Chùm truyện cực ngắn liên hoàn
Thành Hoàng
Đó là tấm hình của một người đàn ông có râu được đặt trên bàn thờ của ngôi đình.
Tôi đã nhìn ngắm tấm hình rất nhiều lần và thật kỹ. Ít ra về tướng mạo học, có thể nói đó là một người đàn ông uy nghi nhưng phúc hậu như người ta đã cố tình tạo ra một chân dung như thế. Và tôi không thể không tự đặt cho mình một câu hỏi: Điều gì đã khiến ông ta được tôn thờ và tại sao việc tôn thờ ông ta lại quan trọng và cần thiết đến thế?
Cho đến bây giờ, tấm hình đã bạc đi ít nhiều. Nhưng chẳng hề chi, ông ta vẫn ở trên bàn thờ và đóng vai thần thánh của mình. Tôi tin chắc rằng, bản thân ông ta không phải thần thánh nhưng sự cả tin vào ông ta đã biến ông ta thành thần thánh. Và chính những người tạo nên sự cả tin ấy mới thực sự đáng được biết đến, bởi vì đó chính là tấn tuồng nhân loại và nó tạo nên lịch sử cho một cộng đồng.
Nhưng tại sao ông ta phải chết trước khi cái chết thật sự đến? Điều này thì chính tôi đã tìm thấy câu trả lời, chỉ có cái chết mới tạo ra huyền thoại và cái chết mang lại một tự sự chung cho tất cả những ai thương tiếc người chết đó. Và cái chết biến thành một chiêu bài cho những ai biết sử dụng nó.
Thế là hiện thể, hiện tồn hay hiện thực của một sinh linh bị bắt buộc giản lược vào một tấm hình. Chung quanh tấm hình ấy người ta tạo ra hào quang và sự tôn thờ trở nên có ý nghĩa.
Những Người Con
Ông có ba người con trai.
Khi ông có những biểu hiện thiếu quyết liệt trong những vấn đề của cuộc sống như một người già, những người con của ông ta đã nghĩ đến gia tài mà cha họ để lại. Họ hỏi nhau: “Chúng ta sẽ thừa kế gia tài này như thế nào, một khi cha chết đi”?
Cậu Út Tư nói: “Thì cứ chia đều là công bằng, phải đạo và văn minh nhất”.
Anh Hai cười: “Chú mày ngây thơ quá. Anh không có ý định giành phần hơn dù là huynh trưởng phải có bổn phận hương khói, giỗ chạp. Vấn đề là chúng ta cần sử dụng gia tài ấy sao cho có lợi nhất”.
Anh Ba nói: “Anh Hai nghĩ đúng. Chúng ta cần phải làm cho danh cha chúng ta tồn tại đến muôn đời. Đó mới là cách hoàn hảo nhất thừa kế gia tài của cha”.
Anh Hai nhìn anh Ba trìu mến: “Chú Ba có thể làm chuyện đại sự được”.
Anh Ba nói: “Anh Hai cứ tin em. Điều gì anh Hai quyết, em sẽ thi hành”.
Vốn quen tùng phục các anh, cậu Út Tư nói: “Em tin là hai anh đủ sức làm cho gia tộc chúng ta vẻ vang mãi mãi”.
Anh Hai nói: “Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải thông suốt vấn đề và nhất trí với nhau cũng như quyết liệt trong việc thực hiện, chỉ như thế chúng ta mới hoàn thành được tâm nguyện của cha, cũng chính là mong ước của chúng ta: Chúng ta và con cháu chúng ta vinh quang đến muôn đời sau”.
Cậu Út Tư sốt ruột hỏi: “Nhưng cái vấn đề ấy là gì”?
Anh Hai chậm rãi nói: “Là không cho phép bất cứ ai cản trở con đường chúng ta đi”.
Cậu Út Tư hỏi: “Kể cả cha nữa à”?
Anh Hai nói: “Phải. Cha đang có dấu hiệu chùn bước và muốn thỏa hiệp”.
Anh Ba xen vào: “Chúng ta không thể làm hoen ố hình ảnh của cha”.
Anh Hai nói: “Chính vì thế cha chỉ có thể là một tấm hình và chúng ta phải giữ cho tấm hình ấy mãi mãi trong sáng”.
Cậu Út Tư kinh hãi: “Các anh muốn giết cha”?
Anh Hai nói: “Đó là một cách hiểu”.
Quay sang anh Ba, anh Hai hỏi: “Chú làm việc này được không”?
Ngần ngừ một lúc, anh Ba nói: “Để em thu xếp”.
Mộ Chí
Trước hết, họ chọn một mảnh đất đẹp theo đúng phong thủy. Xây sẵn một ngôi mộ to, họ dẫn cha của họ đến và nói: “Đây là nơi cha sẽ an nghỉ”. Người cha nói: “Trồng cho ta một cái cây. Ta muốn có bóng mát cho các con và những ai đến với ta”. Một người con nói: “Chúng con sẽ làm việc này”. Một người con khác hỏi: “Cha còn muốn gì nữa không”? Người cha nói: “Đây là điều ta biết các con sẽ không vâng lời, nhưng ta vẫn nói, các con đừng sửa đổi di ngôn của ta”. Người con thứ ba nói: “Chúng con yêu cha và sẽ không bao giờ làm điều đó”.
Ngày hôm sau, người cha phát bệnh.
Để tỏ lòng hiếu thảo, tất cả các bác sĩ giỏi nhất đều được mời đến, kể cả những bác sĩ ngoại quốc. Nhưng bệnh tình của người cha ngày càng nặng. Ông chết sau khi bày tỏ nguyện vọng cuối cùng được nghe một khúc dân ca quê hương người vợ quá cố.
Một trong những ông bác sĩ chăm sóc cho ông đến gặp anh Ba nói: “Thưa ông, tôi đã tiêm cho ông cụ một liều thuốc “trợ tim” và ông đã đi thanh thản”. Anh Ba nói: “Tốt. Chúng tôi ghi nhớ công anh”.
Chưa về kịp đến nhà, ông bác sĩ này đã bị một chiếc xe tải cán nát.
Trên tấm bia bằng đá cẩm thạch trước ngôi mộ người cha được khắc dòng chữ sau: “Không có gì. Không có gì. Không có gì”. Không biết bằng cách nào mà tất cả các bậc thức giả trong nước đều có những lời ca tụng giống nhau: “Đó là một người giác ngộ chân lý và tư tưởng của người vượt qua mọi thời đại”. Từ đấy ông ta được tôn thờ như một vị thánh. Nhưng cũng có những kẻ rỗi hơi đồn thổi, di ngôn của ông ta đã bị sửa đổi cho phù hợp với triết lý thiền, vốn đang là trào lưu tư tưởng của một xã hội cần sự im lặng./.
10.8.2010