Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.133
123.140.325
 
Sương gió qua đường: Hạt Lúa Trên Đèo Daknue
Nguyễn Hàng Tình

Những năm qua, nhiều con đèo đưa tôi qua lại theo từng mùa mưa gió cao nguyên trên chiếc xe máy phiêu bạt ở  nghiệp đời phóng viên. Tôi thuộc từng  vách núi lở, cây cồ thụ sót lại, từng cái am thờ bên lề cỏ, cho đến ổ gà ổ voi nơi mặt đường.  Làm lữ khách  qua đèo, tôi nhận ra mỗi con đèo có một vóc dáng, một nhan sắc, một giai điệu, không lẫn vào con đèo khác. Nhưng với con đèo Dak Nue, vùng sinh sống lâu đời  của người M'Nông Gar, và cũng là "con đường săn bắn" ngày nào của Hoàng Đế Bảo Đại_Vị Vua cuối cùng của xã hội phong kiến Việt Nam_  kết giao xứ Lâm Đồng với  xứ Dak Lak thì không đơn thuần mỗi công năng giao thông. Chẳng biết có phải  tiềm  tiềm thức đại ngàn thiêng liêng sai khiến không, mà  tôi cứ hay dừng lại để rảo bước như một hiệp khách xa xưa trên con đèo miền Thượng này...

 

 

Con đèo ấy không hùng vĩ, hiểm trở,  có vực nhưng không sâu, có núi nhưng không cao, có rừng nhưng không thẫm sâu trùng điệp, thẩn thơ những bụi chuối hoang dại, có loài cỏ đuôi chồn chồm lên hóng gió, những đám sơn cúc vàng hết mình đựng nắng, có suối chảy bên dưới, có xe hơi chạy trên đường,..., đủ để gọi là "đèo", sống đời sống của một con đèo. Nhưng có một thứ mà không có con đèo nào còn có, đó là "nền văn minh thảo mộc" toả ra nơi con đèo heo hút và côi cút dài chừng 9 cây số này...

 

Một sơn nữ Mnong ở bon Kte. Ảnh nguyễn hàng tình

 

Tôi nhận ra sự thay đổi của mùa trong trời đất từ chính bên trong con đèo ấy. Khi phủ lên một màu xanh toàn diện_ấy là thời điểm của những độ tháng 5 trở đi, mùa mưa về, và kéo lê thê suốt 6 tháng. Nước mưa đón dắt sự sống về, niềm khát khao, nỗi hy vọng trỗi dậy. Trước khi mặc vào "chiếc áo xanh" diệu vợi đó, núi đồi ở trạng thái lặng câm, trơ ra, rồi xuất hiện lô nhô bóng người nơi lưng chừng các sườn đồi với đàn ông  cầm những chiếc cây nhỏ bé chọc xuống đất, người phụ nữ theo sau bỏ vào cái lổ bé tí kia những hạt lúa giống_thứ lúa cạn nguyên sơ miền sơn nguyên hạt tròn to, cứng, vỏ dày, và gân màu nâu đỏ, chứ không phải lai tạo đi lại, hay biến đổi gen. Những ngọn đồi nhuộm dần màu xanh với độ xanh tăng dần, đậm lên, da diết hơn, theo sự trưởng thành của cây lúa. Có những kỳ tôi kịp nghe mùi hương của những đồi lúa rẫy theo gió đưa ngược ra mặt đường, lướt qua môi mũi. Mùi hương bông lúa rẫy, không mang hơi  nước, mùi của bùn sình, mà mang hơi  núi non_thứ "hương  thiên nhiên" riêng biệt vô cùng. Đó là một thứ "mỹ phẩm" miền sơn cước, của nền văn minh lúa rẫy, nền văn minh thảo mộc, khác hoàn toàn nền văn minh lúa nước ở hạ lưu các con sông Châu thổ. Tôi cũng chẳng rõ từ hấp lực kỳ lạ nào mà hàng ngày những người hướng dẫn khách Tây từ Đà Lạt đi khám phá Tây Nguyên bằng xe ôm cứ ngang qua con đèo này  là dừng lại, múa tay múa chân, huyên thuyên, khoe khoang về những ngọn núi trồng lúa. Các sứ giả văn hoá kia đã đưa công dân của nền văn minh "Súng, Vi Trùng và Thép", khoa học công nghệ cao, thực dụng và duy lý Phương Tây  tiếp cận nền nông nghiệp thuần phát, nguyên sơ. Khách Tây bao giờ cũng cứ gật gù, nâng bông lúa lên, mở xoe đôi mắt ngạc nhiên, như thán phục về cái thế giới huyền ảo nhưng rất thực tế, dễ hiểu, khôn ngoan, nhưng cực kỳ khoa học, thân thiện, và họ miên man chụp lấy hình lưu lại.

