Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.216
123.152.570
 
Sử Thánh Tư Mã Thiên Và Sử Ký 1
Đỗ Ngọc Thạch

Tư Mã Thiên (145 TCN - 86 TCN), tên tự là Tử Trường, là tác giả bộ Sử ký(*). Với bộ Sử ký, Tư Mã Thiên được tôn là Sử thánh, một trong Mười vị thánh (1) trong lịch sử Trung Quốc. Tư Mã Thiên làm chức Thái sử lệnh rồi Trung thư lệnh, đời nhà Hán. Sử ký là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất của thế giới. Đặc biệt bộ sử này còn là một trong những tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại. Bộ sử vĩ đại này miêu tả tổng quát về lịch sử Trung Quốc bao trùm 2.000 năm từ Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế (2). Công trình này là nền tảng cho sử học Trung Hoa mãi về sau...

 

Tư Mã Thiên sinh năm 145 TCN, ở Long Môn (nay là huyện Hàn Thành, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), vì không có những tài liệu gì về ông, người ta chỉ dựa vào bức thư ông trả lời cho Nhâm An năm 93 TCN, năm đó ông 53 tuổi.

 

Thời thơ ấu Tư Mã Thiên sống ở Long Môn, trong một gia đình có truyền thống viết sử. Hai chữ Tư Mã có từ đời nhà Chu và dùng để gọi một chức quan võ coi tất cả các việc binh trong nước, tức là chức Binh bộ Thượng thư đời sau. Đời Chu Tuyên Vương (827 TCN-782 TCN) một người giữ chức đó có công, được vua cho phép lấy chức làm họ. Sau đó họ Tư Mã có vài người làm sử quan ở nhà Chu. Thời Chiến Quốc, nước Tần có tướng giỏi là Tư Mã Thác, thời Tần Huệ Vương, đã cùng Trương Nghi (3) đánh bại Thục, giết chết vị vua Khai Minh cuối cùng, truất Thục vương đổi hiệu làm hầu).

 

Cha của Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm, là cháu tám đời của Tư Mã Thác. Ông làm thái sử lệnh của nhà Hán, là một người học rộng, thích học thuyết Lão Trang (**).

 

*

Từ nhỏ, Tư Mã Thiên đã được học nhiều sách văn học và sử học thời đó. Lên mười tuổi, ông đã học Tả truyện, Quốc ngữ, Thế bản và thuộc lòng hầu hết những bài văn nổi tiếng của thời trước. Ông từng là học trò của nhà Nho học nổi tiếng Đổng Trọng Thư(***).

 

Năm 20 tuổi, nhờ sự hỗ trợ của cha, Tư Mã Thiên đã bắt đầu chuyến du hành vòng quanh đất nước, thu thập các tài liệu và bằng chứng lịch sử. Mục đích của chuyến đi là để kiểm chứng các lời đồn đại và truyền thuyết và để thăm viếng các di tích lịch sử, như mộ Đại Vũ. Ông đã đi qua Sơn Đông, Vân Nam, Hà Bắc, Chiết Giang, Giang Tô, Giang Tây, Hồ Nam...

 

Sau chuyến đi trở về, ông được chọn làm Lang trung trong chính quyền, với nhiệm vụ đi kiểm tra từng địa phương cùng Hán Vũ Đế (vào khoảng từ 122 TCN đến 116 TCN). Sau ông được phụng sứ đi thanh tra các miền Ba Thục, Cung, Tạc, Côn Minh tức những miền mà nhà Hán mới chinh phục được ở phía tây nam. Phía bắc ông lên tới Vạn Lý Trường Thành và Sóc Phương. Năm 110 TCN, sau cuộc tuần du, cha ông lâm bệnh và gọi Tư Mã Thiên về để nối nghiệp. Tư Mã Đàm có ước nguyện viết tiếp Xuân Thu Tả Thị Truyện. Kế nghiệp cha, ông nhận chức Thái sử lệnh. Chức đó vừa giữ việc chép sử vừa coi về thiên văn, làm lịch, nhưng là một chức nhỏ, bị coi thường. Năm 104 TCN, ông cùng một vài người nữa, sửa lại lịch. Ông thu thập hết tài liệu trong các sách của thư viện triều đình.

 

Năm 99 TCN, ông bị vướng vào vụ Lý Lăng (4). Lý Quảng Lợi và Lý Lăng, hai quan võ, đã không hoàn thành nhiệm vụ trong một cuộc chiến với Hung Nô (5) ở miền Bắc. Hán Vũ Đế và đa số các quan trong triều cho rằng tội trạng thuộc về Lý Lăng. Chỉ mình Tư Mã Thiên bênh vực vị tướng này. Hán Vũ Đế cho rằng Tư Mã Thiên, qua việc bảo vệ Lý Lăng, đã ngầm chê Lý Quảng Lợi, anh vợ của Vũ Đế, là nhút nhát. Tư Mã Thiên bị tội tử hình, nếu không chuộc bằng tiền bạc hoặc bị cung hình (thiến). Do không đủ tiền chuộc, ông đành chọn bị thiến và bị giam trong ngục thất.

 

Sau khi được thả, Tư Mã Thiên được làm Trung thư lệnh, đây là chức quan to, ở gần vua, được ra vào cung cấm, xem các tài liệu mật, chức này chỉ dành cho hoạn quan. Thỉnh thoảng ông được đi theo vua trong các cuộc tuần du. Không được giữ chức Thái sử nữa, lại luôn cảm thấy nhục nhã vì hình phạt, ông dồn tất cả tâm sức cho bộ Sử ký và hoàn thành nó năm 97 TCN (có sách nói là năm 91 TCN, lúc ông trên 55 tuổi).

 

Những ngày tháng cuối đời của Tư Mã Thiên, không ai để ý tới ông cả và ông mất năm nào cũng không biết rõ. Theo Vương Quốc Duy trong Thái sử công niên khảo có lẽ ông mất vào năm 60 tuổi, năm 86 TCN cùng một năm với Vũ đế.

