Truyện này viết ra ắt có thể bị cho là chuyện bịa, chuyện hoang tưởng, cùng lắm cũng chỉ được coi là giai thoại. Biết làm sao được! Có nhà văn lão luyện bảo : "Biết viết thì bịa mà như thật; không biết viết thì chuyện thật trăm phần trăm cũng là không thật". Tôi chẳng khéo viết, mà không viết thì lại chẳng yên lòng. Thôi thì ghi được giai thoại cũng đã là may lắm. Nhưng giai thoại là gì nhỉ? Phải chăng là chuyện đời ẩn sau những lời kể thường được đánh giá là chẳng mấy nghiêm túc?
*
Chùa Hương. Ngày xuân. Mùa hội. Người lũ lượt đi và leo. Thanh niên, người già, và cả con nít. Đủ sắc màu trang phục: trẻ trung, rực rỡ ; quê mùa, cũ kĩ ; sang trọng, lố lăng ; nghiêm chỉnh, chững chạc. Vừa đi vừa cười đùa; vừa leo dốc vừa tụng niệm. "A di đà Phật!" và "A di đà mệt!". Trên một bãi cỏ mơn mởn hơi cách xa lối đi, một toán sáu người ngồi vây quanh một mâm cỗ "dã ngoại" thịnh soạn. Cứ nghe khẩu khí của họ thì đó hẳn là các vị thượng lưu đời nay. Thức ăn đã dàn ra sẵn sàng. Những lon bia hộp chưa khui. Trước mặt mỗi người, một chén nước cay màu hổ phách đợi được chạm môi. Nhưng ở đây lúc này một sự im lặng ngưng đọng đang ngự trị, tựa hồ một mảnh nhỏ thế giới tách biệt với con đường nườm nượp khách lại qua. Ở đây, người thì nghiêng nghiêng mặt tư lự, tay xoa cằm; người thì nghếch nhìn chỏm núi xa; người thì khoanh tay trước ngực cúi soi mặt vào chén rượu; … Tất cả những con người ấy, dẫu có vẻ đang dồn sức nghĩ, thỉnh thoảng vẫn đưa mắt liếc nhanh một người mặt đỏ, dáng phổng phao, đang bệ vệ ngồi dựa lưng vào gốc một cây mơ già. Người này thì rõ ràng đang "vò chín khúc", đang "chau đôi mày". Chợt người trẻ nhất, hoạt bát nhất trong bọn, chừng ngoài ba mươi tuổi, hất cái đầu đội mũ phớt quát lên:
- Này, bác kia! Nghiêng ngó gì thế?
Mọi người giật mình nhìn lên. Một người chưa già, không trẻ, chân đi giày vải bộ đội, quần áo không sang, không tồi, không mới, không tàng, đến cạnh tự bao giờ. Anh ta đứng, hai bàn tay chụp lên đầu chiếc gậy lụi chống chếch trước mặt, đưa mắt điểm tiệc rượu, thản nhiên nói:
- Tôi là khách vãn cảnh, thấy cảnh lạ thì ngắm thôi.
- Cái gì lạ?
- Thú Hương Sơn thu lại vừa đầy một mâm rượu thịt. Song cỗ bày ra không phải để cúng, mà cũng chẳng phải để ăn. Chẳng là đáng lạ sao?
Anh mũ phớt gân mặt lên, nhổm người, nhưng rồi chững lại, hướng tới người mặt đỏ:
- Thưa anh, cái anh này…
Ông mặt đỏ khẽ hất một ngón tay, anh mũ phớt ngồi xệp ngay xuống, chĩa cái nhìn khinh thị sang kẻ quấy rầy:
- Anh nên biết chúng tôi đang bận làm thơ. Đã có sáng kiến là ai nghĩ ra thơ trước thì được nâng chén trước.
- Làm thơ à? Sao mà chậm chạp quá vậy? Thức ăn thiu hết còn gì! - Người lạ lắc đầu ra vẻ phiền muộn.
Bấy giờ ông đỏ mặt mới ngồi thẳng dậy nói không lên giọng mà nghe vang âm quyền thế:
- Chú có vẻ là dân lãng tử hơn là khách hành hương.
"Lãng tử" cười nụ:
- Sinh thời Cụ Hồ gọi chú xưng bác nghe giản dị, thân mật mà đẹp. Chẳng phải ai cũng nên bắt chước cụ, e rằng lại như Đông Thi bắt chước Tây Thi mất.
Không chắc ông mặt đỏ có am tường điển tích "Đông Thi bắt chước Tây Thi", nhưng nhìn mặt mấy người trong đám sầm lại, ông đoán chừng thằng cha kia lỡm mình; tuy vậy ông khoan dung nói:
- Anh chê chúng tôi nghĩ thơ lâu, anh có giỏi thì thử một bài xem nào. Cứ đọc ngay bốn câu, hay dở gì cũng được, chúng tôi sẽ mời anh cùng dùng bữa. Coi như tiệc "Tao đàn quần hội", hả! - Ông cười kha kha tự thưởng thức câu nói cao nhã.
"Lãng tử" giơ một bàn tay đập nhẹ vào gáy mình, nhăn nhó:
- Chà, chà, chà! Thôi được! Xin hẹn nhau thế này: nếu tôi đọc ngay bốn câu thơ thì tôi xin vô phép trước các vị, ăn và uống tùy thích. Các vị chịu khó xơi sau khi tôi xong. Có được vậy, tôi mới nhận thách.
Thằng cha này muốn rút lui trong danh dự, ra điều kiện oái oăm. - Ông đỏ mặt nghĩ thầm, rồi nói to:
- Được! Ta chấp nhận. Nếu anh thua, anh phải để giầy và gậy chống lại đây. Các đồng chí ta có nhất trí vậy không?
Mâm tiệc nhộn hẳn lên vì sự hóm của người có vẻ là bề trên hơn hết. Một ông đeo kính nãy giờ chỉ ngồi gại ria mép, hắng giọng lên tiếng:
- Xin nêu thêm điều kiện: làm thơ về chùa Hương, lấy vần "hương", có ý "hương", nhưng cấm dùng chữ "hương". Hạn trong một phút. - Vừa nói, ông ta vừa chìa cổ tay trái đeo chiếc đồng hồ Nhật Bản loại sang ra, dùng ngón trỏ tay phải gõ gõ lên mặt kính. Nói xong, ông ta nhìn ông mặt đỏ và những người ngồi quanh đắc ý ra mặt.
Lãng tử lại đưa tay gãi gáy. Mọi con mắt chĩa vào anh ta đón trước cái vẻ tẽn tò của anh chàng không được mời mà tự dẫn xác đến. Nhưng anh ta đã "e hèm" một tiếng, cao giọng đọc:
Chưa đến chùa đã rõ thơm
Tiếng đồn nức dạ khách thập phương
Khua chèo suối Đục chồn đôi gối
Xử gậy non Tiên lép bạnh sườn
- Tôi đã có bốn câu như các vị yêu cầu. Cũng đã đủ để thành bài thơ rồi, nhưng còn có thể mở thành một bài bát cú. Tôi xin đọc hai câu kết nhường hai câu luận cho các vị:
Vườn mơ ai vẽ cho ai trẩy
Tụng niệm mà chi - Khỉ vọc vườn!
