- Nhà tôi nằm ở bên kia đồi…
Nơi có biển và núi gần nhau rất đẹp…
Bao giờ cũng thế, Trang rất muốn kể cho mọi người nghe về nơi mình ở. Nơi ấy thật đẹp. Nằm tách hẳn con đường quốc lộ ồn ào xe cộ và bụi bặm hàng chục cây số vòng vèo sườn núi. Nhưng, dường như ai cũng muốn lảng đi sau câu giới thiệu đầu tiên. Trang không có cơ hội để tự hào khoe về nơi mình sinh ra và lớn lên. Dạo bé, nó không hiểu, hỏi mẹ, mẹ chỉ cười thật buồn, bảo: “lớn lên, rồi con sẽ hiểu”.
Lớn lên, ngày đầu tiên đi học, mẹ âu lo dặn rằng, có bị đứa nào chọc ghẹo thì cứ lờ tịt đi, đừng buồn, đừng khóc. Mẹ lo bởi trước đây, chị Hà có lúc coi chuyện đến trường là nỗi khiếp đảm. Nhưng điều đó hoá thừa đối với Trang. Nó đi học về, hỉ hả tuyên bố vừa cắn một thằng con trai chảy cả máu vì thằng ấy dám to gan hỏi: “Ê con cùi, mẹ mày còn tay không?”. Làm sao mà không còn, mẹ nhỉ, mai mốt tay mẹ lại mọc ra chứ! Ừ, giống như một chồi cây mùa xuân ấy. Và con bé Trang ngày đó trông mong một ngày mùa xuân cổ tích, tay mẹ, tay cha, và cả cô Hiên, bà Lam, và cả hầu hết những người trong khu làng này sẽ đầy đủ năm ngón chân tay như bao người khác.
Người đàn bà giấu những giọt mắt tủi hờn vào lưng áo con bé ấm nồng. Bóng đêm bủa lấy bàn tay đã bị vi khuẩn Cốc ăn tới từng đốt. Có khi chị chỉ ước giá cứ là bóng đêm, thấy bóng đêm thật hạnh phúc vì không ai thấy ai, không sợ hãi ngại ngần… Chưa lúc nào chị thấy đau như lúc này. Không phải đau từ hai bàn tay không lành lặn mà từ lồng ngực mình. Chị úp mặt vào vai áo con, thấy nỗi đau mình dịu vợi. Nó mạnh mẽ quá. Như bố nó trước đây. Con Hà thì giống tính chị, dịu dàng và hay âu lo. Không biết con Trang có như bố nó, có thấy cái khu làng này chật chội, có thấy chị không còn là một bến bờ để neo đậu, có bỏ chị mà đi như anh không?
Lâu rồi, chị không nhận được tin anh. Gia đình chồng bảo: “bao giờ chân tay mọc lại thì về!”. Họ cần một cô con dâu trưởng biết đẻ con trai và lành lặn đảm đang dọn mâm cỗ mỗi dịp giỗ tết, chứ không như chị. Họ không hiểu, hay không chịu hiểu rằng chỉ có cổ tích kể cho con nít mới có chuyện đó. Như chuyện chị vẫn thường kể cho con Trang. Thực tế, đừng để căn bệnh ăn sâu vào là may lắm. Anh đột nhiên theo chị ra khu bệnh viện ở mấy tháng lại khăn gói trở ngược ra Bắc. Ở đây, chật chội quá, chỉ biển nhìn núi, núi nhìn mây, mây soi vào mặt người… Những gương mặt thật tội. Người ta khó có thể vui vẻ khi có cảm giác cơ thể mình ngày như bị bào mòn đi. Vài bữa, chị thấy anh quay vào. Mừng xua tan hết tủi. Để quặn lòng đến xót cả ruột khi anh bảo đã hỏi cưới cô Lý ở xóm Thượng. Người đàn bà lỡ thì ấy có thể ôm anh một cách trọn vẹn bằng đầy đủ tay chân, và biết đâu lại đẻ cho anh được thằng cu. Chị cay đắng nhớ lại quãng thời gian anh ở đây, tự nhủ chắc chỉ để đầy đủ cái nghĩa vợ chồng. Không quen trách giận người khác, chị tự giận cái số. Rồi chị ngọt ngào ru nỗi đau của mình bằng việc coi cuộc sống đã quá hạnh phúc khi đã có hai đứa con gái trắng nõn và khỏe khoắn đang tuổi lên năm lên bảy.
