Địa điểm Đoan Môn nằm ở phía nam thành Thăng Long xưa và nằm trên trục thẳng Bắc – Nam quan trọng gồm : Đoan Môn - Điện Kính Thiên – Bắc Môn. Cổ sử nước ta đều ghi chép rằng cửa Đoan Môn được khởi dựng từ thời Lí. Khu vực điện Kính Thiên thời Lê Sơ tiếp tục được dựng trên nền của cung điện chính của các triều đại trước, chính vì vậy mà trục thẳng này có ý nghĩa rất quan trọng. Nhằm tìm hiểu thực chất của khu vực này, Viện Khảo cổ học kết hợp với Văn phòng 1000 năm Thăng Long Hà Nội tiến hành khai quật 2 địa điểm Đoan Môn và Bắc Môn.
Tại Đoan Môn, đã đào 2 hố với diện tích 133,2m2. ở vị trí Bắc Môn cũng đào hai hố khai quật, với tổng diện tích là 60,40 m2. Kết quả của 2 đợt khai quật, ngoài việc phát hiện ra trục đường thần đạo lát gạch hình hoa chanh đi qua cửa Đoan Môn thời Lí – Trần và một số dấu tích kiến trúc khác thời Lí – Trần – Lê, còn thu được hàng ngàn hiện vật gốm, sành, sứ và vật liệu xây dựng của nhiều thời đại. Những di vật này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tìm hiểu Hoàng thành Thăng Long. Về các dấu vết kiến trúc và các loại hình di vật khác đã được giới thiệu chi tiết và đầy đủ trong một báo cáo về địa điểm này ( Tống Trung Tín...2000 ). Bài viết này của chúng tôi chỉ nhằm giới thiệu một phần của những di vật đã khai quật được từ lòng đất của khu vực Đoan Môn và Bắc Môn. Đó là một số loại hình tiêu biểu của đồ gốm men Việt Nam và Trung Quốc ở 2 địa điểm này.
Đồ gốm men thu được ở Đoan Môn và Bắc Môn rất phong phú, có mặt gần như đầy đủ các dòng gốm cổ truyền thống của Việt Nam thuộc nhiều thời đại, cùng một số đồ gốm Trung Quốc và Nhật Bản. Dưới đây là một số đồ gốm phát hiện đước ở các địa điểm này.
Đồ Gốm men Việt Nam
Đồ gốm men thế kỷ VII-X:
Đồ gốm men thế kỉ VII- thế kỉ X phát hiện được nhiều nơi trong khu vực Hoàng thành Thăng Long như ở Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu Lâu và khu di tích Ba Đình. Tiêu biểu là một đế bát men ngọc nhạt ngả vàng, xương gốm xốp, lòng có các vết cạo men hình tứ giác, đáy và đế để mộc, để lại vết gọt thô, đáy tạo chân đế đơn giản, gần như đặc. Loại gốm này cũng được tìm thấy ở nhiều tỉnh thành khác ở miền Bắc Việt Nam như Đông Sơn (Thanh Hoá), Hoa Lư (Ninh Bình), Quảng Ninh, Yên Bái và vùng ven biển Thanh – Nghệ – Tĩnh, các cửa sông, cửa biển như Hội Thống, Đền Huyện. Nếu như nó không được phát hiện trong các lò nung gốm ở Thanh Lãng, Lũng Hoà (Vĩnh Phúc) thì người ta dễ lầm tưởng đây là loại đồ gốm được nhập từ Trung Quốc vào. Sự có mặt của nó ở kinh thành Thăng Long đã cho thấy trước khi kinh đô của người Việt được tạo lập trên một địa bàn mới, thì nơi đây đã là một trong những thị trường mà các lò gốm đương thời ở vùng đất bản bộ xưa của các vua Hùng cung cấp sản phẩm.
Đồ gốm men thế kỷ XI – đầu thế kỉ XIII
Đồ gốm men Việt Nam thời Lí ở khu vực Hoàng thành Thăng Long qua các cuộc khai quật nhiều năm gần đây của Viện Khảo cổ học đã phát hiện được ngày một nhiều. Các bằng chứng về gốm men thời Lí ngày càng trở nên có tính thuyết phục hơn khi mà cùng lúc nhiêù địa phương khác cũng phát hiện được những đồ gốm tương tự. Đồ gốm men Việt Nam thời Lí ở 2 địa điểm này chủ yếu là các dòng men: Men ngọc và men trắng hoa nâu.
