PHÂN I
MƯA THUẬN THÀNH
Thế là sau nhiều chờ đợi, nó đã ra đời dưới cái tên khai sinh không nói được gì mấy về một Hoàng Cầm Bên kia sông Đuống. Vâng, lẽ ra nên gọi đúng tên của nó: Về Kinh Bắc và một số bài thơ khác; bởi phần chủ yếu của Mưa Thuận Thành là rút từ Về Kinh Bắc của những năm cuối 1950 đầu 1960.
Dòng thơ lãng mạn tiền chiến, nói cách khác, dòng trữ tình của “cái tôi” bị đứt mạch khá lâu, đã được nối lại và phát triển bởi một trong vài tài năng cuối cùng của nó, nhưng với một chiều sâu hoàn toàn mới, một năng lượng không còn tuôn trào từ con tim say mê mà dồn nén từ cõi u ẩn của lòng người.
Thế giới thơ Hoàng Cầm như một cõi mơ giữ nguyên những cái không hề có thật, cái “lá diêu bông” là cái lá gì, “cầu bà Sấm bến cô Mưa” là ở đâu, nhưng cứ ngỡ như là thật; có những chất liệu bình dị của vùng quê Kinh Bắc một thời vừa đủ xa để nhớ tiếc, cỗ bài tam cúc đôi cá đòng đong... nhưng lại kết thành hư ảo hàm chứa một cái gì bí ẩn. Hoàng Cầm thuộc nòi thi sĩ giao tiếp được với người âm, biết cách gọi về những gì đã mất, đẩy cái trước mắt ra xa vời, nên thơ anh ám ảnh như mộng triệu đòi được giải mã.
Ba bài thơ sau đây (Cây tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi) trong Mưa Thuận Thành có số phận rất đặc biệt suốt 30 năm qua. Được truyền tụng ngay từ khi mới ra đời, vòng sóng huyền thoại không ngừng loang rộng, được hiểu nhiều cách, thậm chí suy diễn ở nơi này và xuyên tạc ở chốn kia - gây cho tác giả không ít tai ương. Đến hôm nay, thoát khỏi mọi vướng víu thời cuộc, bộ ba cây-lá-quả vẫn cứ ngây ngây men erotic của những ẩn ức ấu thơ sực mùi ổ rơm và tóc ấm trộn với một liều lượng đắng cay của tuổi trẻ thất vọng đượm một nỗi u ẩn thế sự, vẫn nguyên sức cám dỗ của thứ rượu lâu năm nhấp môi thì ngọt, nuốt vào thì đắng, uống rồi thì chuếnh choáng ngậm ngùi.
Nhưng anh Cầm ạ, cái tâm thế chịu phận mà hờn tủi được tạo dáng quá đẹp trong ba câu kết của anh (“Em đứng nhìn theo em gọi đôi”, “Diêu bông hời/ ới diêu bông”. “Cúi mặt chiều mưa dăm quả rụng”, chúng tôi cảm thương mà tiễn biệt nó. Dù sao nó cũng thuộc về một thời đã qua.
1991
(In báo Lao Động năm 1991)
BẾN LẠ
Đặng Đình Hưng sinh 9-3-1924 tại làng Thụy Dương, huyện Chương Mỹ, Hà Đông. Mất 21-12-1990 tại Hà Nội.
Bắt đầu làm thơ từ cuối những năm 1950, đến khi qua đời (21-12-1990) nhà hoạt động nghệ thuật Đặng Đình Hưng để lại sáu tập thơ. Tất cả đều chưa từng công bố rộng rãi, song một vài đoạn trích được in trên các báo vào dịp ông qua đời khiến công chúng thơ sửng sốt vì một tính cách thơ, một thi pháp hết sức độc đáo.
Bến lạ là bài thơ dài tác giả viết trên giường bệnh vào lúc ông bước đến tuổi 60. Từ không gian chật chội cầm tù thân xác: Tôi cứ đi… Jữa cái nong hình dáng lưng tôi…, ông hành hương vào thế giới vô tận của nội tâm.
Thế giới những khát vọng thật bình thường, thật đời thường. Những cái thèm, cái đói cái khát thật:
Đã húp ra đi từng bát những nhạt nhạt – mềm mềm. Và rất ngon
…Miếng ngon A đậy lồng bàn – Mùa tròn
…αlfa là con số đợi ở hai vai nở vội tôi đuổi theo níu lại hai mùa
Những tiếc nuối nồng nàn, nhịp thở tình yêu:
…Căng lên cái yếm thắm nồng nàn của đám cưới năm ngoái hong ra khoe…
Thế giới ngổn ngang những đau buồn. Buồn vì những vết thương quá nhiều trong đời:
…Hễ mưa
Một cái túi to tôi ra đường vồ sẹo
Buồn vì bất lực trước thời gian:
Tôi già rồi. Tôi không làm gì được quyển lịch
Nỗi cay đắng không giấu nổi:
Thì ra thèm muốn là một thỏi phấn tắm nước nóng cọ bàn chân khô lau cái khăn lông…
và rụt rè chùn bước:
…Cứ đến i tôi lại nhớ lộn về
và chán chường:
Bến lạ giữa buồng mình cái giường quen cầu thang nhẵn thín.