 

*

Đã đi gần hết thập niên đầu tiên của Thế kỷ 21 này, khi cả Tây Nguyên giờ đây đã bạt ngàn cà phê, sinh hoạt canh tác lúa rẫy không còn, nhưng mùa tháng 11 -12 trắng xoá bông cà phê, thì lễ cúng lúa mới (trước khi làm lễ cúng lúa mới, thì có lễ cầu mưa về để trỉa lúa...) đã tự huỷ, biến mất không cần tiếng cồng chiêng mà đến ngay chính người bon(tương đương "làng") hình như cũng không hay, chỉ thấy thiêu thiếu, vắng nó. Trong nỗi nhớ nhung cho tiếng chiêng còn vang lên trên nương đồi, vọng nóc nhà dài, phả vào bếp lửa nhà sàn, ai đó từng gợi ý cần phải tạo ra một thứ lễ để thay cho "lễ cúng lúa mới" (cùng nhiều thứ lễ tục khác sinh ra theo nó_cây lúa rẫy) đặc sắc ấy, đó là "Lễ hội hoa cà phê". Giữa bạt ngàn trắng xoá hoa cà phê khắp cao nguyên đó mà lễ hội về loài hoa này diễn ra nghĩ cũng thú vị. Nhưng Trời ạ, văn hoá, sản phẩm của tinh thần và tình yêu phải sinh ra từ máu huyết, trộn vào buồn vui, có mồ hôi tần tảo cùng cảm xúc thăng hoa mang tính cộng đồng, tự thân, từ cái căn gốc sơn nguyên, chứ không "nặn" ra mà thành, hay hô là có người theo. Chả thấy ai mang chiêng vào các rẫy cà phê mà đánh bao giờ_vô duyên lắm. Thanh âm từ tiếng chiêng là thứ âm thanh "thiêng", do đó nó chỉ vang lên, có ý nghĩa, đọng lại, khi được đánh giữa không gian thiêng(UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới không phải cho chiếc cồng, chiếc chiêng mà "không gian" văn hoá của nó kia mà!), và chỗ thiêng liêng ấy là nơi hạt lúa rẫy, nền văn minh lúa rẫy, là không gian rừng núi cùng những "tổ người" mênh mông cảm xúc, tràn ngập nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật múa, tín ngưỡng dân gian... trong ngần nhân văn thuần phát giữa miền cao. Cà phê cho người Tây Nguyên sự sung túc, tiện nghi, văn minh hiện đại, nhưng hình như chỉ lúa rẫy, thảo mộc, mới giữ cho người ta văn hoá, liên hệ và níu kéo với giá trị  tạo tác từ ngàn đời. Đó là nơi chốn thanh bình sâu thẳm, luật tồn sinh là "thuận theo thiên nhiên", nương tượng thiên nhiên, cộng sinh, chứ không tồn tại theo triết lý triệt tiêu kiểu" Súng, Vi trùng và Thép", mạnh thẳng yếu, đông áp ít, lớn nuốt bé, cưỡi lên, đè xuống, chinh phục, và đồng hoá. Không biết có phải nhờ "minh triết thiên nhiên" ấy mà cộng đồng M'Nông Gar ở quanh con đèo này không thấy ai mắc bệnh tâm thần, hay vướng chứng ung thư. Cơ hội thụ hưởng văn minh cao hơn nhiều khi cũng là sự đưa đẩy; còn hạnh phúc thì có nhiều kiểu hạnh phúc ở con người, mà hạnh phúc thì không thể toan tính, đo đếm, lượng hóa, dùng lý trí để soi rọi. Muốn giữ, nâng niu được nền văn hoá ngàn đời kỳ diệu của người Tây Nguyên, hình như cũng cần chắt chiu  rừng núi, dành chỗ cho những mảnh lúa rẫy sinh thành, những hạt lúa ngạo nghễ trên đỉnh núi, cho còn nhiều những con đèo cội nguồn này.

