Tôi đã được đón trăng, ngắm trăng ở nhiều nơi, nhiều miền, nhưng chưa có một mùa trăng nào còn đọng lại trong tâm trí tôi sâu đậm và luôn réo gọi như những mùa trăng của tuổi thơ ở quê nhà…
Có nhiều lúc tôi rất đỗi ngạc nhiên, tự hỏi – sao những mùa trăng âm thầm, khép kín, êm ả ấy của cái tuổi vừa lên mười lại khắc sâu, kéo dài theo từng bước chân tôi đến gần hết cuộc đời ? Tôi nhắm mắt lại là có thể thấy trăng. Tôi mơ màng một chút là cả cái quang cảnh phố quê rực sáng, êm đềm, mênh mông kia hiện lên, như vừa mới được sống hôm qua !
Tôi được sinh ra và lớn lên trong một con phối nhỏ dọc quốc lộ, cạnh một ngôi chợ đã hoang phế tự bao giờ. Con phố thì chỉ có một đoạn quốc lộ là còn sinh hoạt, nghĩa là còn thấy bóng dáng người đi, còn vài sạp hàng bán buôn rời rạc, thưa thớt. Ba con đường ngang nhỏ hẹp, có đoạn dài không có nhà, cỏ cây mọc um tùm, vắng vẻ. Những ngôi nhà thấp ẩn mình trong vườn cây, được ngăn cách bởi các lùm cây gai hoang dại mọc tua tủa dọc đường. trông khép kín và an phận. Khu chợ rộng thênh nằm giữa, chia hai con đường thì được trồng toàn gòn và phía dưới là cây bông vải. Có lúc được trồng bắp và mì (1). Những thân cây gòn cao lêu nghêu, chỉa những nhánh dài như những cánh tay khẳng khiu, đỡ lấy từng chùm trái thon dài. Về mùa trái khô, nứt vỏ, để lộ từng đám bông trắng, bông gòn bay lãng đãng như tuyết.
Tuổi thơ tôi đã trôi qua lặng lẽ, hồn nhiên như cây cỏ, trong suốt những tháng năm dài kháng chiến chống Pháp (2). Tôi mồ côi cả cha mẹ. Sống bên anh chị. Cuộc đời đã bất hạnh và chiến tranh đã đẩy chúng tôi đến tột cùng của sự khổ đau, cô độc và nghèo khó.
Bù lại, tôi có tuổi thơ đang xanh biếc. Có sự hồn nhiên, vô tư trước mọi hiểm nguy. Và nhất là tôi có những mùa trăng ngập tràn phố chợ, có những đêm xách đèn dầu chai đi học, có mỗi tuần một buổi tối sinh hoạt thiếu nhi nơi khoảng sân rộng trước nhà để chờ đợi…
Trăng lên cao. Tròn đầy. Ánh sáng vàng êm đềm chảy khắp các ngã đường, trên những cây gòn, trong khu vườn bông vải, trên từng mái nhà im lìm, lấp lánh trên cành cây, kẽ lá hoang dại mọc tràn ra đường vì vắng bước chân người…
Tôi và chị tôi thường ra ngồi ở bãi cỏ mượt dọc đường, trước ngõ nhà, để nhìn trăng. Chung quanh chúng tôi chỉ có trăng là mới mẻ, là tươi mát, là quyến rũ thôi! Tuổi thơ chúng tôi đang khao khát sự thơ mộng, niềm vui, để an ủi đời mình. Và trăng, mặt trăng màu nhiệm kia đã xoa dịu, đã ấp ủ, đã ru nồng giấc ngủ của chúng tôi như người mẹ hiền thuở nào.
