Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.135
123.140.426
 
Nhớ Chú Nguyễn Đình
Lâm Bích Thủy

Hồi ức về nhà thơ Trào Phúng Nguyễn Đình

 

Nghe nói ngày xửa ngày xưa, chú dạy học tại một Trường Trung học ở thành phố Nha Trang. Chú nghe bạn bè đồn nhà số 12 Phố Chợ, nhà của thi sĩ Quách Tấn, là điểm hẹn văn hóa của giới tri thức trẻ. Lúc đầu, chú đến để nghe các thi sĩ trẻ vịnh thơ Đường. Dần dà chú mê thơ và nơi đây trở nên hấp dẫn chú ; để được gặp gỡ làm quen với nhiều thi sĩ đã ít nhiều có tên tuổi trên văn đàn.

 

Cũng ở đây, ba tôi thường từ Bình Định vào giao lưu thi phú cùng bác Tấn. Có khi ông lưu lại với bác Quách Tấn ngót cả tháng. Ba tôi gặp và quen thân với chú Nguyễn Đình. Bác Tấn  nhận thấy chú Nguyễn Đình là người có học vấn nhưng sống giản dị, nhất là phong cách rất dễ gần của chú đã làm cho bác Tấn-một người hơi có tính gia trưởng mến nên đã tác thành chú với nhóm bạn của mình.

 

Theo ba kể; tuy không có chân trong nhóm “Tứ Hữu Bàn Thành” nhưng chú Nguyễn Đình rất  tích cực trong việc tuyên truyền, quảng bá thơ của Hàn Mặc Tử sâu rộng. Ngày mà nhóm bạn văn tổ chức giới thiệu thơ Hàn thì chính chú là người đứng lên diễn thuyết trước đông đảo người yêu thơ tổ chức ở Nha Trang và Qui Nhơn.

 

Để làm nên chuyện này, bác Quách Tấn, chú Chế Lan Viên và ba tôi lo soạn về thân thế, sự nghiệp văn chương còn chú Nguyễn Đình được bác Tấn căn dặn “Cậu phải cố gắng học thuộc thơ và đọc thật kỹ mấy tập thơ của Hàn để buổi diễn thuyết trước công chúng được hoàn hảo và trôi chảy ”.

 

Bác Tấn cho biết “Những bài của Chế, Lan và tôi đã soạn đều giao cho Đình để Đình thay chúng tôi nói về sự nghiệp của Tử, còn chúng tôi phân công nhau đọc thơ. Chế đọc thơ Pháp, Lan đọc thơ Việt, tôi đọc thơ chữ Hán, rồi truyền cho nhau những “cái hay”đã tìm được trong thơ Hàn, Đình đóng vai trò dự thính”.

 

Với vai trò diển giả, chú làm tốt, kết quả rất khả quan.

Trong Hồi ký của bác Quách Tấn có nói đến việc bác rất giận chú Nguyễn Đình, vì không chịu nghe lời khuyên của ông anh vẫn kết hôn với người đàn bà mà theo bác là “không được chính chuyên ” Vì cuối cùng cô ấy vẫn cứ về làm vợ của chú.

 

Khi tôi lên 5-6 tuổi, đã thấy có chú bị hỏng một mắt, nhưng tính tình rất dễ thương thường đến nói chuyện vui với ba tôi, tại nhà ở thị Trấn An Nhơn-Bình Định. Chị em tôi yêu quí chú Nguyễn Đình lắm.

 

Những ngày ấy, chú luôn kể chuyện vui, tính trào phúng ào ào tuôn ra làm bạn của ba cười thắc cả ruột. Ai cũng quí tính vui nhộn, hài hước của chú. Lại nữa, tuy là người lớn như ba nhưng chú không coi thường trẻ con, thường dành thời gian để giỡn với chị em tôi, nên đứa nào cũng thích chú.

 

Giờ đây, tôi muốn “lên án chú cái tội” hay kể chuyện ma với ba để tôi nghe lõm mà thành “bệnh sợ”.. Chuyện ma quỉ của các chú tác động mạnh và hằn sâu trong óc, không có cách nào bóc ra khỏi tâm trí của tôi được nữa rồi! Nhưng chưa kịp “mắc đền” thì chú đã vội đi xa!

Tập kết ra Bắc chú trở thành nhà thơ trào phúng. Đời chú thật ngắn ngủi, so với lứa bạn cùng thời, chỉ thọ 57 tuổi (1918-1975) . Tôi cũng chỉ mới biết năm chú mất đây thôi.

 

Cũng như các chú, bác khác, chú Nguyễn Đình không được loại trừ cách xếp hạng theo bài học của tôi. Tôi đã xếp chú vào danh sách loại hình “Thanh săn”- đó là loại hình lý tưởng. Tuy bị hư mắt trái, nhưng chú xứng đáng nằm ở vị trí này.

 

Qua đôi mắt thiển cận của tôi thì chú là người sống và đối nhân xử thế trọn tình, trọng nghĩa, trước sau như một. Những năm sống trên đất Bắc, đúng lúc cuộc đấu tranh giữa hai phe những người  trong nhóm “Nhân văn giai phẩm” và những người “yêu nước”. Ba tôi là người được nhạc sĩ Văn Cao ca ngợi ở lời tựa cho tập thơ “Những ngọn đèn”, vì vậy có người trước đây đã từng sống ở nhà tôi hàng tuần thì lúc này sợ dính dáng với những người bị coi là “phản động” là “ kẻ thù” của nhân dân, có tên trong danh sách “Nhân văn giai phẩm” rất sợ vạ lây, thì chú Nguyễn Đình vẫn đều đặn, hàng tuần cùng ba tôi và bác Quách Tạo vui với  văn chương, thi phú, về thời cuộc với tình bằng hữu. Chú vẫn sống mộc mạc và chí tình chí nghĩa như ngày xưa.