Gốm men ngọc
Gốm men ngọc thời Lí phát hiện được ở đây là loại gốm cao cấp, được làm từ chất liệu caolin, gốm tương đối mỏng, trình độ rất cao, men bóng, hoa văn trang trí rất tinh tế. Trong một diện tích đào còn hạn chế, chúng ta mới chỉ phát hiện loại hình chủ yếu là bát .Với một số mảnh gốm men thời Lí phát hiện được ở đây không phải đã là đầy đủ, chắc chắn là khi được mở rộng diện khai quật, chúng ta sẽ phát hiện được nhiều loại hình gốm men thời Lí hơn.
Bát thời Lí có nhiều loại dáng khác nhau, nhưng dù là kiểu dáng nào cũng toát lên vẻ thanh thoát, cao sang. Bát, được tạo mỏng, nhưng hoa văn khắc chìm và in nổi trong lòng bát lại rất rõ, sắc nét, có chiều sâu. Bát có dáng loe ngả, lòng rộng. Chân đế có hai loại : Chân đế thấp và chân đế cao.
Loại chân đế thấp, có các kiểu chân đế bát cúp vào và chân đế thẳng. Kiểu chân đế cúp vào, thành đế ngoài cắt cúp vào, thành đế trong vét hơi lõm cong, đáy bát dầy, phẳng. Kiểu chân đế thẳng, thành đế ngoài cắt thẳng, thành đế bên trong choãi, đáy bát võng ở giữa, lòng bát hơi lõm.
Cả hai kiểu bát này ở bên ngoài đều có các đường khắc chìm dọc tạo cánh hoa, và một đường khắc chìm ngang làm giới hạn. Các đường khắc chìm đều thưa, thoáng, vành đế có độ dày tương đối đều.
Loại chân đế cao, thành chân đế ngoài thẳng, thành chân đế trong cắt vát,choãi, đáy và thân bát dày, nặng.
Những mảnh gốm thời Lí ở điạ điểm này đã có mặt các kỹ thuật chống dính men khá đa dạng: Kỹ thuật nung đơn chiếc; Kỹ thuật nung chồng trực tiếp; Kỹ thuật nung chồng trực tiếp kết hợp với vùng các viên đất nhỏ để kê. Trong trường hợp này, vành đế của những chiếc bát ở bên trên được cắt rất mỏng để giảm diện tiếp xúc với chiếc bát bên dưới, khi nung xong, bát được lấy ra một cách dễ dàng. Kỹ thuật này thường hay được dùng với các loại đồ gốm tráng men mỏng, đặc biệt là các dòng gốm men màu vàng nhạt hoặc men ngà. Dấu vết để lại trong lòng đồ gốm là một đường tròn với các vết men bị bong nham nhở xung quanh. Những đồ gốm được sử dụng kỹ thuật này, ngoài kinh thành Thăng Long, còn thấy xuất hiện khá nhiều trong các khu mộ Mường thuộc tỉnh Hoà Bình, và mới đây nhất, ở các di tích Hoa Lâm Viên (Nơi nhà Trần dùng bẫy hại các thân thuộc của triều Lí), Bến Long tửu, Đầu Vè (Đông Anh-Hà Nội), trong lò gốm Đồng Khống ở tỉnh Bắc Ninh...;Kỹ thuật nung dùng con kê năm mấu chân nhọn. Những dấu chân con kê này đã đem lại những điều thú vị mà chúng tôi hi vọng sẽ đuợc trình bày kỹ hơn trong một dịp khác.
Hoa văn trang trí trên bát được thể hiện bằng các kỹ thuật khắc chìm và in nổi. Mô típ hoa văn trang trí có 4 dạng :
- Cánh cúc nhỏ cách điệu kết hợp với các lá cúc lớn, thoáng, đầu cánh uốn cong 3 đoạn.
- Hai bông cúc cánh nhỏ trong hình tròn kết hợp với những chiếc lá, to, dài, hai bên có những chiếc lá nhỏ khác cong và mềm mại đối xứng nhau. Hai chiếc lá ở hàng dưới cùng to hơn uốn cong hình móc ngược chiều nhau. Loại này phổ biến nhất.
- Một bông cúc to ở giữa lòng bát, với nhiều lớp cánh nở bung lên hướng về phía trên,bao xung quanh là 3 cặp lá cúc có 2 lá cuối cùng uốn cong hình móc.
- Những đường khắc chìm đậm nét, thường là mô típ trang trí chính kết hợp với các đường chải mảnh và nhỏ để làm nổi bật mô típ chính. Lối trang trí như thế này cũng rất gần với lối trang trí các mô típ : ngư thuỷ văn, liên trì thuỷ, điểu phong văn, hài nhi hoa....
