Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.228
123.153.581
 
Lửa Và Rơm
Ngô Thị Ý Nhi

Hùng là con út, và là con trai duy nhất của một gia đình có nhiều chị em gái. Bốn bà chị, đều chưa chồng, họp lại thành “tứ trụ” của gia đình. Các bà ấy vẫn tự xưng như thế. Ngoài đời họ chỉ làm những công việc rất bình thường, công nhân viên loại xoàng hay bán hàng cho một cửa hàng nào đó. Nhưng với gia đình thì họ là tai, là mắt, là cả một hội đồng phán xét và bình luận mọi vấn đề lớn nhỏ. Hùng chịu đựng cảnh “âm thịnh dương suy” đó với đôi chút khinh thường cái thứ “chuyện đàn bà”. Đàn ông thì phải khác chứ. Đàn ông chỉ cần hành động. Là đàn ông, anh quyết định mọi việc theo cách của mình bất chấp lời ra tiếng vào của bốn bà chị gái. Nhưng tại sao những phụ nữ của nhà anh lại tầm thường và vô vị đến thế! Sau giờ làm việc, chuyện giải trí chỉ là đàn đúm, tán gẫu rồi cãi nhau và xem phim, thứ phim chưởng chớp xanh chớp đỏ hoặc phim gì mà mở ra chưa thấy hình đã nghe tiếng khóc, khóc từ đầu đến cuối phim. Cứ nhìn nhà bác Thịnh mà xem. Năm cô con gái cũng cở tứ tuần trở lại, cũng chưa chồng nhưng cuộc sống họ phong phú biết bao nhiêu. Sau bức rèm voan thấp thoáng thỉnh thoảng lại văng vẳng tiếng dương cầm. Trên chiếc bàn nhỏ bao giờ cũng cắm một vài bông hoa rất đúng quy cách . Họ biết cách ăn mặc lịch sự ,trẻ trung. Họ lại theo học hầu hết các lớp học đêm: anh văn, vi tính, quản trị kinh doanh… rồi thỉnh thoảng biết bỏ tiền ra đi nghe hòa nhạc hay đi dự một đêm thơ. Cuộc sống cứ vươn ra đầy màu sắc, đầy quyến rũ.

 

Thực ra anh chỉ biết gia đình bác Thịnh mấy tháng nay. Bác Thịnh là bạn học của cha anh. Hai người ở chung thành phố mấy chục năm nay mà chẳng ai biết ai. Tình cờ qua câu chuyện của một người bạn cũ, bác Thịnh đã dò hỏi và tìm ra anh khi đang nằm điều trị tại bệnh viện vì một cơn suy tim. Hùng là bác sĩ, lại chuyên về tim mạch. Rồi bác xuất viện, anh được mời mọc, được chiều lụy, được mơn trớn đã nghiễm nhiên trở thành bác sĩ của gia đình bác hồi nào không hay. Một tuần đôi ba bữa ghé nhà thăm hỏi tùy theo tình hình sức khỏe. Dần dần anh quen luôn với nếp sinh hoạt của gia đình qúy phái này. Công bằng mà nói các cô con gái bác nhan sắc chỉ tầm tầm nhưng lời ăn tiếng nói không chê vào đâu được. Rất đỗi dịu dàng, rất đỗi ngọt ngào. Anh như đắm mình trong bầu không khí dịu ngọt ấy. Cho đến một hôm, chị Ba, người có tiếng sắc bén nhất đã lôi anh ra khỏi giấc mơ bằng một câu hỏi đột ngột:

- Con gái út bác Thịnh năm nay bao nhiêu tuổi?

 

Anh chợt khựng lại rồi chợt nhớ ra là cô ấy cùng tuổi anh, ba mươi hai tuổi, tên là Thanh Nga. Nhưng mấy bà chị soi mói này muốn biết để làm gì. Bốn cái miệng của “tứ trụ” đồng loạt nhao nhao lên:

- À… ra thế…

- Coi chừng em ạ.