Mọi cái miệng đối phương sắp tủm tỉm khép cả lại. Ông đeo kính cau mặt:
- Thơ thẩn như anh thì đình chùa hết cả linh thiêng.
- Thế là tôi được cuộc chứ ạ. - Lãng tử tỉnh bơ - Nào, mời các vị đứng lên cho!
Có mấy người mặt muốn tím lại, nhưng ông mặt đỏ và ông đeo kính đã đứng lên. Họ tản ra luẩn quẩn gần đó. Khu vực quanh mâm cỗ được giải phóng. Lãng tử ung dung đặt gậy xuống, chẳng cởi giầy, ngồi xếp bằng vào chỗ ông bự vừa dời đi. Anh ta chỏm luôn một hộp bia. Anh mũ phớt xua tay rối rít:
- Ấy chớ! Bia chúng tôi chỉ còn vừa đúng mỗi người một hộp. Anh uống rượu kia kìa, tha hồ.
- Sao lại thế? - Lãng tử nói giọng bảo ban - Tôi lại thích bia.
Anh ta thành thạo kéo khóa nắp hộp bia, ngửa cổ tu một hơi dài. Lúc đó, một bé trai gầy guộc dắt một bà cụ lọm khọm trên đường đi lên chùa trong chợt rẽ vào. Cháu bé tần ngần nhìn mọi người rồi ấp úng nói:
- Các bác, các chú có nước cho bà cháu xin ngụm. Cháu có mang theo chai nước nhưng vừa trót đánh vỡ.
Lãng tử ngắm hai bà cháu, một bóng âm u trườn qua vẻ mặt nhơn nhơn phớt đời mà anh ta vẫn giữ từ đầu câu chuyện tới giờ. Trước mặt anh là sự khốn khó hiện hình. Anh nhoài người nắm tay cháu bé kéo lại gần mình ôn tồn bảo:
- Ở đây không có nước cháu ạ, chỉ có bia thôi. Uống bia giải khát được lâu.
Có tiếng nói giật giọng phía sau:
- Này, bà già! Đi một quãng nữa có giếng tiên, uống nước giếng ấy vào giải được mọi nỗi oan, khách đi lễ người ta tranh nhau uống đấy.
Lãng tử không ngoảnh lại:
- Nước ấy không vệ sinh lắm, ông bạn cũng biết chứ. Mà chẳng tiên nào, thánh nào giải được các nỗi oan nhân thế đâu. Cụ ơi! Cụ thử uống một ngụm bia, nhẹ lắm, không say đâu, cụ ạ.
Bà già lóng ngóng đỡ lon bia đưa lên miệng nhấp một hớp rồi nhổ ra ngay:
- Nước gì có vị rượu lại khai mùi nước chè thiu thế này?
- Đồ giải khát nhưng thường lại dành cho những người chẳng khát đấy cụ ạ. - Lãng tử quay sang cháu bé - Cháu mang gì trong túi vậy? - Anh trỏ cái túi vải nâu thằng bé đeo quàng qua vai. Đứa bé thẻn mẻn:
- Thẻ nhang và thức ăn trưa của bà cháu và cháu.
- Cho chú nếm thử nhá.
- Chỉ có cơm nắm thôi, chú ạ. - Thằng bé ôm chặt lấy cái túi bằng cả hai tay.
- Không sao. Đã lâu chú quên mất vị cơm nắm rồi.
Anh gỡ nhẹ bàn tay cháu bé, đỡ cái túi, moi ra một cái gói mo cau. Trong gói là một cục cơm gạo đỏ độn những khúc sắn trắng nén khá chặt, điểm xuyết một ít muối vừng.
- Chú đoán đúng mà - Anh dùng dao xén một miếng cơm nắm nhai ngon lành. - Bùi thật! Nhưng mà thế này thì suất ăn trưa của hai bà cháu bị lạm rồi. Để chú đền cho những thứ kia.
Thằng bé giẫy nẩy:
- Không! Không! Cháu chẳng đồng ý đâu. Bà cháu và cháu không quen.
Bà cụ rụt rè lên tiếng:
- Ông ơi! Ông trêu chọc cháu già làm gì cho tội.
- Tôi nói thật đấy cụ ạ. Cụ nên nếm qua cho thấm thía - vừa nói, anh vừa vươn tay ra mâm thức ăn. Anh mũ phớt đứng đằng sau vội chồm tới nắm chặt lấy cánh tay anh:
- Anh tự tiện quá đấy. Của nhà anh đấy à?
Lãng tử bình tĩnh gạt tay anh kia, ngoảnh nhìn ông mặt đỏ:
- Thế nào bác nhỉ?
Ông này bặm môi, rồi nói không mấy xởi lởi:
- Hợp! Mặc anh ta. Mà anh bạn này! Việc của anh là ăn thôi đấy.
- Bác yên tâm! Tôi chẳng vi phạm giao kèo đâu. - Anh nhanh nhẹn lấy trên mâm cỗ mỗi thứ một miếng xếp đầy mo cau và túi vải của cháu bé. Bỗng thằng bé kêu lên:
- Chú đừng nhét khúc dồi ấy vào. Dồi luộc dối còn đỏ hon hỏn mà lại bốc mùi thum thủm.
- Dồi luộc dối đâu nào? À, lạp xường đấy cháu ạ. Cũng là những thứ dồi, lối Tàu có lạp xường, lối Tây có xúc xích. Phải kẻ sang giàu mới biết chuộng. Chú cũng chỉ mới được ăn có vài lần. Cháu cố nếm thử, khó nuốt thì quẳng cho mèo. Xong rồi! Cháu đỡ bà lên đường đi tiếp đi. A di đà Phật! Chúc cụ dẻo chân leo dốc.
Lãng tử thong thả nhai nốt miếng cơm độn sắn, nhìn theo hai bà cháu đang cập rập dắt nhau đi, chiêu thêm ngụm bia, đứng lên:
- Xin mời các vị. - Anh nghiêng đầu, đưa hai tay ra một cách lịch sự, rồi cúi nhặt chiếc gậy bước khỏi mâm tiệc. Trước khi bỏ đi, anh bảo ông đeo kính:
- Anh bạn ạ, mấy câu thơ dù có tuyệt bút chăng nữa thì cũng chẳng thể làm mấy pho tượng chễm chệ trên ngai mất thiêng được đâu, nếu người đời còn cả tin hoặc cả sợ.