Có lúc mỉa mai vì thất vọng, có lúc cố lấy dáng một người hùng, có lúc như lẩn thẩn, ngây dại… Tâm sự rối bòng bong ấy thật ra ai chả có. Chỉ có điều là ông thành thật nói hết. Thật với chính ông, vì toàn bộ thơ ông là độc thoại trong nỗi cô đơn khó lòng chia sẻ.
Có lẽ cái cảm giác khó hiểu khi tiếp xúc lần đầu với thơ Đặng Đình Hưng cũng từ đó, lại thêm lối nói nhiều chiều, dấp dính, lửng chừng, mâu thuẫn, xa xôi, hàm súc, vốn là lối nói thường ngày của ông. Thơ ông là những đợt sóng ngược xuôi ngang dọc của trí tuệ. Mỗi hình ảnh, mỗi cách nói đều có sự lấp lánh. Lại lắm khi lời, chữ tự động cuốn nhau đi như bị dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, tạo ra một trường gợi cảm tưởng hơn là một ý tưởng. Và trong dòng tâm thức triền miên thỉnh thoảng nhói lên một vết đau khiến ai cũng phải cảm thương.
Bến lạ cũng là cuộc tìm kiếm vô vọng của nhận thức, từ “khắc biết” đến “hề biết”:
Tôi đã tìm ở sau cái gương/cũng không có gì hết.
Nhìn lại hành trình phù du qua từng mốc chục tuổi, rồi nhìn tới quãng vị lai, ông thấy Bến lạ, nơi kết thúc một vòng luân hồi, từ chiều cao 91 ngó xuống để trở về lên 1, Bến lạ nơi hứa hẹn những kỳ lạ màu xanh. Phải chăng vì thế ông có thể dửng dưng với định mệnh khắc nghiệt giành cho mình:
Cõng đi chơi trên lưng Ni lông–Cáctông của định mệnh
Bến lạ chẳng đâu xa, ở ngay trong tâm tư ông sau bao nhiêu vấp ngã, bao nhiêu nghịch cảnh ở đời. Về Bến lạ là trở về bản ngã.
Ấy thế mà, đến phút lên đường, nỗi ngậm ngùi của kẻ sắp giã biệt kiếp phù sinh vẫn buột ra không giữ được:
…Một nắm hột khuya rắc vào bến lạ. Đời gì. Sao cứ đi đi, những cái va li cứ về bến lạ.
Nhà xuất bản Văn Nghệ TP HCM giới thiệu di cảo Bến lạ của cố tác giả Đặng Đình Hưng như một thể nghiệm thơ. Thi pháp của Bến lạ chưa quen thuộc với bạn đọc, song bất kỳ thi pháp chân chính nào cũng ký mã một tâm sự chân thành không hề xa lạ với những ai biết lắng nghe. Xin hãy lắng nghe “thình thình một tiếng đập” trên ngực trang thơ.
(Bài viết chung với Hoàng Cầm. In trong tập Bến lạ, NXB Văn Nghệ TPHCM, 1991)
Ô MAI
Ô mai là tác phẩm cuối cùng của tác giả quá cố Đặng Đình Hưng, được viết ít lâu sau Bến lạ (đã xuất bản năm 1991, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh). Ô mai mang một hình thức đặc biệt, có lẽ chỉ có riêng ở tác giả và cũng chỉ xuất hiện một lần: trên nền một độc thoại nửa thơ nửa văn xuôi, hiện lên câu chuyện tình hư hư thực thực với những đoạn hát đôi của nhạc kịch, xen kẽ là những tùy bút đầy không khí và những đối đáp lý thú về công việc sáng tạo mà ông gọi là “thể nghiệm”. Gọi đây là một tác phẩm thơ thì nó là thứ thơ không chút bận tâm đến những quy ước có sẵn về thơ. Và quả thật nó là thơ đến tận cùng, ở một ngôn ngữ đầy nhạc tính bên trong, nén chặt và âm vang, gợi cảm và gợi tưởng, ở chất trữ tình trí tuệ, bông đùa rướm máu. Nó là thơ ở công phu “làm tiếng việt”, thứ tiếng Việt – Đặng Đình Hưng, quanh co và nhảy vọt, chắc nịch và lan man.
Ô mai là hình ảnh nội tâm của một “người thể nghiệm” sống chỉ để cảm nhận thế giới xung quanh và cảm nhận bản thân mình qua tất cả các giác quan. “Anh gọi đó là “nhập” – Thấy”. Sau những “cơn thể nghiệm” chỉ để xếp “vào va ly”, sau mọi “giao lưu” đã mòn, con người “cô đơn toàn phần” (“cô đơn là cứ phải toàn phần mới sinh năng lượng”) khao khát đến vô vọng một “người không quen”. “Người không quen” bất ngờ hiện ra, lại là cô bé “Ô mai” tủi nhục và trong sáng, đầy thương mến, của đời thường. Cô bé đem đến cho “người thể nghiệm cô đơn” một lần duy nhất những dòng thơ dịu dàng xanh tươi và bâng khuâng lạ. Để rồi lại biến đi như mộng – “Ô mai – em” là thực hay là mộng? – đẩy ông vào cơn thể nghiệm cuối cùng, bế tắc. Tuy nhiên, chỉ một lần đến với ông, “Ô mai – em” trở thành sự cứu rỗi, thành màu xanh lay động chốn “siêu hầm” nơi ông tự cô lập.