- Mày mất cảnh giác mất rồi.

Hùng hất mặt lên trời xách xe ra ngõ. Những đầu óc tủn mủn nhỏ nhặt thì suốt đời không nghĩ được một điều gì rộng rãi ra hồn cả.

 

Vài ba tháng sau nữa bằng sự gợi ý khéo léo của gia đình bác Thịnh, anh chính thức chuyển phòng mạch về nhà bác. Thuận tiện quá đi chứ. Địa điểm mặt tiền trong một khu phố đủ điều kiện để làm ăn. Vả lại từ trước đến giờ anh vẫn phải làm chung phòng mạch với một người bạn, một đàn anh thì đúng hơn. Đây là cơ hội để tiến thân, để tự lập, để tự khẳng định mình. Một lần nữa “triều đình hủ lậu” của nhà anh lại “dâng bản điều trần” một mực xin can. Sao họ lắm điều thế nhỉ? Chẳng qua cái thứ phụ nữ ế chồng thường sinh ra thế. Nhìn cái gì cũng rặt một màu u ám. Vả lại, chuyện của anh kia mà. Anh thừa bản lĩnh. Mình là đàn ông, mình là người chủ động. Muốn tấn công hay không cũng là chuyện của đàn ông. Vả lại, các cô con gái bác Thịnh, nhất là Thanh Nga, nề nếp thế kia, dịu dàng thế kia, kín đáo thế kia…

 

Anh là người gặp may. Nhờ địa điểm thuận tiện phòng mạch của anh ăn nên làm ra trông thấy. Mà xét cho cùng thì may mắn cũng chỉ một phần. Cái chính phải nói đến tài năng chứ. Nếu không có tài sao người ta chịu nhường đứt cả căn phòng khách cho anh làm ăn. Chẳng qua là vì lo cho sức khỏe ông cụ. Họ đặt hết tin tưởng vào anh và còn gì hơn là có một bác sĩ đúng chuyên môn thường trực tại nhà. Hơn nữa, nếu không có tài sao bệnh nhân tìm đến anh ngày một đông. Bác gái, người quen coi anh như  con cháu trong nhà, âu yếm bảo đùa: “Chịu anh là tài. Xung quanh bao nhiêu là bác sĩ mà có ai được như anh đâu. Người khôn con mắt đen sì. Con mắt của anh thì rồi ăn hết của thiên hạ đấy thôi”. Anh quay đi nghe nở từng khúc ruột. Hôm đó về nhà soi gương anh ngắm kỹ mình. Kể ra con mắt mình cũng không đen là mấy. Được cái đôi chân mày rậm rì. “Con mắt đen sì…” Mà lông mày hay con mắt gì cũng thế. Lông mày cũng một phần của mắt đấy thôi. Ong bà mình không có đầu óc khoa học vốn qua loa đại khái không có gì là minh bạch cả. Kể ra cuộc sống dễ chịu thực, chả ai thuê được một phòng mạch như anh. Tụi bạn anh phải điên đầu vì những yêu sách của chủ nhà. Nay đòi lên giá, mai lên giá lại còn uốn vặn đủ điều. Anh thì không. Đến giờ làm việc đã có người mở sẵn cửa chờ anh. Bàn ghế được xếp dọn ngăn nắp, sạch sẽ, màn cửa được thay giặt thường xuyên. Sau giờ làm, đôi khi nhà có việc anh lại được mời như một khách danh dự của gia đình. Có bữa về trễ cả nhà bác ngồi chờ làm anh áy náy mãi. Nhất là Thanh Nga, đôi mắt nhìn anh cứ như ẩn chứa một điều gì. Thực ra cô ấy không trẻ cũng không đẹp, phải nói là hoàn toàn không. Còn công ăn việc làm thì… thì… hình như cô ta chẳng làm gì cả. Chỉ cắp sách đi học đủ thứ như một cách hội nhập với đời. Nhưng cần gì, anh có nhắm nhe tìm vợ đâu. Miễn sao mọi người làm anh thoải mái là được. Cô ta lại ngây thơ, rất đỗi ngây thơ. Mới cách đây mấy bữa cô ấy lo lắng và thổ lộ với anh là thấy mệt. Đôi mắt ấy ngước nhìn anh đến tội nghiệp: “Anh… bệnh tim có di truyền không anh?” Anh đã khám cho Thanh Nga kỹ càng và trấn an cô đủ thứ rằng sức khỏe cô rất bình thường, rằng trái tim cô làm việc rất tốt. Không biết sẩy môi sẩy miệng thế nào mà câu chuyện này đến tai các bà chị. Thế là một hôm đi làm về mới cởi xong cái áo anh đã nghe dưới bếp chị Tư thỏ thẻ, thỏ thẻ vừa đủ anh nghe: “Anh ơi, bệnh tim có… truyền nhiễm không anh?” Rồi tiếp theo là trận cười nổ bùng ra. Anh bỏ đi lên phòng khách.

