Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.148.435
 
Học trò trường huyện
Đức Tiên

Tâm thành gửi tặng cựu học sinh Trung học Gio Linh

 

Học hết năm lớp nhất bậc tiểu học, tôi thi đổ vào trường Trung hoạ Gio Linh. Năm ấy toàn huyện tôi (thực ra hai quận Gio Linh và Trung Lương) chỉ có một ngôi trường Trung học.

 

Nhiều học sinh ở các xã như Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn, Gio Hà, Gio Hải, Gio Mỹ đều cách xa trường hơn mười cây số. Vì thế, nhiều học sinh đi học phải đi bằng xe đạp. Thời bấy giờ có xe đạp là sang trọng lắm. Học sinh nhà nghèo phải cuốc bộ tới trường, phải đi từ gà gáy sáng mới kịp buổi học. Đi học, ngoài chiếc cặp da đựng sách vở, còn phải đèo thêm một mo cơm. Cơm đựng trong chiếc mo cau độn khoai, sắn. Thức ăn là gói muối gừng hoặc muối sã ớt. Tan học, nhiều học sinh tìm ra vệ cỏ có bóng râm, ngồi xếp bằng an nhiên ngồi ăn ngon lành. Còn cậu nào con nhà có khá hơn thì ra quán chợ ăn quà thay bữa. Quà là bánh bột lọc, bánh tày, bánh rán, cháo vịt, cháo lòng,... thích thứ gì thì dùng thứ đó. Dấu ấn sâu đằm nhất vẫn là bánh bột lọc bọc nhân tôm mà quê tôi thường gọi là bánh sắn. Bánh sắn bà Thẻo nổi tiếng. Bánh được làm bằng tinh bột sắn bên trong nhân tôm thịt heo rim, tinh bột trong suốt nhìn rõ mình con tôm khoanh tròn đỏ thắm. Bánh được bày ra đĩa rưới lên một lớp mỡ lợn phi với lá ném, trộn ớt bột đỏ hồng. Bánh bột lọc kẹp với bánh tráng nướng dòn ăn rôm rốp, thật khoái miệng. Hôm mới rồi tôi gặp lại anh Đổng, anh Lể... những cựu học sinh Gio Linh từ thành phố Hồ Chí Minh về thăm quê đã hỏi tôi, Bà Thẻo nay còn không? Tôi hỏi lại: "Bà Thẻo nào?" Các anh liền đáp: Bà Thẻo bánh sắn chị Cậu chứ Bà Thẻo nào. Hoá ra các anh ấy còn nhớ kỷ niệm hơn tôi.

 

Tôi ngộ ra rằng, trời ơi! Món ăn dân dã quê nghèo của tôi lại có dư vị lâu bền đến thế ư! Mà có phải chỉ bánh bột lọc đâu. Tôi có cảm giác món ăn gì của tuổi thơ quê quê kiểng đều ngon hết thảy. Không biết vì sao bây giờ biết bao nhiêu sơn hào hải vị với những tên gọi mỹ miều lạ lẫm nhưng ăn chẳng thấy ngon, tôi không giải thích được.

 

Trường tôi, một dãy nhà trệt chỉ có bốn phòng học. Trường lợp ngói hồng, tường quét vôi màu vàng, cửa sổ sơn xanh, trông uy nghiêm đường bệ. Lớp học sinh chúng tôi cảm thấy tự hào khi được đặt chân lên bậc thềm tráng bằng xi măng láng bóng. Tiếng gót dày "côm cốp" của Thầy giáo mỗi lần đi qua sao nghe oai vệ lẩy lừng trong niềm cảm khoái bất tận. Sân trường rộng thóang nhưng thiếu vắng những hàng cây. Cỏ ống, cỏ lia thia mọc thành thảm dày, trổ hoa lấm tấm mang hồn vía học trò ngây thơ mà hoang hút. Đáng ghét là những bãi cỏ may xác xơ dưới gót chân dẫm. Tội cho các nữ sinh mỗi khi quét tà áo vào, bông cỏ găm chi chít, phải ngồi nhổ hàng giờ mới sạch. Phía lưng trường là những hàng phi lao cao vút vi vu rì rào hun hút gió. Đây là nơi chơi đùa của học sinh chúng tôi vào giờ nghỉ học.

