Có những bài thơ tân kỳ ta thích và có những bài thơ tân kỳ ta không thích, đó là do đạt chất thơ hay không. Một số người ưa tân kỳ vì là dấu hiệu phá bỏ ước lệ, nổi loạn chống lại sự ràng buộc của thơ cũ, mỹ quan cũ, tư tưởng cũ. Nhưng ta chỉ ưa tân kỳ pha trộn với mỹ cảm, cũng thích điều lạ nhưng không ra ngoài cảm thức thông thường thế nào là đẹp, đẹp mỹ lệ nguy nga, đẹp tối tăm bi thảm, đẹp bình thường ẩn dấu trong đời sống hằng ngày; nhưng không thể là cái đẹp do sắp xếp quái dị, hoặc đẹp vì nổi loạn không lý do (Rebel Without a Cause), đẹp do giả tưởng phi phàm của thế giới khác.
Từ cảm thức thi ca như vậy, ta cũng thấy thật hay ở vài tác phẩm thuộc văn học phi lý, đồng thời cũng không thể hứng thú với vài tác phẩm thuộc dòng văn học này.
Dòng văn học phi lý mà những sáng tác làm thành chủ nghĩa hiện đại, vì biểu hiện điều phi lý không thể là khuôn khổ ước lệ, phải kỳ lạ thì mới bộc lộ được những nội dung phi lý. Và nội dung phi lý thoát thai từ hoàn cảnh xã hội, từ thời đại tao loạn do hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai xảy ra trong thế kỷ 20, do nền văn minh cơ khí đang phát triển, do các chủ nghĩa chính trị muốn thực hiện cho kỳ được chủ nghĩa. Dòng văn học phi lý là phản ứng lại những điều đó. Vì vậy có người thích dòng văn học phi lý là do thái độ triết lý, thấy tác phẩm nói lên đúng những tan rã, lạc loài, phi nhân. Chẳng hạn người ta đã trầm trồ trước họa phẩm Picasso vẽ khuôn mặt người tan tác từng mảng; hoặc tán thưởng cuốn phim hài hước châm biếm con người sinh hoạt như máy, tay chân không lúc nào ngơi nghỉ trong hệ thống làm việc giây chuyền, do hề Charlot thủ diễn. Nhắc lại, đó là do thái độ triết lý. Còn có thái độ văn nghệ thích tách bỏ khuôn sáo, đi tìm sự sáng tạo khi sáng tác, tránh đương mòn cổ điển, vượt lãng mạn, vượt tượng trưng. Cổ điển quá ràng buộc với lý tưởng, với khuôn khổ. Lãng mạn quá thiên về mỹ cảm và ái tình. Tượng trưng quá tế vi đi tìm những biểu tượng ám gợi và nhạc tính vũ trụ ảo diệu.
Thái độ văn nghệ tân kỳ lao vào những sáng tác liều lĩnh, bất hợp về trật tự, ngôn ngữ khởi điểm từ vô thức, thả lỏng không kiểm soát, tạo ra trường phái siêu thực. Trật tự không gian và thời gian cũng được xét lại trong sáng tác, đưa tới loại văn chương phiêu lưu tâm trạng, phi lý như dòng cảm xúc hỗn độn trong tâm hồn con người. Trật tự ngoài xã hội áp đặt con người vào guồng máy pháp luật, phản ảnh những phi lý vô nhân đó qua tác phẩm của Kafka. Trật tự truyền thống đạo đức gò bó bề ngoài nhưng sự thật là u ẩn đầy "âm thanh và cuồng nộ" trong tác phẩm của William Faulkner, biểu hiện qua kỹ thuật viết tiểu thuyết "có nhiều đoạn độc thoại, tả nội tâm nhân vật, nói ra những câu lủng củng, vô nghĩa, gây nên không khí dồn dập, dữ dằn, có hiệu lực như những câu thần chú khó hiểu" (Vũ Dzũng, trong cuốn “Những Tác Phẩm Lớn Trong Văn Chương Thế Giới”, trang 15, nhà xb Văn Học, Hà Nội 1998).