Trang thẳng tính thẳng nết như ruột ngựa. Có khi, cái tính thẳng ấy làm người ta đau. Như hôm trước, nó vừa dắt bò vừa cắt một thúng cỏ đầy ụ cho cô Hiên mà mồm cứ khoắng lên: “Anh Kim vô Sài Gòn học không lo, chỉ lo ăn chơi, suốt ngày đàn đúm cà phê, cô làm chi cho cực rồi tay chân lại không lành nổi”. Cô Hiên không tin, nó nói chắc như đinh đóng cột: “Con không muốn cô buồn nhưng tại góp ý mà anh không nghe… Anh ấy cặp kè hết em này em nọ, ở chung nhà trọ với con Hạnh Quảng Ngãi. Con đấy cũng ăn chơi lắm, cô coi mà sắp có cháu nội bế cũng nên”. Để biết thực hư về cậu con “quý hóa”, cô nằng nặc đòi theo Trang vào Sài Gòn. Không gặp “ông con” ở đó, mà gặp một con bé mặt mũi ngổ ngáo, tóc hoe hoe, bụng bầu chình chình sau lớp áo mỏng tang, bảo chồng nó đi vắng. Hỏi nó biết cô không, nó bảo: mẹ tui cũng chưa chắc đã biết. Rồi nó ngúng nguẩy quay vào nhà xem phim Hàn Quốc. Cô ngồi me mé nơi mép giường, tần ngần ngó con bé. Nó quay lại, nhìn phớt qua rồi đút đĩa vào máy vi tính. Một chốc, mấy cô gái mặc áo hở rốn ưỡn ẹo xuất hiện trên màn hình, tiếng nhạc chí choé như giành nhau hát. Con bé nghếch cổ hát theo. Cô quay qua Trang hỏi: “Hay thật, khác với ti vi, muốn thay đổi thế nào cũng được hả con?”. Con Trang gật đầu. Lặng im một lúc, cô rụt rè: “Có dân ca không con? Nhạc này, cô nghe xí xa xí xô không hiểu nổi!”. Con bé kia lại hí hoáy một lúc. Điệu hát quê mùa ngân nga: “Giận thì giận mà thương thì thương”. Nó chưng hửng: “Gì chứ, mấy cái điệu hát quê kệch đó, ông Kim có nhiều”. Cô chợt thấy tâm hồn mình như nới lỏng ra được một chút trong điệu nhạc. Cái máy thật tài, nghe đâu, lúc xin tiền mua máy, thằng bé bảo bao nhiêu tri thức nhân loại ở trong cái máy. Cũng bõ cái công cô dành dụm bao năm để có cái gia tài ấy cho con được bằng bạn bằng bè… Chợt thắc thỏm, cô thấy không hiểu nổi bọn trẻ bây giờ, nó biết bao nhiêu là điều lạ nhưng lại quên đi những lễ nghĩa quy luật. Lấy chồng lấy vợ không thèm đám hỏi đám cưới, không thèm nhận mặt làng xóm mẹ cha. Một chốc, cảm giác mình như một người khách thừa, Cô định ngồi chờ để hỏi thẳng Kim cho ra lẽ thì thấy bóng hoàng hôn đã chớm sa. Đường về làng mờ mờ sương núi, khiến cô cảm thấy xa ngái quá. Nhưng không về thì ở đây ngột ngạt quá thể.
