CÁ RÔ ĐỒNG
Cô gái đạp xe từ tốn, mọi khi cô vẫn thích phóng nhanh. Cô vừa đi lễ chùa về,-một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, đầu óc còn vấn vương niềm hi vọng gửi vào lời khấn. Chiếc xe bỗng phanh gấp. Bên lề cỏ, một con cá rô đang cố lách. Cô gái chưa thấy con cá rô nào to như thế bao giờ. Cá rô đồng, loại cá nước ngọt cô thích nhất.
Đường nhựa chạy ven một cái đầm rộng, và bên kia là cái lạch sâu dẫn ra sông lớn. Trời mưa lúc gần sáng. Vậy mà lạ thật, con đường vốn đông người qua lại, chẳng một ai nom thấy con cá! Dường như dành riêng cho cô. Cô gái khéo léo bắt nó lên bằng hai tay, giơ lên ngắm nghía. Màu vàng sậm, nơi đuôi có một chấm đen to và đậm. Bà nội từng kể, cái chấm này, xưa là dấu dự tuyển vượt vũ môn để hoá rồng, Bụt ban cho. Đôi mắt cá long lanh ánh khẩn cầu.
Cô gái thầm thì: “Cá ơi! Cá muốn bay nhảy phải không? Hay cá là cá thần lạc bước? Tôi đỗ kĩ sư hoá chất rồi nhưng còn một cái vũ môn nữa phải vượt. Tôi đang đi tìm việc làm. Cá phù hộ tôi nhớ!”. Con cá cựa quậy trong bàn tay cô gái, cái đầu lúc lắc có vẻ gật gật. Cô gái nhúng con cá xuống lạch rồi từ từ mở bàn tay ra. Con cá đứng im mấy giây, ngoắt đuôi rồi trườn đi và lặn mất hút.
“Rõ ràng nó gật mà! Nó còn nhô đầu lên nhìn mình trước khi lặn, mình chẳng nhầm đâu”. Lòng lâng lâng, cô gái đạp xe vào thành phố. Trước khi về nhà, cô đi lòng vòng mãi trên những con đường thân quen mà dường như có gì đó khác lạ.
Cô vừa bước vào nhà, mẹ đã báo tin:
-Mẹ đã xin được việc làm cho con rồi.
Cô gái ấp hai tay vào ngực. Mô Phật! Cô nghĩ ngay đến con cá mình vừa phóng thích. Mẹ đang tất bật trong phòng ăn.
-Hôm nay bác Si đến ăn cơm.
“Giám đốc công ti cung ứng vật tư cơ khí, chỗ mẹ làm tài vụ, cái bác vẫn khen mình ngoan và xinh đấy mà”. –Cô gái nghĩ nhanh và nhìn mẹ, không phải mẩu tin mà cô đang muốn nghe lúc này.
Trên bàn mẹ đang bày một bữa ăn thịnh soạn. Cô chợt tròn xoe mắt. Một con cá rô bự, ở đuôi có một chấm đen to và đậm, rán tuyệt khéo, nằm phô cái mình lẳn trong đĩa sứ hình bầu dục rất đẹp.
-Bác Si khoái rô đồng. -Mẹ nói tiếp. Cô gái lại nhìn mẹ, chờ... –À, con được làm trợ lí(!) thư kí riêng cho bác ấy.
Cô gái buông thõng hai tay, nhớ lại cái ngoắt đuôi như vẫy gọi của con cá nơi lạch sông.
