Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.107
123.142.622
 
Vẻ đẹp “siêu thực” trong Thơ.
Yến Nhi

Thơ đương đại, các tác giả ít chú ý các biện pháp đơn lẻ mà định hướng vào hình tượng tổng hợp của toàn bài thơ . Trong việc xây dựng hình tượng thơ, các tác giả xử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật mà trước đây rất dè dặt. Đó là sự kết hợp các yếu tố thực và ảo, kết hợp ý thức lẫn vô thức, trí tuệ và tâm linh. Những dạng thức tồn tại của thế giới thể hiện trong thơ có thể chỉ thuần là sự tưởng tượng của tác giả. Thế giới tâm linh trước đây bị bỏ qua, nay nhà thơ có thể đi sâu khai phá. Bằng những thủ pháp này bài thơ tạo được những hiệu ứng thẩm mỹ phong phú đa dạng và mới mẻ ở người đọc! Tiếp nhận cái quan niệm thẩm mỹ Á Đông ưa sự kín đáo, sự hàm súc, sự khơi gợi, kết hợp lối biểu hiện giàu cảm giác, ấn tượng của nghệ thuật phương Tây, các tác giả đương đại thường xử dụng thủ pháp ẩn dụ. Theo cách hiểu quen thuộc, Ẩn dụ là sự so sánh ngầm, “sự liên tưởng về mối tương đồng (có tính chất hiện thực hoặc được tưởng tượng ra) giữa hai đối tượng về mặt nào đó.( TĐBKTT) . Thí dụ, Liên tưởng A và B: A cụ thể, B trừu tương;A và B : A trừu tượng, B cụ thể ;A và B: cả hai đều cụ thể hoặc trừu tượng. Nhìn chung Ẩn dụ là phương tiện diễn đạt có giá trị hình tượng, có sức mạnh biểu cảm.Thủ pháp này trong tay các tác giả tài năng, đặc biệt trong thơ ca,có nhiều biến điệu khá sinh động. Ẩn dụ siêu thực là một trong những thủ pháp mà các tác giả đương đại hay xử dụng để lạ hoá các hình tượng thơ nhằm nâng cao hiệu ứng thẩm mỹ cho độc giả. Thủ pháp ẩn dụ trong thơ ca truyền thống nặng về tính tả thực, trong thơ ca đương đại có nhiều yếu tố siêu thực.

 

Bằng thủ pháp ẩn dụ - siêu thực, hiện thực phô bày bởi cái nhìn hư tưởng bên trong kết hợp với những ảo giác cảm nhận bên ngoài gợi nhiều liên tưởng táo bạo, mới lạ. Nhà phê bình văn học, GS,VS Phan Cự Đệ khi nhận xét thơ Hàn Mặc Tử cho rằng :

 

”...Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ ( YN nhấn mạnh ). Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc."

André Breton, chủ soái cuả Trường phái siêu thực Pháp :

 

...Chủ nghĩa siêu thực cố gắng diễn tả tiềm thức bằng các trình bày các vật thể và sự việc như được thấy trong những giấc mơ.

 

Liên hệ một số tác giả Thơ đương đại Việt, ta càng thấy rõ những đặc điểm mà các ông nêu lên.

 

Trần Tuấn ở "Ma thuật ngón"( giải thưởng Bách Việt 2008), rất có ý thức khi sử dụng những yếu tố siêu thực vào các hình tượng. Siêu thực được anh sử dụng như là một thủ pháp, như là một phương tiện. Đây là hình ảnh người bán cà phê sau một đêm lao động căng thẳng, anh về nhà trong trạng thái nửa mơ, nửa tỉnh, cơn buồn ngủ, sự mệt mỏi chập chờn anh đi trong trạng thái vô thức, cảnh vật cũng hư ảo, mộng mị  "lanh canh tiếng ly muỗng đi trên con đường đêm/ chiếc xe đẩy người bán cà phê đêm về nhà lúc gần sáng/ nhà đâu trong đầu người đẩy xe mơ ngủ/ nơi ngã tư gần lụi đèn đường/ ụ giao thông ngồi làm nấm mộ/ có dăm giấc mơ dừng lại ngồi bên” (Giấc mơ sống sót), và một cơn bão tàn phá tung toé tất cả"cột điện gập lưng/ bò lê/ nôn mửa/ bên hài cốt nhà" (Lưỡi bão)...Tác giả nhân hoá đồ vật ( chiếc xe đẩy )và vật hoá con người ( người bán cà phê) cả hai đổi vị trí cho nhau, ụ giao thông thành nấm mộ ngồi lẫn những giấc mơ, cột điện bò lê, nôn mửa như một con người. Với  "Ma thuật ngón" Trần Tuấn ảo hóa cảm xúc từ cảm giác đến linh giác. Đồng thời để biểu đạt nội dung đa nghĩa, thủ pháp siêu thực cũng lạ hóa cấu trúc ngữ pháp, cũng như ngữ âm và tạo một tiêu chí mới cho hình tượng thơ. Đó là việc  xử dựng những liên tưởng dựa trên những nghịch lý, bất ngờ, đánh mạnh vào óc tưởng tượng của người đọc. Đó là cách thể hiện một sự vật hữu hình bằng những liên tưởng vô hình và ngược lại. Phép tĩnh lược quen thuộc trong thơ Á Đông (bỏ trống hay chấm phá,đứt quãng ) được xử dụng với tần xuất cao tạo ấn tượng dò tìm, suy tưởng. Đôi khi như là một kết hợp ngẫu nhiên từ ngữ,thoát ra từ vô thức :

