Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.147.356
 
Bài Lorca:
Hoàng Hưng

ĐÔI LỜI VỀ THƠ LORCA

 

"Con hoạ mi Andalusia đã bị sát hại!" Tiếng kêu ấy truyền đi khắp các trung tâm văn hoá châu Âu một ngày mùa thu năm 1936 báo hiệu mở màn cuộc tàn phá nền văn minh nhân loại. Sau đó là Guernica... là Ban Lan... là chiến tranh thế giới...

 

Federico Garcia Lorca, nhà thơ lỗi lạc của Tây Ban Nha, là một trong những nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa phát xít. Bị bọn tướng lĩnh phản bội nền Cộng hoà bắt giữ ngày 17-8-1936, thi thể anh được tìm thấy trong đống xác 15.000 người bị bắn ngày 19-8 trên miệng một vực sâu ở ngoại vi thành phố. Granada của đời anh, của sự nghiệp anh, nơi anh sinh ra, nơi anh về để nhận cái chết thảm khốc. "Nếu có ngày, nhờ Trời, tôi được vinh quang, thì vinh quang ấy phân nửa là thuộc về Granada, nơi đã tạc nặn nên cái tạo vật tôi: thi sĩ bẩm sinh không thể cái hồi".

 

Granada là một trong bốn thành phố lớn(1) của xứ Andalusia ở miền Nam Tây Ban Nha, xứ sở của những nàng Carmen, những điệu nhảy và bài hát mê cuồng, của những hội đấu bò tót làm máu đập thành tiếng trên vạn đôi môi, của những rặng ô-liu ngăn ngắt, những vườn cam và hoa nhài ngát hương đêm hè khiến "những người đang ngủ bỗng khát thèm từ bao lơn nhảy xuống". Xứ sở đặc hữu sự giao hoà hai nền văn minh Đông - Tây: nơi đây đã từng là "một trong những vương quốc đẹp nhất của châu Phi" mà người A-ráp xây dựng nên, còn để lại bao dấu tích trong kiến trúc, trong nghệ thuật, trong hồn người, để lại trong không gian một cái gì mơ hồ, xa xăm, huyền bí...(2)

 

Sinh ra ở một làng quê gần thành Granada(3), trong một gia đình nông dân bậc trung thuộc một dòng họ lâu đời, nhà thơ thừa hưởng ở người cha tâm hồn gắn bó với đất đai, thiên nhiên, ở người mẹ trí thông minh và những năng khiếu nghệ thuật(4). Tuổi thơ anh hoàn toàn "thôn dã" với "những đàn cừu, đồng ruộng, bầu trời, sự cô tịch" như về sau anh kể lại. Đến năm 1909 gia đình anh mới dọn lên thành phố, và ở Granada thủ phủ xưa của xứ Andalusia, Lorca đã trải qua thời cắp sách ở bậc trung học và đại học. Một sự việc rất có ý nghĩa: ở khoa luật của đại học Granada, anh sinh viên Lorca đã gặp được một người thầy, một người anh tinh thần, một người bạn lớn, đó là giáo sư Fernando de los Rios, một nhà lí luận về chủ nghĩa xã hội, một niềm vinh dự của nền đại học Tây Ban Nha lúc đó, và sau này là bộ trưởng giáo dục trong chính phủ mặt trận bình dân.

 

Mùa xuân năm 1929, theo lời khuyên của giáo sư, Lorca lên Madrid trú ngụ ở cư xá sinh viên, nơi đang mở rộng cửa đón nhận những tư tưởng triết học và mĩ học mới mẻ nhất của thời đại. Chính ở đây Lorca đã bắt đầu tình bạn với Salvador Dali – hoạ sĩ, Bunuel - nhà điện ảnh, Rafael Alberti, Pedro Salinas - nhà thơ... Và chính ở nơi đây, thi tài của anh đã được khẳng định và chào đón trong nhiệt thành của những người bạn trẻ. Bạn bè anh kể lại: Lorca có một sức quyến rũ lạ lùng, từ con người anh với phong độ thanh quý, vẻ vui hoạt, đôi mắt u tối nhưng lại tươi cười, nước da màu đồng, giọng nói như đồng, "một cái gì như chớp loá trong thể chất, một năng lượng luôn luôn chuyển động, một niềm vui, một sự bộc phát mãnh liệt, một vẻ trìu mến hoàn toàn siêu việt.