Hải Phòng, sửa lần cuối 01-2008
TÌNH HUỐNG BẤT NGỜ
Tôi vừa đạp xe vừa nghiêng nghé tìm số nhà cần đến. Cái xe mượn của người thân hơi cao, cổ “phuốc” hơi lỏng, tôi đi không thoải mái lắm. Đường phố Sài Gòn ngày ấy đi lại còn thưa thoáng. Chợt một chiếc xe máy từ phía trước phóng tới. Tôi loạng choạng tay lái. Chiếc xe máy lượn tránh song vẫn quệt vào bánh sau xe đạp của tôi. Xe và người tôi đổ toài xuống mặt dường. Chiếc xe máy xẹt qua. Bấy giờ Sài Gòn được giải phóng mới gần một năm, đối với tôi, dân một thành phố miền Bắc, vẫn còn lạ lẫm lắm. Riêng cái khoản xe cộ thì, như lời một đài phát thanh phương Tây, người miền Bắc “văn minh xe đạp” chưa quen với “văn minh xe máy” miền Nam. Tôi nén đau lồm cồm bò dậy, nghĩ bụng: nếu ở miền Bắc thì có khi nó tớp lại mắng mình đi đứng lơ ngơ. Nhưng chiếc xe máy đã quay lại. “Xe nó có gì trục trặc, nó định bắt đền mình chắc”. Bất giác tôi nhẩm tính số tiền mình đang mang theo. Người đi xe máy là một thanh niên còn rất trẻ, cỡ tuổi học sinh trung học, ăn mặc không “chỉnh” như học sinh miền Bắc: áo hoa hoét, quần loe ống, đội chiếc mũ có lưỡi trai đỏ dài xọc và dận chiếc “xa bô” đế cao đến ba phân, tóm lại là chẳng thuận mắt một cô giáo miền Bắc như tôi chút nào. Thanh niên đô thị miền Nam kiểu này là ăn chơi, ngổ ngáo lắm đây! Với ngữ này phải dè chừng. Chẳng có tay công an nào quanh đây cả! Mới vào ít ngày, tôi còn không ít nghi ngại đối với vùng đất mới đây còn khá là cách biệt.
Tay thanh niên dựng xe sát lề đường, đến bên tôi còn đang cảm thấy khó xử. “Dì có sao không? Xin lỗi, con quẹo tránh không kịp”. Thật là bất ngờ! Tôi đã được biết trong này bọn trẻ gọi “dì” là quí trọng lắm; dì là chị hoặc em mẹ. “Không. Không sao”. Tôi trả lời qua quít để che lúng túng. Cậu thanh niên kêu lên: “Dì bị chảy máu kìa! Để con chở dì đi bệnh viện”. Tôi nhẹ nhàng từ chối: “Thôi, cảm ơn cháu. Không sao đâu mà. Chỉ xước da một tí thôi”. “Phải đến để người ta kiểm tra xem có thương tổn gì không, dì ạ”. “Tôi vẫn bình thường mà”. Tôi làm mấy động tác chân, tay để tỏ ra vẫn lành lặn. “Vậy, dì cứ ở nguyên đây, chờ con chút xíu”. Cậu chạy đi đâu đó, chốc lát quay lại mang theo lọ thuốc sát trùng và bông băng. Cậu chăm sóc vết thương nhỏ của tôi khá thành thạo. Xong, cậu ta đến dựng chiếc xe đạp dậy xem xét. Chiếc xe bị vẹo ghi-đông và tuột xích. Chàng trai nắn sửa cẩn thận, trước khi trao lại cho tôi còn hỏi đi hỏi lại: “Dì có chắc đạp xe được bình thường không, dì?”. Cậu hỏi tôi định đi đâu. “Để con dẫn dì đi. Số nhà ở đây có chỗ ghi rất lộn xộn. Mà phải quay lại kia. Đường này một chiều. Vừa rồi dì đi ngược chiều”.
Chàng trai dễ thương ngày đó nay đâu?
Hải Phòng, 01 - 2010
ĐÂU PHẢI CHUYỆN ĐÙA
Màn một: Chồng đi làm về, mặt xỉu, bảo vợ:
-Anh “rét” quá, chuyến này không bị đuổi ra khỏi ngành thì nhẹ ra cũng là đừng hòng đuợc đề bạt, tăng luơng. Mà anh sắp đến hạn đuợc tăng cả hai mới chó chứ!
-Sao vậy anh? –Vợ quan tâm hỏi.