 

*

Có vẻ như "bỏ đi luôn", không đoái hoài, nhưng thực ra vào những tháng mùa ẩm ướt,  trên những dải đồi núi "mặc áo xanh", thi thoảng lại lô nhô những bóng người len lỏi. Người M'Nông Gar đi hái những cái bông bí, đọt rau, trái dưa, trái cà đắng, trái ớt mọi, bẫy con nhím, bắt con sóc, con heo rừng nơi mặt đất... Rõ là một nguồn sống. Nếu có một nền nông nghiệp nào đó "sạch" (khoan đề cập đến khái niệm "văn minh", hay hiện đại), an toàn nhất cho sức khoẻ con người  trên thế giới này thì đích thị là đây, trên những rẫy lúa hãy còn trinh nguyên, thân thiện với tự nhiên  ấy. Một số hạt bí, hạt dưa lấy từ giàn bếp nhà sàn trộn vào với những gùi lúa giống hun khói để rồi khi trỉa xuống cứ vậy mà "thả" cho nó sống"tự nhiên" vậy, chỉ nhổ bỏ cỏ dại, mà  suốt 5 tháng tồn sinh của vòng đời cây lúa không có bất cứ một thứ hoá chất nào phải phun xuống, cũng chả cần bón phân bao giờ. Nước trời, khí trời, gió trời, nắng trời, cùng thứ những  dưỡng chất "mộc" tự trong đất nuôi lấy cây lúa, còn chuyện sâu bệnh thì cũng "thả" cho qui luật thiên địch(mọi thứ sẽ cân bằng bằng loài này sẽ điều chỉnh loài kia). Cho thuốc hoá học cũng không phun, cho phân Ure, NPK, DAP, đầu trâu hay con cò cũng không cần đổ xuống, vì nó đủ sức kháng cự, thích nghi, điều chỉnh, bình tâm với dinh dưỡng an toàn trong đất. Lúa cứ lên xanh, tốt mãnh liệt, bền bỉ, dù  mặt đất canh tác không bao giờ bị cày xới tung lên, nghĩa là rất ít bị rửa trôi, gây xói mòn.

 

 

Rẩy lúa uốn ra đầy sức sống. Ảnh nguyễn hàng tình

 

Giữa nền nông nghiệp hiện đại luôn "sống" bằng hoá chất, một thế giới thực phẩm luôn mang theo nỗi hoài nghi (và cả sợ hãi) với sức khoẻ con người thì hình như sự thuần chất tự nhiên ở lối