 

Con người anh kì diệu, màu nâu, kêu gọi sự toàn phúc" (Pablo Neruda), đến kì tài ngẫu hứng của anh về nhạc, về hoạ, về sân khấu, về thơ, cả sáng tác lẫn thể hiện (trước khi học văn và luật, Lorca đã say mê âm nhạc, anh còn là một hoạ sĩ có nét vẽ duyên dáng, là một người chơi dương cầm đặc sắc).

 

Từ những đêm thơ nhạc trong khuôn viên cư xá sinh viên, tiếng tăm nhà thơ trẻ Andalusia vang ra khắp thủ đô. Giữa làng thơ Madrid lúc đó đang ồn ào những khuynh hướng thâm nhập từ Paris, đặc biệt là trường phái siêu thực - mà biến dạng của nó tại các nước nói tiếng Tây Ban Nha có tên gọi là "sáng tạo chủ nghĩa" (créationnisme) hay "cực đoan chủ nghĩa" (ultraisme) - giữa lúc nhiều người ầm ĩ kêu gọi "Âu hoá Tây Ban Nha", mà để chống lại, nhà thơ lớp cũ Unamuno bèn xướng lên điều ngược lại "Phi hoá châu Âu" - thơ Lorca nổi bật lên xu hướng trở về khai thác dân ca, tìm lại những truyện thơ trữ tình và lịch sử còn lưu truyền trên miệng người dân quê tỉnh lẻ. Thế hệ thơ anh đã tìm thấy ở anh người mang sứ mệnh đẹp đẽ: Tìm lại tâm hồn Tây Ban Nha đang có nguy cơ bị quên lãng, nối kết cái truyền thống với cái thời đại.

 

Tập thơ đầu tay của Lorca ra đời năm 1921 đã báo hiệu sự hình thành thi tài, phong cách và hướng đi của anh. Nhưng phải đến những bài thơ sáng tác từ năm 1921 trở đi (sau này được tập hợp trong tập "Thơ và bài hát") mới định hình cái giọng hót riêng quyến rũ của con "hoạ mi Andalusia". Thời gian này Lorca say mê tìm tòi, ghi chép, thu thanh dân ca, đến nỗi có người bạn gọi anh là "chàng hát rong thời trung cổ". Năm 1922, anh cùng với nhạc sĩ Manuel de Falla tổ chức hội Cante Hondo ở Alhambra (nơi có cung điện quốc vương A-rap của vương quốc Granada xưa). Cante Hondo (có nghĩa là bài hát sâu trầm) là loại dân ca độc đáo của miền Andalusia. Qua hội này, anh đã khai thác được hàng trăm bài Cante Hondo với "lời ca say đắm", "giai điệu cũ xưa", tha thiết và ám ảnh như tiếng "một con hoạ mi mù ca hót". (Người giật giải thưởng của hội là một ông cụ 73 tuổi!). Chính đây là khởi nguồn những bài thơ tuyệt vời mười năm sau sẽ ra mắt trong tập "Thơ về những làn điệu Cante Hondo" trong đó những thể dạng chủ yếu của loại dân ca này (Séguidilla, Soléa, Saéta, Petenera) được nhân cách hoá, được diễn tả trong thế giới thích hợp với từng thể, có các nhân vật và phong cảnh khác nhau.