 

Đường tới trường, dẫu đi từ phía nào đến cũng đều có dấu ấn vui buồn đời thơ trẻ, dẫu chỉ là một bóng cây, một tảng đá, một lạch nước hay một bờ cỏ nghỉ chân.

 

Từ phía làng Hà Thượng đi xuống, băng qua cầu Bến Sanh đến chợ Quận. Con đường đất đỏ Biên Hoà mùa khô thì tung bụi mịt mù nhuộm đỏ hàng dứa dại mọc bên bờ, mùa mưa lại nhảo nhoét vì những bánh lốp ô tô đè lăn qua, lổ chổ những hố gà, hố vịt. Học sinh chúng tôi đi học phần lớn mang dép Nhật chỉ có hai quai trước nên ống quần lúc nào cũng bị bùn đất bắn lên, đỏ loét. Khu phố nhỏ bao bọc bốn xung quanh quán chợ. Những cửa hiệu của mấy gia đình thương nhân giàu có nhất vùng, bán nhiều hàng hoá đối với chúng tôi là những thứ sang trọng, mình không dám hỏi tới. Quán chợ có đình lợp bằng mái tôn, để trống, không có tường và cao vòi vọi. Những dãy quán làm bằng tre nứa, lợp mái tranh, bán hàng tạp hoá, hàng gia vị, áo quần may sẵn và đồ chơi trẻ con. Tôi mê nhất là hiệu bán đàn và những quả bóng tròn bằng nhựa, mà mỗi lần đi qua chỉ biết đứng nhìn. Hàng bày trời là chợ bán nông sản. Những gánh chuối, chè xanh, bầu bí bày la liệt.

 

Nếu đi từ phía làng Nhỉ Thường lên là qua cầu Bến Ngự. Nghe nói nơi đây ngày xưa các vua triều Nguyễn thường ra ngự lãm. Cạnh cầu là làng Lại An, làng có nhiều cô gái răng trắng má hồng nổi tiếng xinh đẹp. Chiếc cầu nhỏ trùm bóng những hàng dừa. Đứng nghỉ chân vào mùa hè, chúng ta có cảm giác mát lành gợi nổi nhớ xa vời hun hút hương vị tuổi thơ. Dọc hai bên đường là những hàng dương liểu, học sinh thường chọn nơi cắm trại những ngày hè. Đất ở đây là cát pha nên rất thích hợp với loài cây dương liểu. Dương liểu mọc thẳng tắp vươn ngọn tới tận mây xanh, ở những gốc cây này là những điểm hẹn lý tưởng của tình nhân. Chiếc nón trắng, tà áo dài đứng tựa lưng vào gốc liểu là hình ảnh đẹp nhất tuổi học trò.

 

Đi từ làng Mai Xá hoặc An Mỹ lên phải băng qua trảng cát rộng dài mông lung với những lạch nước trong như lọc, lăn tăn gợn sóng. Cây Tràm ở đây mọc thành từng khoảnh, là cây chất đốt cho vùng cát và là nguyên liệu cho thứ tinh dầu dùng bôi rốn cho trẻ con khỏi bị cảm gió. Những trảng cát bằng phẳng rộng mông mênh, là sân bóng đá của học sinh chúng tôi. Miền đất này có chổ tựa như cảnh cụ Nguyễn Du tả trong trường đoạn Kiều đi hội đạp thanh bởi nhiều mồ mả và gò đống.

 

Học sinh của Trường hàng ngày phải mặc áo trắng quần xanh nếu là con trai nếu là con gái mặc áo dài trắng tinh tươm, quý phái. Ngực áo đều được đeo biển hiệu thêu tên họ và lớp học. Kiến thức nhà trường truyền thụ đối với chúng tôi môn nào cũng mới mẽ, thú vị và đầy hào hứng. Để cho dể nhớ bài học, nhất là các môn tự nhiên, học sinh chúng tôi đều soạn các công thức bằng văn xuôi. Tôi còn nhớ môn toán lượng giác có câu:

"Tìm SIN lấy đối chia huyền

Cốt (COSIN) thì hai cạnh kề huyền chia nhau

Còn TANG ta hãy tính sau

Đối trên kề dưới chia nhau ra liền"

đại loại là như thế!