Cô Hiên về không biết vì buồn, hay do đường chiều nhiều gió mà nằm mê mệt tới sáng hôm sau. Con Trang ngồi khuấy nồi cháo đậu đang bốc hơi thơm bùi nói giọng dấm dẳng: “Cô giận làm gì cái bọn nông nổi vậy hả cô?”. Hà ngồi bên cạnh, thúc vào hông Trang ra dấu im lặng. Cô Hiên thở dài, bảo lo cho nó bằng bạn bằng bè, cho đi học xa để đua đòi hư hỏng; Dạo trước nó học giỏi thế, biết nghĩ thương mẹ thế mà giờ ăn chưa no lo chưa tới đã đèo bòng… Cô nhọc nhằn nuốt từng muỗng cháo nhỏ từ bàn tay Hà đút. Lâu lắm, cô mới thấy một bàn tay đẹp như thế. Trắng, dài và thuôn thả. Nhớ không nhầm thì thời con gái, cô cũng có bàn tay đẹp vậy. Phải, một bàn tay rất đẹp. Cô run run và dịu dàng đưa những ngón tay hiếm hoi sót lại bên bàn tay trái nắm lấy tay Hà. Phải chi Kim kiếm được cho cô đứa như Hà, dịu dàng và đảm đang như thế thì bớt tủi, đằng này… Bàn tay ấy, phần vì bệnh, phần vì ráng sức lao động cho con được sung sướng mà bên phải đã cụt tới phân nửa. Thực tế, có đẹp đến thế hay không thì trong mường tượng quá khứ của cô, về những gì mình đã mất mà không thể có lại đều thật tuyệt vời. Hai mươi năm là một khoảng thời gian dài. Đôi lúc cô chập chờn mơ thấy những con vi khuẩn đang cựa quậy cắn rứt trong từng thớ thịt. Tỉnh dậy, mồ hôi ướt mướt lưng áo. Nhưng rồi khi thấy phảng phất bên mình cái mùi rất đặc trưng của thằng con trai đang độ tuổi trưởng thành. Lại yên tâm ngủ cho tới sáng.
Kim đi học ở phố, trở về xóm với cái đầu cắt lởm chởm như đinh mà nó gọi là mốt. Quần áo thì cứ phải là trắng bóc. Mấy lần cô thấy nó len lén tháo áo quần đang phơi chưa ráo nước trên dây để chà lại cẩn thận. Nó sợ cô giặt không sạch! Và cảm giác tủi hổ xen lẫn khổ tâm dâng lên khi cô nhận ra mình không còn sự tin tưởng tuyệt đối nơi đứa con. Cô cảm nhận như nỗi đau mình nhân đôi khi chờn chợn nghĩ có khi nào cô cũng không giữ lại được những khăng khít với Kim, như mong muốn giữ những ngón tay quá khứ…
Cuối tuần, Kim dắt theo cô vợ “hờ” về. Hàng xóm khắp từ trẻ đến già được dịp nhìn ngó một cô nửa Tây nửa ta. Người già bảo: “chẳng biết nó câm hay lạ lẫm lối xóm quá mà nín thin thít”, bọn trẻ con lẽo đẽo ngó theo tới đầu ngõ nhà. Nó gặp cô Hiên, ngổ ngáo gật đầu không ra chào hay đồng tình gì. Thấy Trang đang lúi húi dưới bếp, nó rướn mắt nhìn lướt qua. Cô Hiên ngán ngẩm nhìn con bé. Cô miễn cưỡng nhận nó là con. Mà nó thì cũng chẳng vui vẻ gì khi nhận cô là mẹ. Nó cứ ghê ghê mỗi lần nhìn tay chân cô thế nào. Mà chưa đủ đâu, ở cái xóm phong này, cứ bước chân ra khỏi nhà một khúc là gặp đầy người què người cụt. Được mấy hôm thì nó bỏ đi từ tờ mờ sáng. Ghi lại cho Kim tờ giấy nhắn là đừng tìm kiếm nó mà vô ích. Kim chỉ biết buồn rười rượi khi nhìn mẹ. Cô Hiên thấy xót xa thương cho thằng con nhưng cô thầm thương cho đứa bé đang hoài thai nhiều hơn, nó sẽ phải chịu khổ vì sự nông nổi của bố mẹ nó.