 

Năm 1924 anh bắt tay viết những bài romance hiện đại. Romance là thể thơ có nguồn gốc từ lâu đời ở các nước dùng ngôn ngữ La-tinh, nhưng đặc biệt phát triển ở Tây Ban Nha, đó là những bài ca dân gian kể chuyện lịch sử, chuyện anh hùng hiệp sĩ hay tình yêu. Năm 1928, Tập romance gi-tan ra đời đã thành công một cách phi thường. Tên tuổi nhà thơ trẻ vượt biên giới quốc gia (tập thơ được dịch ra 20 thứ tiếng), đồng thời nhiều bài romance lại quay về thâm nhập các làng quê Tây Ban Nha và được lưu truyền như những bài dân ca, đặc biệt là trường hợp bài Cô nàng ngoại tình. (Sau này trong khi đưa đoàn kịch La Barraca đi lưu diễn các miền quê, Lorca đã có dịp được những cô gái làng đọc cho nghe từng đoạn trong những romance của anh). Tập romance gi-tan được coi là tập thơ phổ biến rộng rãi nhất trong thơ ca hiện đại Tây Ban Nha.

 

Lorca đã giải thích tên tập thơ của mình: "Tôi đặt tên tập romance này là "gi-tan", bởi vì trong đó tôi ca hát xứ Andalusia, mà chất gi-tan là biểu hiện thuần tuý nhất, đích thực nhất của xứ sở ấy".

 

Người gi-tan ở Tây Ban Nha, cũng như người digan ở Nga, người Bohemien ở Tiệp, Pháp... có gốc Ấn Độ, làm thành những cộng đồng du cư độc đáo của châu Âu. Và có lẽ chính ở vùng Andalusia, họ đã tìm thấy quê hương, cây ghi-ta và những vũ điệu của giống người lang bạt đầy quyến rũ đã làm nên linh hồn của xứ này. Sau Tập romance gi-tan, người ta gọi Lorca là "nhà thơ Gi-tan". Được gọi thế anh cảm thấy thích thú, có lúc anh còn nửa hư nửa thực gợi ra một giai thoại về "nguồn gốc gi-tan" bí mật của mình.

 

Xứ sở Andalusia đã cho Lorca giọng điệu đích thực để hát về nó. Trong một bức thư gởi nhà thơ Guillen, Lorca viết: "Tôi chỉ muốn nói với anh rằng tôi ghét giọng đàn sáo réo rắt. Tôi yêu giọng con người, chỉ giọng con người mà tình yêu phơi trần, giọng con người nổi bật lên giữa những phong cảnh giết người".

 

Những phong cảnh giết người có sức cuốn hút mãnh liệt. Phải chăng cái dữ dội của "cánh đồng dựng đứng dưới hai mươi mặt trời, những dòng sông chồm lên", cái đau đớn của "rặng Morena mạn sườn nhỏ máu", cái "hoang vu lượn sóng" hấp dẫn ta với vẻ đẹp nghiêm trầm, bạo liệt đầy nam tính?

 

... Và nổi lên, trần trụi, giọng con người

 

Con người thơ Lorca "miệng đầy nắng và đá lửa", rên lên, kêu lên nỗi khao khát đốt cháy cơ thể, "làn áo và thịt da hoá thành huyền đen thẫm", mê cuồng như một điệu ca không biết “đi về đâu với tiết tấu không đầu”, nhức nhói như có "một mũi lao cắm xuống bật kêu thành tiếng" giữa hai hàm răng. Khao khát sự sống đến khắc khoải, thơ Lorca luôn đối mặt với cái chết. Cái chết như hiện diện mọi lúc, mọi nơi. Nó "rình rập từ trên ngọn tháp Cordoba", nó ở trên mũi dao nhọn run rảy "giữa lòng ngã tư nơi phố phường rung lên như sợi dây", cái chết ám ảnh như định mệnh khắc nghiệt điểm giờ chàng đấu bò tót Ignacio:

 

"Tất cả mọi đồng hồ đều chỉ năm giờ

Ôi năm giờ chiều tăm tối!"

 

Với bài thơ dài Than khóc Ignacio, Lorca đã đạt đến mức bi tráng sâu thẳm và vang dội vào bậc nhất trong thơ ca nhân loại nói về cái chết:

 

"Ignacio lên từng bậc thang

Cõng trên lưng cái chết.