 

Chúng tôi thường thích thú môn văn học và sử học. Vì là dân nhà quê, nói tiếng quê, bây giờ được tiếp xúc với ngôn ngữ bác học nghe sang trọng và phấn khích. Chúng tôi thường tranh luận vè kiều với chữ hiếu, chữ trinh, tranh luận về tư tưởng đả phá chế độ phong kiến trong các tác phẩm của "Tự lực văn đoàn" như Nữa chừng xuân, Tiêu sơn tráng sĩ...

 

Không hiểu vì sao hồi ấy học sinh thuộc rất nhiều thơ văn. Nhiều bài thơ học từ bấy giờ đến nay tôi vẫn còn nhớ như in, đọc lại không sai một từ nào. Ví dụ như bài "Hổ nhớ rừng" của Thế Lữ, "Lời con đường quê" của Tế Hanh. Tôi nghĩ rằng đây là một điểm mà các nhà giáo dục bây giờ phải nghiên cứu nghiêm cẩn. Tôi có con gái tốt nghiệp văn khoa mà là khoa ngữ văn, ấy vậy mà nó không hề thuộc được một bài thơ nào, nghĩ mà buồn.

 

Thú đọc sách là mốt thời thượng của lớp học sinh chúng tôi, nhất là sách văn học. Sách cứ chuyền nhau đọc đến mòn gáy, nhiều trang bong ra phải dùng giấy bóng dán lại. Khát khao kiến thức nên lứa chúng tôi thèm đọc sách như cơm bửa. Ngẫm lại thấy nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết thú ham đọc sách của người Quảng Trị trong bút ký "Tư mã đồng xanh" đăng trong báo "Doanh nghiệp" số Xuân Đinh Hợi quả là không hề hư cấu chút nào. Bây giờ, dở lại những cuốn sách giáo khoa của các con tôi xếp trên giá, cuốn nào cũng mới tinh, có cuốn một số trang dính lại với nhau chưa rọc, tôi ngán ngẫm. Tự hỏi, chúng nó đọc sách kiểu đó thử hỏi kiến thức làm sao mà không nghèo nàn cho phải. Tôi liên hệ lan man một chút về những cuốn sách là vì tôi thấy tiếc cho thời học sinh của chúng tôi mà không nói ra là không đành Trời ơi! Những cuốn sách giáo khoa hồi lứa tôi học, mỗi lần mua sách mới, mở ra, chúng tôi úp mặt vào lòng những trang sách mà hít mà hôn để uống hết mùi giấy mới cho thoã thích. Thầy, cô giáo dạy chúng tôi là những người ở xa đến lưu trú tại trường. Thầy nào cũng đẹp, cô nào cũng đẹp và oai vệ làm sao. Thầy thường mặc áo quần phẳng lì, cổ đeo cà vạt hoặc nơ đen, cô giáo thường mặc áo dài màu thanh thiên. Đó là những hình mẫu đầy ấn tượng đối với tuổi trẻ, chúng tôi vô cùng ngưỡng kính và khâm phục.

 

Những ngày nghĩ hè, đây là khoảng thời gian ý vị và đầy dấu ấn của tuổi học trò. Chúng tôi thường rủ nhau về thăm quê bạn, chơi dông dài không biết chán. Làng Mai Xá, Cát Sơn, An Mỹ, Hà Thượng, Lể Môn... là những ngôi làng đầy ắp kỷ niệm của những ngày đi học. Mai Xá có dòng kênh xanh biếc với những con thuyền căng buồm lộng gió, bát ngát hương đồng làm mê đắm tuổi thơ tôi. Cứ chiều đến tiếng gõ đều đều dội vào lòng tôi xao xuyến. Rồi tiếng chuông nhà thơ vang ngân vọng dài trên mặt sông êm đềm, thơ mộng. Chúng tôi no nê với những nồi bắp luộc, những trảnh đậu phụng rang thơm tho bùi đậm, ấp ám đến nao lòng. Về An Mỹ, nơi có những suối nước chảy từ đồi cát mịn màng, lạnh buốt những trưa nồng cho tôi tắm mát thoả thê để làn da thêm trắng hồng tuổi trẻ. Chúng tôi được ăn thêm những bữa cơm với gạo de vàng, giống lúa bây giờ chắc không còn nữa vì năng suất rất thấp. Có lẽ nó đã tuyệt chủng vào những tháng năm làm theo khẩu hiệu "năng suất, chất lượng, hiệu quả". Gạo de vàng khi thổi cơm thì làng trên xóm dưới ai cung ngây ngất với mùi thơm đầy cám dổ của nó. Cơm gạo de vàng ăn với những con cá rô nướng vàng cho mỡ dẩm ớt rồi xăm với nước mắm nhỉ, dã dập gừng cho vào thì không biết no. Đơm đầy chén cơm, chỉ cần chiết lên một thìa nước xăm cá thôi, bạn có thể ăn đến năm sáu chén là thường. Còn cơm nếp, có loại nếp thơm, hạt căng mẩy vừa béo, vừa dẻo, nhất là miếng cơm nếp cháy, bóc ra từ đáy nồi, ăn nhai rau ráu. Loại nếp này ở làng mỗi khi vào hội, các cụ thường đóng vào khuôn tròn như mặt trăng, gọi là xôi oẳn, bây giờ hình như cũng không thấy xuất hiện.