Anh thong dong bước, đầu gậy điểm nhịp cho đôi chân. Nghe rõ tiếng nói không kìm nén ở phía sau của ông mặt đỏ:
- Hừ! Đáng tóm gáy thằng bắng nhắng kia mang quẳng xuống suối Giải oan. Đồ phản động! Toàn giọng xỏ lá. Mà ai là khỉ mới được chứ?
*
- Nghe như chuyện Ba Giai, Tú Xuất ấy nhỉ?
- Không! Đúng điệu một nhân vật vùng tôi. Vùng tôi có một tay vốn nòi nhà nho hay khoa hoạn gì đó. Cũng đã lâu rồi. Hồi ấy, hắn ta mới lớn lên, học hành dở dang đâu như mới đỗ Sơ học yếu lược thời Pháp thuộc; vì cha chết phải ở nhà làm ruộng. Làm anh nông dân con, nhưng hắn khá sành thơ phú cổ. Lần bầu Quốc hội đầu tiên, dân ta đang xóa nạn mù chữ, lại chưa quen việc bầu bán dân chủ. Để hướng dẫn cử tri, bộ phận thông tin tuyên truyền địa phương mới làm những bài vè, đại loại có những câu như:
Ông Mai thì nên chọn họ Lương
Đồng bào ta hãy nhớ cho tường
Xứng danh đại biểu không ngần ngại…
Hẳn là trong danh sách ứng cử viên có đến mấy ông Mai. Cái tay ấy - lúc đó, vừa đủ tuổi để được cầm phiếu bầu - bèn làm một bài thơ viết ngay vào lá phiếu:
Bầu bầu cử cử khéo lôi thôi
Ai được ai không đã biết rồi
Bắt dân học thuộc tha hồ chép
Quá chuyện khôi hài mấy chú ơi!
Các vị thấy thằng cha có láo lếu không? Dám gọi các bậc bề trên là "mấy chú" một cách xách mé. Xược quá đi chứ! Người ta nhận ngay ra nét chữ của hắn. Xã mới đem hắn ra ngồi sám hối trước bàn thờ Tổ quốc. Hồi ấy, chưa có cái lệ "đấu tố". Hắn ngồi trên một manh chiếu cách biệt với vòng người phía ngoài. Lũ trẻ con cứ nghển cổ nhóng vào bấm chóe nhau vừa sợ vừa thích sự lạ. Hắn bỗng hát tướng lên bài Diệt phát xít: "Việt Nam bao năm ròng lên xiết lầm than…" với cái giọng vỡ của trai mới lớn, bất kể nhịp và điệu. Mọi người ngớ ra. Trẻ con ré lên cười. Ông trưởng ban quân sự quát:
"Anh kia! Anh hát cho ai nghe đấy?"
" Cho người nào muốn nghe".
"Ai người ta thèm nghe".
"Thì tôi hát cho bò nó nghe".
"Được! Tự vệ đâu! giải nó đi, trói vào cột chuồng bò! Cho xuống đó mà hát”.
Hắn được một đêm nếm mùi muỗi chung với bò, song hắn lại không có được cái đuôi bò, mà tay thì không rảnh.
Hắn bị giải lên trên. Quanh quẩn thế nào mà rồi hắn được thăm nhà lao tỉnh. Đến đấy chưa được một ngày hắn đã có thơ ngâm ngợi công khai. Cảnh sát dọa cùm chân, hắn hỏi: "Có cùm mồm không?" Hậu quả của cái vạ miệng có thể khó lường, nếu chuyện không đến tai ông chủ tịch tỉnh. Về ông chủ tịch này có một giai thoại. Cách mạng tháng Tám, cướp chính quyền tỉnh xong, đoàn thể cử ông làm chủ tịch, ông lắc đầu quầy quậy: "Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, tôi có biết làm chủ tịch là làm cái quái gì đâu. Làm cách mạng thì tôi làm, làm chủ tịch thì tôi chịu". Trong giờ nghỉ giữa buổi họp, ông kéo một đồng chí ra một nơi. - Mày làm thay tao nhé. Cho tao về huyện, sức tao cố lắm cũng chỉ với tới cấp huyện thôi. - Đoàn thể cử mày chứ có cử tao đâu. - Đoàn thể thì cũng do mấy đứa mình đề xuất. Mày ưng thì tao trao đổi lại với các đồng chí. - Đi lâu rồi muốn về gần mẹ đĩ phỏng? - Chẳng phải vậy. Tao không quen việc giấy tờ. - Mày từng là giáo học; trong tù mày còn dạy tao cơ mà. - Tao ngại sa vào cảnh quan cách mạng lắm. Thôi thế này nhé: mày và tao bắt thăm. - Khôn thế! Vậy là ông bất đắc dĩ ngồi lên cái ghế chủ tịch tỉnh! Mấy đêm đầu, chiếc giường lò xo trong dinh tên công sứ Pháp cũ cứ nhún nhẩy dưới người ông, ông không sao chợp mắt nổi. Ông phải trải chiếu trên nền gạch hoa mà nằm. Tất nhiên giai thoại vẫn là giai thoại. Mấy ông quan chức ngày nay nghe chuyện chắc là cười mũi.
Ông chủ tịch tỉnh cho gọi nhà thơ ngông lên.
"Thấy bảo anh hay ngâm thơ, anh ngâm cho tôi nghe với nào".
"Thưa ông, không tiện ạ".
"Sao lại không tiện?".
"Thưa, vì tôi chưa biết rõ về ông lắm".
"Nên anh sợ không dám cho tôi nghe thơ anh chứ gì".
"Thưa, sợ thì chẳng sợ. Nhưng bài thơ ấy không phải để tặng ông".
"Thế thì tặng ai?"
"Tặng những người mà tôi biết rõ là đáng tặng".
"Được, anh cứ cho tôi nghe".
"Ông đã bảo vậy thì xin vâng. Tôi xin phép đọc thôi, vì muốn ngâm thì phải hợp cảnh:
… Cảnh sát cằn nhằn tuồng lại thuộc
Ủy ban hò hét giọng đường quan
Chính sách nghe hay người lại dở
Khéo mà trăm họ lại lầm than!"
"Hừm! Nói đến ủy ban mà bảo không tặng tôi. Thế ra tôi đứng ngoài ủy ban à? Hay là đứng trên? Nhưng thôi, chuyện đó cho qua. Bây giờ cách mạng rồi, làm gì còn đường quan với lại thuộc mà anh bêu riếu".
"Thưa, tôi chỉ nói sự thật mà bị bắt, hết xã lại huyện, rồi đến tỉnh. Có ông ủy ban đập bàn quát nạt tôi, còn cảnh sát thì nhiếc móc, đe nẹt tôi".
"Anh nói sự thật nào? Số đông dân chúng có được học hành như anh đâu. Mà anh thì đã học những gì? Anh tưởng dễ mà bắt dân học thuộc rồi đem chép được à?".
"Vâng, nhưng không nên coi như con nít".