Tìm kiếm bình minh

Mà bình minh không có

Tìm bóng đích thực mình

Mà giấc mơ đánh lạc

Tìm thân mình khoẻ đẹp

Mà thấy máu nở tuôn..."

 

Từ cuộc tranh chấp vĩnh hằng không thể hoà giải giữa sự sống – cái chết, những khao khát không bao giờ thoả mãn, những cái đích không bao giờ đạt được... sự bất lực của phận người sinh ra nỗi buồn chất chứa thơ anh, nỗi buồn có trăm biến dạng: Thất vọng, ưu phiền, xa vắng, đắm chìm, cô tịch... Có điều nỗi buồn Lorca không hề có sắc màu bi luỵ yếu hèn. Nó là tiếng kêu đau đớn của kiếp người vút lên như "cây cầu vồng đen" trước cái trơ trơ nhẫn tâm của trời xanh, của núi xa im lặng. Nó lành mạnh như "nỗi ưu phiền màu đen" của cô gái gi-tan "chạy theo hạnh phúc". Nỗi buồn đầy cám dỗ và ám ảnh, hiệu quả của những nhịp điệu và ảnh hưởng có màu sắc ma thuật phối hợp một cách kì tài vẻ duyên dáng bay bướm với sự sâu xa máu thịt của những năng lượng kín thầm.

 

Trong một bài nói chuyện về nghệ thuật, Lorca đưa ra khái niệm duende để so sánh với vai trò của "nàng thơ" và "thiên thần" trong sáng tạo nghệ thuật. Theo anh, "thiên thần" bay cao phía trên đầu người, ban ân sủng cho con người đón nhận một cách thụ động. "Nàng thơ" thì mách bảo, gợi nguồn cảm hứng và nhà thơ như nghe thấy những tiếng nói mơ hồ... Song, cả "thiên thần" và "nàng thơ" đều ở bên ngoài nhà thơ, đem đến cho anh ta ánh sáng và hình thức. Còn duende, đó là cái phải đánh thức từ trong tận cùng sâu thẳm của máu ta, nó đốt cháy máu ta, nó "vứt bỏ thứ hình học êm đềm ta học được, nó đập vỡ các bút pháp", nó là "quyền lực chứ không phải cấu trúc, cuộc chiến đấu chứ không phải tư duy", nó là cái mà Goethe đã nói đến: "Quyền lực bí mật mà mọi người đều cảm thấy nhưng không triết gia nào giải thích được", nó là "tinh thần của đất". Và Lorca cho rằng nghệ thuật của Tây Ban Nha là nghệ thuật của duende.

 

Thực ra thơ anh nhiều lúc đạt đến sự hoà hợp của cả “thiên thần”, “nàng thơ” và duende. Trong Tập romance gi-tan và Than khóc Ignacio, sự thuần khiết của hình thức, những cấu trúc có trí tuệ thật hài hoà với cảm xúc cuồn cuộn, chất bi thương, chất nhục cảm, sức ám thị của từ ngữ, và cả một cái gì có tính cách linh thị, ảo giác.

 

Dõi theo tiến trình thơ anh, ta thấy Lorca có xu hướng ngày càng muốn đi xuống chiều sâu hồn người, như mũi dao nhọn vào sâu những lớp thịt đau đớn để tìm đến tận "gốc rễ của tiếng kêu". Nhà thơ đã từng tâm sự: "Bây giờ tôi làm một thứ thơ mở toang mạch máu..."(1) Thấy được tiến trình ấy ta dễ dàng đón nhận sự đột biến trong thơ anh vào những năm 1929-1930, đột biến khiến nhiều người ngỡ ngàng đến mức không nhận ra Lorca hoặc có người - vô tình hay cố ý - còn không muốn nhắc đến khi nói tới Lorca mà họ chỉ quen như "con chim hoạ mi Andalusia" và chỉ như thế mà thôi. Đó là trường hợp những bài thơ trong tập Nhà thơ ở New York.