Ngồi ngắm trăng, trò chuyện với nhau như thế cho đến khi mặt trăng đã ngự ở trên đỉnh đầu, chênh chếch về hướng tây, chúng tôi nằm kềnh trên thảm cỏ. Chúng tôi thích thú chỉ cho nhau xem những bà tiên cầm gậy, những ông lão râu tóc bạc phơ, hay từng gốc cây đa cổ thụ từ những cụm mây trắng đang trôi lơ lửng mà lòng thầm ước mơ đến một cõi nào hạnh phúc xa xăm. Có đêm, chúng tôi nằm ngủ quên trên bãi cỏ, anh tôi phải ra gọi vào nhà…
Có những đêm trăng chúng tôi rủ nhau thơ thẩn đi vào ngôi thành cổ (1). Con đường trước ngõ nhà tôi cũng có lối dẫn vào thành, nhưng um tùm cây lá, hoang vắng quá. Chúng tôi chọn lối đi xuống phố dọc quốc lộ, rồi rẽ vào đường chính dẫn lên thành. Đi lối này, thỉnh thoảng chúng tôi còn trông thấy vài bóng người thấp thoáng qua lại. Nín thở chạy một mạch qua khỏi cổng thành tối om, phía trước là một rừng gòn sáng trực ánh trăng! Sự mênh mông im vắng đến lạnh ngắt, khiến chúng tôi phải dừng bước, chẳng dám tiến sâu vào thành. Đứng trước cổng thành mà nhìn: Con đường đất nhỏ phía trước dẫn lên cửa Tây (2) như một dòng sông. Xa về hướng nam là cửa Tiền (3), là cột cờ bằng xi măng cao vút giữa màu xanh, là con đường ray xe lửa ngập cỏ cây, là dòng Trường Thi (4) mờ mờ sương khói… Có hôm chúng tôi bạo gan tiến sâu hơn về phía nền một góc thành đã sụp đổ, trông thấy từng bầy chồn rượt đuổi nhau, hay bầy thỏ hoang trắng muốt rủ nhau lên nền thềm giỡn trăng… Rồi chúng tôi cùng nhau trèo lên cổng thành tìm bắt những tổ chim cu, chim sáo. Tìm hái những chùm dúi dẻ chín vàng, hay những cánh hoa sực nức mùi thơm… Cứ năm đêm một lần, người ta tụ về ngay trên đoạn đường đất nhỏ trong thành này để họp chợ. Đêm không trăng thì thắp đèn chai, đèn đĩa- ánh sáng lờ mờ không trông rõ mặt người. Nghe có tiếng “u u u” từ xa là lật đật thổi tắt đèn, tìm gốc cây, lùm cây hay hầm hố mà núp. Vui nhất là những phiên chợ có trăng, những phiên chợ có trăng vào dịp giáp Tết, người ta lại bày bán thêm trên mẹt những chiếc trống rung, con gà đất, con ve quay, hay những chiếc máy bay, chong chóng bằng gỗ gòn nhẹ tênh, được sơn phẩm màu xanh đỏ vàng rất đẹp mắt. Chúng tôi chỉ đi dạo xem, vì làm gì có tiền để mua, dầu chỉ là một con ve quay vài hào…
Sau hơn mười năm sống xa quê với nghề dạy học, tôi đã trở lại quê nhà sau tháng Tư-75. Tôi đã được chứng kiến sự đổi thay của cuộc đất chôn nhau cắt rốn của mình.
Tôi đã về sống lại trong ngôi nhà đầy kỷ niệm xưa cũ đã được sửa sang lại tương đối tươm tất sau bao năm chịu dột nát, xiêu vẹo vì bị bỏ phế. Con đường trước này ngày nào cỏ cây giăng mắc nay đã thành con đường nhựa rộng sau 21 năm tôi lớn lên rồi đi xa . Và điện – hàng cột điện đường cao thế, những bảng hiệu đèn màu và những cột ăng ten vươn cao với những dãy nhà cao tầng –nhưng tất cả đều lặng im, bao trùm một nỗi đợi chờ, hiu hắt…
Và mặt trăng của hơn nửa thế kỷ trước vẫn đến. Tròn và đầy. Trăng tỏa ánh vàng tươi mát xuống khắp nẻo đường phố chợ an tịnh, hiền hòa. Tôi vẫn đón trăng, ngắm trăng. Cũng là màu trăng vàng êm đềm thuở xưa, nhưng hình như trong màu trăng ấy đã ánh lên bao điều mới lạ. Vừa thì thầm quyến rũ, vừa man mác thở dài!
Một người bạn văn là thư ký của một tờ báo ở Sài Gòn đã đến thăm tôi. Thật bất ngờ. Hỏi ra mới biết anh đi công tác ở Nha Trang tranh thủ ra thăm tôi. Anh cho biết là chỉ ở lại một đêm thôi, hôm sau là anh phải đi.
Chúng tôi sẽ làm gì trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó ?
- Ông muốn thăm viếng những nơi nào ? Tôi hỏi.
- Tùy ông thôi. Anh bạn tôi cười thoải mái.
- Thế thì ông hãy yên chí ngồi sau xe tôi nhé !
Chạy vòng qua đường Lê Hồng Phong - tôi dừng xe lại trước cổng Thành Đông vừa mới được xây dựng, tái hiện lại cổng Thành Bình Định hơn hai thế kỷ trước. Anh bạn tôi có vẻ thích thú, quan sát từng chi tiết của cổng thành.
- Ông thấy có giống với cổng thành thuở xưa không ?
- Thuở xưa thì cổng thành hẹp hơn, đơn giản hơn, cũ kỹ hơn. Tôi đáp, nhưng chính cái cũ kỹ ấy mới thật có giá trị…
Tôi kể lại cho anh nghe thuở nhỏ tôi đã từng leo lên cổng thành bắt chim sáo, hái dúi dẻ chín, và nhìn ngắm trăng sao như thế nào. Cũng tại trên cổng thành này, hai nhà thơ Chế Lan Viên và Yến Lan cũng đã đón trăng, làm thơ và tâm tình về những ước mơ cho con đường văn học của nhóm “ Bàn Thành Tứ Hữu”…
Tôi cho xe chạy thật chậm vào thành, qua huyện, đến vị trí của cổng thành Tây khi xưa. Đường rộng thoáng, hai làn xe chạy, hai dãy điện đường, công viên sạch đẹp, tất cả đã đổi mới, tuy đang còn thiếu rất nhiều màu xanh.