"Con nít cũng chẳng phải bảo gì nghe nấy đâu. Anh cứ ngẫm anh thì thấy. Còn trong ủy ban, trong cảnh sát, cũng có người chưa tốt. Đoàn thể biết, nhưng phải từ từ. Mất hết cán bộ, ai làm việc cho? - Ông chủ tịch nhẹ giọng- Có chỗ cậu nói đúng: cán bộ dở thì làm hỏng chính sách, cũng tác hại như chính sách dở. Nhưng ngồi chửi đổng thì chẳng ích lợi gì cho ai. Cậu có muốn góp phần mình cho trăm họ khỏi lầm than không?".
Hắn ta được thả. Hắn xin vào trường Lục quân đào tạo sĩ quan và được chấp nhận chẳng khó khăn gì. Thời ấy, người ta còn ít nệ lí lịch, cũng không mấy thành kiến. Song từ đấy hắn bặt tăm. Không khéo tay lãng tử kia chính là hắn đổi lốt cũng nên. Có hồi hắn hay kí Mộng Hoài, chẳng rõ có phải vì mơ cô Hoài hay không. Hắn thì có đến mấy cái tên ấy.
*
- Đúng! đúng! Ha, ha, đúng tủ rồi!
- Cái gì đúng tủ?
- Tạ Hoài chứ không phải Mộng Hoài. Anh ta đi bộ đội chứ gì? Tôi có biết một chuyện kiểu như thế của anh ta, nhưng lần này thì với một ông quan thật, "đường quan chánh hiệu", có điều là quan cựu. Hồi ấy, xã tôi có một đơn vị Vệ quốc đoàn về diễn kịch. Trong vở kịch có vai một ông quan to muốn theo cách mạng. Trang phục cho vở diễn hẳn là khó rồi. Ai đó bàn nên kiếm một bộ áo mão thật. Gần miền có một ông Nghè, tổng đốc về hưu thời thuộc Pháp, người ta quen gọi là cụ thượng Trần. Sau này, người ta lại gọi là cụ thượng "Đại Đồng". Nguyên do là thế này. Trong thời vàng son của cụ, cụ thượng có "mời" ông cộng sản nào vào tù không thì không rõ, chỉ biết hai tiếng "cách mạng" thì cụ kiêng hoặc kiềng. Cách mạng tháng Tám thành công, người ta mời cụ vào ban chấp hành hội Liên Việt huyện, cụ cáo bệnh; mời làm Liên Việt tỉnh, cụ nhận. Cụ siêng năng đi họp, sốt sắng lên diễn đàn khi được yêu cầu - mà cụ thì không thiếu gì dịp được yêu cầu -. Trong một lần mít-tinh long trọng kỉ niệm ngày 6-1 (sau này chỉnh lại là ngày 3-2) cụ hùng hồn phát biểu: "Tôi thiết tha mong Đảng cộng sản lại ra công khai để dẫn dắt nhân dân sớm đi đến thế giới đại đồng". Cụ có một ngôi nhà ngang rộng bỏ không, xã mượn tạm làm lớp học, cụ bảo cụ dành nơi đó để mình nghiên cứu chủ nghĩa Mác cho tĩnh. Một trong những thú vui của cụ là hàng tháng đem phơi bộ phẩm phục vua ban ngày cũ vào những hôm nắng to. Tự tay cụ làm cái việc phơi phóng đó. Cụ lần giở, cụ săm soi, cụ vuốt, cụ ngắm hàng giờ. Con cháu cụ, kể cả những đứa cụ cưng nhất, chớ có chạm tay vào! Rõ ràng chuyện mượn bộ áo mão của cụ thượng Đại Đồng xem chừng quá viển vông, nếu không nói là phiêu lưu. Anh em trong đội kịch mới đố: Ai mà mượn được thì mọi người sẽ góp nhau đãi một chầu "mộc tồn" (thịt chó). Một cán bộ đại đội nhận thách. Có phải người mà các vị vừa kể vóc tầm thước, da đồng hun, cười nói to không? Anh ta đấy. Anh ta xin nghỉ hẳn một ngày để về làng cụ thượng làm gì chẳng biết. Xong rồi, anh ta yêu cầu một cái giấy giới thiệu nhân danh chính ủy trung đoàn, - hồi ấy, chính ủy trung đoàn đã là to lắm, - nhưng không đóng dấu được vì văn phòng đoàn bộ ở xa. Giấy giới thiệu được phong kín. Đến gặp vị cựu tổng đốc, anh bộ đội đĩnh đạc nhưng nhũn nhặn trình bày lời đề nghị của đội kịch, đưa giấy giới thiệu và tạ trước rằng con dấu cũ của đơn vị bị nứt vỡ, đang cho khắc con dấu mới. Quan thượng cựu ung dung bóc phong bì, ung dung lướt qua giấy giới thiệu, và ung dung… từ chối: "Những thứ ấy gói kín cất kĩ rồi, chẳng tiện lục ra", rồi ung dung đút lại tờ giấy vào phong bì và ung dung dán lại, - theo nếp quen của cụ trong những trường hợp tương tự. Anh bộ đội vội can: " Ấy! Xin lỗi. Dấu chưa đóng được tôi còn khắc; thư đã bóc rồi cụ chớ phong!" Cụ Nghè sững người, phong thư trong tay cụ rơi xuống đất. Cụ nhìn trân người khách vệ quốc đoàn. Các vị có biết vì sao không? Cụ thượng cựu vốn tên là Trần Khắc Phong. Câu nói mà anh bộ đội làm như vô tình thốt ra chính là một đôi câu đối rất chỉnh:
Dấu chưa đóng được, tôi còn khắc.
Thư đã bóc rồi, cụ chớ phong.
Đối với các nhà nho xưa, chơi chữ kiểu này làm đau hơn cả một câu chửi. Song thật xứng danh cụ thượng, cụ mỉm cười ngay được, ung dung cúi nhặt cái phong bì, ung dung mời nước nôi, ung dung hỏi chuyện gần xa, rồi dẫn sang chuyện văn chương. Anh bộ đội như vừa sực nghĩ ra:
"Tôi mới đến vùng này nhưng thấy làng ta quả là đẹp, trước hết là thế đất. Nghe nói một vị túc nho nào đó đã xướng lên hai câu khai đề một bài ngâm vịnh cho thiên hạ nối vào…"
"Đồng chí bộ đội có biết hai câu đó không?"
"Dạ, có phải thế này không ạ:
Trên thì cận thị, dưới kề giang
Ở giữa trồi lên một cái làng"
(Hai câu này nguyên là của cụ Nghè. Nói đến thơ cụ thì ngay chàng trai khéo mồm nào đang ve con gái cụ cũng không dám khen trước mặt bất cứ ai, ngoài cụ).
"Đồng chí bộ đội thử làm tiếp đi!"