Thêm vài tháng nữa, mối quan hệ chừng khắng khít hơn. Đã có hôm anh cùng năm tiểu thư nhà bác Thịnh đi xem ca nhạc và đôi lần không rõ lý do gì anh đã đi với một mình Thanh Nga. Điều này cũng thích nhưng khi nghĩ lại anh có hơi giật mình. Nhưng đâu có sao. Chở một cô sau xe đâu có nghĩa là bồ bịch. Mà bồ bịch đâu có nghĩa là phải cưới xin. Mình là đàn ông, mình chủ động chứ. Tất cả do mình quyết định.

 

Vì tình bạn cũ, bác Thịnh đã ghé thăm cha anh. Hai ông chẳng tương đắc là mấy nhưng cả hai cùng vui vẻ. Thanh Nga cũng đến, khi thức này, khi thức khác, coi như đại diện gia đình đền ơn đáp nghĩa. Luôn thân mật, lễ độ, ý tứ trong cách cư xử, cô thường tìm một chiếc ghế thâm thấp ngồi kề mẹ anh kể lể chuyện nhà suốt buổi. Khó tính như chị Cả cũng đã có lúc muốn xiêu lòng. Nhưng chị Ba thì luôn luôn tỉnh táo: “Bắt đầu chiến dịch xiết bù-lon rồi đấy.”

 