Gốm men trắng hoa nâu
Là những mảnh thạp hoặc liễn, men trắng, bóng mịn, tinh tế, khắc hình cúc dây trên nền men trắng và tô màu nâu đỏ xẫm. Nét khắc và đường tô nâu cẩn thận, dứt khoát.
Đồ gốm men thế kỷ XIII – XIV gồm có các dòng gốm sau:
Gốm hoa nâu
Mảnh thạp hoặc liễn men ngọc, tô men nâu. Mô típ cúc dây, nét khắc và cách tô men tương đối cẩn thận, có thể mảnh này có niên đại khoảng thế kỷ 13.
Bình hình giỏ cua, miệng loe, cổ thắt, đáy rộng, thân khắc 3 bông sen, gần đáy có đường tô nâu đứt đoạn. Vết khắc thô, cách tô màu không khớp với đường khắc chìm. Đó là phong cách của gốm hoa nâu thế kỷ 14.
Gốm men ngọc
Gốm men ngọc thế kỷ 13 – 14 có cả dạng cao cấp và bình dân, được sản xuất theo nhiều kiểu chống dính men như dùng con kê 5 mấu, chồng trực tiếp, ve lòng, nung đơn chiếc. Gốm men ngọc có loại không trang trí hoa văn, trong ngoài chỉ phủ lớp men ngọc xanh nhạt, xanh xẩm, sắc xỉn. Đa số được trang trí hoa văn với các mô típ sen, cúc, mây hình khánh … bằng các phương pháp in nổi, khắc chạm nổi, khắc chìm dưới men.
Gốm men ngà
Có loại bát dáng phễu, men mỏng, dễ bong tróc. Lòng bát có 5 dấu chân con kê, giữa lòng có đường tròn nổi. Lòng bát trang trí nổi 3 tầng mây hình khánh, gần miệng in nổi băng hồi văn hình chữ S nằm ngang. Loại bát này được phát hiện khá nhiều trong các khu mộ Mường ở Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hoá và vùng ven biển nước ta, ở các di chỉ trong kinh thành Thăng Long như khu di tích Ba Đình, Trần Phú …
Gốm men nâu
Gốm men nâu đều là loại hình âu có niên đại thế kỷ 13. Chiếc âu kích thước lớn, lòng còn đủ 5 dấu chân con kê, đáy rộng, lòng âu in nổi kín hoa văn. Thành âu chia 8 khoảng, trong mỗi khoảng in nổi hoa cúc, mẫu đơn. Lòng âu in lá cúc bên trong có các đường chải nhỏ và các cụm mây hình khánh. Âu có niên đại khoảng thế kỷ 13.
Gốm men trắng xanh (Thiên Thanh)
Gốm này có men trắng – xanh nhạt, xương cao lin xốp, tương đối trắng, mặt men lỳ, một vài mảnh có vết sạn xám đen. Loại hình gốm men thiên thanh chủ yếu là bát lớn và đĩa miệng loe rộng, chân đế nhỏ, tạo dáng gần dạng đoá sen nở. Lòng bát đĩa dùng con kê 5 mấu, hoặc nung đơn chiếc. Nhóm gốm này cũng thuộc loại gốm cao cấp đương thời. Lòng bát đĩa in nổi các đoá sen, bông hoa to nhiều cánh nổi mập, gần tròn, hoặc thân bên ngoài tạo nổi các cánh sen mập như chiếc đĩa trong ảnh 29 và 30. Cũng có khi lòng bát không có hoa văn trang trí.
Gốm men trắng vẽ lam mờ
Loại gốm này xuất hiện tương đối nhiều ở khu vực thành Thăng Long xưa, ở các địa điểm Hậu Lâu, Đoan Môn, Trần Phú và khu di tích Ba đình đều phát hiện được. Đặc biệt là ở khu vực 62 – 64 Trần Phú còn tìm được mảnh gốm men trắng vẽ lam mờ được trổ lỗ thủng dùng làm dụng cụ thử men và mảnh gốm loại này có dính con kê gốm, hay dính mảnh bao nung. Nhiều khả năng chúng được sản xuất ở gần khu vực thành Thăng Long.