 

*

Sử ký là một công trình sử học được tôn vinh là Sử Thánh do Tư Mã Thiên viết trong hoàn cảnh được ông tâm sự như sau: Biên chép, sắp đặt văn Sử ký được bảy năm, thì Thái sử công gặp cái họa Lý Lăng, bị cùm trói trong tù. Bèn bùi ngùi mà rằng: Đó là tội của ta ! Đó là tội của ta ! Thân tàn không dùng được nữa rồi ! Nhưng rồi lại suy nghĩ kỹ mà rằng: Ôi ! Viết sách làm thơ, đó là điều những người trong lúc cùng dùng để truyền đạt cái ý nghĩ của mình. Xưa Tây bá bị tù ở Dĩu Lý nên diễn giải Chu dịch; Khổng Tử gặp nạn ở đất Trần, đất Thái nên viết Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi nên vết Ly Tao; Tả Khâu Minh bị mù làm Quốc Ngữ; Tôn Tẫn cụt chân bàn Binh Pháp; Lã Bất Vi bị đày sang Thục, đời truyền lại sách Lữ Lãm; Hàn Phi bị tù ở Tần làm những thiên Thuyết Nan, Cô Phẫn; ba trăm bài ở Kinh Thi phần lớn đều do thánh hiền làm ra để giãi bày cái nỗi phẫn uất. Những người ấy đều vì những điều uất ức không biểu lộ ra được, cho nên thuật lại việc xưa mà lo truyền lại người sau. Do đó, bèn soạn thuật cho xong từ thời Nghiêu cho đến năm được lân thì dừng bút, bắt đầu từ Hoàng Đế. Nó được lưu giữ, ít người biết, cho đến thời cháu ngoại của ông là Dương Vận (Dương Uẩn?), thì mới được công bố gọi là Thái Sử Công Thư Chí. Tên Sử ký là tên đặt sau này.

 

Nó đã xây dựng một phong cách viết sử mà sau này trở thành "khuôn mẫu chính thức" cho tài liệu lịch sử Trung Hoa. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên trình bày các sự kiện theo chuỗi kèm theo chú giải, nguồn tham khảo. Công trình này gồm 526.500 chữ, 130 thiên; không theo trình tự thời gian, mà theo 5 chủ đề, bao gồm bản kỷ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện; viết về nhiều lĩnh vực của xã hội gồm âm nhạc, lễ hội, lịch, tín ngưỡng, kinh tế; kèm theo một nguồn tham khảo lớn. Trước ông, lịch sử được viết dành cho triều đình. Phong cách viết sử mở rộng cho nhiều mặt của xã hội trong Sử ký sau này ảnh hưởng rất nhiều đến sử gia Tư Mã Quang (6) khi viết Tư trì thông giám.

 

Sử ký của Tư Mã Thiên cũng đã được coi như hình mẫu cho văn học với nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật và sự kiện đạt tới trình độ bậc thầy không chỉ trong nền văn học Trung Hoa mà cả trên thế giới. Nó được các nhà phê bình văn học coi là có "trình độ miêu tả điêu luyện" (như phương pháp đàm thoại khiến các miêu tả thêm sống động), "phong cách sáng tạo" (ngôn ngữ bình dân, dí dỏm và phong phú, như tác phẩm thơ không vần), "súc tích" (cách viết chỉ miêu tả những điểm cốt yếu, ngắn gọn dễ hiểu)... Sử ký của Tư Mã Thiên có hàng ngàn nhân vật điển hình sống mãi trong văn học, điều đó làm cho ông có thể xếp ngang hàng với những nhà văn bậc thầy của thế giới. Hệ thống nhân vật của ông thật đông đảo, thật đa dạng, đủ các nghề nghiệp, đủ các đẳng cấp, từ các bậc đế vương, hàng ngũ quan lại, các triết gia… cho đến những thị dân, nông dân ở mọi nơi, mọi chốn. Những hình tượng nhân vật như các bậc đế vương Hạng Vũ, Lưu Bang, những tướng lĩnh tài ba Hàn Tín, Lý Quảng, thích khách can trường như Kinh Kha, thương gia giảo hoạt như Lã Bất Vi (7), những thuyết khách tài giỏi “uốn ba tấc lưỡi” làm xoay chuyển thiên hạ như Tô Tần, Trương Nghi, những triết gia bất tử như Khổng Khâu, Trang Tru, v.v… không những đã trở thành những hình mẫu, những chuẩn mực nghệ thuật vĩnh cửu mà còn là đề tài, là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ nhà văn kế tiếp.

 

*

Sử Ký, không giống các văn bản lịch sử chính thức thời gian sau này, vốn chấp nhận học thuyết Khổng giáo, tuyên bố quyền lực thần thánh của các vị Hoàng đế và loại trừ ra ngoài vòng pháp luật mọi âm mưu chiếm ngôi báu, phong cách viết sử tự do và có chủ đích của Tư Mã Thiên đã được nhiều nhà thơ và tiểu thuyết sau này học tập. Đa số các thiên Liệt truyện đều là những đoạn văn miêu tả sống động các nhân vật và sự kiện, vì Tư Mã Thiên đã sử dụng một cách chính xác các câu chuyện lịch sử trong quá khứ làm nguồn tư liệu của mình, và có điều chỉnh lại cho đúng với thực tế.Ví dụ, ông viết truyện Kinh Kha ám sát Tần Thuỷ Hoàng trong thiên “Thích khách liệt truyện” dựa trên lời kể của một vị quan trong triều nhà Tần và vụ ám sát xảy ra khi vị quan đó đang có mặt tại đó.

 

Trước nhất là tính xác thực của sự kiện, nói như lời Tư Mã Thiên, “tôi chỉ thuật lại chuyện xưa, sắp đặt lại các chuyện trong đời chứ có sáng tác đâu” (thiên Tam đại thế biểu), song tác giả không chỉ thuật lại chuyện xưa một cách lạnh lùng. Ảnh hưởng bút pháp của Xuân Thu, nhưng tính khuynh hướng của Sử ký thể hiện sự khác biệt nhất định. Nếu Xuân Thu xuất phát từ lập trường bảo thủ của quý tộc thì Sử ký lại xuất phát từ lập trường tiến bộ, có những nét phù hợp với tư tưởng và tình cảm của nhân dân đương thời. Sử ký lên án sự tàn bạo của tầng lớp thống trị (Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang và Vũ Đế), ca ngợi những nhà thơ yêu nước như Khuất Nguyên (8), đề cao các dũng sĩ khởi xướng khởi nghĩa nông dân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc như Trần Thiệp (9). Tư Mã Thiên viết sử có dụng ý nhằm “xét qua việc làm, tóm tắt trước sau, xét việc hưng vong thành bại”, “thấu hiểu sự biến đổi từ xưa đến nay”, để “ký thác”, để “hả điều căm giận” (trong thiên Báo Nhậm An thư). Điều đó phản ánh sự quan tâm của tác giả đến sự kiện không chỉ nằm ở bản thân sự kiện mà là cả tiến trình của chúng, và điều cơ bản là chú ý đến số phận của đông đảo quần chúng nhân dân, đến vận mệnh của dân tộc.

