Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.278
123.159.768
 
Phong Cảnh Ca Dao Trong Lời Ru Con Của Thơ Xuân Quỳnh
Lê Khánh Mai

Sinh ra từ một vùng dâu, quê lụa, tuổi thơ ấp ủ tâm hồn thi nhân của Xuân Quỳnh đã sớm biết yêu làng xóm, gia đình, những con người bình dị, ân nghĩa. Kỷ niệm theo suốt cuộc đời chị là tiếng bà ru cháu, lời mẹ ru con. Đối với Xuân Quỳnh lời ru con là một ký ức xanh màu cỏ, tím hoa xoan và xào xạc lá. Hình ảnh mẹ và lời ru con da diết trong tiềm thức của nhà thơ: “ Cánh cò trắng xoá, Như lời ru của mẹ bay về, Những lời ru vời vợi canh khuya” (Gửi mẹ). Đó là cánh cò ca dao, cánh cò của nền văn minh lúa nước mang thân phận người phụ nữ, người mẹ, người vợ với những đức tính hy sinh thầm lặng, vô danh: “Con cò lặn lội bờ sông” (ca dao). Lời ru của mẹ đã hoá thân vào cánh cò dân gian để ngàn năm còn chấp chới, chao liệng giữa đời. Cái màu trắng xoá ngang trời lúc mưa giông, mây tạnh như một lời nhắc nhở về nỗi vất vả gian truân của mẹ.

 

Trở về với lời ru trong kỷ niệm tuổi thơ là một quy luật tình cảm, con người càng từng trải những khổ đau, vấp váp trong cuộc sống càng khao khát nhìn nhận lại những giá trị cũ mà một thời người ta đã vô tình lãng quên. Một trong những giá trị ấy là lời ru của mẹ. Là một phụ nữ “đi qua mùa bão gió” và “thác lũ”, Xuân Quỳnh cảm nhận sâu sắc, thấm thía lời ru xưa. Suốt chặng đường đời của mình nhà thơ cứ vương vấn “Thương câu hát cũ”, và mong muốn được bù trừ, xoa dịu nỗi đau quá khứ: “Mưa không còn lạnh nữa những lời ru” (Gửi mẹ).

 

Lời ru trong lời mẹ thấm đượm nỗi buồn dịu ngọt ca dao. Nỗi buồn như mạch ngầm âm thầm hát ca trong vô tận không gian, vĩnh cửu thời gian, mà chắc ai cũng hiểu rằng người ta có thể lớn lên từ những nỗi buồn.

 

Tắm mình trong dòng suối dân gian, nên dù viết về lời ru nay, lời ru của thời hiện đại, thơ Xuân Quỳnh vẫn không mất đi cái phong cảnh ca dao, đậm đà chất trữ tình. Mọi cảm quan nghệ thuật của Xuân Quỳnh về lời ru luôn có xu hướng tìm về dân giã. Thơ ru của chị có giọng điệu nhắn nhủ, ví von, gần với cách nói, cách cảm thông thường của người Việt từ xa xưa.

 

“Rào rào tiếng những bầy ong

Chuyên cần là tiếng cái tằm nhả tơ

Mẹ còn đang bận đưa ru

Cái hoa bận đỏ, cái hồ bận xanh

Hạt cây đang bận nảy mầm

Con quay quay có một mình ngoài kia”

(Lời ru trên mặt đất)

 

Cái ngủ được đặt trong môi trường dân gian, môi trường lao động. Thiên nhiên, tạo vật, con người đều ở trạng thái thức và bận rộn. Con ong làm mật, con tằm nhả tơ, bông hoa đỏ hết mình, mặt hồ xanh đến tận cùng, con quay quay không ngừng nghỉ và mẹ bền lòng đưa ru. Tất cả đều “làm việc” với một “ tốc độ” cao vì giấc ngủ trẻ thơ. Trong bối cảnh ấy, trẻ thơ trở thành một hình ảnh trung tâm, có ảnh hưởng đến thế giới xung quanh. Vả chăng mọi sự phấn đấu trên mặt đất này đều nhằm đạt đến sự bình yên cho trẻ thơ. Đó là một thái độ sống tích cực và nhân đạo truyền thống Việt Nam.

 

Gắn những quy luật tự nhiên với quy luật xã hội, lời ru Xuân Quỳnh là triết lý dân gian nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ thấm mà sâu sắc. Nó không trôi tuột đi, tan biến vào giấc mơ, trái lại nó kết đọng và thức tỉnh.

 

“Củ khoai lớn ở ngoài đồng

Ông trăng lên, lớn ở trong bầu trời

Cánh buồm lớn giữa biển khơi

Lá cờ lớn bởi gió vời lên cao”.

(Hát ru)

 

Đây là một bài học giản dị về ý thức cộng đồng. Không ai có thể tự mình lớn lên, nếu không có chiếc nôi rộng lớn là cuộc đời.

Lời ru của Xuân Quỳnh còn thức tỉnh về giá trị và tình yêu, con người:

 

“Trăng là con mắt của đêm

Nhìn trên đồng ruộng nhìn trên phố phường,

..………

Con là mắt của mẹ cha

Biết yêu thương giữa bao la đất trời”

(Mắt của đêm)

 

Tục ngữ có câu “Giàu hai con mắt”. Cái cửa sổ tâm hồn ấy là nơi bắt đầu của sự tự hoàn thiện ở mỗi con người. Quá trình đó không thể thiếu vắng vai trò của con cái, như bầu trời đêm không thể thiếu ánh trăng. Con cái là hiện hữu của tình yêu. Thiếu vắng tình yêu lòng người chỉ là xứ sở của đêm tối.

