ Giang  Tây quân” có khung dọc hình chữ nhật, do bị vỡ nên chúng ta chỉ biết chiều dài của khung này là 12 cm, rộng 5 cm. Chữ in nổi, chữ ngắn.

- Chữ “ Giang Tây quân” in nổi có khung in nổi to. Đây là loại có khung in chữ lớn nhất, chiều dài gạch bị vỡ, còn lại 11 cm, khung chữ rộng 6,5 cm,nét chữ to, mập, bản chữ rộng tới 0,7 cm. Gạch màu xám xanh, dày 6,0 cm. Một viên khác khung in chữ nhỏ hơn, gạch rộng 18,7 cm, dày 6,3 cm, màu xám xanh.

Một số viên có chữ “ Giang Tây quân “ phát hiện được ở hố D5 của địa điểm 18 Hoàng Diệu có kích thước phổ biến: 28x 19x5 cm; 37x 16x 5 cm; 34x 16 x5 cm; 30 x16 x 5 cm.

 

-    Gạch Giang Tây chuyên :

Loại gạch này phát hiện được tương đối nhiều ở cố đô Hoa Lư, nhưng ở khu vực Hoàng thành Thăng Long thì mới chỉ phát hiện được ở khu vực 18 Hoàng Diệu.

 

-    Một số loại gạch có trang trí khác :

Trong nhiều vị trí khác (D5 -đường cống số 4, các bãi dải lẫn ngói xám, đá vụn...) gạch thường vỡ nửa, có nhiều kích thước dày và rộng khác nhau (? X 15 x 4,5/ 5; 15,5x 3,5; 16 x6; 17x 5) một số mẫu vỡ nhỏ chỉ dày 3 cm. Một số viên có trang trí kiểu các đường chỉ nổi đơn hoặc kép ngang dọc, tạo thành các ô trong có hình hoa thị hoặc các đường chỉ song song xen các băng ô trám chìm hoặc nổi.

 

+ Gạch lát nền hình vuông:

Trong khu vực hố đá đào phá xuống lớp đất nâu ở hốD5- L11, xuất lộ mảnh của loại gạch vuông có trang trí trên hai mặt. Mặt trên thể hiện một đoá sen lớn gồm các cánh lớn xen các cánh nhỏ, có ngấn nổi cao dọc cánh. Diềm trang trí băng hồi văn chữ s đầu vuông nằm ngang kiểu hình học biến điệu. Điểm xuyết xung quanh là những đoá hoa tròn. Mặt dưới trang trí các vạch ngang dọc, chia thành các ô, một số ô trang trí kiểu dấu hoa thị (*). Gạch dày 5,2cm. Một số mảnh vỡ trang trí kiểu dấu hoa thị và viền khung bằng các đường ngang dọc như trên cũng phát hiện được trong các hố chôn cột ở D5 và D6. Đặc biệt một viên gạch lát vuông gần nguyên trang trí tương tự được phát hiện ngay trên mặt lớp tường gạch xám. Một hình thức trang trí khác thể hiện một bông hoa sen lớn, cánh tròn mập, hơi ngắn, điểm xuyết xung quanh là hoa văn chữ S có đầu cuốn tròn. Loại này cũng được phát hiện ở B11.

 

-    Ngói:

Gồm có 2 loại : Ngói âm dương và ngói bò ( Ngói úp nóc )

 

-    Ngói âm dương và ngói nóc:

Số lượng rất lớn, mảnh ngói loại này được phát hiện, căn cứ vào độ cong của mảnh. Độ dày mỏng khác nhau, cùng với một số viên khá nguyên vẹn cho phép nhận thấy kiểu dáng và kích thước của chúng. Có thể có 2 loại cơ bản:

-  Ngói úp nóc :

Một số viên cho thấy chúng có kích thước lớn, không có phần cổ ngói, thường có đầu rộng rộng hơn đầu kia, có thể được dùng trên nóc mái. Một số viên nguyên vẹn đo được dài 33/34,5 x rộng 30 và 32/25 và 21 x dày 1,5/ 1,6 và 1 cm.