 

*

Sử ký gồm trên 52 vạn chữ, 130 thiên, xếp loại các thông tin thành 5 phần khác nhau: Bản kỷ, Biểu, Thư, Thế gia và Liệt truyện.

 

12 thiên Bản kỷ (Quyển 1-12): ghi lại tiểu sử của những vị vua nổi tiếng từ thời vị Hoàng Đế thần thoại cho tới Tần Thuỷ Hoàng và các vị vua của nhà Hạ, nhà Thương, và nhà Chu. Tiểu sử của bốn Hoàng đế và một hoàng hậu nhiếp chính (Cao Tổ, Lữ Hậu, Hiếu Văn, Hiếu Cảnh, Hiếu Vũ) nhà Tây Hán trước thời ông cũng được cho vào phần này.

 

10 thiên Biểu (Quyển 13-22): xây dựng bảng thời gian các sự kiện quan trọng.

 

8 thiên Thư (Quyển 23-30): là những đoạn sử về kinh tế, văn hóa, khoa học và tôn giáo trong thời gian sinh sống của các nhân vật trong cuốn sách.

 

30 thiên Thế gia (Quyển 31-60): ghi lại tiểu sử các vị vua chư hầu nổi tiếng, tầng lớp quý tộc và quan lại đa số thuộc giai đoạn từ Xuân Thu tới Chiến Quốc.

 

70 thiên Liệt truyện (Quyển 61-130): đề cập đến nhiều nhân vật, sự việc khác nhau, từ thường dân đến quý tộc, từ chuyện cung đình đến chuyện xảy ra ngoài địa bàn của Trung Quốc. Phần này có tiểu sử nhiều nhân vật quan trọng như Lão Tử, Mặc Tử, Tôn Tử, Kinh Kha, v.v...

 

Việc chú thích, bình luận niên đại trong Sử Ký chủ yếu có ba nhà, một là bản “Sử Ký Tập Giải” của Bùi Nhân thời Tống, hai là “Sử Ký Tác Ẩn” của Tư Mã Trinh và “Sử Ký Chính Nghĩa” của Trương Thủ Tiết đời Đường, toàn bộ lời bình luận , chú giải đều được cả ba nhà tổng kết từ Sử Ký. “Sử Ký Chí Nghi” của Lương Học Thằng đời Thanh được coi là một trước tác tập hợp các nghiên cứu về Sử Ký. Ở thời Cận đại có cuốn “Sử Ký Hội Chú Khảo Chứng” của học giả Nhật Bản là Takigawa Sukekoto biên soạn được coi là một tác phẩm trứ danh. Đương thời còn có cuốn “Sử Ký Tiên Chứng” của Hàn Triệu Kỳ, nhưng tất cả vẫn lấy trước tác của ba nhà xưa chú thích và quyển “Sử Ký Hội Chú Khảo Chứng” làm cơ sở, là tác phẩm chú giải tường tận và chi tiết nhất về Sử Ký.

 

Vì là bộ sách ghi chép sử đầy đủ đầu tiên còn lưu truyền lại, Sử ký Tư Mã Thiên là tư liệu cho rất nhiều người sau này sử dụng, đặc biệt nở rộ các tác phẩm dựa lịch sử viết vào thời nhà Minh-Thanh: Phong thần diễn nghĩa của Hứa Trọng Lâm (10) viết về việc vua Chu Vũ Vương lật đổ Trụ Vương nhà Thương, lập nên nhà Chu; Đông Chu Liệt Quốc của Sai Nguyên Phóng viết về giai đoạn Chu Tuyên Vương cho đến hết thời nhà Chu, vua Tần Thủy Hoàng lên ngôi.

 

*

Người cùng thời với Tư Mã Thiên đánh giá Sử Ký như thế nào?

 

Theo lời bàn của Ban Bưu thì Sử ký : Nhặt kinh, lượm chuyện, phân tán sự việc của một số nhân vật rất đổi sơ lược, có khi xúc phạm đến người ta. Được một điều là sự tìm kiếm cũng khá rộng, sách viết cũng có quán xuyến kinh truyện, rong ruổi xưa nay, trên dưới đến vài ngàn năm, có thể nói là cần cù siêng năng. Lại nữa, sách bàn phải trái thì sai lầm nhiều so với lời thánh nhân; luận đạo lớn thì để Hoàng lão lên trước, lục kinh xuống sau; kể về du hiệp thì thoái kẻ xử sĩ mà tiến kẻ gian hùng, nói về hóa thực thì đề cao thế lợi mà cho nghèo hèn là đáng khinh bỉ, đó là những điểm thiếu sáng suốt vậy.

Lục Giả thời Hán làm sách Hán Sở xuân thu có nói: Điều trái phải tuy dựa vào Nho gia làm gốc, song chức vụ Thái sử nguyên từ Đạo gia mà ra; cha của Tư Mã Thiên là Đàm cũng sùng thượng Hoàng lão, cho nên Sử ký tuy có sai lầm về nho thuật, nhưng có thể cho là nổi được cái nghiệp cũ đã cách xa lâu ngày, Huống chi phát phẫn mà làm sách, ý nghĩa khá kích động.

 

Tuy nhiên theo lời của Mao Khôn thì: Đọc chuyện du hiệp, thì lập tức muốn coi thường sự sống, đọc truyện Khuất Nguyên, Giả Nghị thì lập tức muốn trào nước mắt, đọc truyện Trang Chu, Lỗ Trọng Liên thì lập tức muốn vất bỏ cuộc đời, đọc truyện Lí Quảng thì lập tức muốn đứng dậy chiến đấu, đọc truyện Thạch Kiến lập tức muốn cúi mình, đọc truyện Tính Lăng Quân, Bình Nguyên Quân thì lập tức muốn nuôi kẻ sĩ.

 

Ngoài ra theo như Hán Thư đã nói rằng, tuy là một tác phẩm đồ sộ, độc đáo nhưng Sử ký vẫn có chỗ khuyết, nên người viết tiếp nổi lên như bời, các văn nhân đời sau như Giả tiên sinh, Phùng Thương, Lưu Hâm tiếp tục bổ sung , chỉnh lý những chỗi sai sót, nhầm lẫn của Tư Mã Thiên, Hán thư cũng có chỗ từ Lưu Hâm mà ra, cho nên Thôi Thích cho rằng văn Sử ký so với toàn bộ có chỗ trái, so với Hán Thư có chỗ hợp, đó là những chỗ Lưu Hâm viết tiếp thêm vậy. Còn nhiều niên đại xa cách khác nhau chương cú cắt xé ra thì chắc là do những kẻ càn quấy đời sau thêm vào và những người đời sau sao chép viết sai đi một nửa.