 

Về Hà Thượng, một làng quê trù phú nhất vùng nổi tiếng về những vườn cây ăn trái. Hà Thượng có câu ca đầy vẻ tự hào:

 

"Không lấy con gái Hà Thượng là quê

Mít trên, thơm dưới, chợ kề một bên".

 

quả đúng như vậy. Trái cây có nhiều loại lắm, nào mít, dứa (thơm), ổi, quýt, bưởi, bòng vườn nào cũng trỉu quả. Hể mỗi lần đón bạn về chơi, chúng tôi lập tức xục ra vườn, thoăn thoắt nhảy lên cây, tựa mình lên cành, cứ thế mà chén thoã thích. Mít làng Hà Thượng ăn không xuể nên để chín rục trên cây để cho lủ quạ và dơi bay về xơi. Trái rụng xuống, rục ra bà con chỉ nhặt hạt phơi khô độn cơm ăn bùi bùi ngon hơn cả khoai môn. Còn dứa thì nổi tiếng là xóm mộ. Trái dứa thái ra vàng óng, mật chảy nhể nhại, chưa kịp ăn là nước dãi tứa đầy chân răng.

 

Những ngày hè, nắng đổ lữa, chúng tôi thường kéo nhau đi bơi ở những đầm sen. Những bông sen tàn để lại đài sen bẻ ra lấy hạt nhai sống, có vị bùi và ngòn ngọt.

 

Một thú vui hoang dã của học trò để lại ấn tượng...... , đó là đi bẩy chim. Bẩy bằng cành tre có độ cong và nẩy mạnh, buộc lên đó một sợi dây lấy từ vỏ bao xi măng cột vào một vòng khung bằng cúc áo làm vòng. Nơi đặt bẩy là một hố nhỏ bằng nắm tay, kéo cần cong xuống mắc vào bẩy làm thành một vòng tròn. Mồi nhử chim là những con dế mèn hoặc châu chấu. Khi chim mổ vào miếng mồi là cần bẩy bật tung lên, dây xiết vào cổ, thế là mắc bẩy. Bẩy thường đặt ở những lùm cây rậm rạp. Cứ sáng sớm đặt bẩy là trưa đến thăm. Nhiều lần lũ chúng tôi bẩy được chim cút, chim bìm bịp, nhổ lông, mổ bụng xát vào đó hạt tiêu tươi và muối dã dập, nướng lên lữa than, mỡ chảy ra lèo xèo vàng ươm bốc mùi thơm tưa nước bọt mới chia nhau thưởng thức.

 

Có những chiều nghĩ học, chúng tôi rũ nhau đi câu cá ở cầu Bến Sanh. Đi câu cá là phải xem tiết trời, nếu là heo may thổi thì đi chỉ toi công vì cá không ăn mồi. Chỉ những buổi ấm trời gió thổi nhẹ, lúc đó buông câu là cá cắn mồi ngay. Con kênh Bến Sanh chảy qua cầu nước sâu lút đầu người. Dân chài lưới chỉ đánh được cá trên bề mặt, còn tầng sâu cá nhiều vô kể. Trong nhiều loài câu được, cá phát lát là loài câu thú nhất vì khi ăn mồi là kéo phao chìm sâu xuống làn nước. Giật câu lên, chiếc cần câu cong vút. trỉu nặng, rùng rùng trên tay. Cá phát lát mình trắng óng ánh bay tung lên trời rồi sà xuống. Nhiều bữa, chúng tôi câu được đầy vịt cá (vịt là giỏ đựng cá đang bằng tre mình giống con vịt). Cá phát lát làm sạch, ướp gia vị, bẻ những quả ớt xanh cho vào trảnh kho lên, ăn với cơm thì tuyệt chiêu.