Một thời gian sau anh buộc phải nghĩ đến vấn đề mà bất cứ người đàn ông đàng hoàng nào cũng phải nghĩ đến đó là hôn nhân. Rút lui hẳn là không được. Anh có cảm tưởng tội lỗi như mình đã lừa dối một linh hồn, mà tiến tới thì… quả tình không hồ hởi mấy. Nhan sắc của Thanh Nga theo sự tô vẽ của bốn bà chị thì vừa thấp, vừa tròn, vừa đen. Nhìn vào khuôn mặt chỉ thấy mỗi cái miệng. Quả tình cũng có một phần nào sự thực nhưng “cái nết đánh chết cái đẹp” chứ. Anh vốn độc đoán nóng nảy. Cần có một cô vợ biết chịu đựng và nhẫn nhục. Mà cả năm cô tiểu thư này, đúng hơn là cả gia đình này đã hết sức chiều chuộng anh. Đã có lúc anh nổi nóng rồi cảm thấy ân hận khi đọc được nét rụt rè, lo sợ trên năm khuôn mặt dịu hiền đó. Vậy mà bây giờ được một cô làm vợ thì cũng là có phước. Anh suy nghĩ, đắn đo cân nhắc rồi quyết định trình bày với mẹ. Mẹ anh chưa kịp có ý kiến dưới bếp đã vẳng lên một câu Kiều: “Thế công Từ bỗng đổi ra thế hàng.” Cha anh biết chuyện không nói gì, chỉ đi đi lại lại trong phòng. Trời nóng, ông ở trần, cái quạt cắp sau lưng đủng đỉnh bảo anh: “Bố và bác Thịnh tuy là bạn cùng lớp ngồi cạnh nhau mà không thân nhau. Nhưng nếu bây giờ kết nghĩa thông gia thì cũng được. Chỉ có điều con đã có bốn bà chị chưa chồng chỉ mong sau này dựa vào con. Bây giờ con tìm thêm bốn bà cũng sẽ dựa vào con. Mọi việc tùy con thôi nhưng bố e… sức người cũng có hạn.” Phần mẹ anh thoạt tiên bà có hơi buồn vì thương con. Bà biết rõ tính thằng con thích vợ đẹp thế mà duyên nợ lại đưa nhầm một cô hơi kém phần nhan sắc. Nhưng sau khi hai bên thăm hỏi nhau bà lại phấn khởi ra mặt: “Hai đứa cùng tuổi hợi tốt lắm. Bên ấy đi coi tuổi bảo là tuổi hợi thì nằm đợi mà ăn đấy.” Rồi xuýt xoa :”Con Nga thế mà tốt nết, lại có số may mắn nữa. Giao thừa cả nhà bên đó đi lễ chùa rồi trở về là phải chính con Nga tự xông đất đấy. Nó vốn nhẹ vía.” Chị Hai bỗng xông vào: “Mẹ không biết đấy. Cái nhà đó họ xông đất tập thể. Người đón đằng đầu, người chặn đằng cuối. Tất cả ùa vào thì ông thần tài ba đầu sáu tay cũng không thoát khỏi.” Mẹ anh đưa hết cả hai tay lên trời rồi từ từ hạ xuống: “Thôi thôi tôi van các cô. Vừa vừa phai phải thôi cho tôi còn kiếm chút cháu.”

 

Mấy hôm nay anh mệt phờ người vì phải lo chuẩn bị cho cuộc sống lứa đôi sau này. Trước mắt phải có một cái nhà. Vốn liếng của anh, cọng thêm số tiền mượn của bố mẹ cũng không cho phép anh lựa chọn thoải mái. Được cái bác Thịnh, bố vợ tương lai của anh, rất nhiệt tình. Ong đọc báo dò hỏi và sốt sắng đi theo anh để giới thiệu chỗ này, chỗ kia. Sau một buổi sáng phờ phạc anh chở bác ghé qua nhà uống chén nước nghỉ ngơi. Hai ông già nói chuyện với nhau đã có chiều thân mật. Tiếng bác Thịnh xuýt xoa:

- Anh có thằng con quý quá. Cái gì cũng đòi gánh vác, thân tự lập thân. Bên tôi nhà cửa rộng rãi tính sau này dành cho vợ chồng nó một phòng. Vậy mà nhất định không chịu gởi rể. Bà nhà tôi buồn vì phải xa con nhưng phận gái thì phải theo chồng chứ. Vả lại nó lại được một ông chồng đáng mặt đàn ông.

 

Hùng vào trong cởi áo nằm ngả lưng xuống giường, vươn đôi vai mỏi nhừ. Bà chị Hai ló mặt lên mát mẻ:

- Mệt hở? Thanh niên trai tráng gì mà yếu thế. Mày xem sức già như bác Thịnh kìa.

Chị Tư xen vào:

- Ừ, sao dạo này ông ấy khỏe thế nhỉ?

Và chị Cả:

- Không nghe nói đến bệnh tim nữa.

 

Chị Hai khe khẽ dài giọng ra:

- Mày không biết bố vợ mày bệnh tim à? Cũng vừa phải thôi chứ. Chở ông chạy thế kia có mà rớt tim.

Chị Ba khúc khích:

- Khéo lo! Rớt ở đâu thì thằng Hùng nó biết ngay chứ. Bác sĩ tim mạch mà lại.