Nếu Bến lạ là cơn mê sảng của một tâm hồn đầy khát vọng bị dồn nén, thì có thể coi Ô mai như một sự giải thoát. Sự giải thoát mà tác giả đã gặp được ở cuối cuộc đời bi kịch của ông.
1993
(In trong tập Ô mai, NXB Hội Nhà văn, 1993)
BÓNG CHỮ ĐỘNG CHÂN CẦU
Sóng nước động chân cầu - cái động trực tiếp, động cấp I. Bóng nước động chân cầu - cái động gián tiếp, động cấp II. Cũng vậy, ai cũng biết động lòng người xưa nay sức mạnh của “nghĩa chữ” ghê gớm lắm. Thế còn bóng chữ? Gần 50 năm nay rồi, có một người kiên trì gan góc đi tìm con đường "động cấp II" của chữ.
"Bạn đọc trước khi bước vào bài thơ xin tạm để lại cách đọc tuyến tính thuần dùng lí ở ngưỡng cửa như người khách bỏ giày trước khi vào một trà thất Nhật Bản... Bạn hãy thử để những hình ảnh những con chữ trong câu thơ dắt dẫn trên con đường tâm thức ra khỏi lối đi ngữ nghĩa tiêu dùng một chiều quen thuộc hàng ngày". Lời đề nghị thẳng thắn của Lê Đạt sẽ khiến không ít người dị ứng, song, chính đó là phần góp ý nghĩa nhất của nửa đời người thơ Lê Đạt vào thơ hiện đại Việt Nam. Thật ra cũng chẳng phải phát kiến của ông. Mallarmé cuối thế kỷ 19 ở Pháp đã khơi mào một bộ phận thơ thế giới gần trăm năm nay đi theo con đường "chữ" (thiết lập những tương quan mới của chữ, xây dựng những trường ngữ nghĩa mới, mời người đọc tích cực cùng tham dự phát nghĩa với thơ). Còn ở ta, "nay hoàng hôn đã lại mai lại hôn hoàng" (Nguyễn Du), "Chi chi chành chành... ù à ù ập" đồng dao là gì nhỉ?
Lê Đạt nối những tia điện lập lòe trong truyền thống dân tộc vào đường cao áp quốc tế, rồi hạ thế xưởng ông tạo ra "bóng chữ".
"Anh muốn làm con chim/xập xanh xòe cửa ngõ"
"Mưa rửa đền/Hoa tuổi trắng lau quên"
”Trời sáng ngần thân phố khỏa xuân"
"Đùi bãi ngô non/ngo ngó sóng đầy"
"La lả cành/cởi thắm/để hoa bay...”
Hàng chục câu thơ tài tình, gợi cảm, trẻ trung bất ngờ; dăm bài thơ nhỏ có cái đẹp toàn bích cổ điển; tập thơ không chỉ cho người đọc những phút khinh khoái khi bỏ giầy bước vào trà thất, những phút say lâng lâng âm hưởng của chữ làm thắm lên cái duyên của đời, mà quan trọng hơn, nó cung cấp kiểu tương quan mới của các chữ trong thơ - những "Ngã ba chữ" của Lê Đạt đã sáng tạo nên câu thơ lập thể trong văn chương Việt Nam.
Những câu những bài ấy, có lẽ ông được ở những phút kì ngộ "người đẹp vỏ chữ bước ra" sau rất nhiều đêm ngày "siêng năng" thủ một "lòng thành" chờ đợi. Cũng dễ thấy là nhiều khi ông không đủ kiên nhẫn và lòng thành nên thay vì gặp tiên, ông đã tự tạo một nàng Bích Câu cho mình, đẹp nhưng vẫn chỉ là tranh vẽ, hoặc vì siêng năng quá mức mà câu thơ kì khu làm ngắt dòng cảm xúc đang dào dạt của người đọc. Càng dễ thấy hạn chế của cái “động” bóng chữ vào chân cầu thực tại, cũng như của nhạc điệu có vẻ “tại ngoại” yên bình trong thời đại bùng nổ khốc liệt của chúng ta.
Dẫu sao, với tư cách một người đọc thơ, tôi cảm ơn ông về những phút hạnh phúc hiếm hoi tận hưởng vẻ đẹp của chữ Việt, thơ Việt; với tư cách một người làm thơ hậu sinh, tôi ghi ơn ông về bài học mê đắm và nghiêm khắc với nghề, về gợi ý những khả năng kỳ diệu của con chữ Việt, về thái độ tìm thơ vào "giờ các con phe đi ngủ”. Ôi cái thời sao lắm loại “con phe”...