Hai tiêu bản gốm loại này đều là loại bát kích thước lớn, men trắng nhờ, đục, hơi ngả vàng, lòng vẽ 1 bông hoa cúc cũng đủ cành lá bằng màu lam mờ, nét vẽ bằng bút lông với lối vẽ thiên về mảng đậm bay bướm, phóng túng. Hình hoa cúc được vẽ trong một đường tròn hoặc không trong đường tròn. Lòng bát để lại 5 dấu chân con kê. Đây là loại con kê chân to, kích thước tương đối lớn. Bát có chân đế choãi, vành đế để lại nhiều vết nham nhở.
Đồ gốm men thế kỷ XV – XVI.
Gốm men trắng
Cũng giống như ở địa điểm Hậu Lâu, đồ gốm men trắng cao cấp được phát hiện khá nhiều. Loại hình bao gồm: bát, đĩa, bình vôi, âu sâu lòng đáy thót, tước, đài gốm chân loe rộng. Bát đĩa được ve lòng nung đơn chiếc hoặc dùng con kê 3 mấu đế mảnh nhỏ hoặc đế to, chân đế choãi, lòng đế thụt, chân đế cao cúp vào. Lòng bát in nổi bông hoa 6 cánh, sóng nước hình vảy cá, hình hoa sen hoặc cúc dây. Bình vôi nóc có nhiều tua cau, dáng kéo dài, chân đế cao, đáy thụt, vành chân đế để to, thường tô son nâu. Âu gốm có dạng đáy thót nhiều, đặc biệt là những chiếc âu lớn lòng thường rất sâu.Tước gốm (có chân cao), đều bị vỡ, chỉ còn phần đế và tay cầm. Phần còn lại này cho thấy tước tương đối thấp, chân đế cắt gọt để lại nhiều vết, dáng không thanh thoát.
Gốm hoa lam
Trong khi gốm men trắng đào được ở khu vực thành Thăng Long khá nhiều thì gốm hoa lam ở đây lại có xu hướng ít đi. Tỉ lệ gốm hoa lam thế kỷ 16 ít hơn so với gốm men ngọc thế kỷ 13 – 14 và gốm men trắng thế kỷ 15 – 16. Chúng ta còn chưa chỉnh lý gốm ở khu di tích Ba Đình nên điều này chúng tôi chưa thể khẳng định, nhưng ít ra nó đúng với tình trạng ở khu vực 62 – 64 Trần Phú, ở Bắc Môn, Đoan Môn và Hậu Lâu. Nếu nhận xét này đúng cho cả ở khu di tích Ba Đình thì chúng ta cũng nên tìm cách lý giải.
Đồ gốm hoa lam thế kỷ 15 – 16 phát hiện được ở khu vực Đoan Môn gồm có một số mảnh vỡ nhỏ khó nhận dạng loại hình. Ba tiêu bản mà chúng tôi trình bày ở đây gồm có:
- Lọ vẽ lam hình cúc dây, băng hình móc, mô típ vạch ca rô khá quen thuộc của gốm Chu Đậu thế kỷ 15.
- Mảnh bình Tỳ bà men trắng vẽ lam với hình cây lá ở cổ, hình các vòng tròn xoáy ốc xếp từ nhỏ xuống lớn theo kiểu kim tự tháp, là những mô típ quen thuộc của thế kỷ 15.
- Đĩa chân cao, miệng tạo cánh hoa sau đó viền nhiều đường chỉ lam theo vành cánh hoa ở miệng, lòng vẽ đường tròn màu lam trong có 1 chấm lam nhỏ cũng là loại đĩa bình dân thường thấy ở thế kỷ 15 – 16.
Gốm men ngọc
Gồm có đĩa khắc chìm hoa cúc, lọ có cổ cao, lọ không có cổ. Gốm men ngọc thế kỷ 15 – 16 ở Đoan Môn cũng có tỷ lệ không lớn. Nhưng tiêu biểu nhất là loại đĩa men ngọc ngả vàng, lòng nông, chân đế thấp, ve lòng, thành trong của đĩa khắc chìm, các cánh hoa cúc cách điệu. Một phần thân bên ngoài và toàn bộ chân đế để mộc. Khá nhiều tiêu bản của loại đĩa này thường có vết sần trong đường ve lòng hoặc ở phần đáy, đế do xương khá xốp.