 

Giữa năm 1929, Lorca theo giáo sư cũ của mình là Fernando de los Rios sang New York, và sống đời sinh viên trong trường đại học Columbia. Thành phố "dây thép và bùn nhơ" gây chấn thương sâu xa cho con chim hoạ mi Andalusia. Chất nhân bản, chất bản năng của Đất phản ứng mạnh mẽ với nền văn minh công nghiệp của Thép - Ximăng. Nhưng khác với trường hợp Essenin, nỗi khắc khoải giết người không giết được Lorca, mà lại làm bùng lên một hoả diệm sơn thơ đầy tinh thần phản kháng (sự phản kháng - tự vệ của Lorca mạnh đến nỗi ngay trong sinh hoạt ở đại học, anh từ chối nói tiếng Anh, và luôn tìm cơ hội để phổ biến những bài dân ca của quê mình). Sự phản kháng này không hề mang dấu mặc cảm tự ti của công dân một nước nhược tiểu trước bộ máy đồ sộ của cường quốc lớn nhất, mà là tiếng thét sang sảng của một công dân thế giới hiện đại, con người vừa đặt chân tới New York đã chào Hudson là "dòng sông lớn của ta" y như một người đồng hương, một người bạn ngang tầm với Walt Whitman. Con người đó, chỉ sau vài tuần lễ, đã đủ sức dựng lên hình ảnh sừng sững ma quái của một nền văn minh bệnh hoạn, mất gốc, ngự trị bởi đồng tiền và máy móc. "Điệu nhảy những bức tường khuấy động miền đồng cỏ Và châu Mỹ ngạt thở vì máy móc với lệ tuôn"

 

"Khi trăng lên Những dòng dọc sẽ quay làm rối bầu trời Một thế giới đầy kim sẽ vây bọc trí nhớ .Và những quan tài sẽ chở đi những ai không việc làm"

 

Đó là nước Mỹ đang bước vào thời kì khủng hoảng kinh tế. Nạn nhân của nó là "những đứa trẻ" bị "những đồng bạc như đàn ong giận dữ cắn xé tan tành", những "phụ nữ chết chìm trong dầu mỡ", "những người loạng choạng vì chứng mất ngủ như thể vừa đắm chìm trong máu ngoi lên".

 

Chính cái xã hội phi nhân đó đã gây cho Lorca cơn ác mộng triền miên, anh cảm thấy mình sống trong một thế giới ngột ngạt, bị ma ám, thế giới của những nghĩa địa, của những người chết rồi vẫn chưa yên, thịt da như chịu sự hành hình dai dẳng muôn đời. "Trong nghĩa địa xa vời có một người chết . Than vãn suốt ba năm Vì đầu gối còn mang một phong cảnh khô cằn Và đứa trẻ sáng nay chôn khóc la dữ dội..."

 

Chủ đề cái chết trong tập thơ này được đào sâu triệt để, với một sự quằn quại tìm kiếm có tính chất một cuộc nổi loạn bản thể học, khiến tập thơ nhiều lúc mở ra những vực thẳm khôn dò, đe doạ dẫn nhà thơ đến bế tắc đen tối, hư vô. Song, điều đáng chú ý là, ở bất cứ bài thơ nào, sự nổi loạn bản thể học cũng gắn như hình với bóng với sự phản kháng xã hội.

 

Cái xã hội phi nhân khiến anh căm giận và anh bộc lộ thái độ rất dứt khoát:

 

"Tôi biết làm gì đây: sắp xếp lại những phong cảnh?

Sắp xếp lại những mối tình sau đó sẽ thành

những tấm hình, những mẩu gỗ và những bụm máu?

Không, không. Tôi tố cáo!"...

 

Anh phẫn nộ kêu gọi sự trừng phạt và mơ ước "một đứa trẻ da đen thông báo cho lũ người da trắng của thế giới vàng ngày đăng quang của lúa".