- Ngói âm dương:

Một số viên nguyên và mảnh vỡ cho thấy một đầu ngói được trang trí bằng những vết lõm hình chữ nhật, chữ Z hoặc vòng cung.Trên mặt cong, phần sát đầu ngói được ấn, vuốt thành các khối cong phồng nối tiếp. Các hình thức hoa văn tuy đơn giản nhưng biến hoá nhiều kiểu khá phong phú. Một số mảnh yếm ngói ( rộng 31 cm, diềm rộng 9 cm) cho thấy hình thức trang trí các dây loe có các nụ tròn ở đầu, diềm bằng nhũ đinh phía trên.

-    Ngói ống:

Hầu như không phát hiện được các viên ngói ống nguyên vẹn. Một viên còn đo được cho thấy có kích thước dài ? x rộng 16 x cao 6 cm. Tuy nhiên trong các bãi ngói đổ dày đặc trong khu vực các lớp nền này, đặc biệt là trong các hố gia cố chân cột đã phát hiện được các mảnh của các phần khác nhau của các loại ngói này.Một viên ngói loại này phát hiện được ở địa điểm18 Hoàng Diệu mầu xám bạc, cỏ thót, thân ngắn.

- Đầu ngói:

Số lượng không nhiều, tuy nhiên phát hiện được những mẫu trang trí độc đáo:

Đầu ngói trang trí hoa văn kiểu lá nho ( thuật ngữ tạm sử dụng ở đây, trước khi có những nghiên cứu so sánh cụ thể), gồm một núm tròn nổi ở giữa, với 4 nhánh lá toả ra. Vây quanh bằng 4 nhánh khác và được bao ngoài bằng một băng chấm tròn. Vành ngoài phẳng rộng (đk: 18 cm, đk phần trang trí: 9 cm)

 

Đầu ngói trang trí hoa văn kiểu các cánh sen, xen hoạ tiết kiểu chuỳ đôi ( một đường nổi mảnh liên kết với hai khối tròn hai đầu). Cánh hoa nổi cao, hơi thuôn nhọn ở phần đầu.

Cũng phát hiện được đâù ngói trang trí  mặt hề, thể hiện một cái mồm nguệch rộng hai bên mép. Cấu trúc ngói khác biệt với các loại thường thấy. Đầu ngói hình ô van, gắn chéo góc với phần thân ( kt 18,5 x 16, dày 2 cm, chéo ra 8 cm).

 

- Cổ ngói:

Là phần gắn nối kết các viên ngói với nhau khi lợp.Một số mẫu trong các hố trụ gia cố chân cột B2 và B3 cho thấy cổ ngói dài 3,5 cm, dày 2 cm ở phần ngoài cùng, mỏng dần còn 1,5 cm, tạo thành một rãnh lõm trước khi nối vào thân. Phần thân sát khớp ngói rất dày, tới 3 cm và mỏng dần. Một số mảnh thân cho thấy chúng có độ dày khác nhau từ 1/ 1,2 cm đến 2,2/2,5 cm, chứng tỏ phần thân ngói mỏng dần cho đến phần đuôi, trừ viên ngói cuối cùng dưới hàng hiên, được gắn với đầu ngói.

 

- Vật liệu trang trí kiến trúc:

Một số đầu thú và mảnh vỡ cùng loại đã được phát hiện trong các lớp đào 11-12 trong khu vực xuất lộ nền sét nâu và các chân cột gỗ thời kỳ Đại La. Đặc biệt, mảnh đầu ngói trang trí hoa văn kiểu lá nho (?) và mảnh hàm thú cũng xuất lộ trong hố gia cố chân cột thời kỳ này. Một đầu thú còn khá nguyên vẹn, được tái sử dụng làm phần đáy giếng thời Trần. Đầu thú được thể hiện có hàm vuông, miệng há rộng, lưỡi nhọn, mập, uốn cong rất hiện thực. Các răng nanh thể hiện bằng các đường chạm chìm tinh tế. Mũi to, hai cánh nổi phồng tròn. Mắt tròn có các đường xoáy song song. Râu hàm dưới dày rậm, xoè ra, được thể hiện bằng các đường chạm sâu trên phần cong của một viên ngói bò (ngói úp nóc).