- Ông còn định cho tôi đi đâu nữa? Anh bạn tôi vui vẻ hỏi.
- Mục này hấp dẫn lắm – tôi cười, qua bến My Lăng (1), lên Cù Lâm bắc, đến làng nghề truyền thống Bàu Đá Nhơn Lộc tìm vài lít rượu Bàu Đá để tối nay anh em ta lai rai và làm quà cho ông…
- Sáng kiến nghe được đấy – Anh bạn tôi kêu lên. Đã về tận nơi rồi, thì phải được uống Bàu Đá chính gốc chứ? Ở Sài Gòn, tôi cũng đôi ba lần được nhấm nháp Bàu Đá…
Chúng tôi dừng lại trên chiếc cầu bê tông bắc qua dòng sông Côn để nhớ lại một thuở nhà thơ Yến Lan đã được sinh ra trên bãi cát, đã từng gọi đò qua sông, đã đặt tên cho vòm cát vàng hình cong như chân mày người thiếu nữ là “Bến My Lăng”, đã viết nên bài thơ “ Bến My Lăng” bất hủ…
Cây cầu bê tông kiên cố, hiện đại này là ước mơ bao đời của người dân hai bên bờ sông Trường Thi. Thuở xưa, mùa khô, thì lội- mùa nước lớn thì đò. Sau ngày 30 tháng 4, một cây cầu tre đan được bắc tạm do nhóm người “ thầu” giữ cầu dựng nên để tìm thêm thu nhập cho gia đình. Năm nào cũng có chuyện đò lật, người chết. Qua đò, qua cầu – nhất là bằng xe, là nỗi sợ thường trực của cư dân hai bên bờ sông Côn. Chúng tôi tình cờ có cùng một ý nghĩ: Mong sao ngày mai, hai bên bờ sông sẽ có một khu vui chơi giải trí, có nhà nghỉ, có đoàn ghe thuyền biến dòng sông thơ mộng này thành nơi du lịch sinh thái, để tất cả cùng được có giờ phút ngắm trăng, hóng gió bên bến My Lăng …
Qua khỏi cầu khoảng một trăm mét, tôi chỉ cho người bạn thấy ngôi nhà thời tuổi thơ Yến Lan đã sống. Ngôi nhà nằm trên một triền đất cao – ngôi nhà đơn sơ ấy, mảnh vườn nhỏ nhắn ấy, đã nuôi lớn hồn thơ ông trong suốt cuộc đời.
Đã qua rồi thời những con đường đất ở làng quê gập ghềnh, nhỏ hẹp. Nay các con đường liên thôn, liên xã đã được đổ bê tông phẳng lì và rộng rãi. Người bạn bảo muốn biết mức độ tiến bộ, văn minh của một quốc gia, thì hãy nhìn vào hệ thống giao thông, đường xá của nước ấy. Quả thật, trong những năm đầu thế kỷ mới, các ngả đường bê tông ở nông thôn đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển về kinh tế, xã hội của từng miền của đất nước.
Từ xóm Bàu Đá, Cù Lâm bắc, chúng tôi quay lại đến cầu Trường Thi thì trăng mười sáu đã nhô lên từ phía cuối dòng sông. Một khối sáng tròn, to, đầy đặn đang từ từ vươn lên cao. Ánh sáng long lanh trên mặt sông như một dải bạc. Và bờ tre, rẫy bắp, bãi cát, chìm đắm trong một màu vàng êm ái vắng lặng. Trăng bao giờ cũng hiền hòa, quyến rũ. Anh bạn tôi đề nghị lấy rượu ra uống vài chung để ngắm trăng. Dĩ nhiên là tôi hưởng ứng ngay. Bởi vì, sau gần ba mươi năm tôi chưa bao giờ được ngắm trăng, và uống rượu bên bến My Lăng như thế vì cuộc đời luôn lao đao, và chiến tranh luôn đẩy xa mọi ước mơ của đời người-cho dù chỉ là một đêm trăng yên ả ở quê nhà!
Tôi tìm vào một quán nhỏ bên sông, mua hai bì mực khô, một gói con ngựa và mượn hai chiếc chén con dùng để uống trà.
Rượu đã rót đầy chén.
- Xin chúc mừng cuộc hội ngộ bất ngờ – Tôi nồng nhiệt nói .
- Xin chúc mừng bạn hiền đã trở về lại được quê nhà! – Anh bạn tôi cũng nâng cao chén rượu lên .
Cứ vậy- chúng tôi vừa uống rượu, vừa chúc mừng cho nhau-cho sự còn lại của bạn bè sau bao năm dài đau thương tang tóc …
Trăng đã ở trên đỉnh đầu.
Vằng vặc sáng …./.
Thân tặng NTC
Quê nhà, tháng 8 năm 1990