 

Sau những ngày hè, chơi lông bông nơi này nơi nọ chúng tôi lại tự trường, tiếp tục học lớp mới. Mỗi học sinh trung học phải chuẩn bị tới hai chục cuốn vở kẻ ly. Thích nhất vở hiệu Xích lô, vở dày tràn trang, giữa trắng viết không thấm mực. Bút viết thì nhiều thứ, nhưng ưa chuộng nhất là cây pilot của nhật. Anh nào có cây pilot là sang trọng lắm đấy.

 

Về trò nghịc ngợm thì không kể xiết, nhất là số học sinh đầu cấp. Có nhiều kiểu chơi kỳ quặc. Nhai kẹo cao su rồi nhả bả lên đầu tóc của bạn. Anh chị nào mà dính phải, chỉ có dùng cách duy nhất là dùng kéo cắt bỏ cả túm tóc mới gở bỏ đi được. Hoặc dùng phấn viết bảng viết chữ ngược lên mặt ghế để cho bạn vô tình ngồi lên là thành chữ dính vào quần áo. Thế là có dịp cả lủ bạn cười sằng sặc, khoái trá, còn bạn bị trêu thì ngượng đến tím người. Nghịch ngợm là thế nhưng bạn bè yêu thương nhau rất mực. Mỗi kỳ nghỉ hè xa nhau thường trao cho nhau những cuốn xổ tay để viết những dòng lưu niệm. Dù chỉ là những dòng chữ chân chất, giản dị, có lúc hơi văn vẽ sáo sếu nhưng đọng lại lâu bền trong tâm hồn tuổi trẻ dư vị ngọt ngào của những ngày đèn sách dưới mái trường yêu dấu.

 

Lứa tuổi chúng tôi lớn lên cũng là lúc đất nước bị xâm lăng, chiến tranh lan dần, từ rừng núi, đồng bằng tới thành thị. Phong trào phản chiến đã nảy nở trong trường với nhiều hình thức. Lúc đầu là bãi khoá rồi tới công khai đã kích ngoại bang. Một số học sinh sợ bắt đi tù. Địch ra tay khủng bố nhưng phong trào không bị dập tắt. Ngày ngày đi học, chúng tôi nhìn thấy lúc đầu là cố vấn Mỹ, sau đó là lính Mỹ từng đoàn kéo đi, súng ống lăm lăm. Những binh lính Sài Gòn ngông nghênh trên đường phố. Trong con mắt học sinh chúng tôi có nhiều cách nhìn khác nhau. Trường nằm kề chi khu quân sự Gio Linh, bao bọc chung quanh là lô cốt và hàng rào kẽm gai bùng nhùng. Vì sợ bị quân giải phóng tấn công nên bọn chúng cài nhiều mìn sát thương và mìn chiếu sáng. Học sinh chúng tôi thường ném đá vào để cho mìn sáng phun vọt lên. Bọn địch lại phải cài lại mìn, rồi lại bị học sinh ném đá. Cáu lắm nhưng bọn chúng chẳng làm gì được vì không bắt quả tang.

 

Không khí bình lặng của mái trường dần dần biến mất, thay vào đó là không khí chiến tranh. Nhiều học sinh đem chuyện bộ đội giải phóng kể cho nhau nghe rằng các chú bộ đội hiền lắm. Bộ đội giải phóng hầu hết có trình độ văn hoá cao. Từ đó, nhiều anh em chúng tôi rũ nhau ra vùng tranh chấp để tìm gặp quân giải phóng xem hư thực thế nào. Quả là nhiều bạn học đã nói đúng. Tôi đã gặp không ít các anh bộ đội, áo quần gọn gẽ, giản dị, các chú đầu đội mũ cối hoặc mũ tai bèo, vai mang súng ống oai vệ, cổ thường quàng tấm vải dù để ngụy trang. Rồi những trận đánh liên tiếp diễn ra ở những vùng quanh trường. Xác lính Mỹ, lính Việt nam cọng hòa ùn ùn chở về quận lỵ trên những chiếc xe Cam nhông mui trần.