 

3.Vật liệu kiến trúc Đại Việt thế kỷ X :

Thời Đinh Lê, kinh đô ở Hoa Lư ( Từ năm 968 đến năm 1010 ), tồn tại trong 42 năm, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có nhiều công trình kiến trúc đã được dựng lên ở cố đô này. Điều đó đã được ghi lại trong cổ sử của ta và đã được kiểm chứng phần nào trong cuộc khai quật cố đô Hoa Lư vào năm 1997. Phủ đô hộ không còn giữ vai trò là trung tâm kinh tế xã hội nữa vì vậy có thể là không có các kiến trúc lớn được tiếp tục xây dựng.Điều này có thể thấy được qua các vật liệu kiến trúc được phát hiện ở đây.Vật liệu kiến trúc thời Đường vẫn tiếp tục được sử dụng lại như gạch Giang Tây quân, gạch và ngói ống thời Đường, gạch bìa.Loại gạch Giang Tây chuyên, trong khi phát hiện được khá nhiều ở Hoa Lư thì ở đây chỉ được phát hiện ở địa diểm 18 Hoàng Diêụ, cũng với số lượng không nhiều.Những viên gạch in nổi hang chữ Hán Đại Việt quốc quân thành chuyên thời Đinh Lê cũng phát hiện được rất ít, hoàn toàn vắng mặt ở các địa điểm 62-64 Trần Phú, Đoan Môn, Bắc Môn và Hậu Lâu, chỉ có mặt ở 18 Hoàng Diệu. Một loại vật liệu kiến trúc  thời Đinh Lê như ngói mũi lá, bệ hoa sen đất nung cũng vắng bóng ở đây.

 

Nhiều khả năng là sau khi phủ đô hộ đã chấm dứt vai trò của nó thì kiến trúc chính đã bị thu gọn và chỉ còn tập trung ở khu vực trung tâm là địa điểm 18 Hoàng Diệu. Tại đây trong các hố D5, D6, trong lớp sét biển xám xanh đã xuất lộ các hệ thống chân tảng đá không trang trí hoa văn,các đường gạch lát mà diềm dùng gạch xếp theo lối răng cưa, và mảng nền nhỏ lát gạch bìa mà ở các cạnh có các vết chải thô. Cùng với lớp nền có kiểu kiến trúc khác lạ so với thời Đại La là sự góp mặt của gạch Giang Tây quân, gạch lát nền có băng hồi văn chữ s nằm ngang ở diềm và hoa lá bên trong, gạch lát nền trang trí 3 lớp cánh sen to, mập lồng nhau, các góc trang trí hoa dây hình sin tương tự như loại đã phát hiện được ở Hoa Lư.Nhưng rất đáng tiếc là lớp văn hoá này chỉ đươc phát lộ một phần, chưa được khai quật hết khiến cho việc nghiên cứu cũng chỉ dừng ở mức độ giả định. Trong tương lai, khi công việc khai quật ở đây được tiếp tục, hy vọng sẽ có những kết luận vững chắc hơn.

 

Tuy nhiên có một loại vật liệu kiến trúc mà có lẽ do công dụng hữu hiệu của nó đã không thể vắng bóng trong các công trình kiến trúc của phủ đô hộ cũ. Đó là các máng xối nước hình thuyền tán thuốc. Loại hình vật liệu kiến trúc này rất phổ biến trong các công trình kiến trúc ở cố đô Hoa Lư. Tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, nó được tìm thấy ở các địa điểm Hậu Lâu, 62-64 Trần Phú, hố D4 và một số hố đào khác ở địa điểm 18 Hoàng Diệu. Chiếc máng xối nước trong hình24 còn nguyên vẹn. Hình dáng của loại máng xối này rất giống với hình ảnh của chiếc thuyền tán thuốc, phần đáy được làm choãi sang hai bên để lắp ghép với các bộ phận kiến trúc khác.Những chiếc máng có niên đại sớm nhất thuộc thời Đinh Lê hoàn toàn giống với những máng xối đồng loại tìm được ở Hoa Lư. Loại máng nước muộn hơn, có thể thuộc đầu thời Lí đã được tạo dáng bên ngoài thành hình chim với các hàng lông đuôi ở cuôí máng và lông vũ ở hai bên thân, rãnh thông ở đầu và đuôi mán đã bị bịt lại ở đuôi máng.

 

Tuy không chiếm số lượng lớn nhưng vật liệu kiến trúc thời Đinh Lê đã báo hiệu một sự mở đầu của một dòng văn hoá, văn minh mới : Văn hoá , văn minh Đại Việt sáng tạo, trở về nguồn, phục hưng các giá trị của truyền thống Đông Sơn thời dựng nước, đưa lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường của quốc gia Đại Việt lên cao chưa từng thấy.