 

*

Khi giới thiệu Sử ký Tư Mã Thiên, dịch giả Nhữ Thành (GS Phan Ngọc) đã viết: “Quy mô của tác phẩm làm ta ngợp, bút lực của tác giả làm ta sợ. Đối với những người yêu văn học Trung Quốc, tác phẩm đưa đến một cảm giác rất lạ. Ở đây là cái biến ảo của Nam Hoa Kinh, có cái rạch ròi của Hàn Phi Tử (11), có cái hoa lệ của Tả truyện (12), có cái nghiêm khắc của Xuân Thu. Nhưng còn một cái nữa mà văn học từ Hán trở về trước (trừ Kinh Thi) không thấy có, đó là ý thức bám vào sự thực, không rời cuộc sống dù chỉ nửa bước. Chúng ta cảm thấy mình đứng cả hai chân trên miếng đất của sự thực. Ấn tượng ấy đến với chúng ta không phải ngẫu nhiên. Đó là vì Sử ký chính là Tư Mã Thiên sống, và con người ấy sống với những tư tưởng lớn”. Lời nhận xét đã khái quát được giá trị lớn lao của Sử ký ở cả tính chân thực lịch sử và tính nghệ thuật cao mà không một tác phẩm nào cả về sử học và văn học đạt tới được như Sử ký của Tư Mã Thiên! Sử ký của Tư Mã Thiên đúng là Thiên cổ kỳ thư (13)!

 

Sài Gòn, tháng 8,9-2010

 

Chú thích:

(*) Sử ký vẫn chưa được dịch trọn bộ ra tiếng Việt. Có thể kể các bản dịch đã phổ biến như: Bản dịch của Nhữ Thành, tức GS Phan Ngọc (*1), được tái bản nhiều lần từ những năm 1960 tới năm 1988 (NXB Văn học). Tái bản năm 1999, ký tên thật Phan Ngọc và bổ sung thêm một số thiên như Hiếu Văn bản kỷ, Tấn Thế gia, Ngô Thái Bá thế gia, Triệu Thế gia, Tề thế gia cùng một số liệt truyện: Hung Nô, Cam Mậu - Sư Lý Tử, Mạnh Tử - Tuân Khanh, Lỗ Trọng Liên, Ninh Hạnh, Lưu Kính - Thúc Tôn Thông, Viên Áng - Tiều Thố.

 

Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi (Sài Gòn, trước 1975). Bản dịch này dịch ít hơn so với bản của Phan Ngọc và nhiều thiên dịch không đủ. Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn, Việt Anh (NXB Văn hóa Thông tin, 2005): Thực chất là bản bổ sung cho bản của Phan Ngọc vì hai dịch giả này dịch thêm các bản kỷ: Ngũ Đế, Hạ, Thương, Chu, Tần . Chính các dịch giả cũng lấy tên gọi của bản dịch theo tinh thần đó: “Sử ký Tư Mã Thiên - Những điều chưa biết”, tức là dụng ý cung cấp cho người đọc một số trong những thiên Sử ký trước đây chưa được dịch.

 

Dù vậy, Sử ký vẫn chưa được dịch hoàn chỉnh với những thiên các dịch giả đã dịch xong. Tổng số các thiên đã dịch chưa tới một nửa nguyên bản Sử ký mà Tư Mã Thiên đã viết.

 

(*1) Phan Ngọc (1925- ?) là một dịch giả, nhà ngôn ngữ học và là nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Cụm công trình về văn hóa Việt Nam của ông gồm “Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới” (1994) và “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (1985) đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000.

 

Phan Ngọc sinh năm 1925 tại Yên Thành, Nghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học, cha ông là thượng thư Phan Võ. Ông chỉ có bằng chính thức là bằng tú tài thời Pháp thuộc, nhưng vốn kiến thức của ông chủ yếu là do tự học mà có.

 

Trong cuộc chiến chống Pháp, ông tham gia chiến đấu trong biên chế của Sư đoàn 304, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ 1952-1954, Phan Ngọc là Trưởng phòng Phiên dịch Bộ Giáo dục.Từ 1954-1955 là Sĩ quan Ban Liên hiệp đình chiến.

 

Từ 1955-1958 là phụ giảng tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tổ trưởng Tổ Ngôn ngữ học (ông là tổ trưởng đầu tiên), đồng thời kiêm nhiệm giảng viên Văn học TQ, Lư luận văn học tại khoa Văn trường Đại học Tổng hợp HN. Do có liên quan tới vụ án Nhân văn - Giai phẩm, ông không được trực tiếp giảng dạy nữa mà chuyển sang làm nhân viên dịch thuật tại khoa Văn. Từ 1980-1995 ông là chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1992

 

Tác phẩm Dịch : Chuyện làng Nho, 1961; Tuyển tập kịch Sêch-xpia (Shakespeare), 1963 (dịch chung);Sử ký Tư Mã Thiên, 1964, (ký tên Nhữ Thành), tái bản có bổ sung, 1999; Trần trụi giữa bầy sói, 1985 (dịch cùng Xuân Oánh);David Copperfield; Hàn Phi Tử; Mỹ học (Hegel).

(**) Lão Trang: Trang Tử (365-290 trước CN) là một triết gia và tác gia Đạo giáo, tên thật là Trang Chu, tác phẩm của ông sau đều được gọi là Trang Tử. Ông sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa với Bách Gia Chư Tử.

 

Cũng như Lão Tử (**1), tư liệu sớm nhất chép về Trang Tử là ở bộ Sử ký của Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên viết về Trang Tử khá vắn tắt: "Trang tử, người đất Mông, tên Chu, làm quan lại ở Vườn Sơn (Tất Viên)" sau đó sống ẩn dật cho đến cuối đời. Nhưng điều chắc chắn là Trang Tử sống cùng thời với Mạnh Tử và Huệ Thi thời Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương. Đất Mông được xác định nằm trong đất Tống, thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay. Trang Tử là một trong những nhà tư tưởng đặc biệt vào loại hạng nhất thời ấy, rất giỏi kể chuyện, có sức tưởng tượng vô cùng phong phú”. Cũng theo Tư Mã Thiên, Trang Tử là tác giả bộ Nam Hoa kinh gồm hơn mười vạn câu (thập dư vạn ngôn) để châm biếm cái học của Khổng Tử và xiển minh học thuật của Lão Tử. Miêu tả tính chất thoát tục của Trang, Sử ký Tư Mã Thiên có đoạn viết:

 

Uy vương nước Sở nghe nói Trang Chu là bậc hiền tài bèn sai sứ đem vàng lụa đến mời đón hứa cho làm tướng. Trang Chu cười nói với sứ giả rằng: "Ngàn vàng đáng trọng thật, khanh tướng tôn quý thật, nhưng ông có thấy con bò bị đem đi tế lễ không? Nó được nuôi nấng vài năm rồi được choàng quần áo sặc sỡ để đưa vào Thái Miếu. Lúc đó, nó muốn làm con lợn đơn độc có được nữa chăng? Ông hãy về đi, chớ làm ta nhơ bẩn. Ta thà cứ rong chơi ở nơi ô trọc này còn thấy sướng hơn bị người chủ nước nọ trói buộc thân ta."