6/1994
Viết thêm:
Lịch sử thơ Việt cho đến nay có lẽ vẫn là lịch sử cảm xúc, suy tư của con người mượn thơ để giãi bày hơn là lịch sử một tồn tại khách quan của một hình thức nghệ thuật ngôn từ. Có lẽ ông là một trong vài nhà thơ Việt đầu tiên có ý thức lập thi thuyết và kiên trì con đường thực thi thi thuyết của mình, điều thiết yếu để có một nền thơ chuyên nghiệp, hiện đại. Tôi tin là sau những biến động xã hội đang cuốn hết tâm trí người Việt và còn kéo dài không biết đến bao lâu nữa, khi người ta có thể “cởi giày” bước vào các trà thất mà không chút mặc cảm tội lỗi vì bỏ lại ngoài kia hàng triệu đồng bào mình đang đói khổ và bất bình, thơ Lê Đạt sẽ được thưởng thức hết vẻ đẹp của nó.
27/3/2008
(Đây là bài viết cho báo Lao Động, khi tập thơ Bóng chữ của Lê Đạt được NXB Hội Nhà văn phát hành (giữa năm 1994) nhưng bài không được duyệt in. Năm 2008, nhân ngày mất của nhà thơ Lê Đạt, tác giả viết thêm và cho công bố trên trang mạng Hội Luận Văn Chương, Canada)
THƠ Ý NHI
Ba mươi năm, 8 tập thơ đã in, chọn lại trên 130 bài, cuối cùng Ý Nhi trình diện công chúng một chân dung của mình dường như đã định hình vững vàng đến mức chỉ có một biến cố ghê gớm lắm mới có thể làm biến đổi trong tương lai.
Chân dung ấy, hơn chục năm đầu còn lẫn lộn trong một kiểu trang điểm và y phục chung của lớp thiếu nữ đem trái tim được nuôi bằng văn Pa-u và thơ Becgôn đi vào cái thực tế lạ lùng – gian lao mà đầy lãng mạn – của đất Bắc thời chiến, đã đột ngột tách ra khác hẳn trong bối cảnh phức tạp của đời sống hậu chiến. Cô thiếu nữ mơ mộng trở thành “người đàn bà ngồi đan”. Đọc lại bài thơ ấy sau gần hai mươi năm, tôi vẫn ngạc nhiên vì sự trầm tĩnh lạ thường của người đàn bà như cô lập trong thế giới riêng của mình giữa những biến động và hiểm họa của thời cuộc khi ấy. “Người đàn bà ngồi đan bên của sổ/ vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã/ nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời/ vội vã như thể đó là lần sau chót”. Lặng lẽ ngồi, bí ẩn như bản thân đời sống, bình thản như cuộn len dưới chân – quả địa cầu của chúng ta đang chậm rãi lăn trong vũ trụ, chứa đựng trong nó một thực tại mang tính nước đôi muôn thuở: cái gì cũng có thể là điều ngược lại với chính nó.
Thi pháp thơ Ý Nhi phơi bày trong bài thơ chủ chốt ấy của đời thơ chị. Kìm nén hoặc để nguội hết những cảm giác tức thời, những cảm xúc bột khởi, thờ ơ với đời sống bản năng, thơ Ý Nhi là một kiểu trữ tình gián cách, những ký ức đã tinh lọc; không ít bài thơ của chị vững chãi trên một cấu tứ khúc chiết, để bật ra ở cuối kết một chiêm nghiệm dễ được đồng cảm. Đây là một lối thơ hiếm trong trào lưu quen thuộc lâu nay của thơ VN ồn ào, kể lể, dàn trải tâm tình. Cũng hiếm như lựa chọn thể thơ tự do không vần, lắm lúc văn xuôi một cách triệt để của chị. Vì đó là thứ trữ tình của cái ngày thường, rũ bỏ ảo tưởng lãng mạn,“vừa đun nấu trên ngọn lửa bếp dầu chút thức ăn ít ỏi vừa nghĩ đến vẻ đẹp thực chất của bữa ăn”. Chị có xu hướng cảm nhận cuộc đời trong tính hai mặt nghịch lý của nó: Mùa thu có thể là“vòm trời xanh dịu” hay “cơn bão lớn”, tiểu sử của một con người có đầy đủ “lừa dối, phản trắc” và “tin cậy, yêu thương”, tới “ngõ cụt” và “cũng đã tới biển “. Chị nhạy cảm với “cái vạch nhỏ xíu/ của thủy chung và phản trắc, của tan vỡ và hy vọng, của hằn thù và tha thứ”.