tạo tác nông sản kia cũng có lý lẽ riêng để tồn tại, được thừa nhận. Những bon người M'Nông Gar( khác người M'Nông Rlăm ở nhiều nơi khác trên dải đất Nam Tây Nguyên đã chuyển sang trồng cà phê, hoặc lúa nước_Pa Ló) lâu đời Dlay, Pay Bi, Mih, Yơl, K'Te ở hai đầu con đèo là chủ nhân của những đồi rẫy lúa đó. Họ "nói không" với cây cà phê hay không có bạc tiền để mua những đường ống dài dẫn nước tưới lên đồi cao ? Bao mùa tôi dừng lại hỏi, họ vẫn hồn hậu: " phải làm lúa rẫy (Pa mil)  cho đỡ nhớ...lúa !". Có người bảo: " cây cà phê cho nó sống(trồng) chỗ khác,  còn đồi núi còn lại quanh con đèo này " dành cho lúa thôi!". Họ rằng thích cảm giác chờ mưa xuống, thấy từng cây lúa trỗi dậy, lên xanh, dài ra, trổ bông, làm gạo, trĩu hạt, chín, rồi người kéo nhau ngược đồi dùng  tay tuốt lấy; rồi nữa: thấy con chuột núi chạy trong rẫy lúa, con heo rừng về... Vì vậy họ quí thứ gạo rẫy ấy vô cùng, thứ gạo của yêu thương, gạo biết buồn, biết vui, tự tay làm ra( trong khi không thích ăn thứ gạo chợ_gạo ruộng nước, chở từ  sông nước miền Tây Nam Bộ lên), mòn mỏi nhớ(vì thế mà phải cúng nó chăng!) nên để dành ăn, không đem bán bao giờ. Thứ gạo "rừng" ấy chắc, thơm, nấu cháo chua mới tạo ra đủ sự nồng nàn, còn  làm rượu(ché, cần) thì mới đúng bài, đủ hương "núi rừng", mới chất ngất "sơn hương". Mà nền văn minh lúa rẫy còn thì ché rượu truyền thống M'Nông Gar (ngữ hệ Môn-Khmer) còn, kéo cái cây neo(dựng lên khi hành lễ cúng lúa, cúng bến nước, thổi tai, bỏ mã...), cái chiêng, cái gùi còn, cái giỏ mây, giỏ tre, cây xà gạt, cái bẫy, cái ná, con dao thép, cái nồi đất sét, và nhất là bếp lửa nhà sàn(nơi để mọi người trong gia đình quây quần đem về) còn. Rừng hiện diện ngay trong nhà, thảo mộc an nhiên bàng bạc trên bếp, dưới sàn, ngoài sân, tạo xây hạnh phúc, duy trì tồn tại cho con người, làm thăng hoa con người... Vì vậy, cứ theo hai mùa mưa -  khô (chứ không gọi mùa "Nắng" bao giờ) ai ngang đây, tạt vào bon của họ dễ diện kiến ngay sự hiện hữu hiên ngang của mọi thứ lễ cúng miền sơn nguyên  sâu thẳm. Ấy cũng là những bon làng đầy nội lực, né được mọi thứ tôn giáo, nhưng cuộc sống vẫn cứ hồn hậu, đầy yêu thương, sống bền vững, tôn trọng cỏ cây(mọi thứ đều có thần trong ấy), niềm tin ăm ắp như những kho lúa để giữa trời mà không bao giờ sợ sự tham gian của người với người, nhà với nhà sống không cát cứ, chẳng cần rào giậu, tường cao, thành cấy đầy mảnh chai, dây kẽm gai để sát thương con người.

 

 

Sơn nữ Mnong ở đèo Dak Nue. Ảnh nguyễn hàng tình

 

*

 

Rồi những tháng sau đấy nữa, từ tháng 10 đổ đi đến tháng 4, tôi lại thấy những dải núi đồi hồn hậu hai bên đèo Dak Nue(thuộc địa phận hành chánh xã Dak Nue, huyện Lak, tỉnh Dak Lak) lại ngã dần sang màu vàng, nó vàng dần theo sự dịch chuyển của mùa, sang mùa khô, theo độ già của cây lúa rẫy, độ chín của loài  thảo mộc cho Protein ngọt ngào chất núi non ấy. Suốt sáu tháng của mùa khô, như thời điểm này đây, nó lại phơi ra cho nắng, thả cho cây dại ấp ủ, đợi đến chớm mưa thì kích hoạt sự sống.

 

Cứ thế, cái vòng đời của cây lúa rẫy dẫn con đèo đi từ sắc vóc này sang sắc vóc kia, từ tâm trạng này sang tâm trạng khác, con đèo đã không còn là một con đèo. Nhưng cho dù kẻ lữ hành tôi, hay hành khách trên những chiếc xe đò Đà Lạt - Buôn Ma Thuột qua lại hàng ngày có si mê cái “cuộc đời” kỳ lạ của con đèo, vẫn không đủ nhẫn nại để lắng nghe sương giá, gió núi mây rừng, nữ thần mặt trời(mẫu hệ) vọng về, thao thức, đón đợi hơi thở của đất đai như những người M’Nông Gar ngàn đời bền bỉ ở hai đầu con đèo./.

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 3097
Ngày đăng: 11.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đà Lạt, trải lòng với thiên nhiên ! - Phan Chính
Nhớ Chú Nguyễn Đình - Lâm Bích Thủy
Bờ Biển Mênh Mang - Nguyễn Hàng Tình
Bão Thép - Cổ Ngư
Lưng Trần - Trần Vũ
Sương gió qua đường: Con Suối Xà Lách Xoong - Nguyễn Hàng Tình
Bình Thủy 1969 - Trần Mộng Tú
Pari, một thoáng - Khải Nguyên
Những cánh rừng biến mất - Đặng Huỳnh Lộc
Ánh Thiện Duyên Tỏa Sáng - Phan Đức Nam
Cùng một tác giả