 

*

Cuộc sống anh đã có nhiều thay đổi. Nó cuốn anh vào một vòng xoay không đầu không cuối, không biết lối nào ra. Những thay đổi ấy cứ từ từ từng bước một ngấm ngầm đến với anh buộc anh phải bỏ một vài thói quen, sửa đổi một vài nếp nghĩ. Sống với bốn bà chị của mình nếu bỏ ngoài tai sự lắm điều nhiều chuyện của họ thì anh không phải lo gì cả. Vốn là con trai độc nhất anh được tự do hành động. Khi chính thức bước vào nhà bác Thịnh anh có một môi trường mới để làm quen. Cái môi trường mới qua một thời gian dài bỏ công dò dẫm hóa ra cũng không như mình tưởng. Thoạt tiên khi hai vợ chồng ở riêng, phòng mạch anh không còn được chăm chút như xưa. Ai dư công làm việc ấy. Các cô tiểu thư nửa đùa, nửa thực bảo ngày xưa Thanh Nga chính là cô tiên trong quả thị hiện ra một tay dọn dẹp… Còn bây giờ anh đã cưới được tiên… Thế là mỗi ngày bàn tay trần tục của anh phải mó vào những việc từ trước đến giờ vốn xa lạ để phòng khám bệnh  tươm tất một chút. Dần dần dấn sâu vào thế giới ấy anh khám phá rất nhiều điều. Hóa ra khi trở thành người trong nhà thì người ta không nể anh cũng không sợ anh là mấy. Và hình như  đã là phụ nữ thì họ cũng … giống nhau. Có khác chăng là cách biểu hiện. Một bên quý tộc, một bên bình dân. Dẫu quý tộc, khi lâm trận họ đều có đủ giáo, mác, lưỡi lê… tua tủa như bốn bà chị anh. Nhưng khổ thay, họ không là chị anh. Và cả bà mẹ vợ nữa. Trong giọng nói của bà anh nghe đã có cân lượng của cả chì, cả bấc. Ngày mỗi ngày phải đối phó với chừng ấy chuyện tủn mủn nhỏ nhặt không đâu vào đâu làm anh phát điên lên. Cứ đi ra một tiếng, đi vào một tiếng thế này thì ai chịu nổi. Cái phòng mạch mà họ luôn chứng tỏ như một đặc ân ban cho anh đã buộc anh phải suy nghĩ. Một lần nữa, vì phóng khoáng, thích tự do cọng thêm cái chí “thân tự lập thân” mà ông bố vợ ca ngợi, anh quyết định dời phòng mạch. Hầu như Thanh Nga chẳng giúp gì được cho anh. Sau khi cưới không lâu cô có thai. Thế là bụng mang dạ chửa… Mình là đàn ông, phải bảo bọc gia đình chứ. Thực ra anh không nghĩ đến chuyện vợ anh phải gánh một phần trong vấn đề kinh tế nhưng sao thỉnh thoảng anh cứ nhớ lại cử chỉ lúng túng và nụ cười gượng gạo tội nghiệp của mẹ hôm cưới khi người ta hỏi về công ăn việc làm của nàng dâu “Ấy, em nó đang… học nốt cái bằng cử nhân.” Các bà chị anh quay đi cười khúc khích. Và bây giờ, khi biết anh rối cả ruột , mệt bơ phờ vì lo thu xếp ổn định công việc làm ăn thì bà chị Cả quay ngoắt đi buông một câu “Oi giời ơi, lợn nào cũng là lợn, sao thân con lợn nhà mình khổ thế không biết.” Rồi cả bốn bà kéo nhau xuống bếp “họp bàn quốc sự”.