Không phải lúc nào Ý Nhi cũng làm chủ được chỗ đứng mong manh trên “cái vạch nhỏ xíu” giữa cảm và nghĩ, giữa câu thơ giản dị và lời nói thiếu âm vang. Ngược lại, tôi tiếc cho một năng lực linh cảm và làm xao động lòng người – mà người ta thường coi là thế mạnh của phụ nữ - chưa được chị khai thác đầy đủ. Những giây phút “linh cảm điều lớn lao sẽ xảy ra trong thời khắc ấy” của mùa thu, những bất chợt “ước ao một tiếng gõ bất thường sau cánh cửa”, những đau đớn cuối cùng phải buột ra của người đàn bà khi “đi khỏi mối tình của mình” vụt nhớ lại giây phút định mệnh “ trong ánh chớp của phận số/ em đã kịp nhìn thấy anh” để rồi phải “lặng lẽ nói cười/ lặng lẽ nát tan”, những “đôi khi” tâm trạng buông thả đến vô cầu “như chiếc gàu thả sâu trong lòng giếng/ cứ va đập/ va đập mãi vào bờ đất/ cho đến hồi/ chỉ còn lại một vốc nước nhỏ... như đứa trẻ bán hủ tiếu rong/ tay cứ gõ hoài hai thanh gỗ mỏng/ rồi lắng nghe cái âm thanh khô giòn quen thuộc ấy/ ta đã quên chuyến đi/ đã thôi chờ đợi/ tiếng gọi của khách hàng”
(In trên Báo Lao Động năm 2000)
Vẫn Thanh Tùng của Thời Hoa Đỏ
“Sau bài hát rồi em như thể/ Em của thời hoa đỏ ngày xưa/ Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai tre ngày xưa…” Tôi không thể hình dung một “nhà thơ áp tải” đọc thơ dưới ánh nến một hầm rượu rất “à la mode” giữa TPHCM mang cái têân cũng “à la mode” là “Erawineclub”
(thực ra khung cảnh sang trọng có làm anh hơi… líu lưỡi). Nhưng nhùn quanh, thính giả cũng vẫn là những người bạn quen của “Thời hoa đỏ”.
Ơ tuổi sáu mươi lăm, giữa cái thành phố mà ít năm trước đây, lúc mới vào “làm rể”, anh thường bực bội thất vọng vì ghé con ngựa sắt già của mình đến nhà chiến hữu nào cũng thấy họ đang mải mê công việc gì đó không phải thơ, (hình như toàn là việc kiếm tiền!), không mấy ai sẵn sàng bỏ đi uống rượu đế, bia hơi, nghe anh đọc “thơ ứng tác” như ở ngoài kia, cái quê hương nghèo khổ hơn nhưng hình như mê thơ hơn. Vậy mà đầu năm nay, Thanh Tùng thay vật cưỡi: một con “nghẽo” Honda PC đời tám hoánh, nhưng dù sao cũng là “xế nổ”. Và nó bành bạch chở anh đi một vòng hết hơi để tặng tập thơ “Thời hoa đỏ” mới ra lò nhờ tài trợ của một Mạnh Thường Quân nào đó. Một trăm bài thơ, trừ vài bài tôi đã nghe từ dạo Hải Phòng B52 nhưng vì buồn quá nên bây giờ mới in ra được (Người về như khách lạ, ngỡ ngàng đầy hai tay... Đêm quờ phải mặt ta, đêm nghẹn ngào run rảy...), còn lại đều làm từ mươi lăm năm lại đây. Vẫn một giọng thơ nguyên xi như trước, cái giọng ồm ồm đầy sức sống, sức say, sức yêu, yêu đến cuồng, đau đến dại, nhiều khi tuôn trào bất cần cấu tứ, bố cục, bất chấp chặt chẽ, cứ bốc lên, cuộn lên, khi nào hết ý cạn lời thì ngừng. Kể ra đọc bằng mắt, vắng mặt tác giả, thứ thơ như thế dồn lại cả loạt bài thì dễ... chán lắm. Bản chất nó gần với loại thơ để đọc cho đông người nghe. Loại này muốn sống lâu phải có nội lực mạnh và cảm xúc chân thành, cộng với sự độc đáo trong ý tưởng và hình tượng nữa. May thay Thanh Tùng nhiều lúc có những cái đó. Phải nói thực là Thanh Tùng ít được nguyên cả bài thơ hay như “Thời hoa đỏ”, bài thơ tụ máu một nỗi đau tình hiếm thấy ở các nhà thơ đàn ông VN, nhưng vết thương rất sâu ấy thỉnh thoảng lại nhói lên, rên lên thành những câu, những đoạn đau một nỗi đau thực thể: “Em để lại trong tim tôi một mũi dao/ Thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút”, kể cả khi anh tự bảo mình đâu có đau: “Biển xanh thế làm sao mà đau nổi /Dẫu đâu đây quanh quất bóng em về”. Anh có những ảo giác mạnh của người say:“Chỉ mùa thu mới cất em sâu đến thế/ Sớm nay em bỗng trở về/ Em vụt tới rung cây đổ lá/ Bốc bụi mờ trắng cả bao la”. Anh có nhiều hình ảnh lạ: “Tôi rỗng ra/ như chiếc chai đêm qua còn lăn lóc trên bàn”, “Mai tôi đi rồi/ Để lại đây tiếng búa khắc vào hồn phố”... lạ mà thật, nói đúng hơn lạ vì thật với cảm nhận riêng của anh trong giây phút ấy: “Sao em nhìn anh như thế/ Để anh liều như một chú gấu con”, “rồi câu hát vang lên chập choạng/ như chân tù vừa được thả ra”, “mỗi đứa lại vội vàng mấy ngả/ bao giờ trở lại uống nhau đây”. Vì tình yêu của anh với vợ, với bạn bè, với Hải Phòng mùa hoa phượng, với Hà Nội mùa thu, nó mãnh liệt, nó da diết trong tâm thế của người sắp mất, sắp chia ly. Và nhất là chân thành. Cái chân thành làm người ta thương anh và dễ tha thứ cho những “lỗi lầm” của anh khi đọc những câu giản dị này: “Tôi chỉ gã nghèo tỉnh lẻ/ bạn bè thương nhận cho chơi/ thơ tôi sán gần khe khẽ/ chạm vào da thịt mọi người”. Anh có một bài thơ ngắn thật buồn và thật hay theo cách “nói rất thật” đó: “ Mẹ các con chẳng còn yêu cha/ Các con đã đi xa theo mẹ/ Cha vẫn tưởng các con chỉ vừa ra chơi ngoài phố/ Cha vẫn mở, các con ơi, đôi cánh cửa/ Cả ngày lẫn đêm/ Cả mùa xuân lẫn mùa đông...” để đến câu cuối thì dựng lên một hình tượng bất ngờ thật đắt: “ và giữa hai cánh cửa kia/ Treo trái tim cha trĩu nặng mong chờ”.