 

Những buổi chiều tan học, nhìn những cột khói bốc cao từ những làng mạc xa tắp và nghe tiếng bom gầm, tiếng súng nổ, chúng tôi nghĩ về những điều dữ dội sắp xảy ra.

 

Từ đây các quán chợ bắt đầu tràn ngập hàng hoá của Mỹ, chủ yếu là hàng nhu yếu. Các khẩu phần ăn của Mỹ cùng với nhiều thứ hàng tiêu dùng như thuốc lá, xà phòng... bày bán la liệt.

 

Nhiều luồng tư tưởng tràn vào lớp học. Số học sinh có thân nhân là chính quyền Việt nam cọng hòa thì tỏ vẻ câng câng, tự mãn. Số đông học sinh có người thân tập kết ra miền Bắc hoặc gia đình có cảm tình cách mạng thì thường im lặng, sống trong tâm trạng, cảm giác đề phòng. Nhìn những sĩ quan Cộng hoà ăn mặc đồ lính, trên ve áo cài những bông mai, có người xem như thần tượng. Nhiều anh em chúng tôi lại muốn xa lánh, thậm chí căm ghét nhưng không ai nói ra. Hồi đó nếu học sinh học đỗ tú tài mà đăng lính là ra trường với quân hàm thiếu uý. Nếu thi trượt thì chỉ vào hạ sĩ quan với quân hàm trung sĩ.

 

Nhiều buổi học, thầy giáo sau khi giảng bài thường im lặng, không ai đoán được thầy đang nghĩ gì nhưng điều chắc chắn là thầy không đứng ngoài thời cuộc. Được biết sau này nhiều thầy cũng không thoát được thế cuộc nên đành vào lính, lại gặp nhiều học sinh của mình củng vào lính. Củng có nhiều thầy nhảy núi tham gia cách mạng và củng gặp nhiều học sinh của mình trở thành quân giải phóng.

 

Vào cuối những năm sáu mươi, chiến tranh lan khắp vùng giới tuyến. Một số học sinh trung học đệ nhất cấp không theo học tiếp ở trường Nguyễn Hoàng thị xã Quảng Trị đành bỏ học. Số bị bặt quân dịch hoặc tự nguyện đăng lính. Số thoát ly gia đình tham gia du kích hoặc bộ đội. Ngôi trường Gio Linh từ đây đóng cửa, trường trở thành trại lính cho quân Việt nam cọng hòa chiếm đóng.

 

Lớp học trò trường huyện chúng tôi, mỗi người mỗi nẻo đường chọn lựa. Số cuốn theo cơn lốc chiến tranh làm kiếp lính tay sai, số nuôi chí anh hùng can trường với bảo lửa cách mạng, cá biệt có người an phận mượn áo cà sa để trốn khỏi bụi trần... Đúng là đường đời muôn ngã nhưng tất cả cũng là thời thế tạo nên.

 

Cho đến tận bây giờ, đất nước thống nhất quê hương đã liền da đỏ thịt. Ngôi trường còn lại chỉ là một nền cũ hoang vu, trơ trống, cỏ dại chôn lấp thời gian nhưng ký ức về ngôi trường với một lớp học trò trường huyện năm ấy vẫn mãi mãi tươi nguyên, sâu đắm và đầy luyến nhớ trong mỗi trái tim sương gió dạn dày./.

 

Đức Tiên
Số lần đọc: 1637
Ngày đăng: 15.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn Có Phải Là Người Không? - Mang Viên Long
Dù Chỉ Một Lần Cũng Không Thể - Âu thị Phục An
Trăng Lưng Đồi - Nguyên Minh
Những Bài Báo Của Vũ Bằng Trong Năm 1945 -3 - Lại Nguyên Ân
Vượt qua con người … !!! - Giang Kiều
Đời Chưa Nguôi Củi Lửa - Thụy Vi
Viết cuối hè. - Nguyễn Hồng Nhung
Từ một con đường - Nguyễn Thị Hậu
Chuyện Của Con Bò Ốm - Mang Viên Long
Khuya thu Hà Nội /Mùa thu của tôi - Vinh Anh
Cùng một tác giả
Vì em ! (thơ)