 

*

Trong điều kiện hạn chế về nguồn tư liệu từ Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi đã cố gắng hoàn thành bài viết này. Dù chưa chỉnh lí được khối tài liệu đã khai quật đươc ở khu vực 18 Hoàng Diệu, nhưng những gì được thấy và biết ở đây cũng đủ thấy nơi đây chính là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long. Qua các vật liệu kiến trúc và các dấu vết kiến trúc còn lại trong tầng văn hoá thì  khu vực Hoàng thành Thăng Long đã có một bề dày lịch sử từ trước đó.Các dấu vết kiến trúc, ít nhất đã có từ đầu Công nguyên, trong các thế kỷ I- thế kỷ III, song đó chỉ là các dấu vết mờ nhạt của đời sống sinh hoạt đương thời. Đáng kể nhất phải là thời Lục Triều, đặc biệt là ở các thế kỷ V- thế kỷ VI, khi mà La Thành được xây dựng, nơi đây dần dần trở thành trấn trị quan trọng.Từ thế kỷ VII- thế kỷ IX, với An Nam đô hộ phủ, La Thành được mở rộng nhiều lần, và là thủ phủ quan trọng nhất. Đây là giai đoạn phát triển của thời kì Đại La. Thuật ngữ này không dùng với nghĩa rộng bao quát cả một giai đoạn trong toàn quốc mà chỉ bao hàm một giai đoạn kiến trúc đô thị, giai đoạn văn hoá đô thị trong một không gian hẹp. Thời kì Đại La, mặc dù có những ảnh hưởng của văn hoá Đường, nhưng trong chừng mực nào đó đã có những bước phát triển mới. Nội dung của thời kì này

còn phải được tiếp tục nghiên cứu sau khi khối tư liệu ở địa điểm 18 Hoàng Diệu được chỉnh lí.

 

Sự trùng hợp của vật liệu kiến trúc và dấu tích các kiến trúc, các bộ phận kiến trúc còn tồn lại từ 10 thế kỷ đầu Công nguyên kéo dài liên tục qua nhiều thế kỷ trong cùng địa điểm 18 Hoàng Diệu đã cho thấy, không chỉ ở các thời Lí- Trần - Lê nơi đây mới là trung tâm của Hoàng thành mà từ thời Đại La nó đã là trung tâm chính của phủ đô hộ. Hoàng thành Thăng Long được xây dựng ngay trên chính khu vực của phủ đô hộ cũ. Vì vậy những phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học ở đây rất có ý nghĩa, hi vọng là sẽ tìm được các thời kì, các giai đoạn văn hoá kế tục nhau, kế thừa nhau phát triển liên tục.

 

Tìm hiểu sự sáng tạo và những ảnh hưởng trong ngoài của văn hoá văn minh Đại Việt thời Lí- Trần- Lê ở khu vực Hoàng thành Thăng Long qua các di tích di vật khảo cổ học là việc làm hết sức cần thiết, góp phần vào việc tìm hiểu nguồn gốc, đặc trưng,bản sắc văn hoá Việt Nam./.

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 3329
Ngày đăng: 04.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khai Quật Khu Lò Luyện Sắt Vườn Lò (Hiệp Hòa –Bắc Giang) - Trần Anh Dũng
Nghề Gốm ở Tân Phước Khánh (Bình Dương) - Trần Anh Dũng
Tìm hiểu nghề gốm ở Hưng Định (tỉnh Bình Dương) - Trần Anh Dũng
Tìm Hiểu Nghề Gốm ở Hưng Định (Tỉnh Bình Dương ) - Trần Anh Dũng
Đồ gốm sứ trang trí hình em bé - Trần Anh Dũng
Làng gốm đất nung Bửu Long - Trần Anh Dũng
Mỹ Xuyên và sản xuất sành ở miền trung qua tư liệu khảo cổ học - Trần Anh Dũng
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-1 - Trần Anh Dũng
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-2 - Trần Anh Dũng
Khai quật và khảo sát các ngôi chùa cổ: Phát hiện di vật của ngôi chùa cổ gần 700 tuổi trên đỉnh núi - Trần Anh Dũng
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)