Tiếc cho một bản năng thơ mạnh và không thiếu tài hoa nhưng hạn chế ở khả năng tinh luyện để chất thơ kết thành bài thơ. Có phải vì anh cực đoan: “Tôi chỉ có tim chứ không có óc”? Hạn chế ấy càng rõ ở loạt bài anh mới viết về “miền yêu” mới, “miền đầy nắng/ hoa trái treo ríu rít khắp chân trời”. Hình như Thanh Tùng cần có nỗi đau và kỷ niệm giúp anh kết đọng những câu thơ ứa máu, mà ở quê hương mới anh... chưa có hai yếu tố ấy? Xuân Diệu từng nói: dưới ba mươi tuổi người ta là thi sĩ, trên ba mươi người ta “làm thơ”. Có lẽ Thanh Tùng không nằm trong thông lệ ấy. Lúc nào anh cũng “ba mươi”, và giờ đây lại càng “ba mươi” với một mối tình “nguyên sơ gió và nguyên sơ nắng”. Anh còn tuyên bố rất kinh: “Tôi đã bị hai người đàn bà bỏ, nhưng tôi quyết không để Nàng Thơ bỏ tôi!”. Anh vẫn suốt ngày lang thang, mê mệt với nàng thơ, chỉ “rình” cơ hội để bắt thiên hạ nghe thơ. Nhiều bạn bè ganh tị với anh đấy, Thanh Tùng ạ.
Mùa hoa phượng 2001
(In trên báo Lao Động năm 2001)
Mười hai nhà thơ Việt Nam, tuyển tập dịch ra tiếng Thụy Điển, Nxb TRANAN, THUY DIEN
... Trong dòng lịch sử ngàn năm của Thơ VN, Thơ hiện đại chỉ mới là chàng trai có độ tuổi 80.
Thơ hiện đại VN có thể coi như xuất hiện từ những năm 1930, khởi đầu bằng một cuộc “cách mạng thơ”có tên gọi là “Thơ mới”. Những nỗ lực hiện đại hoá thơ khởi xướng từ các trí thức trẻ thành thị, những người muốn tự do thoát khỏi những dàng buộc của thơ ca truyền thống, sự đúc khuôn về nội dung cũng như hình thức, yêu cầu thơ phải có nhiệm vụ giáo huấn, phải là công cụ của ý thức hệ.
Chịu ảnh hưởng của thơ lãng mạn và tượng trưng Pháp thế kỷ 19, sản phẩm của những thanh niên thấm nhuần ngôn ngữ Pháp từ ghế nhà trường phổ thông, “Thơ Mới” diễn tả tình yêu dịu ngọt, nỗi buồn và nỗi cô đơn của con người riêng tư, đi theo xu hướng thoát ly thực tại, trốn vào thiên nhiên và lãng mạn hoá quá khứ. Phần nhiều loại thơ này theo hướng nghệ thuật vị nghệ thuật. Luồng thơ mới này tự cắt đứt khỏi các niêm luật Đường Thi và sử dụng một số thể thơ Pháp thế kỷ 19 bên cạnh những thể truyền thống Việt Nam. Làn sóng Thơ Mới là tham vọng đầu tiên hiện đại hoá thơ Việt Nam – nó đã thành công nhờ vào sự tàn lụi rồi chết hẳn của nền văn hoá Nho học và sự nảy sinh của nền văn hoá tiểu tư sản thành thị dưới thời Pháp thống trị. Làn sóng mới này đi đến chỗ bị khai tử -- hoặc chí ít là lui vào chỗ nấp kín đáo – khi có cuộc Cách mạng năm 1945.