 

...   ý nghĩ neo rốn/  thả/  bào thai / kiệt nước...

ý nghĩ tinh cầu /  siêu câm/  câm /  tìm một bờ Người khác...

(Ý nghĩ )

 

Hình tượng thơ đi về giữa ý thức và  tâm linh, giữa thực và ảo :

 

chân nhiều khi

không thu­ộc về con đường

  mà dành để tưởng tượng

 

tưởng tượng đi bằng ngàn đôi chân tưởng tượng

đôi chân trần

xuôi tưởng tượng về đâu

 

dấu chân là những gương mặt

không thể xoá  ...

(Bàn  chân  tưởng tượng )

 

Những yếu tố siêu thực xuất hiện trong tác phẩm tạo một không khí nghệ thuật đặc biệt, có tính huyền ảo, mộng mị . Nó nằm trong phương thức “lạ hoá” mà các nhà thơ hậu hiện đại hay dùng.

 

Thơ Mai Văn Phấn chan chứa cả “trời vô thức”, chất siêu thực tạo những liên tưởng thơ thoát khỏi thực tại .Những ám thị phi lý tính che dấu trong một hình thức ngôn ngữ tưởng đơn giản nhưng là những “mật mã”ở tầng sâu ý tưởng . Tất cả có thực mà không thực. Thời gian, không gian, đồ vật, con người, được bóp méo nhào nặn trong một “véctơ” tưởng tượng khác chiều .

 

...mọi con vật trong nhà

vẫn chế tác từ đồ phế thải:

con mèo tam thể được sinh ra từ mớ giẻ rách?

con cá bơi trong bể được gò hàn từ vỏ lon beer?

chim họa mi hót trong lồng là chiếc ấm vỡ?

con chó giụi đầu vào tay mình là cuộn báo cũ?

đàn kiến đang nhẫn nại tha mồi là đống mạt cưa?

( Không thể tin )


...Hãy thức chờ xem rêu phủ bầu trời / Mặt nước ăn những vì sao cuối cùng./Đêm nay/Rắn rết, bọ cạp tràn vào thành phố / Nhưng đừng sợ!

... Cái miệng đang trôi kia chắc của người đã chết / lúc trên cao/lúc chạm vào mặt đất./ Bộ xương của cái miệng giờ tan vào cát bụi? vẫn vàng ươm? hay đã xỉn đen trong chiếc tiểu sành?

Nhưng cái miệng vẫn mấp máy sống động / khi mím chặt/khi nhoẻn cười độ lượng.

 

Dẫu vậy siêu thực trong Ma thuật ngón ,trong thơ Mai Văn Phấn vẫn chỉ là những yếu tố tiếp biến của một thứ siêu thực thể nghiệm, nó có một khoảng cách khá xa với trào lưu siêu thực gốc( phương Tây) nếu xét trên phương diện cơ sở triết - mỹ học, về cách nhìn thế giới và con người. Đều là sự khải thị về tâm linh,sự suy tôn vô thức, bạn đồng hành của ảo giác, mộng tưởng, là sự ảo hoá thường xuyên thực tại, nhưng một đằng là phản ứng phủ nhận của một thế hệ trong thực tại tha hoá sau đại chiến, một đằng là tiếng nói mới mẻ khẳng định mình của một thế hệ tìm đường thời mở cửa. Nói một cách khác ẩn dụ siêu thực của các bạn trẻ là sự tiếp biến đầu ngọn về các thủ pháp chứ không phải là sự tạo tác minh triết nhân sinh về quan điểm sống, về thế giới nghệ thuật, về giải trình ngôn ngữ. Thi thoảng mới có vài đột biến trong suy cảm :

 

- xác thân nhìn tôi như kẻ quỵt tiền nhà

chỉ một phút giây ấy thôi /

rồi cứ thế / không đầu /không thân thể/ không màu

không mùi vị/ tôi đi với hơi thở nhẹ /  không ngang qua sự cư trú nào nữa

(Trần Tuấn - Kẻ trú ngụ)

 

Hình tượng thơ gợi một ám ảnh hư vô về mối quan hệ “tôi” với thân xác, “thân thể” tôi chỉ là nơi trú ngụ “rỗng không”của một tinh thần xa lạ, là “ngôi nhà hoang”mà tư tưởng nhân sinh đã rời bỏ từ lâu. Sự suy ngẫm về bản chất của tồn tại, gợi một minh triết phương Đông gần gũi.