 

Phụ nữ có thai nào cũng thế, Thanh Nga thay đổi hẳn tính nết. Khó chịu, gắt gỏng hơn. Ý thức được rằng cô đang mang trong lòng hạt giống qúy báu của giòng họ nhà mình anh không đòi hỏi gì cả. Bây giờ chính anh lại là người chiều chuộng, nhẫn nhịn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cô. Như một phụ nữ lãng mạn và mơ mộng thứ thiệt, vợ anh tha hồ thêu hoa dệt gấm cho thiên tình sử của mình. Hai người giận nhau thế nào, anh năn nỉ ra sao. Rồi nào là hò hẹn, nào là đón đưa… Có bữa anh bám trụ giục mãi cũng không chịu về. Đôi lúc quá đà cô đã từng tuyên bố để rồi đến tai các bà chị chồng rằng chuyện tình hai người trắc trở một phần vì gia đình ngăn cấm. Tất cả các tình tiết đủ để bốn bà chị không chồng, có bà không một mảnh tình vắt vai phải tức lồng tức lộn lên. Giờ thì trong nhà anh hình như những cái ghế đều cao bằng nhau. Khi nói chuyện với mẹ chồng cô không còn tìm ra cái ghế nào thâm thấp nữa. Vả lại vẽ chuyện mà làm gì. Mẹ với con mà, ai vào đấy. Điều khó chịu nhất cho anh là để tỏ ra mình cũng có “thế” của mình cô tiếng một tiếng hai thẳng thừng với anh trước mặt gia đình. Anh đanh mặt lại không biết phải làm gì khi nghe bà chị cả thì thầm: “Không dám động đến một sợi lông tơ chúng mày ạ.” Chị Hai vờ như hốt hoảng: “Ấy chết, nó là bác sĩ tim mạch thì phải biết chứ. Nguy hiểm lắm! Bệnh tim là di truyền đấy nhé! Là… truyền nhiễm đấy nhé!”

 

Nhưng rồi mối quan hệ phức tạp giữa những người phụ nữ quanh anh bớt căng thẳng đôi phần sau khi thằng Cún con ngộ nghĩnh ra đời. Niềm vui làm họ trẻ lại và gần nhau hơn. Ngày thôi nôi cả tám bà chị bên chồng lẫn bên vợ hể hả xúm quanh chiếc nôi bé xíu cứ như các bà tiên trong một câu chuyện cổ. Họ tạm quên đi những lời bóng gió mỉa mai nhau. Trẻ con muôn năm! Người ta đặt ra ngày Quốc Tế Thiếu Nhi cũng phải. Hẳn trẻ con đã góp một phần quan trọng cho nền hòa bình thế giới. Thằng Cún con tha hồ được cưng. Hằng tuần thằng bé được bế về bên nội rồi về bên ngoại. Phần Hùng, anh đi vào khuôn khổ hồi nào không hay. Đôi lúc anh giật mình khi nhận ra vai trò quyết định trong gia đình không còn là anh nữa. Hình như vợ anh điều khiển tất. Nếu anh không bằng lòng ư? Cô ấy có ngay cách phản ứng. Phụ nữ khi đã có con thì sức mạnh tăng lên gấp bội phần.

 

Sáng hôm nay khi mọi người hối hả sắm sửa cho cái tết cận kề, bốn bà chị anh ngơ ngác thấy anh xách xe về nhà như một chiến binh thất trận. Họ cũng đang mong vì lâu lắm rồi họ không thấy thằng Cún con về thăm các bác. Thằng bé đã lên ba,bắt đầu bi bô suốt ngày. Chị Ba đưa mắt ngó chị Cả. Anh lặng lẽ vào phòng đóng cửa. Một hồi lâu, mẹ anh đoán điều gì không ổn đã mở cửa vào theo. Chị Hai nhỏ giọng:

- Chắc lại cơm không lành canh không ngọt.

Chị Tư bĩu môi:

- Chuyện ấy thì cứ xảy ra như cơm bữa. Con Nga quá quắt lắm.

- Ay, cho thằng Hùng mở mắt ra. Cứ tưởng “củi tre dễ nấu…”

 

Cơm trưa đã chuẩn bị xong nhưng hình như chẳng ai nghĩ đến chuyện ăn uống. Cửa phòng mở, mẹ anh bước ra một mình, khuôn mặt đăm đăm suy nghĩ lung lắm. Bà ngồi xuống bộ phản trong góc bếp trầm tư:

- Chuyến này… chắc mẹ phải đến nhà bác Thịnh. Con Nga bỏ về cả tuần lễ rồi.