 

Lorca dành những tình cảm nồng thắm cho Người Đen, những con người của khu Harlem mà anh hằng lui tới, của điệu jazz u uất, cuồng nhiệt mà anh thấy rất gần gũi điệu Cante Hondo của xứ sở anh:

 

"Người Đen! Người Đen! Người Đen! Người Đen!

Máu không lối thoát, trong đêm của anh đêm bị lật nhào

Máu không sắc đỏ. Máu giận dữ dưới làn da,

Mãnh liệt trong ngạnh dao găm và lòng cảnh vật".

 

"Ôi! Harlem, bị cải trang!

Ôi! Harlem, bị một đám y phục không đầu đe doạ!"

 

Có lẽ trong tập thơ này ta thấy nhà thơ đã hoàn toàn bị chi phối bởi duende, những câu thơ vọt thẳng từ cõi thẳm sâu của tiềm thức thành luồng phún xuất, phá vỡ tiết điệu nhịp nhàng được trí tuệ kiểm soát trong thơ anh trước đó; những tiếng thét rợn gáy, những ảnh tượng hãi hùng và nhiều lúc phi lí, tối tăm như những gì đè nặng lên ta trong những cơn ác mộng.

 

Cuộc "Mỹ du" đã ảnh hưởng quan trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp của Lorca những năm sau đó. Trở về trước, anh còn bị ám ảnh bởi "ấn tượng của lạnh lùng và tàn bạo... Không ở đâu trên thế giới người ta cảm thấy mãnh liệt như ở đấy sự vắng mặt hoàn toàn của tinh thần... quang cảnh khủng khiếp, mà không có sự hùng vĩ". Có phải đó là một lí do khiến cho, khi nền cộng hoà được lập nên mùa xuân 1931, Lorca đã lao vào những hoạt động văn hoá sôi nổi với sự ủng hộ của chính quyền? Anh thành lập đoàn kịch mang tên La Barraca dưới sự bảo trợ của bộ giáo dục, đi lưu diễn khắp nơi với mục tiêu phổ biến cho đông đảo quần chúng những vở kịch hay nhất trong kho tàng văn hoá cổ truyền của đất nước. Anh say sưa viết kịch, và có những vở như Lễ cưới đẫm máu ca ngợi tình yêu tự do đã thành công rực rỡ ở cả trong nước lẫn nước ngoài. Anh đi nói chuyện về nghệ thuật khắp nơi. Vài tháng trước những biến cố đau thương dẫn đến cái chết của nhà thơ cũng như của nền cộng hoà, trong một cuộc phỏng vấn báo chí, anh tuyên bố một dự định sáng tác những vở kịch có nội dung xã hội theo một cách nhìn xã hội chủ nghĩa.

 

Lorca bặt tiếng vào giữa tuổi 37, lúc tài năng qua nhiều thử thách, đang bước vào thời kì chín trái. Cả đất nước Tây Ban Nha sau đó cũng bặt tiếng dưới nền độc tài. Nhưng trong sự im lặng triền miên đó, những tiếng hát của con hoạ mi Andalusia lại vang lên ở khắp nơi trên thế giới, sự cám dỗ, ám ảnh của thơ anh như tăng thêm gấp bội bởi hào quang sự tuẫn tiết của anh.

 

Ở miền Bắc Việt Nam, 10 năm trước đây tên Lorca mới bắt đầu được truyền đi trong giới yêu thơ, cùng với một số bài thơ chép tay dịch từ tiếng Pháp và tiếng Nga, tuy ít ỏi nhưng cũng đã đủ để "mê hoặc" và gây ra một sự nóng ruột đón chờ ngày nhà thơ được giới thiệu đầy đủ công khai.

 

Bây giờ, được nhiều bạn bè khuyến khích, tôi mạnh dạn tập hợp những bài dịch từ 10 năm trước ở Hải Phòng, giữa những trận oanh tạc của máy bay Mỹ (tài liệu chỉ có quyển Seghers mượn của anh Phùng Quán và quyển Gallimard II của anh Việt Phương mà Trúc Thông đưa cho tôi, lúc đó thật là những "của quý hiếm") rồi gấp rút bổ sung những bài mới để làm thành tập này.