Tóm lại, thái độ triết lý đồng cảm với những tan rã vô định của thời đại. Và thái độ văn nghệ yêu chuộng sự tân kỳ vượt khuôn khổ, vì phi lý cần phải lồng trong hình thức phi lý. Đó là hai thái độ chấp nhận vô điều kiện nền văn học phi lý, càng phi lý càng được hoan nghênh, miễn sao nói lên được chủ đề phi lý. Nhưng còn một thái độ nữa, không phải là thái độ triết lý vì có thể ta không sống trong cuộc cuốn lốc của hai trận thế chiến, ta không ở trong sự vong thân của nền văn minh cơ khí, ta không bị tác động bởi chủ nghĩa cực đoan. Ta cũng có thái độ văn nghệ thích điều tân kỳ, nhưng là Tân Kỳ Có Điều Kiện (phản ảnh sự điều tiết không bị ảnh hưởng nặng nề của kinh nghiệm phi lý). Điều kiện đó là phải có tính chất văn chương, về thơ thì phải có tính chất thi ca, đặt nền tảng trên mỹ cảm. Mỹ cảm không nhất thiết là óng chuốt, mà là rung động nghệ thuật, tế vi của truyền thống thi ca dân tộc. Dù là tiếng hát ru con nơi thôn xóm, lời hát dạo nơi phố phường đông đúc, nhưng đọc kỹ thì vẫn là những lời đẹp, không quái dị, không quá giả tưởng. Vì vậy ta có thái độ yêu chuộng tính văn chương hoặc chất thơ khi đọc các tác phẩm của nền văn học phi lý Tây Phương, có lựa chọn tác phẩm phi lý hợp với cảm quan thưởng ngoạn của ta.
Đó là thưởng thức văn chương, không phải là triết lý hay quan điểm nhìn đời. Tại sao cũng là tác phẩm thuộc dòng văn học phi lý, mà ta yêu một số cách mô tả trong tác phẩm "Sự Buồn Nôn" (La Nausée) của Sartre hơn tác phẩm "Dịch Hạch" (La Peste) của Camus. Tại sao cũng là tác phẩm nói về thân phận con người bị cuốn lốc phi lý vào guồng máy phi nhân mà ta yêu tác phẩm "Giờ Thứ Hai Mươi Lăm" của Georghiu hơn tác phẩm "Vụ Án" (The Trial) của Kafka. Đồng thời đều là "Phản Tiểu Thuyết" không có cốt truyện và nhân vật chưa là nhân vật, chưa là một nhân cách, tại sao ta yêu tác phẩm "Khoảng Một Đêm" của Jean Cayrol hơn tác phẩm "Les Gommes" (Những Cục Tẩy) của Alain Robbe-Grillet. Và cũng là Kịch Phi Lý (The Theatre of the Absurb), tại sao ta yêu tác phẩm "Đợi Xe Buýt" (Arrêt d'autobus) của Cao Hành Kiện hơn tác phẩm tiên phong "Đợi Godot" (En attendant Godot) của Samuel Beckett.
Chỉ biết gián tiếp, người viết bài này chưa đọc tới nguyên tác của các tác phẩm đã kể trên, hoàn toàn qua trung gian các bài giới thiệu bằng Việt Ngữ của các giáo sư, học giả, người viết báo, nhà văn… Tuy vậy, ta cũng thấy được chất thơ nào đó khi cảm thức. Tính chất thi ca hoặc do sự tân kỳ qua kỹ thuật diễn tả của kịch phi lý, trong đó những người đợi xe buýt nói năng hỗn độn, vò đầu bứt tai, những cử chỉ bâng quơ, và chuyến xe buýt đợi chờ không bao giờ tới. Nhờ bối cảnh trạm xe buýt ở ngoại ô Bắc Kinh, chuyến xe vô hình, Cao Hành Kiện đã dựng kịch vô-kịch-tính có vẻ thơ hơn Samuel Beckett mà sân khấu chỉ là một phòng đợi; những nhân vật nói lắp bắp lắm điều vô nghĩa… Tính chất thi ca của hiện sinh phi lý do cái nhìn sâu vào vật giới, khám phá sự hàm hồ của ngôn ngữ gán cho sự vật, trong khi chúng là những hiện hữu thật vô nghĩa.