 

Bóng chữ, một thông điệp kép mà Lê Đạt muốn dành cho độc giả, hình tượng thơ cũng đầy chất siêu thực. Nói về tình yêu – tính chất cổ điển, nói về công việc sáng tạo, công việc chữ nghĩa – tính chất siêu thực.

 

Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Chiều Âu Lâu

bóng chữ động chân cầu

( LÊ ĐẠT-Bóng chữ)

 

Đây là một bài thơ hay của Lê Đạt (được lấy làm tên cho cả tập thơ) thể hiện được tình cảm tinh tế cũng như phong cách nghệ thuật tài hoa của ông. Nhiều tác giả trích dẫn một số câu ở bài này để minh chứng cho những luận điểm về thơ, nhưng phân tích toàn bài thì trước đây chỉ có Thuỵ Khê (Tạp chí Thơ 04-2009) và gần đây có Phạm Minh Trí (Văn Nghệ -số 15-2010). Hai tác giả đều có những phân tích xác đàng và tinh tế ý nghĩa thẩm mỹ của bài thơ, tuy nhiên cũng còn có nhiều điều chưa thật làm độc giả yên tâm. Đó là vì không nắm được thủ pháp ẩn dụ mang tính siêu thực của tác giả. Bài Bóng chữ có hai “trường” nghĩa đen và bóng.  Nghĩa cụ thể, nghĩa đen nói về tình yêu, nghĩa bóng ẩn dụ nói về chữ nghĩa của việc sáng tạo. Chính hai “trường” nghĩa lẫn vào nhau làm bài thơ có “ trạng thái nhập nhoà và cạm bẩy của con chữ” ( Thuỵ Khê - bđd).

 

Bài thơ này hay một cách ma mị nhờ cấu tứ độc đáo bằng lối xử dụng “ẩn dụ kép” về Chữ và Em. Chữ có thể là con chữ nhưng cũng có thể là em, bóng chữ còn có nghĩa là bóng em. Cái tên bài thơ, và hình ảnh “bóng chữ lay động chân cầu” cuối bài càng nói rõ điều đó. Em gắn với kỷ niệm tình yêu tha thiết. Chữ gắn với công việc sáng tạo kỳ khu. Em thực không có trong bài thơ ( em ở đâu) mà chỉ là cái bóng ma mị ( em vẫn đây), nhưng chính bóng em về trong kỷ niệm làm lay động tác giả và cũng chính cái bóng chữ ở sau các con chữ mới tạo cảm xúc nơi độc giả! Câu thơ: Em về trắng đầy cong khung nhớ  theo chúng tôi là câu thơ hay nhất bài. Nó không gợi dục theo kiếu phồn thực Xuân Hương dẫu có các hình ảnh trắng, đầy, cong, khêu gợi cảm giác và cũng không lãng mạn kiểu cổ điển “ánh trăng nơi khung cửa sổ” ... Câu thơ đánh thức trí tưởng tượng người đọc bới cái vẻ siêu thực của nó. Hư ảo bên ngoài trộn lẩn mộng tưởng bên trong. Cái bóng em hiện về theo kỷ niệm: áo trắng thanh tân với  những đường cong đầy đặn thanh xuân đứng che khung cửa như còn in hình...Em giờ vắng xa nhưng mùi hương vẫn lẩn quất trong vườn. Câu thơ đầy ắp ấn tượng siêu thực: vẻ đẹp khơi gợi – cái bóng của em cũng chính là nghĩa bóng của chữ, cái nghĩa tạo sinh của chữ!

 

Cái sâu kín, sự gửi gắm quan trọng nhất ( nếu liên hệ tên tập thơ)  -  bài thơ lấy tình yêu để nói về chuyện chữ nghiã trong công việc sáng tạo của người nghệ sĩ. Sự xúc cảm của tác giả trong bài thơ là xúc cảm bởi bóng em, kỷ niệm về em chứ không phải em trước mặt ( chia xa rồi mới thấy em,... em ở đâu...) Bóng em – kỷ niệm về em làm tác giả dấy lên bao xúc động, cũng như bóng chữ – cái hồn cốt đằng sau con chữ mới tạo nên giá trị đích thực câu thơ, tạo được cái bóng đó của chữ là bản chất , là tinh hoa của nhà thơ. Bởi thế Chiều Âu Lâu / bóng chữ động chân cầu .Câu thơ kết lại bằng cái ẩn dụ siêu thực bóng chữ  lay động không gian sáng tạo của tác giả, chứ không là bóng em và tình yêu thôi vậy .