Tuy nhiên, trong những năm 1960, nhất là trong những năm chiến tranh Việt-Mỹ, lại nổi lên những nỗ lực hiện đại hoá thơ ca ở Sài Gòn, lúc đó thuộc chính quyền thân Mỹ.
Chất men văn hoá Mỹ và Pháp trong những năm 1960, các phong trào chống đối chính trị, những thể nghiệm biểu đạt mới, đã có tác động tới những nhà thơ trẻ Sài Gòn những năm đó. Các nhà thơ làn sóng mới Sài Gòn chủ yếu nằm trong nhóm “Sáng Tạo”. Nhóm này khai thác và nói to lên thân phận cô đơn của con người sống trong cuộc chiến tranh không lối thoát, tìm cách có tự do hơn trong những lối biểu đạt mới mẻ, những câu thơ tự do, những nhịp điệu bất thường, giống như các “thanh khí” của họ ở phương Tây đi theo tiết tấu nhạc jazz.
Trong khi đó ở phần đất do Đảng Cộng sản cầm quyền, hệ tư tưởng chính thống yêu cầu Thơ phải là công cụ cách mạng, cũng có nghĩa là phải có tính quần chúng và phải trung thành với những lệ luật có tự lâu đời. Trong bối cảnh đó, ta vẫn ghi nhận một số nỗ lực “bên lề” của số ít nhà thơ “cứng đầu” muốn giữ quan niệm hiện đại về thơ của mình. Ban đầu có thể kể đến Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh hồi mới bắt đầu kháng chiến chống Pháp. Trần Mai Ninh qua đời quá sớm, còn Nguyễn Đình Thi thì bị phê phán nên cũng phải chữa lại nhiều bài thơ cho bớt “tiên phong”. Trong giai đọan 1954-1975, có thể kể đến một số cách tân của Chế Lan Viên và Thanh Thảo trong loại hình thơ-văn xuôi, những cách tân này được chính thống chấp nhận do có nội dung chính trị tốt. Song, sự cách tân triệt để cả về tư tưởng và thi pháp chỉ được thấy ở vài nhà thơ vốn thuộc nhóm “Nhân văn Giai phẩm”. Sau khi phong trào mang tên này, phong trào đòi tự do sáng tác, tự do ngôn luận lớn nhất của trí thức văn nghệ sĩ bị nhanh chóng khai tử, các nhà thơ chủ chốt của phong trào như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng bị tước quyền xuất bản các sáng tác của họ. Lặng câm trong thân phận ngoài lề, họ tập trung tìm con đường đổi mới Thơ. Tránh va chạm với các vấn đề xã hội-chính trị bằng cách chui vào tháp ngà ngôn từ, họ đề cao cái phi lý và đời sống tiềm thức, vô thức và những thể nghiệm hình thức chủ nghĩa theo đường lối của nhiều đồng nghiệp phương Tây. Họ chủ trương “dòng chữ”, nhấn mạnh hết sức chức năng tạo nghĩa của “con chữ”, “con âm” – ý niệm khá giống với trường phái “thơ ngôn ngữ” ở Mỹ. Những nỗ lực của họ chỉ được một nhúm bạn bè thân biết đến, phải chờ 20 năm, thậm chí 30 năm để có thể tạo ảnh hưởng đến cộng đồng Thơ sau khi Nhà nước áp dụng chính sách “Đổi mới” về kinh tế và phần nào về văn hóa.
Được kích động vì sự dũng cảm của các nhà thơ “tiên phong” lớp trước, lại được trang bị tiếng Anh cơ bản cùng với những chiếc máy tính cá nhân và những mối liên hệ với các bạn đồng nghiệp Việt Nam hải ngoại, nhiều nhà thơ trẻ bắt đầu tạo ra làn sóng hiện đại hoá Thơ lần thứ ba ở Việt Nam, và công cuộc này đang còn tiếp tục hoàn thiện. Làn sóng này khá đa dạng, đi từ những khao khát giải phóng cá nhân đến những cố gắng “lật đổ” vô hại, từ ảnh hưởng của một số cây bút cách tân thế hệ trước đến sự bắt chước những tác giả “hậu hiện đại” nước ngoài. Cho đến nay, có thể nói ở Việt Nam không còn ai không thừa nhận rằng Thơ phải được cách tân, tuy cách tân thế nào thì còn phải tranh cãi và những sản phẩm cách tân ấy còn phải chờ đợi được công chúng rộng rãi tiếp nhận. Một số nhà thơ và nhà phê bình mong muốn sự cách tân thơ, vốn thường chạy theo sau thơ phương Tây, nên khai thác mạnh hơn những đặc điểm của ngôn ngữ và văn hóa Việt.
*
Tuyển tập mà các bạn có trong tay có vẻ muốn giới hạn trong khuôn khổ Thơ Việt Nam từ sau 1975 đến nay, và tập trung vào bộ phận thơ thoát ly nhiệm vụ “phục vụ chính trị”, đi sâu vào những nỗi niềm riêng tư, những chủ đề nhân bản, những triết lý nhân sinh, cũng như giới thiệu những phong cách, bút pháp có khuynh hướng hiện đại, từ những sự khéo léo kế thừa truyền thống cho đến những cố gắng hòa nhịp với các trào lưu “hậu hiện đại” phương Tây.