 

Chí khí của bậc hiền triết Trang Tử cũng giống như căn bản nền tảng tư tưởng Đạo gia: ẩn dật mà khoáng đạt, quay trở về cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, không muốn tham dự vào tranh quyền đoạt lợi, xa lánh những hệ lụy cuộc đời. Gần như đối lập với đạo Khổng mang bản thể trần tục, ưa thực tế, trọng thực nghiệm và đặc biệt tôn trọng chủ nghĩa nhân văn, Trang Tử kế tiếp truyền thống tư tưởng của Lão Tử, phát triển thành một hệ phái mà sau này người ta thường gọi một cách vắn tắt là Lão-Trang. Khác với Lão Tử cuối cùng vì chán ngán xã hội Trung Hoa đương thời đã vượt cửa ải Hàm Cốc, mất tích trong sa mạc; với Trang Tử, người đời thường nhắc đến "Trang Chu mộng hồ điệp" như một huyền thoại.

Nam Hoa là tên một hòn núi ở Tào Châu thuộc nước Tống thời xưa. Tương truyền rằng, khi Trang Tử đến ở ẩn nơi chân núi Nam Hoa, ông đem hết tinh hoa của Đạo giáo của Lão Tử viết thành bộ sách, lấy tên núi Nam Hoa mà đặt, gọi là Nam Hoa kinh, đời sau người ta gọi là "sách Trang Tử".

 

Văn chương trong Nam Hoa kinh tiết tấu kỳ diệu, nhiều câu dùng phép biền ngẫu, lời văn luôn luôn bóng bẩy, trôi chảy, ảnh hưởng rất lớn đến các thi nhân đời sau như Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào,... và ngay cả đời nhà Đường như Lý Bạch, đời nhà Tống như Tô Đông Pha.

 

(**1) Lão Tử: Lão Tử là một nhân vật chính yếu trong Triết học Trung Quốc, sự tồn tại của ông trong lịch sử hiện vẫn đang còn tranh cãi. Theo truyền thuyết Trung Quốc, ông sống ở thế kỉ 6 TCN. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỉ 4 TCN, thời Bách gia chư tử và thời Chiến Quốc. Lão Tử được coi là người viết Đạo Đức Kinh - cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn, và ông được công nhận là Khai tổ của Đạo giáo (Đạo tổ). Mặc dù triết lí của ông chủ trương vô thần nhưng về sau này bị biến đổi thành một tôn giáo phù phiếm, thờ cúng tiên thần, luyện thuật trường sinh, những người theo tôn giáo này tôn ông làm Thái Thượng Lão Quân với rất nhiều phép thuật. Lão Tử đã trở thành một anh hùng văn hóa quan trọng đối với các thế hệ người Trung Quốc tiếp sau. Truyền thuyết cho rằng ông sinh ra ở huyện Khổ nước Sở (hiện nay là Lộc Ấp thuộc tỉnh Hà Nam). Một số truyền thuyết nói rằng khi sinh ra tóc ông đã bạc trắng, vì ông đã nằm trong bụng mẹ 8 hay 80 năm, điều này giải thích cho cái tên của ông, có thể được dịch là "bậc thầy già cả" và "đứa trẻ già".

 

Theo truyền thuyết, và một tiểu sử gồm cả trong cuốn sử của Tư Mã Thiên, Lão Tử là người cùng thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử và làm quan giữ sách trong thư viện triều đình nhà Chu. Khổng Tử đã có ý định hay đã tình cờ gặp ông ở nước Chu, gần nơi hiện nay là Lạc Dương, nơi Khổng Tử định đọc các cuốn sách trong thư viện. Theo những câu chuyện đó, trong nhiều tháng sau đó, Khổng Tử và Lão Tử đã tranh luận về lễ nghi và phép tắc, vốn là những nền tảng của Khổng giáo. Lão Tử phản đối mạnh mẽ những nghi thức mà ông cho là rỗng tuếch. Truyền thuyết Đạo giáo kể rằng những cuộc tranh luận đó có ích cho Khổng Tử nhiều hơn so với những gì có trong thư viện.

 

Sau này, Lão Tử nhận thấy rằng chính sự của đất nước đang tan rã và quyết định ra đi. Ông đi về phía Tây trên lưng một con trâu qua nước Tần và từ đó biến mất vào sa mạc rộng lớn. Nhiều cuốn ghi chép và bức tranh về Lão Tử còn lại đến ngày nay, thường thể hiện ông là một người già hói đầu với một chòm râu trắng hay đen và rất dài; ông thường cưỡi trên lưng một con trâu.

Tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử là một tác phẩm triết học kinh điển, đụng chạm tới nhiều vấn đề của triết học từ tính chất duy linh của cá nhân và động lực giữa các cá nhân cho đến các kĩ thuật chính trị.

 

Lão Tử đã phát triển khái niệm "Đạo", với nghĩa là "Con Đường", và mở rộng nghĩa của nó thành một trật tự vốn có hay tính chất của vũ trụ: "đạo là cách thức của thiên nhiên". Ông nhấn mạnh khái niệm vô vi, hay "hành động thông qua không hành động", "hành động thuận theo tự nhiên không có mục đích phi tự nhiên". Điều này không có nghĩa là người ta chỉ nên ngồi một chỗ và không làm gì cả, mà có nghĩa là ta phải tránh các mục đích rõ rệt, các ý chí mạnh, hay thế chủ động; ta chỉ có thể đạt tới hiệu quả thực sự bằng cách đi theo con đường của mọi vật, tự động tăng và tự động giảm. Những hành động được thực hành theo Đạo rất dễ dàng và có hiệu quả hơn mọi cố gắng để chống lại nó. Lão Tử tin rằng cần phải tránh bạo lực khi có thể, và rằng một chiến thắng quân sự nên là dịp để đau buồn thay vì ăn mừng chiến thắng.

