Theo “Từ điển Tiếng Việt” (NXB Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, 1997 – trang 805) thì con rồng được định nghĩa như sau: “Rồng: Động vật tưởng tượng theo truyền thuyết, mình dài, có vẩy, có chân, biết bay, được coi là cao quý nhất trong các loài vật”. Như vậy, con rồng không và chưa bao giờ tồn tại với tư cách là một sinh vật của giới tự nhiên, nhưng trong tâm thức người Việt, nó còn “thật” hơn cả những con vật có thật.
Trước hết, rồng có nhiều loại:
- Thanh long (rồng xanh): Tả thanh long, hữu bạch hổ.
- Hoàng long (rồng vàng): Rồng vàng tắm nước ao tù.
- Hắc long (rồng đen) và Bạch long (rồng trắng):
Rồng đen lấy nước thì nắng.
Rồng trắng lấy nước thì mưa.
Không những có vẩy, rồng còn có vây (Rồng nằm bãi cát bày vây), có bờm (lờm xờm như bờm rồng), có râu (Rồng nằm bể cạn phơi râu). Râu Rồng đựơc coi là loại cao lương mỹ vị (nem công, chả phượng, râu rồng) ngày xưa chỉ dành cho các bậc vua chúa ,và nhiều đến mức –trong một số trường hợp khi muốn sử dụng lối nói ngoa dụ (có tính trào lộng), người ta phải viện dẫn đến nó để cụ thể hoá về mặt số lượng:
Lỗ mũi em mười tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho.
Rồng có thể sống trên cạn, dưới nước và trên…. mây, nhưng môi trường thích hợp với rồng hơn cả là mây:
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây…..
Rồng ăn rất khoẻ (ăn rồng cuốn); Ngoài biết bơi, biết bay, rồng còn biết leo và leo rất tài (nói rồng leo). Trong quan hệ giới tính, rồng rất thương yêu nhau, và tỏ ra là một con vật rất có tính cảm:
Thế gian được vợ hỏng chồng
Có đâu như rồng mà được cả đôi.
Rồng sinh sản bằng cách đẻ trứng và ấp:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu…
Trong kinh nghiệm sản xuất của nhà nông, hình tượng con rồng (đen hay trắng) còn mang ý nghĩa dự báo:
Rồng đen lấy nước thì nắng.
Rồng trắng lấy nước thì mưa.
Hoặc:
Rồng đen lấy nước được mùa..
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày..
Là niềm mơ ước, biểu thị cho sự thành đạt trong khoa cử (ngày xưa đi thi tiến sĩ, ai đỗ được ghi tên lên bảng, gọi là long bảng - bảng rồng):
Bao giờ cá lý (chép) hoá long
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Đặc biệt là cặp rồng + mây trong tình yêu nam nữ:
Tình cờ anh gặp mình đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.
Hoặc:
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây
Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời
Nữa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.
Hình tượng con rồng còn là nơi gửi gắm niềm ước ao và khát vọng của người phụ nữ trong hôn nhân:
- Gái có chồng như rồng có vây
- Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt vũ môn hoá rồng.
Trong tình cảm vợ chồng, khi xa cách, nhớ nhung:
Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
Như con chèo bẻo xa cây măng vòi.
Lúc giận hờn, trách cứ:
Rồng nằm bể cạn phơi râu
Những điều anh nói dấu đầu hở đuôi.
Lòng chung thuỷ và hạnh phúc gia đình:
Trăm năm ghi tạc chữ đồng
Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai
Và:
Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo…
Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, con rồng được khái quát, điển hình hoá và có mặt hầu như trong mọi lĩnh vực đời sống và trong mọi mối quan hệ xã hội. Phê phán lối sống vị kỷ của những kẻ chỉ nghĩ đến hưởng thụ nhưng lười biếng, khoác lác: Ăn rồng cuốn, nói rồng leo, làm mèo mửa; về thế lực đồng tiền: Trong lưng chẳng có một đồng, lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe; về giao tiếp ứng xử: Rồng đến nhà tôm; về tu dưỡng đạo đức: Có phúc trúc hoá long... v.v….
Trong tín ngưỡng người Việt, rồng gắn với hổ và ở vị trí cao hơn hổ (bên trái – theo quan niệm phong kiến):
Tả thanh long, hữu bạch hổ.
Đứng đầu và là một trong tứ linh (Long, Li, Quy, Phượng).
Dưới chế độ phong kiến, rồng tượng trưng cho vua (long thể) người được mệnh danh là thiên tử (con trời). Vì vậy, từ các bộ phận trên thân thể cho đến những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của “con trời” đều được gắn với hình tượng con rồng: long nhan (mặt vua), long bào (áo có thêu rồng của vua), long đình (kiệu dành cho vua), long sàng (giường để vua nằm)..vv….
Trong phong thủy là Long mạch (mạch đất tốt, quyết định vận mệnh con người).
Rồng còn là tượng của quẻ Càn (º) trong Kinh Dịch (một trong những cuốn sách ngày xưa bắt buộc học trò phải học để đi thi). Với người Việt là “đạo của người quân tử” (Nguyễn Hiến Lê):
Hào Chín đầu: Tiềm long vật dụng (Rồng lặn chớ dùng): Khuyên người quân tử trong thời hàn vi (chưa có điều kiện thi thố tài năng) phải biết ẩn nhẫn, nín náu chờ thời.
Hào Chín hai: Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân (Rồng hiện ở ruộng, lợi về sự thấy người lớn): Người quân tử xuất thế, nếu được người (biết đến tài đức của mình) tiến cử, cất nhắc, để mình có thể đem tài đức ra thi thố giúp đời thì tốt.
Hào Chín ba: Quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược! Lệ, vô cữu (Người quân tử trọn ngày săng sắc; tối dường rùng rợn! Nguy! Không lỗi): Khuyên người quân tử phải có ý chí tự lực, tự cường nhưng thận trọng và biết lo sợ thì tuy có ở thời hiểm nghèo cũng không có lỗi.
Hào Chín tư: Hoặc dược tại uyên, vô cữu (hoặc nhảy ở vực, không lỗi): Nói về lẽ biến thông. Khuyên người quân tử phải biết tiến lui tuỳ thời như con rồng (ở thời chưa bay đựơc) tiến thì nhảy, lui xuống thì ở trong vực. Xuất sử như thế thì không có lỗi.
Hào Chín năm: Long phi tại thiên, lợi kiến đại nhân (Rồng bay ở trời, lợi về sự thấy người lớn): Bàn về người ở ngôi chí tôn. Thánh nhân ở ngôi cao như con rồng đã bay ở trời, nếu được bầy tôi là những người có đức lớn giúp mình, cũng như tỏ được cái đức lớn của mình đến được với mọi người là tốt.
Hào Chín trên: Kháng long hữu hối (Rồng quá cực có ăn năn): Thời cực thịnh, nhưng thịnh đến cùng tột thì bắt đầu suy. Bậc thánh nhân cũng như con rồng: Lặn, hiện, bay, nhảy có thời. Nếu không biết lẽ lên, xuống, tiến, lui thì sẽ có sự ăn năn.
Hào Dùng Chín: Kiến quần long vô thủ, cát (thấy đàn rồng không đầu, tốt): “Thấy đàn rồng” là cứng mạnh đến cùng tột. Nếu đem tính cứng mạnh mà làm kẻ đi trước thiên hạ thì gãy (hung). Cho nên người quân tử ở thời này phải biết nhu thuận để chế bớt cái cứng mạnh của mình đi, như thấy đàn rồng mà không (thấy) đầu thì tốt…./.