Ta đọc được tính chất thi ca đó qua một trang dịch từ Pháp Văn do ông Nghiêm Xuân Hồng chọn trong tác phẩm "Sự Buồn Nôn" của Sartre: "Lúc vừa rồi, tôi (nhân vật Roquentin) đương ngồi chơi trên chiếc ghế công viên. Dưới ghế tôi ngồi, một nhánh rễ to của cây hạt dẻ đâm sâu vào lòng đất. Nhìn một lúc, tôi chợt quên hẳn rằng vật đó là một nhánh rễ cây. Trong tâm não tôi, những danh từ thấy biến mất dần, không còn nhớ lại ý nghĩa thông thường của sự vật, những cách thức sử dụng hoặc những điểm căn cứ khác mà mọi người thường mang ấn tượng về một vật nào. Một mình tôi cứ ngồi thừ ra đó, đầu cúi gầm, lưng khom khom, với trước mắt một chất khối lù lù, đen ngòm và sần sùi (chiếc rễ cây), khiến tôi phát sợ. Ngay lúc ấy, tôi chợt thức giác điều đó. Sự thức giác đó làm tôi ngạt thở. Từ trước tới lúc đó, tôi chưa bao giờ ý thức được thế nào là hiện sinh. Tôi cũng như tất cả những kẻ khác, những kẻ mặc bộ đồ đẹp đi hóng gió xuân trên bãi biển. Tôi cũng nói như họ: bể hôm nay xanh quá, và cái điểm trắng đằng xa kia tức là con hải điểu. Nhưng tôi không bao giờ cảm thấy rằng tất cả những thứ đó đều hiện sinh, và con hải điểu là một hải điểu hiện sinh… Thế rồi, bỗng chợt, sự hiện sinh của chiếc rễ cây đã hiển hiện trong tâm não tôi. Nó đã mất hẳn dáng điệu hiền lành của một vật trừu tượng, nó đầy rẫy và thấm nhuần bởi chất hiện sinh" (La Nauseé, trang 162- 163, nhà xb. Gallimard). Câu nói "Địa Ngục Là Những Kẻ Khác" (L'enfer c'est les autres), ta thường hiểu theo nghĩa tương quan xã hội, con người làm khổ cho nhau vì mâu thuẫn xung đột.
Thật ra, cả tri thức của ta đối với người khác và đối với vũ trụ cũng có sự tranh chấp như vậy. Thật là thơ qua một đoạn trích trong tác phẩm "Hữu Thể Và Hư Vô" (L'être et le Néant) của Sartre nói về "thế giới thuộc về tôi" (Le Monde-pour-Moi), cũng qua bản dịch của ông Nghiêm Xuân Hồng: "Tỉ dụ như tôi đương một mình ngắm cảnh bên một bờ suối ven rừng. Phong cảnh đó, lúc đó, chỉ hoàn toàn có trong thức giác của tôi, và đã thành như một bầu vũ trụ của riêng tôi. Chợt một bộ hành khác đi tới, cũng dừng chân ngắm cảnh. Một mặt, người ấy chỉ là một sự vật đem thêm một chi tiết vào trong bầu vũ trụ được tạo trong thức giác của tôi. Song một mặt khác, tôi nhận luôn thấy rằng đứng trước phong cảnh ấy trong đó có tôi nữa làm sự vật, người ấy cũng đương tạo trong thức giác một bầu vũ trụ của riêng anh ta. Như thế, tôi sẽ cảm thấy rằng tác động biểu hiện về vũ trụ của mình bị dần dần tan rã để kết tập chung quanh thức giác người kia. Và cả một khoảng vũ trụ gần