 

Nói là "dịch", thật ra, tôi chỉ dám gọi việc mình làm là "chuyển tiếng Việt". Vì dịch một thứ thơ như Lorca mà ý tưởng bao giờ cũng tan trong âm điệu và tán xạ qua lớp lớp ảnh tượng chất chồng, sung mãn, giàu chất siêu thực và trừu tượng, lại thông qua một ngôn ngữ trung gian - tuy đó là những bản dịch được coi là xuất sắc và tiếng Pháp gần gụi với tiếng Tây Ban Nha như anh em ruột - thì sự thất bại phải cầm chắc trong tay. Nhưng, có thể nào, một tâm hồn đồng điệu đủ sức vượt qua những trở ngại quá lớn ấy, để bắt được cái âm hưởng sâu xa của nguyên bản và tái tạo trong một ngôn ngữ khác những rung vang tương tự? Sự mạnh bạo thể nghiệm của người "chuyển ngữ" ở đây chỉ có thể coi như biểu hiện của lòng mến mộ và nỗ lực đáp ứng bước đầu một nhu cầu đã chín trong giới yêu thơ nước nhà.

 

Bệnh viện Nguyễn Trãi hè 1982.

(In trong Thơ Federico Garcia Lorca, Sở VHTT Lâm Đồng, 1988)

 

(1)Granada, Sevilla, Malaga, Cordoba.

(2) Vào đầu thế kỉ thứ VIII, đế quốc A-rap xâm lăng chiếm đoạt Tây Ban

Nha. Đến cuối thế kỉ đó, những thủ lãnh A-rap ở Cordoba tuyên bố độc

lập với đế quốc và năm 929, chính thức thành lập vương quốc A-rap

Cordoba. Song đến 1031, vương quốc tan rã thành nhiều tiểu quốc, và do

đó, bị những người Ki-tô giáo phản công chiếm lại, dần dần cho đến năm

1492 thì người A-rap bị quét sạch khỏi bán đảo.

 

(3) Lorca sinh ngày 5/6/1898 ở làng Fuente Vaqueros.

(4) Lorca là tên của người mẹ nhà thơ, cũng là tên một thành phố có

nhiều dấu tích pha trộn hai nền văn minh Do Thái và A-rap. Có nhà

nghiên cứu gợi ý: Phải chăng do nơi mẹ, nhà thơ mang trong máu một

nguồn gốc phương Đông xa xôi khiến thơ ông giàu ảnh hưởng của Kinh

Thánh, chứa đựng niềm sầu xứ kín thầm và tràn đầy tưởng tượng, nức

hương thơm?

(1) Thư gửi nhà thơ Colombia

Hoàng Hưng
Số lần đọc: 2858
Ngày đăng: 21.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn Chương Cần Trình Diễn Hay Trí Thức ? - Trần Vũ
Đổi Mới Nghệ Thuật Xiếc - Tuấn Giang
Xem tranh Lê Ký Thương - Khổng Ðức
Liên hoan trình diễn nghệ thuật Gillawarna, Sydney - Nguyễn Đức Hiệp
Về các phạm trù mỹ học và nền nghệ thuật mới . - Yến Nhi
Nghệ thuật ? để làm gì ? - Phan Huy Đường
Đôi điều về ca dao tình yêu - Vương Trung Hiếu
Nguyễn Đức Thiện trả lời bài: Phản hồi về bài viết sân chơi âm nhạc ai cũng có quyền vào - Nguyễn Đức Thiện
Jason Gibbs : Rock Hà Nội & Rumba Cửu Long - Lý Đợi
Đồng song âm trong guitar - Nguyễn Đức Hiệp
Cùng một tác giả
Bài Lorca: (nghệ thuật)
(tiểu luận)