 

Nguyễn Việt Chiến khi xây dựng hình tượng Nguyễn Du trong baì thơ cùng tên cũng đã xử dụng cách xử dựng các chi tiết có màu sắc siêu thực

 

…trước mùa trăng sinh nở

Nguyễn Du là người mộng du ân ái cùng trăng

nhưng chưa đến nửa đêm thì Truyện Kiều đã viêt xong

và Nguyễn Du đạp mây trở về sông Tiền Đường.

để lại môt bông trăng thức trong chiếc bình đêm

thức chầm chậm

đến sáng thì nở

nở thành một nàng Kiều trắng trong

giữa vẫn đục cõi người.

khi Nguyễn Du về

bụi giang hồ

trần thế vẫn như xưa

ông lại gặp trăng đêm

nở một đóa sũng sờ

nở chầm chậm đến sáng thì tắt /nở chầm chậm đến sáng rồi chết.

(Nguyễn Việt Chiến – Trăng Nguyễn Du-Tạp Chí Thơ -Xuân 2008)

 

Mối liên đới Trăng- Thi sĩ thì đã có nhiều nhà thơ viết và có nhiều thi phẩm bất hủ, song cái “tứ” đầy mộng mị, bất khả giải, vô thức “ người mộng du ân ái cùng trăng”, nhà thơ về để lại “một bông trăng”  đến sáng thì “nở thành một nàng Kiều  trắng trong”…Và từ đấy giữa cõi thế nhà thơ hằng đêm lại gặp một đóa trăng “nở sững sờ, nở chầm chậm đến sáng rồi chết”, thì quả thật độc nhất vô nhị. Cái hình tượng Thơ đẹp sững sờ đó được phô diễn cũng bằng một ngôn ngữ, một thể tài rất giản dị, rất tự nhiên, mê hoặc người đọc một cách liêu trai xứng đáng đại diện cho một bút pháp thơ hiện đại!

 

*

Thơ đương đại có nhiều thay đổi về nội dung cũng như hình thức xét trên mối quan hệ với đời sống xã hội, nó phải thay đổi cho tiến gần đời sống, cập nhật đời thường với tâm thức con người bây giờ trên hai bình diện “tự nhiên và siêu nhiên”. Trong không khí bộn bề của sự tìm tòi đổi mới của thơ ca nhiều tác giả không còn quá dụng công vào cái việc đi tìm nhãn tự , thần cú mong gây được nhiều ấn tượng sâu sắc với công chúng như cũ mà họ tập trung vào các thủ pháp xây dựng hình tượng, phép ẩn dụ siêu thực với các biến điệu sinh động là một đặc trưng nổi trội.

 

Xin giới thuyết vấn đề: cái mới mà chúng tôi lưu ý bạn đọc ở đây không nhằm hướng đến những cái gì hoàn toàn mới mẻ mà trước đây trong thơ ca chưa có, chỉ giới thuyết ở tần số xử dụng chúng trong thi phẩm các tác giả trẻ và hiệu ứng thẩm mỹ cũng như chỗ đứng khả thủ của nó trong lòng độc giả./.

 

Tháng 9-2010

 

Yến Nhi
Số lần đọc: 8448
Ngày đăng: 27.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thiên nhiên vắng bóng trong tiểu thuyết Lê Văn Trương - Trần Văn Nam
Tây Du Ký – Đệ tam danh tác - Đỗ Ngọc Thạch
Vai Trò Của Hà Nội Trong Sự Phát Triển Của Chữ Quốc Ngữ, Báo Chí Và Văn Học Việt Nam Thời Hiện Đại (Nửa Đầu Thế Kỷ XX) - Lại Nguyên Ân
Đệ Nhị Danh Tác: Thủy Hử Truyện - Đỗ Ngọc Thạch
Cảm Thức Tính Văn Chương Lạ Trong Dòng Văn Học Phi-Lý - Trần Văn Nam
Hà Nội Những Năm 1930 Nhìn Từ Cầu Long Biên, Qua Một Sáng Tác Của Vũ Trọng Phụng - Lại Nguyên Ân
Bình Định Trong Thơ Yến Lan - Lâm Bích Thủy
Tính Quy Phạm Và Sự Phá Vỡ Nó Trong Thể Loại Thơ Đường Luật Văn Học Trung Đại Việt Nam-1 - Bùi Tuý Phượng
Tính Quy Phạm Và Sự Phá Vỡ Nó Trong Thể Loại Thơ Đường Luật Văn Học Trung Đại Việt Nam-2 - Bùi Tuý Phượng
Nhà Nho - Nhà Báo - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)
Thế sự nhàn đàm (tiểu luận)
Cúc xưa (phê bình)