như bỏ rơi tôi để trở thành vũ trụ một kẻ khác" (Nghiêm Xuân Hồng, trong cuốn “Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng”, từ trang 82-83 và 87, sách xb. tại Sài Gòn năm 1956; tái bản tại California năm 1985). Ta nói về tính chất thi ca trong kỹ thuật kịch phi lý, và tính chất thi ca trong ý thức phi lý khi nhận thức, bây giờ là tính chất xã hội do bối cảnh phi lý: Phi lý do chiến tranh, phi lý do tai ương. Không ở trong hoàn cảnh cuốn lốc của hai trận thế chiến, không ở trong hoàn cảnh xảy ra trận dịch bệnh khủng khiếp, cho nên ta không có thái độ triết lý "phản loạn siêu hình" chống lại tai ương phi lý cho nhân loại, như một số người rung cảm đối với tác phẩm của Camus. Tác giả có thái độ triết lý siêu hình đối với tai ương bỗng dưng ập xuống. Và tính chất nội hướng trong nhận thức phi lý về hiện hữu vật giới ù-lỳ cũng có vẻ siêu hình. Thẩm thấu siêu hình khi khám phá ngôn ngữ gán ghép chỉ đồ vật, điều này đồng hướng với thi ca vẫn thường xuyên tra hỏi ngôn ngữ. Còn nổi loạn siêu hình (Metaphysical rebellion) chỉ dành cho thái độ triết lý đối với tai ương… Tác phẩm nói về sự trôi giạt do hoàn cảnh làm liên tưởng đến nỗi buồn chiến tranh trong thơ đời Đường bên Tàu.
Thử đọc cuốn sách chiến tranh "Giờ Thứ Hai Mươi Lăm": Chuyện một người nông dân xứ Romania thời Đệ Nhị Thế Chiến, bị bắt nhập ngũ chống Đức vì là công dân một xứ đồng minh của Liên Xô, không biết lý do vì sao mình phải chống Đức, tượng trưng cho thân phận bị đẩy đưa của một nước nhược tiểu. Bị Đức bắt làm tù binh, đến giờ phút cuối, giờ thứ hai mươi lăm của thời hưng thịnh sắp tiêu vong của Đức Quốc Xã, anh ta được người Đức đo sọ thấy tương ứng với sọ của chủng tộc Đức, nên được đặc cách xung vào đội Công An Đặc Vụ của Đức Quốc Xã. Cũng là lúc quân Đức bị tan rã, anh bị quân Đồng Minh bắt vì đã là Công An Đặc Vụ. Hết chiến tranh, mãn hạn tù, anh trở về xứ Romania thì mới biết vợ mình nay đã hai con, kết quả đó đã tượng trưng cho đất nước nhược tiểu của anh với nhiều phe lâm chiến đến trấn đóng. Con người bị trôi giạt, bị đưa đẩy vô tình nhập vào phe này phe nọ, có những nét tương đồng với con người đồng cảnh ngộ cách đây hàng ngàn năm. Tính chất bị hoàn cảnh đưa đẩy thường gặp đó dễ thấm thía hơn tính chất bị đè bẹp không lối thoát trong guồng máy vô hình mê cung của luật pháp (trong truyện của Kafka). Guồng máy pháp luật ném con người vào phiên xử trừu tượng, tội nhân bị kết án qua giấy tờ, phòng giấy thư lại, trong khi cái tội thật thì không xảy ra, vậy mà rốt cuộc là phải hứng chịu bản án.