 

Trong những năm tháng không yên của đất nước, thơ Xuân Quỳnh đã đầy ắp lời ru. “Căn hầm chật lời ru”. Miền gió cát ngổn ngang bom đạn cũng dạt dào tiếng đưa ru. Và đây là  “Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc”:

 

“Ngủ đi nào hãy nằm mơ

Thấy con cá lội cánh cò trắng bay

Quả cây chín ở cành cây

Mùa xuân suối mát đang đầy mênh mông”.

 

Vẫn là phong cảnh ca dao êm ả, yên lành, như không hề có chiến tranh , giặc giã, đó cũng là cách ứng xử dân gian: bảo vệ giấc ngủ trẻ thơ trong bất kỳ hoàn cảnh nào:

 

“Nắng thì lưng mẹ làm cây

Đạn bom mẹ đã vòng tay làm hầm”

(Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc).

 

Lời ru thức tỉnh lương tri, đặt ra vấn đề số phận trẻ em trong chiến tranh, khích lệ tinh thần chiến đấu vì hoà bình nhân loại.

 

Triết lý lời ru của Xuân Quỳnh đậm tính nhân văn. Bởi nó là triết lý của trái tim kết hợp với kinh nghiệm đời sống và sự thông tuệ sắc sảo dân gian. Lời ru – nơi tình yêu bền chặt, vô tận, điểm tựa của truyền thống muôn đời, những hạt phù sa cần mẫn bồi nên bờ bãi.

 

“Dẫu con đi đến suốt đời

vẫn không đi hết những lời mẹ ru”

(Lời ru).

 

Phong cảnh ca dao của lời thơ Xuân Quỳnh còn được thể hiện tinh tế ở nghệ thuật sử dụng thể thơ dân gian. Thơ lục bát vốn có cấu trúc ưu việt và hoàn hảo: câu 6, câu 8, luật bằng trắc, mạch thơ đi đều đặn, nhịp nhàng, tạo nên điệu ru, chất ngâm ngọt ngào, du dương, vỗ về, êm ái, làm dịu đau, dịu khổ, quên nguôi, dễ đạt đến mục đích thuyết phục. Nhưng với một ngòi bút non yếu, thơ lục bát sẽ không tránh khỏi lạc lõng bởi sự  dàn trải, trùng lặp.

 

Nếu tính số lượng, thơ lục bát của Xuân Quỳnh ít hơn thơ 7,8 chữ. Nhưng những bài thơ lục bát của chị rất đẹp: hài hoà, cân đối và chuẩn mực. Đó là một bản lĩnh nghệ thuật.

 

Lại Nguyên Ân cho rằng: “Xuân Quỳnh với tư cách một con người và một nhà thơ, vẫn gắn bó, vẫn hướng nhiều hơn về phía những chuẩn mực, những nền nếp đã hình thành từ xưa của đời sống và của nghệ thuật” (1).

Xuân Quỳnh tôn trọng tuyệt đối cấu trúc câu thơ lục bát truyền  thống. Chị không tháo dỡ câu thơ, rồi sắp xếp lại theo ý riêng như một số tác giả gần đây thường làm.

 

Thơ lục bát của Xuân Quỳnh duyên dáng, nhã nhặn, sáng rõ và man mác một “ màu Việt cổ”.

 

“Người về cởi áo lại đây

Để thương để nhớ biết ngày nào quên

Núi Thiên Thai, mảnh trăng liềm

Sông Cầu nước chảy những đêm đợi chờ”

(Nguồn gốc từ ngữ)

 

Đây phải chăng là một chỉ dẫn về Con người – thơ Xuân Quỳnh. Con người đi ra từ cội nguồn dân tộc với vẻ đẹp đồng nội, dân giã, rất gần gũi với Hồ Xuân Hương, Tú Xương…

 

Có thể xem ý kiến của Lại Nguyên Ân sau đây là cánh cửa mở về phía con đường đi vào thế giới thơ trữ tình Xuân Quỳnh: “Tôi vẫn ngờ rằng con người Xuân Quỳnh thuộc về văn hoá dân gian và cổ truyền nhiều hơn là thuộc về văn hoá hiện đại”

 

Đó là lý do thơ Xuân Quỳnh vương vấn với lời ru. Và những lời ru ấy đậm đà một phong cảnh ca dao còn mãi với đời./.

Lê Khánh Mai
Số lần đọc: 4899
Ngày đăng: 13.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Ruồi Gieo Máu Lửa, Bỡn Cợt Trong Bút Pháp Kiệt Tấn - Huỳnh Nhựt Hải
Hè về đọc thơ Kiệt Tấn - Phan Thị Trọng Tuyến
Nhà Văn Nào Đại Hội Ấy - Phạm Đình Trọng
"Nghĩ Lại Về Pauxtốpky" - Một bài thơ đặc sắc - Phạm Ngọc Thái
Nguyễn Nho Nhượn - Tiêu Biểu Qua Bài Thơ “ KHI TRỞ VỀ VĨNH ĐIỆN” - Mang Viên Long
Kiệt Tấn - Từ Nụ cười tre trúc đến Thương nàng bấy nhiêu - Thụy Khuê
Giang hồ tê chân…Thơ Trần Hoàng Vy - Mang Viên Long
Đọc Bông & Giấy (Phần 1: Những Cây Bút Nữ) - Khổng Ðức
Thầy Giáo Bê-Li-Cốp Đáng Thương ! - Phan Thành Khương
Nhà văn xứ tuyết đi khắp thế giới cùng những chú Mumi - Lê Lam
Cùng một tác giả
Nết (truyện ngắn)
Hỏi (thơ)
Những con thiêu thân (truyện ngắn)
Giọng Bắc (tạp văn)
Thay đổi (tạp văn)