 

Như nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc khác, cách giải thích của ông luôn sử dụng sự nghịch biện, loại suy, sử dụng các câu nói từ trước, lặp lại, đối xứng, vần và chuỗi sự kiện lặp lại. Những đoạn văn được cho là của ông rất giống thơ và khó hiểu. Chúng được coi là những điểm khởi đầu cho sự suy xét về vũ trụ học hay quan sát nội tâm. Nhiều lí thuyết mĩ học trong nghệ thuật Trung Quốc bắt nguồn từ những ý tưởng của ông và người kế tục nổi tiếng nhất của ông là Trang Tử.

 

Lão Tử đã để lại nhiều câu nói đã thành Danh Ngôn: Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam vạn vật. Người tri túc, không bao giờ nhục (tri túc bất nhục). Lưới trời lồng lộng, cao mà khó lọt ("Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất").Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghị tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật...Tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh. Thắng được mình là kiên cường...

 

(***) Đổng Trọng Thư: Đổng Trọng Thư (179 TCN-117 TCN) là nhà triết học duy tâm thời Tây Hán, một đại diện tiêu biểu của Nho học. Tiểu sử của ông được ghi tại Sử ký, "Nho lâm liệt truyện"; Hán thư, "Đổng Trọng Thư truyện", Tân luân, "Bản tạo".

 

Đổng Trọng Thư người Quảng Xuyên (thuộc huyện Táo Cường tỉnh Hà Bắc hiện nay). Ông xuất thân trong một gia đình đại địa chủ, thuở nhỏ đã khổ công học tập, nổi tiếng là "ba năm không ngó tới điền viên" nhằm dốc lòng nghiên cứu Công dương Xuân Thu truyện. Thời Hán Cảnh Đế (156 TCN - 141 TCN) đã nhậm chức Bác sĩ (quan chuyên giảng dạy về kinh điển của Nho gia). Lúc Hán Vũ Đế (140 TCN- 87 TCN) chọn người hiền lương có học vấn, ông lần lượt vâng chiếu ba lần trả lời đối sách, dâng vua bài Thiên nhân tam sách nổi tiếng. Vũ Đế đánh giá cao kiến nghị "bãi bỏ bách gia, độc tôn Nho học", rất mau chóng tiếp nhận ý kiến này, lại bổ nhiệm ông làm Tướng quốc cho Dịch vương ở Giang Đô. Sau này do ca ngợi những biến cố tai dị (sự trừng phạt của thiên nhiên đối với con người), khuyên giải Vũ Đế vì đã giết hại đại thần thân cận, làm cho Vũ Đế phẫn nộ, ông bị cách chức và bị nhốt vào ngục. Sau khi được thả ra, ông giữ chức Tướng quốc của Giao Tây vương.

 

(1) Mười vị Thánh đó là: 1.Văn Thánh Khổng Tử (nhà tư tưởng thời Xuân Thu); 2.Binh Thánh Tôn Vũ (nhà quân sự thời Xuân Thu); 3.Sử Thánh Tư Mã Thiên (nhà sử học thời Tây Hán); 4.Y Thánh Trương Trọng Cảnh (lang y thời Đông Hán); 5.Võ Thánh Quan Vũ (tướng lĩnh thời Đông Hán-Tam Quốc);  6.Thư Thánh Vương Hi Chi (nhà thư pháp thời Đông Tấn); 7.Họa Thánh Ngô Đạo Tử (họa sĩ thời Đường); 8.Thi Thánh Đỗ Phủ (nhà thơ thời Đường); 9.Trà Thánh Lục Vũ (thời Đường); 10.Tửu Thánh Đỗ Khang (1*) (thời Chu).

 

(1*) Đỗ Khang còn được gọi là Thiếu Khang, sống vào cuối thời Tây Chu, tương truyền là người phát minh ra cách nấu rượu ở Trung Quốc. Ông được những người nấu rượu, bán rượu thờ là ông tổ của nghề rượu, được nhân dân Trung Quốc tôn xưng là Tửu thần, Tửu thánh. Song không có sách nào ghi rõ lai lịch của ông. Lưu Linh là một trong Trúc lâm thất hiền, sánh ngang hàng với Nguyễn Tịch (người có “con mắt xanh”), Kê Khang, là những danh sĩ thời Tây Tấn. Ông nổi tiếng là ham uống rượu, từng làm bài thơ nổi tiếng Tửu đức tụng, ca ngợi những phẩm đức cao đẹp của rượu.

 

Tương truyền, Đỗ Khang do nổi tiếng với nghề nấu rượu, được Ngọc Hoàng triệu lên thiên cung nấu rượu ngự, thành tửu tiên. Một hôm, Vương Mẫu xuống trần hạ chiếu, nói rằng Lưu Linh vốn là đồng tử hầu rượu trong Diêu Trì của Vương Mẫu, say mê Đỗ Khang hạ trần để điểm hóa ông ta. Đỗ Khang mở quán rượu ở Long Môn sơn gần Lạc Dương, vừa bán rượu, vừa đợi Lưu Linh tới. Hôm đó, Lưu Linh cưỡi xe đi chơi, đi qua quán của Đỗ Khang, ngửi thấy mùi thơm từ trong quán bốc lên, không thể đừng được, bèn xuống xe, vào quán rượu. Lưu Linh tự cho mình có tửu lượng cao, không ngờ mới uống được ba cốc lớn đã say nghiêng say ngả, say liền một mạch ba năm mới tỉnh. Khi Lưu Linh say, ngã ra, đụng vào một vò rượu ngon, rượu chảy ra và chảy xuống ao nước trong xanh, thế là nước trong ao cũng thơm mùi rượu, đó chính là Ao Lưu Linh. Cho đến tận ngày nay, người Trung Quốc vẫn còn ngýời say rượu Lưu Linh!

 

(2) Hán Vũ Đế: tên thật là Lưu Triệt (156 TCN - 87 TCN), là vị Hoàng đế thứ bảy của nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông cai trị từ năm 140 TCN đến 87 TCN (54 năm), là vua trị vì lâu nhất trong các vua nhà Hán. Ông nổi tiếng là vị hoàng đế tài ba, đã làm nhiều việc củng cố nền cai trị và mở cửa ra bên ngoài. Do kiêng tên húy của Vũ Đế, các sách vở Trung Quốc thời đó phải chép chữ Triệt ra chữ Thông. Sau này một số sách vở dùng tư liệu của đời Hán soạn cũng chép tương tự. Tiểu sử của ông được ghi tại Hán thư (2*), quyển 6 “Vũ Đế kỷ” và Sử ký, quyển 28 “Phong thiện thư”.