Tác phẩm "Vụ Án" (The Trial) của Kafka lẩn quẩn trong mê cung đó, một mê cung trừu tượng như trống vắng tính văn chương khi cảm thức, để chỉ có thái độ triết lý đối với sự phi nhân. Liên tưởng tập hồi ký "Người Tù Khổ Sai Papillon" cũng có những điều tố cáo về guồng máy luật pháp đôi khi xử án chỉ căn cứ trên pháp trị mà không xét đến ẩn tình sâu xa biến lương thiện thành tội lỗi. Tội nhân phải tự giải thoát vu cáo, tìm cách trốn tù, rồi lại bị bắt, cứ như vậy mà càng chồng chất tội, mãi đi lưu đày biệt xứ. (Tác giả "Papillon": Henri Charrière). Nhưng độc đáo của "Vụ Án" do Kafka viết là thể hiện sự vắng mặt hoàn toàn của quan tòa. Ta biết có kẻ kết tội mà kẻ đó luôn luôn không xuất hiện, chủ ý của tác giả cốt làm cho người đọc cảm nhận một thế lực vô hình rất phi nhân… Một nhánh thuộc dòng văn học phi lý nữa là trào lưu Tiểu Thuyết Mới, tức trào lưu Phản Tiểu Thuyết. Những người thích đổi mới kỹ thuật viết cho thật tân kỳ có thể đã tán thưởng mọi vẻ tân kỳ, còn ta thì cảm thức có lựa chọn: tân kỳ pha trộn với tính chất thi ca, nói rõ là pha trộn cái đẹp của văn chương. Đẹp không hạn hẹp vào sự óng chuốt, mà là tất cả những gì làm ta rung động nghệ thuật như bố cục vô thời gian, nhân vật mù mờ nhân ảnh, cốt truyện đang trên đường hình thành cốt truyện, không gian mô tả không rõ hình thù và nơi chốn, ngôn ngữ chỉ là tiếng nói không bộc lộ tâm lý…
Có gì thuộc về văn chương khi tân tiểu thuyết chỉ mô tả tỉ mỉ như bản điều tra trinh thám một vụ ghen tuông, chỉ là "cái nhìn" như máy chụp ảnh chiếu dọi vào các đồ vật trong căn phòng của "một hoàn cảnh ghen", trong khi người ghen và kẻ bị ghen không xuất hiện. Đó chỉ là thế giới đồ vật gợi lên một vụ ghen tuông (trong "La Jalousie" của Alain Robbe-Grillet). Ta không cảm thức được tính văn chương, nó như điện ảnh đang trình chiếu đồ vật trong căn phòng. Hoặc như trong cuốn "Tropisme" (Hướng Động Tính). Đúng như tên gọi có vẻ khoa học của nó, tập truyện này của Nathalie Sarraute chỉ gồm những nhân vật vô danh; một thế-giới-người-ta-vô-ngã; những sinh hoạt không có gì đặc biệt; hoàn cảnh không có gì đáng nói. Tiểu thuyết mà như vậy thì còn gì hứng thú để đọc, nói gì đến tính chất thi ca, chỉ còn là kỹ thuật viết tân kỳ cho những ai muốn thoát khỏi ước lệ của tiểu thuyết: câu chuyện thường có tình tiết, nhân vật thường phải đào sâu tâm lý, không gian nơi nào, xảy ra khi nào… (nếu có đảo lộn thời gian, trùng lập không gian, thì cũng phải là tiểu thuyết của dòng ý thức nội tâm chồng chất; hoặc như truyện giả tưởng nói về chuyến du hành với tốc độ ánh sáng làm thời gian chậm lại…). Nhưng nhân vật đang mù mờ hiện diện, câu chuyện đang dần dà hình thành, thời gian là một khoảng có hạn định… như trong cuốn tiểu thuyết theo hướng Tân Tiểu Thuyết của Jean Cayrol thì lại có tính chất thi ca. Để cảm thức được vẻ thi ca của tính cách phôi pha tâm lý, mù mờ cốt truyện, nhá nhem ngày tháng đó, xin thử đọc lại một đoạn giới thiệu bằng Việt Ngữ của ông Nguyễn Văn Trung về cuốn "Khoảng Một Đêm" (Espace d’une nuit) của Jean Cayrol: "Trong chuyện của Jean Cayrol, tác giả là một người đi đêm tối qua