Dép Mo Cau
Vừa ngồi vào mâm cơm vợ đã giục: anh mua cho cái Út đôi Bitits mới. Nó bảo, bạn cùng lớp bạn nào cũng xài dép giày ngoại, cứ bắt nó mang hoài đôi dép cũ mèn. Bực bội vì cái nóng hầm hập mặc dù chiếc quạt Windy đang chạy vù vù, tôi trợn mắt: trời ơi, anh mới mua cho hai con hôm khai giảng, chưa tới thi học kỳ I đã đòi đôi khác, vậy phải mua cho nó một năm mười đôi hả, có mà bán nhà bán cửa. Thôi mà anh, nói nho nhỏ, con cái mỗi ngày mỗi lớn, nó nghe rồi buồn tội nghiệp. Tôi dịu giọng gọi vọng xuống nhà dưới: Út ơi, lên ăn cơm. Út khệ nệ bưng lên tô canh rau má bốc khói, rồi ngồi cạnh tôi. Cơm nhà nghèo thường thiếu chất, mỗi thành viên trong gia đình tự sắp lên mâm một tấm lòng. Cái oi bức, ngột ngạt bỗng tan biến để cái mặn mòi của muối lắng đọng. Tôi ân cần vuốt tóc cái Út, xuề xòa như mọi ngày: canh rau má bữa ni ngon lạ, cái Út nấu phải không? Nó nguýt con mắt có đuôi rồi phân trần: má nấu còn con rửa rau. Đã thành thông lệ, ăn xong cả nhà xúm xít chuyện vãn. Đây là dịp để vợ chồng lắng nghe con cái bi bô chuyện trường lớp, sau những tất bật lo toan đời thường. Cái Út ngả vào lòng tôi nhõng nhẽo: ba mua cho con đôi dép mới nha ba. Tôi cười hiền khô: để ba kể chuyện “dép mo cau” cho các con nghe nha. Nhưng ba chưa trả lời con, chừng nào ba mới mua hả ba? Mai. Hoan hô ba! Giờ ba kể đi.
Tôi ngược dòng hồi ức, giọng nhỏ nhẹ: ngày xưa vườn nhà nội các con trồng rất nhiều cau. Hàng hàng thẳng tắp và cao nghều nghệu. Đến vụ cau bông cau nở rộ, rơi trắng như trải thảm, trông rất đẹp mắt. Cây cau bước ra từ truyền thuyết Trầu cau, rồi đi vào dân gian giúp ích cho con người rất nhiều việc: ngoài lễ hội cổ truyền như cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp… cây cau còn cho tàu cau để làm … ngựa, làm chổi quét nhà, làm tấm lợp, làm gáo múc nước, làm quạt, gói lương khô cho người đi xa, cho nông dân ra đồng, bó thuốc lá, làm dép… Nhắc đến dép mo cau là nhắc đến công ơn của nội. Quê mình chuyên canh nông nghiệp, gặp lúc chiến tranh ác liệt, làng mạc tiêu điều! Ông bà nội một mực bám trụ, cố níu vườn rau, thửa ruộng, ôm mấy gốc cau già cụt ngọn mà khóc, vì đấy là máu thịt của nội. Nội tẩn mẩn, mày mò làm tất tần tật những món đồ từ cây cau cho gia đình, chòm xóm dùng, đặc biệt dép mo cau không chỉ giúp đôi chân băng qua sỏi đá, băng qua chông gai mà còn giúp ông bà nội, các chú các cô chạy qua bom đạn, chạy qua đói nghèo để các con có ngày hôm nay. Cây cau luôn gắn gắn liền quê hương Việt Nam và gắn liền với cuộc đời của nội, lưu lại trong gia phả nhà ta một khúc đoạn cực kỳ bi tráng và nhức nhối.
Thời của quạt, dép mo cau qua rồi, chiến tranh vĩnh viễn đi rồi, để lại bầu trời xanh và triệu triệu ngôi sao hy vọng lấp lánh. Những ngọn cau xanh mướt sau 30 năm hòa bình đang tỏa nhánh, trĩu quả, nhưng biết tìm đâu ra đôi dép mo cau của nội hả con? Một đời nội chỉ mang dép mo cau mà đi suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến, nay các con xài dép nhựa cao cấp chưa hết một học kỳ đã đòi mua đôi khác rồi.
Cái chật chội của ngôi nhà, cái oi bức của buổi trưa như chùng xuống, yên ắng đến nỗi nghe được tiếng dép mo cau kéo lê trên nền đất của một thời xa lơ xa lắc.
Lúa Sinh Khôn
Quê miền Trung những năm trước và sau 1954, đất nông nghiệp có nơi chỉ làm một hoặc hai vụ lúa/năm, phần lớn do chiến tranh ác liệt đẩy con người tới chỗ ly tán, đói nghèo cùng cực, cây lúa sinh khôn trở thành ân nhân cứu đói một thời. Sau 1975, người nông dân đi lên từ cánh đồng 3 vụ, gạo lúa có mùa bội thu lên tới 5 tấn/ha.
20 năm rứt ruột ra đi, úp mặt lên tơ chỉ sợi ngoại nhập, nghe gạo tám thơm nhắc nhớ: ngày mẹ ra đồng nhặt lúa sinh khôn, dáng mẹ, dáng cò lấp loáng trên đồng ngập úng mênh mông, chợt nhói lòng về cái thời một hạt cơm sinh khôn cõng năm bảy lát sắn. 20 năm làm người ngụ cư đâu phải là dài để tự cho mình cái quyền được quên hả con? Vâng, con xin mẹ, hãy cho con được đi như mới bắt đầu.
“Khi trái tim còn tỏa nhiệt thì máu không thể đông thành đá” Mẹ đã nói như thế và sống như thế suốt những năm tháng chờ đợi hòa bình. Nhưng rồi chiến tranh Pháp – Việt kết thúc với một Điện Biên thì ba cũng vĩnh viễn ra đi. Từ đó mẹ như bóng cò lẻ bạn chao đảo trên cánh đồng thanh xuân ngập úng, lác đác vài gié sinh khôn trổ muộn.
Nước mắt không đủ để khóc, mẹ đứng dậy trong nỗi đau cùng cực vì đứa con ngậm sữa sinh khôn chưa đủ lớn, tương lai phía trước còn mù mịt.
Đi lên từ lúa sinh khôn, con tự biết phải ở cái nơi mẹ vẫn ở, cho dù cơm canh phố thị có đa cấp tới đâu, thì con vẫn là con của mẹ.
Ba mẹ về trời, con chưa một ngày báo đáp, cánh đồng ba vụ, lúa sinh khôn không kịp trổ mầm, con biết gởi vào đâu vị ngọt bùi bồi lở của đất, chút đậm nhạt nông sâu của sông nước, mưa nắng bão lụt miền Trung, mẹ ơi! ./.