Trong đợt khai quật di chỉ Hợp Lễ năm 1989 đã phát hiện được rất nhiều đĩa men ngọc lòng khắc hoa cúc cách điệu trong tầng văn hoá thế kỷ 15 – 16. Đây là loại đĩa bình dân, nó được phát hiện ở nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam như trong các mộ Mường cổ ở Hà Tây, Hoà Bình, ở Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, trong các mộ cổ ở Yên Bái, các di chỉ cư trú ở Sóc Sơn (Hà Nội), Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng … Trong cuộc điều tra huyện Sóc Sơn đầu năm 2004, chúng tôi đã phát hiện được rất nhiều đĩa loại này trong các di tích có lẫn đồ gốm hoa lam thế kỷ 15 – 16 , thậm chí có cả một chum sành lớn được chôn giấu nhiều chiếc đĩa này cùng gốm hoa lam, tiền đồng mang niên hiệu Vĩnh Lạc, Thánh nguyên thông bảo …
Dưới đây là một số di vật tiêu biểu:
- Lọ gốm men ngọc cổ cao: Chiếc lọ này bị mất phần cổ, chỉ còn lại phần thân, chân đê choãi, lòng đế để mộc, thân dưới rộng, cổ nhỏ. Thân chia nhiều ô, ngăn cách bởi các đường khắc chìm, vai có nhiều đường chỉ chìm. Một số lọ gốm men ngọc loại này đã được tìm thấy ở di chỉ Hợp Lễ trong đợt đào năm 1989.
Cũng như đĩa men ngọc, loại lọ có cổ ở di chỉ Hợp Lễ thường có xương trắng xám, trắng đục, xốp, nhẹ, nước men mỏng, trong, màu sắc men có nhiều sắc độ: men vàng rơm, xanh rêu, xanh nước dưa, xanh cốm …
-Lọ miệng rộng không có cổ: Phát hiện được1 chiếc duy nhất mang ký hiệu 99.ĐM.HI.L3.1. Lọ rộng miệng, vành miệng bằng, có chân đế choãi, 1 phần thân và lòng đế để mộc, men ngọc xanh thẫm, dày, có thể là sản phẩm của lò Chu Đậu. Một số chiếc lọ kiểu này đã có mặt trong con tàu đắm ở Hội An.
Gốm men xanh tím
Phát hiện được 1 mảnh tai của bình, vò hoặc lọ. Tai hình chữ U. Loại gốm men này đã được phát hiện khá nhiều trên con tàu đắm Hội An. Nhiều tiêu bản của nó hiện được lưu giữ tại các bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam.
Gốm men thế kỷ XVII – XVIII
Gốm men thế kỷ 17 – 18 xung quanh khu vực thành Thăng Long bao gồm các loại gốm 2 màu men: thân và miệng men trắng nhờ, trắng đục, ghi xám, vàng nhạt, đáy và đế được tráng bằng màu men nâu xẫm, rêu xẫm ,xám nhạt, xanh xám. Loại gốm này có thể được ve lòng có con kê hoặc nung đơn chiếc. Đây là dòng gốm bình dân xuất hiện từ cuối thế kỷ 17, tồn tại suốt thế kỷ 18, là sản phẩm của lò gốm Xích Đằng (Hưng Yên) và có thể là Trạm Điền (Chí Linh – Hải Dương). Trong đợt khai quật ở Đoan Môn và Bắc Môn, đã phát hiện được một số bát, đĩa loại này. Xương gốm thường có màu ghi, nâu đỏ, xám nhạt, được coi là đồ đàn. Bát thường có thân dày, thành cong vát, đế thấp, men xỉn. Đĩa nông lòng, dày, nặng, hầu hết không có hoa văn trang trí.
Ngoài loại gốm trên còn có loại gốm xương và men xám, hoặc chủ yếu là lớp men trắng nhờ, đế thụt, thành đế choãi, vành đế cắt tương đối vuông vức. Xương và men thường lẫn sạn nhỏ, men mỏng, chỉ được tráng 1/3 – 1/2 ở thân bên ngoài. Lòng bát đĩa của loại gốm này thường để lại dấu ve lòng. Giữa lòng đồ gốm in màu lam – nâu gỉ sắt hình ô vuông chấm tròn hoặc hình các bông cúc trơ trọi không cành, không lá. Đây là sản phẩm của lò gốm Hợp Lễ được vẽ theo phong cách của đồ gốm Nhật Bản.
Đó là mảnh bát vẽ hình rồng bằng màu lam nhạt trên nền men trắng xanh nhạt. Thân bát vẽ con rồng thân ngắn, mình nhỏ, mảnh. Toàn bộ phần đầu, bờm, chân trước, râu, đuôi vẽ cách điệu bằng vài nét rất phóng khoáng. Loại bát vẽ rồng kiểu này chỉ phát hiện được 1 mảnh ở địa điểm Đoan Môn.
