Chiếc xe mười sáu chỗ càng rời xa thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc) theo đường 28 ngược lên Di Linh, càng thấy ngợp mắt trước màu xanh bạt ngàn của rừng núi Trường Sơn. Tượng đài chiến thắng bên công trình hồ thủy lợi Sông Quao là phần đất trung du trước khi xe ngoằng nghèo vượt dài dốc núi. Địa danh Gia Bát với làng đồng bào dân tộc Cờ-ho, dù có thay đổi nhiều về nhà ở, tiện nghi đời sống cao hơn nhưng vẫn còn dáng dấp một vùng đất cao nguyên. Lịch sử phát triển dân cư Bình Thuận, trong đó có Gia Bát -Di Linh ngày xưa là điểm xuất phát lưu dân đến sinh sống miền dưới Tánh Linh, Bà Giêng, La Dạ, Đông Giang…Quốc lộ 28 từ Phan Thiết trổ ra ngã ba Di Linh- theo quốc lộ 20 chỉ có 90 cây số đường núi đèo nên đến Đà Lạt là con đường ngắn nhất. Có người nói nếu đường Đại Ninh –Bắc Bình đưa vào sử dụng thì càng ngắn hơn. Như vậy Bình Thuận sẽ có 2 con đưởng thẳng đến Đà Lạt. Chặng đường này còn giữ được một cảnh quan thiên nhiên đậm sắc hùng vĩ của đại ngàn.
Đoàn văn nghệ sĩ của Hội VHNT Bình Thuận đi dự trại sáng tác tại Đà Lạt lần này theo chương trình hỗ trợ đầu tư của Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch. Đoàn có 15 thành viên gồm 11 văn học, 2 âm nhạc, 1 nhiếp ảnh, 1 mỹ thuật từ Phan Thiết, La Gi, Tánh Linh, Tuy Phong, Bắc Bình không hẹn mà gặp. Nhà sáng tác văn học nghệ thuật của Bộ nằm khá xa trung tâm thành phố Đà Lạt nhưng có được một cơ sở thật lý tưởng, không khí yên tĩnh rất phù hợp cho công việc sáng tác. Đêm đến 8 giờ mà tưởng chừng khuya khoắt, có anh thèm chút rượu phải lội bộ cả cây số mới được chai rượu vang để đỡ khô môi. Không biết đã có trước hay cảm hứng khi mới đặt chân đến đây mà Hoàng Phước ngà ngà ôm ghi-ta hát lên lời nhạc Huyền thọai Pôshanư…
Sáng hôm sau Hồ Việt Khuê cũng vừa xong một truyện ngắn đã thai nghén từ lâu, tự sướng cho mình bằng cái vỗ vào bụng bì bạch với chút hả hê nhẹ gánh. Ngày đầu Lương Minh Vũ đã đốt sạch bốn gói Bastos xanh rồi mới khởi động được mấy trang bản thảo truyện ngắn Kẻ Sĩ dự kiến khoảng năm ngàn chữ, lại chuyện người xưa nhưng chắc chắn sẽ để bao điều suy gẫm cho hôm nay…Trần Duệ với mái tóc bồng bềnh đang ngồi ở Đà Lạt mà nhớ chuyện đâu đâu, có lẽ cho kịch bản sân khấu Điệp Khúc Cuộc Đời, đã thốt lên Đà Lạt giống Tánh Linh, xung quanh là núi! Làm ai cũng bật cười. Bữa sáng điểm tâm, cơm trưa cơm chiều trở thành cuộc giao ban của đoàn một cách ngộ nghĩnh, không có chủ trì, ghi chép mà tình hình viết lách, rong tìm cảm hứng và cả chuyện tiếu lâm. Anh Mười Út-Phan Bình, bao giờ cũng là người dẫn chuyện phiêu lưu hấp dẫn từ văn nghệ cho đến chuyện…trần gian. Hai hôm sau, Huỳnh Hữu Võ dự xong đám tang Nguyễn Đức Nam, người bạn thơ ở Tuy Phong, vội vàng đáp xe đò lên lúc chiều chập chọang, búi tóc “đuôi gà” xơ xác rồi nhập cuộc cùng đoàn. Cảm xúc về Đà Lạt chắc Huỳnh Hữu Võ không đợi đến bây giờ mà đã có “Tháng giêng hoa quỳ nở” từ năm 1992, lúc ấy chưa từng bước qua khỏi đèo Prenn, bài thơ đã in lại trong tuyển tập Thơ Đà Lạt -xưa và nay (2008). Đây là một tập hợp nhiều tác giả thơ cả nước viết về Đà Lạt, trong đó có các tác giả Bình Thuận như Đỗ Kim Ngư, Lê Nguyên Ngữ, Nguyễn Bắc Sơn, Hồ Việt Khuê, Tấn Mỹ, Tô Duy Thạch, Từ Thế Mộng, Nguyễn Như Mây, Thùy Linh, La Văn Tuân…tình cờ tôi tìm gặp ở thư viện Nhà sáng tác.