những cánh đồng làng xóm để gặp lại người cha, nhưng khi tới nơi, người cha đã chết… Câu chuyện đến cái chết là hết, trong khi với tiểu thuyết cũ, mới là khởi điểm của những phân tách tâm lý, xã hội, tình tự… Chủ đích ở đây là mô tả kinh nghiệm về sự đi tới cái gì nhân loại… qua một không gian có những con đường giao nhau không biết đi về đâu, xuất hiện như một thử thách trong một cuộc hành trình tiến về chỗ có người, chỗ tiếp xúc với nhân loại… tiểu thuyết không còn chú trọng đến nhân vật hay câu chuyện, vì chưa có nhân vật… chỉ nhấn mạnh vào sự tiếp xúc với thế giới đồ vật, cuộc đời chưa mặc những ý nghĩ nhân loại… (Đó là) Tiền Tiểu Thuyết (Pré-roman) như Roland Barthes, một nhà phê bình văn học hiện đại đã nhận định về tiểu thuyết của Jean Cayrol. Không phải nhà văn gạt bỏ tâm lý, triết lý, lịch sử, nhưng chỉ là đi trước chúng… Người ta không còn kể một câu chuyện, vì nó chưa có, và Tiền Tiểu Thuyết chính là sự sinh thành. Nó ngừng lại khi câu chuyện bắt đầu kể…" (Nguyễn Văn Trung, trong cuốn “Xây Dựng Tác Phẩm Tiểu Thuyết”, từ trang 124 đến 126, sách xb. tại Sài Gòn năm 1962, tái bản tại California năm 1990).
Nếu ta thấy tính chất văn chương lạ của tiểu thuyết độc thoại nội tâm, thời gian đảo lộn trong dòng cảm xúc, cốt truyện đa tầng khi hồi ức, tiểu thuyết lồng trong đại tiểu thuyết; thì ta cũng cảm thức tính chất văn chương lạ của Phản Tiểu Thuyết, loại Tiền Tiểu Thuyết, tức là những sửa soạn rồi chấm dứt ngay khi câu chuyện bắt đầu kể. Có tính văn chương nào đó trong loại tiểu thuyết phi lý khi khám phá hiện sinh chỉ là những khối lù lù hiện hữu vô nghĩa; hoặc trong loại tiểu thuyết con người trên một ngã ba không biết lựa chọn về phương nào để rồi bị đẩy đưa vào chiến cuộc. Người có tầm nhìn văn chương phải gắn liền chính trị thì chỉ chấp nhận loại văn tranh đấu, hiện thực phê phán, dấn thân. Người có khuyng hướng triết lý phi lý thích loại văn biểu hiện thực thể tan rã, nổi loạn siêu hình, thẩm thấu hư vô, thân phận trôi giạt. Người có thái độ triệt để hiện đại hóa thích văn chương tân kỳ, bố cục không ước lệ, ngôn ngữ tối nghĩa hoặc rất dung tục. Người có thái độ bảo thủ chỉ cảm những cái gì quen thuộc, dễ hiểu, thuộc về quá khứ. Người có thái độ trung dung chấp nhận những điều hay của các thái độ trên, bác bỏ không theo những điều quá lạ. Còn ta có thái độ lắng vào dòng cảm thức (đi tìm chất thơ hoặc văn chương xây trên mỹ cảm), thích loại văn chương không quá óng chuốt có vẻ nữ tính, cũng không thích văn thơ rắn rỏi trần trụi hiện thực cốt biểu hiện nam tính. Ta thử nêu những đặc tính sau đây có thể bao gồm thái độ đó: hướng về huyền ảo (như văn chương dòng-ý-thức độc thoại nội tâm, như văn chương khám phá hiện sinh của thế giới đồ vật); nghiêng về mơ hồ (lờ mờ hé lộ điều gì đó, không hẳn tối nghĩa); có tính chất không gian (tránh loại tiểu thuyết hoàn toàn chỉ có tương giao xã hội); gần gũi (không quá giả tưởng hay thoát tục); tương giao hòa điệu (không quá hiện thực); và có nhạc tính (nếu là thơ thì nên dễ đọc dù có những ẩn chứa, dù không cần vần điệu)./.
Walnut, California, bổ khuyết bài viết tháng 1 năm 2002