Cả bốn bà chị nhao nhao lên:

- Sao phải thế?

- Mặc nó chứ. Tụi nó phải tự giải quyết với nhau.

- Mẹ làm thế được đằng chân nó lân đằng đầu đấy.

Mẹ anh chậm rãi:

- Nhưng lỗi tại thằng Hùng. Nó quá trớn…

Chị Ba la lên:

- Thì từ trước đến giờ nó vẫn… ngon trớn thế mà.

Chị Cả ấm ức:

- Mà lỗi phải thế nào?

Chị Hai cướp lời ngay:

- Thằng đó làm gì mà không lỗi. Từ xưa đến nay nó vẫn độc đoán, hung hăng ngang ngạnh làm càn. Nhưng sao xưa kia người ta chiều lụy nó thế, mơn trớn nó thế, phỉnh nịnh nó thế…

Và chị Tư:

- Phải rồi, càn quấy… thì xưa kia nó vẫn càn quấy…

 

Mẹ anh vẫn từ tốn:

- Nhưng các con nhìn lại mà xem. Thằng Hùng bây giờ chững chạc hẳn ra, đàng hoàng hẳn ra. Tính càn quấy mười phần đã bớt đi sáu bảy. Mình lại được thằng Cún con vui nhà vui cửa. Theo mẹ, mẹ thấy mọi chuyện đều tốt đẹp. Con Nga biết dạy chồng…

- À, dạy chồng… Nghĩa là chờ khi chui vào tròng rồi mới bắt đầu kế hoạch dạy dỗ. Sao hồi đó nó dịu hiền thế, ngoan ngoãn thế, ngây thơ thế…

- Ơ hay chưa! Con này không mô phạm gì cả. Dạy thì phải theo trình độ chứ. Như Cún con nhà mình chưa học lớp chồi lớp lá gì tất mày có đem Kiều ra dạy nó được không? Mới bắt đầu thì cũng phải “cháu lên ba cháu vô mẫu giáo” cái đã chứ.

 

Hùng nhắm mắt lại, buông xuôi hai tay bất lực nằm nghe “triều thần” làm loạn. Họ ấm ức thì cũng phải. Một điều gì gần như là thua trận. Hóa ra họ khôn ngoan là thế, sắc sảo là thế mà vẫn không làm gì được nhau. Trong khi đó đối phương rất nền nã, rất qúy phái cứ âm thầm lặng lẽ giành hết thắng lợi này sang thắng lợi khác bởi vì nắm vững cả chiến lược lẫn chiến thuật. Hay là mình dại thật? Anh đặt câu hỏi rồi chán nản lắc đầu. Khôn dại mà làm gì. Đàn bà nào chẳng thế. Không Thanh Nga thì cô khác đâu có gì khác nhau. Rốt cuộc thì đàn ông nào cũng chui vào vòng luẩn quẩn. Thử hỏi thứ đàn ông trần tục như anh mấy ai chống được đội quân tóc… đủ kiểu này.

Tiếng mẹ anh phân trần phải quấy. Kể tội anh để hạ bớt một phần bầu không khí đang rừng rực lửa chiến tranh. Bà hạ giọng:

- Thôi các con ạ. Miễn sao nó lo được cho chồng con nó đàng hoàng tươm tất là qúy. Miễn sao nhà cửa em mình trong ấm ngoài êm.

- Thế còn gia đình họ thì sao? Con gái bỏ chồng về nhà mình mà họ để yên thế kia à? Nghe đâu nhà đó phép tắc lắm kia mà, nề nếp lắm kia mà.

Và cuối cùng tiếng chị Cả chấm dứt “hội nghị” bằng một câu tuyên bố đanh thép:

- Không, con không để mẹ đi. Dứt khoát mẹ không đi đâu cả.