Những tác giả cao tuổi nhất trong tuyển tập: Bằng Việt, Hoàng Hưng, Hữu Thỉnh, Ý Nhi, Nguyễn Duy là những nhà thơ thành danh trong thế hệ “chống Mỹ”. Trừ Hoàng Hưng, mà khuynh hướng trăn trở về thân phận con người và hình thức thơ tự do đã thể hiện ngay từ trong chiến tranh qua những bài thơ chỉ được công bố sau “Đổi mới”, bốn nhà thơ kia, nổi tiếng như những giọng ca yêu nước, cách mạng, hầu như mới chuyển qua những suy tư và tình cảm “đời thường” sau khi chiến tranh kết thúc. Nguyễn Duy là một trường hợp độc đáo: vốn là giọng thơ truyền thống ngọt ngào của tình quê hương, ông lại gây chấn động với những bài thơ bình luận xã hội – chính trị đanh thép của thời “Đổi mới”. Nhìn chung, có thể nói lớp nhà thơ trên là dấu nối truyền thống – hiện đại của thơ VN.
Không phải ngẫu nhiên mà những nhà thơ xuất hiện sau “Đổi mới” với sự mới mẻ rõ rệt so với các thế hệ đàn anh: Mai Văn Phấn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Quang Thiều, đều là những người có vốn ngoại ngữ Anh/ Pháp vững vàng và kinh nghiệm giao lưu văn hóa với Âu Mỹ. Chính họ đã đưa những yếu tố siêu thực, phi lý, phi tuyến tính, hình thức thơ văn xuôi của thơ hiện đại và hậu hiện đại phương Tây vào những bài thơ bộc lộ những mảng khuất lấp của đời sống chưa quen được khai thác trong truyền thống văn chương Việt Nam. Khác với họ, Nguyễn Lương Ngọc chinh phục người đọc ở nỗi đau thầm kín, sự ám ảnh và nỗi tuyệt vọng ẩn chứa trong những bài thơ đầy dự cảm về sự mong manh của kiếp người, của cái đẹp, trong khi Nguyễn Bình Phương có tài nói về những điều mơ hồ, rối rắm trong lòng người, bằng những đoạn thơ mơ hồ, rối rắm.
Hai người cuối cùng, đều là nữ: Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, thuộc thế hệ mới nhất của Thơ VN, chỉ mới xuất hiện từ cuối thế kỷ trước. Họ không chú ý bứt phá thi pháp bằng khai thác đến cùng tâm trạng thực, khát khao thực của cá nhân mình. Họ dễ nhận được sự đồng cảm của thế hệ trẻ mà nhu cầu “nổi loạn” của “cái tôi” – chủ yếu trong lĩnh vực tình yêu, tình dục – đang đánh dấu sự chuyển mình lớn lao của xã hội Việt Nam.
*
Trước khi ngừng lời để mời bạn đọc đi vào thưởng thức các bài thơ, tôi muốn lưu ý rằng: tuyển tập này không có tham vọng đưa ra một gương mặt đại diện cho thơ Việt Nam đương đại, cũng như không đảm bảo giới thiệu được những bài thơ thành công nhất của mỗi tác giả. Một trong các lý do chính của sự khiêm tốn bắt buộc kia là ở khả năng chuyển ngữ Thơ Việt Nam sang các ngôn ngữ phương Tây. Thơ có một nửa, nếu không hơn, là âm nhạc của ngôn ngữ. Tiếng Việt lại là trong những thứ tiếng giàu nhạc tính nhất, nhiều người nước ngoài nhận xét người Việt nói như hát. Chỉ riêng hệ thanh điệu 6 cao độ khác nhau của tiếng Việt đủ khiến cho bất kỳ bài thơ nào cũng dễ dàng được hát lên. Kỹ thuật “chơi chữ” của thơ Việt cũng dựa phần lớn vào yếu tố “chơi ngữ âm”. Vì thế, ngay cả tuyệt tác bất hủ của Thơ VN: Truyện Kiều của Nguyễn Du (TK XIX), cũng trở thành câu chuyện văn xuôi nhàm chán khi chuyển qua tiếng Anh, tiếng Pháp. Các bạn có thể hình dung những hạn chế tất yếu của tuyển tập này khi nó được chuyển dịch hai lần, qua tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, rồi lại từ đó qua tiếng Thụy Điển.
Song, dù sao tôi cũng cầu mong các bạn tạm vui lòng, như một ngạn ngữ Việt Nam đã nói: “Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”, thưởng thức một phác họa đầu tiên của thơ VN đương đại qua tuyển tập này - thành quả hợp tác đáng trân trọng của các dịch giả Việt Nam và Thụy Điển. Và hy vọng các bạn nhận ra trong những tâm sự giãi bày trong đó, những gì rất riêng của người Việt mà cũng chứa đựng những nỗi niềm chung của con người ở bất cứ đâu trên trái đất, trong đó có chính các bạn.
1 tháng 12 năm 2009