-Bọn anh đang làm nhiệm vụ canh đuờng ở chốt Q.T. theo phiên trực. Hôm nay có lẽ bọn anh ra ngõ gặp mèo nên bọn anh hơi xúi quẩy, vớ đuợc ít “màu” quá. Chợt một thằng cha ăn vận sang trọng đi chiếc Dream mới cứng. Những kẻ như thế này thì đứa nào mà chẳng “ví đầy” và thường là “gà công nghiệp” dễ “vặt lông”. Anh nổi còi ách lại. Mấy đứa anh xem xét cái xe, bảo: “Xe này còi không chuẩn, phanh không chắc”. Hắn gân cổ lên cãi: “Xe tôi ‘đập hộp’, đi chưa được vài trăm cây số; các anh phán gì lạ vậy?”. “Xe mới mà bảo quản kém thì cũng chẳng ăn ai. Anh thử bóp còi xe anh cạnh con bò kia kìa xem nó có thèm ngoảnh đầu không!”. Thông thuờng thì đến hồi găng là đối tượng xuống nuớc xuỳ tiền ra, nhưng “lão” này lại gai: “Các anh có biết tôi là ai không?”. Anh cáu: “Anh là ai thì mặc mẹ anh, đây cóc cần biết. Vi phạm là phải xử lí” . Hắn ta lầm mặt nhảy lên xe phóng đi. Bọn anh lao xe đuổi theo, đến lối hắn rẽ vào một làng thì ép đuợc hắn vào lề đuờng. Hắn ta bèn rút ra một tấm giấy chứng minh. Em có biết đó là ai không? Là ông giám đốc sở mới “cóng” của bọn anh. Bọn anh hết đời rồi! Đâu phải chuyện đùa!
-Anh có xin lỗi không?
-Sao lại không! Chỉ thiếu nuớc quì mọp xuống hôn giày nữa thôi. Còn nữa. Được biết ông ta về ăn giỗ ở nhà ông anh cả trong làng đó, đội truởng của anh tức tốc đến tận nơi. “Xin phép thủ trưởng và các bác cho phép em đuợc thắp nén nhang cúng cụ”. Tất nhiên là có kèm một món lễ vật không xoàng.
-Rồi sao nữa?
-Giám đốc ôn tồn cảm ơn, còn gia chủ mời ở lại dùng cỗ nhưng đội truởng xin kiếu viện cớ là đang lúc làm nhiệm vụ.
-Thế thì chẳng đáng lo đâu anh ạ. Nếu có gì thì “sếp” cũng giơ cao đánh khẽ thôi.
-Chỉ mong ông ta đánh kiểu gì cũng đwợc, miễn là đừng rút bọn anh đi không cho “đứng đuờng” nữa
Màn hai: Cũng tối hôm đó, Sở truởng và vợ ở nhà mình.
-Ông thật là... Lần đi giỗ cha nhớ đời nhá. Mấy thằng ấy ông cho nghỉ khoẻ chứ? Dám vuốt râu cọp! Đâu phải chuyện đùa!
- Ờ, cũng đáng tức thật, nhưng nghĩ lại chúng đâu biết mình là ai. Hà, hà,... Mấy thằng cha “sáng tác” các cớ siêu thật! May cho mình. Đã có lần mình chỉ mang theo loại giấy tờ không ghi rõ công tác, chức vụ để tránh phiền hà những lúc nào đó. Bọn chúng “ngon” nã mình dăm tờ xanh to (tờ 500.000 đ) lắm chứ. Mình không chịu “cúng” thì chúng ngọng gì mà không giam xe mình, chí ít cũng lây nhây làm nhỡ buổi cúng cụ. Xem ra chúng nó mẫn cán, và đều thông tỏ nghiệp vụ cả. Đã chặn đuợc mấy chuyến hàng xấu rồi. Để rồi cũng chỉnh đốn sơ sơ; xử mạnh tay chúng rụt lại thì lấy ai trấn giữ những nơi xung yếu?
-Tôi hỏi thử vậy thôi. Tôi thừa biết trên-dưới các ông hiểu nhau quá mà!
-Thì vợ chồng mình cũng hiểu nhau quá mà. Hà, hà,...
Hải Phòng, 02 - 2009