 

Nhưng một sự nhịn lại được cả chín sự lành. Thằng Cún con lại trở về vòng tay cúi đầu đến  mỏi cả cổ để bập bẹ chào thưa. Rồi tiếp theo là tiết mục bá cổ lần lượt thơm hết cả bốn bà bác. Da thịt trẻ con vừa mịn màng vừa thơm mùi sữa đã hóa giải tất cả, xoa dịu tất cả. Nhà cửa tưng bừng như mở hội. Chị Tư chủ động lau hết cả sàn nhà bếp cho thằng bé tha hồ lê la quanh quẩn bi bô. Chị Hai mở vội cái bánh chưng mới vớt còn nghi ngút khói vừa thổi vừa đút cho Cún con. Cái miệng xinh xinh nhồm nhoàm be bét bánh, đôi chân nhún nhảy, Cún con đang phục vụ tiết mục “ca nhạc theo yêu cầu”. Cả bốn bà bác thích thú lắng nghe, rồi vỗ tay, rồi lục lọi thứ này thứ kia để thưởng. Hùng sung sướng thưởng thức nốt phần bánh chưng mà các bà chị đã âu yếm dành cho anh như ngày xưa. Hóa ra hạnh phúc đơn sơ thật. Trên nhà bà mẹ vợ đang nói chuyện rôm rả với bố mẹ anh. Bà xách theo một giỏ gọi là quà nhà quê từ Long Khánh lên. Tiếng bà đon đả:

- Ay, con dại cái mang. Con Nga nhà tôi ngần ấy tuổi đầu mà nông nổi lắm. Giá có tôi ở nhà thì chuyện đâu vỡ lỡ đến thế này, đâu phải bận lòng anh chị. Khốn nỗi có đám cưới con cháu gái ở Long Khánh tôi phải về dự. Rồi thì gả con gái út nhà cửa hiu quạnh quá dì Ba nó buồn giữ riết tôi ở lại chơi… Ong nhà tôi trở bệnh bất ngờ cứ ngỡ con gái thương cha về chăm sóc. Đấy, ba dồn bảy dập thế đấy nên tôi đành… chịu lỗi với anh chị.

- Thôi thôi chị ạ. Tất cả êm đẹp là mừng rồi. Tết nhất lại sắp đến…

- Vâng, ông nhà tôi cũng mừng lắm. Mừng nhất là hai gia đình vốn quá hiểu nhau, dễ dàng thông cảm nhau nên chuyện gì cũng chín bỏ làm mười…

 

Tự nhiên Hùng cảm thấy một điều gì đó bất ổn. Cả bốn bà chị im lặng, một sự im lặng đến lạnh cả người. Tiếng Cún con bi bô lạc lõng. Trên nhà, bà mẹ vợ vẫn trầm bỗng du dương:

- Bởi thế nên từ khi biết hai đứa chúng nó bén duyên nhau…

Chị Hai dằn dĩa bánh đang đút dở cho Cún con xuống bàn quay ngoắt đi:

- Bén duyên! Khiếp!

Miếng bánh như mắc nghẹn ngang cổ anh. Toàn thân anh nổi gai ốc khi bà chị Ba rút đôi đũa ra khỏi chảo đồ chay nghi ngút khói hươ hươ như thầy pháp đọc bùa:

- Oi giời ôi! Lửa gí… í… í vào rơm!./.

 

Ngô Thị Ý Nhi
Số lần đọc: 2057
Ngày đăng: 19.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái đèn “măng-song” - Diệp Hồng Phương
Trong Suốt Như Khí Trời - Khuất Đẩu
Đi về miền gió hát - Như Như Kim
Nơi sóng vẫn gọi - Võ Thu Hương
Chuyện sau cánh cổng - Tạ Ba
Ông Bầu Săn - Nguyễn Thanh Hiện
Không Thấy Núi - Khuất Đẩu
Thành Hoàng /Những Người Con /Mộ Chí - Nguyễn Viện
Ngã rẽ - Võ Thu Hương
Cà Phê Không Đường /Cà Phê Sữa Và Cà Phê Đen - Đỗ Mai Quyên