Tại Ôsaka (Nhật Bản) người ta đã tìm thấy loại gốm này trong khu vực thành cổ, trong lớp văn hoá có niên đại nửa đầu thế kỷ 18.đó là chiếc bát ở thân bên ngoài vẽ hình rồng giống như mảnh bát đã được phát hiện ở Đoan Môn. Thành bát bên trong vẽ băng cánh sen. Đáy bát vẽ hoa văn, hay kí hiệu bằng mầu lam trông gần giống với chữ Hán. Loại kí hiệu này chúng tôi cũng gặp khá nhiều trong những đồ gốm khai quật được ở hố II của di chỉ gốm Hợp Lễ.
Về niên đại và nguồn gốc của loại loại bát này, nhà nghiên cứu gốm Nhật Bản, ông Mori Tsuyoshi cũng cho rằng đây là loại bát do Việt Nam sản xuất. ( Mori Tsuyoshi 1999 ).
Một chiếc bát tương tự men trắng nhỏ ở phần thân, đáy và đế men xám nhạt, trên thân vẽ 2 con rồng, mỗi con ở một mặt giống hệt cách vẽ rồng trên mảnh gốm ở Đoan Môn, bát cao 6,4cm, đường kính miệng 13,1cm, đường kính đế 6,4cm. Chiếc bát này được phát hiện trong một ngôi mộ Mường ở Hoà Bình, hiện đang được lưu giữ trong một sưu tập tư nhân ở Hà Nội.
Gốm men Trung Quốc.
Gốm men ngọc thế kỷ 13 – 14
Gốm men Trung Quốc phát hiện được không nhiều, chủ yếu là gốm men ngọc của lò Long Tuyền thế kỷ 13 – thế kỷ 14, chủ yếu là bát men ngọc chất lượng cao, xương cao lin lọc kỹ. Tuy nhiên cũng có loại bát dáng chuông thời Nguyên là xương nâu đỏ. Hoa văn trang trí có các mô típ sen, cúc, bướm …
Đồ gốm men ngọc Trung Quốc cũng có các kỹ thuật chống dính men tương đồng với Việt Nam như các kỹ thuật: ve lòng, nung đơn chiếc, dùng con kê. Gốm men ngọc Trung Quốc thường là dày và nặng hơn gốm cùng loại của Việt Nam.
Gốm hoa lam thế kỷ 17 – 18
Khoảng cuối thế kỷ 17 – thế kỷ 18, Việt Nam phải nhập nhiều đồ gốm hoa lam Trung Quốc. Một số loại hình của dòng gốm này đã có mặt ở thành Thăng Long, nhiều tỉnh thành ở miền Bắc, miền Trung và cả Nam bộ. Gốm Trung Quốc, về hình thức và chất lượng, vào thời kỳ này được làm tốt hơn, đẹp hơn gốm Việt Nam. Tuy nhiên chúng có mặt ở Thăng Long chỉ với số lượng ít. Loại bát tìm được ở đây chủ yếu là loại bát nhỏ, sâu lòng, có một số đồ gốm có thấu quang. Thường là loại bát có hoa văn đơn giản, hình học hoá với các băng đường tròn xoáy ốc là cách điệu kết hợp các đường kẻ đậm, nhạt màu lam. Nhìn chung đều là đồ gốm rất bình dân.
*
Cuộc khai quật địa điểm Đoan Môn và Bắc Môn, ngoài việc phát hiện ra nhiều dấu vết kiến trúc quan trọng (trong đó có con đường xếp gạch hình hoa chanh vốn rất quen thuộc trong các kiến trúc quan trọng ở thời Lí -Trần) còn phát hiện được một số lượng phong phú gạch ngói kiến trúc, đồ gốm men và đồ sành ...cùng thời và các thời tiếp theo. Điều này cho thấy những ghi chép của cổ sử nước ta về kiến trúc của cổng thành Đoan Môn ở phía Nam thành Thăng Long là hoàn toàn chính xác. Trục thẳng gồm các kiến trúc quan trọng Đoan Môn, Kính Thiên và Bắc Môn, qua các cuộc khai quật khảo cổ học còn rất hạn chế về quy mô, đã phát hiện ra các vết tích kiến trúc, khối lượng đồ sộ của vật liệu kiến trúc chứng minh rằng: Các khu vực này là một phần quan trọng của trung tâm Hoàng thành Thăng Long, với những dấu vết vật chất còn lại của cung điện, nhà cửa, lầu các, con đường cho các nhân vật đứng đầu của triều đình đi lại...