"Dạ, - anh vệ quốc làm bộ nghĩ một chốc, - xin vô phép cụ "nối điêu" hai câu cho thành bài tứ tuyệt:
Có chợ, có sông, còn có cả…
Đa mang là nợ cái văn chương!
"Chính lắm! - Cụ thượng vỗ đùi - Âu cũng là cái duyên nợ văn chương, tôi cho đồng chí mượn bộ phẩm phục của tôi. Nói thật với đồng chí, nó là cái tình tri ngộ, chứ giấy giới thiệu thì dẫu có đóng đến mười cái dấu đi nữa cũng không mượn được đâu".
"Đồng chí bộ đội" mang "chiến lợi phẩm" đi rồi, cụ Nghè còn ngồi gật gù ngâm lại bốn câu thơ. Bỗng cụ ngừng bặt, ngờ ngợ…
Có được bộ áo mão thứ thiệt, buổi kịch khá xôm trò, nhưng ở cái khía cạnh khá bất ngờ đối với cụ Nghè lẫn đội kịch: Bộ áo mão ấy quá rộng mà người đóng vai quan lớn thì quá nhỏ thó.
- Ông bạn có vẻ biết kĩ cái anh chàng Tạ Hoài lắm nhỉ.
- Đâu có. Chủ yếu cũng là qua lời đồn. Nghe nói sau hiệp định Giơ-neo, anh ta đã chuyển ngành đi học sư phạm hay thủy sản gì gì đó. Chẳng rõ rồi anh ta biến đi đâu.
*
"Cái tên từa tựa thì tôi đã từng nghe. Chưa chắc đúng là người anh đang muốn biết. Vóc dáng, tính cách và hành tung thì có vẻ giống đấy. Nhưng cũng chẳng sao. Vào cái thời Trạng Quỳnh, những giai thoại Trạng Quỳnh chẳng thấm vào đâu; song một Trạng Quỳnh thực thụ lại chẳng thể nào kham nối ngần ấy giai thoại. Tôi cứ kể nhá. Anh ghi thế nào tùy anh".
Một buổi chiều muộn đẹp trời, một người đàn ông tầm thước, dáng tự tin bước vào phòng thường trực ti văn hóa tỉnh T.
- Tôi muốn gặp đồng chí trưởng ti.
Người thường trực già lúng túng. Tuy mới hơn bốn giờ, nhưng lúc này trưởng ti hẳn đang ở phòng bóng bàn với mấy cô, cậu cán bộ, nhân viên. Người khách đến thật không đúng lúc, dẫu phong thái ông ta đàng hoàng thế kia,…
- Đồng chí trưởng ti đang rất bận. Hôm nay đồng chí ấy không tiếp khách.
- Tôi là bạn anh Ân.
- Thế ạ. Thế thì mời đồng chí lên phòng khách chờ cho một chút. Này cô gì ơi! - Người thường trực vẫy tay gọi một cô gái đi qua phía ngoài - Cô dẫn khách hộ tôi, rồi sửa soạn các thứ đi nhé, để tôi đi mời anh Ân.
Trưởng ti vừa bước vào phòng, khách đã đứng dậy vồn vã:
- Chào anh Ân. Anh có khỏe không?
- Cảm ơn anh. Vẫn chơi "ping-pong" liền dăm "xéc" được. - Trưởng ti Ân xiết chặt tay khách mà lòng thì hồ nghi. Ai nhỉ? Trí nhớ của mình… Có người bạn đáng giá nào mình quên đâu! Nhưng tay này có tư thế lắm, chẳng phải loại làng nhàng. - Mời anh ngồi. Lắm việc quá anh ạ. Kìa! Anh xơi nước đi!
- Tôi ở xa nghe tiếng lăng mộ cụ Nguyễn, một lãnh tụ phong trào Cần Vương chống Pháp - Khách vào đề luôn. Trưởng ti Ân giật thót. - là loại lăng mộ cổ bằng đá, kiến trúc đẹp, có bia khắc thơ của các cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, ca ngợi công đức cụ Nguyễn, một nơi đáng được xếp hạng di tích lịch sử và văn hóa…
- Vâng, đúng thế. Bộ văn hóa cũng đã chuẩn bị văn bản. Tiếc rằng người ta đã san bằng để mở rộng sân phơi của hợp tác xã mất rồi. Anh tính dân mình còn lạc hậu thế, chỉ biết cái lợi trước mắt.
- Thấy bảo đây là hậu quả sâu xa của việc tranh giành quyền bính và lợi lộc giữa hai dòng họ lớn nhất xã Trung và là hệ quả trực tiếp của những đơn từ tố giác những vụ bê bối của những kẻ đương quyền xã ấy.
- Cũng có thể là như vậy. Nhưng quả thật muốn mở rộng sân cũng vướng lăng mộ, khó có cách nào khác. Chung qui cũng do dốt nát mà ra.
- Sao các anh không can thiệp?
Hừ! Thằng cha này có vẻ muốn hoạnh mình. - Trưởng ti văn hóa khó chịu, nghĩ.
- Chúng tôi biết quá chậm. - Thái độ chủ nhà đã kém hồ hởi, và câu trả lời buông sõng như một lá bài quăng ra. Nhưng nghĩ thế nào anh ta lại dịu giọng. - Họ phá dở dang rồi, anh bí thư tỉnh ủy bảo cho qua luôn.
- Người ta kể rằng lúc lăng đang bị đục đẽo để nhét thuốc mìn vào thì một chiếc xe con của tỉnh đang ở trụ sở xã. Có người chạy đến kêu cầu, người có thẩm quyền phán rằng: "Lăng mộ đã bị phá nham nhở có bảo tồn thì cũng chẳng ra làm sao nữa". Khi xe vừa ra khỏi cổng làng, mang theo một con lợn gần tạ và mấy bao gạo nếp thì nơi lăng mộ mìn nổ.
- Ai bảo anh thế? Mà anh là ai?
- Tôi là một công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
- Tôi không hề quen biết gì anh. Ai cho phép anh đột nhập một cơ quan Nhà nước mà hoạnh họe? Mời anh đi ra cho!
Cuộc to tiếng kéo người vào chật phòng. Trưởng ti đứng lên, tay chống nạnh:
- Bảo vệ đâu?
Khách vẫn ngồi điềm nhiên:
- Anh hãy bình tĩnh. Nhân đông đủ, để tôi đọc tặng bài thơ tôi ứng tác trên đường.
Trưởng ti Ân bị bất ngờ chưa kịp đối phó. Những người khác thì tò mò muốn chờ xem. Người khách đã cất tiếng đọc to, giọng nam trung vang và rõ.
Lâu ngày trở lại làng Trung
Tìm thăm di tích anh hùng thuở xưa.
Ôi thôi! Nào có ai ngờ
Mộ xưa, bia cũ bây giờ còn đâu!