 

Ngay cái việc làm hết sức đơn giản mà thấm đượm tình người của chú. Ấy là khi đến thăm một người bạn làm ở Bộ nội vụ, thấy có tập thơ “Giọt trăng” của bác Quách Tấn gửi cho em là Quách Tạo bằng đường hàng không từ Sài Gòn qua Paris và từ Paris đến Hà Nội, nhưng không được đến tay người nhận! Chú Đình lấy cớ mượn về nhà, thức trọn đêm để vẻ, chép lại y như bản chính để tặng bác Quách Tạo. Nghe ba kể lại chuyện này tôi thật xúc động và nghĩ tốt về chú ...

 

Ngày tôi lấy chồng, ba tôi mượn hội trường của Hội Nhà Văn, 51 Trần Hưng Đạo để tổ chức. Bạn của ba, có chú Nguyễn Đình, Trinh Đường, Tế Hanh, vợ chồng chú Nguyễn Thành Long, chú Phạm Hổ, vợ chồng chú Vương Linh, bác Khương Hữu Dụng, vợ chồng bác Minh Vĩ… và một số nhà thơ trẻ Nhà Xuất Bản Văn học, Hội Nhà Văn….

 

Bạn bè, cơ quan của tôi đều ở xa nên cử đại diện đến dự. Họ nghe bàn tán đám cưới của tôi toàn nhà văn, nhà thơ, lại có 2 anh hùng lao động ( một trong số đó là anh hùng Hồ Giáo) nên chẳng ai dám mở miệng  múa rìu qua mắt thợ” chúc mừng cho ngày vui của tôi  thành ra hôm ấy, tôi phải tự tặng cho ngày vui của mình bài hát “Mẹ ơi con muốn lấy chồng” nhạc và lời của Indonesia. Bài hát có đoạn “Em đã yêu một anh chàng trong cuộc vui này. Chàng thật xinh trai nước da chàng ngâm ngâm đen. Càng nhìn càng yêu nhưng cố nén trong lòng … Em nói với mẹ chính con cũng muốn lấy chồng, để dự đám cưới thấy vui là vui trong lòng. Mẹ ơi! thế bao giờ con lấy chồng, chỉ sợ có ai đón biết mình muốn lấy chồng!”

 

Mấy hôm sau, chú Nguyễn Đình đến, thấy tôi còn ở nhà (tôi làm việc trên Nông trường Quốc Doanh Ba Vì Hà Tây), chú nhìn tôi vẻ hóm hĩnh, rồi như reo lên:

“A! nhà Yến Lan có cô con gái rất dũng cảm trên phương diện tình cảm mà bấy lâu nay chẳng được ai biết đến!” Sau câu nói trêu của chú, ai có mặt trong nhà lúc ấy đều đớ người, nghệch mặt ra; chẳng hiểu chú định nói tới khía cạnh nào trong cuộc sống.

 

Một thoáng, chú tiếp luôn: “Con Bích Thủy nhà anh khá thật! khá dũng cảm! khá mạnh mẽ! Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, có lẽ hôm ấy, là lần đầu tiên tôi thấy cô dâu tự hát tặng cho mình. Mà dũng cảm hơn là dám tuyên bố với cả Hội Nhà Văn Việt Nam là “Mẹ ơi! con muốn lấy chồng”, rất là dũng cảm!”. Tới lúc này, mọi người mới té ngửa ra! Tôi nhìn về phía ông cụ nhà tôi, thấy đôi môi ông mỉm cười, vẻ hài lòng!

 

Và từ đó, mỗi lần gặp lại tôi, chú không tha, vẫn cứ trêu “Cô con gái nhà Yến Lan dũng cảm nhất nước của lĩnh vực tình yêu đây rồi!”

 

Đấy, chú Nguyễn Đình là người như thế, sao tôi lại có thể quên chú được! Thực ra, ở thế kỷ 21 này, hành động như tôi quá bình thường. Có gì mà chú Nguyễn Đình lại ngạc nhiên nhỉ ./.

 

 

 

Lâm Bích Thủy
Số lần đọc: 2529
Ngày đăng: 05.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bờ Biển Mênh Mang - Nguyễn Hàng Tình
Bão Thép - Cổ Ngư
Lưng Trần - Trần Vũ
Sương gió qua đường: Con Suối Xà Lách Xoong - Nguyễn Hàng Tình
Bình Thủy 1969 - Trần Mộng Tú
Pari, một thoáng - Khải Nguyên
Những cánh rừng biến mất - Đặng Huỳnh Lộc
Ánh Thiện Duyên Tỏa Sáng - Phan Đức Nam
Nắng Xuân Trên Cầu Yên Lệnh - Hoàng Trọng Muôn
Mổ Xẻ Bức Tranh Văn Học Nghệ Thuật VN Hiện Thời - Nguyễn Hàng Tình
Cùng một tác giả
Tình lên ngơ ngác (truyện ngắn)
Chàng Ngốc (truyện ngắn)
Thư cảm ơn (sự kiện)