Tính chất quan trọng của khu vực này lại được làm nổi bật lên bởi số lượng phong phú của đồ gốm men Việt Nam và Trung Quốc thuộc nhiều thời đại khác nhau.Những đồ gốm cao cấp của Việt Nam và nước ngoài có mặt ở khu vực này là những đồ dùng hàng ngày của vua chúa và các quan lại cao cấp trong các triều đình phong kiến Việt Nam. Trong số những đồ gốm này còn có cả những dòng gốm, những tiêu bản gốm mà, nếu không có các cuộc khai quật ở khu vực Hoàng thành Thăng Long thì chúng ta hoàn toàn không được biết đến, hoặc cho rằng chúng có nguồn gốc từ nước ngoài. Thăng Long xưa cũng là nơi hội tụ những truyền thống, tinh hoa, lòng tự hào dân tộc và chí tự cường của dân tộc Việt Nam. Những đồ gốm men Việt Nam phát hiện được ở khu vực này đã phần nào phản ánh điều đó.
Dưới đây làm một số nhận định sơ bộ của chúng tôi về đồ gốm ở địa điểm Đoan Môn và Bắc Môn :
1. Riêng đồ gốm men đã có niên đại kéo dài từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Đồ gốm men thế kỷ 7 – 10 có số lượng ít, nhưng vật liệu kiến trúc như gạch ngói là có số lượng đáng kể, đã cho thấy khu vực thành Thăng Long đã có những tín hiệu quan trọng mở ra khả năng tìm lại được dấu vết thành Đại La xưa thời Đường và thời Nam Chiếu chiếm đóng, và, có thể là dấu vết của các thời trước nữa. Có thể nhà Lý khi hoạch định kế hoạch rời đô ra Thăng Long đã tìm thấy ở đây những cơ sở kiến trúc dinh thự thành quách, nhà cửa làm cơ sở bước đầu cho việc sinh hoạt, thiết triều cho triều đình ở tạm trong khi chờ đợi xây dựng một kinh đô mới của nhà nước Đại Việt.
2. Gốm sinh hoạt cung đình thời Lý có mặt tương đối ít, điều đó cũng phản ánh cục diện chung ở toàn quốc. Đến thời Trần, và đặc biệt là từ thế kỉ XV, dòng gốm cung đình trong khu vực hoàng thành Thăng Long mới thật sự rõ nét và mang những đặc trưng riêng của nó.Tuy nhiên, những đồ gốm cung đình thời Lý thuộc vào loại đẹp, sang trọng nhất cũng đã được phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long, mà một số đồ gốm này đã được tìm thấy ở khu vực Đoan Môn. Một dòng gốm cung đình đã được hình thành ở Hoàng thành Thăng Long, bắt đầu từ thời Lý.
3. Gốm Việt Nam thời Trần ở Thăng Long đã có mặt phong phú hơn với các dòng men: men ngọc, men ngà, men nâu, men trắng hoa nâu, men thiên thanh, hoa nâu, men trắng vẽ lam mờ … với nhiều loại hình, kiểu dáng, hoa văn trang trí đẹp nhất xuất hiện khá nhiều ở thành Thăng Long, trong đó có khu vực Đoan Môn, Bắc Môn. Đây là thời kì mà các lò gốm ở kinh thành Thăng Long phát triển rất mạnh. Dấu vết của việc sản xuất gốm thấy trong một phạm vi rất rộng từ phía Nam đến phía Tây của Hoàng thành, trải suốt từ khu vực Đoan Môn, qua Trần Phú , đến tận khu vực Cống Vị, Ngọc Hà, thậm chí qua cả sông Hồng với các làng gốm cổ Bát Tràng và Kim Lan.
4. Gốm thế kỷ 15 – thế kỷ 16, với dòng gốm men trắng tinh xảo của cung đình do các lò gốm ở xung quanh Hoàng thành sản xuất đã làm kinh ngạc các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài.Trong giai đoạn này, sự phát đạt của gốm men thương mại Việt Nam trên trường quốc tế, đã làm cho các lò gốm ở vùng Hải Dương có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Những đồ gốm đẹp nhất của dòng gốm bình dân do các lò Cậy, Hợp Lễ sản xuất cũng được sử dụng trong Hoàng thành. Tuy nhiên ở khu vực này chưa tìm thấy nhiều đồ gốm hoa lam đẹp của Việt Nam thế kỷ 15-16 đã từng xuất khẩu ra nước ngoài. Hi vọng rằng chúng còn đang nằm trong những diện tích chưa được khai quật của Hoàng thành Thăng Long.