Ở một nơi cao trên một ngàn mét so mặt biển, nhưng Đà Lạt nằm lọt thõm giữa những rặng núi nối tiếp dảy Trường Sơn. Bầu trời trôi đi trong chợt mưa chợt nắng, không biết là buổi sáng hay đã vào chiều, lành lạnh luôn ngày. Xuống phố đêm, khách du lịch như túa ra chợ Hòa Bình và sân hàng đồ vải, áo phông, áo len…Đoàn Vũ đã thấm và có câu thơ:“Đà Lạt đêm thảo thơm mùi khoai nướng/ Tựa dưới gốc thông già ta nốc cạn chai rượu Vodka”…” rồi phấn khởi vào vai tác giả thơ của Đài Truyền hình Lâm Đồng sẽ giới thiệu. Cái khác hơn các nơi, Đà Lạt đêm dường như đi ngủ sớm, hàng quán, đường phố vắng thưa người. Từ xưa người ta thường nói Đà Lạt là thành phố buồn nhưng lại là địa danh du lịch nổi tiếng. Nổi tiếng nhờ cảnh quan thiên nhiên với nhiều hồ, thác nước, đồi thông…nằm trong lòng thành phố. Với nhiệt độ ôn hòa dao động khoảng 20 độ C đã giữ cho Đà Lạt một diện mạo đằm thắm, yên ả. Là xứ hoa đào nhưng mùa này thiếu sắc mai hoa đào rực rở, thiếu màu vàng của hoa dã quỳ bên lối đi nhưng vẫn biếc xanh màu lá với hoa đỗ quyên, mimôda, thủy tiên, cẩm chướng, tường vi…Hàng trăm cơ sở nhà vườn dọc theo đường đến các khu du lịch Đồi Mộng Mơ, Thung Lũng Tình Yêu, Suối Vàng là bảo tàng của các loại kỳ hoa dị thảo. Những con đường vành đai khu đô thị là những ngôi biệt thự cổ nhiều kiểu dáng sang trọng độc đáo, hài hòa với thiên nhiên, nép mình dưới tán lá rừng thông tĩnh lặng và thơ mộng. Kể từ năm 1893 khi Yersin khám phá Đà Lạt, đến năm 1916 tỉnh Lang-Biang (tên một ngọn núi cao) còn gọi là Lâm Viên được thành lập thì Đà Lạt trở thành thị xã, lúc ấy mới bắt đầu các công trình mọc lên để biến vùng rừng núi hoang sơ này làm nơi nghỉ dưỡng của người Pháp. Từ sau 1954 dân cư Đà Lạt phát triển rất nhanh do những đợt di cư từ các nơi khác đến lập nghiệp và có một bộ phận nông dân biết khai thác lợi thế đất đai, khí hậu để chuyên sống bằng nghề trồng rau quả, hoa, trà... nổi tiếng “la-ghim, trà Đà Lạt”. Nhắc đến quá trình hình thành vùng đất này để thấm thía hơn cái hồn muôn thuở, trầm tích trong huyền ảo và tình cảm của con người Đà Lạt, vừa mỏng manh, dịu dàng vừa hồn nhiên, thanh thóat như dáng thông thẳng đứng trên đồi sương phủ. Huyền thoại Lang-Biang, Hồ Than Thở, Thung Lũng Tình Yêu… những câu chuyện tình nồng nàn nhưng với hồi kết bao giờ cũng là sự trắc trở mà thủy chung. Cũng từ những hình ảnh, địa danh đầy cảm hứng đó mà Ngọc Trung (nhạc) rồi Dương Lệ Tâm (nhiếp ảnh), Tùng Sinh (hội họa) sau buổi điểm tâm là vội vàng xách máy ảnh, cọ vẽ ruỗi rong tìm kiếm góc nhìn. Đây là Trại sáng tác do Bộ VHTT-DL tài trợ đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội VHNT thứ V (2010-2015) vừa kết thúc, và cũng vừa bế mạc cuộc triễn lãm mỹ thuật khu vực miền Đông tại Đồng Nai.
Thực sự trong thời gian tổ chức Trại viết này, các Văn nghệ sĩ đã tập trung hoàn chỉnh bản thảo tác phẩm đã dự định xuất bản và sau đó là việc thể hiện lên trang giấy đã thai nghén từ trong ý tưởng mà ở đây mới có những điều kiện về thời gian, không vướng bận công việc thường ngày cho nên đến ngày tổng kết đợt sáng tác đã có gần chục truyện ngắn, mấy tập bản thảo thơ riêng của các tác giả Hồ Việt Khuê (tiểu thuyết), 3 tác phẩm thơ của Huỳnh Hữu Võ, Nguyễn Duy Sinh, Phan Bình được biên tập hoàn chỉnh và sáng tác mới có 3 ca khúc của Ngọc Trung, Hoàng Phước và 6 truyện ngắn của Lương Minh Vũ, Hồ Việt Khuê, l kịch bản sân khấu của Trần Duệ và 43 bài thơ cảm hứng từ Đà Lạt của Đoàn Vũ, Nguyễn Thị Liên Tâm, Trần Thị Xuân Lâm, Nguyễn Đức Hậu, Phan Bình... Thiên nhiên Đà Lạt, con người Đà Lạt như trải lòng cho những tầm hồn giàu cảm xúc để đầy đặn thêm trang chữ đẹp bằng nỗi niềm chân thật đậm chất nhân văn./.