Tình quê
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước luôn trôi đi…
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dẫu ai trên bờ liễu
Dẫu ai dưới cành lê…
Với ngày xanh hờ hững
Cố quên tình phu- thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề…
( Gái quê)
“Tình quê”, bài thơ khá hấp dẫn lần đầu in trong “Gái quê”- tập thơ đầu tay của Hàn Mặc Tử. Nếu “Đây thôn Vĩ Dạ” và “Mùa Xuân chín”, hai bài thơ khác về quê cảnh khá nổi tiếng của ông vang lên như một tiếng sáo làng trong trẻo, thì “Tình quê” trầm trầm một giai điệu tiêu huyền trầm buồn cổ kính. Nếu hai bài kia là khúc nhạc trưa và khúc nhạc đêm thì đây là khúc nhạc chiều, nó không có cái rạo rực , cái sóng sánh của nắng trưa và trăng đêm mà chỉ có sự man mác của nước, mây, cùng gió chiều phiêu bạt lang thang.Trong cái tương quan muôn thuở giữa người và cảnh đó, nhà thơ cảm nhận điều gì mà khiến xôn xao tâm hồn người đọc đến vậy ?
Phải chăng khi chiều về nơi “xa cách ngàn vạn dặm” nhìn cảnh vật mải mê phiêu lãng , lòng người tha phương bỗng “đê mê” cuộn lên nhiều kỷ niệm về nơi chôn rau cắt rốn ! Cách trở - nhớ quê, cái thi tứ này in dấu khá nhiều trong thơ ca Á Đông. Lý Bạch trong bài “ Tĩnh dạ tư” có những câu thơ được người đời xem là tuyệt bút : “ Cử đầu vọng minh nguyệt / Đê đầu tư cố hương”( Ngửng đầu nhìn trăng sáng /Cúi đầu nhơ quê xưa). Cùng thời với Hàn, Huy Cận cũng đã “ Lòng quê vời vợi tình con nước” và ngay bản thân thi sĩ trong những lúc mùa xuân tươi vui mà luôn “bâng khuâng sực nhớ làng”, huống hồ những chiều buồn! Câu thơ của một thời diễn tả tâm trạng của bao kẻ ra đi vì duyên nợ văn chương thì ít mà vì mưu sinh thì nhiều .Con đường xa lắc từng in dấu chân bao người xuôi ngược: Tản Đà, Nguyễn Bính, Nam Cao ,Thâm Tâm… Cảnh bâng khuâng, tình nao nao… Sao bài thơ có lắm từ láy diễn tả sự xốn xang đến thế ! Người thì thơ thẩn, đăm đăm, đê mê, hờ hững… Cảnh thì phiêu bạt, lang thang, bàng bạc, man mác…Nhìn về quê hương những năm âý ai mà chẳng chạnh buồn : Dẫu ai không mong đợi/ Dẫu ai không lắng nghe / Tiếng buồn trong sương đục,/ Tiếng hờn sau lũy tre…
“Dẫu ai”, “dẫu ai”...từ “ai” không phải chỉ nói tới một người nào đó mà nó ám chỉ cả “người” lẫn tác giả, một từ phiếm chỉ đa nghĩa mà chỉ tiếng Việt mới có, và người sành điệu mới dùng hay.Có cái gì như thầm trách ở đây, trách người và tự trách mình. Sao lại “lắng nghe”, hướng về một phía, muốn xuyên qua vật cản , xuyên qua độ dày của cảnh vật, Ở đây “lóng nghe” qua sương đục, qua lũy tre chứ không phải lắng nghe giữa thinh không . Và phải lóng nghe vì qua màn sương đục, qua lũy tre không phải là một âm thanh cụ thể của tiếng chày thu không , hay tiếng sáo diều, mà là một âm thanh mơ hồ trừu tượng “tiếng hờn”, “tiếng buồn”…
Cái tài dùng chữ “mộc” mà tuyệt khéo này của thi sĩ ta còn gặp ở nhiều bài thơ khác :
- Mặt nước buồn thiu hoa bắp lay,
( Đây tôn Vĩ Dạ)
- Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi / Hổn hển như lời của nước mây…
( Mùa xuân chín )
Cảnh như vậy,lòng người sao yên! Cho dẫu ai chóng quên tình nghĩa , hờ hững với kỷ niệm thì “Trong khi nhìn mây nước/ Lòng xuân cũng não nề!” .Lòng xuân một ẩn dụ - tượng trưng nhiều hàm nghĩa : Lòng người vào dịp xuân nhưng cũng có thể là lòng người đang tuổi xuân.
Thơ năm chữ giai đoạn này được viết nhiều, trong số 168 bài mà Hoài Thanh, Hoài Chân tuyển chọn vào “Thi nhân Việt Nam” có đến non hai chục bài thơ năm chữ, tuy nhiên chỉ có vài ba bài được người đọc biết nhiều ,đó là “Tiếng thu” – Lưu Trọng Lư, “Ông đồ”- Vũ Đình Liên và “Tình quê”- Hàn Mặc Tử. Thể ngũ ngôn với hai bút pháp khác nhau. “Ông đồ” mạnh ở tạo hình, ở chi tiết,”Tiếng thu” và “Tình quê” nổi bật ở âm điệu trữ tình. Tuy đều là con đẻ của phong trào Thơ Mới nhưng các bài đều phảng phất một phong vị cổ xưa man mác cho đến bây giờ
Và kỳ lạ thay thi ca Việt thế kỷ XX ai siêu thực hơn Hàn ? Nhưng tài thơ ấy cũng vô cùng cổ điển. Đó chính là hai đầu của một hình bầu dục- nét tượng trưng cho trạng thái tâm linh các thiên tài ./.