Giọng đọc cao dần. Mặt người đọc lúc tái đi, lúc lại bừng bừng:
… Bao đời họ Nguyễn nơi đây
Cha, con, ông, cháu đánh Tây lẫy lừng
Tưởng rằng công tích rỡ ràng
Bia xanh còn đó, biển vàng còn đây…
Xung quanh không một tiếng ho, không một tiếng xì xào. Người đọc dường như chẳng còn để ý đến ai. Có lúc giọng anh rung lên:
Bác ơi! Bác có thấu chăng?
Cỏ cây xao xác, xóm làng xót xa
Đang tay đào mả ông cha…
Giọng đọc nghẹn ngào và mắt người khách như long lanh ướt. Câu đọc trở lại da diết và khẩn thiết:
… Việc này chúng chẳng chùn tay
Rồi ra thân phận người ngay thế nào?
Ai dung cho lũ cường hào?
Núp danh cách mạng, mượn mầu "vì dân"…
Tiếng đọc dứt, trưởng ti Ân như sực tỉnh. Ông ta cười khẩy một tiếng nghe rợn người:
- À, thì ra đây là tay chân họ Nguyễn làng Trung.
Ông ta ghé miệng nói nhỏ gì đó với trưởng ban bảo vệ, rồi len lén đi ra. Trưởng ban bảo vệ dõng dạc ra lệnh: "Ai ở yên đó! Nội bất xuất, ngoại bất nhập!" Phòng bên cạnh có tiếng vòng số quay lẹt rẹt. Một lát, một chiếc ôtô dã chiến dừng bánh ngay trước thềm phòng khách. Ba người công an lật đật bước vào, trong đó có một thiếu tá. Trưởng ti Ân len trở vào đến bên người chỉ huy công an trỏ tay vào người khách:
- Anh này ở đâu xồng xộc vào đây mạo xưng là bạn tôi. Anh ta đọc thơ xuyên tạc, kích động chống Đảng, chống chế độ, xúc phạm đồng chí bí thư tỉnh ủy, động đến cả Bác Hồ.
Thiếu tá công an hỏi cộc lốc:
- Bài thơ đâu rồi?
- Các đồng chí muốn nghe, tôi đọc lại.
- Không cần! Chưa cần! Sẽ có nơi, có lúc cho anh đọc. Đưa xem giấy tờ!
- Tôi chỉ có cái này. - Người khách móc túi đưa ra cái giấy. Viên thiếu tá chăm chú nhìn, lật đi lật lại.
- Đây chỉ là cái thẻ đọc sách thư viện. Giấy thông hành, giấy chứng minh của anh đâu?
- Hiến pháp nước ta ghi rõ quyền tự do đi lại, không ai qui định phải có giấy thông hành. Còn giấy chứng minh ở địa phương đây thế nào không rõ, còn ở các nơi khác, theo tôi biết, còn lâu mới xong cho tất cả mọi người.
- Mời anh đi sang ti công an.
- Các đồng chí định bắt tôi chăng? - Người khách cười nhạt hỏi.
- Tùy anh hiểu. Anh ở địa phương khác đến đây có hành vi khả nghi, liên can đến an ninh chính trị, giấy tờ không minh bạch, chúng tôi cần phải điều tra.
- Nói cho các anh biết: bắt tôi thì dễ, nhưng thả thì khó đấy. Tôi không giấu là tôi định ngay sáng mai tôi sẽ đi Hà Nội cùng bài thơ của tôi.
Viên thiếu tá cắn môi, mày hơi cau lại:
- Anh mang gì trong túi kia? - Anh ta chỉ cái túi xách kiểu kí giả người khách vẫn đặt bên mình.
- Tài liệu riêng của tôi.
- Cho xem!
- Các anh thích lục soát tư trang của công dân thì cứ việc. - Người khách ngả lưng vào ghế, tay khoanh trước ngực.
- Chúng tôi không cưỡng bức. Nhưng anh nên giúp chúng tôi.
- Giúp bắt tôi?
- Giúp gỡ… à, giúp giải mối nghi vấn.
- Nói thế thì được. - Sau một thoáng suy nghĩ, người khách đặt lên bàn một cuốn sổ bìa vải bọc mi-ca có mép khép lại như một cái nắp. - Đây! Nếu các anh nghĩ là cần.
Người sĩ quan công an chộp cuốn sổ, lần giở ra. Có những trang ghi thơ. Có những tờ dính ảnh. Khá nhiều ảnh. Thấy vậy, mấy người xúm lại cặm cụi xem. Kinh nghiệm nghề nghiệp cho thấy lắm khi những tấm ảnh mách bảo nhiều điều. Nhưng sự hăm hở dần dần nhường chỗ cho sự phân vân. Những ánh mắt ý tứ liếc nhau. Quái! Kẻ mà họ đang sẵn sàng xích tay đây lại có mặt trong những tấm ảnh mà cả đời họ chẳng dám mơ tới. Đây, Bác Hồ đang chăm chú trước một mô hình. Kia, thủ tướng đang tươi cười giữa mấy người vây quanh. A! Hắn cũng có mặt đang nhe răng cười. A! Ông ta đang thuyết trình gì đó. Toàn là ảnh chụp cùng các vị lãnh đạo cao cấp. Lại có cả một cái tem khổ to in hình Bác Hồ mang chữ kí viết tay của Bác. Thật là khó nghĩ. Viên thiếu tá nhẹ tay gấp cuốn sổ lại, mân mê cái bìa một lát:
- Làm sao anh có được các thứ này? - Người công an dè dặt hỏi:
Kể ra thì chẳng có gì ghê gớm. Chẳng hạn, ai đã có dịp phụ trách một phòng trưng bày được Bác và các nhà lãnh đạo trung ương đến thăm thì vinh dự kia không khó. Nhưng họ không nghĩ ra hoặc chưa kịp nghĩ ra.
- Chuyện đó các anh khỏi cần quan tâm.
Trưởng ti Ân pha chè rót ra các chén, nhưng không lên tiếng mời ai; vẻ mặt ông ta âm thầm. Viên thiếu tá lẳng lặng đặt một chén nước trước mặt khách, một chén trước mặt trưởng ti văn hóa, và tự mình nhấc một chén đưa lên miệng. Mấy ngụm nước nhấp thong thả. Mấy giây im lặng. Chợt anh ta lên tiếng, ánh mắt thân thiện hướng vào người khách:
- Đồng chí có thể cho nghe bài thơ được không?
Trưởng ti nhăn mặt. Người khách không để nài. Lần này anh tự kiềm chế hơn, nhưng đọc vẫn rất diễn cảm. Nghe xong, thiếu tá từ tốn đặt chén nước lên bàn, cười lên một tiếng:
- Bài thơ ngộ thật, nhưng hơi ác. Về cái làng Trung thì đã có mấy câu vè nặc danh tệ hơn ấy chứ. Báo cáo anh Ân, hôm nay ở đây có sự hiểu nhầm nhau thôi. Bây giờ khuya rồi, để đồng chí đây đi nghỉ, anh nhỉ. Anh ta quay sang người khách - Bên này chắc không sẵn chỗ ngủ, mời anh sang ti chúng tôi, bên ấy luôn luôn sẵn sàng đón tiếp.