 

(2*) Hán thư là một tài liệu lịch sử Trung Quốc cổ đại viết về giai đoạn lịch sử thời Tây Hán từ năm 206 TCN đến năm 25. Đôi khi, sách này cũng được gọi là Tiền Hán thư để phân biệt với cuốn Hậu Hán thư

 

(2*1), viết về giai đoạn Đông Hán từ năm 25 đến năm 220, được Phạm Việp viết trong thế kỷ 5. Cuốn sách này do Ban Bưu (2*2) khởi xướng. Sau khi ông chết, người con trai cả Ban Cố tiếp tục hoàn thành cuốn sách, lên tới tổng số 100 tập, và gồm nhiều bài luận về pháp luật, khoa học, địa lý, và văn chương. Em gái út của Ban Cố là Ban Chiêu (còn gọi là Ban Cơ) cùng Mã Tục - người ở Phù Phong - đã hoàn thành tác phẩm năm 111, 19 năm sau khi ông chết trong ngục. Ban Chiêu và Mã Tục là người soạn thảo những tập nhỏ từ 13-20 (tám biểu biên niên) và tập 26 (thiên văn chí) được gộp trong tác phẩm đó.

Hán thư tuy mô phỏng cách làm sử của Sử ký nhưng có những thay đổi, sáng tạo mới. Ban Cố không đề cập các thời đại trước nhà Hán như Tư Mã Thiên mà chỉ tập trung vào viết sử về nhà Hán. Hán thư được đánh giá là bộ sử về lịch sử giai đoạn hoàn chỉnh nhất ở Trung Quốc.

 

Hán thư là kho tư liệu phong phú và đa dạng, trong đó bảo lưu được nhiều văn kiện lịch sử quan trọng có giá trị, với nhiều chiếu thư, tấu chương và trước tác thể hiện sách lược, mưu kế, tư tưởng chính trị, ngoại giao của các nhân vật. Hán thư còn bổ sung thêm khá nhiều tư liệu về các dân tộc thiểu số mà Tư Mã Thiên chưa đề cập trong Sử ký. Ngoài ra, Hán thư còn có các thiên Bách quan công khanh biểu, Hình pháp chí, Địa lý chí, Nghệ văn chíSử ký không có.

 

Khi viết tác phẩm này, Ban Cố sử dụng khá nhiều cổ văn, dùng chữ Hán cổ. Do đó, đây là tác phẩm khó đọc, khó tiếp cận và nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đánh giá, thậm chí ngay cả những người cùng thời với Ban Cố chưa chắc đã hiểu hết Hán thư. Cách viết sử chỉ tập trung về một triều đại của Ban Cố ảnh hưởng rất lớn đến đời sau..Trong Nhị thập tứ sử, Hán thư cùng với Sử ký được xếp lên trên hết, được coi là kinh điển sử học quan trọng nhất.

 

Hán thư cùng với cuốn Sử ký, Tam Quốc chíHậu Hán thư thành bộ Tiền tứ sử nổi tiếng.

 

(2*1) Hậu Hán thư: Hậu Hán Thư là một trong những tác phẩm lịch sử chính thức của Trung Quốc do Phạm Việp biên soạn vào thế kỷ thứ 5, sử dụng một số cuốn sách sử và văn bản trước đó làm nguồn tư liệu. Nó bao gồm giai đoạn lịch sử Đông Hán từ năm 25 đến năm 220.

(2*2) Ban Bưu: là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc thời bấy giờ, là cha đẻ của Ban Chiêu (45-116), tự là Huệ Ban , được xem là nữ sử gia đầu tiên của Trung Quốc.

 

Ban Chiêu là em gái của Ban Cố - nhà sử gia nổi tiếng. Bà còn có một người anh nữa là tướng quân Ban Siêu. Ban Chiêu thưởng được mời vào Hoàng cung để dạy kinh sử cho hoàng hậu và các quý nhân trong cung đình. Năm 14 tuổi, Ban Chiêu gả cho Tào Thế Thúc. Vì thế nên trong triều bà còn được gọi là Tào phu nhân .Tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ này rất hạnh phúc, nhưng chỉ được 10 năm, Tào Thế Thức qua đời, bà thủ tiết thờ chồng. Tài khiếu viết văn của Ban Chiêu trước hết thể hiện trong quá trình giúp anh trai tên là Ban Cố viết cuốn Tiền Hán Thư, đây là cuốn sử đoạn đại mang thể loại ký truyện đầu tiên của Trung Quốc, có địa vị ngang hàng với cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên. Cha của Ban Chiêu là người đầu tiên bắt tay vào việc viết bộ sử này, sau khi cha qua đời, anh trai Ban Chiêu tên là Ban Cố tiếp tục hoàn thành việc này.Tuy nhiên, chẳng được bao lâu sau, đến năm 92 TCN thì Ban Cố bị tống giam và chết, do có can hệ với Đậu Hiến - gia đình Chương Đức hoàng hậu. Hán Hòa Đế cho phép Ban Chiêu được vào Đông Quan tàng thư để tiếp tục công việc biên soạn bộ Hán Thư. Những phần do bà soạn, từ tập 13 đến 20 (bát biểu biên niên) và tập 26 (thiên văn chí), được coi là mẫu mực cho nhiều tác phẩm lịch sử về sau. Sau khi bộ Tiền Hán Thư cho xuất bản, đã được sự đánh giá rất cao. Một miệng núi lửa trên Sao Kim được đặt theo tên của Ban Chiêu.

 

Gia đình họ Ban: Ban Bưu (cha) có ba con: Ban Cố (anh cả); Ban Siêu ( anh thứ); Ban Chiêu.

 

(3) Trương Nghi (? - 309 TCN) là nhà du thuyết nổi tiếng thời Chiến Quốc. Ông sử dụng tài chính trị và tài thuyết phục của mình mà gây dựng sự nghiệp. Ông là đại diện tiêu biểu của phái Tung hoành gia, đề xướng chính sách Liên hoành, chống lại việc Hợp tung của Tô Tần. Trương Nghi là người nước Ngụy, bạn đồng môn với Tô Tần, theo học thầy Quỷ Cốc Tử.

 

(3*) Tô Tần: Tô Tần (? - 316? TCN), tự Quý Tử người ở Lạc Dương nước Đông Chu, là một biện sĩ đi du thuyết thời Chiến Quốc. Tương truyền ông là học trò của thầy Quỷ Cốc Tử, bạn đồng môn với Trương Nghi. Ông là một trong những đại diện tiêu biểu của phái Tung Hoành Gia. Tô Tần đi nhiều nước đề xuất việc hợp tung liên kết các nước Hàn, Ngụy, Triệu, Yên, Tề, Sở để chống lại nước Tần.