Chúng tôi không tin là ở khu vực từ Đoan Môn đến Bắc Môn không có nhiều loại gốm này (đặc biệt là chưa tìm được gốm hoa lam vẽ rồng, phượng của triều đình, như đã thấy ở khu di tích Ba Đình), theo chúng tôi, do diện tích khai quật ở đây còn khiêm tốn nên đã hạn chế nhận thức của chúng ta. Hy vọng trong tương lai khu vực này sẽ có nhiều cuộc khai quật lớn để đem lại những nhận thức mới về toàn cảnh thành Thăng Long.
5.Thế kỷ 17 – Thế kỷ 18, gốm bình dân xuất hiện nhiều trong Hoàng thành phản ánh sự thực lịch sử về sự suy thoái dần của đồ gốm men Việt Nam. không còn có mặt ở đây nữa. Có lẽ nào thời điểm này, các lò gốm ở xung quanh khu vực thành Thăng Long cũng không còn hoạt động nữa?
6.Thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi thành Thăng Long trở thành trị sở của Bắc thành thì gốm Móng Cái, Nhật Bản gốm nam Trung Quốc xuất hiện lấn át các đồ gốm truyền thống. Gốm cung đình do người thợ gốm Việt Nam sản xuất cũng không còn, thay vào đó là đồ gốm kí kiểu do triều đình Huế đặt làm tại Trung Quốc.
7.Trong quá trình tồn tại của thành Thăng Long, các đồ gốm nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn luôn có mặt. Gốm Trung Quốc góp mặt ở thành Thăng Long suốt từ thời Lý đến thời Nguyễn, song nhiều nhất vẫn từ thời Trần và thời Lê. Gốm Trung Quốc có mặt tại thời Trần chủ yếu là gốm men ngọc, men thiên thanh nguồn gốc do trao đổi, mua bán hoặc quà tặng. Cuối thế kỷ 17 thế kỷ 18, do sản xuất gốm ở Việt Nam suy thoái, gốm vùng nam Trung quốc đã được mang vào nhiều hơn. Gốm Trung Quốc có mặt ở thành Thăng Long chủ yếu là các lò Long Tuyền, Cảnh Đức Trấn và một số lò gốm dân gian vùng Quảng Đông.
8. Gốm Nhật Bản hiện ở khu vực Hậu Lâu, Đoan Môn, Bắc Môn mới chỉ tìm được đồ gốm của lò Hi Zen thế kỷ 17 và gốm in đề can cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
9. Cũng khoảng thế kỷ 20, một số gốm và pha lê của Pháp đã được nhập vào Bắc Thành. Tuy có sự xuất hiện của gốm nước ngoài, song số lượng của các loại gốm này không nhiều, các lò gốm ở vùng Hưng Yên (Thế kỷ 17 –18,). Gốm Móng Cái (Quảng Ninh), và gốm Bát Tràng vẫn là nguồn cung cấp chính cho thành Thăng Long và sau này là Bắc Thành.
Những nhận định sơ bộ của chúng tôi có thể còn gặp nhiều hạn chế khi toàn số lượng đồ sộ của gốm Hoàng thành Thăng Long chưa được chỉnh lý và nghiên cứu xong, khi mà nhiều diện tích của Kinh Thành này chưa được khai quật. Hy vọng khi diện tích khai quật được mở rộng, khối lượng đồ gốm đồ sộ khai quật ở khu di tích Ba Đình được chỉnh lý nghiên cứu chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn đánh giá chính xác hơn về gốm thành Thăng Long qua các thời kỳ cùng những đặc trưng chung và riêng của gốm Việt Nam ở kinh thành này sẽ được định hình đầy đủ hơn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng, Hà Văn Cẩn và Nguyễn Thị Dơn 1999:
“Báo cáo kết quả thám sát, khai quật địa điểm Đoan Môn và Bắc Môn”. Tư liệu Viện khảo cổ .
2.Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng, Hà Văn Cẩn Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Thị Dơn và Nguyễn Văn Hùng 2000:
“Một số loại hình gốm men ở kinh đô Thăng Long qua các đợt khai quật Đoan Môn, Bắc Môn và Hậu Lâu “.
3. Mori Tsuyoshi 1999 :
” Gốm sứ Việt Nam qua cuộc điều tra khai quật khảo cổ học ở ÔSaka.” Bài đọc trong Hội thảo quốc tế quan hệ Việt- Nhật thế kỉ XV- XVIII qua giao lưu gốm sứ.