- Cảm ơn. Tôi không quen ngủ độ chỗ công an. - Người khách trước khi đi ra bắt tay chào khắp lượt.
Hôm sau anh lên đường về thủ đô, đâu biết rằng có một bức điện từ tỉnh T, đánh đi đề nghị điều tra về một kẻ đáng ngờ, như thế, như thế,…
Lúc tôi về tỉnh T. Thì chuyện phá lăng ở làng Trung hầu như đã bị lãng quên. Trưởng ti Ân đã về hưu, hình như quá sớm. Đám quyền hành xã Trung cũng ít nhiều thay bậc đổi ngôi. Sân phơi của hợp tác xã quả có mở rộng thênh thang, nhưng bây giờ là nơi chơi đùa, đá bóng của thanh thiếu niên. Duy, khoảnh sân nơi có lăng mộ cũ thì cỏ mọc tùm bum qua các kẽ gạch lát. Chừng bọn trẻ kiêng chốn này. - Chẳng có lẽ chúng sợ ma? - Tôi uổng công dò hỏi tung tích người khách nọ. Đâu như ông ta họ Tạ, hoặc tên là Tạ. Họ là Tạ ư? Hẳn là Tạ Hoài rồi! Còn tên là Tạ thì ai cấm biệt hiệu là Tạ Hoài, hay ghép với tên vợ hoặc tên người yêu là Hoài? Hay là Tạ nhớ ai chăng? Hay là Tạ từ cô Hoài? ấy! Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ như thế, cứ lẩm cẩm tin như thế. Rõ khốn khổ!
*
Sự tình cờ đưa tôi đến huyện L. Đây là một huyện đồng bằng đông dân, nhưng ở xa tỉnh lị, lại cách một con sông rộng, đò phà nhiêu khê, nên gần như biệt lập. Dẫu vậy, huyện lị khá xinh xẻo, có vẻ trù mật. Phố xá rải ra. Nhiều nhà mới đẹp, hiềm vẫn mang dáng dấp kệch cỡm và diêm dúa của sự học làm sang. Tuy nhiên, cái chướng mắt hơn cả là một cái vườn hoa nhỏ. Nó chướng vì nó lệch, lệch hình thù - gần giống hình tam giác, lệch vị trí nom ngang phè. Nó chướng vì nó tựa kề một biệt thự hai tầng mọc lên phô phang và đài các rởm. Nó chướng còn vì vườn thì bé tí mà giữa vườn ngất nghểu một cột đèn cao áp to sụ lêu đêu. Trong vườn, cỏ dại tràn ra các lối đi, trùm lên các luống hoa, mà hoa thì gần biến thành hoa dại cố ngoi lên lấp ló đó đây.
Thấy tôi đang tư lự trước vườn hoa nọ, một thanh niên đang đi đường ghé lại:
- Chú khoái chốn này hay sao mà ngắm kĩ thế? Chú từ xa đến phải không ạ?
Tôi vui vẻ bắt chuyện, và chẳng mấy lúc được anh bạn trẻ kể cho nghe về cái gọi là vườn hoa này.
- Nó có lâu rồi, từ khi cháu còn bé tí kia. Người ta quen gọi là vườn hoa "Đỗ Thành". Tại sao gọi thế ấy ạ? Là vì do ông Đỗ Thành mà ra. Ông ấy là chủ tịch huyện. Ông chủ tịch huyện cho xây cái nhà lầu kia xong, - không! nhà riêng ông ta chứ ạ. Xây nhà xong, ông ấy bèn cho làm cái vườn hoa này, - làm cho huyện đấy ạ. Chỗ này trước là một ao nước đọng, nơi đổ rác và phóng uế của một góc phố huyện. Phải huy động hàng huyện đến làm đấy ạ. Nói làm cho huyện chứ ông nội cháu bảo: "Vườn hoa nằm chỗ này thì ma nào đến thưởng ngoạn. Công dụng to nhất, và cũng là duy nhất, là chặn mọi khả năng mọc lên công trình nào chắn gió đông - nam thổi vào nhà ông chủ tịch". Có bài thơ hay lắm về cái vườn này, em đọc anh nghe nhé. - Tôi được hạ cấp xuống thành "anh" nghe trẻ hẳn ra cũng khoái, nên gật đầu lia lịa.
Chốn huyện lị có vườn hoa chéo
Anh huyện Thành lấy méo làm vui
Đêm đêm ánh điện tỏ ngời
Tầng trên anh ngự anh cười cợt hoa
Chành lún phún cỏ hoa ba góc
Chính giữa giương một cọc ngất nghênh
Người người thắc thỏm đồn khen
Công lao cả huyện mà nên công thành
Nghe đồn là thơ của thầy giáo Hoài dạy trường huyện. (Tôi cố nén để không hỏi ngay về cái tên vừa nghe được). Ông giáo Hoài dạy học ở đây đã lâu. Có đến mấy bí thư, chủ tịch huyện này là học trò cũ của ông ấy. Em nghe kể: Hôm trước huyện làm lễ khánh thành vườn hoa thì hôm sau ông chủ tịch Thành làm lễ mừng nhà mới. Nghe nói quà mừng nhiều vô kể, có cả ti-vi màu; còn những hộp nhỏ, xinh xinh, lịch sự thì người ta tha hồ mà đoán mò. Buổi tối ông chủ tịch mời riêng mấy người quen thân dự tiệc. Thầy giáo Hoài cũng được mời. Ông nội em bảo: "Cái ông Thành này cũng còn có chỗ khả thủ. - Khả thủ là gì hở anh? - Ông ta đối với thầy giáo cũ còn biết giữ lễ. Khối kẻ leo đến chức ông nọ bà kia nếu không vênh mặt lên thì cũng phớt lờ. Tránh mặt hãy còn là biết điều". Nghe nói trong tiệc rượu hôm ấy, để xôm thêm những lời chúc tụng mọi người mới đề nghị ông Hoài đọc thơ. Cũng có lời kể rằng: Bài thơ đã được loan truyền từ trước chưa rõ của ai. Hôm đó, do đã ngà ngà say, cái hứng vui nhộn bốc lên, bí thư huyện ủy mới xướng ra và tán cho mọi người cười chơi. Ông Thành cũng cười thoải mái, rồi hỏi ông Hoài rằng có phải thơ của thầy không. Ông Hoài thủng thẳng nói: "Cứ cho là tôi làm đi. Anh nghĩ sao về bài ấy?" Ông Thành đáp: "Em nghĩ rằng cũng chỉ đùa hóm một chút thôi. Nhưng sợ rồi bị hiểu xuyên tạc đi sẽ không có lợi". Ông Hoài nói: "Cũng có đùa vui thật. Song, chỉ đùa vui thì e rồi chẳng vui được mãi. Có gì để ngẫm mới đáng nói. Nên hiểu đúng, hiểu xuyên tạc lại không đáng sợ". Có người lại nói bài thơ ấy vốn là của mấy ông giáo viên, kĩ sư quanh huyện ngồi xướng họa với nhau, rồi người ta gán cho thầy Hoài. Người ta còn bảo: Thật ra thì chủ tịch Thành căm lắm, chửi vụng thầy giáo cũ là "đồ lừa già học đòi Hồ Xuân Hương" và "rồi sẽ biết". Chuyện đến tai thành ủy. Nghe nói một lần bí thư thành ủy về huyện có ghé trường bảo các giáo viên rằng: "Tôi nghe các thầy giỏi làm thơ lắm. Nhưng có gì thì góp ý thẳng với tỉnh ủy, đừng làm thơ tùm lum, dân người ta chẳng hiểu cho các thầy đâu".