 

(4) Lý Lăng: Toàn bộ tình tiết “vụ án Lý Lăng” được Tư Mã Thiên nói rõ trong “Thư trả lời Nhâm An” in ở phần đầu cuốn “Sử ký Tư Mã Thiên” do Nhữ Thành dịch và giới thiệu, NXB Văn học, Hà Nội, 1988.

 

(5) Người Hung Nô, là các bộ lạc du cư ở khu vực Trung Á, thuộc Mông Cổ ngày nay. Từ thế kỷ 3 TCN họ đã kiểm soát một đế chế rộng lớn trên thảo nguyên, kéo dài về phía tây tới khu vực Kavkaz (Caucasus). Các hoạt động của họ diễn ra chủ yếu tại các khu vực thuộc miền nam Siberi, miền tây Mãn Châu và các tỉnh, khu tự trị ngày nay của Trung Quốc là Nội Mông, Cam Túc và Tân Cương. Quan hệ giữa người Hán và người Hung Nô rất phức tạp và bao gồm các xung đột quân sự, các trao đổi cống phẩm và thương mại, cũng như các thỏa ước về hôn nhân.

Theo các sử liệu Trung Quốc như Sử ký‎, Hán thư thì đến thời Đông Hán, người Hung Nô bị phân ra thành hai bộ phận cơ bản là: Nam Hung Nô (Sau bị Hán hóa), Bắc Hung Nô (Di dời về phương Tây vào khoảng thế kỷ 4). Ngoài ra còn một bộ phận nữa gọi là Tây Hung Nô, nhưng gần như không có thông tin gì về nhóm này.

 

(6) Tư Mã Quang (1019-1086), người huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, tự Quân Thật, hiệu Vu Tẩu, là một nhà sử học, học giả Trung Quốc, thừa tướng thời nhà Tống. Ông luôn giữ tư tưởng truyền thống bảo thủ, vì vậy ông trở thành nhân vật trung tâm của phe bảo thủ chống lại những biện pháp cách tân của Vương An Thạch (6*).

 

Đóng góp lớn nhất trong lĩnh vực sử học của Tư Mã Quang là bộ sách sử Tư trị thông giám. Tư trị thông giám không chỉ đề cập các sự kiện lịch sử mà còn có những bình luận, kiến giải về các sự kiện đó. Được Tống Thần Tông ủng hộ, cùng với những tài liệu mà ông sưu tầm, ông có tổng cộng gần 4 vạn đầu sách tham khảo để viết Tư trị thông giám. Cuốn sách được hoàn thành vào năm 1084, sau 19 năm biên soạn công phu. Tư trị thông giám có ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử sử học Trung Quốc, thành công được đánh giá ngang với Sử ký Tư Mã Thiên.

 

(6*) Vương An Thạch (1021-1086), tự Giới Phủ, hiệu Bán Sơn Lão Nhân, người ở Phủ Châu - Lâm Xuyên (nay là huyện Đông Hương, tỉnh Giang Tây), là một nhà văn nổi tiếng thời nhà Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc.

 

(7) Lã Bất Vi (292235 TCN): là một thương gia thời Chiến Quốc, giữ chức thừa tướng cho nước Tần. Lã Bất Vi là cha của Doanh Chính tức vua Tần Thuỷ Hoàng nước Tần - vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa. Ông được cho là người nổi tiếng trong lịch sử về buôn quan bán tước.

 

Lã thị Xuân Thu còn gọi là Lã Lãm, do Lã Bất Vi sai các môn khách soạn ra những điều mình biết, hợp lại thành sách. Bộ sách hoàn thành vào năm thứ 8 ðời Tần vương Chính (239 TCN).

 

Sử ký Tư Mã Thiên ghi lại nguyên do ra đời của bộ sách Lã thị Xuân Thu như sau:

Bấy giờ ở Ngụy có Tín Lăng Quân, ở Sở có Xuân Thân Quân, ở Triệu có Bình Nguyên Quân, ở Tề có Mạnh Thường Quân, đều đua nhau quý kẻ sĩ, chiều tân khách. Bất Vi thấy Tần mạnh mà mình không bằng họ nên xấu hổ cũng đón mời các kẻ sĩ đãi rất hậu, khách ăn trong nhà có đến ba nghìn. Khi ấy chư hầu có nhiều biện sĩ, như bọn Tuân Khanh làm sách truyền bá ra thiên hạ. Bất Vi bèn sai các khách soạn ra những điều mình biết, họp lại làm tám Lãm, sáu Luận, mười Kỷ gồm hơn hai mươi vạn chữ, cho là đủ hết những việc trời, đất, muôn vật, xưa nay; đặt tên sách là Lã Thị Xuân Thu.

 

(8) Khuất Nguyên: tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông học rộng, nhớ dai, giỏi về chính trị, lại có tài văn chương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.

 

Ngoài tập Ly Tao là tập thơ bất hủ của ông để lại, ông còn có nhiều sáng tác thơ khác như Sở từ, Thiên Vấn (Hỏi trời), v.v… Đến cuối đời ông bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày đi Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú "Hoài Sa" rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.

 

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 7458
Ngày đăng: 30.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Rồng Trong Tâm Thức Người Việt - Phùng Thành Chủng
Vẻ đẹp “siêu thực” trong Thơ. - Yến Nhi
Thiên nhiên vắng bóng trong tiểu thuyết Lê Văn Trương - Trần Văn Nam
Tây Du Ký – Đệ tam danh tác - Đỗ Ngọc Thạch
Vai Trò Của Hà Nội Trong Sự Phát Triển Của Chữ Quốc Ngữ, Báo Chí Và Văn Học Việt Nam Thời Hiện Đại (Nửa Đầu Thế Kỷ XX) - Lại Nguyên Ân
Đệ Nhị Danh Tác: Thủy Hử Truyện - Đỗ Ngọc Thạch
Cảm Thức Tính Văn Chương Lạ Trong Dòng Văn Học Phi-Lý - Trần Văn Nam
Hà Nội Những Năm 1930 Nhìn Từ Cầu Long Biên, Qua Một Sáng Tác Của Vũ Trọng Phụng - Lại Nguyên Ân
Bình Định Trong Thơ Yến Lan - Lâm Bích Thủy
Tính Quy Phạm Và Sự Phá Vỡ Nó Trong Thể Loại Thơ Đường Luật Văn Học Trung Đại Việt Nam-1 - Bùi Tuý Phượng
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)