Chuyện nhà cô Hiên lại trở nên đề tài chung quanh các gia đình. Mẹ bảo, những ai đến đây, phải với một tình yêu thực sự mơí ở lại được. Người ta vẫn còn dị ứng lắm với những con người ở làng mình. Trẻ con đi học thì bè bạn chọc, lớn lên đi học thì bạn bè đã đủ khôn để cảm thông với căn bệnh rất hiền và rất tội nhưng vẫn không đủ cảm thông để yêu, để đến với nhau. Hầu hết trai gái ở đây đến tuổi dựng vợ gả chồng, chỉ có thể lấy người cùng xóm, hoặc những làng lân cận, hoặc lấy người ở thật xa. Người ở gần thì vì họ cũng quen với hình ảnh như vậy và họ hiểu thực tế là không bị lây nhiễm. Còn người ở xa họ không hề biết tới, không hề chú ý, lấy nhau thì giấu làng giấu xóm đi. Trang lườm nguýt cay độc: “Con bé đó nuôi ăn học rõ phí công khi mất nết vậy. Dám về đây mà coi thường quê mình. Chân tay cụt thì đã sao? Lở loét thì đã sao? Là do bệnh ăn chứ mình đâu có tự gặm đi đâu mà ngại. Vẫn còn đẹp hơn nhiều những người lành lặn mà tâm hồn và trái tim thì bị bào mòn. Như cô Hiên thật tội, chồng thì đi làm ăn xa, cô làm lụng vất vả cho anh Kim chứ đâu gì cho cô, thế mà con bé đó dám coi thường. Phải tay con á, con chẳng thèm nhận cái giống con dâu ấy.” Hà không tham gia một câu nào vào. Ăn xong lại lẳng lặng làm việc nhà, quẩn quanh và im như chiếc bóng, không còn hay hát cười như mọi hôm. Chưa hết kì nghỉ hè đã vội thu dọn đồ đạc đi học. Lấy lý do đi sớm để kiếm lớp dạy kèm. Mẹ không đoán ra, nhưng Trang thì nói thẳng: “Chị quên cái dạng phụ bạc ấy đi. Anh Kim giờ đâu giỏi giang và tử tế như xưa nữa, em học cùng trường em biết, nói thì chị cứ không tin, đợi sự đã rồi thì hết thuốc chữa”.
Hà không muốn nói lại cô em cứng đầu. Thì cũng chẳng biết nói gì vì Trang nói cũng có phần đúng. Hai chị em đối thoại với nhau chỉ những câu xã giao. Thực ra, Hà thấy mình có phần vô lí vì không trách giận gì được những thề thốt hão của Kim lại quay ra trách Trang. Nhưng thấy cái tính ruột để ngoài da, vô ý vô tứ của con Trang thì cũng đáng giận thật. Hôm chở Hà ra đường quốc lộ bắt xe tới trường, gió và mưa phùn hun hút quấn chặt lấy lạnh buốt hết chân tay. Dừng lại bên vệ đường đứng chờ, tự dưng Trang ôm choàng lấy thật lâu. Lúc buông tay ra, tự dưng thấy mắt hai đứa đều hoen ướt nước. Trang bảo tại mưa. Hà sụt sùi quay đi, giọng rất nhẹ: “Em bảo anh Kim cố làm đề tài tốt nghiệp ra trường cho tốt!… Cả em nữa…” Trang gật đầu. Trang đứng lại nhìn theo chiếc ô tô đang lầm lũi mờ dần trong mưa. Dưới chân, những bông trinh nữ tím biếc vừa chớm nở một sắc màu dịu dàng thương yêu.
Kim và Trang trở lại trường học. Còn một năm nữa là xong cái mơ ước ra trường về làm bác sỹ chữa trị cho những người thân. Mỗi lần đối diện với Trang, Kim lại có cảm giác ngài ngại, cứ định cởi mở một điều gì, rồi thôi. Con bé cũng không hề nhắc chuyện gì cũ. Ừ chuyện cũ, cái gì đau quá rồi thời gian cũng khuay khỏa. Sóng biển mặn có thể làm rát vết thương nhưng sẽ sát trùng, sẽ mau lành, và tiếng sóng biển êm như thế, phần nào dịu vợi nỗi đau. Dạo bé, có lần nghịch ngã té chảy toạc máu, Trang đã nhúng thẳng cái cẳng chân gầy đen xạm xuống biển mà không hề nhăn nhó, và bảo mẹ nói thế. Hình ảnh một con Trang mạnh mẽ từ bé Kim vẫn nhớ. Mà thực ra, cũng nhờ nó mạnh mẽ thì Kim mới vùng ra được cái cuộc sống u mê lầm lỗi.
Kim khẽ lắc đầu như cố tránh làm suy nghĩ của mình bị lộn xộn. Thấy một cảm giác thật thanh thản mà lâu lắm rồi mới có khi nghĩ về quê. Thế mà có lúc, Kim suýt quên mất ước mơ làm bác sĩ phục vụ bà con mình, suýt quên mất một người mẹ và một bờ biển rào rạt gió.
Nơi ấy, nhà nằm bên kia đồi.
Nơi ấy có biển và núi rất gần nhau, rất đẹp.
Và nơi ấy, Kim nợ Hà một tấm lòng, nợ một lời xin lỗi…/.