- Vườn hoa sao mà hoang phế thế này? - Tôi hỏi để lái câu chuyện.
- Gần cuối đời ông chủ tịch Thành nó đã bắt đầu tàn rồi.
- Ông ta làm sao?
- Bị tù. Mười năm tù giam. Thấy bảo đã bị bắt một lần, nhưng ông bí thư thành ủy trước thả ra. Ông này có một tuyên ngôn rất chi là trứ danh: Ai tham nhũng, có chứng cứ hẳn hoi thì trị, còn như họ xây nhà chẳng hạn đem lại công ăn việc làm cho dân thì tốt quá đi chứ! Dân xanh mắt. Đến khi ông bí thư ấy được thăng chức lên trên rồi, ông Thành mới bị bắt lại. Tù chưa được ba năm thì ông ta đã về. Nói là kém sức khỏe. Nhưng nom cứ béo phây ra. Vẫn thong dong ra vào tòa lầu ấy.
- Còn thầy giáo Hoài?
- Không thấy ở đây nữa.
- Ông Hoài họ gì?
- Em không biết.
Hoài? Cái tên này gợi một cái tên khác. Tạ Hoài?
Tôi muốn tìm hiểu thêm, nhưng những người tôi hỏi chuyện không thể nói rõ gì hơn. Buổi chiều, trong một quán nước, tôi nghe một người trạc trung niên ngồi ôm cái điếu cày ngâm:
Nửa thân dạy học, nửa chăn heo
Cám bã, văn chương lộn với bèo…
Tôi khen để gợi chuyện:
- Ông bạn làm thơ hay quá nhỉ.
Anh ta lắc đầu:
- Thơ thẩn gì tôi. Truyền là "thơ giáo Hoài" đấy.
Tôi lân la hỏi, được biết thêm vài mẩu chuyện đồn thú vị quanh ông giáo trường huyện này. Tỉ như có lần huyện ủy và ủy ban nhân dân huyện cấm mọi người đến chúc Tết tại trụ sở huyện, dù nhân danh tập thể, dù cá nhân. Trước ngày nghỉ Tết, ông Hoài vào huyện xin gặp bí thư và chủ tịch:
"Lệnh huyện cấm, nhưng cũng mạn phép đến đây chúc Tết huyện ủy và ủy ban. Tôi đến nhà riêng lại không tiện".
"…"
"Vì như thế có nghĩa là tôi chúc Tết cá nhân các đồng chí, và làm thế là nghịch thường. Trò không chúc Tết thầy thì thôi, thầy cũ lại đi chúc Tết trò, người ta cười các anh. Tôi cũng chỉ chúc miệng thôi, chẳng dám mang thứ này, thứ nọ như người ta. Tôi chúc Tết rồi, bây giờ xin hỏi một chút có được không?".
"Dạ, thầy cứ hỏi".
"Các đồng chí cấm đến chúc Tết tại nơi làm việc, có cấm đến chúc tại nhà riêng các đồng chí không?".
"Thầy ạ, cấm thế không tiện. Tục lệ cổ truyền… Trên tỉnh cũng vậy".
"Không tiện? Không lợi? - Ông giáo gật gật đầu như tự hỏi - Hay thật! Càng xa rời mặt tích cực trong ý nghĩa cổ truyền thì lại càng hay viện đến cổ truyền? à, hôm trước hai anh có hỏi đùa tôi câu đối mừng xuân, ngay đây, tôi vừa mới nghĩ được một vế cũng cứ xin đọc hai anh nghe: "Tết, vào cửa cấp trên, không lẽ tay không không là chúc Tết?" Tôi chưa nghĩ ra vế đối, các anh đối giùm cho thì hay".
Tôi vẫn không biết được điều tôi muốn biết. Ông giáo Hoài không phải họ Tạ. Hay vợ ông là Thủy Tạ? Tôi cứ muốn nghĩ ông chính là "lãng tử" chùa Hương dám sờ râu mấy vị cao sang phởn phơ, chính là anh thanh niên ngồi đối diện ông chủ tịch tỉnh ngại ghế cao, chính là anh bộ đội chọi chữ với một ông Nghè, chính là ông khách không mời của một trưởng ti văn hóa. Nhưng mà… có nên cố gò không nhỉ? Và có cần phải vậy không? Tôi chẳng mấy tin ở chuyện trùng hợp tình cờ, song cũng không ưa thời nay lại có lắm người hùng ương ương, dở dở. Đành hay mỗi thời có thể có: hoặc một Trạng Quỳnh, hoặc một Xiển Bột, hoặc một Ba Giai,… một người trong vô vàn người, hay vô vàn người gạn lại một người. Nhưng thời nay thì nghe nó lạc lõng, nó trái khoáy, nó vô duyên, nó khó chấp nhận làm sao ấy. Chẳng phải một vị lãnh đạo cấp cao từng nói rằng: "Cái chuyện Trạng Quỳnh là chuyện một thằng xỏ xiên, xỏ lá không đáng đem dạy trong nhà trường" đó sao! Hơn nữa, những chuyện cóp nhặt trên đây sao sánh tày những chuyện của các nhân vật giai thoại vừa kể. Nhưng lại nghĩ: trong cái mớ chuyện vui truyền miệng hỗn tạp, có khi nhố nhăng, biết đâu chẳng có ít mẩu hiếm hoi mang tình và ý của cuộc đời. Cũng như bụi đường chẳng phải đều thuộc loại rác rưởi cả. Bụi đường nhân thế và lịch sử càng không như vậy. Bề dày thời gian, độ rộng không gian mới có thể đưa tới một số kết tinh dân gian ít nhiều ý nghĩa. Vả chăng có phải bất cứ chuyện đời thường nào cũng trở thành giai thoại được đâu.
Đời không giai thoại là đời quá đẹp hoặc đời quá xấu. Đừng để đời biến thành giai thoại cả, mà cũng đừng để đời thiếu đi những giai thoại.
III-1988